Tuesday, November 19, 2013

Một nhà nước vô trách nhiệm.


Một nhà nước vô trách nhiệm.

canhco



Tính đến thời điểm này đã có 50 người chết và mất tích trên bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai.

Vùng rốn lũ Đại Lộc có 34 ngàn ngôi nhà trôi theo dòng nước. Bình Định gần 100 ngàn căn nhà bị ngập. Các vùng khác thiệt hại cũng tương tự chưa nói đền hàng trăm ngàn hecta hoa mầu và ruộng lúa bị hư hại nặng. Báo chí lặn lội xuống tận nơi đưa tin cùng với những hình ảnh mà người đọc dù cứng lòng cách mấy cũng không thể chịu nỗi.


Những đứa trẻ ngơ ngác thò đầu ra từ một mái nhà đang trôi nổi giữa giòng. Một người nông dân khóc than bên hai con bò duy nhất của gia đình. Đám tang lênh đênh giữa trùng trùng sóng nước và hàng trăm ngàn con người đang tuyệt vọng dưới mưa chờ từng gói mì cứu trợ.


Những hình ảnh ấy tương phản dữ dội với một bài phóng sự video của báo Thanh Niên quay lại cảnh ăn chơi của UBND phường Thủy Châu xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế với những bàn nhậu đầy thức ăn và bia rượu, một cán bộ nữ hát ư ử trên bục và tiếng nhạc xập xình từ loa karaoke khiến sự giận dữ của những ai nhìn thấy cũng có thể đoán ra.



Xin xem dưới đây: Dân Bị Lũ Cô Lập, Phường Vẫn Tổ Chức Tiệc Tùng

 

http://www.youtube.com/watch?v=QzGzJtz1XTk


 https://www.youtube.com/watchv=xwzcrQmXIC4#t=47

Sự nhẫn tâm vô đạo của cái Ủy ban này là quá rõ. Tiếng nhạc lời ca giữa tang thương chng quanh cho thấy một điều không thể chối cãi: nhà nước này sản sinh, chứa chấp những sinh vật không có trái tim người.
 


Đồng tiền thuế của người dân đang được chi tiêu cho cái Ủy ban phản động này và những kẻ đang nâng ly chúc mừng sự đau đớn của quê hương đáng đưa vào sách Guiness.
 


Chỉ có thể than rằng sao nhà nước của chúng tôi bất nhân quá vậy?

Trong khi 50 xác người được chôn cất qua loa giữa cơn lũ thì nhà nước chúng tôi rất nhanh nhẩu gửi điện chia buồn với 50 công dân Nga trong tai nạn máy bay vừa xảy ra. Đối nghịch lại với năm mươi công dân Việt Nam không ai là người lên tiếng cảm thông. Nhà nước chúng tôi không khác chi cái Ủy ban Nhân dân phường Thủy Châu, có phần hơn thế nữa.

Thủy Châu là cấp phường còn cái điện chia buồn kia là cấp nhà nước. Hai cấp chính quyền cùng làm một việc có ý nghĩa như nhau nhưng mức độ nghiêm trọng có khác. Thủy Châu như một đứa con hư, không ý thức được việc mình làm còn cái điện chia buồn kia ý thức một cách trọn vẹn kết quả sau khi bức điện gửi đi: sự vừa lòng của Putin, một lãnh chúa vừa rời Việt Nam với chiếc cặp da đầy ắp hợp đồng bán súng. Chia buồn ở đây có hàm ý nịnh bợ ngay cả sự nịnh bợ ấy có làm đau lòng những nạn nhân của lũ.

Nếu 50 người chết vì lũ được lãnh đạo cao nhất công khai nói lời cảm thông thì điện chia buồn gửi đi Nga sẽ không làm ai thắc mắc.

Tiếc một điều không ai trong tứ trụ triều đình biết nói một lời phải đạo. Thói quen im lặng trước nỗi đau bão lụt đã thành sẹo trong tâm hồn khiến mỗi lần muốn nói là một lần khó khăn cho họ. Bên cạnh đó có lẽ trách nhiệm là một phần câu hỏi khiến họ khó trả lời và vì vậy cách hay nhất là lờ đi những gì cần phải làm hay giải thích.

Nhân dân chúng tôi cần nghe các ông bà ở Bộ chính trị giải thích cặn kẽ rằng có hay không tác hại của thủy điện đã làm cho cả miền Trung chìm trong biển nước?

Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Tổng Bí thư giải thích rõ những tác hại ấy có phải xuất phát từ con đường trặc trẹo tiến lên xã hội gây ra hay không?

Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích có sự ăn chia nào trong các dự án thủy điện của EVN hay chính quyền địa phương nơi có những dự án thủy điện tư nhân đang điên cuồng xả lũ vào nhân dân chúng tôi.


Nhân dân chúng tôi cần nghe ông Nguyễn Sinh Hùng trong tư cách chủ tịch Quốc hội có bao giờ ông chỉ đạo cho gần 500 đại biểu dưới ngón tay trỏ của ông không nên lên tiếng hoặc lên tiếng có chừng mực về tệ nạn xả lũ giết dân hay không?

Nhân dân chúng tôi cần nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giải thích tại sao là chủ tịch nước nhưng ông lại không có bất cứ hành động nào để lo toan trước các cơn bão lụt tàn phá hủy hoại con người, tài sản của nhân dân?

Nhân dân chúng tôi cần hỏi tất cả bốn ông một câu hỏi chung: trách nhiệm của từng ông trong khi nắm sinh mạng của nhân dân, dân tộc nằm ở chỗ nào khi các ông cứ âm thầm làm những việc các ông muốn bất kể người dân chúng tôi có kêu gào, đòi hỏi đến khàn giọng.

Điển hình là vụ sửa đổi hiến pháp. Các ông vẫn cho Quốc hội thông qua cái hiến pháp giúp các ông nắm chắc ghế ngồi của các ông và thuộc hạ hơn nữa. Với những dự án thủy điện tai họa treo lơ lửng trên đầu nhân dân chúng tôi qua điều 4, đã ngăn cản bất cứ đòi hỏi thay đổi nào đối sự độc tôn toàn trị của đảng các ông.

Sự độc tôn ấy đang đồng hành với cơn lũ cuốn cả miền Trung vào cùng khổ đói nghèo với những mất mát không thể nào bù đắp.

Hãy trả lời chúng tôi, kể cả sự trả lời ấy phát sinh từ lòng dối trá.

nguồn: canhco's blog

 

 

 

Trách nhiệm khi ‘xả lũ giết dân’?


Phạm Chí Dũng

 


Thủy điện địa phương xả lũ, khiến người
dân phải lên nóc nhà, theo báo VN

Người dân nghèo Việt Nam thật quá cam chịu! Dân tộc Việt Nam thật quá nhẫn nhục!

 

Cả rẻo đất hình chữ S đã quằn quại trong một thảm cảnh vô cảm đồng loại chưa từng có! Những vụ xả lũ thủy điện như một cách “giết sống” đến ba chục mạng người mà vẫn không một quan chức nào phải chịu trách nhiệm!

 

Những cái chết tang thương đã đột ngột trùm lên vùng lũ miền Trung vào giữa tháng 11/2013, trong mùa mưa to gió lớn cùng với trận dịch xả lũ của đồng loạt 15 hồ thủy điện.

 

Đáy trách nhiệm và đỉnh phẫn uất

 

Ở trên cao và trùm lên tất cả, trách nhiệm thuộc về bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - người đứng đầu một bộ có tiếng nói quan trọng nhất trong vấn đề quy hoạch thủy điện, phê duyệt các dự án thủy điện.

 

Bất chấp những lời dẫn dụ đầy ngụy biện của giới quan chức chính phủ và bộ ngành, tất cả đều đã quá chậm. Bất chấp vài trăm dự án thủy điện cuối cùng cũng buộc phải gạt ra khỏi quy hoạch, hàng trăm dự án thủy điện còn lại đã quét đi hơn 50.000 hecta rừng, hàng ngàn hecta đất ở, đất trồng trọt của người dân… khiến dân chúng phải chuyển nhà, chuyển cửa, mất nghề… khốn đốn trong sinh hoạt. Nhiều người dân trắng tay và cũng trắng xóa lòng tin vào chế độ.

 

Đáy trách nhiệm quan chức luôn là đỉnh phẫn uất của nhân dân.

 

Vụ xả lũ của 15 hồ thủy điện lại nằm trong chuỗi “giết sống” người dân một cách có hệ thống trong mùa mưa bão. Vào giữa tháng 9/2013, đã có một chứng thực mang tính bất chấp với cú xả lũ thình lình vào vùng trũng lòng dân Đắc Lắc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khiến ít nhất 11 người mất tích.

 

Không thể gọi khác hơn, người dân vùng rốn lũ đã bị ép chặt vào một cái đáy không lối thoát.

 

“Dưới đáy” ở Việt Nam cũng là đêm không ngủ. Những nạn nhân chỉ trong phút chốc đã bị mất toàn bộ tài sản nhỏ nhoi và miếng ăn còn sót lại. Nhưng đã không một hành động nào được các “đày tớ” làm sáng tỏ cho những cái chết trong quá khứ để tránh thoát những cái chết vừa mới xảy ra.

 

Phú Yên với liên tiếp những cú xả lũ của Thủy điện sông Hinh và Thủy điện sông Ba Hạ những năm trước đã là một điển hình về sự vô lương tâm chưa hề có đáy. “Vô cảm” xem ra vẫn là từ ngữ nhẹ nhàng và lịch sự mà báo giới và dư luận dành để mô tả về quan chức thời nay.

 

Tội ác

 

Tội ác đã đến từ cấp độ không chỉ vô cảm, mà còn hơn thế nhiều, rất nhiều. Người ta nên nhớ trong những năm 2007-2008, tập đoàn EVN đã làm nên một một kỷ lục ghê gớm về số lỗ do đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán. Để vào năm 2013, một báo cáo của cơ quan chức năng mới cho biết số lỗ còn treo mà EVN bị nhấn chìm trong đó lên tới hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương với hàng trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa.

 

EVN cũng đã hóa thân như một trong những tác nhân ghê gớm nhất trút lỗ lên đầu người dân, với các chiến dịch tăng giá điện được tiến hành không ngưng nghỉ, liên tiếp gây sức ép lên đời sống dân sinh cùng kích động lạm phát. Cơ quan chủ quản của tập đoàn này - Bộ Công thương - cũng rất thường bị dư luận nghi ngờ về không ít lần “đi đêm” cho những đợt tăng giá làm khốn đốn dân tình.

 


Thủy điện Sông tranh (2) ở Quảng Nam xả lũ
với lưu lượng hơn hai nghìn m3/giây

Giờ đây, sau tất cả những hậu quả không thể tha thứ, giới quan chức mới như nén cười để bàn thảo với nhau về cái được gọi là “cần có quy chế phối hợp trong việc xả lũ”.

 

Để sau hàng loạt vụ xả lũ như một cách giết sống người dân, vẫn không có bất kỳ một quan chức nào bị đưa ra truy tố và xét xử. Mọi việc vẫn treo nguyên vẹn ở đó, hệt như dòng lũ trắng luôn treo lơ lửng trên đầu người dân vùng rốn lũ.

 

Với nhiều người dân và cả những công chức vẫn thê thiết trong thói quen cam chịu, âu đó cũng là bi kịch của một đất nước quá kém dân chủ. Dân chủ càng tụt hậu, đạo đức càng lụn bại thì càng khó có chuyện chịu trách nhiệm hành chính về những hậu quả đã quá đủ để kết tội hình sự.

 

Nhưng ở Việt Nam, vẫn chưa có một cuộc biểu thị phẫn uất đích đáng nào dành cho quá nhiều hậu quả khủng khiếp về kinh tế và dân sinh, và vẫn còn lâu mới có được “văn hóa từ chức”. Tất cả vẫn đang bị kìm nén bởi chính những đạo luật về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình mà có lẽ còn lâu mới được đẻ muộn bởi bà mẹ Hiến pháp.

 

Ở Việt Nam, người ta vẫn trầm uẩn lòng nhẫn nhịn không thể hiểu nổi và còn chưa hồi kết. Tâm thế trầm cảm trùm mền không thể diễn tả ấy lại vẫn lắng đọng nơi hoàng cung quốc hội, bên lề báo giới và trong vô số hiện tồn ngổn ngang vẫn ngày đêm hành hạ lương tâm của những người còn rơi rớt lương tâm.

 

Xót xa thực chất phải cộng hưởng với cùng khổ không lối thoát. Không thể nói khác hơn, tội ác của EVN và ngành thủy điện đang đẩy trách nhiệm của giới quan chức xuống một cái đáy chưa phải tận cùng, đồng thời thúc tình cảm phẫn nộ của các nạn nhân lên đến cận đỉnh điểm.

 

Không cần và không còn thời gian để bàn về “quy chế phối hợp xả lũ” nữa. Mưa lũ vẫn đang và vẫn sẽ tiếp diễn, ập xuống từ trên trời nhưng cũng sẽ dội lên từ lòng đất. Sẽ còn những cái chết, nhiều sinh mạng bị đánh cắp và đánh cướp.

 

Muộn còn hơn không, vụ xả lũ thủy điện ở các tỉnh miền Trung cần phải được người dân kiện ra tòa án, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về những doanh nghiệp thủy điện, EVN và trách nhiệm điều hành của lãnh đạo Bộ Công thương.

 

Đã đến lúc xã hội dân sự cần lên tiếng ở Việt Nam. Một xã hội của người dân, trí thức và những người còn lương tâm trong Đảng.

 

Trách nhiệm ấy, không thể khác hơn là phải khởi tố vụ án xả lũ gây chết người, trong đó không thể loại trừ trách nhiệm của những quan chức cấp ủy viên trung ương đảng như ông Vũ Huy Hoàng.

 
nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/11/

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link