Monday, December 15, 2014

Bọ Lập bị bắt: Sự thật và nỗi buồn


Bọ Lập bị bắt: Sự thật và nỗi buồn

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-12-11
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
kinhhoa12112014.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh
nguyen-quang-lap-622.jpg
Nhà văn Blogger Nguyễn Quang Lập.
File photo

Con đò chở Sự thật

“Trước sau bọ Lập xin làm một người lái đò nhỏ chở con thuyền “Sự thật” đến với dân, chỉ vậy thôi, không có gì khác.”
Câu khẩu hiệu nhà văn Nguyễn Quang Lập lấy làm tôn chỉ cho trang blog của mình được nhiều trang đăng lại sau khi ông bị bắt.
Nhiều blogger ngạc nhiên khi nghe tin ông bị bắt, vì dường như ông Lập đã chọn một đường lối phản biện rất ôn hòa và an toàn, và hơn nữa nhân thân của ông cũng dường như cũng là một lá chắn bảo vệ cho ông, vì nói theo blogger, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì ông Nguyễn Quang Lập là con đẻ của thời đại xã hội chủ nghĩa, là một nhà văn trong dòng chủ lưu của nước Việt Nam hiện nay với tấm thẻ hội viên của hàng loạt hội văn học nghệ thuật chính thống của nhà nước.
Nhưng cũng có những người không ngạc nhiên khi nghe tin ông bị bắt. Những người này nghĩ rằng cái chuyện bị bắt đối những blogger tại Việt Nam là quá bình thường, nói như Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì họ là một trong những lớp người bị nhiều o ép nhất hiện nay vì dấn thân cho tự do ngôn luận. Blogger Kami thì cho rằng những người viết blog tinh ý, và ngay chính blogger Nguyễn Quang Lập cũng không ngạc nhiên về chuyện bắt bớ này. Nhà báo tự do Lê Diễn Đức lại viết rằng ông Lập muốn chuyên chở Sự thật cho nên chuyện ông bị bắt cũng là điều dễ hiểu:
“Nhưng cái ranh giới an toàn mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đặt ra quá mong manh truớc một mục tiêu lớn là chuyên chở sự thật đến với nhân dân, trong khi chế độ cộng sản được xây dựng trên bạo lực và dối trá. Chỉ chuyển tải sự thật thôi cũng đã đi ngược lợi ích sống còn của nó.
Cái ranh giới an toàn mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đặt ra quá mong manh truớc một mục tiêu lớn là chuyên chở sự thật đến với nhân dân, trong khi chế độ cộng sản được xây dựng trên bạo lực và dối trá.
-Lê Diễn Đức
Blogger Tưởng Năng Tiến thì viết một cách khôi hài:
“Sống ở nước CHXHCNVN  mà lại nằng nặc đòi “chở con thuyền “Sự thật” đến với dân” thì đi tù là cái chắc!”
Khi ông Lập bị bắt, các trang blog “bán-chính-thống” mang tên các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam viết rằng ông là một nhà văn không có phẩm hạnh vì đã chỉ trích Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Blogger Tuấn Khanh đáp trả:
“Người viết nặc danh ghi rằng Bọ Lập là một nhà văn không có phẩm hạnh khi dám chỉ trích tổng bí thư. Tôi thì chỉ nghĩ rằng rất nhiều các nhà văn trên toàn thế giới xã hội chủ nghĩa luôn ca ngợi các tổng bí thư, cũng không có mấy ai trong số họ giới thiệu được chút phẩm hạnh nào của mình. Bọ Lập chắc cũng không màng loại phẩm hạnh đó.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một trí thức hồi hương từ châu Âu nhận xét về người chủ trang blog Quê Choa, so sánh ông với một nhà văn khác của chế độ là ông Nguyễn Khải:
“Thái độ của ông chính là thái độ của một nhà văn chân chính, một kẻ sỹ có tinh thần trách nhiệm với xã hội mình đang sống, tuy bị tai nạn ngặt nghèo vẫn hết mình  cống hiến. Khác với Nguyễn Khải, phải chờ đợi đến cuối đời mới đi tìm cái tôi đã mất, Nguyễn Quang Lập nhìn lại chính mình, chính cái lò sản sinh ra mình ngay trong giai đoạn sung mãn nhất của cuộc đời một nhà văn.
So với nhà văn quá cố Nguyễn Khải, ông Nguyễn Quang Lập đã đến với thời đại thông tin một cách nhanh chóng, và cũng như nhiều blogger dấn thân cùng thế hệ với ông hay trẻ hơn, họ tình nguyện là người đưa thông tin và những ý tưởng khác biệt đến cho đồng bào, dù trên đầu họ lúc nào cũng lơ lửng sự đe dọa của nghị định 72 của chính phủ Việt Nam về việc cấm chia sẻ thông tin trên các trang blog cá nhân.

Nỗi sợ của người cầm quyền

Trở lại sự việc ông Lập bị bắt, câu hỏi mọi người đặt ra là tại sao là ông Lập chứ không phải hàng chục blog khác chỉ trích chính phủ và đảng cộng sản Việt Nam mạnh mẽ hơn và trực diện hơn? Hai blogger Việt Nam đang ở hải ngoại là nhà báo Đoan Trang và người tù chính trị nổi tiếng Điếu Cày viết rằng do ông Lập thu hút nhiều người đến với nhau quá nên người ta phải bắt ông, vì sự tập hợp những nhóm người nằm ngoài sự kiểm soát của đảng cộng sản vẫn là điều mà những người cộng sản sợ nhất. Blogger Kami cũng có ý kiến này:
nguyen-quang-lap-b-622.jpg
Nhà văn cũng là Blogger Nguyễn Quang Lập người điều hành Blog Quê Choa nổi tiếng.
“Ở đó một nhóm người giữ quyền lực và tự cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, với phương châm độc quyền cả về vấn đề lãnh đạo tư tưởng của mọi tầng lớp trong xã hội thì việc độc quyền, kể cả bưng bít thông tin cũng như cản trở việc tìm kiếm tìm hiểu thông tin của người dân là chuyện đương nhiên. Vì thế việc các cá nhân sử dụng blog như một phương tiện tuyên truyền thông tin, với các tin tức đa chiều là điều bị coi là nguy hiểm, vì nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Còn nhà báo Lê Diễn Đức, người có một kinh nghiệm dài lâu và phong phú sống dưới các chế độ cộng sản khác nhau thì cho rằng, cho dù ông là đứa con đẻ của chế độ, điều đó không thể bảo vệ được ông khi ông có quá nhiều người mến mộ:
“Bất kỳ một yếu tố nào mà chế độ thấy rằng có thể gây ảnh hưởng lớn lên ý thức chính trị khác luồng tuyên truyền đối với xã hội đều bị tiêu diệt. Huống hồ là ông, với hàng triệu người mến mộ! Cho dù ông là đứa con đẻ của chế độ, một cây bút tài năng, đã đóng góp không nhỏ cho nền văn hoá, nghệ thuật của đất nước.
Thời điểm mà blogger Nguyễn Quang Lập bị bắt, cũng như người đồng nghiệp cũng bị bắt trước đó một tuần là Giáo sư Hồng Lê Thọ, là lúc diễn ra ngày Quốc tế nhân quyền thế giới, cũng là dịp nhiều người tưởng nhớ đến sự kiện cách đây tròn nửa thế kỷ, những sinh viên Đại học tại California biểu tình đòi quyền tự do ngôn luận. Trong khi đó người ta lại thấy rằng có quá nhiều điều luật ở Việt Nam hạn chế quyền tự do này trong đó có điều 258 mà cơ quan công quyền đã dùng để bắt giam ông Lập và ông Thọ. Cây bút Vũ Đông Hà viết trên trang blog Dân Làm báo:
“Cho dù với ý đồ gì, trò chơi và mánh khóe nào, dưới thể chế độc tài công an trị này, bất kỳ công dân Việt Nam nào bị bắt bởi những điều luật phản động như 88, 79 và 258 đều là những con người bất khuất. Họ đã không chọn một cuộc sống thờ ơ, vô cảm theo đám đông đang tê liệt vì sợ hãi bộ máy bạo lực, mà đã đứng lên, mỗi người mỗi cách, để phục vụ xã hội theo chiều hướng tích cực nhất mà họ có thể làm được.”
Vũ Đông Hà gọi những điều luật ấy là phản động, từ mà giới chức tuyên truyền ở Việt Nam hay gán cho những người bất đồng chính kiến.
Nhiều trang blog đã đưa ra lời kêu gọi trả tự do cho ông Lập, và những lời kêu gọi này vang đến cả thành phố Prague xa xôi và lạnh giá khi sáu người Việt lẻ loi ở đó lên tiếng trong đêm kỷ niệm ngày quốc tế nhân quyền.
Một thời gian chỉ vài ngày sau khi ông Lập bị bắt thì trang mạng của Bộ Công An đưa tin vỏn vẹn hai dòng là ông đã nhận tội! Các blogger hỏi nhau rằng ông nhận tội gì? Và phải chăng đây là cách mà nhà cầm quyền dọn đường sẳn cho việc thả tự do cho ông? Bán tín bán nghi, nhưng các blogger lại có chung một điều xác tín với nhau là họ không tin ở ba từ Đã nhận Tội đó, vì nó đã được lập đi lập lại liên tục qua các vụ án chính trị trong hơn mười năm qua. Facebooker Caubay Them viết:
“Nay báo công an thành Hồ Chí Minh đưa tin ông Lập nhận tội, xin khoan hồng. Tôi chả biết có thật không vì không biết về cá nhân ông Lập nhiều. Nhưng, như bất kỳ người tù nào của CS, khi ra khỏi tù đều có lý do là nhờ đã "thành khẩn nhận tội, xin cách mạng khoan hồng" cả.”

Nỗi sợ của xã hội

Người ta không biết là vụ bắt ông Lập sẽ đi đến đâu nhưng nhiều blogger cho rằng những người bắt ông sẽ không được lợi lộc gì cả, nhà báo Lê Diễn Đức viết:
Nó có thể đem lại những hậu quả ngược lại với những gì nhà cầm quyền mong mỏi. Nó làm tắt lịm những tiếng nói chân thật của những công dân tốt.
-GS Nguyễn Đăng Hưng
“Bắt ông, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thể hiện sự hung hăng, rối trí, hèn nhát và bạc bẽo.
Một blogger người nước ngoài là Giáo sư Jonathan London viết:
“Tôi không bao giờ gặp ông ấy và không rõ anh bị bắt vì sao. Nhưng, nhìn một cách khách quan tôi có ý như thế này: Nếu mục tiêu là một Việt Nam dân chủ thì bắt những người như ông rất khó có thể mang lại những nguyên vọng dân chủ ấy.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì nêu lên cả những hậu quả không tốt cho xã hội, không tốt cho cả mối quan hệ giữa xã hội và những người đang điều hành nó hiện nay:
“Nó có thể đem lại những hậu quả ngược lại với những gì nhà cầm quyền mong mỏi. Nó làm tắt lịm những tiếng nói chân thật của những công dân tốt, của những trí thức tâm huyết với hướng đi lên của dân tộc. Nó tạo điều kiện cho sự bất cập, trầm trọng hoá những mâu thuẫn, ngăn cản sự đồng thuận xã hội, đẩy lùi những giải pháp ôn hoà có lợi cho sự phát triền hài hoà của xã hội theo hướng tích cực.
Và ông buồn bã cho rằng ông thấy cuộc sống của ông ở Việt Nam đang có gì bất ổn. Câu nói này còn hơn cả một nỗi buồn vì người ta biết rằng Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng vốn là một nhà khoa học thành công ở châu Âu, đã về Việt Nam sống và làm việc với nhiều hoài bão.
Trái bóng có vẻ như đang nằm ở sân của những nhà cầm quyền Việt Nam, trái bóng 258.
Cùng lúc với việc đàn áp các blogger Việt Nam thì cuộc đấu tranh của sinh viên Hồng kong cũng kết thúc một cách thất bại. Facebooker Trần Minh Khôi trích lời một trong những thủ lĩnh của phong trào biểu tình đòi dân chủ là luật sư Benny Tai:
“Một chính quyền thô bạo như thế thì không nên hy vọng vào việc nói chuyện phải quấy với nó. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm được là cứ sống như mình muốn và chấp nhận nhũng nhiễu, tù tội từ con thú quyền lực vô tri. Có điều này: không nên can dự vào những đoán định về chuyện tranh chấp quyền lực của đám ma cô. Điều này vô nghĩa.
Khi Nguyễn Quang Lập chọn cho mình đường lối ôn hòa nhất, nhiều bạn bè của ông nhận xét rằng, ông rất mong muốn sự cải cách từ phía những người cầm quyền, tức là ông không muốn điều mà người luật sư Hong Kong phát biểu. Tuy nhiên dường như ông cũng định lượng trước điều ấy cho bản thân mình.
Xin mượn một câu Kiều mà ông Nguyễn Quang Lập viết trên đầu trang blog của mình để kết thúc:
“Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link