Không Nói, Không Viết, Không Làm những gì có lợi cho cộng sản
Tại Hội nghị những Người bạn của Syria ở Paris, bà Clinton kêu gọi Nga và Trung Quốc “rời khỏi đường biên” và hãy ủng hộ nhân dân Syria. Bà giục đại diện khoảng 100 quốc gia và tổ chức tại hội nghị “nói rõ rằng Nga và Trung Quốc sẽ trả giá” vì lập trường của họ. Bà nói: “Tôi không nghĩ Nga và Trung Quốc nhận ra họ đang trả giá cho sự ủng hộ của họ đối với chế độ Assad”.
Nhưng không rõ là liệu 2 nước này có thay đổi lập trường để buộc ông al-Assad từ bỏ quyền lực hay không. Nga và Trung Quốc, hai đối tác thương mại của Syria, trước đó đã ngăn cản những nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm lên án bạo lực ở Syria và phế truất al-Assad. Cả Nga và Trung Quốc đều không có đại diện tại hội nghị ở Paris.
Mỹ và các nước khác bày tỏ hy vọng cuộc gặp hôm thứ sáu có thể dẫn đến những biện pháp trừng phạt kinh tế khắt khe hơn và sự ủng hộ nhiều hơn dành cho phe đối lập. Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị, bà Clinton tranh biện về các hình thức trừng phạt bổ sung được Nghị quyết Hội đồng Bảo an ủng hộ theo Chương 7 của Hiến chương LHQ. Chương này về cơ bản cho phép sử dụng vũ lực.
Bà Clinton cũng cảnh báo các đồng minh của ông al-Assad ở Syria rằng chứng cứ của tình trạng ngược đãi đang được thu thập và họ nên “đứng về bên phải của lịch sử?”. “Cho phép tôi nói với các binh sĩ và viên chức vẫn ủng hộ chế độ Syria rằng nhân dân Syria sẽ ghi nhớ sự lựa chọn của các bạn trong những ngày tới” - bà nói.
Phát biểu của bà Clinton được ghi nhận gần như đồng thời với việc Thiếu tướng Manaf Tlas của Vệ binh Cộng hòa Syria, con trai của cựu bộ trưởng quốc phòng Syria, rời bỏ chế độ. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius mô tả hành động của Tlas là một “đòn trời giáng” đối với chế độ al-Assad, trong khi ngoại trưởng Mỹ nói đây là một thất bại nữa của al-Assad- người mà bà cho là đang cảm thấy nhức nhối bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng bà Clinton cho rằng thách thức vẫn còn khi al-Assad đang “lơ lửng” nhờ “tiền từ Iran và sự tiếp sức của Nga”.
Moscow và Bắc Kinh tỏ ra thận trọng về điều họ xem như là thị hiếu phương Tây đang tăng lên hướng đến sự thay đổi chế độ và họ không chấp nhận điều đó. Phản ứng trước chỉ trích của bà Clinton, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho rằng ngoại trưởng Mỹ đang đi ngược lại chiến lược chung mà các cường quốc cố dàn xếp tại Geneva tuần trước.
Trung Quốc chưa lên tiếng.
Những chia rẽ quốc tế về Syria vẫn còn đó và ông Kofi Annan, đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Ả Rập, đưa ra một lời cảnh báo thẳng thừng rằng các cường quốc phải dừng ngay sự “cạnh tranh tiêu cực” về tương lai của chế độ Assad.
Liệu Hội đồng Bảo an LHQ có đáp ứng lời kêu gọi từ Hội nghị những Người bạn của Syria bằng cách trừng phạt nặng nề hơn và buộc Syria chấp nhận kế hoạch chuyển tiếp chính trị? Xem ra khó vì dường như đến lúc này, lập trường của cả Nga và Trung Quốc vẫn không lay chuyển.
Thanks for your Comment
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment