Thursday, May 3, 2012

Cuộc Chạy Trốn Cộng Sản Kinh Hoàng Trong Lịch Sử Việt Nam

 

Cuộc Chạy Trốn Cộng Sản Kinh Hoàng Trong Lịch Sử Việt Nam

Trúc Giang

1* Mở bài.

Mỗi năm, ngày 30 tháng tư gợi lại vết thương đau buồn và mất mát của người Việt hải ngoại, người Việt mất nước, người Việt tỵ nạn,.. người Việt chạy trốn chế độ độc tài Cộng Sản.

 

2* Chiến dịch “Gió lốc”. (Operation Frequent Wind)

 

2.1. Chiến dịch Frequent Wind

 

Chiến dịch Gió lốc (Operation Frequent Wind) là một cuộc di tản bằng trực thăng của Hoa Kỳ và của Việt Nam Cộng Hòa, diễn ra từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

Có 50,493 người, trong đó có 2,548 trẻ mồ côi được di tản từ phi trường Tân Sơn Nhất. Các phi công đã bay tổng cộng 1,054 giờ, với 682 chuyến bay trong chiến dịch. Đã có hơn 7,000 người được di tản bằng trực thăng tại nhiều địa điểm khác nhau ở Sài Gòn.

 

Chiến dịch có 4 phương án:
1. Phương án 1. Di tản bằng phi cơ dân sự tại phi trường Tân Sơn Nhất
2. Phương án 2. Di tản bằng phi cơ quân sự
3. Phương án 3. Di tản bằng tàu thuyền từ cảng Sài Gòn
4. Phương án 4. Di tản bằng trực thăng, bóc người đưa đến các chiến hạm ngoài khơi.

 

Ngày 28-4-1975, phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích và bị 5 phi cơ A-37 ném bom, nên di tản bằng phi cơ cánh cố định chấm dứt, và phương án Operation Frequent Wind, di tản bằng trực thăng bắt đầu.

 

2.2. Giai đoạn chuẩn bị

 

Đây là một chiến dịch được chuẩn bị trước rất tỉ mỉ.

 

Cả một hạm đội gồm 50 chiến hạm được huy động từ nhiều tháng trước ngày 30-4-1975.

 

Đầu tháng 3 năm 1975, khu trục hạm USS Kirk được lịnh nhổ neo từ căn cứ San Diego, để đi hộ tống hàng không mẫu hạm USS Hancock. Hàng không mẫu hạm Hancock được lịnh cặp bến Hawaii, để đưa những chiến đấu cơ lên bờ và thay vào đó bằng những trực thăng vận tải của TQLC/HK, rồi trực chỉ đến Biển Đông.

 

Chiếc USS Kirk bắt đầu vào cuộc, với Chiến dịch Eagle Pull để di tản 300 người Mỹ rời khỏi Phnom Penh. Campuchia thất thủ ngày 17-4-1975. Sau đó, chiếc USS Kirk xuôi xuống phía nam, hướng về Singapore để cùng với khu trục hạm USS Cook hộ tống hàng không mẫu hạm Midway, thả neo chờ tham gia chiến dịch Frequent Wind.

 

2.3. Kế hoạch bí mật, không chỉ cứu những con tàu.

 

Chiến dịch Frequent Wind do ông Richard L. Armitage phụ trách. Ông nguyên là một sĩ quan HQ/HK, lúc đó là đặc phái viên của Bộ QP/HK, thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch di tản những chiến hạm của HQ/VNCH, cụ thể là giải cứu những chiến hạm và kỹ thuật công nghệ được trang bị trên những chiến hạm đó. Nếu không giải cứu được thì phá hủy, để không bị lọt vào tay CSBV làm chiến lợi phẩm. Nhiệm vụ chính của ông Armitage là cứu những con tàu, không để lọt vào tay VC.

 

Khu trục hạm USS Kirk cùng thủy thủ đoàn 200 người, được lịnh đến đảo Côn Sơn, là nơi được chọn để tập trung tàu bè và người di tản tại đó.

 

Một vài tuần lễ trước ngày 30-4-1975, ông Armitage đã có mặt tại văn phòng của người bạn thân là đại tá Đỗ Kiểm, Tư lịnh phó HQ/VNCH. Hai người lập kế hoạch giải cứu những chiến hạm của HQ/VNCH.

 

Đại tá Kiểm cho ông Armitage biết rằng, muốn đưa những con tàu rời VN, thì phải cần thủy thủ đoàn, nhưng thủy thủ VN sẽ không đi, nếu gia đình của họ không được đi theo. Kế hoạch cứu thoát những con tàu đưa đến việc di tản người lánh nạn Cộng Sản. Ông Armitage không báo cáo với thượng cấp về việc nầy, vì lo ngại chính quyền Mỹ có thể không giải cứu họ.

 

Cả hai ông, đại tá Kiểm và Armitage không ước lượng được con số người di tản là bao nhiêu.

 

Richard Armitage, ân nhân của gần 30 ngàn người Việt Nam trong cuộc cứu mạng cuối tháng 4-1975

2.4. Chiến hạm USS Kirk bắt đầu tiếp nhân trực thăng di tản

 

Từ sáng sớm ngày 29-4-1975, USS Kirk loan báo, có một sân đáp dành cho trực thăng trên boong, nhưng suốt buổi sáng không có trực thăng nảo đến cả. Mãi đến xế chiều, một trực thăng UH-1 của KQ/VNCH dẫn theo 16 chiếc UH-1, 1 chiếc CH-47 Chinook khổng lồ với 2 chong chóng và 1 chiếc vũ trang Cobra, cùng với 200 người di tản đã có mặt trên chiếc Kirk. Trong số UH-1, có 1 chiếc của Air America, là hảng hàng không của CIA.

 

2.5. Hỗn loạn ở Côn Sơn

 

Ngày 1-5-1975, chiếc Kirk đã có mặt ở Côn Sơn từ hừng sáng. Đã có 30 tàu HQ/VNCH, hàng chục tàu đánh cá và tàu chở hàng, đầy khẳm những người tỵ nạn ở khu tập trung nầy.

 

Ông Kent Chipman, một người thợ máy, lúc đó 21 tuổi, thuật lại: “Những con tàu nhồi nhét đầy người, tôi không thể xem bên dưới lòng tàu, nhưng trên boong tàu thì chật cứng, người san sát nhau”.
Một tài liệu lịch sử cho rằng có khoảng 30,000 người.

 

Một số tàu không còn chạy được, nên họ cùng lôi kéo nhau đi. Một chiếc quá khẳm nên đang chìm. Nhiều người trên tàu nhảy xuống biển. Một trung úy HQ/VNCH nổ lực giúp hành khách rời khỏi chiếc tàu đang chìm. Hành khách được chuyển sang tàu kế bên bằng một tấm ván gỗ hẹp. Cảnh hỗn loạn xảy ra.

 

Một người đàn ông ra tay đánh ngã một phụ nữ phía trước anh ta, cô bị rơi xuống biển, và được cứu vớt.

 

“Người trung úy VN không hề lưỡng lự, anh ta đến ngay sau anh chàng đó, rút súng bắn một phát vào đầu giết chết anh ta, rồi đá xác qua một bên, tiếp tục cứu người. Cú bắn thật kinh hoàng, nhưng ngăn chặn được hỗn loạn”. Ông Stephen Burwinkel, người y tá trên chiếc Kirk thuật lại như thế.

 

2.6. Các chiến hạm Hải quân Việt Nam Cộng Hòa tự giải giới.

 

Đến thứ ba, ngày 6-5-1975, toàn thể hạm đội di tản của HQ/VNCH gần đến cảng Subic (Philippines).
Lịnh ban ra: “Tất cả những chiến hạm phải tự giải giới hoàn toàn”. Tàu chiến Mỹ cho những Cano cặp vào những chiếc tàu nầy để hốt hết súng ống, đạn dược.

 

Trên đường đi, thủy thủ và y tá Mỹ cung cấp nước uống, thức ăn, thuốc men và khám bịnh cho người tỵ nạn.

 

Trên đại dương, ở hải phận quốc tế, chiếc tàu nào đăng ký ở quốc gia nào, mang cờ nước nào, thì được xem như là lãnh thổ của quốc gia đó. Vì thế, một đứa trẻ được sinh ra trên tàu, thì có quyền xin được mang quốc tịch của quốc gia của chiếc tàu.

