Từ Mao đến Khổng,
những tượng đài ''giấc mơ Trung Hoa'' của Tập Cận Bình
Bức tượng Khổng Tử tại khu nghỉ dưỡng ven biển
của ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc - DR
Đôi tay vươn lên như bức tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro,
tượng Khổng Tử khổng lồ tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển của ban lãnh đạo cộng
sản Trung Quốc đối diện với một tháp đá còn bề thế hơn, dựng lên « giấc mơ Trung Hoa »của
Tập Cận Bình.
Cả hai công trình được mạ vàng lấp lánh là ngôi sao của khu công
viên văn hóa được một tướng về hưu, ông Vương Điện Minh (Wang Dianming) đầu tư
đến 8 triệu đô la. Theo ông, gia tài mình có được là do thu nhập từ một liên
hiệp các công ty trong ngành du lịch và giáo dục.
Là đảng viên cộng sản, ông Vương muốn nhấn mạnh dự án của ông
được khai sinh mà không có sự bật đèn xanh của chế độ, dù nó minh họa cho sự
trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, tuân theo truyền thống như quan điểm của Tập
Cận Bình.
Khổng giáo, ý thức hệ chính thức của nước Trung Hoa phong kiến
thời xưa, là một hệ thống đạo đức và triết lý đặc biệt đề cao sự tuân phục
thượng cấp và vâng lời lớp người đi trước.
Sau khi những người cộng sản lên nắm quyền năm 1949, đạo Khổng
là mục tiêu bị đả kích dữ dội trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976) do
Mao Trạch Đông khởi xướng. Nhưng Tập Cận Bình không cho điều này là quan trọng,
ông ta thường trích dẫn những lời nói của nhà hiền triết mà ông đã khôi phục
danh dự, trong khi vẫn vinh danh Mao.
Khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình đã lăng-xê « Giấc mơ Trung Hoa »,
một công thức phối hợp các khái niệm « tái
sinh tinh thần dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân, thịnh vượng, xây dựng một
xã hội tốt đẹp hơn và tăng cường quân sự ».
Dưới đôi tay Khổng Tử rộng mở, Vương Điện Minh, 61 tuổi, giải
thích với AFP : « Giấc
mơ Trung Hoa có nguồn gốc từ văn hóa truyền thống Trung Quốc và trong lời dạy
của Khổng Tử. Việc áp dụng các ý tưởng của ngài sẽ cứu rỗi nhân loại ».
Cao đến 19 mét, bức tượng Khổng Tử nhìn thẳng vào một cột tháp
chỉ hơi cao hơn một chút, phía trước có khắc dòng chữ « Giấc mơ Trung Hoa »,
và phía sau là chữ «
các giá trị căn bản của chủ nghĩa xã hội ». Trên bệ tháp, một
câu phát biểu dài của Tập Cận Bình chào đón khách đến thăm : « Chúng tôi muốn thực hiện Giấc mơ
Trung Hoa, không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc, mà còn cho tất
cả mọi dân tộc ».
Còn trên cả ba mặt của tháp đá, là các bức bích họa vẽ những
người lính, nông dân hay công nhân với phong cách « hiện thực xã hội chủ nghĩa »
của những áp-phích tuyên truyền thập niên 1950.
Xa hơn một chút, một bức tượng nhỏ màu trắng của Mao Trạch Đông
khẳng định không có ý tưởng cơ bản nào của chế độ bị quên lãng.
Đối với Mao Trạch Đông, Khổng giáo là điều tệ hại nhất trong
truyền thống Trung Hoa, biểu tượng của một thời kỳ « phong kiến » mà ông ta
cùng với vợ là Giang Thanh đã tung ra một chiến dịch dữ dội để chống lại vào
năm 1974.
Nhưng gần đây, ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc lại sử dụng
Khổng giáo để chống lại văn hóa phương Tây đang được ngày càng ưa chuộng hơn,
cũng như các tôn giáo, khi quảng bá cho một di sản Trung Hoa được tôn tạo kỹ
lưỡng.
Đồng điệu với quan điểm của Tập Cận Bình, công viên Bắc Đới Hà
và các công trình điêu khắc tại đây cũng phối hợp giữa chủ thuyết cộng sản và
các giá trị Khổng giáo. Bắc Đới Hà (Beidahe), khu nghỉ mát bên bờ biển Trung
Quốc mỗi mùa hè lại tiếp đón hội nghị bí mật các lãnh đạo cao cấp nhất của chế
độ.
Ngay trước khi trở thành Chủ tịch nước, các câu châm ngôn và
trích dẫn Khổng tử đã hiện diện trong các bài diễn văn của Tập Cận Bình. Đối
với các chuyên gia, đây là bằng cớ cho thấy ông ta thực sự ngưỡng mộ triết lý
thời xưa. Nhiều lời tuyên bố của ông Tập khai thác quá khứ để vẽ nên tương lai
Trung Quốc, và việc cầu viện đến nhà hiền triết nổi tiếng đối với ông ta là đặc
thù Trung Hoa cần phải bảo vệ.
Nhân dân Nhật báo hồi tháng 10/2014 trên trang nhất trích dẫn
câu : « Từ hàng ngàn
năm trước, Nhà nước Trung Hoa đã vận dụng một con đường hoàn toàn khác với nền
văn hóa và sự phát triển của các nước khác ». Tờ báo kêu gọi :
« Hãy tôn trọng hơn
và quan tâm hơn đến nền văn hóa Trung Hoa đã tồn tại từ hơn 5.000 năm qua ».
Hồi tháng 9/2014, trong khuôn viên trang trọng của Đại lễ đường
Nhân dân, trước Hiệp hội Khổng giáo Quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc đã mừng sinh
nhật thứ 2.565 của Khổng Tử. Tập Cận Bình tuyên bố : « Văn hóa truyền thống tuyệt vời của
Trung Hoa, trong đó có cả Khổng giáo, chứa đựng những giải pháp quan trọng để
giải quyết các vấn đề của nhân loại ngày nay ».
Cũng như các giáo điều cộng sản, các tuyên bố Khổng giáo của ông
chủ tịch cũng không được đưa ra bàn thảo, và để chỉ trích thì lại càng hiếm hoi
hơn – theo nhận xét của Jyrki Kallio, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc tế Phần
Lan.
Ông nói với AFP : « Tập Cận Bình có vẻ tin rằng Khổng
giáo có thể củng cố vị thế của ông ta tại Trung Quốc. Đảng dường như đã đưa ra
một dự án nhằm hình thành các giá trị mới để định hướng người dân, và các tư
tưởng cổ điển cung cấp một nền tảng tốt cho việc ấy ».
Trong khu giải trí của ông Vương Điện Minh, sinh viên Feng Jin
và người bạn của anh là những khách thưởng ngoạn duy nhất trong cái ngày mùa
đông này. Có vẻ thích chụp hình kỷ niệm trước các tượng đài của « Giấc mơ Trung
Hoa » hơn là nghiên cứu các lời dạy được khắc trên đá, anh sinh viên nói : « Tôi
có nghe nói đến ‘’Giấc mơ Trung Hoa’’ trên tivi. Nhưng thật tình mà nói, tôi
chẳng cảm thấy mình có liên quan chút nào cả !».
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment