Friday, March 27, 2015

Ý kiến: Việt Nam nên nhất về nói thật

 

Ý kiến: Việt Nam nên nhất về nói thật

·         8 giờ trước
Ông Trần Mạnh Hảo nói Việt Nam cần nhất về nói thật
Một nhà phê bình nói ông mong muốn Việt Nam nên đứng nhất khu vực về mặt nói thật trong trào lưu chuộng những thứ nhất hiện nay, từ bánh chưng, hủ tiếu tới tháp truyền hình và tượng đài.
"Tôi chỉ xin dân tộc chúng ta, đất nước chúng ta, độ khoảng 10 năm nữa sẽ đưa ra một kỷ lục ở Đông Nam Á là một đất nước nói thật nhất Đông Nam Á," nhà thơ và nhà phê bình Trần Mạnh Hảo nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC.
Ông Hảo nói chính sự "dối trá" khiến cho nền giáo dục Việt Nam "không có lối thoát" và sự độc quyền của truyền thông nhà nước làm vấn đề thêm trầm trọng.
"Cái nền giáo dục của Việt Nam chúng ta nó mắc một cái chỗ là nó dối trá. Dối trá vì sao?
"Chúng ta hiện nay tình hình đất nước đang phát triển, đi theo tư bản chủ nghĩa mà các ông lại dạy học sinh phải chôn tư bản...
"Hai là dạy học sinh là phải chôn người giàu, tức đấu tranh giai cấp.
"Học sinh nó ra đường nó thấy các ông cán bộ ông nào cũng giàu hết.
"Một nền giáo dục như thế là phản giáo dục [và] chỉ đưa dân tộc ta đứng hàng bét thế giới như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa nói trên báo là "chúng ta đứng chót bét trong khối ASEAN."
Ông Hảo cũng nói sự sính những cái nhất của Việt Nam tương tự với chuyện người nông dân ra thành phố "xé áo rách nhất để đi giữa phố và tự hào áo rách nhất" trong tâm lý "tự ti" và "AQ về mặt tinh thần".
Liên quan tới dự án xây tháp truyền hình cao nhất Việt Nam, tới 636 mét, ông Hảo nói nó sẽ không có nhiều ý nghĩa khi nhà nước vẫn độc quyền truyền hình.
"Tại sao chỉ có anh nhà nước làm được truyền hình, ra được báo mà nhân dân không ra được báo trong khi anh lại nói đất nước chúng tôi dân chủ, công bằng.
"Công bằng sao ông Nguyễn Phú Trọng ra đến 7-800 tờ báo quốc doanh mà ông Trần Mạnh Hảo không ra được một tờ báo?"

'Áo không làm nên thầy tu'

Trong khi đó Tiến sỹ Lê Đăng Doanh kể lại chuyện một lãnh đạo cao cấp của Malaysia đã nói với ông rằng họ xây tháp đôi ở thủ đô Kualar Lumpur để chứng tỏ "có thể làm hơn Singapore" và Tiến sỹ kết luận "cái áo không làm nên thầy tu".
Ông nói thêm:
"Hãy so sánh Việt Nam với các nước Đông Nam Á về các tiêu chí như là thu nhập bình quân đầu người, như là về khoa học công nghệ, về đời sống, về các dịch vụ xã hội chứ không phải đua là làm bánh tét lớn, hủ tiếu lớn.
"Và tôi thấy đó là xu thế lãng phí tiền của, lãng phí vật tư, lãng phí nguồn nhân lực nhẽ ra dùng các cái đó để đầu tư cho các cháu học sinh nghèo và làm nhà cho người nghèo thì tốt hơn.

Ông Doanh, người từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói Việt Nam nên cố gắng để có tính cạnh tranh đối với những chỉ số thiết thực hơn như GDP bình quân đầu người, thành tựu khoa học, bằng phát minh và thương hiệu quốc gia cũng như tạo ra xã hội công bằng, văn minh "tạo cơ hội phát triển đồng đều" cho mọi người dân.
Trước câu hỏi tại sao sự sính những cái nhất lại nở rộ trong những năm gần đây, Tiến sỹ nói:
"Trước kia Việt Nam nhận là mình là đất nước nhỏ, đánh thắng ba đế quốc to cho nên hồi bấy giờ tuyên truyền, tuyên giáo thường xuyên nhắc đi nhắc lại mệnh đề đó và có lẽ giới tuyên truyền, tuyên giáo lấy làm an tâm vì đã duy trì được cái ấn tượng, niềm tin như vậy đối với người dân.
"Nhưng gần đây, trong cuộc cạnh tranh kinh tế này, thì người ta thấy rằng Việt Nam sau một số năm có tăng trưởng cao trong khu vực, đã có thể xích lại gần, thu hẹp dần khoảng cách trong khu vực thì từ năm 2007 trở đi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam kém dần, lạm phát tăng cao và nhiều thành tựu về mặt kinh tế, xã hội thiếu sự thuyết phục thì tôi nghĩ để duy trì được niềm tự hào, niềm tin và suy nghĩ rằng xã hội này, đất nước này vẫn mang lại được nhiều cái nhất thì người ta sinh ra những cái nhất mà chúng ta vừa trao đổi."

Tiền ngân sách

Tham gia thảo luận trong Bàn tròn thứ Năm, bà Đào Thu Hiền, một chuyên gia về giáo dục từng tốt nghiệp về quản lý công ở Harvard, nói:
"Có những hoạt động về văn hóa như là làm bánh chưng to nhất hay là hủ tiếu to nhất hay cốc cà phê thì cái đó là những hoạt động mang tính marketing, PR ... và cũng là kinh phí hoạt động xã hội của các tập đoàn, các công ty thì tôi thực sự không quan tâm lắm.
Chị Đào Thu Hiền tham gia Bàn tròn thứ Năm từ Hà Nội
"Tôi nghĩ nó tạo ra một cái gì đó vui, nó là một câu chuyện hay, mọi người có thể kể chuyện... Nó mang tính chất PR cho cả văn hóa của mình.
"Còn những hoạt động khác như là về chính sách chúng ta nên đầu tư vào cái gì, nên xây dựng cái công trình nào, nó lớn đến đâu, to đến đâu nó phải là vấn đề được xem xét rất kỹ lưỡng vì tiền là của dân."
Bà Hiền cũng nói đứng thứ nhất cũng có những mặt tích cực bên cạnh những điểm tiêu cực mà một số khách tham gia Bàn tròn thứ Năm nói.
"Xếp hạng sinh ra là để chúng ta có thể so sánh, chúng ta có thể đánh giá bản thân mình.
"Có rất nhiều xếp hạng trên thế giới và có nhiều xếp hạng mang tính rất nghiêm túc và được mọi người tôn trọng.
"Vậy khi sử dụng đúng, nó sẽ tạo ra những động lực rất lớn cho tập thể mà thước đo đó được áp dụng vào."
Bà Hiền cũng nói tại trường Harvard bà từng học, Việt Nam không phải là nước có nhiều người theo học so với các nước trong khu vực như Philippines và Malaysia.

'Tâm lý tự ti'

Từ Ba Lan, nhà văn Trần Quốc Quân nói với Bàn tròn thứ Năm rằng việc người ta hướng tới những cái nhất kiểu như thời gian vừa qua xuất phát từ nền kinh tế đi từ nông nghiệp lên và nói thêm:
Ông Trần Quốc Quân nói có những doanh nghiệp giàu lên nhanh mà 'tầm văn hóa' của họ lại không theo kịp
"Việt Nam vừa mới thoát nghèo, đi khỏi lũy tre làng thì tâm lý tự ti rất lớn cho nên rất dễ làm cho người Việt Nam từ những mặc cảm đó cho nên cứ muốn đua với thiên hạ là mình không có mặc cảm đó."
Ông Quân cũng nói hiện tượng hám nhất cũng thể hiện "tầm văn hóa thấp" và phản ánh hiện tượng các doanh nghiệp mới giàu mà "tầm văn hóa" của họ chưa theo kịp số tiền làm ra.
Nhà văn cũng nói thêm một số lãnh đạo ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương muốn để lại dấu ấn cá nhân trong những dự án lớn.

Trong khi đó nhà phê bình Trần Mạnh Hảo nhắc lại chuyện một lãnh đạo Việt Nam tự hào đã "hy sinh xương máu nhiều nhất thế giới" để có độc lập trong khi lãnh đạo Thái Lan đáp lại rằng họ tự hào "vì không mất xương máu" mà vẫn có độc lập, tự do.
Nhà phê bình nói thêm: "Ông Hồ Chí Minh nói giành được độc lập mà không có tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có giá trị.
"Cho đến hôm nay, đất nước Việt Nam chúng ta đã đổ xương máu vô cùng nhiều, hàng chục triệu người đã chết trong mấy cuộc chiến tranh, nhưng hiện nay cái chữ độc lập của chúng ta chưa trọn vẹn. Chúng ta có nên tự hào không?
"Trung Quốc vẫn đang chiếm nước ta ở ngoài biển, chiếm nước ta trên đất liền, đe dọa, liên tục phá tàu thuyền của dân ta đánh cá trên biển ta, cướp, bắn phá, giết người."
"Chúng ta độc lập chưa trọn vẹn và chưa đúng nghĩa là độc lập."
"Còn tự do, xin lỗi là chúng ta chưa có báo chí tự do, chưa có báo tư nhân, chưa có đảng đối lập..."

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link