Tuesday, July 9, 2013

Đoàn kết à? Eo ôi… khó quá!




29/06/13 | Tác giả: Người Việt Thầm Lặng

Đoàn kết à? Eo ôi… khó quá!


Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao…”


“Đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết…”

ket

Tư tưởng ấy chẳng cao siêu hay mới lạ gì nhưng vẫn là bài học của muôn đời, mà nếu nói ra, rất dễ bị ném đá, cho là dậy khôn, cao đạo, lên lớp…

CSVN hiện nay đang lúc thoái trào, không còn chính nghĩa. Dân chúng thì phẫn nộ vì nạn cướp đất lan tràn, vì tội bán đất nhượng biển và tiếp tay Trung cộng xâm lược của đảng! (1) Phong trào bỏ đảng và chống lại đảng ngày càng lớn mạnh trong nội bộ đảng! (2) Bộ Chính trị CSVN đang run sợ vì điều này, và càng run sợ hơn khi người dân và các tổ chức đấu tranh biết đoàn kết, chấp nhận những dị biệt để ngồi lại với nhau. Ngày tàn của CSVN sớm hay muộn tùy thuộc rất nhiều vào sự đoàn kết này. Nói cách khác, cuộc chiến giữa Chính nghĩa Quốc gia và Tà linh Cộng sản sẽ mau chóng kết thúc khi ý thức đoàn kết giữa người Việt Quốc gia được nâng cao.

Chính vì thế, từ mấy chục năm nay, có biết bao người thiện chí, nhiều tổ chức đấu tranh đã kêu gọi và nỗ lực tạo dựng đoàn kết giữa người Việt quốc gia với nhau. Nhưng rất tiếc, cho đến nay những nỗ lực ấy vẫn chưa thành công, thậm chí trong một số cộng đồng Người Việt Hải ngoại, tình trạng chia rẽ ngày càng trầm trọng (3).

Tại sao thế? Người Việt Quốc gia ai cũng muốn dẹp bỏ chế độ độc tài cộng sản, thậm chí quyết tâm cao độ phải thực hiện được điều đó. Ai cũng biết: muốn thực hiện điều đó thì điều tối cần thiết là phải đoàn kết. Nhưng tại sao mọi nỗ lực tạo đoàn kết suốt mấy chục năm nay đều chưa đạt được kết quả mong muốn? Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân. Có xác định được nguyên nhân, chúng ta mới sửa chữa được và mới có hy vọng thành công.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng chia rẽ, chưa đoàn kết được phải chăng nằm ngay trong tâm thức của đại đa số người Việt chúng ta?

Đại đa số người Việt chúng ta vẫn còn tâm thức độc tài độc đoán, muốn mọi người phải quan niệm giống mình, suy nghĩ và hành động như mình (4). Ai quan niệm khác, suy nghĩ khác, quyết định khác với mình là mình kết luận họ sai. Rất nhiều người có khuynh hướng lấy những suy nghĩ của mình làm tiêu chuẩn để phán đoán đúng sai, tốt xấu. Ai suy nghĩ giống mình là đúng, suy nghĩ khác mình là sai; ai hành động giống mình là tốt, hành động khác mình là xấu.

Với tâm thức đó mà không nắm quyền bính trong tay thì nó không tác hại. Khi có quyền bính trong tay, dù chỉ nhỏ nhoi trong một tập thể bé tí, là người ta sẵn sàng tận dụng quyền bính ấy để ép buộc người khác phải suy nghĩ, hành động theo ý mình, hoặc theo những gì mình cho là đúng.

Thật thế, chỉ cần để mắt quan sát một xã hội thật nhỏ và gần gũi nhất là gia đình mình, ta cũng nhận ra được tâm thức ấy. Trong các gia đình, dường như người làm ra tiền nhiều nhất và chi trả hầu hết các chi phí trong nhà (thường là người chồng/cha, có khi là người vợ/mẹ, và đôi lúc là người con) là người trong thực tế có quyền nhiều nhất (5). Người có quyền thường dùng quyền của mình để áp đặt những người khác trong nhà phải làm theo ý mình, nếu không lộ liễu thì cũng tế nhị kín đáo.

Thật vậy, trong nhiều gia đình Việt Nam, cha mẹ có khi ép buộc con cái dù đã trưởng thành phải vâng lời mình, thậm chí trong cả chuyện chúng lập gia đình với ai hay chọn nghề nghiệp gì.

Những người lập gia đình dễ nhận ra điều sau đây. Người chồng thường dùng đồng tiền mình làm ra như một lợi thế để có quyền ép buộc vợ theo ý mình. Ngược lại, người vợ có thể dùng tình cảm hay dùng khả năng từ chối những đòi hỏi của chồng để ép buộc ngược lại. Ít khi người ta sẵn sàng để cho nhau được tự do, làm theo sở thích hay quan niệm của mỗi người (6).

Tâm thức độc tài độc đoán ấy được biểu lộ khá rõ ràng trong cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản tại hải ngoại. Người ta sẵn sàng chống đối, mạt sát, tẩy chay hay loại trừ những người suy nghĩ và có lập trường chống cộng hay chống độc tài khác với mình. Tâm thức này chính là nguyên nhân sâu xa gây nên chia rẽ và vô hiệu hóa mọi nỗ lực tạo đoàn kết trong cộng đồng người Việt quốc gia.

Ở đây, cũng cần phân biệt giữa chống đối và phản đối.

Khi mình nghĩ người khác sai, mình đúng, cho dù là chủ quan, thì người có tâm thức dân chủ có thể lên tiếng phản đối người kia, nhưng đồng thời sẵn sàng nghe người kia trình bày quan điểm của họ. Hai bên nghe nhau, thuyết phục nhau, để rồi bên nào cảm thấy bị thuyết phục thì sẵn sàng từ bỏ ý kiến của mình để thống nhất quan điểm với bên kia. Nếu không thuyết phục được nhau thì họ dừng lại ở mức độ phản đối, không đi xa hơn, và hai bên cùng tôn trọng quan điểm của nhau, đồng thời để cho nhau được tự do hành động theo quan điểm của mình. Không bao giờ vì khác quan điểm mà ghét nhau, trở thành đối thủ của nhau, không đoàn kết được với nhau.

Còn những người có tâm thức độc tài thì không chấp nhận cho người khác có quan điểm khác mình, nên không chỉ phản đối mà còn chống đối, nghĩa là muốn triệt hạ, tẩy chay, loại trừ người kia. Hễ quan điểm chính trị khác nhau là lập tức coi nhau như thù địch.

Kinh nghiệm của nhân loại cho thấy: người nắm quyền hay lãnh đạo cộng đồng càng muốn thống nhất quan điểm của cộng đồng theo quan điểm của mình thì càng phát sinh chia rẽ trong cộng đồng. Vì những người không đồng quan điểm với lãnh đạo mà bị dùng quyền để ép buộc theo quan điểm ấy thì sẽ bất mãn và tìm cách tách rời khỏi cộng đồng, hoặc lập nên một cộng đồng khác. Từ đó gây nên tình trạng chia rẽ gây suy yếu cộng đồng.

Để tạo sự hài hòa trong các cộng đồng xã hội, những người lãnh đạo có tâm thức dân chủ thường hành xử theo câu nói latinh nổi tiếng này: “In necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas” (7). Xin dịch đại ý như sau: Chuyện nào cần thiết phải thống nhất thì mới thống nhất, chuyện nào còn nghi ngờ, còn bất đồng quan điểm thì cho nhau được tự do, nhưng trong cả hai trường hợp (trong mọi sự) thì phải đối xử với nhau bằng tình người (8).

Khi có chuyện bất đồng quan điểm, nếu người ta không chống đối nhau, chỉ dừng lại ở mức độ phản đối, người ta vẫn có thể liên kết hay hợp tác với nhau thực hiện những điều công ích hay những lợi ích chung. Nhờ đó sự đoàn kết vẫn được duy trì. Còn khi đã chống đối nhau, mạt sát nhau, coi nhau là kẻ thù… thì chỉ phát sinh chia rẽ, mất đoàn kết, và đương nhiên sức mạnh sẽ yếu đi.
Có thể nói: nguyên nhân sâu xa gây nên mất đoàn kết đồng thời vô hiệu hóa mọi nỗ lực tạo đoàn kết chính là tâm thức độc tài tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta. Nó chi phối cách suy nghĩ, cách hành xử của chúng ta trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Muốn tạo đoàn kết để có sức mạnh, muốn xây dựng một xã hội dân chủ thật sự trong tương lai, thì mỗi người phải nhận thức được tâm thức độc tài đó trong chính bản thân mình và phải từ bỏ tâm thức đó. Hữu hiệu nhất là phải rèn luyện cho mình tâm thức dân chủ, nghĩa là biết tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận người khác được có sở thích, có quan niệm, có cách hành xử khác với mình. Bằng không, chúng ta sẽ tạo nên những chế độ độc tài ngay trong chính gia đình mình, trong xã hội và trên đất nước mình. Chúng ta có lật đổ được chế độ độc tài hiện hành thì với tâm thức này chúng ta cũng sẽ lập nên những chế độ độc tài khác!


Tóm lại, đoàn kết là chuyện lớn, là chuyện chung của quốc gia, nhưng muốn thành hiện thực thì phải khởi sự từ nội tâm mỗi người. Mỗi người phải quyết tâm từ bỏ tâm thức độc tài, từ bỏ thói quen: hễ thấy khác biệt với mình là phản đối hay chống đối, không để cho người khác được tự do suy nghĩ theo khuynh hướng, sở thích, suy nghĩ riêng của họ. Quyết tâm đó phải được thể hiện trong từng lời nói, từng hành động cụ thể, và phải được áp dụng từ những tập thể nhỏ như gia đình, rồi đến các tổ chức mình tham gia, rồi đến các cộng đồng… Chỉ như thế chúng ta mới có thể đoàn kết và thực hiện được một chế độ dân chủ thật sự và lâu dài.

© Người Việt Thầm Lặng

© Đàn Chim Việt



  

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-28/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link