Friday, May 4, 2012

QUỐC HẬN 30 THÁNG 4SACRAMENTO, NĂM 2012

QUỐC HẬN 30 THÁNG 4SACRAMENTO, NĂM 2012 DƯ THỊ DIỄM BUỒN

QUỐC HẬN 30 THÁNG 4

SACRAMENTO, NĂM 2012

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

DTDB

“Nước Việt Nam ngày nào còn Cộng sản

Thì sẽ còn ngày Quốc Hận, Ba Mươi

Tháng Tư Đen, ôi sanh linh đồ thán

Dân Việt Nam còn thống khổ tơi bời!”

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay đã 37 năm rồi! Đã 37 năm là một chuỗi thời gian dài. Nhưng đối với người Việt Nam lưu vong không Cộng sản, thì như chỉ mới tháng trước, tuần trước hay vài hôm mới đây thôi!

Ngày 30 tháng 4, của 37 năm về trước. Đó là ngày hãi hùng cho những người Việt Nam Cộng Hòa, cho Nguyễn Thị Hương và gia đình chị.

Hương vẫn nhớ và nhớ rất rõ, nhớ tròn đời mãn kiếp! Nếu có kiếp lai sanh, mà quê hương còn Cộng sản, thì Hương nghĩ rằng mình vẫn không làm sao quên được cái ngày uất hận thương đau ngút trời đó!

Thành phố Mỹ Tho hiền hòa nằm bên bờ sông Cửu Long thuộc nhánh Tiền Giang. Đại đa số bản chất dân Mỹ Tho chân chất, đậm tình yêu thương và đùm bọc nhau từ đời nầy qua đời khác. Từ thuở xa xưa tổ tiên, cha ông tạo lập Quốc. Hương yêu thành phố hiền lành nầy, khi cô đến đây nhận việc làm không bao lâu. Rồi cô lập gia đình, và sanh con… như bao nhiêu phụ nữ bình thường khác trên thế gian nầy.

Chồng Hương là một thầy giáo, rồi trở thành lính chiến khi quê hương lửa đạn dậy trời… Có chiến tranh nào mà không tan nát, không mất mát! Chàng trở thành phế binh vào mùa hè đỏ lửa, khi Sư Đoàn 21 có biệt danh “Sét Miền Tây” từ U Minh Thượng, U Minh Hạ (Cà Mau) kéo quân về giải tỏa An Lộc! Trong đường tơ kẻ tóc nhờ Ơn Trên che chở, không thì chắc là mẹ con của Hương đã lâm vào hoàn cảnh cô nhi quả phụ rồi!

Làm sao mà quên cho được sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975? Không gian Mỹ Tho nhạt nhòa dù mặt trời đã lên cao. Từng cơn gió hắt hiu lành lạnh nhè nhẹ lướt qua, nhưng chỉ trong chốc lát gió trở mạnh hơn. Mây khói đèn ùn ùn kéo tới đang kín, đen kịt tối thui cả vòm trời.

Chiếc Honda-đam dừng lại, Hương vội tắt máy khóa trái. Cô cố đẩy mạnh chống chân lên, hững hờ để trong nhà xe như mọi khi. Rồi nhanh chân Hương bước lên thềm có mái che, để tránh cơn mưa nặng hột sắp trút nước xuống vùng nầy.

Nhìn đồng hồ đã trễ mấy phút, cô hơi khom lưng nhẹ kéo sửa lại vạt áo, nếp quần cho thẳng thớm rồi đi nhanh qua dãy hành lang để đến phòng làm việc… Cô đi ngang phòng thử nghiệm, phòng trám răng, phòng quang tuyến mọi bữa giờ nầy đông nghẹt bịnh nhân chờ đợi bên ngoài. Nhưng sáng nay sao lạnh lẽo vắng tanh như ngày cuối tuần? Chỉ lác đác thập thò một vài đồng nghiệp, với cử chỉ như ái ngại, sợ sệt không chào hỏi réo gọi vui vẻ như mọi khi!

Đến phòng làm việc, trại bệnh cũng vắng vẻ, bịnh nhân đâu hết?Không thấy họ ra vào cầu vệ sinh, hoặc rên rỉ… Trong phòng trị cô làm việc cho bệnh nội khoa, có hơn 30 giường lúc nào cũng đầy bịnh.

Bà y công tay ôm bình thủy nước, như người mất hồn mang dép lẹp xẹp lơn tơn đi tới. Hương lên tiếng gọi:

- Hôm nay sao vắng vẻ quá vậy bà Năm, có chuyện gì, bộ đêm qua có phòng nào trong bệnh viện bị Việt cộng pháo kích rớt vào hả?

Bà Năm mở to mắt tròn xoe, hỏi ngược lại:

-Đêm qua không bị pháo kích, phải chúng nó pháo kích cũng còn đỡ! Sáng nay radio nhà cô có bắt nghe được tin tức không?

Hương cũng mở to mắt ngạc nhiên:

-Không bà, vì sáng nào tôi cũng lật đật sợ trễ, nên có mở radio đâu mà nghe tin tức! Chuyện gì vậy, bộ có ảnh hưởng đến bịnh viện? Bệnh viện là nơi trị bịnh cho người mà…

Bà y công đỏ mắt, bảo:

-Trời ơi, tui nghe người ta xì xào là Việt Cộng sắp tràn tới rồi kìa! Cô thử lấy radio trên đầu tủ bắt nghe coi có động tịnh gì không? Từ hồi sáng đến giờ các đài chỉ nghe rè rè, không bắt được! Họ bảo chắc đài phát thanh bị chiếm rồi đó cô…

Hương ngồi phịch xuống chiếc ghế dựa hàng ngày. Tay chân bủn rủn như thiếu hơi thở, cô cảm thấy mình như thừa thãi, đầu óc sơ vơ, sửng vửng, lung tung rối bời! Cô nghe tâm tư bần thần, không biết mình đang nghĩ ngợi gì, và phải làm cái gì bây giờ đây?

Bà y công mếu máo lên tiếng, rồi chỉqua bên kia:

- Cô ra cửa sổ nhìn qua Bộ chỉ huy Sư Đoàn Bảy và dinh tỉnh trưởng coi. Lúc nào ở đó, hai bên cổng cũng có lính gác túc trực 24/24. Hồi sáng đến giờ tôi không thấy bóng dáng ai, chắc là họ về hết! Mình làm sao đây hả cô Hương? Tui lo sợ và bồn chồn quá muốn đi về, vì ở nhà chỉ có mấy đứa nhỏ thôi cô ơi…

Hương thờ thẩn như kẻ mất hồn. Chợt ông quản lý bệnh viện đi qua, dừng lại thiểu não:

- Tôi tưởng cô không vào chớ! Đã đi một vòng rồi, cả bênh viện y tá chỉ lẻtẻ vài người, tôi không biết phải tính sao đây? Cô cứ làm được việc gì thì làm cho bịnh nhân còn ở lại, mọi thứ tùy ý cô quyết định.

Rồi ông ta nghẹn ngào:

- Rồi đây không biết số phần mình sẽ ra sao? Vợ chồng bác sĩ Giám đốc vào rồi, ổng bảo tình hình coi bộ không sáng sủa! Thôi tôi lên văn phòng, có gì sẽcho cô biết sau. Cô hãy tùy cơ mà ứng biến…

Bệnh viện càng lúc càng thưa vắng người! Bịnh nhân nội khoa nơi Hương làm chỉ còn vài bịnh nặng. Nhưng một lát sau thân nhân cũng tự động rước về hết!

Bà Năm y công bắt ghế, lôi chiếc radio hàng ngày chẳng ai thèm ngó tới vì nó sức cọng gãy ngoe, nằm lăn lóc bám bụi bặm trên đầu tủ. Đem lau cho bớt bụi, bà mở máy vặn tới, vặn lui rà đài, vỗ bịch bịch, kề tai nghe rè, rè… Một lúc sau, bỗng từ máy phát ra, làm bà giựt mình và Hương cảm thấy lạnh cảngười! Bởi tiếng của ông Dương Văn Minh kêu gọi toàn quân buông súng, công nhân viên ngừng việc chờ giặc đến bàn giao!

Nãy giờ ngoài trời mưa gió ào ạt, sấm chớp ì ầm long trời lỡ đất! Nước mưa hôm đó như cầm chĩnh mà đổ! Có phải chăng là giọt nước mắt của dân quân cán chánh miền Nam Cộng Hòa, thương khóc cho quê hương chốc lác rơi vào tay giặc sẽ bị cày bừa nát tan!

Và cũng tối đêm 30 tháng 4 năm 1975, từ thị thànhđến thôn quê tâm trạng mọi người như đang trên dầu sôi lửa bỏng! Không gian yên lặng cái yên lặng thê lương đầy máu và nước mắt! Đầu xóm, cuối đường lâu lâu có tiếng súng nổ, tiếng quát tháo, đánh đập… hòa với tiếng rên la, cầu cứu thảm thiết trong đêm trường vắng lặng, lạnh lung ma quái! Nhà nhà cửa đóng then gài, ai giữ hồn nấy. Nhưng không ai yên tâm chợp mắt được, vì không biết tai họa sẽ chụp xuống lúc nào!

Nỗi kinh hoàng hãi hùng trùm phủ trong đêm 30 tháng 4 năm 1975! Má của Hương quá sợ hãi và khiếp đảm, bà đã đột ngột tức tưởi lìa bỏ cõi đời! Để lại nỗi tang thương thống khổ cho gia hận, trong ngày Quốc Hận! Kể từ đó, 37 năm đã trôi qua, 37 năm Quốc Hận, 37 lần giỗ mẹ của Hương!

Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng 4! Ở hải ngoại, nơi nào có người Việt Quốc Gia là nơi đó có tổ chức ngày Quốc Hận cho Việt Nam.

Năm nay cũng như những năm qua, Sacramento (Thủ phủ của tiểu bang California) ngày Quốc Hận 30 tháng 4, do hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị tổ chức. Các anh hợp tác với Cộng Đồng, cùng đại diện các hội đoàn, đoàn thể, sinh viên, lãnh đạo tinh thần...

Trong mùa Quốc Hận, trên các con đường quanh khu chợ sầm uất đông người Việt Nam. Được treo trên các cột cao, trên các cơ quan thương mại, các cửa tiệm… Dưới bầu trời trong như bích ngọc và chói rọi nắng thủy tinh lung linh. Những lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ phấp phới bay trong gió xuân nồng. Không phân biệt ai, nếu là người Việt Quốc Gia tha hương thì ngày Quốc Hận lại đến!

Những cảm nghĩ của cựu quân nhân, của các đoàn thể… là những lời tâm tình thiết tha để nhắc nhở, để hâm nóng, để nuối tiếc, để hờn câm,để tưởng niệm ngày Quốc Hận 30 tháng 4. Chúng ta mất nước đã có 37 năm rồi. Kểtừ sau cái ngày Việt cộng sản và Cộng sản cưỡng chiếm toàn lãnh thổ nước Việt Nam.

Quốc Hận ở Sacrmento năm nay được tổ chức trong hội trường lớn của nhà thờ. Chúng ta đừng nghĩ chỉ có những người lớn tuổi, và quân nhân tham dự ngày Quốc Hận. Trong hội trường hơn 300 người tham dự. Có mặt đầy đủ dân, quân, cán, chính. Đại diện các đài truyền thanh, truyền hình, báo chí… trong vùng tham dự. Và Hương nhận thấy đã có khoảng 1/3 là thanh niên, sinh viên, học sinh…

Giữa hội trường trưng bày trang trọng bàn thờ Tổ Quốc. Những lá quốc kỳ, đại kỳ, lớn nhỏ mắc giăng trên vách. Trên màn ảnh lớn luôn chiếu những phim có ý nghĩa tưởng niệm ngày 30 tháng 4.

Mọi người có mặt hôm nay đều ngậm ngùi, kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh của những vị Tá, Tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa “Sinh vi tướng/ Tử vi thần”

Quan khách đến tham dự ngày Quốc Hạn mỗi lúc một đông, ngồi chật hết các hàng ghế, và đứng đầy cả đường đi hai bên vách.

Các cựu quân nhân đi dự ngày Quốc Hận năm nay. Đại đa số các anh mặc quân phục binh chủng của mình như: Cảnh sát, Không quân, Truyền tin, Quân cảnh, Xây Dựng Nông Thôn, Dù, Chiến Tranh Chánh Trị, Địa phương quân, Nghĩa quân, Hải quân, Nhãy Dù… Và điều khiến cho Hương cảm thấy hãnh diện lây với nét oai phong, trang nhã của các phu nhân đến dự cũng mặc quân phục như chồng. Dù thuở ngày xưa, các chị không phải là nữ quân nhân.

Trong ngày Quốc Hận năm nay màu cờ, sắc áo của quân nhân thêm trang trọng, thấm thía cho người Việt Quốc Gia tha hương. Luôn khắc ghi gợi nhớ và tưởng niệm hướng về quê cha đất tổ trong ngày nầy năm xưa, “Quốc Hận 30 tháng 4”

Người xưa đã nói: “Bổnđạo thì đông/ Rốt cuộc rồi xuồng vong chở không đầy” Trong năm ngón tay, có ngón ngắn ngón dài, trên cõi đời có kẻ dại người khôn. Bỗng Hương chợt ngậm ngùi nhớ đến bài thơ “Tôi Viết Cho Anh người Tù Cải Tạo” đã đọc trong thi tập “Những Ngày Xưa Thân Ái”.

Anh đến chi nơi xứ người lạnh giá?

Từ lưng trời màn tuyết trắng giăng giăng

Bên đường phốcây khẳng khiu trụi lá

Mây cũng buồn, vì đông rét căm căm

Đất cỏkhô vùi dưới mồ tuyết lịm

Nỗi trầm tư nhè nhẹ thoáng qua hồn

Tôi chợt nhớ về ngày xanh mực tím

Yêu mây trời bát ngát buổi hoàng hôn

Bạn bè đã thưa dần trong lớp học

Người Bộ binh, kẻ lính Thủy, Quân Y…

Đứa Nhảy Dù…Giả từ thời tuổi ngọc

Thuở đao binh, bao thảm cảnh phân kỳ!

Trai thời loạn sa trường say thép súng

Những vòng hoa, tình em gái hậu phương

Choàng lên cổ người chiến binh anh dũng

Đây tấc lòng yêu đất nước, quê hương…

Nay anh đến, với hình hài héo hắt!

Cuộc đổi đờiđã xóa tuổi thay tên

Nỗi u uất chói ngời trong ánh mắt

Ánh kiêu hùng và bất khuất vương lên

Ôi thời gian, có gì không thay đổi?

Chí làm trai như sắt đá trơ trơ…

Bọn cường bạo hủy diệt làm sao nổi

Dạ sắt son, lòng dũng cảm vô bờ!

Nơi xứ người, đông về lạnh lẻo lắm!

Còn tình người, anh thấy lạnh hay không?

Cựu chiến binh, vốn ngại chi mưa nắng

Chỉ lo âu kẻ đổi dạ, thay lòng!

“…Ngày xưa tôi choàng vòng hoa cho lính

Cho người hùng chiến đấu giữquê hương

Nay tôi viết cho người tù đáng kính

Cho những ai, mãi bất khuất kiên cường!”

Trăng tròn rồi khuyết, hoa nở rồi tàn và buổi họp mặt nào rồi cũng tan. Trên bãi đậu xe người người lác đác ra về. Dư âm ngày Quốc Hận vẫn còn bồi hồi âm ỉ trong lòng người và cuốn quyện tản mác đâu đây.

Bầu trời California xanh, vẫn xanh! Bầy chim én liệng trên không gian tíu tích gọi đàn. Tiếng nhạc từ máy hát các nhà lân cận đưa sang! Rồi tiếng sáo trúc, hòa cùng giọng ngâm thơ tao đàn đầm ấm, trử tìnhai hoài văng vẳng xa xa…Nhẹ thở dài chùn bước, Hương cảm thấy lòng ngậm ngùi thương cảm, chan chứa ưu hoài:

“Năm Mươi Tư đất Bắc ơi giã biệt!

Bảy Mươi Lăm Cộng sản cướp miền Nam

Nỗi trầm thống oán hờn lên dân Việt

Ôi đớn đau Quốc Hận dạ man man!”

California, Mùa Quốc Hận 30 tháng 4

Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

DƯ THỊ DIỄM BUỒN


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link