 

Qua 6 ngày trên biển, trong 30,000 người tỵ nạn, đã có 3 người thiệt mạng và được thủy táng, vì Philippines không cho phép mang xác chết lên nước họ.

 

Khi đoàn tàu đến gần Philippines thì thuyền trưởng chiếc Kirk, nhận được một tin không tốt lành gì. Đó là chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos e ngại rằng sự hiện diện của tàu HQ/VNCH có thể gây khó khăn về ngoại giao của họ, đối với chính quyền CSVN. Hạm trưởng Jacobs của chiếc Kirk kể lại: “Chính phủ Philippines không cho phép chúng tôi vào cảng Subic và đề nghị những con tàu nên trở về Việt Nam”.

 

Đại tá Đỗ Kiểm và ông Armitage đưa ra một giải pháp buộc Tổng thống Ferdinand Marcos phải chấp nhận. Đó là cờ VNCH được hạ xuống và trương cờ Mỹ lên, chứng tỏ những con tàu nầy là của Hoa Kỳ.
Mà thật, những con tàu nầy là của HK. Cơ sở lý luận là, trong chiến tranh, tàu HK được trao cho VNCH như là một khoản cho mượn để chống Cộng Sản, nhưng bây giờ chiến tranh kết thúc, HK thu hồi những chiếc tàu nầy trở lại. Thế là một cuộc tìm kiếm khó khăn, làm sao có đủ 30 lá cờ Mỹ trong lúc ở trên mặt biển.

 

Buổi lễ hạ cờ chính thức.

 

Hàng chục ngàn người VN trên các con tàu bắt đầu hát quốc ca. Cờ VNCH hạ xuống trong những tiếng bật khóc. Khóc. Và khóc… Chưa bao giờ có một buổi lễ hạ cờ đầy xúc động đến như thế.

 

Lãnh thổ VNCH cuối cùng đã mất thật sự. Cái đau gậm nhấm khôn nguôi của người Việt miền Nam là mất nước. Những người còn lương tri thì không nên quên nổi nhục đó.

 

3* Chiến dịch di tản trẻ sơ sinh (Operation Babylift)

 

3.1. Chiến dịch

 

Tháng 4 năm 1975, miền Nam đang sụp đổ dưới sự tấn công của Cộng Sản Bắc Việt, Tổng thống Gerald Ford ra lịnh cho thực hiện chiến dịch di tản để cứu trẻ “mồ côi”, cho rằng, có thể VC sẽ không nương tay, vì một số là con lai Mỹ.

 

Hoàn cảnh buộc phải di tản trẻ thơ.

 

Những trẻ mang tên là trẻ “mồ côi”, thật ra là đã có cha hoặc mẹ còng sống, nhưng vì hoàn cảnh nào đó, họ đã từ bỏ các em, đưa vào cô nhi viện, mang tên trẻ mồ côi.

 

Một số những người chăm sóc các em là những người ngoại quốc vào VN làm công tác thiện nguyện cho các nhà thờ và các tổ chức từ thiện nước ngoài. Họ phải rời VN. Trong hoàn cảnh vô củng hỗn độn của những ngày gần cuối tháng 4 năm 1975, hàng chục ngàn gia đình VN đang chờ di tản. Trẻ mồ côi cũng không thể bị bỏ rơi trong hoàn cảnh hỗn độn đó được. Những người thiện nguyện HK đã nổ lực vận động, đưa các em ra khỏi VN để tiếp tục được chăm sóc và nuôi dưỡng. Các em đã bị cha mẹ bỏ một lần rồi, không thể bị bỏ lần thứ hai, cho nên việc di tản trẻ mồ côi là đầy lòng nhân đạo.

 

Một điển hình là bà Betty Tisdale, đã nổ lực chạy đôn chạy đáo để hoàn thành thủ tục làm hồ sơ xuất cảnh cho 219 trẻ sơ sinh rời VN. Bà Tisdale thuật lại: “Tôi chạy đến bịnh viện Nhi đồng, xin 225 mẫu giấy khai sanh, rồi điền vào ngày giờ và nơi sanh một cách nhanh chóng. Tôi hoàn toàn không biết những em bé nầy là con của ai, sinh ra lúc nào, nơi nào. Những ngón tay của tôi cứ viết đại để tạo ra những bản khai sanh. Tôi tức tốc đến gặp đại sứ Graham Martin xin phương tiện di tản cho các em. Đại sứ bằng lòng với điều kiện các thủ tục giấy tờ phải được chính phủ VN chấp thuận.”

 

Ông Edward Daly, chủ tịch World Aiways đang có mặt ở VN, trong lúc đó, thì con gái của ông là một thiện nguyện viên đang ở Colorado, đánh điện xin ông giúp đở cho trẻ mồ côi được ra đi.

 

Chiến dịch Babylift được thực hiện trong 3 tuần lễ, từ ngày 2-4-1975 đến ngày 26-4-1975. Tổng cộng có 26 chuyến bay, đã đưa 2,548 trẻ mồ côi đến Hoa Kỳ. Sau đó, các em được các gia đình Mỹ nhận làm con nuôi.

 

3.2. Bắt đầu bằng tang tóc

 

Chiếc Lockheed Martin C-5A Galaxy, được xem là phi cơ vận tải lớn nhất thế giới, đã từng chở xe tăng và cầu quân sự nặng 70 tấn, từ căn cứ không quân Clark (Philippines) được phái đến Sài Gòn, trong nhiệm vụ di tản trẻ thơ, bắt đầu từ ngày 4-4-1975.

 

Ngày 4-4-1975, lúc 4:15 chiều, sau khi 328 trẻ em và người lớn, trong đó có nhân viên sứ quán Mỹ và nhiều nhân viên của các đơn vị Mỹ, được đưa lên máy bay. Chiếc C-5 bắt đầu rời đường băng.

 

Khoảng 12 phút sau, cách phi trường Tân Sơn Nhất 64km, thì một biến cố xảy ra. Cửa sau, nằm dưới bụng phi cơ, là nơi đưa hành lý lên tàu, đã bung ra và bị thổi bay mất. Hành khách bị xô ngã, nhiều người bị thương.

 

Một nhân viên phi hành ngồi gần cửa bị hút bay ra khỏi phi cơ. Những người còn lại bất tĩnh do thiếu dưỡng khí. Hai phi công chính và phụ không còn điều khiển được phi cơ, nên quyết định trở lại Sài Gòn.
C-5 không phải là phi cơ chở hành khách, cho nên những mặt nạ tiếp dưỡng khí không được thiết kế cho trẻ em, vì thế, các em được bế lên cao để gắn mặt nạ dưỡng khí vào. Linda Adam, một y tá quân y kể lại như thế.

 

Khi còn cách Sài Gòn 5km, phi cơ mất độ cao, lao mình ầm ầm xuống cánh đồng lúa ngập nước, đụng phải con đê, gãy làm 4 khúc, và bình xăng phát cháy.

 

Trên cánh đồng lúa thuộc khu vực Cát Lái, cảnh tang tóc với những xác người nằm vương vãi trên bùn đất.

 

153 người thiệt mạng, trong đó có: 98 trẻ em. 34 nhân viên bộ QP/HK. 5 dân sự. 11 nhân viên KQ/HK. Và những y tá của nhiều quốc gia. 175 người sống sót.

 

Có nhiều giả thuyết về lý do xảy ra tai nạn: cho rằng bị phá hoại do những người thân Cộng muốn phá kế hoạch di tản trẻ thơ, do lỗi thiết kế của công ty Lockheed, và cho rằng phi cơ không được bảo trì chu đáo.
Người chị của một y tá thiệt mạng, đại diện cho các nạn nhân, đâm đơn kiện tập thể, đòi công ty Lockheed bồi thường 200 triệu USD. Việc điều tra được tiến hành, và cho mãi tới năm 1990 vẫn chưa có kết quả.

 

4* Những di sản của chiến dịch Babylift

4.1. Không có hồ sơ lý lịch cá nhân

 

Ngày 5-4-1976, tờ Time cho biết, nhiều trẻ em hoàn toàn không có hồ sơ về lý lịch cá nhân, đó là những con người không có họ và tên, không có giấy tờ chứng minh ngày và nơi sinh, quốc tịch… cho nên không thực hiện hồ sơ con nuôi.

 

Cục di trú và nhập tịch cho biết, có 1,671 em hợp lệ, và 353 không hợp lệ.

