Tuesday, July 9, 2013

Tàu, Trung Quốc, Địa Danh, Địa Thế Chánh Trị và Việt NAM


 

Kính Gởi Quí Vị thuộc giới truyền thông, Quí Vị Lãnh Đạo tinh thần , Quí Vị Nhơn Sĩ, Quí bạn hữu,

 

 Tôi mong mỏi được Quí Vị vui lòng chấp nhận một ý kiến nhỏ của tôi trong công cuộc tranh đấu chống cộng sản Việt, hầu đem nền dân chủ về cho dân tộc, trong các cuộc thảo luận và bài viết về :

 

Tàu,  Trung Quốc,  Địa Danh,  Địa Thế Chánh Trị  và  Việt NAM

 

Nếu tôi có sơ sót, Quí Vị vui lòng thứ lỗi. Trước hết, Quí Vị cho phép tôi tự giới thiệu. Năm 1958, tôi tốt nghiệp kỹ sư trường quốc gia khoa học địa dư của Pháp, khác nhiều với cử nhơn sử địa của đại học. 1963, tôi về nước làm công chức VNCH. Sau khi ra khỏi tù cộng sản, 1978-2001, tôi phục vụ Viện Địa Dư Quốc Gia Pháp. Một trong các nghề của tôi là vẽ bản đồ, trong đó địa danh rất quan trọng và người Tàu rành sõi nhứt từ ngàn xưa.

 

Vấn đề địa danh rất quan trọng mà giới hữu trách Việt không hề lưu ý.

Thày dạy địa danh và địa thế chánh trị của tôi là giáo sư ở trường khoa học chánh trị, các trường sĩ quan cao cấp của Pháp, và nhứt là viện lịch sử quân sự thuộc đại học Montpellier. Ta nên dùng danh từ ´địa thế`, ´thế` trong nghĩa ´cán cân tiềm năng, potentiel`̣, Danh từ ´địa thế chánh trị` đã được VNCH dùng khi Nga bắn Spouknik lên không gian. Còn danh từ ´địa lý` đang thường được dùng lại rất đúng ý nghĩa trong ca dao ´thày địa lý té giếng ; có thày địa lý đi đường, ngó nam ngó bắc bốn phương ngó cùng, ...` Tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.

 

Danh từ ´Trung Quốc`, mà Âu Mỹ dịch là ´Empire du Milieu`, xuất hiện từ trong những năm 1122-770 trước tây lịch, đời nhà Chu, còn gọi là ´Tây Chu` của các vua sau Vua Trụ/Đắc Kỹ, đồng thời với ´Hệ Thống Ba Vòng Đai`(Système des Trois Couronnes). Vòng tròn giữa là nước của thiên tử. Vòng đai thứ nhứt gồm các nước của vua chư hầu trung thành bảo vệ thiên tử. Vòng đai thứ hai là gì, tôi đã quên mất. Vòng đai thứ ba là thuộc địa, hay thuộc quốc, sau này có Tây Tạng, Tân Cương  , Singkiang, Mông Cổ, Mãn Châu, Triều Tiên và … nước của dân tộc Việt chúng ta. Ngoài ba vòng đai là dân rợ phải phòng ngừa và đánh trị. Lúc bấy giờ, khoa học và kỹ thuật của Tàu nổi bậc phát triển, sắt, tơ lụa, mộc của vua, đường hoàng đạo của mặt trời, écliptique….

Lối giữa thời Mãn Thanh, Tàu bỏ lần hồi danh từ Trung Quốc. Nhưng, từ khi thống tướng Tưởng giới Thạch chỉ huy trường võ bị Hoàng Phố, Ông tái dùng danh từ này một cách mãnh liệt. Ông vẽ bản đồ xứ Tàu gồm một phần Ấn Độ và Hồi Quốc chạy sâu xuống phía Nam để bao gồm cả Tích Lan, bên bờ biển phía đông thì Tàu chạy dài từ Đông Dương xuống Mã Lai và Nam Dương …. Đô đốc Decoux, toàn quyền Đông Dương, biết vậy nên tổ chức lũy phòng thủ Hà Nội, nhưng năm 1945 đồng minh lại rướt tướng Lư  Hán vào không tốn một viên đạn. Mặt khác Ông Decoux và hải quân đaị tá Ducroy khuyến khích các bài ca chống Tàu như Hai Bà Trưng, Bạch Đằng Giang … Đa số tướng tá Trung Cộng là do Ông Tưởng Giới Thạch đào tạo với tư tưởng đó và họ sẽ áp dụng về sau khi họ thờ chúa khác.

Cộng sản Hà Nội cố ý giải thích Trung Quốc là rút ngắn của Cộng Hoà Trung Hoa Dân Quốc, nhưng tại sao lại không rút ngắn thành Cộng Quốc ?

Danh từ ´Trung Hoa` không phải chánh thức trong chánh quyền, mà chỉ là do một số sĩ phu muốn nói nước Tàu là ´trung tâm tinh hoa` của nhơn loại, tôi đã quên tiếng Pháp dịch ra là gì.

 

Danh từ ´Tàu` được tổ tiên ta dùng từ lúc nào, tôi không rõ. Tuy nhiên, danh từ ´Chine` được Pháp dùng trước nhứt ở Âu Mỹ, là phiên âm từ tên Tàu ´Ts`in` chỉ định nước Tàu, Nếu trí nhớ tôi còn tốt thì tên Pháp của vua Tàu lúc bấy giờ là ´Tcheng`, Vua đó vừa dẹp xong Chiến Quốc, Tề, Tấn, Tần, Tống, Sở, Ngô, Việt, lấy tên của triều đại mình ´Ts´in`, mà đặt cho xứ sở  thống nhứt. Và nếu tôi có thể lầm, vì có nhà sử học người Pháp đã dùng tên của triều đại ´XIA` , trước nhà Thương/Vua Trụ, nhưng tôi không nghĩ vậy.  

 

Giới địa thế chánh trị Pháp đã tiếc dùng danh từ ´Viễn Đông`, Far East, dịch từ tiếng Anh. Danh từ đó có nghĩa là ´phần lãnh thổ của hoàng gia Anh ở biệt mù xa xôi phía đông Luân Đôn`. Lúc bấy giờ, Pháp có ´Hòn ngọc Viễn Đông/SàiGòn, nhượng địa Viễn Đông ở bên Tàu … Giới này âm thầm từ từ xoá bỏ danh từ đó. Pháp có thể gọi một nước là Grande Bretagne không hề gì, vì Pháp có vùng Bretagne.

Khi chúng ta gọi ´Đại Hàn` để chỉ định Nam Triều Tiên hay Nam Cao Ly, chúng ta khúm núm tự cho nước mình là tiểu quốc.

Khi chúng ta gọi Xiêm La là ´Thái Lan`, mặc nhiên ta nhìn nhận một vùng da beo không nhỏ của Bắc Việt có những đốm cư ngụ của người Thái thuộc nước Xiêm La như thống chế Phibul Songram đã đòi trong đệ nhị thế chiến với sự hổ trợ của Nhựt Bổn. Không có một sách lịch sử Việt và Pháp nào nhắc đến việc đó. Lúc bấy giờ, Xiêm La đánh phá ranh giới phía tây Đông Dương với khí giới Nhựt Bổn tối tân hơn của Pháp. Xiêm La lại nhận chiến hạm tối tân của Nhựt Bổn và của Y Pha Nho vì tướng Franco thân Đức, với lịnh thay mặt Nhựt Bổn tiêu diệt hạm đội Thái Bình Dương của Pháp. Đô đốc Decoux, toàn quyền Đông Dương ra lịnh cho hải quân đại tá Béranger ra tay trước khi thuỷ thủ đoàn của Xiêm La được huấn luyện thuần thục. Soái hạm củ kỹlỗi thời là La Motte Piquet, tên hiện nay của một trạm métro Paris. 1943, nhờ bất ngờ, chiến thuật cao kỳ và nhứt là pháo binh xuất sắc, trong vài giờ đồng hồ, vài chiếc tàu cũ kỹ của Pháp đã đưa xuống đáy biển Kok Chang toàn hạm đội Xiêm La. Nhựt Bổn nhảy vô can thiệp, chia trái quít làm đôi, Pháp đành nhượng hữu ngạn sông Cửu Long bên Lào và hai tỉnh của Cao Miên cho Xiêm La và được giữ lại đất Thái của Bắc Việt. Xiêm La thua trận giặc mà lại thắng lãnh thổ, lạ kỳ. Vua Luang Brabang buồn bỏ ngôi, Ông Decoux phải gom ba vương quốc Luang Brabang, Vientiane, Paksé và phần Cánh Đồng Chum của nước Việt lại để tặng và giữ vua Luang Brabang trên ngôi.

Tuy nhiên, cả thế giới phớt lờ vấn đề tên Xiêm La/Thái Lan. Cá nhơn tôi được biết chuyện đó. Lối năm 1960, tôi đã tốt nghiệp trường địa dư, tôi xin yết kiến đô đốc Decoux, người đã bị tướng De Gaulle nhốt tù vì Đông Dương. Ông bận du lịch ngoại quốc với Bà Decoux 2, và Sở Lịch Sử Quân Đội gởi tôi đến núi Alpes, gia đình Bà Decoux 1, rất tiếc không có mặt Bà vì Bà đã mất ở Việt Nam, có một số tướng tá thân cận lục và hải quân vui mừng niềm nở tiếp đón nuôi tôi trong một tuần lễ. Họ mong tôi mang về Việt Nam cuộc nói chuyện với họ. Xin nhắc lại Bà Decoux 1 đã chết tai nạn trên đường Sài Gòn Đà Lạt khi đi can gián ghen tương Hoàng Hậu Nam Phương với Hoàng Đế Bảo Đại.

 

Trở lại địa danh của nước Việt yêu dấu. Rất nhiều địa danh của ta chứng tõ ta không hiếu chiến mà cần cù, làm ăn, yêu hoà bình … như : Thái Bình, Hoà Bình, Bình Định, Gia Định, Bình Hoà …. Tuy nhiên, khi ai cũng biết dân tộc ta xưa kia ở phía Bắc xa xôi, bị xua đuổi lần về phía Nam, mà tên nước ta lại mang thêm chữ ´NAM` như An NAM, Việt NAM thì ta hãy suy nghĩ Vua ta mong muốn gì ? Hãy xem lại danh từ ´Viễn Đông`, và ´Thái Lan` kể ở trên. Càng tự đặt mình tham chiếu vị trí kẽ khác là càng tự lệ thuộc, cho nên người Tàu cứ xem như ta tự tình nguyện chấp nhận đô hộ của họ.

Khi người Anh đến làm bản đồ Biển Đông cho tàu bè lưu thông, họ xin Vua ta biệt phái một thông ngôn, tôi không còn nhớ Vua nào. Vua ta từ chối, nghĩ rằng Anh muốn xâm chiếm đất nước. Vì thế, Bà Vua Tàu, tôi đã quên tên, cho họ một thông ngôn. Tên này mới cho người Anh tên Nam Hải /Mer de Chine du Sud thay vì Biển Đông và nhiều tên Tàu cho các cù lao của ta để người Anh phiên âm.

 

Địa danh là đầu cầu từ phong cảnh bề mặt im lìm bất động nhìn thấy bước qua địa thế chánh trị nghĩa là mặt trái đầy sôi động luân chuyển của tấm bản đồ. Người Tàu là bậc thầy từ ngàn xưa, trước SUN TZU ?. Địa thế chánh trị mà mỗi nước tự tìm áp dụng hiện nay chỉ là sự biến đổi cho hạp thời thế, võ khí mới, tâm lý mới , …, của ba địa thế chánh trị căn bản của ba vị tuy không địa vị cao, sống ẩn dật,  nhưng tài cán bậc thầy khiến các quốc trưởng phải theo, nhưng không đề cao họ. Hiểu biết sâu rộng nhứt của các Ông này là Địa Dư, hình thể, kinh tế, hầm mỏ, nhơn sự, tuy họ là quân nhơn. Ta phải biết rằng chính quân đội tìm ra địa dư và đã dạy từ lâu trước khi dạy lan rộng ra để phục vụ kinh tế quần chúng.

Người mà ta thường nghe nói nhứt, tưởng cao tay nhứt là tướng tài prussien Clausewitz năm 1800, Ông tổ chức quân đội Đức mà Nga bắt chước theo, thắng Pháp dễ dàng, viết nhiều sách chiến lược thực tiển. Clausewitz chưa tới hạng ba vị trên.

 Vị thứ nhứt là SUN TZU bên Tàu , thế kỷ thứ 5 trước tây lịch. Điểm mạnh của Ông này là tâm lý chiến trên địa thế chánh trị. Sách của Ông còn được dạy ở các trường quân sự Âu Mỹ ngày nay. Bài học của Ông được cộng sản áp dụng mãnh liệt, thời chiến nóng như thời chiến lạnh, ´ bất chiến tự nhiên thành`, đối thủ ´hồ hởi phấn khởi tự nạp mình vô rọ `. Người áp dụng xuất sắc nhứt là Khổng Minh thời Tam Quốc.

Vị thứ nhì là Đề Đốc Mac Mahan của Huê Kỳ. Ông chưa hề chỉ huy chiến hạm, chỉ dạy học ở trường cao cấp Hải Quân, viết sách trao đổi kinh tế trên thế giới. Ông chủ trương Huê kỳ phải làm giàu bằng chiến lược đường biển. Ông nghĩ ra và Chánh Phủ thực hiện bước đầu tiên là tiêu diệt hạm đội Y Pha Nho ở Cuba và ở Phi Luật Tân, mặc dầu hạm đội Y Pha Nho tối tân và mạnh hơn Huê Kỳ nhiều. Ngày nay, cả thế giới, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Tàu ... đều áp dụng nguyên tắc địa thế chánh trị đường biển của Ông với vài thay đổi cho hạp vị trí mỗi đất nước.

Vị thứ ba là tướng Hausshofer của Đức. Ông ốm yếu không ra vẽ tướng này đã tìm ra địa thế chánh trị lục địa, áp dụng thứ nhứt là chiến lược ´TRỤC`, Đồng Minh gọi là ´Axe`, liên minh Đức, Nga, Nhựt Bổn, trước hết là để tìm được nguyên liệu để đánh giặc. Đồng minh rất sợ chiến lược của Ông và biết họ sẽ thắng trận khi Hitler nghe dèm pha, gởi đuổi Ông sang làm cố vấn cho quân đội Nhựt Bổn. Hitler bỏ Nga, bắt tay với Ý để trực tiếp tranh với người Anh bên Phi Châu. 1945, mặc dầu tướng Hausshofer không đáng là tội phạm chiến tranh, song đồng minh vẫn có lý do treo cổ Ông để tiệt hậu hoạ.

Chúng ta sống trên đất Pháp, chúng ta cũng nên biết người Pháp cũng có một vị Đô Đốc thông hiểu địa thế chánh trị cao, áp dụng trong chiến lược bảo vệ ranh giới phía Bắc lãnh thổ ta và đã anh dũng tử trận cho công cuộc đó. Sử Việt và cả Pháp không có viết. Đó là Đô Đốc COURBET. Tuy thuộc binh chủng hải quân, nhưng Ông đã thắng quân Cờ Đen huy hoàng trên đất liền, một chống mười, tại Tuyên Quang, ghi danh trong sử quân sự. Vua Tàu tiếp tục sai Cờ Đen phá khuấy mãi bằng du kích, Ông từ chức tư lịnh lục và hải quân ở Bắc Việt và xin được chức tư lịnh 2 sư đoàn hải quân qua phạt Vua Tàu. Ông đánh chìm tất cả chiến hạm và phá nát các hải quân công xưởng mà người Đức dài công cung cấp và xây dựng cho Tàu. Vua Tàu mới chấp thuận ký Hoà Ước Thiên Tân bảo đảm biên giới Bắc Việt. Vua Tàu bỏ Lưu Vĩnh Phước Cờ Đen chạy sang Đài Loan. Đô Đốc Courbet đuổi theo, đổ bộ lên đảo này, nhưng vì không biết địa dư và khí hậu địa phương, Ông tử trận năm 1885. Tôi xin kể thêm. Lưu Vĩnh Phước được thổ dân bầu làm Tổng Thống, vị Tổng Thống do dân bầu cử tự do đầu tiên ở Á Châu. 100 ngày sau, Nhựt Bổn đổ bộ, giết tất cả Cờ Đen, Nhựt xem dân bổn xứ Đài Loan ngang hàng dân Nhựt, và giữ đảo này đến 1945.  1949,Thống Tướng Tưởng Giới Thạch chiếm đảo và hành hạ trả đủa dân địa phương. Tôi xin phép kể thêm nữa, Trung Tướng SIMON, chủ tịch ANAI, Association Nationale des Amis de l`Indochine, có Ông Nội là một trong các sĩ quan địa dư đầu tiên, tiền thân của kỹ sư địa dư ngày nay, hơn 100 năm trước, đã cùng với sĩ quan Tàu cắm mốc ranh giới giữa hai nước theo Hoà Ước Thiên Tân.

Nói tóm lại, khi ta khúm núm gọi Tàu là Trung Quốc, ta muốn cho mọi nước khác biết rằng ta nhìn nước Tàu là mẫu quốc, và nước Việt là thuộc địa, colonie, hoặc thuộc quốc, territoire, của Tàu, tương tự như territoire outre mer của Pháp.

Tôi viết vài trang giấy trên để dâng lên cho tất cả Quí Vị thuộc giới truyền thông, Quí Vị Lãnh Đạo tinh thần, Quí Vị Nhơn Sĩ, Quí bạn hữu, với lời cầu xin lưu ý chiến tranh ngậm giấm của người Tàu. Họ vẫn còn áp dụng tâm lý chiến của SUN TZU. Ngoài ra, tôi xin Quí Vị vui lòng phổ biến.

 

Trần Văn Thu

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham 15.04.2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link