Giáo
dục VN - Đập bỏ và xây mới?
Hương Vũ
Gửi tới BBC từ Neuchatel - Thụy Sỹ
Cập nhật: 09:31 GMT - thứ tư, 20 tháng 11, 2013
Ngành giáo dục Việt Nam hiện nay có thể được so sánh với hình ảnh
một ngôi nhà long móng tốc mái, tường cửa xộc xệch do được chắp vá từ những
nguyên liệu không đồng bộ.
Vậy giải pháp nào khả thi để giải quyết tận gốc vấn đề này?
Thông lệ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, mỗi khi xảy ra thay đổi
tại một thể chế chính trị cầm quyền thì chỉ có những biến động liên quan tới bộ
máy quân sự và chính trị. Riêng hệ thống hành chính và dân sinh đang hoạt động
ổn định sẽ được giữ nguyên hoặc chỉ điều chỉnh đôi chút để tiếp tục phục vụ
việc phát triển đất nước.
Thế nhưng tại Việt Nam, ngay từ sau 1954, hệ thống giáo dục ở miền
Bắc do kế thừa hệ thống giáo dục Pháp đã bị đập bỏ để nhường chỗ cho hệ thống
giáo dục xã hội chủ nghĩa. Miền Nam sau 1975 cũng chung số phận. Cần nhắc lại,
từ những năm đầu thế kỷ trước, Việt Nam đã có những trường dành riêng cho nam
sinh và nữ sinh, trường dành cho học sinh ngoại quốc.
Riêng tại Hà Nội đã có trường Bưởi là trường Tây duy nhất tại Đông
Nam Á dành cho học sinh bản địa bằng giáo trình song ngữ Pháp- Việt. Qua tiếp
xúc với những người lớn tuổi thuộc thế hệ học trò từ trước thập niên 70, ai
cũng cho rằng chương trình học tập khi đó khác hiện nay rất nhiều, gọn gàng hơn
và thực tế hơn.
Suốt một giai đoạn lịch sử dài, rất nhiều sinh viên được xét vào
đại học không bởi trình độ học vấn, mà do thành phần lý lịch giai cấp gia đình
quyết định, ngành sư phạm cũng không có ngoại lệ. Người giáo viên từ thời chế
độ cũ không được trọng dụng, nhất là tại phía nam, thay vào đó là những thầy cô
được điều từ miền Bắc vào thay thế.
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, tới thập niên 90, sư phạm
là nghành cuối cùng được sinh viên lựa chọn do điểm chuẩn thấp nhất và thu nhập
thấp. Với những thực tế đó, thực khó lòng đòi hỏi chất lượng đầu ra của những
người làm nghề giáo dục.
Tư duy yếu kém
Giới chức nói nhiều về "bệnh thành tích" dưới mái trường
XHCN.
Chiến tranh kết thúc đã gần 40 năm, rất nhiều thế hệ học trò được
đào tạo dưới mái trường chế độ xã hội chủ nghĩa đã ra đời. Nhưng cho tới tận
bây giờ những người lãnh đạo vẫn loay hoay với mớ bòng bong cải cách giáo dục.
Từ cải cách chữ viết, cải cách sách giáo khoa, cải cách phân ban… theo mục tiêu
nhồi nhét kiến thức, bằng chị kém em với các nước trong khu vực. Học sinh vô
tình bị biến thành những con chuột bạch để người làm giáo dục thỏa sức thử
nghiệm.
Những cải cách sách giáo khoa đã dẫn tới kết quả tiêu diệt khả
năng tự học của học sinh, khiến học sinh bị buộc phải lệ thuộc vào giáo viên.
Điều này đã biến học sinh trở thành những là nô dịch trong giáo dục.
Những điều đơn giản như việc rèn luyện cho học sinh khả năng phản
biện, kỹ năng nhìn nhận mọi vấn đề bằng con mắt đa chiều… cũng chưa hề được các
nhà giáo dục Việt Nam quan tâm. Học sinh không có quyền được nói lên chính kiến
của mình. Cứ khác ý thầy cô các em sẽ được xếp luôn vào thành phần hỗn, láo.
Chính truyền thống Khổng Giáo còn ảnh hưởng nặng nề trong ngành giáo dục Việt
Nam ngày nay đã khiến hầu hết học sinh được đào tạo theo phương pháp học vẹt,
và nói lên tư duy yếu kém của những người làm nghề giáo dục.
Những lãng phí không thể đo đếm
Ông Nguyễn Thiện Nhân từng cam kết cải cách ngành giáo dục khi còn
ngồi ghế bộ trưởng.
20% là con số được công bố trong tổng ngân sách nhà nước được chi
cho giáo dục hàng năm, nhưng vẫn không đủ để bộ máy giáo dục hoạt động trơn tru
nếu như không có sự đóng góp của gia đình học sinh theo chủ trương xã hội hóa.
Vấn đề là, việc tiêu tốn ấy lại rơi vào những hạng mục xây dựng cơ bản, vào
những chuyến tham quan du lịch của quan chức ngành, những công trình cấp nhà
nước về giáo trình và nghiên cứu giáo dục, vào chi phí mua sắm những thiết bị
rất đắt tiền nhưng không dùng đến, chờ thanh lý…
Có những thông tin cho rẳng để có một chỗ đứng trên bục giảng,
các giáo viên phải mua bằng những số tiền lớn nhỏ tùy theo địa phương và vị trí
của trường. Vậy là để thu hồi khoản tiền đầu tư ban đầu và có được thu nhập đủ
sống, người giáo viên phải dùng mọi cách buộc mọi đối tượng học sinh phải “tự
nguyện” học thêm nhằm kiếm thêm thu nhập.
Trên thế giới, chuyện học sinh năng lực kém phải học thêm để bồi
dưỡng kiến thức là chuyện bình thường, nhưng tỷ lệ luôn rất nhỏ. Riêng tại Việt
Nam, học sinh phải mất rất nhiều thời gian và chi phí tốn kém cho việc học
thêm, nhưng chưa chắc mang lại lợi ích gì cho nhân cách và kỹ năng lao động.
Và giải pháp cái búa!
Tại Canton Neuchatel (Thụy Sỹ), nơi tôi hiện đang cư trú, toàn bộ
chi phí cho giáo dục được trích từ nguồn thuế ngân sách, không ai phải đóng góp
thêm gì cho học sinh tới 16 tuổi. Từ 13 tuổi trở xuống học sinh được học chủ
yếu là kỹ năng sống, chương trình học khá nhẹ nhàng và không thấy tình trạng
ganh đua thành tích giữa học sinh hoặc giáo viên.
Tới 13 tuổi, học sinh trải qua kỳ thi toán, tiếng Pháp, tiếng Đức
để phân loại ngay khi các em chuyển qua bậc trung học. Những em hạng A (section
de maturité) sẽ nhận chương trình cấp 3 chính thức với giáo trình nặng hơn, bù
lại chắc chắn các em có quyền lên thẳng một trường đại học theo nhu cầu mà
không phải trải qua kỳ thi nào.
Trẻ từ lớp mẫu giáo tham gia trình diễn nghệ thuật tại Thụy Sỹ.
Học sinh xếp hạng C (préprofessionnel) được học giáo trình rất nhẹ
nhàng, nhưng sẽ được hướng học nghề để trở thành những công nhân chất lượng
cao. Hạng B (moderne) sẽ được đào tạo giáo trình trung bình, và việc có thể trở
thành một trong hai thứ hạng ở trên hay không sẽ phụ thuộc vào chính sự cố gắng
và nỗ lực của các em.
Rất nhiều học sinh chọn cách học nghề để nhanh chóng có thu nhập,
nhưng cánh cửa đại học vẫn rộng mở cho các em nếu các em có nguyện vọng học lên
cao sau đó.
Mô hình giáo dục trên của Neuchatel cũng đang phải điều chỉnh do
có những ý kiến cho rằng chúng tạo ra sự phân biệt đối xử giữa chính các học
sinh. Nhưng về mặt xã hội lại nhận được sự đồng thuận cao khi tiết kiệm được
thời gian, tiền bạc của cả bộ máy đào tạo lẫn người đi học, đồng thời đáp ứng được
thực tế nhu cầu lao động của xã hội.
Trở lại câu hỏi để giải quyết tận gốc các vấn đề về giáo dục Việt
Nam ngày nay, có lẽ chỉ có phương pháp “cái búa” là khả thi nhất, nếu coi ngành
giáo dục là hình ảnh giống như ngôi nhà. Nếu những chắp vá, sửa chữa chỉ làm
cho ngôi nhà xấu xí thêm, thì nên chăng cần dũng cảm đập bỏ và xây mới?
Nếu như những người điều hành không có khả năng tự thiết kế nên
một ngôi nhà mới, thì có thể chọn giải pháp nhìn ngó xung quanh các nước Thái
Lan, Singapore, Hàn Quốc… Sao không coi thử có công trình nào đã được chứng
minh bởi tính hiệu quả khả thi, và phù hợp với khả năng của mình hơn để cứ thế
bê vào áp dụng?
Một mô hình hiệu quả như câu chuyện giáo dục tại Neuchatel cũng
không phải bất khả thi và tốn kém.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả,
người đang sống ở Thụy Sỹ.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment