“Chuyện tử tế” ngày nay
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-01-24
2015-01-24
- In
trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của Bạn
- Email
Đạo diễn Trần Văn Thủy.
Courtesy apl.edu.vn
Nhiều vấn đề bức bối
Trong những năm vừa qua nhân sĩ trí thức Việt Nam đã lên tiếng lo ngại
cho việc xuống cấp đạo đức, văn hóa suy đồi nghiêm trọng trong xã hội Việt Nam.
Những chuyện đáng buồn từ trường học cho tới mặt bằng xã hội từ chính quyền cho
tới hệ thống truyền thông, giải trí đâu đâu cũng xảy ra những vấn đề bức bối
không thể chấp nhận.
Mời
quý vị theo dõi cuộc mạn đàm giữa Mặc Lâm và đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả
cuốn phim “Chuyện tử tế” phát hành từ hơn 30 năm trước nhưng nay nhìn lại vẫn
thấy như cuốn phim nói về cuộc sống hôm nay. Trước tiên đạo diễn Trần Văn Thủy
nhận xét:
Trần Văn Thủy: Tôi thấy có lẽ vào thời điểm hiện tại những bi kịch của xã hội,
những chuyện trên báo đài và trong các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra
các mặt trái của xã hội, tệ nạn, những chuyện hiếp đáp nhau và những chuyện đau
lòng nhiều quá.
Theo sự hiểu biết trải nghiệm cũng như cái ám ảnh của tôi thì một
đất nước có trở nên hấp dẫn hay không, có hạnh phúc hay không cái quan trọng nhất
là mối quan hệ giữa người với người, cái tình người.
-Đạo diễn Trần Văn Thủy
Đúng là thời điểm hiện tại thì tự nhiên nó rộ lên đề cao sự tử tế.
Truyền hình thì có chương trình “Việc tử tế” và gần đây thì người ta nhắc nhiều
lắm kể cả những tổ chức xã hội dân sự có quan tâm họ mời tôi đến để chiếu phim,
nói chuyện, mạn đàm. Không phải ngẫu nhiên mà bây giờ lại quan tâm đến chuyện
tử tế, coi như một đề tài nóng bởi vậy cho nên vừa rồi theo lời mời của một số
diễn đàn thì tôi có trao đổi tham luận và có một số suy nghĩ như thế này:
Nếu mà nói về sự tử tế thì nó là vấn đề của nhân loại, nó lớn lắm
và nếu nói vể sự tử tế tận cùng tới cái góc khuất của đời sống thì nó cũng sẽ
đụng tới vấn đề chính trị. Đấy là qua cái trải nghiệm của tôi mà nhất là Việt
Nam khi bàn vể chuyện tử tế, bàn về nếp sống văn hóa, sự ứng xử văn hóa thì
thực ra nó không phải là vấn đề nhỏ.
Theo sự hiểu biết trải nghiệm cũng như cái ám ảnh của tôi thì một
đất nước có trở nên hấp dẫn hay không, có hạnh phúc hay không cái quan trọng
nhất là mối quan hệ giữa người với người, cái tình người. Tôi nghĩ chưa chắc
một đất nước giàu nhất to nhất hay đông dân nhất hay đánh nhau giỏi nhất…mà ở
xứ sở nào có tình người tốt đẹp thì người ta tìm thấy hạnh phúc và người ta coi
là nơi đáng sống nhất.
Mặc Lâm: Trong lúc xã hội bàn cãi một cách rộng rãi về chuyện
tử tế thì truyền thông có nhắc lại cuốn phim cùng tên của ông đã làm hơn 30 năm
trước hay không?
Trần Văn Thủy: Gần đây người ta bàn rộ lên chuyện tử tế thì tôi đôi khi trở thành
mục tiêu cho người ta đàm tiếu. Thường thường người ta đặt ra cho tôi câu hỏi:
Tôi hỏi ông cái xã hội bây giờ so với hơn 30 năm trước khi ông làm “Chuyện tử
tế” thì bây giờ nó tốt lên hay xấu đi? Tôi cũng thẳng thắn mà thưa rằng 30 năm
trước đây tuy nghèo thật, khó khăn đời sống vất vả hơn nhưng tình người, cách
đối xử giữa con người với nhau nó tốt hơn bây giờ. Bây giờ đời sống đi lên
nhưng về mặt tình người, về mặt đạo đức, ứng xử thì nó tệ hơn ngày xưa. Rõ ràng
bây giờ trộm cắp hơn, tệ nạn hơn, tham nhũng hơn, nhiều chuyện bất nhẫn hơn.
Đấy là một nghịch lý.
Một cảnh trong phim Chuyện Tử Tế. Screen capture.
Có lẽ tôi là người khởi xướng cái đề tài này cách đây 30 năm mà
tôi phải xin thưa với quý thính giả rằng thời tôi làm bộ phim có tên là “Chuyện
tử tế” thì mọi người nhìn tôi bằng con mắt ít thiện cảm và cũng ít sự chia sẻ.
Những người có trách nhiệm trong chính quyền về phương diện điện ảnh gây khó
khăn cho tôi rất nhiều. Mà bộ phim cho tới giờ phút này cũng không nhận được
một vinh danh, một đánh giá nào chính thức của các Liên hoan phim hay các hội
đoàn về điện ảnh.
Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất là giữa người với người. Sự ứng
xử, lòng tốt, sự tử tế…thậm chí tôi viết trong lời mở đầu của cuốn phim có một
đoạn nguyên văn mà tôi còn thuộc lòng như thế này:
“Từ rất xa xưa cha bác có dạy rằng tử tế vốn có trong mỗi con
người, mỗi nhà, mỗi giòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bĩ đánh thức sự tử tế đặt nó
lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia bởi thiếu nó, một cộng đồng dù
có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều
vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người,
người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền
hành giỏi giang hoặc siêu phàm.
Tương tác giữa văn hóa
và sự tử tế
Mặc Lâm: Thưa
ông xét trên bình diện xã hội thì sự tử tế có liên quan mật thiết thế nào đối
với văn hóa, nhất là trong thể giới văn minh ngày nay sự tử tế được xem như là
khởi điểm của ứng xử trong cộng đồng?
Trần Văn Thủy: Cái chìa khóa cho xã hội đi lên là vấn đề văn hóa. Tất nhiên giữa
văn hóa và sự tử tế nó có sự tương tác. Một người tử tế thì không thể nào thiếu
văn hóa được. Tủ tế là đỉnh điểm của văn hóa. Trong bản thân người được gọi là
có văn hóa không thể nào thiếu sự tử tế được. Đây là một đề tài lớn lắm anh Mặc
Lâm ạ, đề tài của nhân loại, tuyệt đối không phải là đề tài nhỏ.
Cái chìa khóa cho xã hội đi lên là vấn đề văn hóa. Tất nhiên giữa
văn hóa và sự tử tế nó có sự tương tác. Một người tử tế thì không thể nào thiếu
văn hóa được. Tủ tế là đỉnh điểm của văn hóa.
-Đạo diễn Trần Văn Thủy
Thế nhưng ở Việt nam đã lâu rồi ai nói cái gì cứng một tí, lệch lề
phải lể trái một tí thì “Ối giời ôi chuyện chính trị” hoặc là “không nói chuyện
chính trị” hay “không thích chuyện chính trị”. Khổ, chính trị nó có tội vạ gì
đâu? Xã hội Việt Nam bây giờ nếu mà luận bàn sơ sơ hay nói chuyện phiếm lề
đường quán nước thì không sao nhưng bất kỳ một để tài gì mà nói đến sự tận cùng
của nó thì đều đụng đến cái gọi là chính trị.
Mặc Lâm: Thưa
có lẽ vì vậy mà chính quyền đang kêu gọi thực hiện theo nghị quyết vực dậy đạo
đức nơi công sở cũng như thực hiện đời sống văn hóa mọi nơi…đem chính trị hướng
dẫn văn hóa đôi khi cũng thuyết phục người dân phải không ạ?
Trần Văn Thủy: Tôi nói thì nó hơi ngược tí anh Mặc Lâm ạ. Ở Việt Nam đã từ lâu
rồi người ta quan niệm rằng văn hóa là một phạm trù của chính trị. Một phạm trù
nhỏ bé trong chính trị và chính trị phải lãnh đạo văn hóa, điều đó xã hội Việt
Nam xem là mặc nhiên từ lâu rồi nó là như thế. Có lúc tôi đã nghĩ như thế này:
hình như không hoàn toàn là như thế mà hình như chính trị là một phạm trù của
văn hóa. Nếu như một nền chính trị mà không mang màu sắc văn hóa, không mang
tinh thần nhân văn, nhân đạo, tiên tiến thì không thể nào có một cái thứ chính
trị chân chính được.
Nếu cứ quan niệm đặt chính trị lên trên, rồi thì văn hóa phải đi
theo chính trị thì một đất nước có một nền văn hóa tốt sẽ không thể nào có một
nền chính trị dở được và cũng không thể sản sinh ra chính trị gia tồi được cho
nên cái văn hóa nó phải bao trùm lên. Tôi nghĩ rằng nó bao trùm lên mọi mặt của
đời sống xã hội chứ không riêng những phạm trù nào đâu. Phải nói rằng đến bây
giờ chúng ta ý thức được điều đấy thì cũng là may mắn nhưng cũng quá muộn.
Mặc Lâm: Ông
có vẻ bi quan nhưng tôi vừa đọc một bản tin nói về người dân Sài Gòn kéo một
tên trộm dưới sông lên và thấy anh ta lạnh quá có người cởi áo ra cho anh ta
nữa. Đây là một sự tử tế tuy ít nhưng vẫn xảy ra phải không?
Trần Văn Thủy: Anh gợi ra cái chuyện một số bà con đã lấy áo cho người ăn trộm
thì nó là cái chuyện quý mà nó không phải là ít đâu những người tốt trong xã
hội còn nhiều nếu không có chắc chúng ta không sống nỗi. Tôi xin thưa cũng
trong bộ phim vừa nhắc đến là bộ phim “Chuyện tử tế” cách đây hơn 30 năm có một
đoạn nguyên xi cái hình và lời của nó như thế này; “Xung quanh chúng ta có
nhiều người tử tế lắm chứ! Những người tử tế chính là những người bất hạnh,
nghèo khó. Họ chính là những người khát khao sự tử tế hơn ai cả.
Tôi vẫn tin đời sống còn rất nhiều người tử tế nhưng tôi muốn nhấn
mạnh đến vai trò của người trí thức, vai trò của thông tin đại chúng, vai trò
báo chí phát thanh truyền hình và đặc biệt là vai trò của người cầm quyền. Tôi
nghĩ trong một đất nước, trong một gia đình, vai trò của người cầm quyền rất là
quan trọng nếu anh không gương mẫu thì xã hội không thể tốt đẹp lên được.
Nhưng bây giờ nhìn vào những người cầm quyền thì đâu có nhiều
gương tốt? Phần lớn những người tốt thì tiếng nói của họ đâu phải là tất cả và nhiều
khi nổi lên những chuyện băng đảng rồi chạy quyền chạy chức, rồi tham nhũng. Để
làm sao xã hội nó tốt lên được, để làm sao xã hội mà văn hóa và sự tử tế nó có
đất tồn tại, thì có lẽ người cầm quyền chịu trách nhiệm rất là quan trọng. Bên
cạnh sự khích lệ sự tử tế có lẽ phải bàn đến việc tạo ra một môi trường để con
người ta có thể sống tử tế được. Nếu không có môi trường để con người ta sống
tử tế, người ta đói rách quá người ta bần hàn quá, bất công ngạt thở quá thì
làm sao người ta sống tử tế được mà cái này thì tôi nghĩ trách nhiệm của người
cầm quyền.
Mặc Lâm: Như ông nói thì hình như vai trò của người dân
trong xã hội không mấy quan trọng trong việc ứng xử với nhau một cách tử tế. Dù
sao thì trong mỗi cá thể phải tự chịu trách nhiệm trong cách ứng xử của mình
thưa ông?
Trần Văn Thủy: Tôi thấy anh Mặc Lâm hôm nay lại nhắc nhiều đến trách nhiệm và
hiện trạng của người bình thường. Vâng, tôi rất chia sẻ và tán thành với anh
bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với vần đề thịnh suy, tốt xấu của
xả hội. Tôi là người có chính kiến và tôi nghĩ đầu tiên phải là người câm
quyền. Thượng bất chính, hạ tất loạn.
Thưa anh nếu như dân chúng, trí thức và những người có lòng không được
tự do trình bày cái ý kiến của mình tức là lại đụng đến vấn đề lớn là vấn dề tự
do ngôn luận ở Việt Nam, thì không có cách nào xây dựng một xã hội có văn hóa
và có sự tử tế được đâu. Nếu bây giờ chỉ nói theo lề phải, chỉ nói theo văn
bản, chỉ nói theo đường lối chính sách tại vì cuộc sống nó muôn màu muôn vẻ và
nó đa dạng. Có lẽ để kết thúc buổi mạn đàm ngày hôm nay anh cho phép tôi được
nhắc lại cái câu mà tôi cho rằng cũng đáng lưu tâm.
Vừa rồi có một buổi giao lưu ra mắt cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo”
của sử gia Larry Berman ông ấy viết về điệp viên Phạm Xuân Ẩn ra mắt ở số 3
Phạm Ngũ Lão. Họ cũng biết tôi là người tham gia chiến tranh có mặt ở chiến
trường cũng có rất nhiều quan tâm đến thời chiến, có một nhà báo bảo ông Trần
Văn Thủy phát biểu đi, thế là tôi lên phát biểu. Cái đoạn cuối cùng tôi có nói
như thế này: “Thượng đế sinh ra cho chúng ta mỗi người một cái mồm. Cái mồm có
bổn phận phải nói những điều chúng ta nghĩ. Không có lý do gì cái mồm do Thượng
đế sinh ra mà chúng ta lại nói những điều người khác muốn”.
Cho nên tôi cho
rằng tôn trọng tự do ngôn luận là điều tối thượng để xây dựng một xã hội tốt đẹp
hơn, tử tế hơn, văn hóa hơn.
Mặc Lâm: Xin
cám ơn đạo diễn Trần Văn Thủy.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment