Saturday, September 1, 2012

Gậy ông đập lưng ông






 



30/08/12
|



Gậy ông đập lưng
ông





Tác giả Song Chi



Sức mạnh và sự tồn tại của một nhà nước độc
tài phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát thông tin trong xã hội. Một mặt,
hạn chế, bưng bít tất cả những thông tin trung thực nhưng bất lợi, mặt khác,
lèo lái, hướng dẫn mạng lưới truyền thông lẫn hệ thống giáo dục, tuyên truyền…trong
nước theo hướng có lợi cho chế độ, kể cả bóp méo, làm sai lệch sự thật, tạo ra
những luồng thông tin dối trá và dối trá.



Nhà nước cộng sản Trung Quốc hay VN cũng
không là ngoại lệ.



Với nhà cầm quyền VN, khả năng kiểm soát
thông tin đó đã giúp họ tồn tại cho đến nay là hơn 6 thập kỷ, qua những giai đoạn
khó khăn nhất. Ngay cả trong những ngày miền Bắc vật vã trong đói nghèo, chiến
tranh và những sai lầm liên tiếp của công cuộc cải cách ruộng đất hay chiến dịch
đánh phá phong trào Nhân văn giai phẩm; những ngày cuộc chiến tranh với Mỹ và
miền Nam đang căng thẳng nhất; hoặc khi cả nước sắp đứng trước bờ vực của sự chết
đói sau hơn 10 năm tiến hành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được áp dụng theo miền
Bắc…



Khi còn kiểm soát được thông tin, kiểm soát
được từ tư tưởng, tình cảm, cho đến hành động nhỏ nhất của người dân, bên cạnh
việc nắm giữ lực lượng an ninh, công an, quân đội…thì chế độ cộng sản vẫn còn
an toàn.



Sự an toàn tuyệt đối đó đã bị phá vỡ kể từ
khi có internet ra đời. Từng ngày từng ngày bức tường sắt ngăn chặn thông tin của
nhà cầm quyền bị xuyên thủng, rò rỉ cho những luồng thông tin từ bên ngoài tràn
vào. Sự độc quyền thông tin không còn, đồng thời tất cả sự hạn chế, méo mó, sai
lệch của cái hệ thống thông tin đặt dưới sự kiểm duyệt, lèo lái của nhà nước ấy
dần dần bị phơi bày trước mắt người dân.



Nhu cầu khao khát thông tin, khao khát sự thật
dẫn dắt người dân đến với những nguồn thông tin bên ngoài. Và khi nguồn thông
tin này bao gồm báo chí quốc tế, báo chí của người Việt ở nước ngoài, các diễn
đàn độc lập, mạng lưới trang blog cá nhân mọc lên như nấm sau mưa… càng lúc
càng mạnh, phong phú, cập nhật nhanh, đa chiều hơn hẳn, thì người dân cũng dần
dần không buồn đọc/nghe/xem nguồn thông tin chính thức trong nước hoặc đọc/nghe/xem
với con mắt biết hoài nghi, đối chiếu, so sánh trong-ngoài…



Nhà cầm quyền, do vậy, không còn thi hành được
chính sách ngu dân tuyệt đối như trước nữa.



Nhưng họ vẫn tìm mọi cách để không công khai
minh bạch mọi thông tin mà người dân cần biết và có quyền được biết từ phía nhà
cầm quyền.



Từ nhân thân, tính nết, năng lực thật sự, tài
sản…của các quan chức lớn nhỏ, đặc biệt là các nhân vật lãnh đạo cho đến những
chính sách, phương hướng, đường lối điều hành quản lý đất nước trong mọi lĩnh vực,
đối nội và đối ngoại.



Từ thực chất mối quan hệ Việt-Trung trong bao
nhiêu năm, nội dung của những bản hiệp ước, hiệp định về lãnh thổ lãnh hãi đã
ký kết giữa hai bên cho đến những gì đang thực sự diễn ra trên biển Đông hiện
nay và những kịch bản nào sẽ xảy ra cho đất nước trong tương lai…



Từ những sai lầm trong chính sách về kinh tế
dẫn đến tình trạng suy yếu, bất ổn kéo dài của nền kinh tế vĩ mô, thực chất của
vấn đề nợ công hay tình trạng làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước đang
ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và làm thế nào để thay đổi….cho đến sự thật
phía sau những vụ án lớn về kinh tế như vụ PMU18, vụ Vinashine, Vinalines…



Hay mới đây là vụ ông Nguyễn Đức Kiên, ông Lý
Xuân Hải bị bắt. Tất nhiên, một vụ án khi đang trong quá trình điều tra có những
điều không thể công bố nhưng người dân cũng thừa hiểu rằng, cho dù sau này khi
vụ án đã được đưa ra xử lý, nhân dân cũng không bao giờ được biết thực sự các
ông này bị tội gì, liên quan đến ai, tầm vóc của sự việc đến đâu v.v…và v.v…Báo
chí được phép đăng cái gì, bao giờ đăng, đăng đến đâu…đều đã được chỉ đạo, theo
dõi kỹ càng.



Hệ quả từ sự không công khai, minh bạch thông
tin này đã quá rõ. Thứ nhất, kìm hãm chức năng thông tin, khám phá, bảo vệ sự
thật của báo chí, báo chí quốc doanh bị biến thành công cụ, cái loa của nhà cầm
quyền trong lúc báo chí bên ngoài ngày càng thu hút mạnh mẽ người đọc như đã
nói ở trên. Thứ hai, tạo những khoảng trống thông tin trong xã hội cho những
tin đồn, tin hành lang, những giả thuyết, phỏng đoán gây nhiễu…lan tràn, khiến
người dân càng thêm mất lòng tin vào nhà nước, từ đó cứ việc mình mình làm, tự
bảo vệ mình, suy xét mọi việc theo đám đông.



Như trong vụ bầu Kiên bị bắt vừa qua. Sự
hoang mang, sợ hãi do không nắm được thông tin rõ ràng, không hiểu chuyện gì
đang/sắp/sẽ xảy ra cộng với tâm lý bầy đàn, hiệu ứng đám đông nên các nhà đầu
tư chứng khoán đua nhau báo tháo các cổ phiếu, thị trường chứng khoán bị một
phen tụt dốc thê thảm, bên cạnh đó, người dân ùn ùn đi rút tiền tại các ngân
hàng được cho là có liên hệ với bầu Kiên khiến nhà nước phải bơm hàng ngàn tỷ đồng
hỗ trợ thanh khoản. Giá vàng cũng theo đó tăng vọt lên…



Nhà cầm quyền từ chỗ phải nhường bước, trở
thành lép vế trên mặt trận truyền thông tiến tới không kiểm soát và khống chế
được thông tin bên ngoài nữa.



Càng ngày, việc không công khai minh bạch hóa
thông tin càng đưa đến tình trạng bất lợi cho chính nhà cầm quyền.



Về mặt kinh tế, VN từ lâu đã trở thành một mảnh
đất mầu mỡ cho nạn tham nhũng tràn lan, sự lãng phí, tình trạng ăn cướp, vơ vét
tài nguyên thiên nhiên, tài sản của đất nước và nhân dân một cách trắng trợn bằng
mọi thủ đoạn của những kẻ có chức có quyền cũng như sự tung hoành của mọi loại
tội phạm kinh tế trong và ngoài nước…Về mặt xã hội, VN cũng là mảnh đất màu mỡ
cho mọi loại tội phạm hình sự, do được điều hành bằng luật của đảng và luật rừng,
tình trạng đạo đức xuống cấp, những bất công phi lý cứ ngang nhiên tồn tại khắp
nơi…



Còn về mặt thông tin, ở VN đang tồn tại một
nghịch lý rõ rệt: những loại thông tin vô bổ, thậm chí rác rưởi như việc đi sâu
khai thác tỉ mỉ các vụ án hình sự cướp giết hiếp, thế giới showbiz và những trò
lố lăng v.v…thì tràn ngập, trong khi đó, những thông tin cần thiết cho người
dân trong mọi lĩnh vực đời sống quốc gia và đời sống cá nhân, được công khai từ
phía nhà nước thì rất ít. Những thông tin đúng thì rất hiếm mà các loại tin đồn,
tin chắp nối vỉa hè, các loại giả thuyết, phỏng đoán thì nhiều.



Gần đây các loại thông tin như vậy phần lớn
được tung ra từ một trang mạng có tên là Quan Làm Báo, chưa biết rõ mục đích thật
sự là gì, do ai/nhóm nào điều hành, nhưng rõ ràng kiểu đưa tin nửa úp nửa mở,
pha trộn giữa tin đồn, và những thông tin có được bằng những con đường bí ẩn
nào đó, với cách viết giật gân, thấp tầm, bất cần kiểm chứng, đã “lấp chỗ trống”
phần nào cho người dân đang tò mò và thiếu thốn những loại thông tin chính thức
từ phía sau hậu trường chính trị VN.



Nếu theo dõi các bài viết trên trang Quan Làm
Báo, người ta có thể suy đoán, hoặc trang mạng này do tay chân của phe nhóm này
lập ra để triệt hạ uy tín của phe kia, mà ở đây sự ủng hộ dành cho phe nào thì
vẫn không dám khẳng định chắc chắn, nhưng phe bị chĩa mũi dùi thì rõ ràng là
phe của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu quả đúng như vậy thì việc khui những
bí mật động trời của nhau ra cũng chỉ nhằm mục đích chính là đánh nhau, chứ
không phải vỉ thật sự muốn “mở mắt” cho người dân. Mặt khác, dựa vào sức mạnh của
trang web không bị đánh sập bởi an ninh mạng VN, cộng với cách hành văn, lỗi
chính tả….cho thấy có vẻ như không phải do một nhóm người Việt chủ trương. Và nếu
vậy thì do ai, từ đâu?



Có người đã từng đặt ra vấn đề, rằng trong mọi
lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao…TQ là tay tổ chuyên nghề đánh
phá VN từ xưa đến nay, bằng mọi thủ đoạn tinh vi nhất để kìm hãm không cho VN
phát triển. Và thực tế đã cho thấy TQ làm điểu đó không có gì khó, với một nhà
cầm quyền ngu muội, hèn nhát, có tầm nhìn ngắn, lại tham lam, cố bám giữ quyền
lực đến cùng và luôn luôn đặt quyền lợi của phe nhóm, của chế độ lên trên quyền
lợi của đất nước, dân tộc như nhà nước cộng sản VN. Do đó, trong lĩnh vực thông
tin, nếu Bắc Kinh muốn phá, trình độ của họ, chẳng có gì mà họ không làm được.
Như việc tạo ra một trang mạng kiểu như Quan Làm Báo, tung ra những thông tin
hư hư thực thực, chẳng hạn.



Và trong cả hai trường hợp, về lâu về dài, thực
sự chẳng có lợi gì cho VN và cho người dân VN.



Một ví dụ nhỏ, về góc độ kinh tế xã hội, những
thông tin do trang này tung ra như hàng loạt tin đồn nhân vật này nhân vật kia
trong giới kinh doanh, tài chính ngân hàng bị bắt hoặc bị quản thúc, khiến các
nhân vật này phải lên tiếng cải chính hoặc xuất hiện công khai. Và người dân, những
ai đọc được những thông tin loại này thì hoang mang thêm, rồi người này truyền
tai người kia, rủ nhau đi rút tiền ở ngân hàng này ngân hàng khác, khiến hệ thống
ngân hàng VN vốn đang bị khủng hoảng do nợ xấu đã đến mức báo động, cộng thêm
tình trạng rối loạn do các nhóm lợi ích tìm mọi cách thao túng, lũng đoạn …nay
càng thêm rối. Còn dưới góc độ thông tin, mặc dù nó có thể đáp ứng cho người
dân phần nào những bí mật xấu xa mà nhà cầm quyền muốn che dấu, nhưng nó cũng
làm nhiễu loạn thêm.



Cuối cùng thì nhà cầm quyền VN đã rơi vào thế
“gậy ông đập lưng ông”. Vì muốn bưng bít thông tin, vì không chấp nhận sự công
khai minh bạch như trong một xã hội tự do dân chủ nên họ mới bị rơi vào thế
lúng túng, đối phó bị động tứ bề như hiện nay.



Nguồn: Song Chi blog (RFA)



 



 



 



 



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link