Wednesday, May 2, 2012

Từ Quốc hận tới Quốc kháng

Từ Quốc hận tới Quốc kháng

Nguyễn Thái (Danlambao)Chiến đấu 30 năm để về thành tố giác người anh em ngụy với không ngụy, đày ải mẹ cha, cấm cản liên lạc, đóng cửa báo chí, đàn áp tín ngưỡng, chà đạp nhân quyền, người đi xa nước không được về thăm quê hương. Ba mươi năm chiến đấu để đưa tới một hiện trạng tồi tệ hơn thời Pháp thuộc! Thế không gọi là thất bại ư?...

 

*

 

Quốc hận là ngày toàn dân căm phẫn vì biết mình bi lừa, vì những gì còn bán tín bán nghi, nay lộ nguyên hình: đó là chủ nghĩa Cộng sản tàn bạo và phi dân tộc, nói một đường làm một nẻo. Thứ chính trị dựng trên quỷ kế để thảm sát người, dựng trên dối trá để tiêu diệt sự hiền lương, dựng trên sự vọng ngoại để phá hủy tâm thức Việt Nam. 

 

Nói bán tín bán nghi chưa hẳn đúng. Thực ra chẳng ai nghi ngờ gì nữa về sự độc tài đảng trị, gian manh chính trị của bản chất chủ nghĩa Mác Lê. Song người Việt Nam nói chung đã tưởng rằng chất Việt vẫn mạnh hơn chất Cộng trong con người cộng sản Việt. Thế nên mới bán tín bán nghi. Chẳng lẽ 30 năm sau cách mạng tháng 8 năm 1945, người cộng sản Việt Nam vẫn còn manh động, thiếu thông minh, vẫn còn ấu trĩ trong tinh thần và giữa lòng văn hóa Việt, vẫn còn nô lệ vào suy-nhược-thức nước ngoài? 

 

Nhưng 30.4.75, khi giây xích chiến xa Trung Xô hằn lên đường vào nội thành Huế, xuyên Đà Nẵng, Nha Trang, tới thủ đô Sài Gòn, niềm bán tin bán nghi không còn nữa. Hết thắc mắc. Thôi nghi ngờ. Đã rõ là người cộng sản Việt vẫn xuẩn động, ác độc như xưa. Họ đánh mất ngôn ngữ và tư duy dân tộc, nên nhân dân ngơ ngác nhìn họ như từng nhìn quân đội ngoại quốc trước kia. Giữa họ và chúng ta, sự cách biệt thật lớn. Trong khi chúng ta chờ cái bắt tay, một lần siết vai, một dòng lệ rưng rưng không nói, thì họ mang lại chiếc lưỡi lê sắt lạnh, vô tình, đâm suốt vào trái tim nóng hổi Miền Nam. 

 

Những gương mặt vàng xanh, khắc khổ trên chiến xa hùng hậu loại đế quốc Trung Xô mới kia, không gợi ra nỗi lo âu khắc khoải của người mẹ thương con, người cha lo lắng, người anh trách nhiệm... mà chỉ biểu dương sự miệt mài trác táng tinh thần, như anh đồ nho miệt mài mộng mị với hồ ly tinh, như người thờ bái vật lao khổ trước tượng thần. Những gương mặt suy nhược. Hốc hác chưa nối liền với sinh khí. Một tình thương thiếu máu. Họ vào Sài Gòn như kẻ thụy miên. Ba mươi bảy năm sau, những bước chân ma đó, họ - những người Cộng Sản Bắc Việt – vẫn chưa đi tới Saigon, vẫn còn thất thểu trên ảo vọng ác nhân. Họ chưa đi tới tâm can dân, nên lòng dân không đón tiếp họ. 

 

Toàn dân đã hận là hận những xuẩn động phá phách, hận sự phung phí di sản tiền nhân, hận sự giam người không xét xử, đày người không lý do, giết người không gớm tay. Cho nên bung thức đầu tiên là niềm Quốc Hận, mà kỳ thực đã ngầm chứa ý thức Quốc Kháng. 

 

Vì sao Quốc kháng? Ý thức Quốc kháng là gì? 

 

Quốc kháng là sự đối kháng của toàn dân. Tính chất tiêu cực của đối kháng là Quốc hận, và tính chất tích cực của Quốc hận là Quốc kháng. 

 

1955 – 1975: Cuộc chiến tranh huynh đệ 20 năm ròng đã bị các thế lực quốc tế và những thiểu số lãnh đạo trong nước dẫn dắt. Nhân dân không hề được tham dự. Các siêu cường quốc tế đã lợi dụng hay bỏ rơi chúng ta như thế nào, điều đã rõ. Còn thiểu số lãnh đạo cộng sản Việt Nam yếu kém về kiến thức và văn hóa Việt Nam như thế nào, chúng ta đã thấy. Bởi chính lãnh đạo Cộng sản là nguyên nhân đau khổ trầm thống cho 90 triệu đồng bào. Nhưng nhóm lãnh đạo này chỉ là những kẻ thừa hành, kẻ tay chân, bộ hạ của một chủ thuyết phi dân tộc. Điều cần quy trách vẫn là phía những người không cộng sản. Sự phân hóa cực độ, vì bị nội tuyến cũng có, mà vì đầu óc hẹp hòi thiển cận, ưu tư cá nhân và bè nhóm cũng nặng, đã là nguyên nhân đầu giúp tay cho cộng sản phá hoại sự kết hợp dân tộc. 

 

Chúng ta thường nhắc tới việc Lê Lợi khởi nghĩa, mà không hề bắt tay khởi nghĩa. Chúng ta luôn miệng nhắc tới Hội Nghị Diên Hồng, nhưng không thực hiện tinh thần kết hợp, nên ngày 30.4.75 đã tới, dẫn theo sự thất trận. Không cùng nhau kết hợp, nên lực lượng dân tộc bị yếu đuối, cộng với ảo tưởng của kẻ ngây thơ tin vào “hòa hợp hòa giải” mà không đồng lúc chấn chỉnh lực lượng để giữ thế đối thoại tương quan, còn thêm sư phản bội của người Cộng sản Bắc Việt... những lý do dẫn tới thất bại cho toàn đất nước.

 

Cuộc thất trận của miền Nam xảy ra đồng lúc với cuộc thất bại của người Cộng sản Việt. Bởi người Cộng sản Việt đã không hoàn thành nổi con đường dân tộc, con đường văn hóa và tư tưởng Việt Nam. Riêng sự thất bại của chúng ta - những người không Cộng sản - chưa phải là sự kiện mất Huế, hay mất Sài Gòn mà là chưa Việt hóa được người Cộng sản. Khi chúng ta đề cập tới những điều trọng đại này, người Cộng sản liền chạy trốn vào một vài thành quả tí hon của kế hoạch năm năm, của con đường xe hỏa mới hoàn thành, của con đường cao tốc, của mấy chục cây cầu mới xây, của mấy trăm con lạch mới vét... 

 

Thật ấu trĩ! Xưa nay có chính thể nào mà không phải thực hiện những việc đương nhiên như thế? Quốc sách một chính thể còn những điều cao xa thần trí hơn nữa chứ! Với tầm nhìn thấp hẹp như vậy biểu lộ sự sa đọa Việt Nam trong nhận thức và tư tưởng của người Cộng sản Việt rồi. 

 

Thực thế, ba mươi bảy năm qua, 90 triệu dân bị lôi cuốn, bị thứ lãnh đạo thấp kém về chính trị cũng như văn hóa như vậy hướng dẫn. Từ Bắc tới Nam. Nên ngày nay chúng ta mới thống khổ thế này. 

 

Chiến đấu 30 năm để về thành tố giác người anh em ngụy với không ngụy, đày ải mẹ cha, cấm cản liên lạc, đóng cửa báo chí, đàn áp tín ngưỡng, chà đạp nhân quyền, người đi xa nước không được về thăm quê hương. Ba mươi năm chiến đấu để đưa tới một hiện trạng tồi tệ hơn thời Pháp thuộc! Thế không gọi là thất bại ư? 

 

Trong khi đó, những nhà lãnh đạo miền Nam trước kia, các ông ở đâu? Các ông đang hy sinh gì? đóng góp gì cho tiền đồ dân tộc ? 

 

Ba mươi năm, nhân dân bị những nhà "lãnh đạo" như thế kềm kẹp trên đe dưới búa. Nhân dân chưa hề thấy giới lãnh đạo chịu nằm gai và dám nếm mật. Đây chính là nỗi quốc hận của toàn dân, mà ngày 30.4.75 hội tụ thành nhận thức. 

 

Nhờ nhận thức này, mà toàn dân quyết tâm lấy thái độ đối kháng. Từ 30.4.75 nhân dân biết ai chia xẻ khổ đau với mình, ai lợi dụng mình. Và kể từ đây, nhân dân không còn tin càn, dựa thế vào thứ lãnh đạo bù nhìn, tham nhũng và vụ lợi nữa. Nhân dân tự quyết, tự đảm lấy vận mệnh mình. Bây giờ nhân dân không chiến đấu cho chủ thuyết Cộng sản, cái gọi là Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho các thế lực nước ngoài, mà là chiến đấu cho Việt Nam. Toàn dân làm chủ, toàn dân lãnh đạo, và lần đầu tiên nhân dân mới thực sự tranh đấu để đảm trách sự truyền thừa của văn minh và nòi giống. 

 

Như thế gọi là Ý thức Quốc Kháng. Từ thất bại tới quốc hận. Từ quốc hận tới quốc kháng chúng ta đang làm một bước nhảy vọt cao lớn vô song. Và trên bước nhảy này, đôi cánh thành công mọc thêm ra. Một phương trời được khai mở. Cuộc đồng tâm đã lẳng lặng hẹn hò. Trong nước cũng như ngoài nước. Ai dám nói tương lai chúng ta không sáng sủa?

 

Nhân ngày 30.4.2012 

 

 

Nguyễn Thái 

danlambaovn.blogspot.com

Tháng Tư về

Người Việt trong các trại tị nạn sau 30/4

Cứ mỗi lần tháng tư về là tiết trời bắt đầu oi bức, những cơn gió Nồm từ biển thổi vào cũng không làm sao xóa tan được cái cảm giác khô nóng của mùa hè. Tôi đi dọc theo bờ sông Bàn Thạch nhìn dòng nước đục ngầu uể oải xuôi về Đông, mang theo nó là những rác rến, xác chết súc vật và rất nhiều những thứ bẩn thỉu khác.

Trên bờ sông này trước đây là xóm làng trù phú, yên tĩnh và trong lành với rừng cây sưa tỏa bóng. Mỗi lần tháng tư về hoa sưa vàng rực một khoảng trời, mùi thơm dịu dàng quyến rũ, làm cho tôi ngày ấy – một cậu bé nhiều mơ mộng choáng ngợp trước vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên mùa hè thường hay đứng ngẫn ngơ nhìn và suy nghĩ vu vơ… tháng tư về sân trường rộn ràng tiếng ve, khúc nhạc cất lên cùng giai điệu từ thưở ban sơ cho đến mãi mãi vô cùng, trong lòng các cô cậu lúc này chùng xuống một nỗi buồn nhè nhẹ, khi những cánh phượng hồng  chớm nở trên sân trường, trên đường đi học.

Thiên nhiên hào phóng ban cho mùa hè thật nhiều vẻ đẹp: dòng sông nước ngập đôi bờ lai láng  trong veo tha hồ vùng vẫy, màu đỏ của hoa phượng, màu vàng của hoa sưa– mùi hoa sưa thơm dịu dàng — và tiếng ve buồn man mác và biển mênh mông hiền hòa với bờ cát vàng óng mượt dưới chân… và còn nữa mùa hè là mùa của hoa trái trỉu cành đong đưa trong vườn, trước ngõ, mùa của hoa Ngọc lan thơm ngát…nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì tôi và những cô cậu bé cùng tuổi hạnh phúc biết bao nhiêu. Nếu trong ký ức của chúng tôi không có ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái ngày mà chúng tôi tan tác như đàn chim non gặp cơn bão dữ, để rồi sau cơn bão đó, rất nhiều những khuôn mặt, những đôi mắt, những mãi tóc thiên thần bé nhỏ, vĩnh viễn ra đi không trở về …chỉ còn lại trong tâm thức tuổi thơ nỗi đớn đau trở lại mỗi lần tháng tư về.

Mỗi lần tháng tư về, tôi hay lẩm cẩm nhớ lại quá khứ với sự tiếc nuối và ước ao. Ước gì mọi việc xảy ra theo một cách khác, có rất nhiều chữ “Nếu như” được đặt ra để rồi hụt hẩng, thương tiếc

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4/1975 thì đất nước chúng ta sẽ không phải như ngày hôm nay mà là một “Minh châu Trời đông”

- Nếu như không có cuộc chiến tranh phi lý và vô nghĩa đó thì đất nước chúng ta đâu có bị tàn phá, đâu có quá nhiều người phải ngả xuống, đâu có vết thương hằn sâu trong lòng dân tộc này mà mãi đến nay vẫn không lành.

- Nếu như những người CS không có tham vọng thống trị người khác bằng mọi giá thì đất nước chúng ta đâu có chia hai miền Nam Bắc, đâu có mâu thuẫn hận thù tàn phá đến thế lương.

- Nếu như không có những người Cộng sản với chủ nghĩa Quốc tế Vô sản và chủ nghĩa đại đồng thì dân tộc ta đâu có bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh ý thức hệ tương tàn, làm quân cờ trong tay các thế lực siêu cường mà họ sẵn sàng hy sinh Dân tộc chúng ta để bảo vệ quyền lợi của họ và biến chúng ta thành một lũ ngốc.

-Nếu không có ngày 30 thánh tư-1975 thì đâu có thảm nạn thuyền nhân – với hàng triệu người vượt biên tỵ nạn-với hàng trăm ngàn người vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đại dương hay trên rừng sâu núi thẳm, trong số đó có rất nhiều thiếu nữ, phụ nữ bị hãm hiếp để lại vết đau ngàn năm không nguôi ngoai được, và ngày nay những tinh hoa của dân tộc chúng ta đâu phải đem tài năng để phục vụ cho sự phồn vinh của xứ người

- Nếu như không có ngày 30 tháng Tư năm 1975 thì ngày hôm nay đâu có những tên Tư bản đỏ ngông nghênh kệch cỡm tham tàn và nền kinh tế thị trường định hướng rừng rú tàn phá đất nước này với sự cai trị ngu ngốc, phiêu lưu làm kiệt quệ tài nguyên quốc gia, khánh tận tinh thần và đạo đức dân tộc.

- Nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì đất nước chúng ta đã là một quốc gia Tự do–Dân chủ hùng mạnh, một đất nước văn minh, nhân bản lãnh đạo khối Đông Nam Á chứ đâu có là một con vịt đẹt bị khu vực và quốc tế coi thường, người dân chúng ta đâu có bị khinh miệt.

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4 và nguyên nhân của nó thì đất nước của chúng ta đâu có bị xâm thực, Hoàng sa và một phần Trường sa đâu có mất. Tài nguyên trong vùng biển này đâu có bị Tàu cộng cưỡng chiếm, đủ giúp đất nước chúng ta tự cường, tự lập về an ninh năng lượng và sự phong phú về Hải sản đủ để nuôi sống dân tộc này …và một điều quan trọng hơn rất nhiều là con đường để dân tộc chúng ta vươn ra biển lớn đâu có bị phong tỏa

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì ngày nay ngư dân chúng ta đâu có bị bắn giết bị đánh đập và sỉ nhục, bị cướp tài sản,bị giam giữ trái phép và bị đòi tiền chuộc khi hành nghề trên ngư trường truyền thống của cha ông mình và trong tương lai gần chúng ta sẽ mất biển Đông, lúc đó ngư dân chúng ta sẽ phải “cày đường nhựa” để sống.

- Nếu không có ngày 30 tháng tư 1975 thanh niên VN sẽ có mặt tại rất nhiều trường đại học danh giá trên thế giới để trở thành những tài năng lớn phục vụ đất nước ,phục vụ dân tộc và nhân loại ,làm vẽ vang cho nòi giống Tiên rồng chứ đâu có bán thân để kiếm sống hoặc làm lao nô trên xứ Mã Lai, Đài Loan, Hàn Quốc để chịu đựng sự hành hạ và tủi nhục.

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì dân tộc này đâu có chỗ cho bọn độc tài ngu dốt,cho bất công và tha hóa, dân tộc ta đâu có bị hàng hóa của Tàu đầu độc hằng ngày, đâu phải sống trong một môi trường ô nhiễm, tai nạn giao thông làm chết người còn hơn cả một cuộc chiến tranh

- Nếu như không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì dân tộc chúng ta đã là một ngọn Hải đăng trong khu vực Đông Á,một cường quốc chứ đâu có bế tắc về tương lai,khốn cùng trong hiện tại và đang đứng trước nguy cơ mất nước và bị Bắc thuộc như bây giờ.

Tháng Tư về ngồi ưu tư, lẩm cẩm viết lại những dòng này khi cả nhà tôi đang bị ba cái lệnh cưỡng chế vì “vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin” treo lơ lững trên đầu với những cáo buộc nghiêm trọng,đầy tính ngụy biện, chụp mũ và hồ đồ…

…. Nhưng mặc kệ họ, tôi xin được mượn lời của Iouri Chevtchouk, thủ lĩnh nhóm nhạc Rock  DDT huyền thoại, đã nói với Putin trong những cuộc xuống đường chống bầu cử gian lận tại nước Nga để nói với những người cộng sản VN rằng: “Vì con cháu chúng ta, nước VN không nên trở thành một quốc gia độc ác, tham nhũng, toàn trị, chỉ có một đảng với một lời ca ngợi, một tư tưởng”.

Năm nay, tháng tư một lần nữa lại về trên đất nước VN với ngổn ngang bao điều day dứt trong những tâm hồn còn tha thiết với quê hương, với tư cách của một người từng trải qua thời niên thiếu trong chế độ Việt nam Cộng hòa, tôi xin được mượn lời của một nhà văn Tây Ban Nha đã từng nói với chế độ độc tài Franco vào năm 1936: “Các ông thắng nhờ nắm được sức mạnh thô bạo cần thiết, nhưng các ông không thuyết phục được vì muốn thuyết phục cần phải có lý”.

© Huỳnh Ngọc Tuấn

© Đàn Chim Việt

 

Viết cho tháng Tư

Dòng người chen chúc trên những chiếc trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn trước khi thành phố thất thủ. Ảnh minh họa- Google.

Tôi sinh trưởng sau năm 1975 và gia đình tôi không có liên quan gì nhiều đến cả hai phía trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì thế mối tương quan tình cảm của tôi với những sự kiện lịch sử và hoàn cảnh chính trị xã hội trong cuộc chiến hầu như rất ít nếu không muốn nói là không có. Những gì ít ỏi mà tôi  được hiểu biết về nó chỉ đơn thuần là kiến thức. Đứng trong vị thế đó, tôi tạm thời có thể yên tâm rằng lập trường của tôi, và những gì tôi nói ra sau đây sẽ được hiểu một cách thiện chí và không bị gán ghép hay chụp mũ. Tôi không sợ bị chụp mũ, nhưng thiết nghĩ điều đó cùng với những nguỵ biện không có lợi cho sự tiến bộ.

Gần đây, tôi tình cờ đọc được một nhận xét của tướng William Childs Westmoreland- Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam- về tướng Võ Nguyên Giáp của quân đội Bắc Việt như sau: “Of course, he was a formidable adversary…. By his own admission, by early 1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported this. Now such a disregard for human life may make a formidable adversary, but it does not make a military genius…”. Xin được tạm dịch là: “Dĩ nhiên, ông ta là một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm….Với sự thừa nhận của chính ông ta, đến đầu năm 1969, tôi nghĩ, ông ta đã mất nửa triệu lính? Ông ta đã báo cáo điều này. Hiện tại, một sự coi thường mạng người như thế có lẽ sẽ tạo nên một đối thủ (kẻ thù) ghê gớm, nhưng nó không tạo nên một thiên tài quân sự….”

Dù chúng ta là ai,  đứng bên nào của cuộc chiến, chúng ta cũng phải đồng ý với Westmoreland rằng, một chiến thắng quân sự dựa trên chiến thuật đẫm máu, coi thường sinh mạng binh sĩ chỉ có thể tạo nên một kẻ thù nguy hiểm chứ không tạo nên một thiên tài quân sự như nhiều người vẫn rêu rao. Câu nói này của viên tướng Hoa Kỳ làm tôi suy nghĩ rất nhiều về sự “nguy hiểm” của những người Cộng sản Việt Nam. Họ nguy hiểm bởi họ là những người luôn hành động theo phương châm “mục đích biện minh cho phương tiện”, nghĩa là bất chấp mọi thứ, miễn đạt được mục đích. Đối với tôi, nó không chỉ là lời nhận xét về tướng Giáp mà là một câu nói nêu bật lên bản chất của những người Cộng sản Bắc Việt, và cả chế độ mà họ dựng nên. Và những việc họ đã làm suốt từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam đến nay, từ việc “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” đến gần đây nhất là vụ cướp đất của nông dân đã chứng minh tất cả.

Một kẻ đối địch ghê gớm có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất, đó là một kẻ thù đáng gờm, là đối thủ khó đánh bại vì có mãnh lực vũ trang, có chiến lược, chiến thuật hành động khôn ngoan… Nhưng khi nhìn xoáy vào chữ “formidable” mà Westmoreland đã dùng, tôi chú ý nhiều đến nghĩa “arousing fear”(gợi nên sự sợ hãi) . Với nghĩa này, nó gần giống với “terrorise” (làm cho sợ hãi). Mà làm cho người khác sợ hãi có nghĩa là “khủng bố”. Chúng ta có thể hiểu theo hai cách về một “đối thủ ghê gớm” như tôi đã tạm phân tích ở trên. Nhưng biết đâu, cách hiểu thứ hai mới là điều mà ông tướng Mỹ kia ngụ ý? Xin hãy cho tôi tiếp tục trình bày mà tạm quên đi những mối thành kiến nào đó có thể đang dâng lên trong lòng quý vị.

Khi căn cứ vào những dữ kiện lịch sử- những điều không thể chối bỏ, những điều đã được trải nghiệm bằng chính xương máu của những người đã kinh qua cuộc chiến ấy- chúng ta sẽ có cái nhìn tường minh hơn. Riêng phần mình, với kiến thức ít ỏi về chiến tranh Việt Nam, tôi đã có thể tìm thấy những hình ảnh có khả năng “làm cho sợ hãi” của quân đội Bắc Việt qua nhiều biến cố như Tết Mậu Thân,  và các “trận đánh” của đội Biệt động Sài Gòn như: “trận đánh” tàu nhà hàng Mỹ Cảnh, “trận đánh” cư xá  Brinks…; và chưa kể đến  những câu chuyện ghê gớm mà tôi từng được nghe những người già kể lại về vô số những “trận đánh” như thế vào trường học, khu dân cư, cầu cống….Đến nỗi, khi nghe nói quân đội Cộng sản Bắc Việt sắp vào đến ngã ba Cai Lang, thành phố Đà Nẵng, những người dân sống ở Đà Nẵng khi đó đã run cầm cập vì nghe tin đồn rằng người Cộng sản mà vào họ sẽ rút hết móng tay móng chân người dân. Đó có thể là điều sợ hãi thái quá, nhưng nó cho chúng ta thấy khả năng gieo rắc sợ hãi đến trình độ đỉnh cao của những người tự xưng là “quân giải phóng”.

Những ai đọc lịch sử, những ai có đủ lương tâm và tầm tri thức trung bình, đều thấy rằng, những cái mà quân đội Bắc Việt và những người “nằm vùng” gọi là “trận đánh” gây nhiều tiếng vang đều không nhằm vào những mục tiêu  trên tiền tuyến, để giành chiến thắng quân sự trực tiếp mà đánh vào những nơi ăn chốn ở cốt để gây sợ hãi. Gây sợ hãi cho người dân nhằm làm xáo trộn xã hội, gây sợ hãi đánh vào tâm lý Quốc hội và dư luận Mỹ…. Ngày nay, ai đi qua đường Hai Bà Trưng, đều nhìn thấy “Bia chiến công trận đánh cư xá Brinks”. Cái mà người ta gọi là trận đánh thực ra là một cuộc đánh bom một nơi ở của cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam do hai thành viên Biệt Động Sài Gòn thực hiện. Điều mà họ gọi là “trận đánh” sao tôi thấy nó hao hao giống cách làm của những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan, chỉ khác một chỗ là họ không tự sát. Đối với thế giới ngày nay, những kẻ đánh bom như thế thật sự là những  kẻ “nguy hiểm”, “ghê gớm” .

Ngoài cái cách thể hiện “formidable” như trên, quân đội Bắc Việt còn khiến người ta sợ hãi hơn gấp bội vì sự coi thường tính mạng binh sĩ của họ. Thông thường, con người sợ hãi những kẻ thù tấn công mình một cách tàn ác, nhưng người ta sẽ kinh hoàng đến rợn người khi biết về những hành động coi tính mạng của người phe mình như cỏ rác, cốt chỉ nhằm đạt được mục đích của kẻ chỉ huy. Người Cộng sản đã lấy chính nghĩa chống giặc ngoại xâm để lừa dối, tuyên truyền, kích động hàng triệu Thanh niên miền Bắc lao vào cuộc chiến như con thiêu thân. Chúng ta được nghe nói rất nhiều về những tấm gương đầy nhiệt huyết và sự hy sinh anh dũng của những người trẻ tuổi mới chập chững vào đời. Đối với những cái chết đó, tôi không có bất cứ tình cảm tích cực nào ngoài sự thương tiếc. Cả một thế hệ người đã bị lừa gạt vì không nhận chân được bản chất của chế độ, của cái chủ thuyết mà nó rêu rao. Âu tất cả cũng chỉ là những sản phẩm lịch sử của một thời đại !

Để rồi sau cái ngày “thống nhất” ấy là những chuyến vượt biên vượt biển của hàng trăm ngàn người, và đã có cả hàng ngàn người phải bỏ xác ngoài biển khơi;  là những năm tháng bao cấp, đói khổ đến cùng cực; đến nay đỡ đói khổ một chút, nhưng dân Việt ta vẫn chưa thoát khỏi thân phận làm thuê, ở đợ cho thiên hạ; đặc biệt vẫn còn cam chịu làm thần dân phục tùng các ông vua Cộng sản. Thế nhưng bất chấp cái thực tế đau buồn ấy, nhiều ngụy biện về thống nhất, về “công lao chống Mỹ cứu nước của Đảng” vẫn tồn tại ngay cả trong lớp người “có học” ở Việt Nam.

Thiết nghĩ một sự hy sinh chỉ nên có và đáng được ngợi ca khi đánh đổi với nó là một giá trị to lớn hơn. Bằng lập trường đề cao cá nhân, tôi cho rằng, mọi ý niệm: thống nhất, giải phóng dân tộc, kẻ thù…phải được đặt trong mối tương quan của chúng với những giá trị an sinh hạnh phúc thực sự của người dân. Suy cho cùng, mọi thứ bao gồm: thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chính trị…chỉ là những phương tiện để đạt đến những giá trị nhân bản, để bảo vệ và phục vụ con người. Mọi định chế, mọi nỗ lực chính trị và xã hội đều nhằm vào cái đích đến quan trọng nhất của nó là CON NGƯỜI. Nếu mục đích cuối cùng ấy không đạt được thì mọi phương tiện kia chỉ là mưu đồ của kẻ lãnh đạo. Thật điên rồ thay cho những kẻ luôn hô hào “mục đích biện minh cho phương tiện”. Chúng ta biết rằng, tính chính đáng của phương tiện phụ thuộc vào sự thích nghi và mối tương quan về bản chất của nó đối với mục tiêu. Nói rõ hơn, chúng ta không thể dùng một phương tiện phi nhân để giành lấy một mục tiêu nhân bản.

Kết quả là, “sự nghiệp giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước” đã không khiến Việt Nam trở nên hùng mạnh hơn, dân tộc ta trở nên kiêu hãnh hơn; mà đơn giản chỉ là biến một miền Nam trước “giải phóng”  hơn hẳn Hàn Quốc, sau gần bốn mươi năm thống nhất, cùng với cả nước lẹt đẹt chạy theo sau cả Thái Lan. Nếu ta lấy cứu cánh là sự phồn thịnh của quốc gia, là an sinh hạnh phúc, là tự do nhân phẩm của mỗi một người dân làm chuẩn thì liệu sự thống nhất ấy có nghĩa lý gì?

Đó là khi vấn đề được đặt dưới lăng kính lý luận. Còn thực tế thì mọi sự đã quá rõ ràng. Cái mà người ta gọi là “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” ấy thực chất chỉ là để giúp Trung Quốc “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”. Hay như Lê Duẩn từng nói : “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước XHCN, cho cả nhân loại”. Nói cho rõ ra, đó là cuộc chiến giúp cho chủ nghĩa Cộng sản bành trướng xuống Đông Nam Á theo tinh thần Quốc tế Cộng sản bất chấp tinh thần dân tộc, là giúp cho Trung Cộng dễ dàng Hán hoá một Việt Nam suy yếu sau cuộc chiến tương tàn khốc liệt.

Đã ba mươi bảy năm trôi qua kể từ ngày “giải phóng”, giải phóng miền Nam khỏi mối quan hệ đồng minh với Mỹ để trở thành chư hầu hèn mọn của Trung Cộng. Sự thống nhất, sự giải phóng đó mới đau đớn làm sao!  Gần bốn thập niên đã qua đi, dấu vết chiến tranh trên mảnh đất quê hương Việt Nam đã dần phai nhạt, nhưng những tổn thương của lòng người vẫn còn hằn sâu, thậm chí ngày càng sâu hơn. Thống nhất hai vùng địa lý nhưng vẫn vắng bóng một sự Hoà hợp trong tình tự dân tộc.  Vết thương cũ do cuộc tiến chiếm miền Nam chưa kịp lành thì chúng ta lại có thêm những chia cắt mới : chia cắt giữa một bên là một nhóm người cam phận làm tay sai cho ngoại bang, với một bên là những con người yêu nước không khoan nhượng; chia cắt giữa một phía là nhóm người lãnh đạo Quốc gia cùng những kẻ ăn theo cố gắng bám giữ ngôi vị độc tài để tiếp tục nô lệ hoá người dân, với  một phía là những người đấu tranh và chấp nhận hy sinh cho tự do và phẩm giá con người. Tôi vẫn nghĩ rằng, một con người trở nên dũng mãnh nhờ có ý chí. Một dân tộc trở nên hùng mạnh, cũng như vậy, phần nhiều dựa vào tinh thần và khí chất. Nhưng tinh thần và khí chất ấy chẳng thể có được nếu dân tộc ấy chia rẽ. Chính sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự Hoà hợp dân tộc  có thể góp phần giúp chúng ta tạo lập một mãnh lực mới cho dân tộc.

Chỉ e Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục bỏ lỡ những chuyến tàu thời đại nếu trong lòng dân tộc còn có những chia cắt chí mạng như thế. Nhưng thiết tưởng, sự Hoà hợp có khả năng xoá bỏ mọi ngăn cách, hàn gắn mọi vết thương, mang mọi người Việt về trong cùng một chí nguyện chỉ có thể đạt được trên tinh thần Hoà giải thiện chí, trên quyền lợi dân tộc và trên những nguyên tắc hướng thiện chứ không phải là sự thoả hiệp với cái xấu ác. Chỉ e những người Cộng sản Việt Nam quá u mê và tham lam để khởi động một chương trình Hoà hợp, Hoà giải và thay đổi chính trị đầy tham vọng như thế. Chỉ e những người Cộng sản chẳng thể làm nổi những gì mà nhà cầm quyền độc tài Miến Điện đã làm. Chỉ e…. Bởi đến hôm nay, họ vẫn một lòng một dạ coi mối quan hệ với Trung cộng là “chủ trương nhất quán”, là “ưu tiên hàng đầu” như lời Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã tuyên bố mới đây tại Bắc Kinh.

Mỗi năm tháng Tư về, bao nhiêu lễ lạt, đình đám vẫn diễn ra bất chấp mối hoài niệm về quá khứ vẫn nặng trĩu trong lòng nhiều người Việt, bất chấp mối ưu tư về tương lai đất nước vẫn canh cánh trong lòng những người có tâm huyết với đất nước. Những con người có lương tâm và tự trọng không bao giờ vui sướng được trong nỗi thống khổ to lớn ấy của dân tộc. Thử hỏi xương máu của hàng triệu con người đã ngã xuống trong cuộc chiến chỉ để tạo nên một Việt Nam thống nhất trong chia rẽ, thống nhất trong sự Hán hoá, thống nhất trong sự mất tự do và quyền làm người hay sao? Ba mươi tháng Tư- xin cầu nguyện cho tự do và nhân phẩm, cho sự Hoà hợp dân tộc và nền công lý.

Sài Gòn, ngày 20 tháng 4 năm 2012

© Huỳnh Thục Vy

© Đàn Chim Việt

 

Sau đây là sự thật về nội chiến 1954-1975:

-Chắc chắn là Mỹ không phải thực dân như Tây, vào Nam VN để bóc lột dân ta.
Mỹ giầu mạnh và tân tiến nhất thế giới về khoa học và kỹ thuật. sự giầu mạnh của họ từ trong kỹ nghệ nặng và tầm năng sản xuất của nền kinh tế chứ không dựa vào sự bóc lột các nước khác.
- Mỹ chính là đất thuộc địa và chống tư tưởng thuộc địa của Anh, Pháp.
- Mỹ không có đất thuộc địa và trả nền độc lập cho Phi Luật Tân, qua hòa bình và đàm thoại.
- Mỹ không bao giờ có ý định lấy VN làm đất thuộc địa của Mỹ, như Tây.
- Nếu VN xin làm tiểu bang thứ 51 của Mỹ, Mỹ sẽ từ chối.
- Mỹ không cần bóc lột VN để làm giầu; Mỹ quá giầu, VN quá nghèo và lạc hậu.
- Mỹ không những không bóc lột Đức, Nhật, Nam Hàn, mà còn giúp những nước đó trở nên giầu mạnh sau thế chiến thứ hai.
Mỹ cũng đã trả lại nền độc lập cho Đức và Nhật rất sớm sau thế chiến.
- Mỹ chỉ rục rịch muốn rút quân ra khỏi VN vì ở Mỹ lớp trẻ biểu tình phản đối chiến tranh VN và trốn quân dịch.
- 17 triệu dân Nam không phải là ngụy vì như thế thì nửa nước là ngụy, vậy thì ngụy hơi nhiều đấy. Thật ra thì ai không theo CSVN là ngụy hết.
- Hội đàm hòa bình Paris năm 1973, Mỹ rút quân ra khỏi Nam VN nhưng CS bắc việt vẫn tiếp tục chiến tranh ở Nam VN.
- Hơn thế nữa, tuy rằng Mỹ đã rút quân khỏi miền Nam, nhưng quân đội CS bắc việt vẫn được giữ quân chính quy bộ đội ở Nam VN.
- Từ năm 1954 đến năm 1963 không có quân Mỹ ở VN, ngoài cố vấn quân sự.

Và quan trọng hơn hết là, chính CS bắc việt biết rõ tất cã những sự thật kể trên đây. Một người CS như Nguyễn Cơ Thạch chắc chắn phải biết những điều này.

Dựa vào những sự thật kể trên, ta thấy rằng CS bắc việt đòi “giải phóng Nam VN là một sự lừa bịp không lồ dân bắc việt.
Và nội chiến 1954-1975 là một cuộc chiến tranh thừa thãi, không cần thiết, không phải để giải phóng dân Nam, mà thật sự là để CS bắc việt làm chủ toàn phần nước VN.
Đó là một cuộc chiến tranh làm nước kiệt quệ và chia rẽ lòng dân.

Bao nhiêu triệu người lớp trẻ chết để làm gì? để có 37 năm vừa qua, đất nước nghèo nàn, gái việt cởi truồng phô bầy thân thể kiếm chồng ngoại quốc, các ông lớn mua Rolls Royce chạy, xây sân Golf, khách sạn năm sao, trong khi dân đói rã họng, rách rớt mùng tơi, ở ngoài thì Tầu Cộng lấy biển đảo, nhiễu sách ngư dân, thì sự hy sinh sương máu của 4, 5 tiệu người dân VN, có bõ không? Có đáng không?

Bõ lắm chứ; vì dân thì kệ xác nó; nhưng đảng viên cao cấp thì sướng hơn những nam xưa nhiều lắm lắm chứ.

Mhưng mà thật sự cũng chẳng sướng đâu, vì những kẻ thất học như chúng làm sao biết định nghĩa của chữ “hạnh phúc” là gì!

Tiền nhiều, quyền hành, nhà cao, cửa rông nhưng trong đầu vẫn rối beng ra, và rỗng tuếch ngoài vài cái mánh khoé ranh vặt.

Đó là cách mạng của lớp mù chữ; Tây gọi cái soi-disant “cách mạng” đó là une jacquerie.

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-17/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link