Friday, May 24, 2013

Mỹ sắp bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Miến Điện ?


 

Thứ năm 23 Tháng Năm 2013

Mỹ sắp bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Miến Điện ?


Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đồng nhiệm Miến Điện Thein Sein (REUTERS)

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đồng nhiệm Miến Điện Thein Sein (REUTERS)

Trọng Nghĩa


Sau khi nghênh tiếp Tổng thống Miến Điện Thein Sein tại Washington, phải chăng Hoa Kỳ sắp mau chóng bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt Miến Điện? Câu hỏi này đã được giới quan sát nêu lên sau khi ghi nhận ba chỉ dấu được cho là đi theo chiều hướng đó : từ thái độ rất thân thiện của Tổng thống Mỹ Obama cho đến quyết định ký kết một hiệp định thương mại song phương, và đặc biệt nhất là quan điểm ủng hộ việc bãi bỏ cấm vận của một Thượng nghị sĩ đầy thế lực.

Thiện cảm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với chính quyền dân sự Miến Điện của Tổng thống Thein Sein cho đến nay không còn là một điều bí mật. Ngay từ tháng 11 năm 2011, đang dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Bali, Indonesia, ông đã cử ngay Ngoại trưởng Mỹ lúc ấy là bà Hillary Clinton qua Miến Điện để tỏ thái độ ủng hộ công cuộc cải tổ đã manh nha tại đấy.

Một năm sau, trước khi đến Phnom Penh dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á 2012, ông cũng ghé thăm Miến Điện, xác nhận lập trường ủng hộ của Hoa Kỳ với tiến trình cải tổ đã đi được những bước ngoạn muc.

Và mới đây, nhân dịp tiếp đón đồng nhiệm Miến Điện Thein Sein tại Nhà Trắng trong một chuyến công du lịch sử, Tổng thống Obama đã phá lệ, gọi Miến Điện với danh xưng chính thức mà tập đoàn quân sự đặt ra là Myanmar, chứ không dùng tên cũ Burma vẫn được sử dụng khi nói đến nước này.

Ý nghĩa biểu tượng của cách gọi này lại càng lớn khi vào hôm 21/05/2013, trong một động thái thể hiện hơn nữa sự ủng hộ của Mỹ đối với Miến Điện, hai nước này đã ký kết một Thỏa thuận khung về Đầu tư và Thương mại nhằm đẩy mạnh thương mại, đầu tư song phương.

Việc có một hiệp định thương mại và đầu tư song phương, dù chỉ là một thỏa thuận khung, được cho là tiền đề không thể thiếu trong việc bình thường hóa toàn diện bang giao giữa hai nước, mà việc bãi bỏ cấm vận đang được Mỹ áp dung trên Miến Điện là một hệ quả tất yếu.

Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, một mình hành pháp không chưa đủ. Việc bãi bỏ trừng phạt cần phải được lập pháp đồng ý, và cho đến gần đây, Quốc hội Mỹ vẫn ngần ngại không muốn bỏ phương tiện gây sức ép đó đối với chính quyền Miến Điện.

Thế nhưng, cũng hôm 21/05 vừa qua, một Thượng nghị sĩ rất có thế lực tại Hoa Kỳ, sau khi tiếp xúc với Tổng thống Thein Sein, đã công khai tuyên bố ủng hộ việc Mỹ chấm dứt cấm vận Miến Điện.
Là người đi đầu trước đây trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Miến Điện trong một thập niên qua để buộc nước này tôn trọng nhân quyền, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, cho biết là ông sẽ không ủng hộ việc triển hạn các lệnh cấm nhập khẩu từ Miến Điện.


Đối với ông, việc tiếp tục trừng phạt sẽ là một cái tát vào mặt các nhà cải cách Miến Điện và khuyến khích những người Miến Điện muốn trì hoãn hay đảo ngược tiến trình cải cách. Theo ông McConnell, ông đã suy nghĩ rất kỹ về vấn đề này, và cho rằng Hoa Kỳ sẽ không mất đi phương tiện gây áp lực trên Miến Điện.

Ngoài ra, theo ông, việc bình thường hóa bang giao với Miến Điện, sẽ cung cấp cho các công ty Mỹ một sân chơi bình đẳng với các đối thủ cạnh tranh từ Liên Hiệp Châu Âu và Úc, vốn không bị ràng buộc vì các lệnh cấm vận.

Chắc chắn là trong thời gian sắp tới đây, áp lực trên lập pháp và hành pháp Mỹ để bãi bỏ hoàn toàn chính sách cấm vận Miến Điện sẽ gia tăng, bất chấp phản đối của giới bảo vệ nhân quyền vẫn quan ngại trước tình hình hiện nay.


 

 

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 5/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link