Friday, May 4, 2012

Làn sóng phản ứng các căn cứ Mỹ trên biển Đông

Làn sóng phản ứng các căn cứ Mỹ trên biển Đông

Đâu sẽ là nơi Lầu Năm Góc đặt căn cứ thủy quân lục chiến trong vùng Thái Bình Dương?

Tác giả: Robert Haddick

Người dịch: Nguyễn Tâm

27-04-2012

 

Tin tức tuần này cho hay, cuối cùng Mỹ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm quân số lực lượng thủy quân lục chiến trú đóng tại đảo Okinawa (Nhật), và cuộc giằng co vẫn tiếp diễn trên biển Đông giữa tàu tuần duyên Philippines và tàu hải giám Trung Quốc, nay bước sang tuần thứ ba, đã làm cho tình hình thêm nóng.

Sự cố phát sinh từ đầu tháng 4 khi lực lượng trên một tàu chiến nhỏ của Philippines cố chặn bắt một số ngư dân Trung Quốc đang đánh bắt thủy sản trái phép gần bãi cạn Scarborough trong vòng tranh chấp, cách đảo Luzon của Philippines 124 dặm về phía tây bắc. Trung Quốc nhanh chóng điều hai tàu hải giám đến hiện trường, ngăn cản việc bắt giữ, và giải thoát thành công ngư dân của mình. Sau đó, Trung Quốc đã rút bớt một tàu và Manila thay tàu chiến bằng một tàu tuần duyên, cuộc khủng hoảng lắng dịu được đôi chút. Tại Bắc Kinh, đại biện Philippines hai lần bị triệu tập đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc để nghe giải thích vì sao bãi đá ngầm đang tranh chấp này lại hoàn toàn thuộc về “lãnh thổ không thể tách rời” của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, cuộc tập trận quân sự mang tên “Balikatan 2012″ của Mỹ-Philippines kéo dài 10 ngày đã bắt đầu từ ngày 16 tháng 4. Cuộc tập trận định kỳ hàng năm lần thứ 28 này gồm nhiều nội dung diễn tập khác nhau, trong đó có cuộc tiến công giả định tái chiếm một hòn đảo bởi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines, được tiến hành vào ban ngày cho đông đảo phóng viên tường thuật trên đảo Palawan, nhìn ra biển Đông. Bên cạnh các lực lượng quân sự Mỹ và Philippines, tập trận Balikatan 2012 còn có nội dung diễn tập bộ chỉ huy, tiến hành cùng với các đại diện từ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nhân dịp những sự kiện nói trên, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo các nước láng giềng về sự gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông. “Trên thực tế, họ (Trung Quốc) tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng biển này. Hãy nhìn những gì họ đang yêu sách chủ quyền và những gì còn lại”, ông Aquino nói với các phóng viên khi ông chỉ vào một bản đồ khu vực. “Thế thì làm sao các nước khác không khỏi lo ngại về những gì đang xảy ra”. Sau khi cuộc tập trận quân sự kết thúc, vị ngoại trưởng của chính phủ Aquino sẽ bay đi Washington để tham vấn với các quan chức Mỹ.

Nếu ông Aquino và các vị đồng nhiệm trong ASEAN có đủ tự tin đương đầu với Trung Quốc, những ai phản đối yêu cầu có thêm sự ủng hộ về mặt ngoại giao của Mỹ chỉ là con số nhỏ. Thực vậy, hồi năm 2010, khi một vài thành viên ASEAN công khai chỉ trích Bắc Kinh ở hai phiên họp Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) tổ chức tại Hà Nội, ngoại trưởng Hillary Clinton và bộ trưởng quốc phòng Robert Gates có mặt tại đây đã lần lượt lên tiếng ủng hộ lập trường của các nước này. Kể từ đó, lãnh đạo các nước Đông Nam Á, vốn đang nỗ lực đối phó với những đòi hỏi chủ quyền từ phía Trung Quốc, dường như đã hâm nóng ý tưởng về việc cần sự hiện diện quân sự rõ ràng hơn của Mỹ trong khu vực. Đối với biển Đông, điều này có nghĩa cần sự hiện diện của hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ nhằm hỗ trợ các đối tác của Washington trong khối ASEAN. Thách thức đối với các các nước trong cuộc là, làm thế nào để bố trí sự hiện diện quân sự hỗ trợ này, không những đáng tin cậy mà phải bền vững về mặt chính trị.

Đáng tiếc, Lầu Năm Góc vẫn chưa xác định nơi sẽ đặt căn cứ cho các đơn vị thủy quân lục chiến trong vùng Thái Bình Dương. Một công việc vẫn đang tiến hành từ thập niên 1990 là kế hoạch lập căn cứ lâu dài cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, hết bản kế hoạch này đến bản kế hoạch khác bị hủy bỏ, trong đó phải kể đến sự thất bại khi không di dời được căn cứ Mỹ ra khỏi Okinawa hồi năm 2010, khiến thủ tướng Nhật lúc đó [ông Yukio Hatoyama] phải từ chức. Các đối tác của Mỹ xung quanh khu vực biển Đông muốn có một sự hiện diện ổn định của Mỹ trong khu vực, đó cũng là điều Mỹ muốn thực hiện. Thế nhưng, Lầu Năm Góc không thể cho biết chính xác làm thế nào Mỹ có thể đảm đương sứ mệnh này cho đến khi Mỹ xác định rốt ráo nơi sẽ là địa điểm thực sự cho lực lượng thủy quân lục chiến lập căn cứ.

Hiện nay, các nhà hoạch định đồng ý rằng sự hiện diện của thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Okinawa nên được thu hẹp. Bản kế hoạch năm 2006 đề xuất chuyển 8.600 lính thủy quân lục chiến và 9.000 thân nhân theo cùng đến đảo Guam, cách Okinawa 1.500 dặm về phía đông nam, với khoản chi phí xây dựng hoàn tất lên đến 21,1 tỷ USD. Sự hiện diện của thủy quân lục chiến Mỹ trên đảo Okinawa đã trở thành vấn đề quá đau đầu về phương diện chính trị đối với chính phủ Nhật. Thêm vào đó, một số nhà phân tích quân sự lo ngại trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, các cuộc tấn công bằng tên lửa sẽ khóa chặt các hải cảng và căn cứ không quân của Mỹ trên đảo Okinawa, ngăn chặn lực lượng trên bộ của thủy quân lục chiến Mỹ triển khai quân đến những nơi cần thiết. Trong khi đó, phí tổn để xây căn cứ quy mô lớn tại Guam đã vượt quá cao, sẽ gây nên tình trạng tập trung quá nhiều nguồn lực vào một địa điểm. Năm ngoái, các thượng nghị sĩ Carl Levin, John McCain và James Webb đã phản đối kế hoạch Guam, và yêu cầu soạn lại một kế hoạch khác.

Kế hoạch mới nhất giảm bớt quân số thủy quân lục chiến chuyển đến Guam xuống còn 4.700 lính, và 2.700 lính còn lại sẽ chuyển đến các căn cứ hiện có tại Hawaii. Kế hoạch này sẽ giúp giảm bớt chi phí xây dựng tại Guam cho Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ Levin, McCain và Webb vẫn muốn biết đề xuất lập căn cứ mới đây “có liên quan thế nào đến quan điểm chiến lược mở rộng hơn các hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực”.

Triển khai sự hiện diện tích cực tại những nơi như biển Đông, ứng phó với các cuộc khủng hoảng quân sự và nhân đạo sẽ là sứ mệnh chủ yếu của thủy quân lục chiến Mỹ trong vùng Thái Bình Dương. Làm thế nào có được căn cứ tốt nhất cho các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ để họ hoàn thành nhiệm vụ vẫn là vấn đề chưa giải quyết được.  

Tổng thống Aquino có vẻ hoan nghênh sự tăng cường binh lực Mỹ chung quanh Philippines. Nhưng điều đó không có nghĩa ông ấy muốn có sự hiện diện trở lại những căn cứ khổng lồ mang tính áp đặt chính trị của Mỹ từng hoạt động trên lãnh thổ Philippines cho đến năm 1992, thời điểm mà sự đồng thuận chính trị của quốc gia này buộc các lực lượng Mỹ phải ra đi. Có khả năng đa số cộng đồng dân cư trên đảo Okinawa sẽ theo đuổi việc kiện ra tòa nếu họ có thẩm quyền làm điều đó.

Con đường chính trị ít vấp phải sự chống đối nhất sẽ là tái bố trí các đơn vị hoạt động ở nước ngoài trở về các căn cứ trên đất Mỹ (là điều hầu hết các nghị sĩ quốc hội sẽ hoan nghênh), sau đó các đơn vị này sẽ được vận chuyển bằng đường biển hoặc đường hàng không đến các địa điểm triển khai quân tương đối ngắn hạn và tập trận tại các quốc gia đối tác. Darwin (Úc) là nơi đã và đang chuẩn bị đón nhận một lực lượng lên tới 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ đến triển khai luân phiên 6 tháng mỗi lần. Philippines có thể sớm trải thảm chào đón các lực lượng Mỹ với cách thức tương tự. Tiếp theo có thể là các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh giảm bớt tác động tiêu cực của những căn cứ lớn ở nước ngoài như Okinawa và Philippines trước đây, cách triển khai quân luân phiên còn có một số lợi ích khác: Nó tạo điều kiện cho các nhà hoạch định và lực lượng quân sự Mỹ quen với tư duy viễn chinh. Giới chuyên gia hậu cần sẽ phải cải thiện hơn nữa những kỹ năng hết sức phức tạp trong công tác vận chuyển các đơn vị quân đội đi khắp thế giới, những kỹ năng này luôn hữu ích trong những cuộc khủng hoảng. Các đơn vị quân đội Mỹ sẽ phải học cách trở nên linh hoạt hơn, thích nghi tốt hơn và nhanh nhẹn hơn, nâng cao năng lực ứng phó với những cuộc khủng hoảng. Với cách triển khai quân theo mô hình chuẩn nói trên, quân nhân Mỹ sẽ trở nên quen thuộc với các đối tác nước ngoài khác nhau nhiều hơn so với lúc đóng căn cứ cố định. Khi không triển khai quân, các đơn vị này sẽ trở về căn cứ tại Mỹ, nơi có những cơ sở huấn luyện tốt hơn, gần gũi với gia đình hơn khi đóng quân ở nước ngoài.  

Cách triển khai quân này cũng có những rủi ro. Lực lượng không quân và hải quân Mỹ sẽ đối mặt với những thách thức gia tăng từ các loại tên lửa tầm xa, đối không và đối hạm. Khả năng một số lực lượng thù địch sử dụng tên lửa để áp đặt chiến thuật “chống tiếp cận, phong tỏa khu vực”, chống lại sự chuyển quân của các lực lượng Mỹ đến tăng cường tại khu vực khủng hoảng, sẽ đặc biệt gây khó khăn cho mô hình triển khai này. Xét từ viễn cảnh ngoại giao, một số nước sẽ đặt câu hỏi liệu chiến lược của Mỹ, dựa trên mô hình triển khai quân từ xa, giảm bớt sự hiện diện quân sự thường trực, có đủ trấn an các quốc gia đối tác đang trong tình trạng căng thẳng bởi một nước láng giềng hùng mạnh như Trung Quốc.

Trước nguy cơ bị tên lửa tấn công ngày một tăng, các tư lệnh chiến trường Mỹ có thể thích sự linh hoạt theo mô hình viễn chinh hơn là đặc điểm dễ bị tấn công của các căn cứ cố định – chẳng hạn như căn cứ tại Okinawa – hoàn toàn nằm trong tầm bắn dễ dàng của các tên lửa Trung Quốc. Kế hoạch tái bố trí mới chuyển quân đến Guam với quy mô tinh gọn hơn, ước tính sẽ vẫn tiêu tốn đến 8,6 tỷ USD, sẽ chi dùng vào việc xây doanh trại, nhà ở cho gia đình binh sĩ, thao trường tập bắn. Thay vì xây thêm căn cứ cố định khác đang ngày càng dễ bị tấn công, Lầu Năm Góc nên xem xét dùng số tiền này trang bị thêm các loại tàu đổ bộ dành cho thủy quân lục chiến và các tàu khu trục chống tên lửa nhằm bảo vệ lực lượng này. Điều đó sẽ tăng cường tính linh hoạt và sự hiện diện tích cực của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, giúp củng cố niềm tin của các đối tác đồng minh và cả những tư lệnh quân đội Mỹ trong khu vực.  

Nguồn: Foreign Policy

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Bản tiếng Việt © Nguyễn Tâm

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link