Friday, July 13, 2012

Đểu Có Hệ Thống

Đểu Có Hệ Thống
Văn Quang , Sài Gòn , C/N 2012/06/19

 

Không phải đợi tới bấy giờ người VN mới biết những trò đểu của những anh con buôn láng giềng TC. Những chuyện như mua móng bò với giá tưởng như không bao giờ có khiến người nông dân vùng biên giới điêu đứng vì làm thịt hết bò, không còn phương tiện để cày cấy sinh nhai. Chuyện lấy cớ này cớ kia để làm hàng đoàn xe vận tải chở dưa hấu, rau quả sang TC bán, nằm la liệt ở cửa khẩu làm mọi thứ thối rữa chỉ còn nước đổ đi. Và đầy rẫy những chuyện như thế đã từng xảy ra. Ở đây, tôi tạm thời tổng kết lại những trò lừa đảo trên toàn lãnh thổ VN, mỗi nơi một khác.

 

Không phải là đểu vặt mà là đểu có chính sách , có đường lối rõ ràng

Buồn một nỗi là người nông dân của VN vẫn chưa nhìn nhận ra trò đểu ấy không phải là đểu vặt mà là đểu có hệ thống . Bởi những trò đểu vặt dàn trải khắp nơi, bất cứ thứ gì dù là củ khoai, bụi khóm ( dứa ), nải chuối , trái dừa cho đến con cua cùng các loại hải sản, hạt gạo cũng bị bọn thương lái TC dùng những thủ đoạn tinh quái lừa dân, không thể dùng chữ gì đúng hơn là « cực đểu » .

Chính sách « đểu có hệ thống » này song song với những thủ đoạn gây hấn trên biển, thuê rừng trồng trọt để « ăn sâu ở lâu » , đồng thời quấy rối trên khắp các vùng thôn quê, TC đã chứng tỏ dã tâm của mình đối với người bạn láng giềng VN.

Điều đáng nói hơn nữa là các cấp nhà cầm quyền ở tất cả các địa phương cũng quá thờ ơ với những hành động xảo trá này ! Nói đến tất cả các địa phương là nói đến cả nước tức là có trách nhiệm của các bộ, các ngành có trách nhiệm ở cơ quan trung ương. Không thể xem như đó chỉ là những vấn đề riêng của từng địa phương mà không chịu nhìn ra đó là cả một chủ trương lớn, phá hoại ngấm ngầm nền kinh tế quốc gia, đẩy nông dân vào con đường đói rách lâu dài. Bọn thương lái TC cứ việc âm thầm tung hoành , trong đó phải kể đến có sự tiếp tay đồng loã của một số người Việt cũng tinh quái không kém. Tìm mọi kẽ hở của pháp luật chạy chọt cho bọn thương lái , lợi dụng đúng tâm lý, tình cảm, hoàn cảnh của người dân trong từng vùng nông thôn VN. Mỗi huyện, mỗi xã có nguồn sản xuất khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, chỉ người VN mới biết rõ tình hình vùng đó như thế nào. Những người VN hợp tác với bọn thương lái TC hầu hết chỉ vì hám lợi , bị chúng lừa gạt , nhưng cũng không thể không kể đến những kẻ « nằm vùng » , đi theo quan thầy TC, biết rõ đó là cái bẫy song vẫn quay lưng lại phản bội đồng bào mình.

Hãy thử nhìn qua vài thủ đoạn của bọn thương lái TC trong một số « thương vụ đểu » tại khắp Trung – Nam - Bắc VN .

Đặt mua thật nhiều rồi biến

 

Một thương lái TC ở trạm mua khóm xã Long Định

Thoạt tiên , các thương lái TC thu mua khóm với giá cao, họ « dỗ ngon dỗ ngọt » rằng khóm ở nước họ không ngọt bằng khóm ở những vùng nhiễm phèn nặng như khu vực Đồng Tháp Mười cho nên đắt họ cũng mua. Ông Nguyễn Tấn Hoàng ( ở thị trấn Mỹ Phước ) cho biết thương lái TC không cần đợi khóm chín mà còn xanh cũng mua, miễn to là được.

Nhiều thương lái TC xuất hiện mua khóm loại 1 ( từ 1 kg/trái trở lên ) với giá 4 000 đồng/kg. Thấy dễ kiếm lời, một chủ vựa khóm ở thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước đã thu gom được 2 container ( hơn 42 tấn ) để bán lại cho thương lái TC. Tuy nhiên sau đó, thương lái TC không mua nữa với lý do có tình trạng khóm nhỏ dưới 1 kg/trái trộn vào khóm loại 1.

Ông Thuận, một người thu gom khóm, than thở: « Các thương lái TC chỉ đặt cọc 10 triệu đồng mà yêu cầu chúng tôi thu gom cả container khóm , giờ họ đi rồi thì biết bán cho ai ? » . Rất nhiều người chạy đôn đáo khắp vùng Tân Phước hỏi mua khóm loại 1 để xuất khẩu sang TC và cũng bị các thương lái TC « chơi khăm » khi biến mất mà không có lý do .

Hơn thế, trong những ngày thương lái TC thu mua khóm, số khóm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến như Công ty Rau quả Tiền Giang giảm tới 50 % , làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất. Khi bị thương lái TC lật lọng thì những người thu gom khóm lâm vào cảnh dở khóc dở cười, còn nông dân cũng méo mặt vì trước đó đã thu hoạch khóm xanh ( chưa chín ) để bán. Có khi nhà máy đành ngồi chơi đợi nguyên liệu. Ác ý của bọn thương lái này thật rõ ràng. Lừa cả nông dân, làm hại cả nhà máy , sao không cơ quan nào biết nhỉ ?

Thu mua cua, hải sản và khoai lang, chuối già cũng với chiêu độc đó

Tại Đà Nẵng xuất hiện các thương lái người TC trực tiếp đi thu mua hải sản của ngư dân địa phương với giá cao , sau đó thuê nhân công sơ chế rồi vận chuyển sang TC tiêu thụ. Họ mua cả tôm bơm tạp chất. Tuy nhiên , được một thời gian ngắn , hầu hết các thương lái TC « một đi không trở lại » khiến cho giá các mặt hàng hải sản bị rớt thê thảm. Ngồi chờ « các ông chủ TC » đến mua, mỏi mòn như hòn vọng phu, đành bán tống bán tháo vậy, không bán được, khóm hư thối thì thả trôi sông.

 

Những thương lái TC đến mua cua

Hàng chục thương lái TC đang núp bóng khách du lịch thu mua cua ở Cà Mau và có người đã bỏ trốn, mang theo số nợ tiền tỉ của nông dân địa phương .

Ngày 06/05, công an thị trấn Năm Căn, ( Cà Mau ) cho biết : « Hiện đã có nhiều đơn tố cáo đối với Wang Juanmei, tự A Kiều ( SN 1974 ) , một thương lái quốc tịch TC đến địa phương thu mua cua và biến mất cùng món nợ hơn 10 tỉ đồng ».

Riêng ở địa bàn Huyện Năm Căn hiện có 20 thương lái TC ( chưa tính những thương lái đến, đi không trình báo ), có lúc lên đến 60 -70 người và họ đều sử dụng hộ chiếu du lịch, tạm trú rồi đi thu mua cua.

Ở huyện Cái Bè - Tiền Giang, nhiều người đã vào tận nhà vườn thu mua chuối già với giá cao để xuất khẩu qua TC. Tuy nhiên, họ cũng chỉ thu mua được một thời gian rất ngắn rồi bỏ, gây tổn thất lớn cho nhà vườn vì đã đốn bỏ các cây ăn trái để trồng chuối. Vườn đã mất hoa màu, phải làm lại từ đầu ! Vốn liếng ít , lại đi vay nợ, đói rách trong một thời gian lâu dài vì trồng cây ăn trái vài năm mới mong có lời. Thâm độc đến thế là cùng.

 

Cách thống trị thị trường ngay tại quê hương dừa Bến Tre

Ban đầu các thương lái TC đến từng gia đình sản xuất mua thạch dừa thô với giá cao. Họ mở đại lý thu mua ồ ạt, dẫn đến cơn sốt thạch dừa tại địa phương. Thấy có lời, nhiều người dân bắt đầu học hỏi quy trình để làm thạch dừa xuất khẩu khiến nhiều cơ sở sản xuất thạch dừa thành phẩm ở Bến Tre phải điêu đứng vì không có thạch thô để chế biến. Chỉ trong một thời gian ngắn , thương lái TC đã thống lĩnh thị trường thạch dừa ở Bến Tre.

 

Một tàu đang bốc dừa trên sông Hàm Luông xuất sang TC

Ngay sau khi chi phối thị trường, thương lái TC hạ giá thạch dừa xuống tận đáy. Từ chỗ mua thạch thô giá 3 . 950 đồng/kg, đến nay họ đã hạ giá chỉ còn 1 300 đồng/kg. Đến lúc này , người sản xuất thạch dừa ở Bến Tre rơi vào thế « sống dở chết dở » vì lỡ đầu tư sản xuất rồi, làm ra hàng hoá không biết bán cho ai, vậy sản xuất làm gì đây ?

Trong một ngày , chủ tịch xã Mỹ Thạnh An ( TP . Bến Tre ) phải ký trên 30 đơn xin tạm nghỉ kinh doanh của các nhà sản xuất thạch dừa trong xã, với lý do không tiêu thụ được sản phẩm. Trước đó, xã này có 17 cơ sở khác xin nghỉ. Như vậy , chỉ trong một thời gian ngắn, địa phương nổi tiếng với mặt hàng thạch dừa chỉ còn 20/67 hoạt động, tức là có đến 70 % cơ sở « chết đứng ». Không chỉ Mỹ Thạnh An, người sản xuất thạch dừa tại nhiều địa phương ở Bến Tre cũng lao đao bởi giá thạch dừa xuống thấp, rơi vào cảnh lỗ lã do bị ép giá .

Làm mất uy tín thương hiệu quốc gia

 

Thu mua lúa xuất khẩu tại đồng bằng sông Cửu Long

Sau một loạt các hành vi cạnh tranh thương mại xảo quyệt trong nông, lâm và thuỷ hải sản và gần đây nhất các thương nhân TC lại đang tiếp tục làm ảnh hưởng đến mặt hàng gạo – mặt hàng sản xuất chủ lực của Việt Nam.

Thương lái TC « xúi » doanh nghiệp ( DN ) trong nước làm ăn gian lận , trộn gạo thường với gạo thơm rồi bán với giá gạo thơm... Họ mang ra bán ở các nước khác với tên Gạo Việt Nam . Ngay cả mặt hàng rất mạnh của VN là cà phê, hạt điều cũng bị con buôn TC lũng đoạn. Đến mức này thì câu chuyện không còn dừng lại ở việc « buôn gian, bán lận » mà là vấn đề uy tín , thương hiệu của doanh nghiệp, của gạo VN trên thế giới . Bởi VN là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới . Làm mất uy tín thương hiệu của VN là đánh một đòn rất nặng vào nền kinh tế của VN .

Đến trò « cắm chốt » còn ngoạn mục hơn

Ngoài nững trò mua bán « đểu », dư luận hiện nay cũng đã và đang còn ầm ỹ về vụ người TC « cắm chốt » ở VN mà các cơ quan đều không biết. Hẳn chúng ta chưa quên vụ hàng ngàn lao động TC làm việc « chui » tại công trình Nhà máy Đạm Cà Mau và hơn 200 lao động TC có mặt tại Khu công nghiệp Long Giang thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, làm hư con gái mới lớn và quyến rũ cả một số cô đã có chồng làm tan nát nhiều gia đình đang êm ấm khiến quê nghèo trở nên xáo trộn. Nay lại đến chuyện người TC nuôi cá bè ở Phú Yên và Cam Ranh. Xin nói đến chuyện ở Phú Yên trước.

Ông Trần Xuân Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hoà Xuân Nam thuộc huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, cho biết vì Vũng Rô là vùng được quy hoạch mở rộng cảng và phát triển công nghiệp hoá dầu nên không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép nuôi trồng thuỷ sản. Còn ông Ông Phạm Minh Chu, Chủ tịch UBND huyện Đông Hoà, khẳng định. « UBND huyện Đông Hoà cũng không cấp phép nuôi trồng thuỷ sản và cho thuê mặt nước ở Vũng Rô đối với bất cứ tổ chức, cá nhân nào » .

Vậy tại sao lại có những người TC ung dung làm bè nuôi cá tại « vùng cấm địa » này ? Họ từ trên trời rơi xuống à ? .

 

Dùng người Việt làm lá chắn

Việc xuất hiện những bè nuôi cá của người TC ở Vũng Rô từ gần 10 năm nay đã gây nhiều bất bình đối với người dân địa phương. Khi tàu thuyền của ngư dân chạy gần bè cá của người TC thì lập tức bị nhân công doạ đánh.

Thật ra từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp phép hoạt động cho 10 người TC với vai trò chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú và cá bóp ở Vũng Rô. Tuy nhiên , ông Đào Thái Cường, trưởng thôn Vũng Rô, cho biết những chuyên gia này chính là chủ của các cơ sở nuôi cá mú và cá bóp với quy mô lớn tại đây. Ông Cường tiết lộ: « Họ đã thuê người Việt Nam đứng tên lập doanh nghiệp để nuôi cá ». Theo ông Cường, có tất cả 5 bè cá tại bãi Chùa , bãi Hương và bãi Lau ( thôn Vũng Rô ) do người TC làm chủ với quy mô mỗi bè từ 100 đến 200 lồng.

Theo UBND xã Hoà Xuân Nam, ngoài một số cơ sở tư nhân có chuyên gia TC đứng đằng sau, còn 3 doanh nghiệp VN nuôi thuỷ sản tại Vũng Rô do người TC trông coi là Công ty Thuận Thành, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Ngọc và Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Tín. Các doanh nghiệp và cá nhân này nuôi thuỷ sản trái phép ở Vũng Rô 7 năm nay nhưng nhà cầm quyền địa phương lại làm ngơ. Ông chủ tịch UBND xã Hoà Xuận Nam giải thích vì không được cấp phép nên UBND xã Hoà Xuân Nam không thể quản lý, thu thuế đối với các doanh nghiệp và cá nhân này.

Như vậy là tỉnh Phú Yên cấp giấy phép tràn lan, còn cái mác « chuyên gia » chỉ là vỏ bọc cho những ông chủ TC ung dung nuôi cá. Địa phương không quản lý được ( ? ! ) .

 

Người Việt « giúp » người TC như thế nào ?

 

 

Lồng bè nuôi cá của người TC tại Vũng Rô Phú Yên

Công ty Thuận Hoàng do bà Bùi Thị Bích Ly làm giám đốc đã đầu tư bè nuôi hơn 100 lồng cá ở vùng biển Vũng Rô, xã Hoà Xuân Nam , Hoà Đông Hoà ( Phú Yên ). Theo bà Ly, trước đây bà chỉ xin UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho em rể là người Đài Loan làm hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú, cá bóp trên bè của bà tại Vũng Rô .

Nhưng khi phóng viên đưa ra thông báo của UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho 2 người TC là ông Cheng Po-Jui (26 tuổi ) và Liu Cheng-Han ( 29 tuổi ) vào năm 2010, thì bà Ly thừa nhận là đã xin giúp cho 2 người này để được vào khu vực Vũng Rô, chứ không phải là công ty của bà thuê. Bà Ly nói: « Công ty của tui chỉ xin UBND tỉnh Phú Yên cấp phép giúp cho họ làm việc tại vùng biển Vũng Rô nên không có trả lương hay tiền công gì cả . Tui chỉ giúp họ mà thôi » .

Người TC sống ung dung trên vịnh Cam Ranh

Ngoài ra, bà Ly còn thừa nhận cũng trong năm 2010 đã làm thủ tục xin UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho ông Sun Kun Tien ( 37 tuổi, quốc tịch TC ) làm hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá mú cho công ty, nhưng thực chất nhằm giúp ông này có giấy phép hoạt động nuôi thuỷ sản tại Vũng Rô. Rõ ràng, 3 người TC này không phải là chuyên gia kỹ thuật mà chỉ là những người được Công ty Thuận Hoàng xin cấp phép hộ để vào Vũng Rô nuôi cá.

Khi hỏi: « Họ không phải là người do công ty của bà thuê nhưng tại sao lại làm thủ tục xin UBND tỉnh cấp phép ? ». Bà Ly huơ tay: « Đây là chuyện tế nhị, tui không nói được » .

Chuyện « tế nhị » là chuyện gì, chắc bạn đọc thừa biết rồi. Đó là con đường vòng vèo giữa sự móc nối, có đi có lại của kẻ xin và người có quyền cho , xảy ra hà rầm tại VN.

 

Tại vịnh Cam Ranh, người TC cũng đóng bè nuôi cá

Việc xảy ra từ nhiều năm rồi , đến nay UBND tỉnh Khánh Hoà mới có văn bản yêu cầu UBND TP Cam Ranh kiểm tra và báo cáo về nội dung liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn. Trước đó, tại địa phương này đã xuất hiện tình trạng một số người TC làm lồng bè nuôi cá gần cảng Cam Ranh của Vùng 4 Hải quân từ nhiều năm nay.

Một bè cá lớn của người TC tại vịnh Cam Ranh - Khánh Hoà

Theo người dân ở đây, bè cá của người TC cách cảng Cam Ranh vài trăm mét về phía Đông Bắc với gần 100 lồng nuôi.

Ông Lê Văn Dũng, Phó chánh Thanh tra Sở Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn ( NN-PTNN ) tỉnh Khánh Hoà, khi đi thanh tra môi trường trên các lồng bè ở TP Cam Ranh, cơ quan này đã phát hiện nhiều sai phạm tại một lồng bè của người TC. Ông Dũng cho phóng viên báo chí biết: « Chủ bè đã không trả lời được câu hỏi cá giống lấy từ đâu ? Hàm lượng thức ăn ra sao ? Có được phép lưu hành tại Việt Nam không ? » .

 

Quan chức đầu tỉnh đọc báo mới giật mình

Cho đến nay những người có trách nhiệm tại Phú Yên và Cam Ranh còn loanh quanh đổ lỗi cho nhau. UBND tỉnh nói là « theo đề nghị của các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản ». Còn việc để xảy ra tình trạng người TC nuôi cá trái phép, có thể có sự tham mưu của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên. Thế nhưng, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, phủ nhận: Chưa từng thấy giấy tờ nào gửi đến Sở NN-PTNT đề nghị cấp phép hoạt động cho các chuyên gia TC nuôi trồng thuỷ sản ở Vũng Rô... Cứ đổ lỗi loanh quanh như thế nên chẳng anh nào có lỗi cả. Và đến nay các tỉnh và TP này lại đang ca bài « sẽ kiểm tra và xử lý » !

Xin hãy đọc câu trả lời của ông Huỳnh Tấn Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, với phóng viên báo chí vào chiều ngày 06/06 vừa qua. Ông Việt nói: « ... Làm không đúng thì phải xử lý. Nói thật, tôi cũng giật mình khi đọc báo thấy có chuyện này » .

Những bè cá của người TC to tướng sờ sờ trước mặt hàng chục năm mà quan chức tỉnh đọc báo mới « giật mình » thì lạ thật !

Đến đây tôi xin nhường cho ý kiến bày tỏ nỗi bất bình của người dân:

Bạn Bình Bể viết trên báo Người Lao Động:
- « Một căn nhà nhỏ trong hẻm sâu, gia chủ chỉ cần thuê công nhân sửa chữa nhỏ, lập tức có nhân viên của phường, thành phố đến làm việc ngay. Một căn nhà bề thế trên một con đường lớn công nhân đang xây dựng tấp nập, ấy vậy mà khi báo chí lên tiếng có vấn đề thì từ trên xuống dưới, từ nhỏ đến lớn đều ú a, ú ớ như người còn đang mê ngủ chẳng biết gì. - Chuyện này cũng vậy , mấy cái bè nuôi cá to đùng ( to hơn cả mấy cái bè của chủ nhà ) của ông bạn hàng xóm ngang nhiên đem vào đất nhà mình để khai thác, rồi tự tiện đem tàu đến thu hoạch trước mũi chủ nhà vậy mà vẫn im lặng như tờ. Đến khi báo chí phát hiện, phanh phui thì lại lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, rồi thì ông đổ cho bà, bà bảo tại ông ... » .

Bạn Nguyễn Văn Vũ viết trên báo Thanh Niên:
- « Lại 1 quả bom nữa được gài. Chỉ thấy tội cho các cấp quản lý của mình là rất ngây thơ » .

 

Chuyện Euro 2012

Khi tôi viết bài này Euro 2012 mới được một tuần. Bạn đọc yêu bóng đá ở nước ngoài chắc chắn cũng đã và đang theo dõi những trận đấu đó. 16 đội tuyển quốc gia đều đã trình diện. Đội nào mạnh, đội nào yếu, phong cách chơi dần ló dạng, người hâm mộ đã có thể dự đoán được đôi nét về những đội bóng ấy. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả thực lực của từng đôi bóng. Bạn có thể rất thú vị vì lối chơi tấn công, đậm tính kỹ thuật của trận Ý - Tây Ban Nha . Ngược lại bạn chờ đợi cuộc so tài giữa Anh và Pháp, nhưng bạn thất vọng vì nó quá tẻ nhạt. Rồi những Hy Lạp - CH Séc, Ukraina - Thuỵ Điển, Ba Lan - Nga, Hà Lan - Đức... có trận thắng trận thua, trận hay trận dở, nhưng vẫn chưa phải là toàn thể sức mạnh thật sự của các đội ở vòng bảng. Đến nay có đội thắng cả hai trận, đã nắm chắc chiếc vé vào vòng trong. Đã đủ điểm nên trận thứ ba họ sẽ « đá như không đá ». Đấy là chưa nói đến họ tính toán nếu vòng sau họ cần phải thua để gặp đội yếu hơn, họ sẵn sàng đá để thua hoặc 2 đội nháy nhau đá hoà để đưa một đội khác về nước. Một kiểu đá kỳ lạ chỉ tìm thấy ở những vòng đấu bảng tính điểm. Vòng này là lối đá của những tính toán. Rồi còn chuyện bạo lực của khán giả, nạn phân biệt chủng tộc đã bắt đầu ló dạng, nhà chức trách địa phương và UEFA sẽ làm thế nào để dẹp tệ nạn cho Euro 2012 yên bình ?

Cho nên kỳ này tôi chưa bàn đến chuyện Euro. Khi bước vào vòng đấu loại trực tiếp sẽ có nhiều chuyện để bàn và để dự đoán cùng bạn đọc hơn. Bạn cứ việc dự đoán theo ý riêng của mình, không cần quan tâm tới những ý kiến khác, dù là đoán... một mình, thế mới thú. Hơn nữa , bạn đoán sai càng nhiều thì bạn cũng như... vua bóng đá Pelé thôi ! Đoán đâu trật đấy, vậy mà kỳ nào vua Pelé cũng đoán cho chính mình vui và cho cả người đọc cùng vui.

Vậy xin hẹn các bạn yêu bóng đá trong những kỳ sau .

 

Văn Quang Sài Gòn

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link