Saturday, July 14, 2012

Chuyện Chử Ðồng Tử Với Nàng Tiên Dung

Chuyện Chử Ðồng Tử Với

           Nàng Tiên Dung                   

                            (I)

 

* Xuân Vũ TRẦN ÐÌNH NGỌC

                               

    (Phóng tác từ dã sử Việt Nam)

 

               TRƯỚC KHI VÀO CHUYỆN

 

 

       LNXB:  Nước Văn Lang ta với bốn ngàn năm văn hiến đã nẩy sinh rất nhiều huyền thoại.

       Huyền thoại “Con rồng cháu tiên”, Sơn tinh Thủy tinh, Phù Ðổng thiên vương, Mị Châu Trọng Thủy v.v... đã làm chúng ta say mê từ thuở bé khi đọc sử nước nhà.

       Ở đây, Nhà Văn Trần Đình Ngọc muốn nhắc lại một câu chuyện tình vô cùng đẹp, một chuyện thần tiên, với một chút hư cấu do trí tưởng tượng cho cuộc tình tiên-tục thêm đậm đà khởi sắc. Đó là chuyện Chử Ðồng Tử, một thanh niên nghèo nàn đến không có quần áo mặc lại được sánh duyên với Công chúa - lúc đó gọi là Mị nương - Tiên Dung, con gái yêu của vua Hùng Vương thứ ba.

       Câu chuyện này cũng cho ta một khái niệm, không nhất thiết :”Con vua thì lại làm vua, Con bác sãi chùa phải quét lá đa” mà trái lại, nếu có đức, có tài - nhất là đức - thì người bần dân ở giai cấp thấp nhất trong xã hội cũng được vươn lên, được sánh ngang với công chúa là giai cấp cao nhất trong xã hội thời đó, một quan niệm xã hội rất tiến bộ trong lịch sử loài người nhất là ở thời kỳ hồng hoang. Mời bạn đọc cùng tác giả đi vào chuyện. 

 

                                         *

 

 

                                                       

         CHỬ ĐỒNG TỬ VỚI CÔNG CHÚA TIÊN DUNG

       

        Đời vua Hùng Vương thứ 3, ở khu chợ Bài, làng Chử xá, huyện Phong Châu có một cặp vợ chồng, tên người chồng là Chử Phù Vân.

         Hai ông bà Chử Phù Vân chỉ sinh hạ được một cậu con trai, cưng quí lắm, đặt tên là Chử Đồng Tử.

         Trước kia Chử ông đi bắt tôm bắt cá cũng đủ ăn; nhờ làng xóm mỗi người một tay phụ giúp, ông bà làm được ngôi nhà ba gian hai chái bằng gỗ soan ở khu chợ Bài, có sân đất nện phía trước, vườn rau nhỏ phía sau và cái cổng tre chống lên ban ngày, ban đêm hạ xuống ngăn ngừa thú vật vào sân. Bà Vân buôn rau buôn cải phụ giúp chồng, gia đình tuy chẳng gọi là giầu có nhưng cũng mát mặt, đủ ăn, đầm ấm.

       Một bữa ông Chử đi đánh giậm, bà vợ đem con  - lúc đó mới có mười tháng - gửi cho người em họ ở xóm Tây rồi ra chợ bán hàng.

 Chẳng hiểu gió thổi bay tàn lửa hay sao mà lửa trong bếp bốc lên, cháy lan qua chuồng rơm rạ dùng đun bếp ở cạnh, ngọn lửa bốc cao thiêu rụi căn nhà  xinh xắn của gia đình ông bà.

Khi người ta tri hô lên và đi gọi được ông bà Chử về thì cả cái nhà chỉ còn là một đống than hồng.

       Hàng xóm đến an ủi ông bà Chử nhưng họ cũng nghèo chỉ giúp được vài đấu gạo, mớ rau qua bữa; hai ông bà Chử phải bồng con ra bãi biển dựng tạm một túp lều làm chỗ che mưa, trú nắng. Ít lâu sau, bà Chử lên cơn bệnh và từ trần trong căn lều tồi tàn này. 

Vợ qua đời, Chử ông gà trống nuôi con lúc con mới được hơn năm, gia tư có chút gì thì đã cháy rụi theo thần hỏa, ông rất vất vả cơ cực nhưng vẫn cắn răng chịu đựng không hề than trời trách đất.

 Chử Đồng Tử lớn lên trong tình yêu thương của cha, lúc mười hai tuổi đã có thể theo cha đi bẫy chim, đánh cá làm kế độ nhật.

Rồi càng lớn, anh càng  trở nên một trang thanh niên khôi ngô, tuấn tú, tư cách hơn người. Anh có đôi mắt trong sáng với tia nhìn thẳng thắn, thân hình nẩy nở, vạm vỡ vì anh thường đến học võ với võ sư họ Chu ở xóm Đông làng Thượng kế bên. Nhưng cái quan trọng nhất trong con người anh Chử Đồng Tử là tính tình cương trực, ngay thẳng của anh. Anh cũng có lòng nhân hậu hay giúp đỡ mọi người nhất là những người đang cơn họan nạn. Một điểm đặc biệt khác là anh rất có hiếu với cha mẹ. Mẹ anh không còn nhưng anh tuyệt đối vâng lời và kính yêu bố. Nghèo, thanh đạm nhưng trong sạch còn hơn là giầu mà trọc phú, đê tiện, anh thường nghĩ vậy.

 Trước kia hai bố con  ông Chử mỗi người có  một cái khố để che thân, đi chợ đi búa. Thực sự hồi đó nước Việt Nam ta cũng còn nhiều người nghèo, đóng khố quanh năm. Vả lại đóng khố cũng là một cách ăn mặc ở thời đó, không ai dị nghị người đàn ông tứ thời bát tiết đóng khố, ngọai trừ những lễ hội cần phải ăn mặc trang trọng hơn. Chỉ cách nay khoảng hơn trăm năm, nghĩa là vào khoảng đầu thê kỷ thứ 20 (thời Pháp thuộc)nhiều dân quê vẫn đóng khố thay vì mặc những quần áo như hiện nay.

Rồi một bữa nọ. Nào có cái vụ:

“Yêu nhau cởi khố cho nhau”

như ở thế kỉ 21 này trai gái vẫn thường làm, chẳng biết phơi phóng sau khi giặt giũ ra sao mà anh Chử Ðồng Tử mất cái khố duy nhất:

”Về nhà bố hỏi qua cầu khố bay.”

Thế có chết người không kia chứ?

Nhưng ông Chử Phù Vân, đúng là từ phụ, người cha nhân từ một lòng thương con, không phàn nàn nửa lời. Giá như bây giờ, dân làng, dân phố  sẽ  làm một cái kiệu hoa như cái kiệu của hai vua Trưng Trắc và Trưng Nhị mỗi năm, khiêng ông đi diễu phố để tôn vinh ông vào ngày từ phụ, vì chẳng những ông không cằn nhằn Ðồng Tử một câu, mà còn an ủi:

         “Thôi con ạ, gió bay mất thì thôi. Của đi thay người. Hoặc giả có người nào túng nhỡ nhặt được thì để cho họ mặc, mình lấy phước. Mai mốt kiếm được mớ tôm, mớ cá bán mua lại mấy hồi.”

       

         Bố không la, lại an ủi, Ðồng Tử rất mừng. Nhưng mừng chưa được nửa ngày thì cái sầu lại tới. Cứ tồng ngồng thế này thì còn ra cái thể thống gì? Con trai hai chục tuổi rồi chứ bé dại sao, nằm chết dí trong xó lều mãi à ?

