Trung Quốc: Ác mộng đập Tam Hiệp đã trở nên nghiêm trọng
Rồi có 1 ngày Đập nước sẽ giết mày
(Petrotimes) - Có không ít người dân đã thốt lên rằng: “Ác mộng đập Tam Hiệp đã trở nên nghiêm trọng” khi có tới 1,4 triệu người đang khốn khổ vì con đập này.
Không chỉ có dư luận và giới chuyên môn Trung Quốc mà nhiều nước trên thế giới cũng đang thực sự quan tâm tới thông tin của Tân Hoa xã hôm 18/4 cho biết, khoảng 100.000 người dân sẽ được di dời vì bị đe dọa từ những trận lở đất liên tiếp ở khu vực đập Tam Hiệp. Cách đây gần 1 năm, lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc thừa nhận: đập Tam Hiệp đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cần khắc phục. Vấn đề này được đưa ra tại cuộc họp ngày 18/5/2011 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chính phủ Trung Quốc đã quyết định thực thi những biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường quanh khu vực đập thủy điện lớn nhất thế giới từ nay đến năm 2020.
Những con số biết nói
Theo thông tin từ Tân Hoa xã hôm 18/4/2012, cơ quan chức năng đang chuẩn bị di dời khoảng 1/5 số dân ở huyện Ba Đông, tỉnh Hồ Bắc vào cuối năm 2012 và công tác di dời được thực hiện đến năm 2017.
Theo đó, 20.000 dân sống gần con đập Tam Hiệp sẽ phải di dời vào cuối năm 2012 và đến năm 2017 sẽ di dời tiếp số dân gấp 5 lần vì những lo sợ nguy cơ lở đất gây ra từ dự án thủy điện lớn nhất thế giới. Bởi có khoảng 355 địa điểm ở khu vực đập Tam Hiệp đang thường xuyên bị lở đất, 5.386 địa điểm khác, trong đó 182 điểm nguy cơ cao cũng được đưa vào danh sách giám sát thiên tai. Kinh phí cho việc di dời được lấy từ Quỹ 550 triệu NDT.
Trước đó, người dân huyện Ba Động từng vô cùng lo lắng trước những điềm gở “khó nói bằng lời”. Bởi lở đất sẽ làm suy yếu địa chất trong khu vực và dần tạo ra những cơn địa chấn. Bởi khi nước dâng sẽ thấm vào các vết nứt, làm rộng thêm những kẽ hở, làm nhão đất hai bên bờ sông và cuối cùng cuốn đi đất đá, tạo ra lở đất. Ba Động là một trong rất nhiều nơi có “đất và nước tương tác” với nhau theo dự đoán của nhiều nhà khoa học trước khi công trình đập Tam Hiệp được xây dựng – họ lo lắng về sự gia tăng hoạt động của những cơn địa chấn khác thường.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc có hàng chục nghìn con đập và hồ chứa nước đang trong ở tình trạng xấu và hiện có tới 40.000 con đập giữ nước hoạt động trong tình trạng quá tuổi thọ quy định – không được bảo trì tốt do thiếu kinh phí. Và sẽ có khoảng 25% thành phố và vùng nông thôn bị ảnh hưởng trực tiếp nếu có những hậu quả xấu từ những con đập này. Đây thực sự là một nguy cơ không chỉ đối với cuộc sống của hàng triệu người dân sống xung quanh những con đập này, mà còn có những tác động lớn tới môi trường.
Tạp chí Thời báo Hoàn Cầu cho biết, sau hội nghị bàn về vấn đề thủy lợi ngày 8/7/2010, quan chức thủy lợi cho biết, 87.000 hồ chứa nước đã được lên kế hoạch sửa chữa bởi chúng được xây từ năm 1950 đến 1970 đang xuống cấp nghiêm trọng và không thể đối phó với mưa lũ.
Giới truyền thông đưa tin, từ năm 2009 đến nay Trung Quốc đã 3 lần thử nghiệm tích nước hồ đập Thủy điện Tam Hiệp ở ngưỡng 175m. Theo quy luật thông thường, trong 3-5 năm đầu các đập thủy điện lớn sẽ phải xây dựng thêm rất nhiều đập tràn, đê lớn đề phòng hiểm họa.
