28/08/2013
Hồ Ngọc Nhuận
Trên thế giới ai cũng biết:
một nền dân chủ pháp trị đích thực, với một Nhà nước pháp quyền đích thực, là
một nền dân chủ đặt luật pháp lên trên hết, trên mọi người và trên mọi quyền
bính, tất nhiên và trước hết là trên người lãnh đạo cầm quyền, vì phải làm
gương. Trừ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, vì Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh
đạo ở đây tự vẽ ra Hiến pháp, cầm điều 4 HP làm bùa chủ đạo, để ngồi xổm trên
luật pháp.
Trong
một nền dân chủ pháp trị ai cũng biết: “Điều gì luật pháp không cấm thì người
dân có quyền làm”.
Nhưng
trước hết, người dân còn phải làm những điều luật pháp kêu làm.
Như
làm ăn thì luật pháp kêu phải đóng thuế. Làm trai thì luật pháp kêu phải thi
hành nghĩa vụ quân sự. Làm người chiến sĩ trong quân đội thì phải trung thành
với Tổ quốc… Ở đâu cũng vậy.
Nhưng ở Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam thì có khác. Ở đây đi lính, nhất là ở cấp chỉ huy, thì phải
trung thành với Đảng lãnh đạo. Còn luật pháp vẽ ra để đó chớ không hẳn để thi
hành. Hay chỉ thi hành theo các Ban Chỉ đạo của Đảng, có mặt ở mọi cấp mọi nơi,
trước hết là ở ngành Tư pháp, đặc biệt tập trung trong tay Ban Nội chính của
Đảng, từ trung ương đến cơ sở, để tập trung chỉ đạo không chỉ các bộ phận có
liên quan như công an, giám sát hay tòa án, mà cả từng vụ án lớn nhỏ. Với những
bản án đã được định sẵn.
Như
về báo chí, miệng thì nói tự do báo chí, luật thì viết báo chí tự do, nhưng đốt
đuốc cũng không tìm đâu ra một tờ báo tư nhân, mà toàn là báo của các ban ngành
đoàn thể của Đảng và Nhà nước, từ trung ương đến các địa phương. Đứng đầu mỗi
tờ báo, mỗi Ban Biên tập báo phải là một đảng viên Cộng sản, có mấy trăm tờ báo
là có mấy trăm đảng viên Tổng Biên tập, có bao nhiêu Ban Biên tập là có bấy
nhiêu đảng viên trưởng ban, dù là báo cho trẻ con hay người lớn, dù là báo chí
văn hóa văn nghệ, thể thao du lịch, làm ruộng,làm ăn buôn bán, hay vui chơi
giải trí… Chưa kể hàng trăm đảng viên lớn nhỏ khác trong hàng ngũ các báo. Tất
cả làm thành hội nhà báo, chia thành nhiều phân hội nhà báo, đứng đầu là những
ông bà đảng viên Cộng sản có vai vế nhất. Còn báo nói và báo hình, đương nhiên
cũng là thành viên của Hội Nhà báo, nhưng là thành viên công cụ chuyên chính
hàng đầu của Đảng.
Báo
chí tự do ở đây là như vậy đó, có thêm mấy chữ “xã hội chủ nghĩa” hay không
cũng vậy.
Ở
đây luật viết tự do lập hội, nhưng từ hội to hội nhỏ, cả hội làm vườn, nuôi
chim nuôi cá, hay hội người mù, người già, người khuyết tật, hay hội đi chơi đi
bộ… phần lớn cũng phải do một đảng viên Cộng sản đứng đầu làm hội trưởng. Có
ông đảng viên “cỡ bự”, đi đứng đã khó huống hồ chạy bộ, nhưng cũng là hội trưởng
hội điền kinh.
Ở
đây, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, trên mọi lãnh vực, là “nói một
đường làm một nẻo”.
