Wednesday, December 17, 2014

Tàu không hợp tác - Ta chẳng đấu tranh


Tàu không hợp tác - Ta chẳng đấu tranh

Nguyễn Thanh Văn@S:

alt











Nội trong ngày 26 tháng 11 vừa qua, hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá ngư cụ, ngư sản nhiều lần tại khu vực biển Hoàng Sa. Những ngư dân khốn khổ Việt Nam phải lạy lục bọn cướp biển mang danh nghĩa “cơ quan thi hành pháp luật Trung Quốc“, mới được chúng tha cho mạng sống để cùng những con tàu đánh cá đầy thương tích “may mắn“ về được đến bến nhà Quảng Ngãi trong nỗi hoảng loạn cùng cực. Nói “may mắn“ là vì đã bao nhiêu lần tàu đánh cá của ngư dân ta gặp tàu Trung Quốc, người thì bị bắn giết, tàu thì bị đâm chìm ngay trên biển nhà.

Chuyện hai con tàu đánh cá của ông Đỗ Thành và Phạm Ý vừa kể chỉ là hai trường hợp mới nhất trong hàng ngàn vụ “tàu lạ đâm chìm tàu ta“ diễn ra suốt hơn 10 năm qua. Những chuyện thương tâm mà ngư dân Việt Nam phải chịu đựng trong bối cảnh như được ngư dân Đỗ Thành kể lại: Nhà nước kêu đi ra Hoàng Sa để bám biển giữ cho Nhà nước thì mình ra làm chứ có biết gì đâu! Chỗ nào Nhà nước bảo đi làm thì mình đến thôi. Đi đánh bắt thì chẳng có tàu hải quân nào bảo vệ“(1). Chắc chắn cảnh này sẽ còn tiếp diễn ngày nào đảng CSVN còn coi Bắc Kinh "vừa là thầy vừa là anh". Thái độ của lãnh đạo đảng CSVN trước việc Trung Quốc gặm nhấm dần chủ quyền biển đảo Việt Nam từ xưa đến nay đã chứng minh quá rõ điều này.

Chính vì vậy mà dân chúng bật ra nhiều câu hỏi khi thấy tại kỳ họp quốc hội vừa qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố đối sách trên biển Đông của Việt Nam là: “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh“ với Trung Quốc. Hợp tác như thế nào? Đấu tranh ra làm sao?
Về phía Trung Quốc thì những hành động thù nghịch, gây rối liên tục trên biển Đông của họ gần như đã được các cơ quan truyền thông nhiều nước đề cập đến thường xuyên, nên có lẽ không cần liệt kê chi tiết nữa. Nhưng có thể tóm gọn bằng lời nhận định của Đô Đốc Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Mỹ ở Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo tại Trung tâm Đông-Tây, Hawaii hôm 28-8 rằng: những hành động của Trung Quốc ở biển Đông là những hành vi khiêu khích, gây rối và vô trách nhiệm (2).

Về phía Việt Nam thì phải kể đến hai loại phản ứng: từ phía dân chúng và từ phía nhà cầm quyền. Đối với người dân, trước những vụ tàu ngư dân ta bị bọn giặc Tàu hiếp đáp trên vùng biển của ta đến nỗi ngư dân ta phải lạy chúng mới tha, người Việt khắp nơi không chỉ thấy đau lòng mà còn phẫn nộ. Nếu phẫn nộ về sự tàn ác và khiêu khích trắng trợn của Tàu một, thì phẫn nộ gấp mười những kẻ cầm quyền Việt Nam cực kỳ hung tợn với đồng bào mình, nhưng lại vô cùng hèn nhát với giặc. Bởi vậy câu ’’hèn với giặc, ác với dân“ đã trở thành câu nói nằm lòng của dân chúng khi nói về chế độ. Đối với dân chúng thì chế độ tại Việt Nam chỉ có được một sản phẩm tốt, đó là đoạn băng phản đối Trung Quốc của người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam. Dù đã phát đi phát lại không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn “tốt“ như lúc đầu, không sai lấy một chữ.

Còn phản ứng của nhà cầm quyền là đùn cho ngư dân tay không ra bám biển để bảo vệ chủ quyền đất nước. Quân đội dù đã được chi biết bao ngân quĩ quốc gia để sắm mua vũ khí nhưng tất cả được lệnh “không làm phức tạp thêm tình hình” nên chỉ ngồi trên bờ để quan sát và gắn thêm hàm tướng cho nhau. Ở cấp lãnh đạo thượng tầng, họ chỉ biết thay nhau ca ngợi tầm quan trọng của “tình hữu nghị Việt – Trung“. Tướng Phùng Quang Thanh đã nói như vậy tại Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng các nước ASEAN. 

Không những thế, trong khi các quốc gia đều quan tâm đến tình hình Trung Quốc gây bất ổn ở biển Đông và thương cảm Việt Nam thì tướng Thanh coi những “va chạm“ với Trung Quốc là “chuyện gia đình“ (như hàm ý Việt Nam là một phần của Trung Quốc theo đúng tinh thần Hội nghị Thành Đô). Điệp khúc ca ngợi tầm quan trọng của “tình hữu nghị Việt – Trung“ cùng “16 chữ vàng“ cũng được các giới chức cao cấp cả Việt Nam lẫn Trung Quốc lập lại sau chuyến 13 tướng lãnh Việt Nam và tướng công an Trần Đại Quang sang chầu Bắc Kinh.

Từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào mùa hè năm nay, Bắc Kinh đã chứng minh cho cả thế giới thấy họ muốn đưa giàn khoan vào lãnh hải của Việt Nam lúc nào thì đưa, muốn rút đi lúc nào thì rút, và nay đang công khai chuẩn bị đưa 9 giàn khoan mới vào biển Đông sau mùa biển động. Cùng lúc, Bắc Kinh tiếp tục ngang nhiên gia tăng việc bơm cát mở rộng, tôn tạo các đảo, các bãi ngầm mà Trung Quốc đã lấn chiếm thành những căn cứ quân sự; tiếp tục tông chìm tàu bè, hiếp đáp ngư dân Việt Nam.

Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam chỉ biết tiếp tục cho toàn đảng học tập “Mỹ mới là kẻ thù chính và lâu dài“; và tiếp tục chính sách “ba không“ về quốc phòng (3).
Rõ ràng thực tế suốt một thập niên qua cho thấy: BẮC KINH KHÔNG HỀ HỢP TÁC và HÀ NỘI CHẲNG HỀ ĐẤU TRANH.

Qui luật trên đã được ông Nguyễn Phú Trọng gián tiếp xác nhận một lần nữa trong buổi tiếp xúc với “cử tri“ Hà Nội vào ngày 6/12/2014: “Xung quanh vấn đề biển Đông có ý kiến nói là chúng ta mềm quá phải kiên quyết hơn nữa. Vậy kiên quyết hơn thì phải làm thế nào? Đây là vấn đề rất lớn và trung ương chỉ đạo chặt chẽ. Trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan thì Bộ Chính trị họp liên tục. Chúng ta phối hợp rất nhiều biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp để đấu tranh...“(4). Đây là bài học thuộc lòng bất biến được dùng trong suốt một thập niên qua, nếu dịch ra tiếng Việt chỉ có nghĩa là không có việc làm cụ thể nào cả! Hay nói cách khác, lãnh đạo đảng đã họp vô số lần nhưng không biết phải làm gì cả! Ngay cả quốc hội Việt Nam cũng không dám ra một nghị quyết nào về biển Đông, mà phải chờ quốc hội Mỹ ra nghị quyết rồi “ăn theo“.

Chính vì thế mà nhiều chuyên gia Việt Nam đã vô cùng chán nản khi góp hết tâm huyết cố thuyết phục việc kiện Trung Quốc ra trước quốc tế để bảo vệ chủ quyền, nhưng Hà Nội vẫn chỉ ngồi bất động. Hà Nội không dám kiện, nhưng lại “ăn theo“ Phillipine khi nước này kiện Trung Quốc. Hôm 5/12 vừa qua, Hà Nội chuyển đến Toà án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration – PCA) một tuyên bố chính thức về các "quyền lợi ích" của mình ở Biển Đông. Một việc mà Giáo sư Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam, gọi là “kiện cửa sau“ (5) và chỉ là “hành động tối thiểu“ mà Hà nội dám làm. Lãnh đạo đảng không dám nhắc đến cả từ "chủ quyền Việt Nam" trong công văn nói trên.

Tóm lại, “vừa hợp tác vừa đấu tranh“ của lãnh đạo đảng CSVN là như thế. Nghĩa là vẫn theo sát lời dạy của đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường trong cuộc họp báo tại Hà Nội đầu năm 2010: “Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại“(6).
Trong bài “Tháng 12 ngoài Gạc Ma“ trên trang điện tử báo Thanh Niên ngày 07/12 (7), nhà báo Mai Thanh Hải đã thuật lại, khi những người lính trên tàu HQ-011 Đinh Tiên Hoàng đến gần đảo Gạc Ma trong một chuyến công tác, nhìn thấy Trung Quốc chỉ trong vài tháng đã biến đổi bãi đá san hô ngầm mà họ đã đánh chiếm trái phép từ tay những người lính hải quân nhân dân Việt Nam, thành căn cứ quân sự của họ.

 Các chiến sĩ hải quân tàu HQ-011 “Khuôn mặt ai cũng sắt lại, uất ức, từ vị đại tá già cho đến cậu chiến sĩ mới nhập ngũ. Đây Gạc Ma - bãi đá thiêng liêng của Tổ quốc đã bị Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công, giết hại 64 cán bộ chiến sĩ công binh hải quân Lữ đoàn 83, Lữ đoàn 146 bảo vệ đảo Trường Sa, Học viện Hải quân, Đoàn đo đạc bản đồ Bộ Tham mưu hải quân, Lữ đoàn tàu 125, và bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải HQ-604, HQ-605, HQ-505 của chúng ta, trong buổi sáng 14.3.1988.“

Điều mà có lẽ nhà báo Mai Thanh Hải và các chiến sĩ trên tàu HQ-011 không biết là sự bi thương vừa kể cũng đến từ sự “hợp tác“ của Bộ Chính Trị đảng CSVN với Bắc Kinh qua lệnh “không được nổ súng“ để tự vệ và bảo vệ Gạc Ma. Trước đó nữa là “sự hợp tác“ bằng công hàm Phạm Văn Đồng; và sau đó là hội nghị Thành Đô, các hiệp định phân định biên giới trên bộ và trên biển,... Tất cả đã đặt nền tảng cho tình cảnh biển Đông ngày hôm nay.
- - -
Ghi chú
3. Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
6. Tôn Quốc Tường, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam: “Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại“ http://vnn.vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong-888092/
Thông Tin Đức Quốc - http://www.ttdq.de/node/1957

 

Thương mại Việt Nga trong bối cảnh đồng Rúp suy sụp

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-12-16
000_Par8053414.jpg
Bảng niêm yết giá ngoại tệ đối với đồng rúp của Nga bên ngoài một văn phòng giao dịch tại Moscow ngày 12 tháng 12 năm 2014.
 AFP photo
Nền kinh tế Nga đang suy yếu do việc cấm vận của phương Tây và giá dầu sụt giảm, việc này có ảnh hưởng ra sao đối với quan hệ thương mại Việt Nga, Kính Hòa phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội.
TS Lê Đăng Doanh: Việc đồng rúp giảm giá, và nhất là gần đây có hiện tượng giảm rất đột ngột, ví dụ như ngày hôm qua, trong một ngày mà giảm tới 11%. Và tính từ đầu năm đến nay, theo nhiều nguồn tin khác nhau thì đồng Rúp giảm đến 40 đến 50%, việc này ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước Nga, và cũng có ảnh hưởng nhất định đến thương mại giữa Việt Nam và nước Nga. Ví dụ như là khách du lịch Nga đến vùng Nha Trang và Mũi Né đã giảm đáng kể.
Bây giờ chắc chỉ còn khoảng 30%, việc này làm cho các khách sạn nhà hàng ở vùng đấy trước giờ chuyên môn hóa để đón khách Nga, ví dụ như là các khách sạn nhà hàng đều có bảng hiệu bằng tiếng Nga, thì nay đang gặp khó khăn lớn. Thứ hai nữa là quan hệ xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì sức mua của Nga giảm, việc thanh toán bằng đồng đô la chắc chắn gặp khó khăn. Điều này sẽ làm giảm việc xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và việc thanh toán của Nga bằng đồng ngoại tệ. Còn về lâu dài thì nếu kinh tế Nga vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì sẽ có thể ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga ở Việt Nam.
Kính Hòa: Với những ngành có hàng hóa xuất khẩu sang Nga thì ngành nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất thưa Giáo sư?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ các ngành như là dệt may, xuất khẩu hàng da giầy, xuất khẩu các sản phẩm điện tử có thể là ảnh hưởng mạnh. Trong khi đó thì xuất khẩu hàng nông sản thì Nga đang cần và hiện đang bị các nước Liên minh châu Âu cấm vận, cho nên có thể các mặt hàng nông sản vẫn được Nga nhập khẩu và có khả năng thanh toán bằng đồng đô la vì đấy là những mặt hàng nước Nga đang cần và họ không thể nào thay thế được.
Kính Hòa: Giáo sư có thể nói thêm về các dự án đầu tư của nước Nga tại Việt Nam?
TS Lê Đăng Doanh: Hiện nước Nga có nhiều cam kết trong ngành dầu khí, và ngành dầu khí của Nga vẫn đang tiếp tục thực hiện các việc đó. Nhưng nếu giá dầu giảm đến một mức độ nhất định thì các công ty Nga sẽ phải tính toán lại cái tỉ suất lợi nhuận để xem các dự án khoan dầu còn có thể có lợi hay không. Nếu không thấy có lợi nhuận thì tôi nghĩ là họ sẽ xin giảm tiến độ để chờ tình hình cải thiện khi giá dầu lên thì họ sẽ tiếp tục, chứ tôi không tin là họ sẽ bỏ những dự án đó.
Kính Hòa: Việt Nam và những doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để đối phó với các khó khăn hiện thời và những dự báo không sáng sủa của nền kinh tế Nga?
TS Lê Đăng Doanh: Bài học của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam là không nên bỏ trứng vào một giỏ. Các doanh nghiệp vùng Mũi Né và Nha Trang thì đã quá say sưa với khách Nga, chỉ hoàn toàn toàn chuyên môn hóa vào một khách hàng. Các cửa hàng, các nhà hàng có biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng Nga. Điều đó cũng không gây thiện cảm cho các du khách không phải người Nga. Nhiều người nước ngoài đến đó và nói lại với tôi là họ lấy làm không hài lòng vì đã rơi vào một thành phố Nga, rồi thì là sau 10 giờ đêm có những người Nga say sưa cầm chai rượu đi ca hát ngoài đường, cái điều đó cũng không phù hợp với một số du khách châu Âu.

Tôi nghĩ bài học là Việt Nam nên tìm cách đa dạng hóa thị trường. Hiện nền kinh tế Nga đang sút giảm thì tôi nghĩ là ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ có nhiều khả năng đa dạng hóa. Gần đây các đơn đặt hàng của ngành dệt may và da giày tăng lên mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng quá cả công suất của họ. Tôi nghĩ là ngành dệt may và da giày không có tác động gì nặng nề.
Kính Hòa: Tức là những đơn đặt hàng từ những thị trường khác chứ không phải thị trường Nga phải không Giáo sư?

TS Lê Đăng Doanh: Vâng, từ những thị trường khác. Vả lại giao thương giữa Việt Nam và Nga vẫn còn khiêm tốn so với lại Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu hay là các nước ASEAN khác.
Kính Hòa: Xin Tiến sĩ cho câu hỏi cuối là trong việc giao thương giữa Nga và Việt Nam thì cộng đồng người Việt ở Nga đóng một vai trò quan trọng, đôi khi cũng không thấy được qua các con số kinh tế thống kê. Thưa Giáo sư trong cuộc khủng hoảng hiện thời và có thể là trong tương lai nữa, thì Giáo sư đánh giá thế nào về sự ảnh hưởng lên cộng đồng người Việt ở Nga và sự đóng góp của họ trong sự giao thương giữa đôi bên?

TS Lê Đăng Doanh: Cộng đồng người Việt ở Nga thì rất là đa dạng, nhưng mà cộng đồng người Việt sống bằng kinh doanh ở vùng Mát Cơ Va thì bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì họ thường là nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang để bán, nay đồng Rúp giảm giá quá nhiều nên giá tăng rất nhanh, nhưng giá hàng trên thị trường Nga lại không tăng nhanh bằng sự mất giá của đồng Rúp. Cho nên là hiện nay họ mất khả năng thanh toán, họ chịu thua lỗ. Đã có hiện tượng kho hàng ứ đọng và hiện tượng nợ dây chuyền giữa người Việt Nam này với người Việt Nam khác, người Việt Nam nhập khẩu không thanh toán được, và người bán hàng hiện nay cũng không thanh toán được.

Tôi nghĩ là cộng đồng người Việt làm kinh tế ở Nga nên xem xét lại việc kinh doanh, phải chuyển hướng kinh doanh, và phải tìm một cái cách để mà sống sót trong cái cơn bão rất là nặng nề và cay đắng này. Tôi rất thông cảm với họ trong tình hình nước Nga hiện nay.
Kính Hòa: Xin cám ơn Tiến sĩ đã dành thời giờ cho đài Á châu tự do thực hiện cuộc phỏng vấn này.

 

Đồng rúp Nga tiếp tục trượt giá, vượt ngưỡng mới

Người dân đi qua một biển tỷ gia hối đoái ở trung tâm Moscow, 1/12/2014.
Người dân đi qua một biển tỷ gia hối đoái ở trung tâm Moscow, 1/12/2014.

16.12.2014
Giá trị đồng rúp của Nga hôm thứ Hai lại sụt xuống mức thấp mới so với đồng đôla và đồng euro, trong khi ngân hàng trung ương của Moscow dự đoán lạm phát sẽ tăng cao và nền kinh tế sẽ suy thoái.
Đồng rúp yếu đi hơn 5 phần trăm, lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 rúp đổi một đôla và 75 rúp đổi một euro. Đồng nội tệ của Nga đã giảm 19 phần trăm chỉ riêng trong tháng này, và hơn 86 phần trăm kể từ tháng 1 năm nay, mặc dù ngân hàng trung ương đã tung hàng tỉ đôla can thiệp thị trường trong một nỗ lực kiềm chế đà trượt giá của đồng rúp.

Đồng rúp mất giá trong bối cảnh giá dầu - xương sống của nền kinh tế Nga - giảm mạnh. Ngoài ra đồng rúp còn bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga vì Tổng thống Vladimir Putin can thiệp vào Ukraine ủng hộ phiến quân thân Nga đang chiến đấu với lực lượng Ukraine.
Tỷ giá đồng rúp với đồng đôla Mỹ từ tháng 10/2013-12/2014.
Tỷ giá đồng rúp với đồng đôla Mỹ từ tháng 10/2013-12/2014.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết lạm phát có thể chạm mức 11,5 phần trăm trong ba tháng đầu năm 2015 trước khi giảm bớt. Đồng thời, ngân hàng nói rằng nền kinh tế Nga có phần chắc sẽ suy thoái vào năm sau.

Ngân hàng Thế giới tuần trước dự đoán rằng nếu giá dầu trung bình là 78 đôla một thùng vào năm sau thì nền kinh tế Nga sẽ giảm 0,7 phần trăm.
Nhưng suy thoái kinh tế sâu hơn chắc chắn là điều khả dĩ, bởi giá dầu hiện đang dao động ở mức khoảng 60 đôla một thùng và vẫn đang giảm dần kể từ giữa năm. Nếu giá dầu vẫn ở mức 60 đôla, ngân hàng trung ương nói nền kinh tế của Nga có thể thu hẹp tới 4,8 phần trăm vào năm sau.

Saudi Araba và Trận Chiến với Đá Phiến Hoa Kỳ

Hùng Tâm

Trong vụ dầu thô giảm giá, đại gia Saudi mưu tính những gì?

 * Saudi lái xe goòng OPEC muốn đẩy dầu Mỹ xuống hố *


Từ ngày mùng 10 Tháng Sáu, trong sáu tháng qua giá dầu thô trên thế giới đã giảm mạnh, như trên thị trường NYMEX tại New York, từ hơn 102 Mỹ kim một thùng nay mấp mé 60, sụt 40%.

Về lý do thì kể ra rất nhiều, nhưng tóm tắt cho dễ nhớ thì chỉ vì số cung tăng mà số cầu lại giảm. Cách nay hai tháng, trên cột báo này, "Hồ Sơ Người-Việt" đã có bài giải thích chuyện đó ("Khi Dầu Thô Sụt Giá - Ngã giá chiến lược bằng dầu thô", ngày 15 Tháng 10).

Hôm Thứ Tư mùng 10 Tháng 12, giá dầu cho kỳ hạn Tháng Giêng năm tới trên thị trường NYMEX còn tuột thêm 4% và gây chấn động với chi số Dow Jones mất gần 270 điểm vì 1) cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (US Energy Information Agency hay EIA, khác International Energy Agency IEA của tổ chức OECD) cho biết tồn kho của Mỹ (dự trữ có sẵn) lại cao hơn dự đoán và 2) khi Tổ chức OPEC của 12 quốc gia xuất cảng dầu thô dự báo là số cầu của thế giới cho năm tới sẽ còn giảm.

Chúng ta đều có thể suy đoán rằng giá dầu mà giảm thì các nước hay các nhà sản xuất đều thiệt. Và ngược lại, quốc gia hay giới tiêu thụ lại có lợi. Nhưng ta nên tìm hiểu thêm rằng vào hoàn cảnh đó, các nhà cung cấp mưu tính những gì? Vì dầu thô là sản phẩm có tính chất chiến lược – thiếu là không được – từng được sử dụng như một võ khí vào các năm 1972, 1979, 2008 - sự tính toán ấy cũng trở thành chiến lược: nó bao hàm các yếu tố kinh tế (cung cầu), kinh doanh (lời lỗ) và chính trị (được thua trong quan hệ quốc tế).

Trong trận chiến dầu thô hiện nay, một đại gia xuất cảng là Liên bang Nga bị tê liệt và chịu trận, có khi lâm vào khủng hoảng kinh tế rồi chính trị. Một đại gia khác là Vương quốc Saudi Arabia thì trường vốn hơn nên lại có mưu khác. Trong cách tính đó cũng có ý đồ là làm nản chí đại gia mới nổi là Hoa Kỳ.

Hoàng gia Saudi nhắm vào các doanh nghiệp dầu khí Mỹ đang dùng kỹ thuật "fracking" để nâng số cung. Giá mà quá hạ thì các doanh nghiệp này hết lời nên bỏ cuộc chơi và trả lại vị trí thống trị cho Saudi...

Câu chuyện lý thú ấy thể hiện ra sao và có hậu quả thế nào?


Bối Cảnh Chung Của Chiến Trường


Thị trường năng lượng có nhiều sản phẩm khác nhau như dầu thô, khí đốt, than đá, nguyên tử, quang năng, phong năng, thủy điện, v.v... Có ảnh hưởng nhất vì được sử dụng nhiều nhất hiện nay vẫn là dầu và khí. Trong lãnh vực dầu khí thì dầu thô có tính chất dẫn đạo vì giá cả khí đốt được tính từ giá dầu thô.

Trên thị trường dầu thô, người ta đếm thực lực của nhà sản xuất là sức cung cấp mỗi ngày, sản lượng một ngày, hay nhật lượng. Nhật lượng ấy được tính bằng một đơn vị phổ biến – không duy nhất - đã tiêu chuẩn hóa cho các thị trường. Đó là ngàn thùng dầu, mỗi thùng có dung tích là 42 gallons của Mỹ, cho dễ nhớ thì tương đương với khoảng 160 lít. Báo chí chuyên đề thường dùng ký hiệu "bpd" – barrels per day.

Nói về cách điểm quân tính số xong thì ta bước vào bàn cờ.

Tính đến cuối năm ngoái, thế giới có năm khu vực sản xuất lớn nhất. Do tổ hợp BP tính ra theo thứ tự từ cao đến thấp thì đấy là 1) Trung Đông gồm Saudi, Kuweit, Iran, Iraq, v.v... (nhật lượng hơn 18 ngàn thùng): 2) đại lục Âu Á, từ Bắc Âu qua Liên bang Nga đến Trung Á (hơn 17 ngàn); 3) Bắc Mỹ gồm Canada, Hoa Kỳ và Mexico (gần 17 ngàn); 4) Phi Châu, từ Algérie qua Libya, Ai Cập tới các nước miền Nam (gần chín ngàn); 5) Á châu Thái bình dương, từ Tầu, Úc tới các nước Đông Nam Á kể cả Việt Nam (hơn tám ngàn); và sau cùng, 5) là Nam Mỹ (hơn bảy ngàn).

Trên đại thể thì vậy, thực tế thì ba đại gia tại ba lục địa đang dẫn đầu thế giới về sản lượng là 1) Saudi Arabia (nhật lượng 11 ngàn 525 ngàn, 11.525 ngàn thùng), 2) Liên bang Nga (nhật lượng là 10.788 ngàn thùng) và 3) Hoa Kỳ (10 ngàn thùng). Đó là tình hình của 2013. Chứ bây giờ, nhờ kỹ thuật gạn cát ra dầu, Mỹ vừa qua mặt Nga và đang đuổi kịp Saudi.

Và tình hình đó thay đổi hàng tháng khi ta đếm thùng dầu hàng ngày.


Thực Lực Cũng Là Phép Tính Trừ


Đấy là về sản lượng.

Về sức tác động thì người ta phải tính đến số xuất cảng, tức là sai biệt giữa sản xuất và tiêu thụ. Như về khía cạnh đó, dù có nhật lượng là hơn bốn ngàn thùng, Trung Quốc sản xuất không đủ cho nhu cầu nên chẳng xuất cảng một giọt mà còn qua mặt Hoa Kỳ thành quốc gia nhập cảng nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, Mỹ thường xuyên cải tiến hiệu năng tiêu thụ từ mấy chục năm qua nên mới thành đại gia có ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu. Chỉ cần bơm thêm dầu - và nhập cảng ít hơn - kinh tế Hoa Kỳ cũng mặc nhiên nâng số cung trên thế giới và ảnh hưởng đến giá cả.

Ngoài khả năng xuất cảng, có một cách nhìn khác về thực lực trên chiến trường dầu hỏa là nền kinh tế nội địa của từng quốc gia sản xuất lệ thuộc đến mức nào vào nguồn tài nguyên này? Đấy là chuyện "trời cho", đi cùng phép "nhân tạo".

Nhờ trời cho, dầu thô của Saudi Arabia có đặc tính hóa chất là "ngọt" và "nhẹ" hơn dầu thô của Nga nên tốn chưa bằng một phần ba phí tổn của Nga là có được một thùng dầu. Nhờ yếu tố nhân tạo là hợp tác với Tây phương tại một trung tâm địa dư về dầu khí, Hoàng gia Saudi cũng cải tiến kỹ thuật và có hiệu năng sản xuất cao hơn.

Một cách tính về khả năng đó là "điểm hòa vốn", bán dầu cỡ giá nào trở lên thì bắt đầu có lời? Hoặc dầu sụt giá tới đâu thì bắt đầu lỗ? Điểm hòa vốn của Nga là 102 đô la một thùng, của Saudi là 95 đồng. Bi thảm nhất là Venezuela hay Libya với "tử điểm" là 140 hay 148 đồng.

Nhưng tính như vậy vẫn chưa đủ tinh.

Vẫn biết rằng cả Saudi Arabia và Nga đều sống nhờ dầu khí - nguồn thu đáng kể cho ngân sách - nhưng hai xứ này có dự trữ ngoại tệ cao thấp khác nhau khả dĩ cầm hơi cho đến ngày dầu lại lên giá quá trăm bạc. Dự trữ của Saudi là 740 tỷ đô la, của Nga thì chỉ có vỏn vẹn 444 tỷ.

Vì vậy, trong ba đại gia Mỹ, Nga và Saudi, nước Nga coi như khó thở. Ngân sách 2014 của Tổng thống Vladimir Putin trù tính là giá dầu sẽ ở mức 117 đồng, nếu sụt tới 90 đồng là xứ này sẽ tá hỏa như đã bị đúng năm năm về trước. Hôm nay, giá dầu chập chờn ở sáu chục bạc, cho nên Putin đang ôm đầu rầu rĩ. Còn lại là Hoa Kỳ.

Nhưng Saudi không đứng một mình. Đấy là trưởng tràng của Hiệp hội OPEC quy tụ 12 quốc gia xuất cảng dầu.


OPEC Nhập Trận


Trước hội nghị thường niên của OPEC vào ngày 27 tháng trước tại Vienna, Saudi từ chối lời dụ của Nga là cùng giảm sản lượng để vì thăng bằng cung cầu mà làm dầu lên giá. Nhờ trường vốn hơn, Saudi cũng bác bỏ đề nghị đó của nhiều thành viên OPEC khác mà lại còn... đổ thêm dầu vào lửa. Họ xác nhận là sẽ bán dầu cho Mỹ rồi các nước Á Châu với giá rẻ hơn.

Vì sao họ tính ngược như vậy?

Lý luận sách vở của OPEC, một liên minh làm giá, là điều tiết sản lượng để ổn định giá dầu... trên đỉnh cao. Khi dầu lên giá quá cao thì tăng số cung để hạ giá, nếu không, kinh tế của các xứ mua dầu sẽ khốn đốn và họ nhập ít hơn thì OPEC cũng khốn khó. Đó là phép khôn ngoan của kẻ không muốn giết con gà đẻ trứng vàng. Ngược lại, khi dầu thô sụt giá thì ta phải hãm vòi bơm để nâng giá. Các thành viên khốn đốn của OPEC như Venezuela hay Nigeria đều đề nghị như vậy mà bị Saudi bác khước.

Trước đây, nhiều nước thành viên đã khôn ngoan xé rào khi OPEC giảm số cung bằng cách bơm lén và bán lậu. Saudi Arabia biết chuyện đó từ xưa mà nay lại còn tính xa hơn.

OPEC chỉ kiểm soát được gần một phần ba của số cung toàn cầu mà thôi. Nếu dầu OPEC cao giá quá thì các nước tiêu thụ sẽ tìm nguồn cung cấp khác. Như khi bị OPEC bắt bí vào thập niên 70 của thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã từng tìm như vậy khi lên đào dầu tận Alaska buốt giá hay xuống tới đáy biển của Vịnh Mễ Tây Cơ. Ngày nay, Mỹ còn tìm dầu như vậy ở ngay... trong nhà.

Chiến lược của Saudi với chiến xa OPEC là vẫn cố bán dầu cho rẻ để khỏi mất khách và duy trì được thị phần, phần thị trường, của OPEC và nhất là của mình. Nhờ có sẵn dầu và tiền, Hoàng gia Saudi có thể nín thở qua sông, và mặc cho các thành viên yếu đuối của OPEC bị chết chìm. Họ mà chết rồi, Saudi sẽ lại mở rộng thị phần và thế lực của mình.

Nhưng trong trận đánh này, Saudi còn ma mãnh hơn vậy vì nhắm vào Hoa Kỳ. Vào các doanh nghiệp đã tốn kém rất nhiều để gạn cả tấn đá phiến mới ra một thùng dầu.

Hoàng gia Saudi và các chuyên gia dầu khí của họ đều dầy dạn kinh nghiệm Tây phương về phép kinh doanh. Khi giá dầu cứ ngất ngưởng trên đỉnh trăm mốt (110 đồng một thùng) trong nhiều năm liền thì các doanh nghiệp Mỹ bèn khai triển kỹ thuật "fracking" mà họ đã biết từ lâu. Họ bơm rất mạnh một dung dịch có nước cùng hoá chất và nhiều thứ quái quỷ khác thật sâu xuống lòng đất vào các tầng đá phiến để giải phóng các phân tử nhiên liệu như dầu thô và khí đốt. Dù có tốn thì cũng đáng giá khi dầu đắt giá.

Bây giờ, trong cái đầu của các đại gia dầu khí Saudi, nếu dầu thô sụt giá quá thấp và quá lâu thì chuyện gạn cát ra dầu theo kiểu Mỹ sẽ hết phần hấp dẫn. Nhưng dù tính vậy, họ vẫn đánh giá sai đối thủ.....



OK Corral Bên Giếng Dầu


Lý do đầu tiên là các doanh nghiệp dầu khí của Mỹ đều thuộc bài địa chất học. Họ biết rõ mỗi giai tầng đá phiến ở từng nơi trong lãnh thổ và ngoài khơi của nước Mỹ. Ngoài hai trung tâm nổi danh tại North Dakota và Texas, họ còn biết về rất nhiều nơi khác.

Song song, vừa làm vừa học và cải tiến, các doanh nghiệp dầu khí của Mỹ đã triệt để làm giảm giá thành, tức là hạ thấp cái điểm hòa vốn sinh tử trong kinh doanh. Như năm ngoái, phí tổn trung bình để có một thùng dầu bằng kỹ thuật mới còn ở mức bảy chục bạc, năm nay thì chỉ còn 57 đồng. Và sẽ còn hạ nữa!

Vẫn biét rằng nhiều quốc gia khác đều có thể biết kỹ thuật gạn dầu như vậy (Âu Châu, Canada hay cả Trung Quốc), nhưng chẳng xứ nào lại có nhiều giai tầng đá phiến và kỹ thuật tiên tiến như nước Mỹ. Mà kỹ thuật đó đang được họ thường xuyên cải tiến.

Huống hồ, đây mới là chi tiết giết người: phí tổn đầu tư kiểu này thật ra lại rất thấp. Các đại gia cổ điển đều phải tính từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đô để đào ra dầu sau dăm ba năm đầu tư và xây dựng hạ tầng cho một giếng dầu bát ngát. Kỹ thuật mới là tìm ra một túi dầu trong núi đá con con "ở sau nhà", mất chừng một hai triệu để cắm xuống một dàn khoan là... tuần sau có kết quả!

Nói cho thiết thực thì với đà này, nếu dầu thô sụt tới mức ba bốn chục đồng một thùng, nhiều doanh nghiệp đào dầu theo kiểu "mỳ ăn liền" vẫn còn lãi chán. Dĩ nhiên là trong khi đó cũng có cơ sở phá sản vì cải tiến không kịp, làm các nhà báo lại than trời.

Nhìn cách khác, các doanh nghiệp Mỹ đang cạnh tranh với nhau, chứ không chỉ cạnh tranh với Saudi, để tìm dầu thật nhanh và thật rẻ. Trường cạnh tranh đó cũng là một đấu trường khốc liệt.

Và chúng ta đụng tới một quy luật khác của trận đấu toàn cầu về dầu khí.

Từ nay, mỗi khi dầu thô lên giá trên thế giới thì nước Mỹ lại bật cái lò xo để xả sức ép về giá cả. Bằng cách bơm thêm dầu ở những nơi tạm bị tắt đèn bít lỗ vì chưa có lời. Và Mỹ sẽ nâng sản lượng trong vài tuần. Đấy mới là yếu tố thật sự ổn định giá cả cho thiên hạ!

_______________________________

Kết luận ở đây là gì?

Từ bốn chục năm nay, dầu thô đã là võ khí chiến lược của nhiều quốc gia.

Việt Nam Cộng Hoà gián tiếp là nạn nhân của trận đánh kinh hoàng về dầu khí trong các năm 1972-73, mà nhiều khi dân ta không hay và chỉ biết oán chính quyền tại Saigon.

Trong trận đấu lần này, một đồng minh chiến lược của Mỹ là Saudi Arabia lại dàn trận với doanh nghiệp Mỹ trước sự im lặng của Chính quyền Mỹ. Mà có thể bị thị trường Mỹ đánh bại.

Nói cho tháng sau, sau khi đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc hội, dự án Keystone XL lập ống dẫn dầu từ Canada qua Mỹ tới Vịnh Mễ Tây Cơ sẽ được Quốc hội khóa tới thông qua. Số cung từ Bắc Mỹ sẽ tăng vọt và giá dầu còn rớt thê thảm. Hãy xem Hoàng gia Saudi tính sao....

dainamaxtribune.blogspot.de


 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link