Giới chuyên môn cho biết, ở mức tối đa, đập Tam Hiệp có thể hoàn thiện chức năng kiểm soát lũ và đạt công suất sản xuất điện tối đa, nhưng điều này làm tăng rủi ro địa chất trong 3-5 năm nữa. Được biết, đập Thủy điện Tam Hiệp đã 9 lần liên tục bị sạt lở nhỏ và từ khi thử tích trữ mức nước 175m, số vụ tai nạn địa chất ở công trình này tăng hơn 70% so với trước và đang có xu hướng ngày càng tăng tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đối với vùng hạ lưu sông Trường Giang. Bộ Đất đai và Tài nguyên đang phối hợp với tỉnh Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh thực hiện chiến dịch ngăn ngừa thảm họa.
Theo số liệu được công bố, chi phí xây đập Tam Hiệp ngày càng gia tăng – đạt mức 254 tỉ NDT, gấp 4 lần con số ước tính ban đầu. Ủy ban Xây dựng Dự án đập Tam Hiệp cho biết, 123,8 tỉ NDT đã phải chi để thực hiện công việc hậu dự án. Theo thống kê, từ năm 1954, có 3.515 con đập được xây dựng tại Trung Quốc, nhưng do quá trình bảo trì không được tuân thủ cộng với thiên tai có thể gây ra những nguy cơ tiềm ẩn. 62 con đập ở tỉnh Hồ Nam bị vỡ sau khi cơn bão Nina đi qua năm 1975 là ví dụ điển hình cho nhận định này.
Được biết, để công trình thế kỷ dự kiến phát điện với sản lượng 84,7 tỉ kWh/năm, chính phủ đã đầu tư hơn 482 triệu USD để ngăn chặn và kiểm soát thảm họa địa chất đập Tam Hiệp. Cách đây gần 6 năm (tháng 8/2006), Trung Quốc đã quyết định thành lập một hệ thống giám sát động đất với 21 trạm kỹ thuật số tại đập Tam Hiệp. Hệ thống giám sát động đất này trị giá 3,7 triệu USD sẽ theo dõi các cơn chấn động 24/24 giờ trong ngày.
Những người ủng hộ xây dựng đập Tam Hiệp coi đây là một giải pháp hữu hiệu đối với tình trạng lụt lội từng tàn phá dọc theo sông Dương Tử, cải thiện giao thông thủy và cũng là một nguồn năng lượng sạch cho nền kinh tế. Những người chống lại đập Thủy điện Tam Hiệp cho rằng, dự án này đã không được xây dựng trên những nghiên cứu đầy đủ về kỹ thuật, xã hội và môi trường. Sông Dương Tử từng ghi nhận tới 300 loài cá, nhưng hiện nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo thống kê, từ năm 1972, Hoàng Hà bắt đầu đứt dòng chảy và kể từ năm 1990, trung bình mỗi năm Hoàng Hà có tới hơn 100 ngày không có nước. Hàng trăm nghìn nông dân phải bỏ ruộng đất màu mỡ ở quê hương để dời đến những vùng đất cằn cỗi ở vùng sâu, vùng xa, một số người thậm chí mất sạch cơ nghiệp.
Tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 16/2/2006 chỉ rõ, trong năm 2005 nhân dân quanh hồ chứa nước Tam Môn Hiệp đã phải dời nhà hai lần do nước dâng lên vào mùa mưa, thu nhập bình quân chỉ gần bằng một nửa so với mức trung bình của cả nước, số hộå nghèo tăng cao… Di dân cũng là một chủ đề được tranh luận rất nhiều.
Cách đây gần 6 năm (tháng 10/2006), Chủ nhiệm Văn phòng kiến thiết đập Tam Hiệp cho biết, đã có 1,2 triệu người di cư (trong số 1,4 triệu người phải di cư). Đây là đợt di dân lớn nhất thế giới trong mọi thời đại. Di dân chủ yếu là người nông dân, những người bị mất đất nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi họ không biết làm gì trong tương lai.
Tranh cãi không nguôi
Xây đập ngăn nước trên sông Dương Tử là một trong những giấc mơ củaTôn Dật Tiên và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã ra lệnh tiến hành những “chấm phá” đầu tiên và khi xây dựng đập Tam Hiệp, người ta nói rằng, nó sẽ kiểm soát lũ lụt, đảm bảo tưới tiêu và sản sinh ra hàng triệu kW điện với giá rẻ, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Bởi trong quá trình xây dựng đập Tam Hiệp, 1.350 ngôi làng bị nước nhấn chìm cùng 13 thành phố, 140 thị trấn và 1,4 triệu người buộc phải di dời nhà cửa. Hơn nữa, theo nhiều nhà kinh tế, đập Tam Hiệp không những là dự án thủy điện lớn nhất mà còn đắt nhất từng được thực hiện trên thế giới.
Trước khi bắt đầu triển khai Dự án đập Tam Hiệp, nhiều chuyên gia đã phản đối bởi họ cho rằng, nó sẽ hủy hoại một số loài quý hiếm ở sông Dương Tử và các thành phố cổ của thung lũng Dương Tử cùng di tích của hàng nghìn năm lịch sử và những vùng đất nông nghiệp phì nhiêu cũng sẽ biến mất, chưa kể tới ảnh hưởng của các vùng lân cận. Họ cho rằng, đập Tam Hiệp quá lớn, quá rộng và không có thứ gì có thể đứng vững trên đường đi của nó và những chỉ trích càng trở nên gay gắt hơn sau khi khoảng 1.000 doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động vì mưa lũ và 5,7 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 7.000 căn nhà hư hại hoàn toàn, ước tính tổn thất kinh tế lên tới 6 tỉ NDT (khoảng 930 triệu USD) bởi lũ lụt ở miền Đông Trung Quốc năm 2011.
Hồi tháng 6 và 7/2010, các trận lũ lớn ở nhiều tỉnh miền Nam làm hơn 700 người thiệt mạng, trên 300 người mất tích, 700.000 nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn, 8 triệu ha hoa màu bị hư hại, hơn 8 triệu người phải sơ tán, trên 29 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và thiệt hại ước tính 21 tỉ USD. Điều đáng nói là trong đợt lũ lụt năm 2010, đập Tam Hiệp đã 3 lần xả nước và mỗi lần đều gây ra những thiệt hại to lớn cho vùng hạ du.
Nhưng một số khu vực như tỉnh An Huy, Hồ Bắc và Giang Tô thuộc trung và hạ lưu sông Dương Tử lại phải hứng chịu hạn hán nặng nề nhất 50 năm qua bởi tác động của đập Tam Hiệp. Dự kiến, gần 35 triệu người bị ảnh hưởng do đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ 50 năm qua ở các tỉnh miền Trung và miền Đông nước này. Các vùng bị nặng nhất nằm dọc sông Dương Tử và hạn hán kéo dài ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử đã làm 4,23 triệu dân trong vùng lâm vào cảnh thiếu nước uống trầm trọng.
Thiếu nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thủy lợi và cung cấp nước, thiệt hại kinh tế đã lên đến 14,94 tỉ NDT (tương đương 2,29 tỉ USD). Các tỉnh An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Triết Giang và thành phố Thượng Hải cũng lâm vào cảnh hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ năm 1954, khiến nhiều diện tích đất trồng không thể canh tác.
Điều đáng nói là hạn hán kéo dài ở miền Trung đã gây ra hiện tượng thủy triều xâm thực tại Thượng Hải ở hạ lưu sông Dương Tử. Tính từ cuối năm 2011, Thượng Hải đã 7 lần bị thủy triều xâm thực. Thủy triều xâm thực là hiện tượng bình thường vào mùa đông và mùa xuân ở Trung Quốc do nước sông Dương Tử xuống mức tương đối thấp, nhưng rất hiếm khi xảy ra vào mùa hè như vừa qua.
Để khắc phục tình hình trên, Trung Quốc đã quyết định tiếp tục cho xả thêm nước từ đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Đợt hạn hán tồi tệ nhất Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua đã khiến các cuộc tranh cãi xung quanh đập Tam Hiệp có điều kiện nhắc lại. Theo đó, đập Tam Hiệp không những gây thiếu nước mà còn là thủ phạm của những vụ động đất trong vài năm qua và nạn ô nhiễm môi trường bởi chất lượng nước biến đổi rõ rệt.
Các chuyên gia thủy văn và môi trường của Trung Quốc cáo buộc hồ chứa nước dài 600km và chứa đến 40 tỉ m3 của đập Tam Hiệp đã làm trầm trọng thêm đợt hạn hán lịch sử trong năm 2011 tại 8 tỉnh thành ở miền Trung và miền Đông. Có không ít người dân đã thốt lên rằng: “Ác mộng đập Tam Hiệp đã trở nên nghiêm trọng” khi có tới 1,4 triệu người đang khốn khổ vì con đập này.
Giới chuyên môn cho biết, kể từ năm 2006 khi đập Tam Hiệp cơ bản hoàn thành, ô nhiễm tảo đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng trên các nhánh sông Dương Tử. Bởi sông Dương Tử đang mất dần khả năng phân tán chất gây ô nhiễm trong nước và các nhánh của sông Dương Tử tại tỉnh Hồ Bắc đã trở nên xanh lè, bốc mùi hôi thối, đẩy hàng ngàn người dân vào cảnh không có nước sạch.
Ước tính mỗi năm Tập đoàn đập Tam Hiệp phải chi khoảng 1,48 triệu USD để dọn rác trôi về phía đập cho dù các chuyên gia môi trường từng cảnh báo, hồ chứa nước của đập có thể trở thành “hầm chứa nước thải không qua xử lý và hóa chất công nghiệp”. Có người còn ví von, rác trên sông Dương Tử dày đến mức người dân có thể đi bộ trên đó và có nguy cơ gây tắc nghẽn cửa xả lũ đập Tam Hiệp.
Từ tháng 8/2010, Chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo, cần hàng tỉ USD để khắc phục hậu quả về môi trường từ đập Tam Hiệp. Bộ trưởng Lâm nghiệp Giả Trị Bang từng thừa nhận, môi trường sinh thái sông Dương Tử hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng do tác động của đập Tam Hiệp.
Giới khoa học luôn nhắc tới trường hợp của chuyên gia thủy lợi Hoàng Vạn Lý, Giáo sư Trường đại học Thanh Hoa, người dám phản bác kế hoạch xây dựng hồ nước Tam Môn Hiệp để chứng minh cho những giả thiết của mình. Cách đây 60 năm (năm 1952-2012), Trung Quốc mời Liên Xô giúp lập Dự án trị thủy Hoàng Hà, con sông hung dữ nhất nước này. Nhưng sau khi bản “Quy hoạch lợi dụng tổng hợp Hoàng Hà” được hoàn tất (tháng 10/1954), Giáo sư Hoàng Vạn Lý đã nhấn mạnh, Liên Xô có nhiều kinh nghiệm xây dựng thủy điện, nhưng họ không hiểu Hoàng Hà – Hoàng Hà có rất nhiều phù sa và điều này sẽ là nguồn gốc gây ra tai họa sau này. Hoàng Vạn Lý còn cho rằng, nếu đắp đập trên đoạn sông có trầm tích thì nạn lụt ở hạ lưu Hoàng Hà sẽ chuyển đến đoạn trung lưu và phù sa trong nước sông sẽ chia cắt thượng lưu, tạo lục địa vùng hạ lưu. Xây đập ngăn sông, làm trong nước là trái quy luật tự nhiên, sẽ gây ngập lụt và thiệt hại cho các thành phố ven Hoàng Hà… Và thực tế đã chứng minh những quan ngại của Hoàng Vạn Lý.
Ngày 3/4/1992 với 1.767 phiếu thuận, 177 phiếu chống và 664 phiếu trắng, Quốc hội đã thông qua Dự án Thủy điện Tam Hiệp. Đây là lần đầu tiên việc thông qua một dự án có nhiều ý kiến phản bác như vậy – họ quan ngại về những tác động xã hội và môi trường của công trình này. Ngày 14/12/1994, dự án chính thức được khởi công xây dựng.
Ngày 20/5/2006, đập Tam Hiệp (Three Gorges dam) khối bê tông cuối cùng đã được đổ lên bức tường khổng lồ cao 185m, dài 2.309m và đây là sự kiện quan trọng nhất của dự án thủy diện lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2003, nước đã bắt đầu chảy vào lòng hồ và mỗi ngày mực nước tăng lên 1-2 m trong tổng diện tích 1.084m2.
Đập Tam Hiệp tọa lạc ở Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc với vốn đầu tư dự tính ban đầu là 203,9 tỉ NDT (khoảng 24,65 tỉ USD). Kể từ khi được Quốc hội chính thức thông qua (3/4/1992), đập Thủy điện Tam Hiệp luôn là đề tài gây tranh cãi của các nhà khoa học và giới chuyên môn.
Tháng 8/2010, Trung Quốc dự kiến chi hàng tỉ USD để khắc phục hậu quả về môi trường do đập Tam Hiệp gây ra. Theo đó việc trồng lại rừng dọc theo hồ chứa dài 600km trên sông Dương Tử sẽ tốn khoảng 10 tỉ NDT (1,47 tỉ USD) bởi diện tích rừng hiện chỉ khoảng 22% trong khi mục tiêu là 65%. Riêng trong năm 2010, thành phố Trùng Khánh đã phải đầu tư 50 tỉ NDT (hơn 7 tỉ USD) để xử lý thảm họa rác bởi lượng rác ngập và ứ đọng nhiều đến mức người dân có thể đi qua sông mà không cần cầu. Mặc dù thừa nhận đập Tam Hiệp đã mang lại những lợi ích to lớn (giảm bớt lũ lụt, dự trữ nguồn nước, tăng sản xuất điện) nhưng những vấn đề đang gặp phải khiến người ta không thế bỏ qua bởi liên quan tới cuộc sống dân sinh, tới môi trường sinh thái và tai biến địa chất thời gian tới.
Tổ chức Probe International từng cảnh báo, đập Tam Hiệp không có tác dụng ngăn lũ do bị mất đi những cánh rừng trong lưu vực sông Dương Tử cũng như của 13.000km² hồ (có tác dụng làm giảm bớt đi sự ngập lụt) do bùn lầy hóa, cải tạo và các phát triển không kiểm soát được. Việc xây hồ thủy điện ở đập Tam Hiệp đã khiến sông Dương Tử tăng trầm tích bùn lên khoảng 530 triệu tấn/năm, khiến hệ thống hồ và đập thủy điện này không có khả năng ngăn lũ.
Theo tạp chí Scientific American, hồ chứa nước Tam Hiệp nằm trên hai đứt gãy chính, gồm Cửu Hoàn Tây và Tử Quỷ – Bát Động. Còn theo nhà địa chất học Phan Tiêu, thuộc Ủy ban Khai thác và Thăm dò Địa chất nguồn khoáng sản tỉnh Tứ Xuyên, việc thay đổi mực nước trong hồ Tam Hiệp sẽ khiến các đứt gãy bị căng ra.
Tổ chức Diễn đàn Kinh doanh thế kỷ XXI từng cảnh báo, khi mực nước dâng lên ngày càng cao, các cơn chấn động ghi nhận được sẽ ngày càng lớn và thường xuyên hơn. Hai nhà khoa học Lý Bằng và Lý Vương Quân, Giáo sư xây dựng tại Trường đại học Vũ Hán từng cho rằng, rung động tạo ra từ hồ chứa Tam Hiệp là vấn đề rất đáng quan ngại bởi chỉ cần một trận động đất trung bình cũng đủ để gây ra một loạt rung động cho khu vực hồ chứa, dẫn đến lở đất, sói lở bờ sông gần vùng chấn tâm và hậu quả sẽ khôn lường. Nhiều kỹ sư Trung Quốc nhận định, các đập nước của nước này đã phải chịu trách nhiệm về ít nhất 19 trận động đất trong 50 năm qua.
Hồng Thất Công – Tuấn Quỳnh (tổng hợp)
(Báo Năng lượng Mới số 115-116 ra ngày 27/4/2012)
__________________
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment