Các
diễn đàn xã hội dân sự ở Việt Nam
Nguyễn Văn Huy
Gửi đến BBC từ Paris, Pháp
Cập nhật: 14:19 GMT - chủ nhật, 29 tháng 9, 2013
Internet đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam
Ngày
23/09/2013, một số nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước đã tập hợp lại
trong phong trào mang tên "Diễn Đàn Xã hội Dân Sự" và ra một
"Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị".
Sự ra đời của "Diễn đàn Xã hội Dân sự" là một hình
thức phản biện công khai Nghị định 72 ngăn cấm thông tin và sự phát triển của
xã hội dân sự.
Mục đích của diễn đàn này, theo Tuyên bố, là "trao đổi và
tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ
toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa". Một trang mạng của diễn đàn sẽ
được thành lập để nhưng người cùng chia sẻ mục đích gửi bài vở, ý kiến tham gia
tranh luận nhằm nâng cao kiến thức.
Đây không phải là lần đầu tiên một diễn đàn xã hội dân sự được
ra đời. Ngay từ sau khi chính quyền cộng sản được thiết đặt tại miền Bắc năm
1954 và tại miền Nam năm 1975, nhiều diễn đàn xã hội dân sự đã được thành lập
và bị chính quyền cộng sản dập tắt trong bạo lực. Ngày nay không ai quên những
đóng góp của hai tập san Nhân Văn và Giai Phẩm trong giai đoạn 1955-1958 tại
miền Bắc trong phong trào đòi tự do dân chủ của những văn nghệ sĩ và trí thức
miền Bắc. Tại miền Nam, do không bị luật pháp cấm đoán, những diễn đàn xã hội
dân sự được tự do phát triển, cụ thể là báo chí và các đài truyền thanh tư
nhân.
Sau tháng 4/1975, tất cả những diễn đàn xã hội dân sự tư nhân
tại miền Nam đều bị cấm hoạt động và bị quốc hữu hóa. Mặc dù vậy, một số cá
nhân và tổ chức vẫn tiếp tục phát hành dưới hình thức "chui" (lén
lút) như tuần san Toàn Dân Vùng Dậy (1977-1979) của Mặt trận Dân tộc Tiến bộ do
bác sĩ Nguyễn Đan Quế chủ xướng, tập san Diễn đàn Tự do (1989-1990), nhưng tất
cả những người chủ xướng và hợp tác đều bị bắt giam sau một thời gian phát hành.
Những bài viết trong những tập san này, tuy không phải là những diễn đàn xã hội
dân sự bởi vì xã hội dân sự phải được hiểu là những kết hợp công khai độc lập
với chính quyền của những người dân nhưng cũng có tác dụng thay thế tiếng nói
của xã hội dân sự. Chúng chỉ được in trên giấy và chỉ được phổ biến một cách
giới hạn trong vòng đai quen biết. Nhưng từ sau khi kỹ thuật mạng internet phát
triển mạnh mẽ từ sau thập niên 1990, sự xuất hiện của những diễn đàn xã hội dân
sự ngày càng đông đảo và tiếp cận đến mọi người, cả trong lẫn ngoài nước.
Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của những diễn đàn xã hội
dân sự là rất hữu ích, vì qua đó người ta có thể đoán trước tương lai của xã
hội Việt Nam như thế nào. Trước khi đi sâu vào chi tiết, trước hết phải hiểu
thế nào là xã hội dân sự và sau đó là ảnh hưởng của những diễn đàn xã hội dân
sự đối với người Việt Nam.
Xã hội dân sự là toàn thể những kết hợp công dân ngoài chính
quyền như giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ, tổ chức thiện nguyện, nghiệp đoàn,
hợp tác xã, công ty, xí nghiệp. Nói chung, đó là tất cả các kết hợp của người
dân, được thành lập để cùng theo đuổi một số mục đích xã hội dân sự vì lợi ích
của những người cùng chia sẻ mục đích chung đó. Tại Việt Nam, những kết hợp
mang tên xã hội dân sự, như các công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thnh niên, hội nhà
văn, v.v. đều đặt dưới quyền quản lý của Mặt Trận Tổ Quốc nên không thể được
coi là những xã hội dân sự, vì Mặt Trận Tổ Quốc chỉ là một công cụ của Đảng
Cộng Sản Việt Nam và hoạt động của Mặt trận được ghi trong Điều 9 của Hiến
pháp.
Cũng nên biết ý niệm xã hội dân sự đã được xuất hiện cùng một
lúc với các xã hội văn minh. Đó là những sợi dây chằng chịt gắn bó những con
người với nhau và gắn bó con người với xã hội. Những sợi dây liên lạc đan xen
đó tạo sự bền chắc của quốc gia. Các kết hợp công dân tạo thành xã hội dân sự
đó là những cái nôi phát sinh ý kiến, sáng kiến và tiến bộ. Một xã hội dân sự
mạnh bảo đảm các ý kiến mới được nảy sinh nhanh chóng, các mâu thuẫn được phát
hiện và giải quyết kịp thời, xã hội không ngừng tiến hóa trong hòa bình và trật
tự. Tại những quốc gia phát triển phương Tây, xã hội dân sự còn được giao phó
một vai trò quan trọng là thực hiện liên đới xã hội, giúp đỡ và bênh vực những
người yếu kém và thiếu may mắn.
Đã xảy ra một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc mặc dù Việt Nam
không cho phép
Như mọi tổ chức, những kết hợp dân sự đều tạo ra sức mạnh. Sức
mạnh của xã hội dân sự là sức mạnh tổng hợp, nhưng không bao giờ thống nhất,
nghĩa là có khi cùng hướng với nhau, có khi biệt lập với nhau và cũng có khi
đối chọi với nhau. Trên bình diện quốc gia, sức mạnh của xã hội dân sự cũng
từng lúc và từng cơ hội hòa nhập với nhà nước hay đối lập với nhà nước, nhưng
lúc nào cũng ảnh hưởng trên nhà nước và không bao giờ có tham vọng tranh quyền
với nhà nước bởi vì nó không có và không thể có tham vọng chính trị. Tranh
giành quyền lực chính trị thuộc về những đảng phái chính trị.
Những tổ chức xã hội dân sự đảm bảo sự năng động của công dân và
đồng thời cũng bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn mọi ý đồ độc tài
chuyên chính. Những chế độ độc tài bạo ngược đều nhắm trước hết tiêu diệt xã
hội dân sự. Bản chất của các chế độ độc tài là dựa trên một thiểu số để khống
chế một xã hội phân hóa. Các bạo quyền không cần dân chúng tin yêu mình mà chỉ
cần người dân đừng gắn bó với nhau để không có sức đề kháng. Không gì thỏa mãn
các tập đoàn độc tài hơn là sự thờ ơ và bất lực của quần chúng. Triết lý của
một chế độ dân chủ, trái lại, coi xã hội dân sự là thành tố áp đảo và nền tảng
của quốc gia, vì thế vai trò của nhà nước là làm cho các kết hợp công dân ngày
càng đông đảo, không ngừng tiến lên và mạnh lên để đóng góp tích cực cho sự
phồn vinh của xã hội. Nhà nước phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự.
"Người dân chỉ ràng buộc với đất nước vì ít nhất một trong ba lý
do: vì đất nước bảo đảm cho mình những che chở và quyền lợi đặc biệt, vì đất
nước đem lại cho mình một nguồn hãnh diện hay, một cách giản dị, vì đất nước là
của mình."
Việt Nam, cũng như nhiều dân tộc không may khác, đã thua kém bởi
vì chúng ta không có được những nhà nước như thế. Ngược lại, ở mỗi giai đoạn,
dân tộc Việt Nam chỉ có những nhà nước của riêng một tập đoàn cầm quyền thay vì
của mọi người. Những nhà nước đó có quyền lợi của riêng mình và chỉ biết quyền
lợi của riêng mình cho nên chỉ có ưu tư giữ lấy quyền lực của mình bằng mọi giá
ngay cả nếu phải gây những thiệt thòi lớn cho dân tộc. Đó là những nhà nước
khống chế coi dân chúng là đối tượng để kiểm soát và sử dụng thay vì là những
đối tượng để bảo vệ và phục vụ.
Với sự bùng nổ của các phương tiện giao thông và truyền thông,
đồng thời với những trao đổi dồn dập và sự bành trướng của những tư tưởng mới,
những yếu tố cấu tạo truyền thống của tinh thần quốc gia dân tộc và những lý do
ràng buộc con người với đất nước cũng đã thay đổi. Người dân chỉ ràng buộc với
đất nước vì ít nhất một trong ba lý do: vì đất nước bảo đảm cho mình những che
chở và quyền lợi đặc biệt, vì đất nước đem lại cho mình một nguồn hãnh diện
hay, một cách giản dị, vì đất nước là của mình.
Ngày nay, một quốc gia chỉ có thể tồn tại nếu được quan niệm
không phải như một chủng tộc hay một quá khứ mà như một không gian liên đới
giữa những con người hiểu nhau, quí trọng nhau và hợp tác với nhau để xây dựng
và chia sẻ một tương lai chung. Quốc gia như thế chủ yếu là xã hội dân sự với
ký ức của nó, với những vấn đề phải giải quyết của nó và với những dự định
tương lai của nó. Nhà nước ở trong và ở dưới quốc gia với sứ mạng bảo vệ quốc
gia cho nên nhà nước có vai trò phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự. Một
đất nước như thế phải là của mọi người chứ không phải là của riêng của một thế
lực hay đảng phái nào.
Trước những vấn đề lớn đó, các diễn đàn xã hội dân sự có chức
năng đào sâu, giải thích và trao đổi rộng rãi những vấn đề cốt lõi và nhạy cảm
của đất nước hiện nay, như bảo vệ chủ quyền, sửa đổi hiến pháp, xóa bỏ bất
công, tố cáo tham nhũng, chống ô nhiễm xây dựng dân chủ, phát huy các quyền tự
do cơ bản của con người… mà các cơ quan truyền thông do nhà nước nắm giữ không
dám đăng tải.
Thêm về tin này
Các bài liên quan
23.09.13
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment