Ngô Nhân
Dụng - Cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới?
Chủ trương hạn chế quyền tự do Tôn giáo và
các hoạt động Tôn giáo, ngày 03.12.2014
Thứ Sáu, ngày 12 tháng 12
năm 2014
Cuối tuần rồi, nhật báo Người Việt đăng bản
tin “Trung Quốc thành cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới.” Tựa đề dùng hai
chữ “cường quốc” gây ấn tượng, vì “cường” là mạnh, một sức mạnh có vẻ áp đảo
người khác, một “cường quốc” thường đo lường bằng sức mạnh quân sự. Nếu diễn tả
một cách khách quan, tựa đề bản tin trên có thể diễn tả bằng một sự kiện thuần
túy kinh tế: “Tổng sản lượng Trung Quốc lên cao nhất thế giới.”
Nhưng nói vậy rồi vẫn phải hỏi: Trung Quốc có
phải là một “cường quốc kinh tế” hay không? Câu trả lời lại khác. Vì có rất
nhiều dữ kiện cho thấy còn lâu Trung Quốc mới thực sự thành một “cường quốc
kinh tế,” theo nghĩa cường là mạnh, là mạnh lắm. Trước hết, xin coi lại các dữ
kiện.
Bản tin trên Người Việt thuật rằng Quỹ Tiền Tệ
Quốc Tế (IMF) công bố tổng sản lượng kinh tế (GDP) của Trung Quốc năm nay là
17,600 tỷ đô la, đã vượt Hoa Kỳ, với GDP 17,400 tỷ.
Nếu quý vị đọc báo cáo của IMF năm ngoái,
2013, có thể thấy GDP nước Mỹ là 16,768 ngàn tỷ đô la, của Trung Quốc là 9,469
tỷ, chỉ bằng 54%. Xin đừng ngạc nhiên. Con số cũ, 9,469 tỷ đô la này tính theo
lối “thông thường.” Vì thông thường muốn ghi GDP của Trung Quốc người ta chỉ
dựa vào số thống kê GDP của chính phủ Bắc Kinh, tính bằng đồng tiền họ, thí dụ
56,830 tỷ đồng nguyên. Ðem con số đó chia cho 6 để đổi thành đô la Mỹ, theo hối
suất khoảng 6 nguyên ăn một đô la, sẽ có con số gần 9,500 tỷ đô la.
Cách tính thông thường này gọi là “biểu kiến”
(nominal), không phản ảnh đúng mức sống của dân các nước, nhất là các nước
nghèo, nơi giá sinh hoạt thường rẻ hơn nước giầu. Cho nên các nhà kinh tế bày
ra cách tính khác, gọi là PPP (Purchasing-Power Parity), thay tỷ lệ một đô la
ăn sáu nguyên bằng một tỷ lệ khác. Tỷ lệ mới này dựa trên mãi lực tương đương
của hai đồng tiền. Thí dụ nếu một ký thịt heo ở Mỹ bán giá một đô la, mà ở bên
Tàu giá bán là bốn nguyên, thì giá trị một đô la chỉ tương đương với bốn nguyên
thôi.
Phương pháp PPP tính giá trị tương đối của hai đồng tiền theo lối như
vậy. Người ta so sánh giá cả nhiều món hàng hóa hay dịch vụ được tiêu thụ nhiều
nhất, rồi tính chung lại ra một hối suất mới phản ảnh đúng mãi lực của dân hai
nước. Với cách tính PPP, năm nay kinh tế Mỹ sản xuất ra17,400 tỷ đô la còn dân
Trung Hoa trong lục địa tạo ra được 17,600 tỷ. Nếu tính theo hối suất chính
thức thì GDP của nước Tàu năm nay vẫn còn thua Mỹ hàng ngàn tỷ.
Mỗi quốc gia tính Tổng sản lượng GDP theo cách
của mình, khác nhau chút đỉnh. Ðổi cách tính toán thì kết quả ra con số khác.
Chính phủ Bắc Kinh có một cách tính GDP, các tỉnh trong nước họ tính lối khác.
Nhiều nhà kinh tế đã ngạc nhiên khi so sánh và thấy con số GDP của cả nước
Trung Hoa lại nhỏ hơn tổng số GDP được báo cáo của các tỉnh cộng lại!
Ðiều đáng chú ý, là con số GDP không cho biết
người dân trong một nước thực sự giầu hay nghèo. GDP nước Hòa Lan năm ngoái là
854 tỷ đô la, bằng một nửa GDP Trung Quốc năm nay, hơn 17 ngàn tỷ. Nhưng số dân
Hòa Lan chưa tới 17 triệu, so với 1 tỷ và hơn 300 triệu người Tàu. Như vậy thì
dân Hòa Lan sống khá giả, hay dân Trung Quốc mới giầu có?
Lợi tức bình quân (GDP per capita), lấy GDP
chia cho số dân, phản ảnh đúng sự thật hơn. Lợi tức bình quân của dân Mỹ là
$53,000 đô1a, so với người dân lục địa Trung Hoa là $11,868, tính theo phương
pháp PPP. Nghĩa là một người Mỹ trung bình giầu gấp 5 lần người Tàu. Lợi tức
đầu người của dân Trung Hoa đứng hàng thứ 97 trong số 195 nền kinh tế được CIA
xếp hạng, thua các nước Tunisia, Thái Lan và Cuba. [Dân Mỹ chưa phải là giầu
nhất, họ vẫn nghèo hơn dân các nước như Luxembourg, Na Uy (Norway) và Thụy Sĩ
(Switzerland), chưa kể các nước nhỏ mà nhiều dầu lửa].
Chúng ta cần nhớ rằng trong lịch sử, Trung
Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới từ thế kỷ thứ hai trước Tây lịch
khi Tần Thủy Hoàng nhất thống lục quốc. Nói đúng ra, suốt lịch sử loài người,
kinh tế Trung Quốc lúc nào cũng phải lớn hơn các nước khác vì không nước nào
đông dân bằng. Cứ bình thường thì một nước 1 tỷ 300 triệu dân thì phải làm ra
nhiều của cải hơn những nước dân số chỉ có hàng trăm triệu. Nếu trong thời gian
vừa qua họ bị tụt xuống hàng thứ hai, thứ ba, chẳng qua chỉ vì chính sách kinh
tế sai lầm, đi theo chủ nghĩa Cộng Sản làm cho dân ngày càng nghèo hơn.
Một quốc gia chiếm 19% dân số thế giới (1 tỷ
367 triệu chia cho 7.21 tỷ dân toàn cầu), nếu bình thường thì phải sản xuất
được 19% GDP của cả thế giới. Nhưng hiện nay, kinh tế nước Tàu chỉ chiếm 16.5%
của thế giới mà thôi. Kinh tế Mỹ bằng 16.3% GDP thế giới, mà dân số Mỹ chỉ bằng
4.4% (319 triệu/7,200 triệu). Nếu là người Trung Hoa tôi sẽ đỏ mặt hổ thẹn khi
nghe nói nước mình là cường quốc kinh tế nhất thế giới!
Nhưng tôi là người Việt Nam cho nên tôi chỉ
thắc mắc điều này: Kinh tế nước láng giềng lớn như vậy thì về chính trị và quân
sự họ sẽ mạnh đến mức nào? Có mạnh nhất thế giới hay không?
Trong lịch sử, những nước mạnh nhất, có thể
xâm lấn, đè nén các nước khác thường bắt đầu bằng sức mạnh kinh tế. Nhưng không
nhất thiết cứ GDP lớn hơn thì mạnh hơn. Vì một “cường quốc kinh tế” chỉ biến
thành “cường quốc quân sự” khi người dân có tiền và sẵn sàng đóng thuế đủ để
tăng cường guồng máy vũ lực. Chính phủ Mỹ thu được thuế nhiều hơn, vì mỗi gia
đình Mỹ kiếm nhiều tiền. GDP Mỹ thua GDP Tàu 200 tỷ đô la, nhưng dân Mỹ góp
3.8% lợi tức cho chi phí quốc phòng, mà dân Tàu chỉ đủ sức góp 2%, thì ngân sách
quân sự của Mỹ vẫn lớn hơn Tàu (Trong năm 2013, Mỹ chi 1,747 tỷ đô la so với
640 tỷ bên Tàu).
Trong tương lai, chưa biết bao giờ dân Trung Hoa có thể đóng
thêm thuế cho chính phủ Bắc Kinh có ngân sách bằng chính phủ Washington! Vài ba
chục năm nữa cũng chưa chắc! Biết như vậy, người Việt Nam cũng bớt sợ ông láng
giềng khổng lồ phía Bắc. Vì ông ta chưa phải là “vô địch hoàn cầu,” không ai
dám ngăn cản ông đi xâm lấn nước khác. Thế giới ngày nay không dễ dãi như thời
Nguyên Thế Tổ hay Minh Thành Tổ, các ông ấy mà đánh nước mình thì cả thế giới
chẳng ai dám can. Mà ngay vào thời hai ông hoàng đế đó, dân mình đâu có chịu
thua các ông Toa Ðô, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng?
Cuối cùng, khi nói đến số thống kê GDP của
nước Tàu, chúng ta cũng phải dè dặt. Họ làm được trứng vịt giả thì cũng có thể
bịa ra nhiều thứ giả khác lắm.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng như thế nào? Họ
nói GDP đã tăng 7% hay 8%. Con số đó tính ra sao? Thí dụ, trong lúc Bắc Kinh
thông báo GDP tăng 7.4%, thì người ta cũng biết rằng trong chín tháng đầu năm
2014 số lượng điện tiêu thụ chỉ gia tăng có 3.9% thôi. Thông thường ở nước nào
cũng vậy, số lượng điện sử dụng tăng nhanh hơn nền kinh tế nói chung, cao hơn
khoảng 2%. Tại sao ở nước Tàu lại có chuyện nghịch thường như thế? Không ai trả
lời được.
Lại thêm một chuyện nữa, là cách họ tính số
lượng hàng hóa tiêu thụ trong ngành bán lẻ. Họ gồm trong đó cả số hàng còn chứa
trong kho của nhà bán lẻ. Cho nên có số thống kê nói rằng hàng tiêu thụ tăng
12% trong chín tháng đầu năm nay. Nhưng các công ty bán lẻ quốc tế, luôn công
bố minh bạch số bán, lại nói khác. Chẳng hạn công ty Walmart cho biết trong nửa
đầu năm nay số hàng bán của họ gia tăng khắp thế giới, trừ ở nước Trung Hoa.
Các công ty quốc tế khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Một công ty nghiên cứu kinh
tế quốc tế, J Capital Research, báo cáo rằng trong quý thứ hai năm 2014, thu
nhập của các công ty sản xuất hàng tiêu thụ ở Trung Quốc đã giảm bớt 6% so với
cùng thời gian năm ngoái. Tại sao?
Vì các nhà bán lẻ còn chất đầy hàng trong
kho, chưa bán được thì họ cũng chưa đặt mua thêm. Các công ty bán lẻ ghi tên
trên thị trường chứng khoán Thượng Hải (quy luật thị trường bắt buộc họ phải
công bố sổ kế toán) hiện đang tồn kho số hàng lớn phải bán 600 ngày mới hết.
Tất nhiên, các công ty sản xuất cũng tồn đọng đầy trong kho, vì dù không ai đặt
hàng họ vẫn sản xuất nếu không thì không đi vay được tiền. Mà tiền ở đâu ra?
Các ngân hàng do đảng Cộng Sản nắm trong tay theo lệnh của “lãnh đạo” lại sẵn
sàng cho vay, để “kích cầu!”
Trong mươi năm qua, Bắc Kinh tung ra hết
chương trình kích cầu này đến kế hoạch kích cầu khác. Thay vì bắt các xí nghiệp
phải cải tổ để thoát các cơn khủng hoảng, chính phủ và ngân hàng trung ương đem
tiền cứu cho qua khỏi một thời gian, chờ tới vận bế tắc mới. Hậu quả là Trung
Quốc đang mang một “quả bom nợ” lớn nhất trong lịch sử thế giới, lớn gấp ba,
tức 300% tổng sản lượng nội địa; có người tính ra lớn gấp bẩy lần. Tại sao lại
khác biệt từ gấp ba lên gấp bảy? Vì Bắc Kinh thường bỏ qua nhiều món nợ không
tính, đó là những món nợ ngoài hệ thống ngân hàng. Mà số nợ này nó như ma,
không biết lớn nhỏ bao nhiêu. Kinh tế Trung Quốc đang chứa một quả bom nợ vĩ
đại, khi nổ vỡ ra sẽ làm cả thế giới khốn đốn.
Mối lo quả bom nợ mới hiện hình ngày hôm qua,
9 tháng 12 năm 2014, trong thị trường chứng khoán Thượng Hải. Chỉ số chứng
khoán đã tụt giảm 5.4%, số tụt mạnh nhất kể từ năm 2009, năm kinh tế toàn cầu
suy thoái. Giá các cổ phần tụt xuống vì lo quả bom nợ sắp nổ, sau khi một cơ
quan nhà nước ra lệnh không được dùng một số “giấy nợ” làm vật cầm thế khi mua
cổ phiếu. Những giấy nợ đó là trái phiếu của các công ty quốc doanh và các
chính quyền địa phương, tỉnh hay thành phố.
Trong phút chốc, những người đang
có các trái phiếu đó tìm cách bỏ chạy, bán cho lẹ, trái phiếu mất giá trị. Thị
trường trái phiếu xuống trước, rồi đến thị trường các cổ phiếu. Tại sao cổ
phiếu bị ảnh hưởng? Những ngân hàng đang cho ai vay với trái phiếu dùng làm vật
thế chấp phải yêu cầu người vay thay thế, dùng thứ khác cầm thế thay vào, hoặc
là phải trả nợ. Những nhà đầu tư này phải bán các cổ phần đang giữ để có tiền
trả nợ. Bao nhiêu người muốn bán, tự dưng giá các cổ phiếu đều xuống. Ðây mới
chỉ là một tiếng chuông báo động về quả bom nợ gài ở Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình biết rằng cần phải cải tổ hệ
thống kinh tế dựa trên các ngân hàng nhà nước làm theo lệnh đảng. Nhưng cải tổ
khó lắm. Vì cả hệ thống đang chạy với những nhóm có quyền lợi dính chặt vào
cách làm ăn kiểu cũ, truyền từ thời Mao Trạch Ðông qua Ðặng Tiểu Bình. Những
người đang hưởng thụ nhờ vào hệ thống đó, bảo họ thay đổi nhanh lên làm sao
được? Càng chậm cải tổ thì khi quả bong bóng bể vỡ càng kinh hoàng hơn.
Nền
kinh tế thực đang xuống dốc, vì hiệu năng sử dụng tiền vốn bị thụt lùi. Năm
2007, nếu đầu tư một đồng trong nền kinh tế Trung Hoa thì kết quả sẽ tăng được
thêm 83 xu. Năm ngoái, 2013, đầu tư mỗi đồng chỉ đem lại hậu quả 17 xu thôi.
Năm nay, có người đoán, một đồng vốn chưa chắc đã sinh ra thêm được mười xu.
Muốn biết tương lai kinh tế Trung Quốc ra sao,
cứ nhìn vào hành vi của những người có tiền. Họ đang chạy. Có 47% dân có tiền ở
Trung Quốc đã hoặc đang làm thủ tục đi định cư ở các nước Châu Mỹ, Châu Âu và
Úc. Năm ngoái di dân Tàu lục địa chi 22 tỷ Mỹ kim mua nhà ở Mỹ. Họ tới các thành
phố California, biến cả Detroit thành “Phố Tàu.”
Người Việt Nam mình có cần lo sợ khi nghe tin
kinh tế nước Tàu cao nhất thế giới hay không? Nếu có lo thì trước hết nên lo về
kinh tế nước mình. Nên lo cảnh mình cứ càng ngày càng tụt hậu so với lân bang.
Mức sống và lợi tức bình quân của dân Việt không những đã thua một tỷ dân Trung
Hoa mà có ngày có thể thua cả 15 triệu dân Cambodia nữa! Làm thế nào thoát được
viễn ảnh hãi hùng đó? Ai cũng biết câu trả lời. Còn đảng Cộng Sản ngự trị trên
đầu dân Việt Nam thì không biết bao giờ mới thoát cảnh trì trệ!
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment