Wednesday, August 28, 2013

Đảng Cộng sản và ‘Quyền được chết’


 

Đảng Cộng sản và ‘Quyền được chết’


Bùi Tín

21.08.2013

«Quyền được chết» là một khái niệm luật học mới mẻ, chỉ rõ quyền được pháp luật công nhận cho công dân nước mình được tự do lựa chọn cái chết khi mắc  bệnh hiểm nghèo chưa có cách chữa trị, muốn được chết để khỏi phải đau đớn kéo dài trong cơn tuyệt vọng.

Ở nước nào «Quyền được chết» cũng được tranh cãi quyết liệt, chia hẳn thành 2 phái, một phải ủng hộ, tán đồng, cho đó là quyền tự do thiêng liêng của mọi công dân, tư nguyện chấp nhận cái chết để thoát khỏi tình trạng đau khổ kéo dài, quá sức chịu đựng của bản thân, yêu cầu cơ quan y tế và người thân cùng giúp đỡ, hợp tác để thoát khỏi bế tắc, để thực hiện một cái chết an lạc. Theo chữ Hán, người Trung Quốc gọi đó là quyền «an tử». Theo tiếng Hy Lạp cổ, đó là quyền «euthanatos»; tiếng Anh là «euthanasia»; tiếng Pháp là «euthanasie» theo nghĩa từ điển là «cái chết không đau đớn». Tòa Thánh Vatican kiên quyết chống lại quyền này, viện cớ sống chết là do Thượng đế quyết định, thực hiện «euthanasia» là mang tội giết người.

Hiện nay các nước Hà Lan, Bỉ, Áo…đã chính thức thực hiện quyền «an tử». Ở Hoa Kỳ, mới có các bang Oregon và Texas thực hiện.

Các đảng Cộng sản có liên quan gì đến «quyền được chết»? Xin thưa rằng có.

Cũng như mọi sự vât trên đời, đảng CS có khởi đầu và có kết thúc.

Marx và Engels đã khai sinh ra đảng CS vào ngày 24 tháng 2 năm 1848 khi 2 ông công bố bản «Tuyên Ngôn của đảng CS». Thế kỷ 20 là thế kỷ cường thịnh nhất của các đảng CS trên toàn thế giới cũng như của các Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam Quốc tế CS. Đến nay tuổi thọ của đảng CS đã được 165 năm. Thoái trào của phong trào CS bắt đầu từ những năm 50 của Thế kỷ 20, đột biến đi xuống từ khi Bức tường Berlin sụp đổ vào cuối năm 1989, tan hoang từ sau khi đảng CS Liên Xô là đảng CS đầu đàn bị giải thể vào cuối năm 1991.

Trong Thế kỷ 20, có lúc đảng CS toàn thế giới họp được những cuộc họp lớn, bao gồm 68 đảng CS vào năm 1957, và 87 đảng vào năm 1960 tại Moscow. Nếu tính cả các nhóm CS theo Mao Trạch Đông hay theo Che Guevra ở châu Á, Mỹ la tinh, có lúc toàn thế giới có đến gần 200 đảng phái theo học thuyết Cộng sản.

Có thể nói đến nay chỉ còn lơ thơ vài đảng CS có thể đếm trên đầu ngón tay, lớn nhất là đảng CS Trung Quốc, rồi các đảng CS Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên. Hàng trăm đảng CS lớn mạnh trong thế kỷ trước ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ la tinh, châu Phi đã rã rời, ngừng hoạt động, nằm trong các nghĩa địa và bảo tàng. Nhiều đảng CS đã chết yên lặng bằng cách đổi tên. Nghị quyết 1481 của Quốc hội châu Âu đã đặt chủ nghĩa Cộng sản hiện thực ra ngoài vòng pháp luật, coi đó là tội ác chống nhân loại.

Các đảng CS oanh liệt một thời như đảng CS Anh, đảng CS Đức, đảng CS Áo, đảng CS Ý đã gần như hoàn toàn biến mất trên sân khấu chính trị. Đảng CS Pháp một thời oanh liệt, tự nhận là đảng số một của nước Pháp, từng tham gia chính phủ với chức phó thủ tướng, bộ trưởng, được trên 30% số phiếu bầu, nay ở vào số cuối bảng, chỉ được chưa đến 3 % phiếu, chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của chính mình. Nó còn sống, nhưng thoi thóp, đang thở hắt ra, đã 
thu
ộc về quá khứ.

Mới đây, nhân đại hội lần thứ 35 của đảng CS Pháp, một số đông hơn 300 giáo sư, trí thức, văn nghệ sỹ, uỷ viên Trung ương đảng, đại biểu Quốc hội có uy tín là đảng viên CS Pháp đã rủ nhau cùng một lúc ký tên, ra tuyên bố vĩnh biệt đảng CS để gia nhập tự do các đảng khác, với thái độ công khai minh bạch, sau khi nhận rõ chủ nghĩa CS không còn sức sống cả về lý luận và cả về thực tiễn. Họ tham gia khai tử đảng CS của mình, coi đó là việc làm có ý nghĩa tích cực, không có ích gì khi kéo dài thêm tuổi thọ của một học thuyết đã phá sản, của một đảng chính trị đang rơi tự do, bị nhân dân Pháp khước từ không tin cậy nữa.

Đây là một hệ quả của sự kiện có ý nghĩa lịch sử, tháng 6 năm 2007, giữa thủ đô Hoa Kỳ đã dựng lên Đài tưởng niệm hơn 100 triệu nạn nhân bi thảm của chủ nghĩa CS hiện thực, một sai lầm khủng khiếp của Thế kỷ 20, qua đó tên tuổi của các nhà lãnh đạo CS nhúng tay vào tội ác được ghi rõ không khoan nhượng vì là sự thật hiển nhiên: từ Lenine, Stalin, Mao Trạch Đông, đến Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Tito, Fidel Castro, Céauçescu, Honecke…Không có lãnh tụ CS nào mà tay không đẫm máu nhân dân nước họ cả.

Đảng CSVN có cùng chung số phận, chung vinh quang hão huyền giả tạo một thời, và chung mối ô nhục gây tội ác chống nhân loại cũng như chống nhân dân bản xứ, như tất cả các đảng Cộng sản khác, không có một ngoại lệ nào cả. Vì tất cả đều cùng chung một học thuyết đấu tranh giai cấp, cùng tôn sùng bạo lực hung hãn, đang cùng chung đà suy thoái tha hóa và tan vỡ không gì ngăn cản nổi, trừ phi thay đổi cả hệ thống chính trị từ độc đảng toàn trị sang dân chủ đa nguyên theo luật pháp.

Việc đổi tên đảng, đổi danh xưng của nước Việt Nam, lập đảng mới, đổi quốc kỳ của nước Việt Nam mới, và tìm một liều 
thu
ốc «an tử», giúp đảng CS một kiểu chết thanh thản, chết an lạc, giải thoát khỏi những năm dài bế tắc, lắm bệnh hiểm nghèo vô phương cứu chữa, chỉ ngày càng ô nhục thêm, có lẽ là rất cần thiết, nhân đạo, có ích cho đất nước và nhân dân vậy.

Cũng vì vậy, ý kiến về từ bỏ đảng CS, thoát đảng, lập đảng mới của một số trí thức am hiểu thời thế như luật gia Lê Hiếu Đằng, nhà báo Hồ Ngọc Nhuận được sự quan tâm bàn luận ngày càng sôi nổi của người Việt trong và ngoài nước.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

 

Thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng

 

TP HCM, ngày 26 tháng 8 năm 2013

 

        Kính gửi:

– Các ông Giám đốc Đài Truyền hình Trung ương, TP HCM

-  Tổng biên tập các báo Nhân dânQuân đội Nhân dânĐại đoàn kếtCông an Nhân dânSài Gòn Giải phóng và các báo do sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ươngđã và sẽ đăng bài phê phán bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi.

 

Thưa các ông/bà,

Sau khi trang mạng Bauxite Việt Nam và các trang mạng khác đăng bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi thì Đài Truyền hình Trung ương và TP HCM cùng nhiều tờ báo, trong đó có báo của quý ông/bà, dồn dập đưa tin hoặc đăng nhiều bài phê phán bài viết của tôi và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tờ báo nữa vào cuộc đánh đòn hội chợ” này.

Để các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhân sĩ, trí thức, hiểu rõ bài viết của tôi và có điều kiện so sánh với những bài phê phán đăng trên báo của các ông/bà, xem đúng sai thế nào,tôi đề nghị các ông/bà cho đăng công khai trên báo các ông/bà hai bài viết sau đây của tôi:Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh (bài có sửa chữa đăng ngày 17/8/2013 trên mạng Bauxite Việt Nam) và Những điều nói rõ thêm… (đăng ngày 19/8/2013 trên mạng Bauxite Việt Nam).

Tôi thấy các ông/bà cần làm điều này vì nếu phê phán bài viết của một người mà người đọc không biết bài viết nói gì, ngược lại, các ông/bà chỉ cắt xén vài đoạn rồi hô hoán, lên án thế này thế kia, thì hoá ra các ông/bà chơi trò “bỏ bóng đá người” mà tôi đã cảnh báo trong bài viết của mình. Và nếu các ông/bà không cho đăng (tôi biết chắc như vậy), thì hoá ra các ông/bà sợ sự thật: khi so sánh bài viết của tôi với các bài phê phán, nhân dân sẽ biết các ông/bà đã dối trá, ăn nói hàm hồ, quy chụp, chỉ là những tên bồi bútTôi thách các ông/bà đấy, các ông/bà có dám làm không, hỡi những tổng biên tập đầy quyền uy hiện nay!

Qua các bài viết trên báo các ông/bà, tôi thấy có ba điểm bị các ông/bà xuyên tạc, đánh lận con đen.

Một làtôi chưa bao giờ phản bội lý tưởng mà cả một thời tuổi trẻ tôi và các bạn, các đồng đội của tôi, có người đã nằm xuống trong tù, trên chiến trường cũng như bao thế hệ cha anh đã theo đuổi. Đồng bào, chiến sĩ chúng ta đã hy sinh biết bao xương máu với hy vọng họ và con cháu được sống trong một xã hội lành mạnh, công bằng, ở đó con người đối xử với nhau một cách tử tế, các quyền sống, quyền con người được tôn trọng. Nhưng nay chúng ta đang sống một xã hội như thế nào? Bài viết của tôi, nhất là bài Những điều nói rõ thêm…, đã chứng minh – bằng những kinh nghiệm của một người đã hơn 45 năm sống và hoạt động trong hệ thống chính trị hiện nay – ai phản bội ai. Tôi rất mong các ông/bà công tâm xem xét. Tôi quan niệm rằng hiện nay đã có điều kiện để nhận biết cái đúng cái sai, mà vẫn u mê, mù quáng bào chữa cho cái ác, cái xấu, cái sai, thì đó là tội ác đối với dân tộc, với đất nước. Con cháu các vị sẽ nghĩ sao về các vị?

Hai làtrong hai bài viết nói trên, tôi chưa bao giờ nói là chống Đảng Cộng sản hoặc xoá bỏ Đảng Cộng sảnTôi chỉ đề nghị Đảng Cộng sản nên chấp nhận đối lập chính trị, để phát triển một nền chính trị lành mạnh, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của thế giới.Không nên duy trì chế độ độc tài toàn trị, bóp nghẹt các quyền tự do, dân chủ của người dân mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng cam kết trước nhân dân trong Tuyên ngôn độc lập và trong Hiến pháp năm 1946.

Sau bài viết của tôi, ngày 23/8/2013, luật sư Trần Vũ Hải đã chính thức gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bản “Đề nghị cho ý kiến về vấn đề thành lập và tham gia một đảng ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam dưới góc độ pháp luật Việt Nam”. Cũng như bao người khác, tôi đang chờ sự trả lời chính thức bằng văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Đảng và Nhà nước Việt Nam để với tư cách công dân, tôi có thể “sống và làm việc theo luật pháp” như khẩu hiệu mà báo các ông/bà thường hô hàoTôi cũng đề nghị các ông/bà cho đăng văn bản của luật sư Trần Vũ Hải gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để nhân dân biết. Đây là văn bản gửi cho cơ quan trọng yếu của Quốc hội, một việc làm công khai, minh bạch, thì tại sao các ông/bà không dám đăng? Các ông/bà sợ cái gì? Sợ sự thật à? Chính các ông/bà là những người bưng bít, che giấu sự thật, thế mà còn cho tay sai bù lu bù loa thế này thế kia. Các ông/bà không có lòng tự trọng và liêm sỉ tối thiểu của người cầm bút sao?

Ba là, trong hai bài viết nói trên, không có chỗ nào tôi đòi lật đổ chế độ. Tôi viết rất rõ: “Chủ trương của chúng ta là ôn hòa, bất bạo động, chống lại các hành động quá khích, khủng bố, vũ trang lật đổ.” (Những điều nói rõ thêm…). Chấp nhận đa nguyên đa đảng, đấu tranh trong hoà bình, là để tạo cơ chế cho Đảng Cộng sản tự điều chỉnh, được nhân dân giám sát, ngăn chặn khuynh hướng lộng quyền và lạm quyền, là khuynh hướng vốn có của bất cứ một chính quyền nào, dù cộng sản hay không cộng sản, nếu không được các lực lượng của toàn xã hội giám sát. Nếu không giải quyết sớm, kịp thời, sẽ có nguy cơ bùng nổ những bạo loạn chính trị mà người dân sẽ là người trước tiên gánh chịu hậu quả.

Thưa các vị Giám đốc Đài Truyền hình, truyền thanh, Tổng biên tập các báo,

Các vị chịu trách nhiệm chính về nội dung những bài viết đăng trên báo của mình, nên không thể vì trên chỉ đạo “đánh ông Đằng bằng bất cứ giá nào” mà đi đăng những bài với luận cứ ngớ ngẩn, thiếu trung thực, chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Nhưng tôi cũng thành thực cảm ơn các ông/bà: nhờ báo các ông/bà phê phán tôi mà đông đảo quần chúng biết đến hai bài viết của tôi – những bài viết đã làm cho cả hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình đồng loạt tấn công trong một cơn lên đồng tập thể. Các vị nên biết rằng Việt Nam chúng ta hiện nay được xếp là một trong những nước mà người dân, nhất là giới trẻ, sử dụng rộng rãi Internet. Qua các bài báo phê phán tôi, các vị đã “quảng cáo” giúp tôi. Người dân sẽ nhờ con cháu, người quen cung cấp hai bài viết của tôi. Tôi tin rằng họ sẽ công minh, sáng suốt để phân định đúng sai.

Trân trọng,

Lê Hiếu Đằng

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

 

"Thế Kỷ Này Là Thế Kỷ Của Chúng Ta"

 

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Ngày 130412

 

Người Mỹ đang muốn hát như lời ca của Võ Hoàng!

 



 * Thế kỷ 21 này có còn là "Thế kỷ của Hoa Kỳ" hay không?

 

 

 

Từ trăm năm nay, người ta đã nghe nói đến sự lụn bại của Hoa Kỳ và sự tiêu vong của tư bản chủ nghĩa. Năm năm qua, nghe chừng là lời tiên báo ấy đang thành hiện thực... Có chắc không?

 

Với người Mỹ, Thế kỷ 21 bắt đầu với tám tháng suy trầm kinh tế, khởi sự từ Tháng Ba năm 2001 sau một cuộc bầu cử tổng thống đầy kịch tính lạ thường vào năm 2000.

 

Trong cuộc bầu cử đó, Thống đốc Texas là George W. Bush thắng cử nhờ án lệnh của Tối cao Pháp viện và 257 phiếu tại Florida. Bị đối thủ cay cú chê là cướp ngai hay đỗ vớt, ông trù tính ưu tiên giải quyết các vấn đề bên trong và có chủ trương đối ngoại ôn nhu khiêm nhượng. Nhưng nạn suy trầm mà ai cũng đoán trước được từ vụ bể bóng cổ phiếu năm 2000, đã xảy ra, lại nhồi trong vụ khủng bố 9-11 vào Tháng Chín và hàng loạt tai tiếng của các doanh nghiệp bất lương (vụ Enron) vào cuối năm. Sau đấy là chiến dịch A Phú Hãn lồng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Tiếp theo là chiến dịch Iraq và những hoạn nạn dồn dập của chính quyền Bush.

 

Năm năm sau, khi Thế kỷ 21 mới lên tám, Hoa Kỳ trôi vào một trận bão khác: lại suy trầm kinh tế cuối năm 2007, bồi thêm vụ khủng hoảng tài chánh và những trầm luân không dứt. Ngày nay, nếu bình tâm nghĩ lại thì người dân Mỹ có thể đồng ý rằng 13 năm qua quả là 13 năm "trâu trắng mất mùa". Kinh tế chưa hồi phục, khu vực gia cư bị tanh bành vẫn chưa gượng dậy. Ngân sách bội chi liên tục và gánh nặng quốc trái thăng thiên lên trời, tính đến hôm nay thì nợ 16 ngàn tám trăm tỷ đô la. Trong khi ấy, các chính trị gia của cả hai đảng và Tổng thống Barack Obama vẫn là những người đi trên mây. Đầy thủ thuật mị dân mà thiếu đởm lược đưa ra giải pháp thật.

 

Mà không chỉ có vậy, lời tiên đoán từ trăm năm trước về sự tiêu vong của chủ nghĩa tư bản lại lởn vởn trong đầu nhiều người. Nhất là từ cánh tả có khả năng viễn mơ nhiều hơn cái nhìn thực tế. Những người lạc quan nhất trong số này thì mong là nhà nước sẽ cải tiến chủ nghĩa tư bản. Nhiều người khác thì coi như Giấc Mơ Hoa Kỳ đã tàn phai, đang thành cơn ác mộng.

 

Trong hoàn cảnh đó, không mấy ai dám nghĩ rằng Thế kỷ 21 này là Thế kỷ của Hoa Kỳ.

 

Tội nghiệp! Hãy nhìn về quá khứ và nhìn ra chung quanh đã, rồi hãy hát khúc bi ca.

 

 

Trong một thời gian khá lâu, những kẻ tối dạ vẫn hồ hởi nghĩ rằng cộng sản chủ nghĩa – hay ả vợ bé của nó là xã hội chủ nghĩa khi lý luận cộng sản mắc bệnh liệt dương và chuyển sang từ trần – mới là tương lai của nhân loại. Không thiếu gì những người xưng danh học giả và trí thức trong thế giới tư bản và các nước dân chủ, kể cả Hoa Kỳ, cũng nghĩ vậy. Họ cầm tinh con vẹt để ngợi ca thành tựu của Liên bang Xô viết. Kết cuộc thì giấc mơ đỏ lè ấy tồn tại được một hoa giáp! Liên Xô tan tành và chủ nghĩa cộng sản phá sản.

 

Ba chục năm trước, cũng thành phần ưu tú của Mỹ đã hoài nghi thành tựu của Hoa Kỳ.

 

Với họ, sống, kinh doanh hay cạnh tranh thì phải như người Nhật. Chủ nghĩa tư bản với màu sắc Nhật Bản và cây kiềng ba chân của chính quyền, bộ máy hành chánh và các doanh nghiệp mới là tương lai. Nhật đã làm chủ nhiều cơ sở tại Hoa Kỳ và mô thức quản trị kiểu Nhật được giảng dạy trong các đại học uy tín nhất của Mỹ. Quần chúng ở dưới hốt hoảng thì phát huy tinh thần bài Nhật, lấy búa tạ phang xe hơi của Nhật và hồ hởi xem phim chống Nhật!

 

Giờ đây, không còn mấy ai nhớ mấy chuyện đó vì cùng với sự sụp đổ của Đế quốc Xô viết là sự lụn bại của nước Nhật từ năm 1991, nay vẫn chưa dứt.

 

Những người không lý tài như dân Nhật mà chuộng mã trí thức văn minh thì không nhìn về đó mà mơ ước mô hình Âu Châu.

 

Ưu điểm của "Cựu Thế Giới" mà "Tân Thế Giới" là Hoa Kỳ có thể học được chính là "phẩm chất của cuộc sống". Không cạnh tranh và đổi thay đến chóng mặt như Mỹ, Âu Châu mới là một tương lai hài hòa. Nhất là ngay sau khi Liên Xô tan rã, các nước đã có Thoả ước Maastricht năm 1992 để lập ra Liên hiệp Âu châu và có kế hoạch thống nhất tiền tệ để lập ra khối Euro.

 

Nhưng sau đúng 500 năm làm mưa làm gió trên thế giới, từ 1492 đến 1991, Âu Châu tụt xuống ghế đẩu. Và ngày nay đang cầm đèn đỏ, kinh tế suy sụp, thất nghiệp triền miên, đồng Euro thành đồng sứt. Hàng loạt quốc gia như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ái Nhĩ Lan,Ý Đại Lợi, Cyprus và Slovenia đang ở mé bờ khủng hoảng.

 

Những người Mỹ bi quan cứ nhìn vào danh hài Barack Obama mà thở hắt. Họ nên ngó qua bên kia Đại dương: nơi đó, các chính khách như Silvio Berlusconi hay Beppe Grillo của Ý hay Tổng thống François Hollande và cựu Bộ trưởng Ngân sách Jérôme Cahuzac của Pháp mới là những tay hề chính hiệu. Thế kỷ này không là thế kỷ của Âu Châu! Hết rồi.

 

May là còn có Trung Quốc và phép lạ kinh tế của bốn thế hệ lãnh tụ Đặng-Giang-Hồ-Tập!

 

Với một lực lượng dân công đông như kiến là một tỷ 354 triệu người hết còn phải đấu nhau như trong trăm năm trước, Trung Quốc có thể có sản lượng kinh tế đáng nể và giấc mơ bành trướng đáng sợ. Nhưng vỏ cứng ruột mềm, nền kinh tế và xã hội đó đã có triệu chứng suy trầm, rạn nứt và động loạn. Ít ai để ý đến trái bóng địa ốc hay núi nợ của Trung Quốc mà chỉ ca tụng bước nhảy vọt của Bắc Kinh và dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ ngay trong thập niên này. Nhưng thủ thuật ăn cắp và dòm lén thì quả là cao, đấy có là mẫu mực không? Và Thế kỷ 21 này có chấp nhận cho một anh hung đồ to xác cứ đòi tự tung tự tác hay chăng?

 

Thế giới còn lại những ai, xứ nào, để người Mỹ cho là tấm gương đáng soi? Ấn Độ? Brazil, Nam Phi, Nam Dương, Đại Hàn, Mễ? Hay Iran, Bắc Hàn? – Thưa rằng chẳng còn ai cả!

 

Hoa Kỳ phải tìm con đường sáng cho mình. Và sẽ lại tìm ra như sau mỗi lần hốt hoảng vì bị điện giựt như đã thấy trong lịch sử. Người dân Mỹ đang lặng lẽ thử nghiệm và tìm lấy sau khi đuổi một mớ chính khách về viết hồi ký.

 

"Thế kỷ này là Thế kỷ của Chúng ta!" - khi họ biết ca như vậy thì sẽ tìm ra.

 

http://dainamaxtribune.blogspot.de/2013/04/the-ky-nay-la-ky-cua-chung-ta.html

 

 

 

 

Nhớ Võ Hoàng

at 8/27/2011 10:46:00 AM

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

 



Đáng lẽ, văn học hải ngoại đã có một tác giả độc đáo. Đó là Võ Hoàng.

Nhưng, anh không muốn vậy. Và định mệnh lẫn sự hẩm hiu của văn học thời loạn cũng chiều lòng anh. Võ Hoàng trở thành một kháng chiến quân đã hy sinh vào một ngày tháng Tám năm 1987. Tôi viết những giòng này để nhớ tới Võ Hoàng như một nhà văn và một người anh em…

Tôi gặp Võ Hoàng trước khi biết đến và gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, để rồi cùng anh tham gia tổ chức này. Gặp anh, tôi biết mù mờ rằng Võ Hoàng Oanh sinh năm 1952 tại Phú Quốc, gia nhập Hải Quân và bị tù cải tạo. Mù mờ vì anh em gặp nhau lúc đó thì có bao giờ hỏi han mấy chi tiết vớ vẩn về cuộc đời? Sau này mới biết rõ hơn và quý trọng nhau hơn. Qua Lý Khánh Hồng, tôi gặp Võ Hoàng khi mình mới từ bên Pháp đến Mỹ. Lúc đó, vào mùa 
Thu năm 1982, cùng với Tưởng Năng Tiến, Thượng Văn, Lôi Tam và Lý Khánh Hồng, Võ Hoàng thực hiện Tạp Chí và Cơ Sở Xuất Bản Nhân Văn. Thời đó, trong sự đổ vỡ chung của niềm tin lẫn nỗi hoang mang trên cõi tạm dung, Nhân Văn thực sự đã có những đóng góp không nhỏ về cả mặt văn học lẫn lý luận. Vào năm 1982, chúng tôi gặp nhau ở đó cùng một số văn hữu khác và tôi giật mình ở con người Võ Hoàng. Anh ít nói, thường có cái vẻ miễn cưỡng của người hiện diện ở một nơi không nên. Anh có cái vẻ miễn cưỡng của kẻ đã lỡ sống sót sau một thảm kịch lớn cho những người kia, những người không may đã khuất.

Nói về cái tên Oanh của anh, chúng tôi luận bàn về hai chữ chiến tranh và hòa bình. Tên anh không có cái nghĩa lãng mạn của một giống chim, mà là tiếng chuyển động ầm ầm. Của xe nhà vua như tôi nói đùa, hoặc, nói trong tiếng cười kín đáo của Võ Hoàng, tiếng chiến xa. Võ Hoàng là người kỳ tài trong số những người tôi đã được gặp. Viết ra điều mình đã nghĩ từ bao lâu nay, tôi lại thấy ngậm ngùi.

Anh viết Trong Lòng Cách Mạng để ghi lại kỷ niệm ở quê nhà, những điều mắt thấy, tai nghe (và cả tay làm) sau ngày 30 tháng Tư 75. Anh vượt biên năm 1978 đến Úc sau khi đã lao vào hoạt động mệnh danh “Phục Quốc” ở quê nhà. Tù cải tạo ra, anh đi rải truyền đơn cho tới khi bị truy lùng thì phải chạy. Đọc Trong Lòng Cách Mạng, người ta có thể lờ mờ đoán ra điều đó. Qua Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng viết về chuyến vượt biên ly kỳ của mình thì ít mà về thân phận lưu đày của chúng ta thì nhiều. Đọc tác phẩm, ta càng hiểu đứa con của Phú Quốc là tay đi biển thành thạo, và càng thấy ở Võ Hoàng những dấu hiệu của một tài năng lớn, mà có lẽ anh cũng chẳng biết, hoặc bất cần. Ở anh, chỉ thấy toát ra một sự cô đơn.

Hai tập truyện Măng Đầu Mùa và Đất Lạ viết cùng Tưởng Năng Tiến có thể phản ảnh những trăn trở đó của anh khi phải sống đời tỵ nạn. Thân ở đây mà hồn cứ như ở nơi đâu xa lắc. Gia đình anh vượt biên sau anh. Anh mừng vì đoàn tụ với gia đình nhưng vẫn bơ vơ vì chưa đoàn tụ với quê hương. Thấy gia đình tới nơi yên lành rồi thì Võ Hoàng thở ra nhẹ nhõm: Đã có thể lại lao vào cuộc khác, để trở về.

Võ Hoàng có lối viết của một nhà văn miền Nam, với cái nhìn sắc bén thâm trầm của người miền Trung. Hãy đọc lại cuốn truyện dài Góc Bể Bên Trời, hoặc truyện ngắn Khách Thập Phương trong tập truyện Đất Lạ, cái đoạn mô tả cảnh một vị sư rót ra ba chung trà xếp thành hình chữ “phẩm” để mời khách, thì ta sẽ thấy nét tinh tế đó trong văn Võ Hoàng. Lối viết với đầy đối thoại, cứ tưởng như rời rạc, nhát gừng, mà bên trong đầy ắp những suy tư chỉ chực trào ra ngoài, những cuồng nộ không thể nguôi ngoai và sẽ bùng ra thành hành động. Võ Hoàng thạo nghề sông nước, rất giỏi võ, khéo tay, có thể làm thợ nề thợ mộc như đã học từ bé. Anh vẽ thần sầu, làm thơ cũng hay mà viết nhạc cũng giỏi. Những anh em làm báo mà có Võ Hoàng bên cạnh là thấy nhẹ người. Anh có thể cưa đẽo nhà dưới làm kệ sách rất mỹ 
thuật, rồi lên nhà trên giúp cho tờ báo về mọi mặt. Nơi này cần cái vignette là anh ngoáy bút ra một cái, nơi kia cần “mi” lại cho chỉnh, thời đó chúng ta chưa dùng chữ lay-out, là cũng có Võ Hoàng. Thời đó nữa, chúng ta còn phải dùng cái máy “Varytyper” nặng như cái cùm, in bài ra giấy còn phải lấy bút bỏ dấu, Võ Hoàng bỏ dấu rất gọn. Anh ít nói, bập bập điếu thu
ốc sau cặp kính hấp háy, nhưng khi nói là có giọng duyên dáng mà không ác, và làm gì cũng có vẻ như sợ làm phiền người khác. Võ Hoàng là người cực kỳ tài hoa mà lúc nào cũng có vẻ vụng về, nếu ta không để ý thấy đôi mắt rất sáng của anh. Anh nói ít mà hiểu nhiều bên sau cái dáng quê kệch của người mới ra tỉnh. Anh chí tình và tận tụy với trách nhiệm, bất kể lớn nhỏ. Ông Hoàng Cơ Minh sau này trông cậy rất nhiều nơi anh là cũng phải.

Chúng tôi kết bạn với nhau như vậy, cho tới ngày Võ Hoàng gia nhập Mặt Trận và thôi gọi nhau là anh em mà là “chiến hữu.” Anh đã tìm được con đường muốn đi ngay từ khi bỏ nước ra đi. Đó là con đường về. Võ Hoàng trở thành “kháng chiến quân” khi đi vào chiến khu của Mặt Trận từ tháng Năm, năm 1984. Gặp lại anh sau đó, trong một vài lần hãn hữu và không khí kém vui của một sự rối loạn bên trong, tôi gặp một con người khác.

Bắc Phong có viết một bài thơ tặng Võ Hoàng, trong đó có câu mà chúng tôi nhớ mãi:
Đi, hành trang có niềm tin,
Quyển thơ Nguyễn Trãi và hình vợ con. 

Sau này, rất lâu sau này, vào tháng Sáu năm 1989, khi đi tới tận cùng của chiến khu để tìm lại tông tích của anh, tôi gặp lại và đi lại con đường anh mô tả trong bài ca Thế Kỷ Này Là Thế Kỷ Của Chúng Ta mà anh sáng tác trong đó:
Cách mạng, đường dài,
Người đi như con nước miệt mài.
Đổ mồ hôi thành dòng,
Loang theo dấu chân thành những con đường làm nên kháng chiến,
Ta đi, ta đi, ta đi…

Con đường đó vô cùng gian nan, nguy hiểm, và đòi hỏi một ý chí sắt thép, mà đổ mồ hôi thành dòng mới chỉ là một phần rất nhỏ của những gian truân. Phần còn lại, trên đoạn đường Mặt Trận gọi là “Đông Tiến,” mới có những đòi hỏi khắc nghiệt hơn, kể cả đổ máu. Võ Hoàng đã hy sinh như vậy, trong một cuộc quần thảo bi thảm mà hào hùng ít ai có thể mường tượng ra.

Vào chiến khu của Mặt Trận, Võ Hoàng trở thành một người cộng sự thân tín của ông Hoàng Cơ Minh. Anh thoát xác đến anh em Nhân Văn và cả tôi, những anh em chí thiết khi anh chưa gia nhập Mặt Trận, cũng không ngờ nổi. Tinh thần kỷ luật nơi đó biến anh thành con người khác, bình thản, nhẫn nhục và lầm lỳ như một mũi tên chỉ chực bắn ra phía trước. Mũi tên bay đi không nhờ lực đẩy ở đằng sau, mà vì sức hút của mục tiêu ở đàng trước, một mục tiêu mà mọi người chúng ta đều mơ ước.

Khi Võ Hoàng viết một lá thư kêu gọi các văn hữu cùng tham gia vào việc đấu tranh, rất nhiều anh em ngoài này không hiểu được tâm tư và ý chí đó của anh, nên có thể thấy ngỡ ngàng, có khi khó chịu. Anh sắt thép quá, trông chờ nhiều quá, chỉ vì đòi hỏi quá nhiều ở chính anh. Và cái đòi hỏi sau cùng, là sự hy sinh tuyệt đối nhất, anh cũng không từ nan. Nếu có đọc lại hoặc nhớ lại lời kêu gọi đó của Võ Hoàng, vào mùa 
Thu
 năm 1984, và biết rằng anh sẽ hy sinh đúng ba năm sau, chúng ta sẽ thông cảm với anh hơn, và thương tiếc nhiều hơn. Hình như tôi đang viết những dòng này để kêu gọi sự thông cảm đó.

Nếu như Võ Hoàng còn sống, và trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước, chắc chắn anh vẫn tiếp tục đấu tranh, nhưng với những phương tiện mới trong một phương thức mới, một phương thức đòi hỏi sự sáng tạo, linh động và tính kiên nhẫn lẫn bao dung mà anh có thừa. Và văn học hải ngoại chắc chắn vẫn có Võ Hoàng.
Nếu đất nước ta thanh bình, điều chưa hề có từ bao lâu nay rồi, một con người tài hoa và lý tưởng như Võ Hoàng có lẽ đã cống hiến rất nhiều cho văn học và nghệ 
thu
ật nước nhà. Với sức làm việc kinh hồn và óc nhận xét tinh tế cùng khả năng diễn tả rất đa diện, Võ Hoàng đã có thể là một nhà văn có ảnh hưởng trong chúng ta ở nơi đây. Anh mất quá sớm, khi mới 35 tuổi, vào lúc sung sức nhất, sáng tạo nhất, để lại một sự tiếc thương khó nguôi ngoai trong bằng hữu, và một tiếng thở dài bất tận trong chúng ta, về hai chữ vận nước.

Chúng ta hao phí quá nhiều người tài giỏi như vậy, trong bao nhiêu năm trời, trên cả hai miền đất nước, ra tới bên ngoài này… Nghĩ vậy, làm sao mình không khỏi nghiến răng phẫn hận?

 

http://www.diendantheky.net/2011/08/nho-vo-hoang.html

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official 30/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link