          Vô kế khả thi. Khổng Minh Gia Cát, Trang Trình, Trạng Bùng... lại không có đó cho mà vấn kế (có sao được, các ông này chưa thành hạt bụi). Ông Chử Phù Vân thấy con cứ nằm úp bụng xuống cát, mới đầu không nghĩ ra, ông nghĩ thằng con tiếc của, vài ngày là khuây. Nào ngờ con ông cứ nằm miết. Ông bố khá thông minh nên chợt nghĩ ra, thôi rồi, có một cái khố mà mình cứ “diện” hoài, thằng con lấy gì đi đây đi đó?

        Bèn âu yếm bảo con:

“Này con, lấy khố của bố mà đóng khi cần ra ngoài. Từ nay, hễ con cần khố thì con cứ lấy, bố nằm nhà và ngược lại. Con hiểu không ?”

        Dĩ nhiên, cậu con hiểu ngay: 

        “Dạ, thưa bố, con hiểu. Cám ơn bố.”

        Thế là từ đó, cái khố chung được trịnh trọng treo trên cây sào trong góc lều. Ai cần thì “diện” lên đi rồi lúc về lại treo lên sào. Người kia cần thì lấy. Thành thử hai người đàn ông, lúc làm lúc nghỉ, còn cái khố thì làm cả ngày, không mấy lúc ngơi nghỉ.

        Cuộc sống thanh đạm nhưng an hòa của hai bố con Chử ông cứ thế trôi đều.. Ngày đánh giậm, đánh lờ, câu cá, bẫy chim... được mẻ tôm, mẻ cá gì đem vào ngôi chợ Bài gần đó bán mua gạo, mua muối, mua cải, diêm quẹt hoặc những thứ cần thiết khác v.v...nhưng có cái thiết yếu nhất là cái khố thì hai bố con ông Chử chưa sao sắm được nên vẫn còn phải dùng chung một cái duy nhất. 

Cá tôm thực ra bắt được cũng nhiều mà giá quá rẻ vì gia đình nào cũng có người đi mò giậm, quăng lưới.

       Khác hẳn thời nay, thời đó tôm cá đông đặc dưới sông, dưới ao hồ nhưng dân chài lưới lại khổ vì cái nạn thủy quái như thuồng luồng, giải, bạch tuộc, ba ba khổng lồ, cá sấu... Ðã không ít người bị hại vì thủy quái ăn thịt.

 Chính Chử đồng tử đã hai lần: một lần vật lộn với một con sấu dài hơn gian nhà, một lần ở dưới sông với một con thuồng luồng  mười sáu cánh tay như loài bạch tuộc dưới biển. Anh Chử chỉ có con dao đá và phải chiến đấu đến gần kiệt lực mới thoát thân được không thì đã bị hại với hai con  ác thú này rồi.

 Người Việt lúc đó vẫn nhỏ con so với người da trắng nhưng khoẻ  hơn bây giờ. Tay vo vật cọp, beo là thường vì đàn ông thường luyện tập võ nghệ tinh thông để giữ nhà, giữ nước.

 Nhưng thủy quái rất tinh khôn, chúng chỉ lừa lúc người sơ ý không đề phòng mà tấn công nên vua Hùng vương bèn ra lệnh cho nhân dân xâm mình (chính là tattoo ngày nay) cho giống với hình thù thủy quái. Chúng tưởng đồng loại nên không tấn công. Từ đó nạn thủy quái bớt dần.

 

       Khi Chử Ðồng Tử trên hai mươi tuổi, một bữa ông Chử Phù Vân bảo con:

       “Con người, ai cũng vậy, hễ đến tuổi trưởng thành thì phải lấy vợ, lấy chồng để nối dõi tông đường, sinh con đẻ cháu. Đó là cái luật tự nhiên của Tạo hóa. Bố thấy con đã thành nhân mà vẫn chưa thành gia thất, chưa có gia đình riêng của con, bố buồn lắm! Vậy con thử coi quanh vùng xem có con bé nào coi được được mà tính tình ngoan ngoãn dễ thương thì cho bố hay rồi bố đi hỏi cho con.”

       Chử Ðồng tử nghe bố đề nghị chuyện lấy vợ thì ngượng ngùng, cứ tần ngần ngồi nhìn dải mây trắng trong khung cửa lều trên bầu trời xanh thẫm.

       Chử ông lại tiếp:

       “Ngày xưa, bằng tuổi con, bố cũng được ông nội  con đi hỏi mẹ con cho bố. Nếu ông nội  không xăng xái thì có lẽ giờ này cũng chưa có con. Bà ấy còn sống thì mày cũng có một lũ em trai, em gái rồi. Nhưng sinh mày được hơn một năm, bà ấy bị hậu sản vì đi mò cua bắt ốc sớm quá, tối về lều lại trống hốc trống hác, gió heo may mùa Ðông lùa vào cả ngày cả đêm mà bận việc lo kiếm cái ăn, bố chưa kịp bỏ giờ ra sửa chữa lại. Căn nhà ba gian gần khu chợ Bài thì trước đó đã bị thiêu rụi nên bố với mẹ con phải ra đây dựng tạm cái lều này.

Một bữa, tao không thể quên được bữa đau khổ đó. Tao đi mò giậm, lúc về thì bà ấy đã tắt thở nằm trong cái ổ rơm này mà mày thì đang nhay hai cái vú đã hết sữa của bà ấy. Tao đau đớn, khổ sở vô cùng, khóc hết nước mắt, nhưng cũng phải ráng tìm nơi an táng mồ cao mả đẹp cho bà ấy. Rồi từ đó, gà trống nuôi con, bố đã phải bế mày đi bú rình, bú chực bà tư Gấm và chị Miền ở khu chợ Bài nhiều lần, sau đó mày hơi lớn, nhai tôm nhai tép với cơm ra đút, mãi năm lên bốn, mày mới biết ăn cơm một mình, bố mới đỡ cực. Thực là  nhọc nhằn! Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Tao lại càng nhớ ơn ông bà nội mày đã sinh và nuôi nấng tao nên người.”

       Chử Ðồng tử nghe bố nói lòng buồn buồn. Thực lòng, anh chẳng muốn nghĩ đến chuyện vợ con. Kiếm đâu ra cô thôn nữ vào tuổi cập kê, được được người, lại ngoan ngoan nết?

Người ta giầu có, ruộng sâu trâu nái thì chưa mở miệng, gia đình nhà gái đã ưng thuận vì người ta “trông giỏ bỏ thóc”. Mình nghèo đến cái khố phải chia thời gian với bố thì ai thèm. Nếu có ngon thì cô nhỏ Trinh con ông bà Hàng đó. Coi bộ Trinh cũng có cảm tình với mình và thường khen mình có tấm thân cân đối, rắn chắc, khoẻ mạnh với khuôn mặt chữ điền vuông trượng, sau này làm nên và tính tình ngay thẳng đàng hòang.

       Nhưng con gái nào chẳng ham tiền, thời nào cũng vậy. Hai bố con chỉ có độc một cái khố thì quá khó! Anh Chử Đồng Tử vẫn lan man nghĩ.

       Phải chi thời đó đã có một nhà thơ Nguyễn Bính, chắc anh Chử  Đồng Tử đã ngâm nga:

       Con tằm được mấy tiền tơ

       Chao ơi mà ước mà mơ lấy nàng!

và hai câu:

       Nếu không có giậu mồng tơi

       Chắc là tôi đã sang chơi nhà nàng

sẽ được đổi là:

       Mình ên một khố khơi khơi

       Chắc là tôi đã sang chơi nhà nàng!

       Tâm sự của anh Chử với người yêu là cô Trinh ở khu chợ Bài thì chỉ mình anh biết, mình anh hay, chứ anh không thổ lộ với bố vì biết có thổ lộ can tràng bố cũng chẳng giúp được gì cho mình. Lực bất tòng tâm là vậy.

       Chuyện Chử ông đề nghị anh Chử kiếm vợ  chưa đi tới đâu thì khoảng sáu tháng sau, một bữa mưa to gió lớn, lều dột lung tung, ông Chử Phù Vân ngã bệnh.

       Trải qua ba ngày đêm mưa gió, chỉ cầm hơi bằng mấy con cá con tôm mới đánh được, hai bố con ông Chử thật khổ sở, thảm não. Người ta có tiền thì vài thang thuốc Nam trong chợ, mấy bát cháo hành thật nóng, nồi nước xông cho đổ mồ hôi cũng khỏi. Nhưng nghèo quá, ông bố nằm liệt ổ, anh con không cựa quậy vào đâu được.

 Cho đến một đêm không trăng sao, Chử ông trút hơi thở cuối cùng trên tay người con trai yêu quí. Trước đó, khi biết bố khó qua khỏi, anh Chử Đồng Tử ghé vào tai bố:

       “Thưa bố, bố có điều gì trối bảo, dặn dò con không?”

       Người cha đưa đôi mắt đã lạc thần nhìn con với vẻ vô cùng âu yếm. Ông nở một nụ cười gượng gạo:

       “Bố chỉ có hai điều dặn con. Một là sau khi bố chết hai năm, chứ đừng chờ ba năm, con liệu lấy một người vợ để làm bạn với con cho bớt buồn và cô đơn. Sống mình ên như thế này  vò võ buồn khổ lắm. Mà khi trái gió trở trời không ai phụ giúp, đêm bị cơn gió độc chết trong lều không ai biết. Hơn nữa, người vợ con sẽ cho con mấy đứa con - nhất là con trai - để nối dõi tông đường họ Chử chứ. Bố mong điều đó lắm. Hai là khi chôn cất bố, con lấy cái khố ra, đừng chôn theo bố kẻo uổng đi. Con đang không có cái mặc, hãy lấy ra mà mặc. Chết rồi thì có khố hay không có khố không thành vấn đề. Nghe con!”

       Anh Chử gật đầu khóc với bố:

       “Dạ, thưa bố. Con sẽ theo đúng lời bố dạy. Nhưng bố ơi, bố nỡ bỏ con một mình trên cõi đời này sao? Bố mất đi con còn ai mà sớm tối phụng dưỡng, hầu hạ, chuyện trò? Dù nhà mình chẳng có bát ăn bát để nhưng bắt được con tôm, con cá nào to, ngon, con cũng để dành kho, nấu mời bố xơi. Con chỉ mong bố khoẻ mạnh và sống mãi với con thôi bố ạ! Con không cần một sự gì khác.”

       Người cha nhìn vào mắt con, cười như mếu:

       “Sinh lão bệnh tử là lẽ thường con à. Ai rồi cũng đến lúc phải chết, phải từ giã cõi đời. Mẹ con mất rồi, bố còn có con. Bố mất trên tay con như thế này là bố mãn nguyện lắm.”

       Chử ông nói một hơi mệt quá, nằm thở dốc. Hạ cơn mệt, ông tiếp:

       “Trước đây đã có lần bố vật lộn với một con giải khổng lồ ở khúc sông làng Thượng, bố đã tưởng phải bỏ mạng với nó. Chết vậy thì uổng lắm. Chứ được chuyện trò, trối trăng với con rồi chết, bố thật vui lòng. Con nhớ phải đi kiếm lấy một người con gái. Dễ thương như con Trinh nhà ông bà Hàng thì bố ưng lắm, chết bố an lòng nhắm mắt...”

        Ðến lúc hơi thở gần tàn rồi mà Chử ông vẫn còn nghĩ đến tương lai của con, nghĩ đến người vợ đầu ấp tay gối của con, vẫn còn nhắm cô con gái chanh cốm thông minh nhất, xinh xắn nhất, được người được nết ở khu chợ Bài cho con bởi ông nghĩ, người vợ là điều hệ trọng nhất. đáng phải lưu tâm nhất trong cuộc đời mỗi người đàn ông.

(còn tiếp)

Xuân Vũ Trần Đình Ngọc

Trích Tập Truyện “Tình Mẹ Con” Đông A xb 2009, 17 truyện, 360 trang. Liên lạc mua sách: julie.nb.tran@gmail.com

       

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link