Sunday, August 26, 2012

Yêu Cầu Minh Bạch Trong Giao Dịch Tài Chính Quốc Tế


 

 Yêu Cầu Minh Bạch Trong Giao Dịch Tài Chính Quốc Tế

(08/22/2012)


Thuần về kinh tế, đầu cơ chỉ là đầu tư và không hàm ý xấu xa về đạo đức mà thật ra cũng khác với nạn tích trữ...

Trong một chương trình trước, khi trình bày bối cảnh của vụ tai tiếng về lãi suất Libor, chúng ta có thấy ra một yêu cầu khách quan của các thị trường tài chính. Đấy là sự minh bạch và bình đẳng của mọi người ở trong cuộc, như các ngân hàng và giới đầu tư. Vụ khủng hoảng về lãi suất Libor bùng nổ vì một số ngân hàng lại ở vào vị trí ưu đãi là đưa ra những con số thiếu xác thực về lãi suất nên có thể trục lợi bất chính. Vì vậy, họ đang bị điều tra và truy tố. Xuyên qua vụ tai tiếng ấy, người ta còn thấy ra một thực tế là các ngân hàng có thể là thiểu số chiếm ưu thế và gây thiệt hại cho đại đa số những người còn lại.

Chính là cảm nghĩ chung của mọi người về tình trạng bất công ấy mới khiến dư luận nói đến "thiểu số 1%" các đại gia cự phú đã cùng nhau chia chác quyền lợi trên đầu trên cổ của đa số còn lại. Nhưng thuần về kinh tế thì sự thể diễn tiến thế nào, nhất là với loại hình đầu tư cực kỳ phức tạp như các "biến phiếu" hay "dérivatifs" mà chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa đã đề cập trong một chương trình trước.

Kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về chuyện đó qua cuộc phỏng vấn sau đây....

RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Thưa anh, như đã hẹn kỳ trước khi chúng ta phân tích vụ tai tiếng Libor, tuần này ta sẽ cùng trao đổi về loại hình đầu tư "dérivatifs" rất phức tạp mà anh gọi là "biến phiếu". Thí dụ như loại "swap de devises" hay hợp đồng hoán đổi ngoại tệ mà người ta gọi theo Anh ngữ là "currency swap" hay nhiều loại đầu tư khác. Vấn đề đặt ra ở đây là trong môi trường đầu tư cực kỳ rắc rối ấy, có thể nào mà người đầu tư bị một thiểu số là các ngân hàng bóc lột một cách bất chính hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thấy rằng đề tài này rất hấp dẫn và cần thiết ở hai khía cạnh.

- Thứ nhất là về đạo tắc, hay quy tắc đạo đức, khi mà một thiểu số lại có ưu thế về thông tin hơn đa số còn lại thì nhà nước có cách nào giải trừ hay ngăn ngừa được không? Thứ hai là về thực tế vì vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2008 chính là từ các ngân hàng phá sản do mất vốn trong các nghiệp vụ đầu tư biến phiếu như những kén nợ chằng chịt mà bên trong bị ung thối cỡ nào thì chẳng ai biết. Trước hết, ta sẽ phải đi lại từ đầu để nói về khái niệm đầu tư và đầu cơ.

- Đầu tư là khi mình nhịn tiêu thụ và dùng tài sản đó cho một việc khác với kỳ vọng có lời cao hơn sau này, nhưng cũng với rủi ro là có thể bị lỗ. Trong hoạt động đầu tư ấy, có loại khí cụ có thể đem lại mức lời rất cao nhưng cũng với rủi ro rất nặng, khi ấy, người ta gọi là đầu cơ hay "spéculation". Thuần về kinh tế, đầu cơ chỉ là đầu tư và không hàm ý xấu xa về đạo đức mà thật ra cũng khác với nạn tích trữ mà người Việt chúng ta thường nghĩ.

- Chuyện thứ hai là trong nghiệp vụ đầu cơ, người ta có hai phe hai vế là người mua và kẻ bán, và mối lời của người này là khoản lỗ của người kia theo quy luật tôi xin tạm gọi là "hơn bù kém" hay "jeu à somme nulle", nói theo tiếng Pháp. Điều ấy có khác với đầu tư sản xuất là khi người mua kẻ bán đều có lợi. Vì vậy, những người nhập cuộc đầu cơ đều phải ý thức được sự rủi ro nằm trong bản chất của nghiệp vụ, chính quyền chỉ có thể giám sát để bảo đảm tính chất bình đẳng và trong sáng minh bạch của luật chơi. Nhưng ngay từ đó mình cũng thấy nổi cộm một quy luật là "có ăn có chịu", khi lỗ thì đừng đòi chính quyền hay ai đó nhảy ra chuộc nợ cho mình.

RFI: Anh quả là rất kỹ khi phân tích quy luật căn bản của luật chơi này trên các thị trường đầu cơ tài chính. Bây giờ mình bước vào cuộc thì sự thể diễn tiến thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin phép là vẫn nói về căn bản của luật chơi trong thị trường đầu tư hay đầu cơ tài chính.

- Thí dụ như trên thị trường cổ phiếu, ngần ấy tác nhân hay nhà đầu tư đều nhập cuộc và mua hay bán cổ phần của các công ty được công khai niêm yết trên thị trường. Trong loại đầu cơ về "biến phiếu" thì ta có hoàn cảnh khác là đôi bên thỏa thuận riêng với nhau về những giao kết, người ta gọi đó là giao dịch qua quầy, "over the counter" hay "gré à gré".

- Tôi xin lấy một thí dụ cho dễ hiểu là khi mình... bước vào sòng bạc vì thật ra đầu cơ như vậy cũng chỉ là một cách đánh bạc hay cá độ! Hai người có thể đánh bạc đánh cá với nhau và ở giữa là một kẻ vô can chỉ có nhiệm vụ chia bài và ăn tiền sầu, ăn hoa hồng. Nhưng người ta cũng có thể đánh bạc hay đánh cá với chủ sòng, là nhà cái, khi ấy thì tương quan đã bất lợi cho con bạc.

- Hai ngân hàng có thể giao dịch với nhau trên thị trường song phương theo lối lời thì ăn, lỗ thì chịu chứ không thể bắt nhà nước tức là dân thọ thuế chi tiền cấp cứu khi họ phá sản. Nhưng nếu ngân hàng lại thủ vai nhà cái với những lá bài do họ xào nấu trong tay áo, là vấn đề đang bị điều tra trong vụ lãi suất Libor, thì các con bạc là giới đầu cơ sẽ bị thiệt hại.

- Đấy là chuyện thiếu minh bạch và bình đẳng trong luật chơi. Khi lãi suất này lại ảnh hưởng đến mấy trăm ngàn tỷ đô la của các thị trường tài chính quốc tế thì vấn đề thành nghiêm trọng vì có thể đánh sụp cả nền kinh tế. Bây giờ ta mới bước qua các loại hình giao dịch biến phiếu hay "dérivatifs" được trao đổi theo kiểu song phương, qua quầy, giữa người mua với kẻ bán.

RFI: Thưa anh, họ mua những gì hay bán những gì và tính toán thế nào về triển vọng sinh lời?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin nói riêng về một loại trong nhiều loại đầu tư như vậy, đó là hợp đồng giao dịch ngoại tệ hay "swap de devise" mà cô hỏi hồi nãy. Xin lại đi từ căn bản.

- Trong luồng giao dịch ngoại thương giữa các nước, người ta cần tới ngoại tệ, là đơn vị tiền tệ của một xứ khác. Mà giá trị của ngoại tệ này có thể lên hay xuống khi so với một đồng tiền khác. Như vậy, làm sao giảm thiểu rủi ro trong tương lai là khi ta cần một ngoại tệ nào đó để thanh toán nghiệp vụ xuất nhập cảng hay vay mượn của mình? Nhu cầu khách quan ấy mới dẫn đến sự xuất hiện của những người môi giới, trung gian. Họ ký sẵn hợp đồng bảo đảm sẽ cung cấp loại ngoại tệ này theo một hối suất hay tỷ giá nào đó với hy vọng kiếm lời hoặc rủi ro bị lỗ.

- Vì thế, những người môi giới này mới có trong tay một nắm hợp đồng mua hay bán của nhiều loại ngoại tệ và cũng có nhu cầu giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Họ gặp nhau trên thị trường giao dịch ngoại tệ và thủ thân bằng loại hợp đồng hoán đổi ký kết với nhau. Hợp đồng ấy quy định việc trao đổi hai khoản nợ của hai loại ngoại tệ. Trong khoản nợ này ta có phần vốn và phần lời, tức là lãi suất. Đến kỳ hạn thì người ta có thể thanh thỏa một khoản nợ bằng một khoản nợ khác, của một ngoại tệ khác. Nghĩa là người ta thỏa thuận mua bán với nhau hai tờ giấy nợ và trị giá tương lai của giấy nợ đó chính là tiền lời, là lãi suất.

RFI: Quả là một chuyện quá sức phức tạp thưa anh. Nhưng sự hữi ích của lối đầu tư này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta hãy mới lùi lại mà nhìn trên toàn cảnh. Các doanh nghiệp xuất nhập cảng cần ngoại tệ để giải quyết nhu cầu buôn bán của họ và có thể bị rủi ro hối đoái. Môt công ty Anh cần đồng Yen Nhật để thanh toán việc mua bán với doanh nghiệp Nhật, trong khi một công ty Nhật lại cần đồng Bảng của Anh và cả hai đều có thể bị rủi ro nếu hai ngoại tệ này lên hay xuống giá bất ngờ. Họ bèn san sẻ và giảm thiểu rủi ro ấy nhờ các tay trung gian đang làm nghiệp vụ đầu cơ ngoại tệ với nhau.

- Các tay đầu cơ này bước vào canh bạc với hy vọng tìm ra hợp đồng vay mượn ngoại tệ rẻ nhất và với nhu cầu phòng ngừa biến động thái quá trên thị trường ngoại hối. Trong tính toán đó mới có nghiệp vụ đầu tư "đối xung", là đóng chốt ở hai đầu đối nghịch, khi ký một hợp đồng dự báo là ngoại tệ này hay lãi suất này sẽ lên giá cùng với một hợp đồng trái ngược.

- Chuyện này chưa đủ phức tạp đâu vì không chỉ có những kẻ đầu cơ bị lỗ khi tính sai mà còn có nạn lạm dụng như trường hợp Chính quyền Hy Lạp đã nhờ tập đoàn đầu tư tài chính Mỹ là Goldman Sachs huy động cho một khoản nợ trị giá một tỷ đô la trên thị trường giao dịch ngoại hối loại này vào năm 2002, với gian ý là không bút ghi nghiệp vụ vay mượn trong bảng tổng kết tài sản của quốc gia. Tức là có khách nợ đã gian lận nhờ sự đồng lõa của một ngân hàng đầu tư thuộc loại đại gia quốc tế. Đến khi Hy Lạp vỡ nợ thì bắt đền ai? Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008 và tại Âu Châu ngày nay có liên hệ đến hình thái đầu tư tinh vi và phức tạp ấy.

RFI: Anh cứ lần lượt mở ra từng mối của mớ bòng bong rắc rối này, như vậy, câu hỏi mà thính giả thắc mắc là nhiều ngân hàng đã trục lợi phi pháp và nhiều chính quyền đã nhờ ngân hàng giúp mình gian lận. Thế thì ai được và ai thua ở trong canh bạc phải nói là rất quái đản này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là chưa đủ quái đản đâu vì trong cuộc còn có một nhà cái khác là các chính quyền.

- Xin hãy nói về trường hợp Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Mỹ như Lehman Brothers hay AIG đã lấy rủi ro rất lớn mà chính họ cũng không ước đoán được khi bước vào thị trường đầu cơ này. Mỗi khi mua hay bán họ đều ăn hoa hồng và cứ thế mà đẩy kén nợ thối như một cục than hồng vào tay người khác. Trong khi ấy, về cơ bản thì vốn pháp định của họ không đủ trang trải rủi ro. Khi thị trường hốt hoảng bán tháo các kén nợ thối ấy, các doanh nghiệp tài chính này mới vỡ nợ.

- Nếu mà để các đại gia đó vỡ nợ thì tai họa sẽ lan rộng ra các ngành nghề và cả nền kinh tế nên chính quyền mới phải cân nhắc và quyết định nhảy vào tung tiền chuộc nợ. Tiền ấy từ ngân sách quốc gia tức là tiền thuế của dân. Như vậy, các đại gia cứ làm bậy với nhau và ăn hoa hồng hoặc ăn lương rất cao, khi có chuyện thì nhà nước nhảy vào và dân đen bị thiệt. Bây giờ ta mới nói chuyện về nhà cái kia, tức là nhà nước.

RFI: Nghĩa là anh cho rằng nhà nước thật ra cũng chẳng là vô can?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy. Thí dụ như 70 năm trước, Hoa Kỳ có đạo luật tài chính gọi là Glass-Steagall với nội dung phân biệt các ngân hàng đầu tư kinh doanh bằng vốn riêng với các ngân hàng thương mại có chức năng huy động ký thác trong dân chúng.

- Lý do phân biệt là để có hai hệ thống thanh tra khác nhau và nhất là để ngăn ngừa việc ngân hàng thương mại lấy tiền ký thác của thiên hạ mà đi đầu cơ khiến các trương chủ ký thác có thể mất vốn nếu ngân hàng vỡ nợ. Năm 1999, Chính quyền Tổng thống Bill Clinton và Quốc hội bên đảng Dân Chủ thu hồi đạo luật này và đấy là một trong nhiều nguyên nhân khiến ngân hàng thương mại cũng đi làm nghiệp vụ đầu tư bằng tiền của người khác và gây rủi ro cho công chúng. Vụ khủng hoảng năm 2008 phần nào xuất phát từ chính sách giải toả này.

- Chuyện thứ hai là Hoa Kỳ có hai đại gia trong thị trường thế chấp tín dụng gia cư là Fannie May và Freddie Mac. Hai doanh nghiệp này thuộc loại bán công, do nhà nước bảo trợ để nói là giúp dân nghèo dễ có cơ hội mua nhà. Nhưng cả hai đều bành trướng rất mạnh và chiếm phân nửa thị phần tín dụng gia cư mà lại tích lũy những rủi ro rất lớn.

- Năm 2005, Chính quyền George W. Bush mới đề nghị tăng cường kiểm soát hai định chế này, nhưng lại bị Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ cản trở. Lý do là hai cơ quan này chi tiền rất nhiều cho đảng Dân Chủ, và giới lãnh đạo của họ cũng là viên chức cao cấp trong Chính quyền Clinton. Kết cuộc là hai cơ sở này vỡ nợ, gây họa cho cả nước và phải được châm tiền cấp cứu.

- Sau đó, là chuyện thứ ba, người ta quên hoặc cố tình quên như đã cố tình quên về những rủi ro của lãi suất Libor mà tri hô rằng phải tăng cường kiểm soát các ngân hàng để tránh lạm dụng. Một Nghị sĩ Dân Chủ đã được tiền yểm trợ của Fannie Mae và Freddie Mac và bảo vệ hai cơ sở ấy đến tận cùng sau khi dính líu rất sâu với các tổ hợp tài chính bị khủng hoảng cũng là người đồng soạn thảo đạo luật kiểm soát này. Với kết quả là các đại gia ngân hàng còn tập trung tài sản nhiều hơn trước, có thế lực hơn trước, trong khi các ngân hàng nhỏ thì chết ngộp dưới hệ thống kiểm soát. Đạo luật kiểm soát có tên là Dodd-Frank bị chỉ trích từ cả hai phía là bên Dân Chủ thì đòi kiểm soát nhiều hơn, bên Cộng Hoà thì cho là kiểm soát quá đáng!

RFI: Câu hỏi cuối thưa anh, là người ta nên kết luận thế nào và giải quyết ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng câu kết luận cho vấn đề rắc rối này gồm có hai phần.

- Thứ nhất, trên thị trường đầu tư chứng khoán, thí dụ như mua bán cổ phiếu, mọi sự đều công khai với luật lệ minh bạch và quần chúng đầu tư biết rõ về rủi ro của mình. Thứ hai là trong thị trường "biến phiếu" như "swap de devises" hay trao đổi ngoại tệ thì chỉ có hai phe đánh bạc với nhau nên thiên hạ cứ tưởng rằng người ngoài là vô can nên được vô sự. Thật ra, thị trường đó thiếu minh bạch và có rủi ro rất lớn mà ít ai tính ra. Một tổ hợp tài chính lớn như JPMorgan của Mỹ vừa mất sáu tỷ đô la cho loại đầu tư ấy mà giờ này vẫn chưa biết tại sao.

- Cho nên, nếu người ta không có nỗ lực công khai hóa phương pháp ước tính và thủ tục đầu tư thì cũng lại tích lũy những yếu tố khủng hoảng trong tương lai. Vì thế mà có lẽ người ta không nên lập thêm một vòng kiểm soát đồng hạng như đạo luật Dodd-Frank mà phải cải cách riêng hệ thống đầu tư biến phiếu để chấm dứt tình trạng giao dịch qua quầy rất mờ ảo. Nghĩa là phải có quy chế minh bạch như trên thị trường cố phiếu và chứng khoán. Chính là sự minh bạch mới giảm thiểu rủi ro và lạm dụng.

RFI: Đài Phát thanh Quốc tế Pháp xin cảm ta chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trả lời từ Hoa Kỳ.

  • 3
  •  



 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link