Sunday, December 7, 2014

Hồng Kông: Occupy Central đổi chiến thuật tranh đấu



Hồng Kông: Occupy Central đổi chiến thuật tranh đấu
media


Giáo sư luật đại học Hồng Kông Đới Diệu Đình (Benny Tai), một trong những người chủ xướng phong trào Occupy Central - REUTERS /Tyrone Siu

Một trong những sáng lập viên phong trào Occupy Central kêu gọi thay đổi phương pháp đấu tranh vì chiếm đóng đường phố không mang lại kết quả mong muốn. Ông Đới Diệu Đình (Benny Tai) đề nghị trở lại chiến thuật "bất hợp tác" với chính quyền với quy mô lớn như "không đóng thuế và phong tỏa nghị viện".

 
Trong một bài phân tích đăng trên báo Mỹ New York Times, giáo sư Benny Tai, một trong ba nhà sáng lập phong trào « Chiếm lĩnh Trung hoàn » hay Occupy Central cho rằng « đã qua rồi »giai đoạn phong tỏa đường phố để gây áp lực với chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh .
Theo ông, chiếm giữ đường phố là một chiến thuật nhiều rủi ro và ít có cơ may đạt được kết quả. Không ít cảnh sát viên đã không giữ được bình tỉnh dùng bạo lực đàn áp như trong vụ đụng độ ngày thứ hai 01/12.

Rút bài học sau hơn hai tháng tranh đấu và bị cảnh sát đàn áp bằng bạo lực, lãnh đạo Occupy Central nhận định : phong trào dân chủ đã nhận được ủng hộ tối đa có thể có được từ người dân Hồng Kông. Bây giờ đã đến lúc phải thay đổi phương pháp tranh đấu để thuyết phục công luận thấu hiểu cuộc tranh đấu cho dân chủ là vì lợi ích của chính họ.

Từ nhận định này Benny Tai đề nghị chiến thuật « bất hợp tác » với chính quyền như không đóng thuế, không trả tiền thuê nhà do nhà nước quản lý và ngăn chận nghị viện biểu quyết.
Sau khi Occupy Central kêu gọi ngưng phong tỏa đường phố, lực lượng chủ chốt còn lại là Liên đoàn sinh viên Hồng Kông do Hoàng Chí Phong lãnh đạo. Phong trào sinh viên cho biết họ sẽ lấy quyết định tiếp tục bám trụ hay giải tỏa các địa điểm chiếm đóng « trong tuần này ».

Tuổi trẻ Hồng Kông dùng tiếng Quảng Đông làm vũ khí dân chủ
media

Sau game video, sinh viên Hồng Kông còn dùng tiếng Quảng Đông làm vũ khí đấu tranh - REUTERS /Tyrone Siu

Trong những căn lều cắm dùi phong tỏa đường phố hay trên mạng Internet, thanh niên sinh viên Hồng Kông tạo từ ngữ mới để thúc đẩy nền dân chủ. Trong cuộc đấu tranh chống lại chính sách độc đoán Bắc Kinh, người dân Hồng Kông có một đồng minh bất ngờ : dân Quảng Đông nói cùng một thứ tiếng và cũng bất bình với chính quyền trung ương.

Theo AFP, từ khi cách mạng Hoa Dù phát khởi tại Hồng Kông ngày 28/09, cuốn tự điển điện tử của Helen Fan trên mạng tràn ngập từ mới. Cô họa sĩ trẻ tuổi họ Phạm này thu thập những khẩu hiệu bằng tiếng Anh, bằng tiếng Quảng Đông và những hình vẽ sáng tạo suốt hai tháng tranh đấu trong danh sách « từ vựng hoa Dù » trên mạng.

Đúng là một hiện tượng « bùng nổ chơi chữ » tại nhượng địa của Anh Quốc được trả về Trung Quốc. Mỗi tuần đều có từ mới xuất hiện và có cùng tác động nhạo báng chế độ và lãnh đạo chính trị.

Thừa biết các nhà độc tài xem thường công kích nhưng họ sợ nhất là bị chế nhạo, bị chọc quê, người dân Hồng Kông sử dụng giọng Quảng Đông để đổi nghĩa tên họ của chủ tịch hành pháp Lương Chấn Anh thành Lang Chấn Anh tức là con chó sói. Lối chơi chữ tuyệt diệu này vừa nói lên sự khinh thường nhân vật bị xem là tay chân bộ hạ của Bắc Kinh vừa chế giễu chính quyền Trung Quốc dùng chó sói để ngăn cản nguyện vọng dân chủ của Hồng Kông.

Tại khu Admiralty, khu đặt cơ sở chính quyền Hồng Kông, người biểu tình treo hàng loạt « chó sói nhồi bông » để nhấn mạnh thông điệp này.

Một thí dụ cụ thể khác là khẩu hiệu « chiếm đóng đường phố » nếu đọc theo giọng Bắc Kinh là« gou wu » hay « cấu vật » có nghĩa là « mua sắm ». Nhưng âm sang tiếng Quảng Đông thì từ « gou wu » mang ý nghĩa « chiếm đóng đường phố » cộng thêm một chút tiếu lâm, ám chỉ bộ phận sinh dục của đàn ông.

Từ mới này rất được thịnh hành sau khi Lương Chấn Anh ra lệnh cho cảnh sát giải tỏa khu thương mại Mongkok và kêu gọi người biểu tình « đi mua sắm » để giúp đỡ doanh nhân.
Theo AFP, cách mạng Hoa Dù đã sáng tạo thêm nhiều từ mới như các phong trào tranh đấu Occupy Wall Street tại New York hay Mùa Xuân Ả Rập tại Ai Cập.

Song song với cuộc tranh đấu bằng ngôn ngữ này mà một thanh niên cho rằng để bảo vệ bản sắc văn hóa, ngôn ngữ Quảng Đông, tự điển « từ vựng Hoa Dù » còn định nghĩa, giải thích những danh từ chính trị như « quyền công dân » hay « điều hành » đất nước để giúp công luận hiểu rõ thêm ý nghĩa và lợi ích của phong trào tranh đấu đòi dân chủ thật sự.

Thật ra, chính quyền Bắc Kinh không phải chỉ sợ Hồng Kông ly khai. Toàn tỉnh Quảng Đông sát cạnh Hồng Kông cũng bất mãn chính quyền trung ương. Sau khi lên cầm quyền Tập Cận Bình đã bổ nhiệm Hồ Xuân Hoa thay thế lãnh đạo Quảng Đông Uông Dương, một người có tiếng cởi mở trong vụ dân làng Ô Khảm nổi dậy.

Tính độc đoán của Bắc Kinh thể hiện cụ thể nhất qua chính sách xóa bỏ tiếng Quảng Đông trong học đường và trên các chương trình truyền hình mà chính quyền trung ương gọi là thổ ngữ đang gây phẫn nộ cho dân địa phương.

Mùa hè năm nay, báo chí địa phương thường can đảm vượt rào đã phổ biến rộng rãi phản ứng chống đối của dân cư địa phương : chính quyền định dùng một ngôn ngữ (quan thoại) mới hoàn chỉnh cách nay 100 năm để ức chế tiếng Quảng Đông đã có từ 1.000 năm.

Trong học đường, học sinh đã bị bắt buộc phải nói tiếng quan thoại. Giáo sư Hán học Victor Mair đại học Pennsyvalnia Hoa Kỳ cho biết là khi áp đặt chính sách này, chính quyền Trung Quốc ngoài ý muốn thống nhất ngôn ngữ còn có ý đồ dùng tiếng quan thoại ở phía bắc để thống trị người dân phương nam nói tiếng Quảng Đông và những cộng đồng khác như Triều Châu, Thượng Hải.

Hệ quả là trẻ nhỏ ở nhà không nói tiếng Quảng Đông và số lượng người nói tiếng Quảng đã ít đi từ kể từ năm 1949 khi Mao chiến thắng. Giáo sư Victor Mair kết luận là nếu không nhờ ảnh hưởng của Hồng Kông có lẽ tiếng Quảng Đông đã chết từ lâu tại Quảng Đông.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -21/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link