Ông
Nguyễn Thanh Chấn 'đòi bồi thường'
Cập nhật: 07:53 GMT - thứ tư, 20 tháng 11, 2013
Ông Nguyễn Thanh Chấn cùng vợ tại văn phòng luật sư Công Lý Việt
Ông Nguyễn Thanh Chấn, người được nói đã phải ngồi tù oan 10
năm sau khi bị kết án chung thân về tội giết người, đang nhờ tư vấn pháp lý để
đòi bồi thường thiệt hại mà cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông và gia đình, theo
báo trong nước.
Báo Người Lao Động cho biết sáng 19/11, ông Chấn cùng người thân
đã tìm đến văn phòng luật sư Công Lý Việt tại Hà Nội và chính thức mời văn
phòng này bảo vệ quyền lợi trong việc yêu cầu bồi thường.
Báo này dẫn lời bà Vũ Thị Nga, Trưởng văn phòng luật sư Công Lý
Việt, cho biết trước đó, ngày 12/11, bà đã gặp gia đình ông Chấn và tỏ ý muốn
hỗ trợ pháp lý miễn phí cho gia đình ông.
Ông Chấn được báo Quân đội Nhân dân dẫn lời nói tại cuộc gặp với
các luật sư: “Tôi và gia đình đã chịu nhiều đắng cay tủi nhục trong hơn 10 năm
bị tù oan sai do các điều tra viên và đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang gây
nên"
"Tôi đề nghị các luật sư tư vấn về mặt pháp lý để đòi lại
những tổn hại mà gia đình gặp phải theo đúng chính sách và quy định của pháp
luật Việt Nam”.
'Tòa phúc thẩm phải bồi
thường'
Trả lời BBC ngày 20/11, luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng
Luật sư Hoàng Hưng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nói việc người bị oan sai khởi
kiện lại cơ quan tố tụng hoặc quản lý của nhà nước là "một việc bình
thường" và "chắc chắn ông Chấn có đủ quyền năng để kiện cơ quan tố
tụng của vụ án."
Tuy nhiên luật sư Hướng cho biết ở thời điểm hiện tại, ông Chấn
vẫn đang đóng vai trò là một bị can, và chưa được chính thức xác nhận là vô
tội.
"Hội đồng thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao mới tái thẩm lại
bản án này. Khi tái thẩm thì ông Chấn trở thành một bị can, phải thực hiện vấn
đề điều tra lại," ông nói.
"Sau khi điều tra lại, xác định rõ hung thủ là một người
khác, thì mới có căn cứ xác định ông Chấn là vô tội."
"Bằng căn cứ là có người khác nhận tội và các chứng cứ khách
quan khác thì có thể định hướng ông Chấn vô tội là rất rõ ràng. Nhưng để chính
thức nói ông Chấn vô tội thì phải bắt đầu lại theo quy trình tố tụng."
Trả lời câu hỏi về việc bồi thường cho ông Chấn trong trường hợp
ông được chính thức xác nhận là vô tội, luật sư Hướng cho rằng "việc bồi
thường chắc chắn sẽ xảy ra" nếu các cơ quan tiến hành tố tụng "xác
định rõ ông ấy là người không phạm tội mà ông ấy lại bị án oan 10 năm".
"Tuy nhiên phải xác định ai là người bồi thường ở đây? Theo
tôi đó là cơ quan cuối cùng tuyên ông Chấn phạm tội, bằng bản ản cuối cùng có
hiệu lực pháp luật, đó là bản án của tòa phúc thẩm."
Ông Hướng cũng cho rằng vấn đề bồi thường có thể do cơ quan tố
tụng chủ động thỏa thuận với gia đình ông Chấn.
"Trong trường hợp cơ quan tố tụng không chủ động làm việc với
ông Chấn và ông Chấn cũng không bằng lòng thì việc ông Chấn khởi kiện để đòi
bồi thường thì là một việc rất đúng đắn bình thường và khách quan theo luật oan
sai," luật sư Hướng nhận định.
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã làm dấy lên làn sóng bất bình trong dư
luận những ngày qua
Phủ nhận ép cung
Ông Chấn, sinh năm 1961, bị bắt năm 2003 và sau đó bị tòa án tỉnh
Bắc Giang tuyên tội giết người, án chung thân.
Nhưng ngày 25/10 năm nay, một người tên Lý Nguyễn Chung ra đầu
thú, khai nhận hành vi giết nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.
Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hủy toàn bộ bản án
sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn, đồng thời yêu cầu điều tra lại từ đầu vụ
án.
Năm 2007, khi đang thụ án tại trại giam Vĩnh Quang, ông Chấn đã
viết một lá đơn kêu oan gửi đến Viện kiểm sát tối cao, trong đó tố cáo ông bị
đánh đập, ép cung và bị buộc phải nhận tội.
Sau khi ông Chấn được ra tù và vụ việc làm dấy lên làn sóng bất
bình trong dư luận, công an tỉnh Bắc Giang đã phải cho triệu tập các điều tra
viên trong vụ án của ông Chấn mười năm trước đây để yêu cầu tường trình.
Tuy nhiên, trong bản lấy lời khai được công bố vào ngày 11/11, cả
sáu điều tra viên này, vốn đang nắm giữ chức vụ lãnh đạo của ngành công an và
chính quyền, đều phủ nhận có việc ép cung, đánh đập và hướng dẫn ông Chấn khai
vào bản cung.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment