Sunday, May 6, 2012

Bầu cử Pháp: trận đấu quyết định bắt đầu

Bầu cử Pháp: trận đấu quyết định bắt đầu

Cập nhật: 05:48 GMT - chủ nhật, 6 tháng 5, 2012

Hai ứng viên tổng thống Pháp Sarkozy và Hollande

Người đắc cử tổng thống Pháp sẽ có rất nhiều việc phải làm

Nước Pháp bắt đầu đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật ngày 6/5 trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống giữa hai ứng viên là tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy và đối thủ Đảng Xã hội Francois Hollande.

Hollande, người dẫn Sarkozy trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bỏ phiểu, hy vọng các cử tri Pháp sẽ quay lưng lại với thành tích cầm quyền của Sarkozy và đưa ông lên làm tổng thống cánh tả đầu tiên của nước Pháp kể từ năm 1995.

Các bài liên quan

Chủ đề liên quan

Sarkozy nói ông đã giúp đất nước tránh được cuộc suy thoái và duy trì một ‘nước Pháp hùng mạnh’ trong khi Hollande phản bác lại rằng đất nước đang trong ‘khủng hoảng trầm trọng’ và cần sự thay đổi.

Thu hẹp khoảng cách

Tổng cộng 46 triệu cử tri Pháp sẽ đi đến các phòng bỏ phiếu trên khắp đất nước kể từ 6 giờ sáng GMT (12 giờ trưa Việt Nam) sau chiến dịch tranh cử quyết liệt giữa Sarkozy, ứng viên cánh hữu hoạt động không mệt mỏi và ứng viên cánh tả Hollande, người thể hiện hình ảnh của mình như người tạo đồng thuận.

Phòng phiếu đầu tiên sẽ mở cửa tại lãnh thổ hải ngoại của Pháp hôm thứ Bảy ngày 4/5 và phòng phiếu cuối cùng sẽ đóng cửa tại chính quốc Pháp, thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc có vũ khí hạt nhân và là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu, vào lúc 6 giờ chiều GMT (nửa đêm giờ Việt Nam).

Các diễn văn chính trị các các cuộc thăm dò ý kiến đều bị cấm sau khi các chiến dịch vận động kết thúc vào đêm thứ Sáu ngày 4/5.

Tuy nhiên cuộc thăm dò cuối cùng được công bố trước thời hạn cấm dự đoán Hollande sẽ giành chiến thắng với 52% số phiếu so với 48% cho Sarkozy.

Theo cuộc thăm dò này, được đồng thực hiện bởi hai viện Ifop và Fiducial, thì Sarkozy đã thu hẹp khoảng cách được 6 điểm với Hollande kể từ cuối tuần trước khi ông tập trung sức lực để lôi kéo các cử tri đã bỏ phiếu cho ứng viên cực hữu Marine Le Pen trong vòng 1.

Với khoảng cách giờ đây là mong manh nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Sarkozy tuyên bố sẽ có bất ngờ, trong khi Hollande đã cảnh báo các cử tri của ông đừng nên tự cho rằng ông sẽ là tổng thống Đảng Xã hội đầu tiên của Pháp kể từ khi cố Tổng thống Francois Mitterand rời nhiệm sở vào năm 1995.

Pháp là quốc gia có luật rất khắt khe cấm công bố kết quả kiểm phiếu ước tính. Việc công bố này chỉ được phép cho đến khi nào tất cả các phòng phiếu đều đóng cửa.

Người dân Pháp bắt đầu đi bầu cử

Người dân Pháp đang quyết định vận mệnh của nước mình trong năm năm tới

Tuy nhiên các trang web của các hãng truyền thông nước ngoài dự kiến sẽ loan báo kết quả trước thời hạn này và sẽ loan truyền trên các mạng xã hội.

Nếu thất cử, Sarkozy sẽ trở thành tổng thống Pháp đầu tiên kể từ Valéry Giscard d’Estaing không tái đắc cử nhiệm kỳ hai hồi năm 1981.

‘Đừng ở nhà’

Các cử tri Pháp đi bỏ phiếu rất đông trong vòng 1 và đạt tỷ lệ 80%. Cả hai ứng viên đều kêu gọi các công dân Pháp đừng ở nhà trong ngày bầu cử vì từng lá phiếu đều có giá trị.

Hollande sẽ bỏ phiếu ở Tulle ở miền trung nước Pháp, trung tâm chính trị của ông, trong khi Sarkozy sẽ bỏ phiếu ở Quận 16 giàu có của Paris.

Trong vòng 1 hôm 22/4, Hollande đã giành chiến thắng với 28,63% phiếu bầu so với 27,18% của ông Sarkozy, và cả hai ứng viên đều 57 tuổi này đã cố gắng tranh thủ lá phiếu của những cử tri đã ủng hộ cho các ứng viên bị loại sau vòng 1.

Marine Le Pen, người giành được gần 18% số phiếu trong vòng 1, đã tuyên bố bà sẽ bỏ phiếu trắng và các nhà quan sát cho rằng các cử tri của bà cũng làm như vậy.

Theo một cuộc vấn ý của Ifop thì 55% cử tri của bà sẽ ủng hộ ông Sarkozy trong khi 19% sẽ bỏ phiếu cho Hollande.

Francois Bayrou, người giành được gần 9% số phiếu trong vòng 1, đã tuyên bố ủng hộ ông Hollande trong vòng 2.

Ứng viên Đảng Xã hội trước đó còn nhận được sự hậu thuẫn của ứng viên cực tả Jean-Luc Melenchon, người về thứ tư trong vòng 1 với 11% số phiếu.

Hollande cần một thắng lợi mạnh mẽ để có thể thực thi các chương trình cánh tả của ông và chống lại các biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của Liên minh châu Âu, trong khi Sarkozy đánh vào quan ngại rằng việc đắc cử của ứng viên Xã hội sẽ làm cho cả châu Âu và các thị trường sợ hãi.

Tuần cuối cùng trong chiến dịch tranh cử được đánh dấu bằng một cuộc tranh luận trên truyền hình rất căng thẳng giữa hai ứng cử viên mà trong đó họ đã thóa mạ nhau nhưng không ai giành được chiến thắng quyết định.

Tập hợp ủng hộ ứng viên

Cuộc bầu cử năm 2012 được dự đoán sẽ gay cấn nhất ở Pháp từ trước đến nay

Nhiều cử tri Pháp cảm thấy bất ngờ trước sự tấn công mạnh mẽ của ứng viên Đảng Xã hội, trong khi ông Sarkozy tìm cách thể hiện mình như là một tổng thống phải ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Những mối lo lắng về tăng trưởng kinh tế chậm chạp, thất nghiệp gia tăng và các biện pháp khắc khổ do Liên minh châu Âu áp đặt là những yếu tố tạo nên lợi thế cho ứng viên Đảng Xã hội.

Nhiều cử tri Pháp cũng không tán thành phong cách hào nhoáng của ông Sarkozy trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua và do đó họ hoan nghênh lời hứa của ông Hollande sẽ là ‘một tổng thống bình dân’.

Ứng viên Sarkozy hứa sẽ giảm thâm hụt ngân sách hiện đang ở mức cao và đánh thuế những người rời đất nước để trốn thuế.

Về phần mình, ứng viên Hollande hứa sẽ tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và những người siêu giàu với thu nhập trên 1 triệu euro một năm.

Ông cũng muốn tăng lương tối thiểu, tuyển dụng thêm 60.000 giáo viên và giảm độ tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống còn 60 cho một số ngành nghề.

bbc


 

 

 

 

 

 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link