Friday, May 4, 2012

Đồng chiều Văn Giang

Đồng chiều Văn Giang

Phương Bích

Ngày đầu tháng 5, nắng như đổ lửa. Cái nóng hầm hập nung chín cả những ngọn gió. Tôi vốn sợ nắng nóng, nhưng không thể cưỡng lại cái ý muốn theo những người bạn về thăm Văn Giang, cái địa danh mới đây làm chấn động dư luận trong và ngoài nước vì những sự kiện kinh hoàng vừa mới xảy ra ở đó.

Qua cầu, sang sông, xe chúng tôi rẽ vào thăm quan Ecopark, xem mặt mũi nó ra sao mà vì nó, người ta đem cả mấy nghìn quân ra đàn áp nông dân, bắt họ phải nộp ruộng đất cho nó?

Người ta gọi nó là khu đô thị sinh thái, có vẻ như thế thật. Màu xanh của cây cối thật thích mắt, cảnh đẹp và thơ mộng với những con đường láng nhựa mịn màng, chạy giữa những hàng cây cao bóng cả. Tôi còn đang xuýt xoa mơ màng thì anh bạn họa sĩ đánh thức tôi – họ làm sinh thái ở vùng đồng bằng bằng cách bê rừng nguyên sinh về đây. Nhìn những cây cổ thụ kia xem, phải có đến hàng dăm bẩy chục năm tuổi trở lên. Để bứng được những cây đó về đây, đồng nghĩa với việc phải tàn sát biết bao cây khác chứ tưởng.

Tôi choàng tỉnh, quả thực có cơ man nào là cây của rừng già, của trung du được “hội tụ” về đây. Có những cây mới bứng về chưa lâu nên người ta vẫn còn phải làm giá đỡ cho chúng, chờ cho chúng cắm rễ vào lòng đất. Có cả những cây cổ thụ đường kính lên tới hàng mét, bị cắt cụt thun lủn đang chết khô, tưởng chừng như đang chết đi vì nhớ rừng già…

Trong vườn cây lưu niệm có ba cái tên gây chú ý là “cây của” ông Phạm Quang Nghị, ông Phùng Quang Thanh, ông Trương Vĩnh Trọng…Tôi không rõ cây của các vị ấy là theo nghĩa nào? Các vị ấy bỏ tiền túi ra mua cây ở trên rừng đem về, hay các vị trồng nó từ lúc nó còn bé tý? Nếu mà mua cây ở trên rừng đem về, cũng có nghĩa là các vị ấy cũng mắc tội phá rừng nguyên sinh không nhỉ? Giá thành của một cây bồ đề đỏ đưa từ rừng về là bao nhiêu? Liệu có đúng là các ông ấy bỏ tiền túi ra không?

Đi vòng vòng trong Ecopark, nhìn những khu vườn, khu nhà đẹp đẽ, sang trọng, tôi tự hỏi tầng lớp nào có diễm phúc được sống ở nơi thiên đường này? Nhìn nó, lại nhớ đến thành phố Lasvega hoa lệ của nước Mỹ, được xây dựng lên trên nền cát sỏi của hoang mạc. Khu vui chơi giải trí của Malaysia trên cao nguyên Genting và có thể còn nhiều khu sinh thái nổi tiếng khác trên thế giới, nhưng có lẽ không khu sinh thái nào được xây dựng lên từ những mảnh đất màu mỡ phì nhiêu, được dành để nuôi trồng, cấy hái nuôi sống người nông dân như ở đất Văn Giang này.

Rời Ecopark, chúng tôi đến nhà người quen là dân làng xã Phụng Công. Bà con xung quanh thấy có khách từ xa về cũng kéo đến, kể lể tâm tình. Câu chuyện chắp vá, lộn xộn từ việc xã lẳng lặng bán đất của dân từ năm 2004 mà dân không hề hay biết. Đến tận năm 2006 dân được gọi lên nhận tiền đền bù mới té ngửa người ra, đi gõ mọi cửa quan suốt bảy tám năm nay mà chưa cửa quan nào trả lời. Chuyện để có được cái khu Ecopark mà chúng tôi vừa đi tham quan đó, người ta đã cưỡng chế một cách hết sức tàn bạo. Ngoài phá nát vườn cây trị giá hàng tỷ bạc của người dân, có trang trại còn cả đàn lợn ở đó mà người ta dùng máy ủi san bằng tất cả, chôn sống nguyên đàn lợn dưới lớp đất…tôi không thể tin vào tai mình, không thể tưởng tượng trên đời lại có những chuyện kinh khủng như thế xảy ra ở ngay trong cái thời đại gọi là văn minh này, tưởng đâu như tiếng đàn lợn kêu thảm thiết khi bị chôn sống đang vọng về bóp nghẹt tim tôi.

Người làng đưa chúng tôi ra thăm đồng. Nhìn gương mặt đen sạm, lam lũ của những người đàn ông, đàn bà chuyên sống bằng nghề đồng áng, tôi thấy thương họ quá chừng. Những mảnh đất màu mỡ từng thấm đẫm mồ hôi của bao đời người dân nơi đây vốn đang nuôi sống họ, cho họ sự giàu có và no đủ, để họ có được những ngôi làng đẹp đẽ khang trang như ngày nay thì giờ đây chỉ còn lại là cảnh hoang tàn. Những thân cây bị vùi lấp dưới đất, lá còn chưa kịp héo úa như vẫn muốn trỗi dậy. Người làng chỉ cho chúng tôi con hào họ định đào để ngăn cách làng mạc với khu đô thị dành cho những kẻ giàu có kia. Không sâu dưới lớp đất là mồ mả của tổ tiên cha ông họ bị máy xúc cào vỡ nát, lộ ra cả những khúc xương lẫn với đất đá. Dân làng gom lại thành nấm, cắm lên đó những nắm hương cháy đỏ lập lòe trong nắng chiều đang tắt. Người làng đem ra một bao tải đựng vỏ các quả đạn nổ lẫn đạn thật đổ ra đất cho chúng tôi chụp ảnh. Mọi người kể, xem Mỹ càn ngày xưa cũng chỉ hai ba chục chiếc xe tăng là cùng. Đằng này sáng 24/4 vừa rồi, trên cánh đồng Xuân Quan và Phụng Công có tới cả trăm chiếc máy ủi tràn vào, nhung nhúc như cua bò lổm ngổm trên đồng, nom ghê rợn hơn cả thời chiến…

Đang bần thần nhìn những tòa nhà cao tầng của Ecopark đằng xa, tôi nghe có tiếng xôn xao, ngoảnh sang thấy bụi bốc lên phía trong cánh đồng. Có tiếng kêu: vịt về!

Không nhìn thấy gì, chỉ thấy một làn bụi mỏng bốc lên, xao xác tiếng gì đó mơ hồ lắm trong không trung. Tôi nhảy lên gốc cây đổ bên kia đường, giơ máy ảnh lên chờ. Tiếng càng cạc, hay khèng khẹc rõ dần, một cái gì đó trăng trắng chuyển động trên mặt đất như dòng nước chảy, mối lúc một gần hơn.

Rồi, chao ôi! Cái dòng sông vịt ấy đang chảy đến trước mắt tôi, cao trên mặt đất chỉ hai ba mươi phân, với những bước chân ngắn ngủn lạch bạch tất tưởi, đàn vịt có tới cả nghìn con tràn đến. Cách chỗ người đứng chừng 30 thước, chúng chựng lại, nghênh nghênh cái đầu ngó nghiêng. Rồi như có hiệu lệnh nào đó từ người đàn ông đi sau đàn vịt, cái dòng sông vịt ấy lại hối hả tràn tới, trôi qua như một dòng sông trước mắt tôi.

Ôi chao! Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy sát sàn sạt một đàn vịt thật nào đông như thế. Dễ thương quá chừng những chú vịt đang tất tưởi, lạch bạch nối đuôi nhau về chuồng, luôn miệng kêu khèng khẹc, hay càng cạc gì đó. Người đàn ông chăn vịt đen trũi trong bộ quần áo bộ đội cũ, thủng thẳng dắt xe đạp đi cuối đàn. Một người hỏi:

- Chúng nó cướp hết đất rồi thì thả vịt ở đâu

- Thả lên nóc nhà chúng nó ấy

Ông ấy thủng thẳng trả lời rồi tiếp tục đi theo đàn vịt.

Tạm biệt những người dân Phụng Công, chúng tôi nắm chặt những bàn tay gân guốc chai sạn, chỉ biết động viện họ vững tin để quyết tâm bảo vệ đất đai, hứa sẽ hết lòng ủng hộ họ trong khả năng có thể.

Xe chúng tôi bò lên đê là đã nhá nhem tối. Trên đường trở về thành phố, tôi cứ nhớ mãi hình ành đồng chiều Văn Giang hoang tàn và đàn vịt hối hả về làng. Nay mai, đàn vịt với cảnh đồng quê bình yên thơ mộng này không lẽ sẽ chỉ còn lại trong ký ức.

Bên cạnh nỗi buồn thương, tôi lại vững tin với thái độ quyết tâm giữ đất của người dân nơi đây. Có người nói rất chuẩn: đất đai là tư liệu sản xuất, nhà cầm quyền không thể thu hồi tư liệu sản xuất của người này để trao vào tay người khác được. Dẫu biết cuộc đấu tranh giữ đất còn lâu dài và gian khổ, bởi cái lợi nhuận về đất đai nó lớn quá nên nó mới càng khốc liệt hơn trên khắp đất nước này, nhưng con người sống phải có niềm tin, phải có sự lạc quan rằng cuộc sống mới sẽ phải tốt đẹp hơn mới phải.

 

P. B.

Nguồn: http://chimkiwi.blogspot.com/2012/05/ong-chieu-van-giang.html

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link