Saturday, October 5, 2013

Trung Quốc - Đông Nam Á: phát triển không cân xứng trong Tiểu vùng Mekong mở rộng


 

Trung Quốc - Đông Nam Á: phát triển không cân xứng trong Tiểu vùng Mekong mở rộng


Xiangming Chen & Curtis Stone - Việt-Long dịch thuật
2013-10-04

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


mekong-river

Sông Mekong đoạn chảy qua Amphoe Khong Chiam, Thái Lan

Photo courtesy Wilipedia Commones

Hoà nhập với Đông Nam Á là kế họach thiết yếu của sách lược Trung Quốc "khu vực hoá bằng nhiều gọng kìm" xung quanh biên giới Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh tiếp tục thi hành chiến lược bành trướng ảnh hưởng trên thế giới.

Trong bài đăng trên các tạp chí European Financial Review và East Asia Forum, giáo sư Xiangming Cheng của đại học Trinity, Connecticut và Fudan, Thượng Hải, cùng với cố vấn Văn phòng sưu tập và thông dịch Bắc Kinh Curtis Stone nghiên cứu về tham vọng của chiến lược "Tiến ra Tây nam" của Trung Quốc để bành trướng quyền lợi kinh tế và ảnh hưởng sang khu vực Đông Nam Á.

Các tác giả cũng khảo sát vấn đề quyết tâm "hoà nhập khu vực" của Bắc Kinh tăng cường ra sao cho sách lược rộng lớn hơn nhằm điều chỉnh về lãnh thổ trong bối cảnh quốc tế gia tăng toàn cầu hoá. Các tác giả sẽ cho thấy bằng cách nào mà các chính sách toàn cầu hoá và khu vực hoá mở màn một tiến trình song đôi trong đó kế sách xoá mờ biên giới tiến song song với kế sách tái tạo biên giới.

Ở khu vực này vai trò hàng rào truyền thống của các đường biên giới đang nhường chỗ thêm nữa cho vai trò của những chiếc cầu, vào khi những thị trấn và thành phố nhỏ nơi những vùng biên giới xa xôi trở nên những trung tâm thương mại và du lịch lớn chưa từng có ở những nơi đó.

Bài báo khảo sát nỗ lực của Trung Quốc để gây ảnh hưởng bao trùm vùng Đông Nam Á, xem xét những dấu chân của Bắc Kinh ở bên trong và ngoài những thành phố thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS). Quan hệ mậu dịch tầm cỡ quốc gia và khu vực cung cấp khởi điểm để nghiên cứu tầm mở rộng sự hoà nhập kinh tế trong Tiểu vùng này, đồng thời xem xét công cuộc phát triển bất cân xứng nơi đây.

Tây nam tiến


Trong một quán cà phê ở trung tâm thủ đô Vientiane, một ngày nóng bức mùa hè 2012, hai doanh gia trẻ người Trung Quốc, đến từ vùng tây bắc nước họ, nhấm nháp ly latte đá lạnh, nói chuyện về viễn tượng một vụ đầu tư mới để khai thác kim loại đồng trong vùng núi bắc Lào :"Mình kiếm được 100 đô la trong khi người Lào kiếm 5 đô la mỗi ngày là đủ cho họ sung sướng rồi!".

Nơi vùng ngoại ô thủ phủ Vân Nam của tỉnh Côn Minh (tỉnh giáp giới Việt Nam, Lào, Miến Điện,) toạ lạc phi trường quốc tế Trường Thuỷ, lớn hàng thứ tư của Trung Quốc, sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, và cũng xếp hàng thứ năm về diện tích trong các phi trường quốc tế. Khánh thành ầm ĩ vào tháng 6, 2012, phi trường này được dự kiến sẽ chuyên chở 38 triệu hành khách vào năm 2020 và 65 triệu người vào 2040. Tuy có vẻ xa cách về thời gian, hai con số nghe như giai thoại ấy vẫn cho thấy tham vọng của chiến lược Tây Nam Tiến của Trung Quốc để bàn trướng quyền lợi và ảnh hưởng về kinh tế vào Đông Nam Á.

Hoà nhập với Đông Nam Á là thành tố cốt yếu của chính sách khu vực hoá của bằng nhiều gọng kềm quanh đường biên giới của Trung Quốc, cùng lúc với sách lược tăng tiến vị thế trên toàn cầu. Sự quả quyết của Bắc Kinh trong vấn đề khu vực củng cố cho khuynh hướng rộng lớn hơn về điều chỉnh không gian hoạt động cố hữu là yếu tố vẫn góp phần trong chính sách toàn cầu hoá do Trung Quốc lèo lái. Hai chính sách khu vực hoá và toàn cầu hoá song hành mở ra một tiến trình song đôi: xoá nhoà biên giới và ấn định lại đường biên giới, nơi mà vai trò hàng rào truyền thống của các đường biên giới đang lùi bước để nhường chỗ thêm nữa cho vai trò của những chiếc cầu, vào khi những thị trấn và thành phố nhỏ nơi những vùng biên giới xa xôi trở nên những trung tâm thương mại và du lịch rộng lớn và sinh động, cùng những nguồn hàng hoá, du khách, đổ về. Nỗ lực dấn mình can dự vào Đông Nam Á của Trung Quốc để lại nhiều dấu chân bên trong và vượt khỏi những thành phố của Tiểu vùng Mekông mở rộng do Ngân hàng phát triển châu Á hoạch định với mục đích tiện ích hoá từ năm 1992.  Tiểu vùng, gọi tắt là GMS (Greater Mekong Sub-region) bao gồm tình Vân Nam, về sau thêm vùng tự trị Choang của tỉnh Quảng Tây, và Campuchia, Lào, Muanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Hoạt động thương mại giữa các nước GMS


Công cuộc thương mại giữa các quốc gia và các khu vực tạo ra khởi điểm để giám định sự mở rộng phạm vi hoà nhập kinh tế trong Tiểu vùng cùng với sự phát triển không cân xứng của nó. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với từng quốc gia trong GMS đã tăng tiến từ 1990, nhanh nhất là vào năm 2000. Dựa vào tầm vóc

chart

Kin ngạch thương mại giữa Trung Quốc với 5 quốc gia GMS

của nền kinh tế, Thái Lan dẫn đầu những nước nhỏ hơn của Tiểu vùng trong hoạt động mậu dịch với Trung Quốc, kế tiếp là Việt Nam. Tuy nhiên tổng khối lượng mậu dịch Trung Quốc-Myanmar đã gia tăng gần 6 tỉ đô la trong khoảng thời gian từ k2001 đến 2011, trong cùng thời gian kim ngạch giữa Trung Quốc với Lào tăng 1,2 tỉ đô la . Nhiều phần gia tăng mậu dịch giữa Trung Quốc với từng nước Myanmar và Lào đã diễn ra qua sự hợp tác xuyên biên giới quốc tế.

Vai trò của tỉnh Vân Nam và thủ phủ Côn Minh trong nền thương mại Trung Quốc-GMS không thể bị đánh giá nhẹ hơn. Tổng sản lượng quốc dân của tỉnh Vân Nam từ 33 tỉ đô la năm 2000 đã vọt thẳng lên 160 tỉ vào 2012.  Chưa hết, Vân Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi GDP lên 320 tỉ đô la trong 4 năm nữa, dựa vào hoạt động thương mại biên giới gia tăng thêm nữa. Thành phố Côn Minh giữ vai trò nguồn gốc và then chốt của các hoạt động kinh tế mở rộng đến tận biên giới Trung Quốc với Lào, Myanmar, Việt Nam và xa hơn nữa.

Tổng lực không đồng đều- Phát triển không cân xứng


Nền mậu dịch Trung Quốc-Đông Nam Á phát triển, nhưng Trung Quốc tạo nên một ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực GMS qua căn cứ địa kinh tế Vân nam. Trung Quốc cũng thực hiện một chính sách khu vực tạo nên những hậu quả của phát triển qua biên giới.

Tháng 5 năm 2011, Quốc vụ viện Trung Hoa ban hành một tài liệu quan trọng, gọi là "Yểm trợ tăng tốc độ kiến tạo Vân Nam thành tiền đồn quan trọng cho vùng Tây Nam". Kế hoạch này nhằm xây dựng thủ phủ Côn Minh thành trung tâm của vùng tây nam Trung Quốc đối diện Tiểu Vùng Mekong mở rộng GMS. Như biểu tượng, cao ốc cao nhất của tỉnh Vân Nam mọc lên tại quận Bàn Long ở phía đông bắc Côn Minh, nhằm cung cấp dịch vụ tài chính và thương mại cho các công ty Trung Quốc các công ty đa quốc gia mở rộng trong khu vực.

yunnan

Tỉnh Vân Nam cùng các thành phố kinh tế vệ tinh, điếm xuất phát mạng lưới kinh tế xuống GMS

Thi hành chính sách "Côn Minh làm tiền đồn quốc tế", các chính quyền Vân Nam và Côn Minh đã khởi động nhiều chính sách và dự án khác nhau. Trước hết là việc kiến tạo vòng đai  kinh tế khu vực trung tâm Vân Nam, với bốn thành phố. thị xã gồm Khúc Tĩnh, Ngọc Khê, Sở Hùng và Côn Minh, với Côn Minh làm nòng cốt. Tháng 5 2012, tỉnh Vân Nam chấp thuận việc thiết lập sáu khu vực hợp tác kinh tế biên giới, gồm một khu vực quanh huyện Đằng Xung (của thành phố Bảo Sơn).

Sáng kiến này của tỉnh Vân Nam khiến chính phủ Trung Ương chấp thuận mở thêm ba khu vực hợp tác kinh tế biên giới nữa ở các thành phố Thụy Lệ (tên cũ là Mãnh Mão, sát Myanmar), Vãn Đình (giáp ranh Myanmar, thuộc phạm vi hành chánh của Thuỵ Lệ, nhưng tự trị), và Hà Khẩu năm 1992. Thụy Lệ và Hà Khẩu trở thành hai cửa khẩu biên giới lớn nhất và nhì về ngoại thương của tỉnh Vân Nam. Trong khi đó Myanmar là đối tác thương mại lớn nhất của Vân Nam, và Thụy Lê chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn quốc với Myanmar và hơn 605 kim ngạch ngoại thương của tỉnh Vân Nam với xứ này.

Để hoàn tất kế hoạch mở rộng không gian hoạt động của các khu vực kinh tế mới và thúc đẩy hoạt động kinh tế cho sinh động , tỉnh Vân Nam đã thiết lập những mối quan hệ về định chế và văn hóa với các quốc gia GMS. Trung Quốcc vừa thiết lập các văn phòng đại diện thương mại tại Singapore và Campuchia, đồng thời có kế hoạch tăng thêm số lượng và mở rộng hoạt động của những Viện Khổng Tử và trung tâm Hoa ngữ đã có tại các nước GMS, nhằm tăng cường "quyền lực mềm" cho Bắc Kinh. Thêm nhiều chuyên viên Trung Quốc thông thạo tiếng Thái, Miến Điện, và Việt Nam được đào tạo. Con số sinh viên quốc tế ở Vân Nam tăng từ 760 vào năm 2001 lên tới 10 ngàn vào năm 2007, rồi vọt lên gấp đôi, 20 ngàn, vào năm 2011.  80% số sinh viên này đến từ các quốc gia Đông Nam Á.

Hai thị trấn biên giới Muse và Namkham của Myanmar đã nhập khẩu hàng Trung Quốc như vải vóc và điện tử, số lượng chiếm tới tám chin mươi phần trăm thị trường địa phương ở bắc Miến Điện. Ở Lashio, thị trấn xa xôi nhưng là thị trường quan trọng, cách Mandalay gần 200 km, thuộc bang Shan ở miền bắc, hằng đoàn xe tải chất đầy hàng tiêu thụ của Trung Quốc lăn bánh qua thị trấn để đến thành phố Mandalay đang phát triển mạnh. Dân số Lashio gồm 50% người Hoa. Mandalay là chiếc nôi văn hóa của Myanmar, có 20% dân số là người Vân Nam. Ảnh hưởng của những người Hoa mọc rễ ở địa phương như vậy đã lót đường cho cao vọng của Trung Quốc , cũng là của tỉnh Vân Nam, muốn tiến ra Ấn Độ dương xuyên qua lộ trình đường bộ Lashio-Mandalay.

Quay lại Thụy Lệ ở biên giới của Vân Nam, vói dân số di dân rất lưu động, mối quan hệ Trung Quốc-Myanmar chạy hai chiều. Sự hiện diện của người Miến Điện địa phương tăng mạnh hơn. Theo thống kê chính thức, ước lượng khoảng 30 ngàn người Miến ở Thụy Lệ theo hai cách, hoặc qua lại biên giới hằng ngày, hoặc cư trú lâu dài tại nơi này.  Nhân số đó tương đương khoảng 17% tổng dân số thành phố hơn 180 ngàn dân vào năm ngoái 2012, tuy nhiên con số đoán chừng đó chỉ  bao gồm những người đi lại hợp pháp qua đường biên giới hầu như không được kiểm soát, có khi như là không biên giới. Nói chuyện với hai thiếu nữ Miến Điện đến từ Muse, làm việc ở hai tiệm sách ở Thụy Lệ, được biết hai cô đều là người gốc Hoa, đều vui vẻ đi lại mỗi ngày qua một trong ba cửa khẩu để làm việc bên phía Trung Quốc. Cùng lúc, nhiều người từ Myanmar đã trở thành cư dân Thụy Lệ thường xuyên hơn, hình thành một cộng đồng địa phương đặc biệt với tiệm tạp hóa riêng, cũng như những quán cà phê, tiệm tóc, dịch vụ điện thoại viễn liên riêng. Hầu hết những người Miến được tiếp chuyện đều làm ăn trong thị trường đá quý.

Trung Quốc còn cung cấp điện lực và dịch vụ điện thoại di động cho tỉnh Muse, giúp người Miến ở Thụy Lệ liên lạc với gia đình và họ hàng bên Muse giống như gọi điện thoại địa phương.

Nối kết và tăng cường để phát triển


Để tạo dễ dàng và tăng tiến mậu dịch dọc biên giới và xa khỏi biên giới thiên lý với Myanmar, Lào, Việt Nam, Trung Quốc đã bung ra mạng lưới hạ tầng cơ sở giao thông như những vòi bạch tuộc vươn ra muôn hướng về phía các quốc gia GMS.

Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Myanmar để kiến thiết đường sắt nối biên giới Miền Trung với duyên hải phía tây, trông ra vịnh Bengal.

Con đường sắt này sẽ chạy từ thị trấn biên giới Muse của bang Shan, trải dài 800 km ngang xứ sở Myanmar tới thành phố cảng Kyaukphyu của bang Rakhine, bờ cảng nhìn ra vịnh Bengal. Dự án được dự kiến hoàn tất trong 5 năm, ước tính tốn phí 20 tỉ đô la , sẽ do Trung Quốc đảm trách dựa trên thể thức BOT (kiến thiết-vận hành-chuyển giao) trong 50 năm. Khi hoàn tất, thiết lộ này sẽ cho tàu điện cao tốc chạy với tốc độ tối đa 200 km/ giờ, chuyên chở 4 ngàn tấn hàng hóa.

Trên bình diện chiến lược, đường sắt sẽ đưa hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi và đến cảng Kyaukphyu trên bờ Ấn Độ Dương thông qua Thủy Lệ và Côn Minh, bỏ được nhu cầu tàu bè chở hàng đi xuyên qua eo biển Malacca chật hẹp.

Dưới sự thúc đẩy của Trung Quốc, chính phủ Lào mới chấp thuận đề nghị của Trung Quốc về việc kiến tạo một tuyến đường sắt xuyên biên giới nối thủ đô Vientiane với tỉnh Luang Namtha sát biên giới Trung Quốc, đoạn nối dài chạy qua tới Côn Minh, tổng chiều dài 420 km. Dự án này theo kế hoạch sẽ  hoản tất vào năm 2018, có 76 hầm, 154 cầu lớn, phí tổn dự kiến trên 7 tỉ đô la. Trung Quốc đã đề nghị gia hạn món nợ 7,2 tỉ đô la  từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho Lào vay.

Thoạt đầu được thỏa thuận là một vụ đầu tư liên doanh Trung Quốc–Lào, nhưng dự án lại đảo lại, đòi Lào giao những dải đất rộng lớn cho nhà thầu Trung Quốc. Nay dự án do chính phủ Lào sở hữu 100%. Là xứ không biết biển là gì, Lào sẵn sàng nhượng bộ phần chính cho xứ láng giềng hùng mạnh ở phía bắc, nỗ lực tự xoay sở thành một nước có đường sắt kết nối toàn quốc.

map

Mạng lưới đường sắt, đường ống dẫn và đập thủy điện trong GMS

Trung Quốc cũng gia tăng những nỗ lực trên nhiều hướng để bảo đảm cho mình nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trong khu vực. Trung Quốc đã gây tranh cãi, chỉ trích khi tìm cách sản xuất thêm thủy điện lực, xây dựng một số đập thủy điện trên sông Lan Thương ở Vân Nam., hình thành các nhánh thượng lưu của sông Mekong (xem bản đồ 2). Trong số 4 con đập đang vận hành và đập Nọa Trát Độ sắp hoàn tất sang năm, 2014, đập Tiểu Loan và đập Nọa Trát độ, với dung tích động lần lượt 9 triệu 800 ngàn và 12 triệu 400 ngàn mét khối. có thể tái phân phối một lượng nước đáng kể từ mùa mưa sang mùa khô và làm giảm lượng phù sa lưu chuyển trong dòng chính sông Mekong. Sự tái pân phối này có thể giúp bình ổn mực nước giữa nhiều đoạn con sông nằm ở các nước. Tuy nhiên những đập thủy điện ở thượng lưu có thể gây hại cho các khối cá di cư thường cung cấp 40 tới 80% lượng protêin sinh vật cho bữa ăn hằng ngày của 70 triệu người dân sinh sống quanh lưu vực con sông ngàn dặm này.

Trung Quốc thực ra không đơn độc trong việc xây đập trên sông Mekong. Lào cũng nổi bật lên trong các quốc gia GMS như một xứ đang lợi dụng tối đa nguồn nước phong phú của sông Mekong để tăng tốc độ phát triển bằng cách bán điện cho Thái Lan và Trung Quốc. Trung Quốc là nước kiểm soát 32% các dự án thủy điện của Lào. Tuy nhiên Vientiane cũng biết lo âu trước tác động môi trường quá to lớn của các dự án thủy điện ấy. Tác động đó buộc Lào phải đình hoãn đề nghị dự án gây tranh cãi nhất, là xây đập Xayaburi trị giá 3,8 tỉ đô la . Các quốc gia GMS sẽ phải tiếp tục đối diện thách đố trong việc giải quyết thỏa đáng những mối cạnh tranh về mục tiêu và quyền  lợi phát triển ràng buộc với nhau do con sông dài quốc tế.

Một khu vực đang vươn tới


Khi vòng tay kinh tế của Trung Quốc vươn tới không gian hoạt động rộng mở qua Tiểu vùng Mekong GMS, Trung Quốc cũng bắt đầu trải rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị. Sau khi mất mười mấy thủy thủ trên con tàu hàng chạy đường sông Mekong, Trung Quốc thúc đẩy Thái Lan, Myanmar và Lào giúp săn lùng một tay trùm ma túy nổi tiếng bi coi là kẻ chủ mưu vụ thảm sát đó.  Trung Quốc làm việc sát với cảnh sát Miến Điện và Lào để bắt Naw Kham, một công dân Miến Điện, ở vùng bắc Lào, và sau đó dẫn độ Kham về Trung Quốc. Hình ảnh tay trùm ma túy lúc đưa về Trung Quốc được chiếu lên truyền hình, và Kham bị xử tử bằng thuốc độc chích vào mạch máu vào tháng ba, 2013.

Đường ống chuyển dầu khí từ cảng Kyaukpyu ở bờ biển phía tây Myanmar chạy về thành phố Thủy Lệ ở biên giới Trung Quốc đã gặp phải sự chống đối của những nông dân ở bắc Myanmar sinh sống gần những nơi đường ống chạy qua. Sư nghi ngại và lo âu của công chúng Miến Điện trước ưu thế áp đảo của Bắc Kinh về kinh tế và chính trị đã bùng lên cao vào tháng 7, là lúc đường ống bắt đầu đem khí đốt về cho Trung Quốc. Tuy nhiên công trình này vẫn được dự kiến hoàn tất và hoạt động toàn phần trong năm nay. Công trình được thiết kế để chuyển vận 22 triệu tấn dầu thô và 12 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ vùng duyên hải phía tây Myanmar về Côn Minh để được một nhà máy lọc dầu lớn mới thiết lập xong chế biến thành nhiên liệu. Kế hoạch này cung cấp nhiên liệu tối cần thiết cho công cuộc phát triển miền tây nam Trung Quốc, để rồi sự phát triển đó lại mở rộng thêm qua khỏi biên giới, hướng đến các nước GMS ở phía nam.

Một số công cuộc phát triển trong thời gian gần đây ở (ngoài biên giới) phía nam tỉnh Vân Nam có thể đi ngược lại hay giải tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á vẫn tự tìm đường tiếp tục kết hợp với nhau. Ngân hàng Phát triển Châu Á đã cấp tổng cộng 220 triệu đô la để phát triển các thành phố nhỏ của Lào, Campuchia và Việt Nam dọc theo "Hành lang Kinh tế Đông tây", cho phép cả những bà bán hàng rong ở ba thành phố nhỏ được dự phần vào một dự án cấp vốn nhỏ bằng khoản viện trợ 2 triệu rưởi đô la, không hoàn lại, do Quỹ Giảm Nghèo của Nhật tài trợ.

Tiền lương lao động và giá đất ở Trung Quốc cao hơn ở Lào, Campuchia, Myanmar,  và cả Việt Nam, đã khiến một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nhân nhất (như những xí nghiệp da giày, dệt may) chuyển cơ sở xuống Đông Nam Á.

Năm 2012 Campuchia nhận lượng đầu tư nước ngoài bình quân trên đầu người nhiều hơn đầu tư từ Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ thập niên 1970. Lào kiến thiết Vùng Kinh tế Đặc biệt Savan-Seno  ở thành phố Savannakhet để thu hút thêm những ngành sản xuất cần nhiều nhân công, bằng cách nối kết Thái Lan với Trung Quốc và Thái Lan với Việt Nam, nỗ lực để bắt kịp và học hỏi kinh nghiệm cũng như đường hướng phát triển của Trung Quốc (Chú thích của người dịch: "nối Thái Lan với Trung Quốc" là xa lộ Côn Minh-Bangkok, đoạn Côn Minh- Chiang Khong khánh thành hôm 31 tháng 3, 2008, ; nối Thái Lan với Việt Nam là xa lộ "Hành lang kinh tế Đông Tây" dài 1450 km, sử dụng từ tháng 12, 2006, khởi từ hải cảng Mawlamyine của Miến Điện là  đầu phía tây, chạy qua Kayin của Miến Điện, 7 tỉnh của Thái Lan, Savanakhet của Lào, và Quảng Trị, Thừa thiên-Huế, kết thúc ở Đà Nẵng là đầu phía đông.)

Các quốc gia GMS sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp dù có hay không có mối đầu tư của Trung Quốc, dựa vào mối quan hệ kinh tế và vị trí địa lý khăng khít với xứ láng giêng phương bắc. Cả sáu nước thành viên của Tiểu vùng Mekong mở rộng, không riêng gì Trung Quốc, là tác nhân quyết định hai khu vực, Trung Quốc và Tiểu vùng Mekong, sẽ tranh đua đồng thời hợp tác các nào để thành tựu mức phát triển bền vững mạnh mẽ hơn. Nếu mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc với Tiểu vùng Mekong chẳng những được duy trì mà còn phát triển sâu rộng hơn, bối cảnh kinh tế và chính trị của khu vực Mekong sẽ chuyển đổi định hình mãi mãi.

Tin, bài liên quan



__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link