Ở
đây Quốc hội, được nói, được viết là nơi đại biểu cho quyền làm chủ của nhân
dân, nhưng được Đảng Cộng sản chia nhau làm chủ rất kỹ. Tuyệt đại đa số đại
biểu Quốc hội phải là đảng viên. Có đảng viên được cơ cấu chánh thức để được
đắc cử, có đảng viên được cơ cấu để lót đường, không chịu cũng phải chịu, không
được chạy, không được la, bởi ai biểu làm đảng viên. Các đảng viên lót đường
này ngày càng cần, vì các ứng cử viên “tự ứng cử” ngày càng thưa, sau khi bị
nhiều áp lực phải tự rút. Phải có đảng viên ứng cử thuộc loại lót đường vì phải
có ít nhất hai ứng cử viên cho một ghế đại biểu, hay ba ứng cử viên cho hai ghế
đại biểu. Để “coi cho được”, mà vẫn có phiếu “tập trung”. Không như “thuở ban
đầu không cần e ấp ấy”, chỉ một ứng cử viên duy nhất cho một ghế đại biểu, để
có phiếu tuyệt đối tập trung, nhưng mà “coi không được”. Số ứng cử viên “tự ứng
cử”, tức không do Đảng Cộng sản đề cử, thường rất ít ỏi, lại bắt phải qua hai
nấc lựa chọn sơ khởi là ở tổ dân phố nơi mình ở, và ở cơ quan nơi mình làm
việc. Như vậy người dân hai nơi đó được biến thành cử tri hạng nhất được quyền
“tín nhiệm” hay “không tín nhiệm” trước đa số các cử tri khác dựa vào mấy “tiêu
chuẩn của người đại biểu Quốc hội” được ghi trong luật bầu cử, như “phải trung
thành với Tổ Quốc”, “phải tôn trọng luật pháp”, hay “ phải sâu sát với cử tri”…
Đó là những tiêu chuẩn phổ quát cơ bản mà mọi công dân bình thường lương thiện đều
đạt, trước khi có những bằng chứng cụ thể ngược lại, chớ không riêng gì của các
đại biểu Quốc hội. Còn tiêu chuẩn “sâu sát với cử tri” thì người tự ứng cử
đương nhiên phải đạt hơn ai hết, bởi có ai sâu sát hơn khi nhà người ta đang ở
đó, khi người ta đang làm việc ở đó? Những điều luật mị dân hết chê nổi. Vậy mà
số ứng cử viên “tự ứng cử” cứ rụng như sung bị sâu. Trước hết là tự rút, vì
không chịu nổi chuyện nhà chuyện cửa, chuyện con chuyện cái, có khi là chuyện
con chó của nhà mình bị người ta đưa ra làm đề tài mổ xẻ… khi bị tổ chức đưa ra
bình chọn ở tổ dân phố. Nếu không tự rút thì cũng có người của Mặt trận đến vận
động, áp lực để rút.
Nút
chặn then chốt là Mặt trận mà luật bầu cử viết hẳn là có quyền lựa chọn trước
khi đưa ra cho cử tri bầu cử – một Mặt trận mà một 100% thường trực lãnh đạo,
từ cấp trên đến cấp dưới là đảng viên Cộng sản. Kèm bên là một Đảng Đoàn Mặt
Trận. Kèm trên là một Ban Dân vận Mặt trận. Rồi Đảng ủy Khối, Đảng ủy cơ quan…cho
tới Đảng ủy thành, Đảng ủy tỉnh, Đảng ủy trung ương… Tất cả gộp lại làm thành
một “thiên la địa võng” để chận bất cứ ai không là người của Đảng, không do
Đảng cắt cử, để Đảng tha hồ một mình một chợ ở Quốc hội.
Cái
Quốc hội ”một mình Đảng một chợ” đó được tổ chức như một “Đại hội các loại cán
bộ, viên chức của Đảng và Nhà nước”. Trong đó có nhiều hạng, trên hết là hạng đại
biểu là thành viên Bộ Chánh trị, hay ủy viên Trung ương Đảng, chót hết là lưa
thưa vài cụ thuộc vài tôn giáo lớn được cơ cấu vô Quốc hội để làm đại biểu danh
dự. Ngồi yên đó để vỗ yên đồng đạo và bá tánh.
Các
thành viên của cái “Đại hội các loại cán bộ viên chức của Đảng và Nhà nước”,
được gọi là Quốc hội đó, tất nhiên là không phân chia theo từng khối nhóm đại
biểu cho các nhóm quyền lợi hay khuynh hướng chánh trị ngoài xã hôi, mà được
phân ra từng đoàn theo các tỉnh thành nơi họ cư trú, ứng cử và đắc cử. Trưởng đoàn
đại biểu, nếu không là người đứng đầu đảng hay chánh quyền, thì cũng là một
đảng viên có vai vế nhất nhì trong Đảng ở địa phương, để phát ngôn, phát biểu
thay đoàn hay chỉ định người phát biểu ở các diễn đàn Quốc hội, hay khi tiếp
xúc cử tri được tổ chức định kỳ một năm vài lần. Không ai được phép xé rào, và
trên thực tế chưa thấy ai dám xé rào…
Với
một Quốc hội như vậy, độc có tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội là đảng viên của
một độc đảng, tổ chức có hạng bậc trên dưới chặt chẽ, với kỷ luật thép của Đảng
Cộng sản, thì thảo luận ở Quốc hội là gì? Với kỷ luật thép của Đảng, khi một
chỉ thị nghị quyết của Đảng đã được ban ra thì mọi phê bình đối với quyết định
đó đều bị coi là phá hoại chệch hướng. Các quyết định của Đảng thường là áp đặt
từ trên xuống, đặc biệt từ một nhóm nhỏ gọi là Bộ Chánh trị, có khi chỉ từ vài
người có thế lực trong Bộ Chánh trị. Vì vậy đại bộ phận các đảng viên có nói
gì, bàn gì, cũng không hề ảnh hưởng gì đến quyết định của lãnh đạo Đảng, mà
lãnh đạo Đảng cũng không hề biết, không cần biết tâm tư ý kiến của quần chúng
đảng viên. Càng không cần biết tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Một
Quốc hội như vậy thường được gọi là một “hòm thư”. Nhưng “hòm thư” ở đây bị
rỗng, vì nguyện vọng nhân dân đã bị chận từ ngoài cổng. Hoặc bị công an rượt
đuổi từ ngoài đường, tận cổng các tòa án.
Trong
tình hình như vậy mà lãnh đạo Đảng, cũng là lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chánh
phủ, ký kết với bất kỳ ai, cả với Bắc Kinh hay với quỷ, bất cứ thứ gì rồi đưa
ra cho các đại biểu Quốc hội thông qua thì có trời mà biết đó là cái gì…
Tôi
là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1975 đến nay tổng cộng
là 38 năm. Trong đó có 24 năm, từ 1975 đến 1999, là không có luật, và 14 năm,
từ ngày 12 thang 6 năm 1999 đến nay, là có luật, gọi là “Luật Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam”. Nên tôi xin nói một chút về Luật Mặt trận.
Mặc
dầu có Luật Mặt trận hay không có Luật Mặt trận thì cũng vậy thôi, cũng không
ai thấy Mặt trận làm gì cho dân, ngoài việc cũng có một guồng máy đồ sộ từ
trung ương đến địa phương cơ sở, song song với guồng máy đồ sộ của Nhà nước,
song song với guồng máy đồ sộ của Đảng, cùng chia nhau xài chung ngân sách nhà
nước, tức từ tiền thuế của nhân dân, để cùng làm nhiều việc của các hội đoàn xã
hội từ thiện tư nhân, ngoài các việc do Đảng và Nhà nước giao, như lập hồ sơ và
sàng lọc các ứng cử viên vào Quốc hội hay các Hội đồng. Và Ban Thường trực
Trung ương Mặt trận thì định kỳ ngồi ký các văn kiện gọi là “liên tịch” với
Chánh phủ để định kỳ tổ chức mần liên tịch tiếp.
Còn
về “nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân” như được
ghi ở Điều 2 của Luật Mặt trận thì không ai thấy “mặt ông Mặt trận” ở đâu hết,
khi nông dân nhiều nơi bị cướp ruộng kêu cứu, khi công nhân nhiều nơi bị hà
hiếp đình công “la làng”, khi người dân kêu gọi biểu tình chống bọn bành trướng
Bắc Kinh cướp đảo, rượt bắt ngư dân nước ta, hay khi thanh niên sinh viên học
sinh yêu nước đấu tranh bị đàn áp.
Hay
về “nhiệm vụ giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán
bộ, công chức nhà nước” cũng được ghi hẳn hòi ở Điều 2 của Luật Mặt trận, cũng
không ai thấy tổ chức Mặt trận giám sát được gì từ mấy chục năm nay.
Nếu
đã giám sát được ai hay chút gì, trong 38 năm qua, thì đâu đến nỗi ông Tổng Bí
thư Đảng lãnh đạo cầm quyền phải “ngậm ngùi”, hay ông Chủ tịch nước phải ngập
ngừng không thể nói ra, trước những sai phạm to đùng nào đó trong giới lãnh đạo
cấp cao của Đảng và Nhà nứớc?
Tại
sao Mặt Trận lại cứ ngó lơ trước những nhiệm vụ của mình được ghi rành rành
trong Luật Mặt trận?
Bởi
khi khơi khơi nêu hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác, mà không giao quyền,
không giao phương tiện, thể hiện bằng luật pháp, để thi hành nhiệm vụ, thì chỉ
để chơi thôi. Cả khi nêu lên quyền này quyền khác mà không có phương tiện luật
pháp đi kèm để thực thi thì cũng như vô quyền. Như những quyền tự do cơ bản của
người dân được ghi trong Hiến pháp mà không pháp chế hóa để bảo đảm thi hành
thì coi như treo đó để phỉnh người dân mà thôi. Không chỉ phỉnh mà còn ngăn
chận, bao vây, đàn áp, như khi người dân sử dụng quyền biểu tình hợp pháp bất
bạo động để chống bành trướng Bắc Kinh.
Mặt
trận còn làm ngơ một điều cơ bản nữa mà Luật Mặt trận ngay từ điều 1 đã kêu
làm.
Tức
là “phát huy quyền làm chủ của nhân dân… để góp phần giữ vững độc lập dân tộc,
chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, văn minh”.
Nhưng
điều đặc biệt quan trọng nhất là người ta đã nuốt dần lời hứa “Đánh thắng giặc
ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, tốt đẹp hơn”. Mà chỉ nghe thấy kêu gọi
xây dựng chủ nghĩa xã hội, rồi theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Cả hai thứ đều
không hề thấy ở đâu, cả ở nơi mà cái nôi xã hội chủ nghĩa cũng đã bị vất từ
lâu, trừ vài nơi người dân vừa bị đeo gông vừa hô khẩu hiệu “hoan hô lãnh tụ
cha, lãnh tụ con, lãnh tụ cháu nội”.
Bởi
không thể xây dựng tốt đẹp hơn, nếu không xây dựng đàng hoàng hơn. Và xây dựng
đất nước đàng hoàng hơn là xây dựng một nền dân chủ đích thực, tức một hệ thống
chánh trị tôn trọng sự công chính trong cạnh tranh quyền lực, tôn trọng tiếng
nói, dư luận, tôn trọng phán quyết tối hậu của người dân bằng lá phiếu để có sự
luân chuyển hay thay đổi quyền hành trong hòa bình, tôn trọng sự khác biệt
chính kiến, sự khác biệt của người khác, có văn hóa tranh luận.
Bịt
miệng, chụp mũ, trù úm, đàn áp… là tiếp tục không đàng hoàng, là làm ngược, là
phản lại chính ông cha mình…Không thể có xây dựng đàng hoàng mà bóp chết tự do.
Khởi
xướng, hay kêu gọi xây dựng dân chủ có đối lập, trong một xã hội dân sự tôn
trọng quyền con người, có tình người, chính là tiếp nối lời kêu gọi xây dựng
đất nước đàng hoàng hơn.
Đó
không chỉ đơn thuần là một tổ chức chính đảng. Đó trước tiên là tinh thần dấn
thân nhập cuộc, mở ra một con đường cho dân tộc thoát khỏi vòng xoáy của một hệ
thống quyền lực luôn đe dọa mọi ý chí độc lập bằng bạo lực, sớm muộn sẽ đưa đất
nước xuống hố diệt vong. Đó là một phong trào tập hợp mọi nỗ lực thiện chí muốn
cống hiến cho đại cuộc, vì một nền dân chủ tự do độc lập thật sự cho Tổ quốc,
cho nhân dân.
Từng
sống qua mấy chế độ khác nhau của miền Nam, từng biết qua ít nhiều vài chế độ
dân chủ đây đó gần xa, tôi không hề có ảo tưởng về một chế độ dân chủ tuyệt
đối, một hệ thống chánh trị tuyệt hảo ở bất cứ đâu.
Nhưng
không thể không có tiếng la báo động trước sự mất còn của đất nước. Một hệ
thống ngày càng chồng chất những cái không lương thiện, lại thêm lồng ghép với
những nhen nhóm xã hội đen tối, kể cả mafia, ở đâu đó, là một vòng xoáy tàn
khốc khó thoát đối với mọi người, mọi dân tộc.
Cái
hệ thống của những điều không đàng hoàng gần như toàn diện hiện nay, nếu không
sớm được thay đổi bằng một hệ thống dân chủ đích thực, sớm muộn sẽ đưa đất nước
đến hố diệt vong, chắc chắn sẽ sớm đưa đến mất nước vào tay bành trướng Trung
Quốc. Cái đáng sợ nhất là nó đánh mất linh hồn con người, linh hồn Việt Nam.
Đất
nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta đã
chịu nhiều “cải biến” quá rồi, đã đổ nhiều máu và nước mắt quá rồi. Và thế
giới, trong đó có dân ta, đã kinh qua đủ thứ cách mạng rồi. Nên không có cách
nào khác, nếu muốn sống còn, là tổ chức hợp tác bình đẳng giữa những con người
tự do biết tôn trọng lẫn nhau./.
26-8-2013
H.
N. N.
Tác
giả trực tiếp gửi cho BVN.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment