Những
Tình Huống Trung Quốc Tấn Công Việt Nam
Việc Trung Quốc hạ thủy và đưa vào sử dụng tàu sân bay Thi Lang và ngày 22/11/2013 thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu tàng hình không người lái J-20 (có hình dạng giống như B-2 của Mỹ) tạo thêm lo sợ cho khu vực Đông Nam Á và trực tiếp đe dọa Việt Nam.
Trực tiếp đe dọa Việt Nam có nghĩa là Trung Quốc có khả năng tấn công Việt Nam bất cứ lúc nào bằng hỏa lực áp đảo và đánh chiếm luôn phần còn lại của Trường Sa khi đó làm chủ Biển Đông.
Tháng 10/2013, Trung Quốc lại
tiến hành một cuộc tập trận quy mô mang tên “Sứ Mệnh Hành Động 2013”
ngòai khơi Phúc Kiến với sự phối hợp của Quân Khu Quảng Đông và Hạm Đội Hải Nam
thực tập bắn đạn thật với hỏa tiễn không-đối-hải và ngược lại để răn đe Nhật
Bản và Đông Nam Á.
Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra ở đây là kế họach “Tái Cân Bằng Lực Lượng” (trước gọi là Xoay Trục) và sự hiện diện của Hàng Không Mẫu Hạm Washington của Mỹ tại Biển Đông có ý nghĩa gì?
Cho đến giờ phút này vì Hoa Kỳ là “con nợ” của Trung Quốc, do kinh tế suy thoái, làm ăn buôn bán , hợp tác chiến lược với Trung Quốc, mới đây lại tập trận hải quân chung với Trung Quốc tại Hạ Uy Di (Hawaii) cho nên luôn luôn tuyên bố “không đứng vào phe nào” trong tranh chấp Biển Đông.
Việc tàu sân bay Washington ghé ngòai khơi Đà Nẵng năm 2011, mời các giới chức Việt Nam lên thăm và mới đây vào Tháng 11, 2013 lại ghé thăm Mã Lai, Singapore và Phi Luật Tân …chỉ có tác dụng trấn an các quốc gia Đông Nam Á vì Hoa Kỳ cần sự hậu thuẫn của các quốc gia này, hiện tại cũng như khi xảy ra cuộc chiến tranh với Trung Quốc trong tương lai xa.
Do đó khi Hải Quân Trung Quốc tấn công Việt Nam, tàu sân bay Washington nếu đựợc gửi tới Biển Đông hay có đóng tại căn cứ Oyster Bay, Palawan đang được xây dựng cách Trường Sa khoảng 160km…thì cũng chỉ đứng nhìn vì không có lý do gì Hoa Kỳ lại tấn công Trung Quốc khi Trung Quốc không đụng chạm đến họ (Ngoại trừ Phi Luật Tân vì Phi Luật Tân có hiệp ước an ninh hỗ tương với Hoa Kỳ).
Chuyến viếng thăm Trung Quốc ngày 17/8/2011 của Phó Tổng Thống Joe Biden, đem theo cả đội bóng rổ đấu giao hữu rồi cuộc gặp gỡ giữa Ô. Tập Cận Bình và Obama vào Tháng 2, 2012 cho thấy Hoa Kỳ thực sự muốn hòa dịu với Trung Quốc và không muốn tình hình căng thẳng thêm.
Do
đó niềm tin cho rằng tàu sân bay Washington và tàu chiến Hoa Kỳ sẽ bảo đảm nền
an ninh, biển đảo cho Việt Nam là hoàn toàn sai lầm.Việt Nam phải tự lo liệu
lấy. Đó là sự thực hiển nhiên.
Vì Trung Quốc không phải là một cường quốc có
trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế mà là một con khủng long đầy tham
vọng, cho nên có thể làm bất cứ điều gì mà một quốc gia văn minh không bao giờ
dám làm. Thực ra thì không ai có quyền ngăn cản ai trở thành bá chủ thế giới.
Nhưng điều mà mọi người quan tâm là “cách” anh trở thành bá chủ
và “cách” anh đối xử với thế giới. Vươn lên để tranh ngôi “minh
chủ võ lâm” với Hoa Kỳ không phải là đìều cấm kỵ. Nhưng thay vì theo vương
đạo tức tôn trọng và thỏa hiệp với các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Lục theo con
đường bá đạo của Tần Thủy Hoàng ỷ mạnh hiếp yếu. Sau đây là những tình huống
Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam:
1. Mở cuộc chiến tranh biên giới như năm 1979
Tôi hoàn toàn bác bỏ khả năng này vì Trung Quốc
không có lợi gì khi mở một cuộc tấn công như vậy. Nếu làm thế Trung Quốc sẽ lộ
rõ bộ mặt xâm lược và cũng không thể lấy lý do rất “hỗn láo” là “dạy
cho Việt Nam một bài học” như năm 1979. Việt Nam đã ký hiệp ước
biên giới với Trung Quốc và là thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Uy tín của Trung Quốc về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế sẽ tổn thương
nghiêm trọng và thế giới sẽ lên án khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam bằng
đường biên giới. Nhưng Trung Quốc có thể sẽ liên tục duy trì áp lực bằng cách
tập trung quân đội, khiêu khích, quấy rối không ngoài mục đích đe dọa, khiến
Việt Nam lo sợ, lúng túng, từ đó suy yếu trên mặt trận chính là Biển Đông. Đây
là kế “Dương đông kích tây” và chiến tranh cân não. Nhưng lịch sử cho
thấy các danh tướng của Đại Việt ta khôn ngoan và mưu trí hơn con cháu Tần Thủy
Hoàng rất nhiều.
2. Mở một cuộc không kích và bắn phá quy mô
các hải cảng, quân cảng, căn cứ hải quân, các giàn khoan/thăm dò dầu khí của
Việt Nam
Muốn thế, Hải Quân Trung Quốc phải trải dài dọc
theo bờ biển từ Hải Phòng tới Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc, Trường Sa
v.v..Nếu liều lĩnh mở một cuộc chiến tranh hạn chế (trong nước gọi là cục bộ)
như vậy, Trung Quốc sẽ gây một số thiệt hại lớn cho Việt Nam, nhưng phải trả
một giá rất đắt vì hệ thống hỏa tiễn phòng thủ ven biển, phòng không, không
quân và hải quân của Việt Nam. Tôi không tin Trung Quốc sẽ tiến hành giải pháp
này vì Trung Quốc sẽ khó ăn khó nói với dư luận quốc tế về việc bắn phá, oanh
tạc các cơ sở trên đất liền và ven biển Việt Nam vì các vùng này vốn không có
tranh chấp. Đây là hành vi xâm lược trắng trợn.
3. Tấn công và nuốt gọn Trường Sa
Đây chính là tham vọng và ý đồ của Trung Quốc trong một tương lai rất gần và có
thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi tấn công và nuốt gọn Trường Sa, Trung Quốc có lý
do biện minh là: Chúng tôi chỉ “lấy lại” những gì của chúng tôi. Bằng
cớ là chúng tôi đã công bố cho thế giới biết “Đường Lưỡi Bò” xác định
chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của chúng tôi trước đây. Như thế, thêm một lần
nữa, từ cuộc xâm lăng, Trung Quốc lèo lái dư luận qua một cuộc tranh chấp chủ
quyền rất dai dẳng mà không có một tổ chức quốc tế nào có khả năng giải quyết.
Để thực hiện ý đồ nham hiểm này, Trung Quốc phải xử dụng ưu thế vừa mới có là
tàu sân bay Thi Lang. Cộng thêm với sự hộ tống của khoảng 5 khu trục hạm, 3
tuần dương hạm và đội tầu ngầm khoảng 6 chiếc và dăm ba tàu đổ bộ hạng nặng.
Hỏa lực của hạm đội này dư sức nghiền nát hệ thông phòng thủ của Việt Nam
trên Quần Đảo Trường Sa. Và lực lượng thủy bộ khoảng 4000 trên tàu sân bay sẽ nhanh
chóng chiếm lĩnh phần còn lại của Trường Sa. Vậy Việt Nam phải làm sao đây?
Theo các chiến lược gia về quân sự:
Thứ nhất: Việt Nam cần phải theo dõi từng bước di chuyển
của tàu sân bay Thi Lang qua hệ thống vệ tinh, đồng thời chia xẻ tin tức tình
báo quân sự với Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ và nhất là Hoa Kỳ về mọi động tĩnh của
tàu sân bay này. Tôi tin chắc rằng với sức mạnh hiện tại của Hải Quân Việt Nam,
nếu không có tàu sân bay, Trung Quốc sẽ không dám mở một cuộc tấn
công quy mô để nuốt gọn Trường Sa.
Thứ hai: Cũng theo các nhà quân sự, để phân tán bớt lực
lượng trên biển của Trung Quốc, Việt Nam cần ngụy tạo tin tức về
cuộc tái chiếm Hoàng Sa nếu nổ ra chiến tranh. Nắm được tin tức này chắc chắn
Trung Quốc sẽ phải dàn mỏng tàu chiến để bảo vệ Hoàng Sa. Nếu Trung Quốc lơ là,
Việt Nam có thể nhân đó tấn công tái chiếm Hoàng Sa, chặn đường về của tàu
chiến Trung Quốc.
Thứ ba: Tương kế tựu kế. Tăng cường phòng thủ Trường Sa
và biến Trường Sa thành mồi nhử để tiêu diệt tàu sân bay Thi Lang. Muốn thế Hải
Quân Việt Nam cần phải bí mật, linh hoạt. Ngay từ phát súng đầu tiên, hỏa lực
phải tập trung để tiêu diệt tàu sân bay này. Một khi tàu sân bay Thi Lang bị
đánh hỏng, tất cả máy bay chiến đấu trên boong cũng bị tiêu hủy, chiếc nào đã
cất cánh sẽ rớt xuống biển vì không đủ nhiên liệu bay về Hải Nam.Tin này sẽ làm
rúng động thế giới. Phần còn lại của hạm đội Trung Quốc như rắn mất đầu, mất
tinh thần, phải thoái lui về Hoàng Sa và sẽ bị Hải Quân và Không Quân Hải Việt Nam
ở Cam Ranh, Khánh Hòa, Đà Nẵng chặn đánh. Lúc đó, Việt Nam dễ dàng giải phóng
Trường Sa.
Hiện nay Việt Nam đã có một lữ đòan thủy quân lục chiến (trong nước
không còn dùng danh từ “lính thủy đánh bộ” nữa). Nhiệm vụ chính của lữ
đòan này là tấn công tái chiếm các đảo bị chiếm.
Nói tóm lại theo các chuyên
viên quân sự: Chiến lược sinh tử của Việt Nam là tiêu diệt cho bằng
được tàu sân bay Thi Lang, dù phải trả giá đắt. Không tiêu diệt được
tàu sân bay Thi Lang thì không sao giữ được Trường Sa.
Đây là kế hoạch hết sức
táo bạo nhưng thiết nghĩ không còn phương cách nào hơn. Một khi tàu sân bay Thi
Lang bị tiêu diệt, phải đợi ít nhất năm, muởi nữa Trung Quốc khi đóng được tàu
sân bay khác mới dám gây sự với Việt Nam. Lúc đó Hải Quân Việt Nam đã mạnh hơn
và tình hình thế giới đổi khác.
Hiện nay tình hình tại Biển Hoa Đông và Biển
Đông mỗi lúc mỗi trở nên căng thẳng và biến chuyển khôn lường. Rõ ràng Nhật Bản
đang tăng cường binh bị và liên kết với Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á để
chống lại Hoa Lục. Ngày 8-8-2013 Nhật Bản cho hạ thủy tàu sân bay khổng lồ
Izumo là chiếc tàu chiến lớn nhất của tính từ Thế Chiến II tới giờ. Rồi vào
ngày 31/10/2013 Nhật lại trình làng chiếc tàu ngầm Soryu tối tân trị giá khoàng
540 triệu đô-la làm Hoa Lục choáng váng.
Còn về phía Việt Nam, liên tiếp trong
thời gian qua đã có khá nhiều cuộc đối thọai quốc phòng Việt-Mỹ - khi ở Hà Nội,
khi ở Hoa Thịnh Đốn. Những vấn đề như tìm kiếm hài cốt lính Mỹ, rà phá
bom mìn, tiêu hủy chất độc da cam, cứu cấp, ứng phó với biển đổi khí hậu v.v..
chỉ là bề nổi. Không biết bên trong hai bên bàn tính những gì.
Xin nhớ Mỹ là
vua về đi đêm/mật đàm. Không hiểu Mỹ có bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương để
Việt Nam có thể mua máy bay săn tàu ngầm Orion P-3 để tăng cường khả năng phòng
thủ biển đảo hay không? Trong khi Mỹ còn đang do dự thì cuộc viếng thăm Việt
Nam của Ô. Putin ngày 12/11/2013 đã tạo sự chú ý đặc biệt của các nhà quan sát
thế giới. Ô. Putin đã dành cho Việt Nam những ưu đãi đặc biệt về quân sự như: Mở
rộng các hạng mục về vũ khí và thiết bị bán cho Việt Nam, hợp tác chế tạo tàu
chiến và hỏa tiễn chống hạm, bàn giao căn cứ huấn luyện và sửa chữa tàu ngầm và
các lọai tàu chiến chế tạo tại Nga.
Tất cả những căn cứ này đều ở Cam Ranh.
Thiết lập trường đại học công nghệ để Việt Nam lần hồi tự chủ về kỹ nghệ chế
tạo cơ khí dành cho quốc phòng. Tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên Hà Nội
(NATO gọi là Hố Đen) ngày 7/11/2013 đã lên đường vể Việt Nam. Chiếc thứ
hai chuẩn bị bàn giao. Chiến thứ ba đã khởi công. Theo dự tính khoảng cuối năm
2014 ba con cá kình lợi hại này sẽ tham gia lực lượng phòng thủ biển đảo…và dĩ
nhiên làm cho Hoa Lục vô cùng khó chịu.
Trước tình thế sự việc có thể “trở nên quá
trễ” Trung Quốc có thể phải ra tay trước. Nếu phải ra tay trước thì Hoa Lục
lựa chọn đánh ai đây? Theo tôi nghĩ Hoa Lục sẽ đánh Việt Nam trước, bởi vì dầu
sao Việt Nam cũng là đối thủ yếu hơn. Nếu đánh Nhật trước, Hoa Lục sẽ “bươu đầu
sứt trán”, còn sức đâu để đánh Việt Nam nữa? Ngòai ra, khi đánh Việt Nam,
nuốt gọn Trường Sa, Hoa Lục sẽ khống chế tòan bộ Biển Đông- tức “một công
đôi việc”. Lúc đó Nhật Bản chắc chắn phải quỳ gối hay nhựợng bộ.
Thế nhưng khi tấn công Việt Nam thì Hoa Lục đã
tiến hành một cuộc “viễn chinh xâm lược”. Bản chất của viễn chinh
xâm lược phi chính nghĩa, xa xôi, tiếp vận tốn kém, người dân thường chống đối
cho nên không thể kéo dài vô tận. Trong khi chiến tranh phòng vệ - tức chiến
tranh bảo vệ tổ quốc đầy chính nghĩa, người dân chấp nhận hy sinh và hy sinh
cho đến ngày tòan thắng. Do đó nếu Hoa Lục liều lĩnh mở cuộc tấn công nhằm nuốt
gọn Trường Sa thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”.
Hơn thế nữa, căn bản của chiến tranh viễn chinh
xâm lược… là phải tốc chiến tốc thắng và phải có khả năng phòng thủ vững chắc
phần đất hay các hòn đảo vừa đánh chiếm…hầu tạo “chuyện đã rồi” trước
dư luận quốc tế. Nếu cuộc chiến bất phân thắng bại, kéo dài khoảng một tuần lễ
thì hải lộ quốc tế xuyên qua Biển Đông tắc nghẽn. Lúc đó Nhật Bản, Đài Loan,
Nam Hàn và cả Hoa Kỳ nữa lâm nguy vì hải lộ này là con đường huyết mạch và là “nồi
cơm hũ gạo” của thế giới. Để bảo vệ hải lộ chiến lược và “nồi cơm hũ
gạo” này, có thể một lực lượng hải quân quốc tế hùng hậu sẽ kéo tới lấy cớ
“bảo vệ an tòan hàng hải” . Khi đó thì Hoa Lục sẽ “xôi hỏng, bỏng
không”. Về sức mạnh của Hoa Lục - kinh tế lẫn quân sự thì không ai phủ
nhận. Nhưng Hoa Lục không phải không ở vào tình thế tiến thóai lưỡng nan./.
Đào Văn Bình
(California
ngày 22/11/2013)
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment