Wednesday, March 13, 2013

Tôi bị ám ảnh bởi Ngài Tổng bí thư!


Tôi bị ám ảnh bởi Ngài Tổng bí thư!


Hạ Đình Nguyên


Hai năm hành xử vai trò lãnh đạo tối cao của ĐCS VN, và vì Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước, nên đồng thời cũng là vai trò nguyên thủ quốc gia VN, Ngài TBT đã có những thành tích tạo ấn tượng sâu và sắc, khó phai nhạt trong nhân dân.

Thành tích của Ngài sẽ còn nhiều với những tháng năm sắp tới, nhưng hai năm vừa qua, những kết quả nổi bật, đậm nét “biện chứng” dở khóc dở cười, tạm thời có thể tóm lược sau đây: 

1/ Thành tích 1- Phát kiến:

Kết thúc ĐH XI, nhận chức TBT, Ngài đã tuyên bố sẽ có “đột phá về lý luận XHCN”! Như đàn cừu giữa sa mạc, người dân đang lùng bùng trong cơn nắng hạn của “định hướng XHCN”, khát khao một giọt nước trong của lý luận dẫn đường, nhưng sau đó, lại đành phải ních đầy một bụng nước đục!

Có người thất vọng, bởi vì đã hy vọng về cái đột phá ấy. Cái đột phá ấy đã dõng dạc vang lên, bung vỡ cả trời Tây, bằng bài diễn văn hùng hồn chất ngất hào khí tự tin, tự mãn, đọc lên ở đất nước Cu Ba năm trước. Người anh em Cu Ba liền bị choáng. Bà Tổng thống Brasil nghe thấy cũng thất kinh, không dám tiếp, vì cái tầm nhìn to lớn của Ngài. Dân tình trong nước ngơ ngác, tưởng như nghe lời mê sảng của ai!

Đó là cái sáng kiến sau nhiều “trăn trở”: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Ối trời! Thật đáng tự hào, nó mới mẻ, sáng choang như chiếc lư đồng trên bàn thờ ông bà được giao cho cậu Út đánh bóng lại, để chuẩn bị đón lễ Tết đầu năm.

Ngài còn mạnh dạn thách thức “thế lực thù địch” hoặc người khác ý kiến: chớ có coi thường mà ra mặt “hý hửng”. Những người lên tiếng đấu tranh phản đối bọn xâm lược Bắc Kinh, bị đàn áp và quy là thuộc đối tượng thù địch này, nghe từ ngữ hý hửng từ miệng Ngài phát ra, bỗng dưng thấy mình như một nhóm bụi đời ở đường phố! Xét cho cùng, chẳng có sự đột phá nào xảy ra. 

2/ Thành tích 2- chỉnh đốn Đảng:

Ngài đã đưa ra một chiến dịch quan trọng, là chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu (không rõ là chiến đấu với ai!).

Ngài chủ trì hội nghị, kết quả lớn là NQ 4 ra đời, khẳng định: Đảng (bộ phận không nhỏ) đã suy thoái, biến chất, phai nhạt lý tưởng, từ tư tưởng, chính trị, đến đạo đức, lối sống, và làm mất niềm tin của nhân dân.

Khẳng định này, nhân dân, ai cũng dễ thuộc lòng, vì họ đã cảm nhận nó bằng hơi thở trong cuộc sống hằng ngày của mình. Thậm chí, họ đã biết, biết rõ, biết lâu rồi, và biết nhiều hơn, nhưng nay người trong cuộc, đồng thời có vai vế lớn như Ngài, đã chính thức thừa nhận, xin lỗi toàn dân, toàn quân, hứa cương quyết chống tham nhũng, nên cũng có nhiều người tin tưởng, hy vọng.  Họ vui mừng, dõi theo lời hứa một cách cẩn trọng, và chờ xem. Còn gì đáng quý hơn đạo lý xử thế bình tĩnh và lễ độ như thế của nhân dân!

Nhưng chiến dịch vĩ đại này đã “giật cục” từng cơn, như chiếc xe máy nghẹt ống pô, liên tiếp diễn ra, khó lường như một trò chơi may rủi!

Ngài TBT đã nói với tập thể nông dân đòi đất và hưởng ứng chống tham nhũng rằng, chống tham nhũng phải có “biện chứng”, Ngài đã đem biện chứng ra ruộng cày, sau đó là dùi cui vung lên! Nhưng cái “nức cụt” này không dừng lại. Nó tiếp tục với những sáng kiến mới. Đó là một vũ khí mới: Tự phê bình và phê bình! Nói là mới, nhưng nghe quen quen! Có lẽ Mao Trạch Đông đã dùng đại đao này nhiều lần, và hằng vạn dân TQ bị rơi đầu trong mỗi chiến dịch.

