Friday, July 13, 2012

Những dòng nước mắt trong những cảnh ngộ tang thương của các gia đình cựu tù “cải tạo”!

Những dòng nước mắt trong những cảnh ngộ tang thương của các gia đình cựu tù “cải tạo”!

Bài 3

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

OAN NGHIỆT!

Trước năm 1975, anh Đông là một vị giáo sư tại trường Trung học Trần Cao Vân, quận Tam Kỳ, Quảng Nam, vợ anh, chị Khuê cũng là một nhà giáo dạy tại trường nữ Trung học cùng quận, vợ chồng anh được xem là một đôi “trai tài gái sắc”, anh chị có hai con trai, có cuộc sống hạnh phúc.

Sau năm 1975, trong lúc thân phụ của anh một vị Giáo sư và là cựu bí thư quận bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng, và bào huynh của anh là một sĩ quan cấp Đại úy chưa có vợ đã bị tập trung vào trại tù “cải tạo”; nhưng vì lúc ấy, chưa có người thay thế, nên anh chị còn được dạy học một thời gian ngắn. Sau đó, anh Đông đã tham gia vào tổ chức phục quốc: Việt Nam Dân Tộc Cách Mạng Đảng, do Giáo sư Nguyễn Văn Bảy, tức Văn Nguyễn thành lập và lãnh đạo sau ngày 30/4/1975. Giáo sư Nguyễn Văn Bảy dạy tại trường Trung học Kỹ Thuật Đà Nẵng; và ông còn là Phụ tá Hiệu trưởng trường Trung học Hưng Đạo-Liên Đoàn trưởng Thanh niên Hưng Đạo đoàn Cao Đài Miền Trung, và là người tín cẩn của Giáo sĩ Trần Thanh Thuyền: Chánh Phối sư kiêm Đặc trách ngoại giao Cao Đài Miền Trung tại “Trung Hưng Bửu Tòa, Cơ quan Truyền giáo Cao Đài miền Trung” tại số 35, đường Nguyễn Hoàng, Đà Nẵng.

Tổ chức Việt Nam Dân Tộc Cách Mạng Đảng, (VNDTCMĐ) là một tổ chức phục quốc. Lúc đầu được quy tụ đa số là nhà giáo và các trí thức tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Sau đó, số người tham gia đã lên tới con số ngàn, có Chiến khu-Mật khu. Vì thế, khi bị “B.2” của Cộng sản Hà Nội phá vỡ, vào tháng 7 năm 1977, đã có năm người đứng đầu bị “Tòa án nhân dân” Đà Nẵng tuyên án tử hình. Trong số đó, Giáo sư Nguyễn Văn Bảy và hai vị khác là Giáo sư Trần Ngọc Thành và giáo sư Ông Văn Chinh đã bị xử bắn tại Hòa Khánh, Đà Nẵng. Riêng còn hai người khác cũng bị tuyên án tử hình, mặc dù có ở tù, nhưng cho đến giờ này họ vẫn còn sống ???

Về vụ án này rất lớn, nên người viết không thể tường thuật cho hết. Vả lại, đây là một bài viết, để ghi lại những nỗi đau thương, nghiệt ngã trong gia đình của các cựu tù “cải tạo” mà thôi, còn vụ án VNDTCMĐ, có thể người viết sẽ viết riêng trong một bài viết khác.

Vào tù “cải tạo”

Ngày “xử án” trong một “phiên tòa” tại Đà Nẵng, sau khi tuyên án tử hình năm vị lãnh đạo, thì anh Đông đã bị “Tòa án nhân dân” Đà Nẵng kết án tù chung thân; sau đó, “Tòa phúc thẩm” đã giảm xuống còn 20 (hai mươi năm) tù ở. Và kể từ lúc anh Đông bị bắt, thì chị Khuê cũng bị đuổi khỏi trường, không được dạy học nữa.

Cũng kể từ đó, có thêm anh Đông vào tù, là gia đình của anh đã có ba người ở trong nhà tù “cải tạo” như đã nói: thân phụ và bào huynh và chính anh Đông.

Khi nhắc lại những thảm cảnh tù đày của các vị tù “cải tạo” của một thời đau thương cũ, người viết không làm sao có thể nén được những xót xa cho những cảnh đời khốn khổ, với những tấm thân gầy mòn, vì đói khát, lạnh lẽo, vì kiệt sức sau những năm tháng bị lao động khổ sai, từng bước đi của người tù chẳng khác gì những bộ xương biết đi giữa chốn rừng thiêng, nước độc! Nhưng những thân nhân của người tù cũng chẳng khác gì hơn. Những người Mẹ, người Cha, anh, chị, em, con, cháu; và đặc biệt là những người vợ trẻ của tù “cải tạo” là đã phải gánh chịu nhiều đau thương; đồng thời, phải đối diện với vô vàn những oan khiên, nghiệt ngã nhất.

Và, chị Khuê, vợ của anh Đông, đã nằm trong số người bất hạnh ấy. Người viết phải kể những điều có thật đã xảy ra, rồi tùy theo suy nghĩ của mỗi người, có thể thương hay không thương người trong cuộc, nhưng vì đó là những chuyện thật, của một trong những trang sử đau thương khi đất nước Việt Nam Cộng Hòa, sau khi đã bị rơi vào tay của đảng Cộng sản Hà Nội.

Có ai thấu được những nỗi bi thương của một gia đình đã có tới ba người phải bị vào tù “cải tạo”. Thân mẫu của anh Đông đã già yếu, không thể băng rừng, lội suối để đến nơi rừng sâu, núi thẳm để thăm nuôi chồng và hai người con trai, và vì cụ bà còn hai người con trai đang học ở năm cuối của bậc trung học. Nhưng sau đó, dù học rất giỏi vẫn không được vào Đại học, vì “lý lịch xấu” (có cha, và hai anh trai là tù “cải tạo”). Vì thế, nên chính chị Khuê, một nhà giáo, dù đã có hai con nhỏ, nhưng còn rất trẻ, có nhan sắc, chân yếu, tay mềm, chỉ biết phấn trắng, bảng đen, phải vừa thăm nuôi Bố chồng, anh chồng và chính chồng của mình.

Thế rồi, có một ngày, khi đến đồn công an để xin giấy thăm nuôi, thì chị Khuê đã bị làm khó dễ, chị phải năn nỉ tên Loan, “Trưởng đồn công an” để được cấp giấy thăm nuôi. Và, sau lần đó, “ông trưởng đồn công an” đã “quan tâm” thường xuyên đến nhà chị Khuê, để rồi nói rằng sẽ giúp đỡ cho cả gia đình của anh Đông được trả tự do sớm hơn. Sau nhiều lần, được “quan tâm” như vậy, chị Khuê đã nói, nếu cả ba người trong gia đình của chị không được ra tù hết, thì ít nhất cũng cho anh Đông được ra tù, để cùng chị lo cho con cái, và thăm nuôi hai người còn lại ở trong tù. Nghe chị Khuê nói như thế, tên Loan đã nói “sẽ thực hiện lời hứa”. Nhưng chắc mọi người đều biết, chẳng phải “quan tâm” gì đến những người thân của chị Khuê đang ở trong tù, mà chỉ vì muốn chiếm lấy chị Khuê; vì thế, chuyện gì đến, thì phải đến. Và, đó là, khi: “Phẩm tiên rơi đến tay phàm… Một cơn mưa gió não nề, Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương”, để rồi, từng ngày trôi qua, chị Khuê cứ mỏi mòn chờ đợi, mà chẳng thấy một người nào trong gia đình của chị được ra tù cả. Nhưng oan nghiệt thay! Vì cũng kể từ đó, cái bụng của chị mỗi ngày lại cứ lớn lên. Chị đã mamg trong người giọt máu của kẻ thù! Còn kẻ đã gieo rắc thảm họa cho chị, thì không bao giờ đến nữa, vì sợ liên lụy, sợ mất tương lai. Bởi thế, chị Khuê không biết làm gì hơn, là phải sinh và nuôi đứa con ngoài ý muốn của mình!

Một điều đáng quý nhất, là cả gia đình nhà chồng đều dành sự cảm thông và tình thương cho chị Khuê. Do đó, những tháng sau cùng, khi bụng chị lớn, thì thân mẫu của anh Đông đã bảo hai người con trai, là em ruột của anh Đông đã nghỉ học, phải thay chị Khuê để thăm nuôi Cha và hai anh, và nói với anh Đông là chị Khuê “bị bệnh”.

Ở trong nhà tù “cải tạo”

Người viết đã từng cùng ở chung trong các trại giam với anh Đông, nhưng khác khu, khác phòng vì nam-nữ cách biệt, nhưng được nhìn thấy nhau, trong những lần đi tắm, giặt, làm vệ sinh như quét dọn; những lúc như thế, anh em có thể ra dấu thông tin cho nhau, bằng cách dùng ngón tay để viết lên khoảng không bằng những chữ vô hình, nhưng cả anh Đông và người viết đều hiểu; vì đó, cũng là cách duy nhất để có được những thông tin với nhau của các cựu tù ngày ấy. Và người viết cũng bị chuyển đến các trại từ nhà giam Kho Đạn, chợ Cồn, ở số 15, đường Đào Duy Từ, Đà Nẵng, nhà giam Hội An và Tam Kỳ, gần hai năm để thẩm cung. Sau đó, khi chuyển lên trại “cải tạo” T.154, tại thôn 3, xã Phước Lãnh, quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sau ngày 30/4/1975 đã đổi thành xã Tiên Lãnh. Vì thế, thường được gọi là trại Tiên Lãnh, là hậu thân của “Trại cải tạo Đá Trắng” đã được thành lập từ năm 1959.

Người viết không bao giờ quên những năm tháng ở trong nhà tù “cải tạo”, với những lần đi cấy, gặt lúa, trồng sắn… tại Đồng Cừ, nơi có mặt của anh Đông, vì “ban giám thị” của trại đã cho “cắt công” cho anh Đông lên ở một cái chòi nhỏ trên đồi sắn của Đồng Cừ, để “giữ sắn”. Ngày ấy, mỗi lần người viết đi “lao động” ở đó, thì đến buổi trưa, anh Đông thường xuống căn chòi “giữ nước ruộng” của Mục sư Dương Đình Nguyện, “xin phép cán bộ” để mamg quà thăm nuôi của vợ anh cho người viết, là những gói bánh, mứt… và nói: “quà của chị Khuê thăm anh đó, em và các bạn ăn lấy thảo”. Người viết luôn xem anh như người anh ruột thịt của mình, vì thân phụ của anh là vị thầy dạy học khả kính của người viết, và là người rất thân thiết với thân phụ của mình, lại thêm thân mẫu của anh cũng bà con “bạn dì” họ của người viết nữa.

Phần anh Đông, với bản án 20 năm tù ở, vì trong suốt thời gian “cải tạo” anh không “vi phạm nội quy”, nên qua những đợt giảm án tại trại “cải tạo” anh được giảm xuống còn 10 năm.

Ngày ra tù, trở về, anh Đông đã gần như gục ngã khi biết vợ của mình đã sinh ra một đứa trẻ là con của tên Loan, “trưởng đồn công an”. Thấu hiểu được những đau đớn của anh, nên cả gia đình của anh luôn an ủi, và đã kể rõ những chuyện đã xảy ra cho chị Khuê. Anh Đông cũng đã tỏ ta rộng lượng không trách móc chị Khuê lời nào. Thấy vậy, gia đình anh cũng như bà con đều mừng, vì tưởng rằng mọi chuyện sẽ êm xuôi, gương vỡ lại lành. Anh Đông còn rộng lượng hơn nữa, khi thằng bé con của “trưởng đồn công an” bỗng bị bạo bệnh, anh Đông vẫn giúp chị Khuê đưa đứa nhỏ vào bệnh viện, nhưng không cứu được, và nó đã chết.

Sau khi thằng bé đã chết, cả gia đình cũng như bà con đều nghĩ, có lẽ sự an bài đó, sẽ làm cho anh chị hạnh phúc hơn; bởi không một ai có thể biết được rằng, kể từ lúc được ra tù, anh Đông đã không hề có được một phút giây ân ái với người vợ mà anh đã hết lòng yêu thương, mặc dù anh rất muốn.

Người viết vẫn nhớ những lời của chị Khuê đã tâm sự với mình:

“Chị biết anh Đông vẫn thương chị nhiều lắm, nhưng cô có biết không, là ngay đêm đầu tiên sau khi ra tù, anh Đông đã ôm chị trong vòng tay với những lời cám ơn chị đã chu toàn bổn phận của một người vợ, đã thăm nuôi Cha, anh Cả và chồng ở trong nhà tù, nhưng chính cái giây phút anh Đông cúi xuống để đặt nụ hôn lên môi của chị, thì thằng nhỏ oan nghiệt kia, nó ở phòng bên cạnh bỗng trở mình thức giấc, và khóc. Chính tiếng khóc đó, đã khiến cho anh Đông phải buông chị ra, và ôm mặt khóc. Và chị cũng hiểu những gì đang ẩn chứa trong những dòng nước mắt của anh Đông, chị cũng khóc; và từ đó, kể cả chị nữa, cũng không thể lấy lại sự bình thường, như một người vợ trước kia, dù cả hai anh Đông và chị đều rất muốn! Đêm đêm vợ chồng chị vẫn cùng chung chăn, kề gối, nhưng không hề có được một giây phút hạnh phúc như những ngày tháng cũ, chị yêu anh, chị thông cảm nỗi lòng của anh, chị không trách anh, mà chỉ trách những người đã đẩy đất nước này rơi vào tay của Cộng sản, để rồi không phải riêng chị, mà chắc chắn đã có rất nhiều hoàn cảnh đau thương đã xảy ra như đã xảy ra đối với anh chị. Vì thế, nếu sau này, có điều gì xảy ra, thì chị mong cô hãy nói với anh Đông rằng chị yêu anh Đông suốt đời, và không hề trách chồng chị bao giờ”!

Đó là những lời nói của chị Khuê, một nhà giáo hiền lành, không biết nói nặng lời với bất cứ ai. Nhưng người viết không ngờ, đó là những lời nói sau cùng, trước khi bỗng nhiên chị Khuê bỏ nhà ra đi biệt tích!

Ngày chị Khuê ra đi, không để lại cho anh dù một dòng chữ từ biệt, anh Đông đã chết lặng, không nói được lời nào. Ngưới viết đã kể lại cho anh Đông nghe về những lời của chị Khuê đã nói với mình, nhưng rất ân hận vì không kể với anh sớm hơn! Kể từ ngày chị Khuê ra đi, anh Đông đã khóc, lúc nào anh buồn, vì thương nhớ chị Khuê, và vì anh em rất thương nhau, nên anh cũng tâm sự với người viết:

“Anh hết dạ yêu thương chị Khuê em ạ, anh không hề trách vợ mình, vì chị Khuê đã làm tròn bổn phận của một người con dâu thảo hiền, thay anh phụng dưỡng mẹ già, lại còn thăm nuôi cả ba người tù, là Cha anh, anh Cả và anh nữa; nhưng xin em hiểu cho anh, em hãy tự đặt mình vào cảnh ngộ của anh, thì em mới hiểu được tất cả, anh làm sao có thể hạnh phúc khi hình ảnh của đứa bé kia, dù nó sống, hay nó đã chết, nhưng một sự thật quá tàn nhẫn, vì nó là con của thằng Loan, “trưởng đồn công an” trước kia, nó từng là một tên gia nhân của gia đình anh. Và em đã biết rồi đó, thằng Loan nó đã từng đối xử tàn ác với nhiều người trong làng của mình, trong đó có cả em nữa mà. Anh sẽ không bao giờ lấy vợ nữa, và suốt đời này, anh vẫn chờ đợi ngày được gặp lại chị Khuê”.

Nhưng có lẽ định mệnh luôn an bài cho số phận của mỗi con người như Dale Carnegie đã nói: “Bàn tay của định mệnh chỉ viết xuống một lần trên cát, rồi biến mất, không ai có thể thay đổi được nữa”.

Nếu quả thật đúng như thế, thì những bi thương biết nói sao cho vừa! Bởi vì, từ ngày ra đi, xa chồng, nhớ con, làm sao biết được chị Khuê đã và đang sống như thế nào ?! Còn anh Đông sẽ chờ đợi chị Khuê cho đến bao giờ, hay là mãi mãi!

Ngày liều mình vượt biển, người viết cũng muốn đưa anh Đông cùng đi, nhưng anh vẫn cứ nói: “Anh còn chờ đợi chị Khuê”; rồi cho đến khi thân phụ và bào huynh của anh lên đường sang Hoa Kỳ theo diện tù “cải tạo”. Sau dó, mặc dù, đã có nhiều lời khuyên, nhưng anh vẫn không chịu ra đi đoàn tụ với gia đình trên đất Mỹ, vì anh vẫn cứ nói: “Không thể ra đi, khi không có Khuê”.

Giờ Đây, anh Đông cũng như mọi người thân của chị Khuê, không một ai biết được chị Khuê đã và đang sống hay đã chết ở một phương trời nào, còn anh Đông thì vẫn cứ mỏi mòn chờ đợi, có thể là cho hết một đời người, và cho đến khi nhắm mắt lìa đời vẫn không được nhìn thấy lại người vợ mà anh vẫn một lòng yêu thương, trọn vẹn thủy chung!

Người viết rất quý, rất thương và hiểu được cả anh Đông và chị Khuê. Nhưng nếu trên tình anh em trong gia đình, mà phải có ý kiến cho cả anh và chị, thì thật lòng, người viết không dám có một lời nào. Người ta thường nói: “gương vỡ lại lành”, nhưng người viết lại không bao giờ tin điều ấy. Chính vì thế, nên nếu chị Khuê hiện giờ còn sống ở một nơi nào đó, vẫn độc thân, thì người viết cũng không dám “khuyên” chị hãy trở về với anh Đông, vì người viết nghĩ rằng, anh Đông dù hết lòng yêu thương vợ, không trách móc vợ, nhưng nhất định không bao giờ tin rằng, hình ảnh của đứa bé oan nghiệt kia, là con của một gia nhân, và cũng là một kẻ đã từng ở bên kia chiến tuyến, thì không có một “phép lạ” nào có thể khiến cho anh Đông quên đi tất cả cho được. Vì thế, tất nhiên, dù có gặp lại nhau, thì anh Đông và chị Khuê làm sao để quên hết tất cả, để có hạnh phúc một cách trọn vẹn, mà có thể còn gây đau khổ cho cả vợ lẫn chồng!

Thế nhân thường nói: “Tình xa, tình tuyệt vọng, là tình đẹp thiên thu”. Anh Đông và chị Khuê đã một thời hạnh phúc chồng vợ gối chăn, của một thời gắn bó với phấn trắng, bảng đen, nên người viết nghĩ rằng, cả hai anh chị hãy nuôi nấng và trân quý trong tâm hồn những kỷ niệm của một thời dấu ái; còn hơn là “sum họp” trong những nỗi đau đớn của một vết thương quá sâu, quá nặng, nên không bao giờ nguyên lành trở lại!

Và, người viết đã từng nghe chị Khuê và cả anh Đông tâm sự, cả hai vợ chồng đều không trách nhau. Tuy nhiên, người viết vẫn nhớ đến câu nói của chị Khuê, nên xin chép lại một lần nữa, để xin gửi về anh Đông hiện vẫn còn sống tại quê nhà, để anh hiểu và thương thêm về tấm lòng của chị Khuê, của vợ anh, là nạn nhân của một ngày tang thương của đất nước Việt Nam Cộng Hòa: Ngày 30/4/1975:

“Đêm đêm vợ chồng chị vẫn cùng chung chăn, kề gối, nhưng không hề có được một giây phút hạnh phúc như những ngày tháng cũ, chị yêu anh, chị thông cảm nỗi lòng của anh, chị không trách anh, mà chỉ trách cho những người đã đẩy đất nước này rơi vào tay của Cộng sản, để rồi không phải riêng chị, mà chắc chắn đã có rất nhiều hoàn cảnh đau thương đã xảy ra như đã xảy ra đối với anh chị. Vì thế, nếu sau này, có điều gì xảy ra, thì chị mong cô hãy nói với anh Đông rằng, chị yêu anh Đông suốt đời, và không hề trách chồng chị bao giờ”!

Pháp quốc, 10/7/2012

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link