Wednesday, January 28, 2015

Hành động là định danh con người


Hành động là định danh con người

Tô Văn Trường

Đánh giá con người là khó nhất trong mọi sự đánh giá. Ở Việt Nam, ai, cái gì tốt cỡ nào, lúc nào là mừng đến đó. Do đó, khi viết đề cao hay khen ai cũng phải tỉnh táo, coi chừng chừa đường rút, bởi thế người xưa có câu “70 tuổi chưa gọi là lành”! 

Nay có lẽ tuổi lành phải nâng lên cao hơn nữa vì hành động là định danh con người, không phân biệt tuổi tác.

Lành ở đây, hiểu theo nghĩa đen đó là sức khỏe và nghĩa bóng là danh giá (uy tín). Dân gian thường chỉ nghĩa đen, quan trường và tầng lớp tinh hoa thì nằm ở nghĩa bóng. Đó là kinh nghiệm cuộc sống phải tích lũy cả một người, không hiếm trường hợp đến lúc “ngộ ra” thì đã là quá muộn. Tại sao vậy? Đó chính là cái nền văn hóa “tiểu nông” lệ thuộc chưa qua và cái văn hóa mới chưa có tên gọi, và do đó, cũng chưa định hình ở một thể chế chưa hoàn chỉnh.

Công luận đang xôn xao về chuyện ông Thứ trưởng  Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường nhắn tin với bà H.T.D.H. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư TH xung quanh câu chuyện bút phê vào đơn xin tham gia gói thầu RAI/CP1 thuộc Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam VRAMP và việc bà H đòi lại  số tiền 7 lần đưa cho ông thứ trưởng. (Riêng 4 lần đưa là 200 triệu đồng và 10 ngàn đô la). Tin nhắn qua lại giữa hai bên được lưu rõ làm tang chứng đưa lên mặt báo chính thống của nhà nước không thể chối cãi về quan hệ mật thiết giữa hai bên.

Bộ trưởng Đinh La Thăng gần đây được nhiều người khen ngợi, nổi tiếng là mạnh tay “trảm tướng” đã cho thanh tra đột xuất quy trình đấu thầu của dự án nói trên, nhưng thật khó hiểu lại cho rằng  tin nhắn đó là chuyện cá nhân với cá nhân, Thứ trưởng Hồng Trường đã báo cáo không có chuyện đó, cho nên Bộ không có ý kiến(!?).

Về lý, những nội dung trao đổi đó chỉ có thể được công khai khi chính người nhắn tin muốn vậy hoặc họ bị cơ quan pháp luật điều tra rồi công bố theo thẩm quyền. Đây là quy định của Luật. Lâu nay, ông Thăng mới chỉ “xử trảm” thuộc hạ cấp thấp, nhưng Thứ trưởng là người giúp việc thân cận của Bộ trường, xử lý không đơn giản, mặc dù đã bốc mùi hối lộ chạy dự án rồi.

Không thể coi đây là chuyện cá nhân, bình thường vì nội dung việc nhắn tin liên quan đến bút phê, đấu thầu, đầu tư công và tiền bạc, mà trách nhiệm của Bộ trưởng, việc đầu tiên phải đề nghị bên Tư pháp và Công an yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ nhắn tin, xác định rõ chủ các số máy đó. Các cơ quan chống tham nhũng cũng có thể vào cuộc được ngay.

Nếu chỉ cho đó là chuyện cá nhân sẽ là sự lấp liếm vụng về. Thực ra chuyện này (tham nhũng trong đầu tư công, đặc biệt các công trình giao thông) lâu nay đâu có lạ gì, đặc biệt là việc sử dụng nguồn vốn ODA. Chẳng qua, thỉnh thoảng có một vài “sự cố kỹ thuật”, khi mặt na rơi, bàn dân thiên hạ mới nhìn rõ “chân dung” của các “đồng chí bị lộ” mà thôi.

Về bút phê không phải là quyết định mà là chuyển thông tin thì ai cũng biết các quan chức của ta thừa tinh vi để biết cách bút phê thế nào thì cấp dưới phải phục tùng. Trước đây, từng có câu chuyện hài hước về thỏa thuận ngầm của một lãnh đạo và cấp dưới là chữ ký ngoáy lên thì thực hiện, chữ ký ngoáy xuống thì không làm. 

Chuyện bút phê và công khai  đòi lại tiền “chạy dự án” của nữ doanh nhân nói trên chắc chắn sẽ vi phạm quy định a,b, c nào đấy trong rừng luật của nhà nước ta. Ở đây cần cơ quan Thanh tra Nhà nước và Ban Chống tham nhũng vào cuộc vì để cho Thanh tra Bộ Giao thông tự điều tra lãnh đạo Bộ chẳng khác gì đấm vào bị bông!

Trong đời sống xã hội, không thiếu những trường hợp bỏ công sức, thời gian giúp người được trả ơn tự nguyện theo kiểu “lễ nghĩa” (khác hẳn với kiểu vòi  vĩnh, ép buộc “bôi trơn”, giao kèo về trích phần trăm chạy dự án).  Một số vị có thẩm quyền ở nơi này, nơi kia  nổi tiếng không phải là vì chuyên môn giỏi mà là tai tiếng, ăn chặn cho nên được người đời chốt cho danh hiệu “ông phần trăm”!

Bằng chứng trên tin nhắn, mà cả ông Nguyễn Hồng Trường và bà chủ doanh nghiệp đều khó thoát khỏi tội danh đưa và nhận hối lộ. 

Một cán bộ điều tra không cần nghiệp vụ giỏi cũng có thể dễ dàng phanh phui ra vụ này. Thường thì có lẽ họ không sơ hở như vậy nhưng theo nội dung thì đó như là một vụ phạm “luật rừng” (nhận tiền hối lộ, nhưng làm không được, không trả hoặc dây dưa không chịu trả). Phải chăng để dằn mặt người chơi phạm “luật” nên bên kia đã lật bài tung ra dư luận hoặc do  “trục trặc kỹ thuật” nào đó mà thông tin bị lộ ra ngoài.

Câu chuyện này, càng cho thấy lỗi hệ thống của đất nước ta nó nặng nề như thế nào. Dân trí ngày nay đã khác xưa nhiều, người dân thừa hiểu nội tình của câu chuyện nói trên. Đúng là một bàn tay khó che cả mặt trời. Họ có thể rất giỏi che đậy nhưng lại sơ hở những chỗ không thể ngờ tới. Ngay cả những kẻ gian manh nhất đôi khi lại mắc những sai lầm sơ đẳng nhất. Khi trái tim đen tối thì cái đầu không thể lúc nào cũng sáng suốt được.

Hành động là định danh con người. Không thể dân thì xử theo luật còn quan thì xử theo lệ để bao che cho nhau. Xin mượn lời bình luận rất sòng phẳng của nhà báo Kỳ Duyên để kết luận cho bài viết này: “Những tin nhắn hoặc một cuộc nhậu nâng lên đặt xuống, lại có khi có đủ sức mạnh để ưu tiên đó Bộ Giao thông vận tải ạ. Dù các vị ra sức khẳng định để phủ nhận cũng để làm che khuất đi cái vụ việc nhục nhã của ông Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường.

            Nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng là chính nhân quân tử cũng nên sòng phẳng, thẳng thắn, giải quyết vụ việc này tích cực hệt như những lần ông nhận tin nhắn của người dân. Chả lẽ tin  nhắn  của một quan chức cao cấp với một nữ doanh nhân lại không đủ sức mạnh bằng tin nhắn của những người  dân gửi tới ông sao? Chả lẽ lại nhất bên trọng (người dân), nhất bên khinh (quan chức) như vậy? Điều đó là không sòng phẳng!”. 
T.V.T
Tác giả gửi BVN
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link