Và chiến dịch củng cố Đảng của Ngài đã diễn ra cao trào, là một pha gay cấn, hấp dẫn với nhiều kịch tính: 15 ngày ở hội trường thiêng, cửa thành khóa chặt, nội bất xuất ngoại bất nhập, đến sóng siêu âm trong cõi trời cũng bị chận đứng (thu điện thoại di động).

Ngài múa một đường quyền dài 300 trang. Những con tham nhũng bay tứ tung, ẩn hiện khôn lường. Không chém được con nào, Ngài hạ đao. Chỉ qua một đêm một số đã biến hóa, ếch nhái hòa lẫn với ểnh ương. Có con lập tức hóa kiếp thành “đồng chí X”, đẹp đẽ, hồn nhiên, cười tươi như Thiên nữ, thân ái đứng sau lưng Ngài. Nhưng dù sao thì bọn chúng cũng một phen hết hồn. Tuy nhiên tiền hung hậu kiết, đâu sẽ vào đấy! Tham nhũng hay không tham nhũng, cũng là chúng sinh thôi, bà con ta cả đấy! Vả lại, Ngài đã chẳng từng nói lẫy một cách xác tín, rất dễ thương mà lãng nhách: Chống tiêu cực/tham nhũng “không khéo người ta lại gây ra thù oán với mình”. Đó cũng thuộc về biện chứng đấy, bà con ạ!

Chiến dịch lớn đầy nghĩa lý Củng cố Đảng, Chống tham nhũng cho đến nay, chẳng có kết thúc mà cũng chẳng có không kết thúc. Nó như vậy đó, nó như mọi người đang nhìn thấy… Nói theo kiểu ngôn ngữ kinh Bát Nhã thì là: Không có tham nhũng, mà cũng không hết có tham nhũng (Vô vô minh, diệc vô vô minh tận – And no ignorance, or ending of ignorance).

Người ta nhận thấy, chiến dịch đã không thua, cũng không thắng, mà chẳng phải huề với nhóm côn trùng X. Tóm lại: Không có gì để hiểu, mà cũng chẳng có gì để đạt (Vô trí, diệc vô đắc – And no understanding and no attaining)! 

3/ Thành tích 3 – Chuyến Tây du bù lỗ, tự hào:           

Ngài Tổng lên đường đi Tây du.

Dân ngu bàn tán, lo lắng. Ngài đi làm gì thế? Bên ấy đâu có phe mình? Lỡ họ không tiếp như dạo nọ ở Brasil thì sao? Vả, ta đã có “một nước lớn cùng chủ nghĩa xã hội bên cạnh hợp tác thì còn gì bằng!”, là đủ rồi! Còn Đấng Giáo Hoàng kia nữa, có bao nhiêu là căn cứ địa vô hình ở các xóm Đạo đã chẳng thuộc “thế lực thù địch” ngày đêm đòi đất, đòi Nhà thờ, đòi dân chủ đó sao?

Theo lý luận lâu nay, trừ vài bà con XHCN thân thiết ra,  thế giới còn lại là thuộc thế lực thù địch  ráo, nói thế cho giới bần cố nông ta dễ hiểu. Nhưng xét về lẽ “biện chứng” thì là Ngài cứ đi Tây du. Kết quả thật là vinh dự như niềm tin dự kiến. Họ có tiếp đón đấy, và tiếp đàng hoàng! Thế là vinh dự rồi còn g..ì ì..! (Viết theo cách nói kéo dài từ cuối của TBT…).

Khi về nước, dân hỏi, ý là Ngài đi làm gì thế, và được gì (ngầm ý là có phải Ngài thu xếp cho ổn cái ghế chính danh Chủ tịch Nước nay mai chăng?)? Ngài trả lời rất bí hiểm theo cách đáp xoay (trong chương trình giải trí hỏi xoáy đáp xoay trên TV): “Mình phải như thế nào người ta mới mời ch… ư.ứ…” (cách nói kéo dài…). Cũng giống phần đông con gái mới lớn, thường thiếu tự tin về nhan sắc của mình, nên phải dựa vào sự ngưỡng mộ của người khác, mới tin là mình đẹp! Cũng bình thường thôi! Nhưng dĩ nhiên, bà con chẳng ai hiểu gì cả!  “Như thế nào” là như thế nào? Còn “như thế nào” thì người ta có mời mà không tiếp? Người dân – đương nhiên là có lễ độ với cấp trên – nên không dám hỏi, chỉ biết rằng Ngài đã rất tự hào về chuyến đi, đúng vậy, phải là chuyến đi như thế nào mới được người ta mời đi ch..ư..ứ! 

4/ Thành tích 4 – Cuộc góp ý hoành tráng bất ngờ về sửa đổi Hiến pháp:

Cần mở một đột phá lớn nhằm gỡ lỗ 1-2-3.

Xét về mặt thực tế, việc sửa đổi Hiến pháp là nhu cầu cần thiết, rất khách quan!

Nhưng làm cái gì cũng phải cẩn thận. Tính cách thầy giáo của Ngài là như thế.

Cái Hiến pháp có nhiều điều lỗi thời nên đưa đến việc hành xử rất lúng túng, phải nói ngọng với dân chúng, về rất nhiều chuyện. Nhưng hai năm qua, phải nói thật là nhờ anh em Công an Cảnh sát, đã tích cực lao ra đường phố để chống đỡ, ứng phó tình hình, tuy có lúc có hành vi du côn một chút (như đạp mặt, bẻ tay, lột truồng đàn bà con gái), nhưng phải thông cảm, xoa xoa cho qua chuyện, công vất vả là của anh em! Chúng làm thay công việc của Tuyên huấn, Tuyên giáo, các Hội, Đoàn… nhiều lắm, kể cả cái Mặt…trận nữa. Mình đây, từng là chủ tịch Hội đồng lý sự Trung ương mà còn lúng túng nữa là…! Nói ra điều gì, cái bọn “người ta” cũng nhao nhao lên ném đá, ném chính xác, trúng đích như những tay súng bắn tỉa, gây ra nhiều tai tiếng. Vì thế, cũng không thể trách cái ngành Tuyên… Giáo… Huấn này được! Đứa nào bạo gan nói càng theo ý ta, thì theo dõi mà cho điểm A, thậm chí là A+, sau này sẽ lên lon.

Nhưng cái gốc vấn đề là ở đâu? Ở cái Hiến pháp! Nó lộng cộng thế nào ấy, nên luật pháp đảo điên, riết rồi ai tốt cũng thành xấu, lương thiện hóa bất lương, từ quan lớn, quan nhỏ tới thứ dân, từ sinh viên tới học trò… cũng suy thoái hết, nhất là cái đám trí thức! Phải phát động một đợt góp ý sửa đổi Hiến pháp rộng lớn trong toàn Quan, toàn Quân, toàn Dân làm thành một phong trào mạnh mẽ có tính áp đảo, qua đó gây thanh thế, lấy lòng dân, nhân dịp này củng cố thêm vai trò “Đảng lãnh đạo”, cũng là quyền lực TBT luôn.

Nhưng phải hiểu cái “biện chứng”, nó hay đi ngược lại ý muốn của mình! Mới phát động chưa bao lâu thì bọn Trí thức (theo CNXH Mao thì là bọn cục phân) nó ào ào góp ý, làm tối tăm mặt mày. Nó chẻ ra từ ngọn ngành đến nhánh nhóc, có lý lắm, ngọt xớt như dao phay chém chuối. Phải nghĩ cho ra phép “biện chứng” đưa vào đây mới xong. Ngài dùng phép phủ định của phủ định, tức là lấy lời nói sau phủ định lời nói trước. Rồi xuất chiêu, bật đèn xanh đánh cú vu hồi phủ đầu: Ra lệnh Quy tất cả bọn góp ý (không đúng ý ta) vào tội suy thoái, rồi cho thuộc hạ tìm cách quy tội để xử lý.

Ông quan Phan Trung Lý, thay mặt Ban Dự thảo sửa đổi HP của Quốc hội không phải tự ông mà dám bảo: Góp ý thoải mái, không có vùng cấm! Thế mà lại có đầy rẫy rào cấm?! Thà nói thẳng từ đầu, sẽ không mang tội nói dối, không trước sau như một! Trích nguyên văn để bà con thưởng thức:

“Vừa rồi có những luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị tư tưởng đạo đức… Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 HP không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta  [người ta chứ không phải yêu quái nhé] đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện truyền thông đại chúng đấy! Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa? Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể… thì đó là cái g.i.ì..? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lýcái này” (Ngài Nguyễn Sinh Hùng sau đó cũng đã triển khai quy rõ thêm: lợi dụng góp ý Hiến pháp để chống phá Đảng).

Bản văn ghi lại hay quá! Mọi người không khỏi kinh ngạc. Ngài đồng hóa mình với ai thế? Quả là “Suy thoái” hơn cả suy thoái, đến không còn chỗ dấu diếm! Nội dung, phong cách, ngữ điệu như ông nội nhiếc cháu, lại bóng bẩy, quá quắt như mẹ chồng mắng nàng dâu ( người ta.. .đấy…). Mới hay sự vong thân trong quyền lực làm mù mịt cả trời đất, chứ còn gì nữa?

Cả nước bất ngờ: Ơ hay! Kêu gọi góp ý sửa đổi Hiến pháp không cấm vùng, người ta góp ý đàng hoàng không vùng cấm! Ngài lại mắng người ta là suy thoái tư tưởng đạo đức, quy tội người ta là lợi dụng (?) và đòi trừng trị (xử lý), với cái giọng đay nghiến, đúng như giọng kẻ bề trên của thời phong kiến suy tàn, mạt pháp.

Nội dung Ngài nói, cái không đúng quả là “không nhỏ”. Xem ra, trong cơ chế nhà nước pháp quyền XHCN, cái vụ “quy vào – quy ra” này cũng thoải mái thật, mà chắc “xử lý”cũng không khó lắm chăng?

Nhưng, bỏ qua phong cách, chỉ xin hỏi:

 Tất cả “luồng ý kiến” nêu trên là suy thoái, thì là tại sao?                                          -           Đưa lên truyền thông đại chúng, thì sao? Không muốn mọi người dân biết ư? Sao vậy?

Xử lý là gì? Phải đối thoại như một người văn minh ở cái xứ sở đỉnh này ch..ư..ứ!

Từ ngữ “Suy thoái” bỗng nhiên mang thêm nội hàm phức tạp! Đố ai bây giờ hiểu suy thoái là gì, và ai suy thoái?

Phát biểu một cái, lập tức trắng đen, sáng tối, thay chỗ cho nhau ngay.

Thật sự, thì Ngài muốn gì?

Ngài muốn nâng cao cái uy của Đảng vốn đã thấp, nhưng lại làm nó thấp thêm! Rất chi là bất mãn!

Lại nhớ câu nói của K. Mác khi chỉ trích vua nước Phổ, rồi mắng khéo dân Phổ: “Thần dân nước Phổ xứng đáng có một vua Phổ như vậy!”. Lẽ nào ngày nay “Đảng ta” cũng thế? Xứng đáng có một Đảng trưởng như vậy a!? Chắc là không, lẽ nào…?

Nhưng đối tượng quan ngại nhất là dân, cái dân đã trãi qua 4 cuộc chiến tranh đã chết chóc nhiều, nên lì đòn. Bọn có học, số lượng là cũng “không nhỏ”, cũ mới, già trẻ đều có cả, nhất là trẻ, trưởng thành từ nhiều nguồn văn hóa khắp nơi, thứ nữa thì từ trong ruột đi ra. Họ có tri thức đông tây nam bắc, không dễ dùng chiêu “cả vú lấp miệng em”! Cái thời đại Google chấm chết tiệt này, không dấu được gì cả! Miệng dân như nước chảy, khó bụm lại được. Đau đầu nữa là trong nội bộ. Gọi là nội bộ, nhưng đâu có biết là “nội bộ” nào? Và “ngoại bộ” là đâu? Cú bóng xoáy ở Ba Đình giờ còn thấm đau!

Chống tham nhũng chưa thấy ra làm sao, mà chủ trương sửa đổi Hiến pháp trước sau bất nhất, lại tày hoày ra thế? Làm sao có thể “úm” lại cái mụt nhọt mung mủ đã vỡ? Chuyến này, không khéo “đồng chí X” lại hưởng lợi, lại cười tươi như Thiên nữ lần nữa!

Thầy Tố Hữu của Ngài nói:

“Đảng ta đây trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây xương sắt da đồng”

Toàn là sắt, là đồng. Tay và mắt nhiều thế. Bây giờ nó biến hóa khiếp. Khi chúng im lặng thì khó hiểu, khi chúng ngọt ngào lại khó lường, khi chúng cự cãi thì khó nghe. Kiểu nào cũng khó chịu. Sờ đâu cũng thấy, mà bắt không được. Hai mươi năm qua, có số lượng “không nhỏ” loại thuồng luồng núi, thuồng luồng biển, lươn đồng, nó chui vào Đảng! Bọn có “gien” cơ hội thì luôn tiết ra một loại da trơn.

Thật là đáng lo cho sự tồn vong của… mọi thứ!

Trước đây có “luồng ý kiến” đề nghị “Đồng chí X” từ chức, mà Đồng chí X  không từ chức, cũng chẳng sao! Nay tôi, người có ký tên trong cái “Kiến nghị 72”, mà bị ngài quy cho là suy thoái, giả sử đề nghị “Đồng chí T” từ chức, mà Đồng chí T có từ chức, có lẽ đất nước cũng chẳng sao, nhưng đằng nào thì Ngài cũng sẽ đi vào Lịch sử, cách này hay cách kia!

Dù sao, tôi cũng cương quyết nói với Ngài: Tổ Quốc là trước hết, là trên hết mọi thứ, kể cả Ngài và Ngài Sinh Hùng nữa! Kế Tổ quốc là đến nhân dân. Ông Mạnh Tử bên Tàu, nơi mà Ngài từng học tập thấm nhuần, có nói: “Dân vi quý, Xã tắc thứ chi, Quân vi khinh”. Ngài biết quá! Dân là quý nhất. Vì dân mà có đất nước, vì dân mà có thiết chế chính trị (xã tắc), trong thiết chế chính trị có Đảng của Ngài, do dân mà ra! Ngài là TBT của Đảng thôi, mà ví dụ (vì chưa chính danh) Ngài là Vua của nước, theo ông Mạnh Tử kia, thì Ngài thuộc vào hàng “nhẹ” nhất rồi!

Góp ý Hiến pháp là nói về cái lý của Hiến pháp là chính, Đảng chỉ là vấn đề liên quan, không phải là chủ đề chính, trừ phi Ngài muốn biến Hiến pháp của Nước thành Hiến pháp của Đảng, nếu thế, thì sang học tập cậu Kim Jung Un là chắc ăn!

Ngài nói Đảng là dân chủ, thì Đảng cứ việc tranh vai trò lãnh đạo, nhưng bằng cách thuyết phục nhân dân, chứ không bằng cách bạo lực (quy và xử lý), và dù có lãnh đạo được, thì vẫn là dưới cái Hiến pháp! Như thế không thể có Điều 4!

Hiến pháp năm 1946, tuy có vội vàng chưa kịp tổ chức phúc quyết toàn dân, vì hoàn cảnh chiến tranh, nhưng vẫn là Hiến pháp văn minh hơn, có tư tưởng đáng nể hơn, lại không có kể công Đảng (vì chưa có công lớn), thế mà nhân dân vẫn chấp nhận, tôn trọng, và tham gia, đi theo Đảng bằng cả sinh mạng mình, để giúp Đảng “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, chẳng cần tới Điều 4, chẳng có giáo điều Quân đội phải trung thành với Ngài!

Vả lại, trong Đảng có bao giờ đem ra bàn rằng, “Đảng ta” phải ngồi lên trên Hiến pháp không? Điều 4 không do triều đại của Ngài tạo ra, mà Ngài chỉ kế thừa thụ động. Nhưng về vai trò Quân đội Nhân dân, chính các Ngài là tác giả của sự sáng tạo đột phá, đảo ngược vị trí theo cách tệ hại nhất: Trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Tôi không thể đặt ảnh của Ngài lên trên cả bàn thờ Tổ quốc. Ngay cái danh xưng “Quân đội Nhân dân” đã nói lên ý nghĩa đúng đắn của nó! Lời của ông Mạnh Tử xa xưa, xét về mặt tư tưởng thì quá đúng, đúng cho đến cả thời đại ngày nay cách mấy nghìn năm sau. Còn nếu muốn “quy” đó là trò mị dân của phong kiến, thì mị kiểu này lại cũng rất dễ nghe!

Các Ngài thì không đạt cả hai. Phát biểu của Ngài bộc lộ sự hỏng hóc quá lớn về tư tưởng. Suy thoái tư tưởng ở nơi Ngài là tai họa không gì so sánh nổi. “Như thế thì là suy thoái chứ còn gì nữa?”.

Ngài thử tự nghĩ xem!

Tôi e Thành tích 4 nầy, rồi sẽ như gió sớm mai thổi đi bốn phương.

Cái đỉnh cao muôn trượng mà Ngài từng muốn thể hiện, nhìn kỹ, hóa ra là cái đụn khói, nó đang tan ra đấy, và để lại một cái hố sâu!

Tôi đang bị ám ảnh bởi Ngài TBT!

H.Đ.N.

6-3-2013

Tác giả gửi trực tiếp chho BVN

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link