 

4.2. Bi kịch gia đình

 

Nhiều trường hợp đau lòng khó xử xảy ra.

 

- Bà Hà Thị Võ. Người từng đưa 3 đứa con đi theo chương trình Babylift, khi đến Mỹ, đưa đơn kiện, khi nhận ra đứa con út 3 tuổi tại một gia đình nhận con nuôi, bà đòi con lại. Cậu bé không nhận bà, khiến cho nhà chức trách bác bỏ yêu cầu của bà.

 

- Bà Doãn Thị Hoàng An. Bà An ở bang Montana, nhận mình là mẹ ruột của cậu bé Ben, 4 tuổi, được vợ chồng Johnny và Bonnie Nelson nhận làm con nuôi từ chương trình Babylift.

 

Khi ra toà, cậu bé Ben không nhận bà Hoàng An, không có phản ứng trước những cử chỉ trìu mến và thương yêu của bà Hoàng An, dù vậy, tòa phán quyết cậu Ben thuộc về bà mẹ Việt Nam.

 

Thế là vợ chồng Nelson tiếp tục đưa đơn kiện lên toà thượng thẩm.

 

5* Trở về cố hương

 

5.1. Trẻ mồ côi trở về Việt Nam trong vai trung tá Mỹ

 

Cô Kimberly Mitchell có chuyến về Việt Nam trong vai một trung tá Mỹ.

 

Gần 40 năm sau khi được một trung sĩ Mỹ, thuộc KQ/HK và vợ ông, nhận làm con nuôi năm 1972, cô Mitchell được biết là một trẻ sơ sinh mang số 899, bị bỏ rơi tại cô nhi viện Thánh Tâm, Đà Nẳng.

 

Trung tá Mitchell hiện là Phó giám đốc văn phòng Trợ giúp Quân nhân và Thân nhân tại Bộ QP/HK, cho biết: “Tôi muốn cố gắng nối kết lại với quá khứ còn chưa biết của mình.” Trung tá Mitchell đã thăm Sài Gòn và Đà Nẳng trong chuyến đi một tuần lễ về VN.

 

Chuyến thăm tại trại mồ côi Thánh Tâm, nay là một tu viện, được coi là phần xúc động nhất của chuyến đi. Tại tu viện, Mitchell gặp “Sơ” Mary, là người đã từng làm việc trong thời gian tiếp nhận em bé số 899 vào cô nhi viện. “Sơ Mary cho biết, cái tên mà họ đặt cho tôi là Trần Thị Ngọc Bích, nghĩa là viên ngọc quý. Đây là chuyến thăm của một đời người, nghĩa là một lần duy nhất. Tôi chắc chắn sẽ không chờ 40 năm nữa để quay trở lại”, Mitchell thuật lại.

 

5.2. Phim Ngưòi con gái Đà Nẳng (The daughter from Da Nang)

 

Phim tài liệu The daughter from Da Nang được đề nghị lãnh giải Oscar về loại phim tài liệu. Phim đã chiếm nhiều giải nhất trong các Đại Hội Điện Ảnh (Film Festival) Hoa Kỳ năm 2002: Sundane Film Festival, San Francisco International, Ojai Film Festival, Durango, Colorado, Texas, New Jersey International, Nashville, Cleveland.

 

Nội dung phim

 

Vào những ngày sau cùng của cuộc chiến VN, chính phủ Gerald Ford đã bỏ ra 2 triệu USD để mở chiến dịch Babylift. Gần 3,000 trẻ mồ côi từ VN sang Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Úc để làm con nuôi.

 

Cuộc di tản bắt đầu bằng một tai nạn kinh hồn làm chết hàng trăm trẻ em.

 

Cuốn phim xoay chung quanh cuộc đời của Heidi Bub và trong chuyến đi tìm mẹ ruột sau 22 năm.

 

Heidi Bub sinh năm 1968 tại Đà Nẳng, con của bà Mai Thị Kim và một quân nhân Hoa Kỳ.
Chồng bà Kim là Đỗ Hữu Vinh, từ năm 1964, đã bỏ vợ và 3 con ở lại Đà Nẳng, nhảy núi theo Việt Cộng chống Mỹ.

 

Bà Kim vào làm công nhân trong căn cứ Mỹ ở Đà Nẳng. Ở đó, bà đụng một ông lính Mỹ rồi sanh ra Mai Thị Hiệp (Heidi). Khi VC đánh vào Đà Nẳng, vì sợ con lai Mỹ bị VC khủng bố, nên bà đưa con vào Hội Cha Mẹ Nuôi lúc Heidi 6 tuổi.

 

Khi sang Mỹ, Mai Thị HIệp được bà Ann Neville, một phụ nữ độc thân, khoa trưởng ở một trường đại học, nhận làm con nuôi, tên là Heidi Bub.

 

Chiến dịch Babylift.

Bà Ann Neville sinh sống ở bang Tennessee, thánh địa của kỳ thị chủng tộc Klu Klax Klan. Bà che dấu nguồn gốc và cố làm cho Heidi giống 101% như Mỹ để bảo vệ con.

 

Về vật chất, Heidi không thiếu thốn gì cả, nhưng tình cảm giữa hai mẹ con rất khô khan cằn cỗi, thiếu hẳn những bộc lộ tình thương mẹ con. Bà Ann quá nghiêm khắc. Cuối cùng, bà đuổi Heidi ra khỏi nhà mà không giải thích lý do.

 

Lúc 6 tuổi, Heidi tưởng rằng mình không ngoan nên bị mẹ ruột từ bỏ. Lúc 22 tuổi, cô có mặc cảm, có lẻ mình quá tệ hại nên đã bị mất mẹ hai lần.

 

Năm 22 tuổi, Heidi bắt đầu tìm mẹ ruột. Trong lúc đó, ở VN, bà Mai Thị Kim cũng ra sức tìm lại đứa con.

 

Năm 1991, mẹ con bắt liên lạc được, qua một nhân viên của sứ quán HK. Heidi bắt đầu học tiếng Việt.

 

Năm 1997, ký giả Trần Tương Như, người VN đầu tiên mà Heidi tiếp xúc tại Mỹ. Trần Tương Như giúp Heidi trong chuyến về VN gặp lại mẹ ruột.

 

Tại phi trường Đà Nẳng, Heidi gặp lại mẹ ruột và các anh chị cùng mẹ khác cha. Tiếp theo là những tổ chức, như những bữa cơm đại gia đình, viếng thăm hàng xóm, đi chợ…

 

Chỉ vài ngày sau, Heidi cảm thấy khó chịu, bị sốc vì khác biệt văn hoá. Biên giới riêng tư của mình bị xâm phạm.

 

Bà Kim muốn ngủ chung giường với Heidi để tâm sự suốt đêm, không muốn rời con, nhưng đối với Heidi thì đó là một cuộc tấn công, lấn át không gian cá nhân. Heidi không có thì giờ để suy nghĩ về những sự việc quá mới, quá xa lạ đối với mình.

 

Heidi thật sự bị sốc khi các anh chị cho rằng cô có bổn phận phải cung cấp tiền bạc và làm đơn bảo lãnh cho gia đình sang Mỹ.

 

Heidi nghĩ rằng cô bị bóc lột và bị lợi dụng, nên đã đổi vé máy bay về Mỹ sớm hơn lịch trình ấn định.
Khi về đến Mỹ, cô nhận được thơ của các anh chị khác cha, chủ yếu vẫn là tiền bạc và bảo lãnh. Cô cảm thấy không sốt sắng để trả lời những búc thơ đó.

 

6* Trí thức Việt kiều giữa hai lằn đạn

 

6.1. Quê hương là chùm khế ngọt

 

Người tỵ nạn Cộng Sản nhận đất nước đã mở rộng vòng tay cứu giúp và cưu mang mình là quê hương thứ hai. Quê hương nầy, cụ thể là Hoa Kỳ, đã trợ giúp tài chánh bước đầu để xây dựng cuộc sống mới. Con cái người tỵ nạn được có nền giáo dục rất tiến bộ, và nhất là đất nước nầy đã cho ngưòi tỵ nạn một đời sống bình đẳng với người bản xứ, nhân quyền được tôn trọng.

 

Sống ở quê hương thứ hai, nhiều người cho đó là nơi tạm dung, nên không bao giờ quên quê hương mà mình được sinh ra. Quả thật đó là chùm khế ngọt. Quê hương VN cụ thể là 84 triệu đồng bào của mình trong nước. (Không kể 3 triệu đảng viên CSVN)

 

Có hai quan niệm và hình thức phục vụ quê hương. Đó là đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho đồng bào trong nước, và một hình thức khác là về nước, phục vụ đảng CSVN góp phần xây dựng quê hương.

 

6.2. Trí thức Việt kiều bị kẹt giữa hai lằn đạn

 

Ngày chạy trốn chế độ độc tài CS bằng di tản, vượt biên, vượt biển, người tỵ nạn bị VC chửi tơi bời. Tôi xin trích nguyên văn lời của tác giả Tống Phước Hiến như sau:

 

Trích nguyên văn. “Cộng Sản xem những người vượt biên, vượt biển chạy trốn chúng là bọn phản quốc, phản động, là cặn bã, bọn ăn bám, vong bản, lười biếng… ” (hết trích)

 

Thế rồi Nghị Quyết 36 của đảng CSVN ra đời. Người trí thức tỵ nạn được hoan nghênh khi trở về thành Việt Kiều Yêu Nước. Những trí thức Việt Kiều Yêu Nước nầy lại bị một lằn đạn thứ hai, cũng không kém nặng nề như những lời chửi bới của Việt Cộng trước kia.

 

Người con gái Đà Nẵng

Phục vụ quê hương là không có điều kiện. Tổng thống Kennedy có nói một cây đại ý như sau, ta không nên đòi hỏi tổ quốc phải làm gì cho ta, mà tự hỏi, ta phải làm làm gì cho tổ quốc. Một vị trí thức về nước góp phần xây dựng quê hương, chưa làm được gì mà xin được mua nhà ở VN. Suốt mấy năm không được đáp
ứng, bèn than phiền nầy nọ lung tung, khiến cho trí thức chân chính trong nước xem thường ra mặt.

 

6.3. Câu chuyện mất quyền tỵ nạn của một Việt kiều Pháp

 

Bài viết của ký giả Xuân Mai trên báo áp phê số 4 tại Paris như sau:

 

“Ông Nguyễn Văn Tuyền, 59 tuổi đến định cư tại Pháp năm 1980. Với lá đơn thống thiết như sau: “Nếu tôi ở lại, nhà cầm quyền CSVN sẽ bắt giam, đánh đập và bỏ tù không có ngày ra. Vì lý do nhân đạo, tôi trân trọng thỉnh cầu nước Pháp, vui lòng chấp thuận cho tôi được tỵ nạn chính trị, sống tạm dung trên mảnh đất tự do nầy, và tôi chỉ trở về quê cũ khi nào quê hương tôi không còn chế độ độc tài Cộng Sản.”. Nhưng ông Tuyền đã phản bội tư cách tỵ nạn của ông đến 7 lần từ năm 1995 đến năm 2000. (Theo tài liệu của OFPRA=Office Francais de Protection des Réfugiés et Aptride-Cơ quan Bảo vệ Người Tỵ nạn và Vô Tổ quốc).
Ngày 27-6-2000, ông Tuyền và 544 Việt kiều Pháp bị OFPRA gởi thơ thông báo rút lại thẻ tỵ nạn, với lý do trở về quê cũ khi còn chế độ độc tài Cộng Sản.

 

“Chiếu theo điều 1, khoản 2A của Hiệp Định Genève ngày 28-7-1951, chúng tôi thu hồi thẻ tỵ nạn. Đồng thời cũng trình lên Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, kể từ nay, OFPRA không còn chịu trách nhiệm với ông, về tình trạng cư trú, xin việc làm, hưởng trợ cấp xã hội theo diện người tỵ nạn chính trị”.

 

Được biết, từ năm 1988 đến năm 2000, tổng số người Việt ở Pháp bị truất bỏ quyền tỵ nạn và quyền lợi, với con số là 22,417.

 

Bài viết ghi như sau: “Chính phủ Việt Cộng qua các đại sứ từ Võ Văn Sung, Mai Văn Bộ, Trịnh Ngọc Thái đến Nguyễn Chiến Thắng đã coi người Việt Nam là thành phần cực kỳ phản động, cần phải triệt hạ, hoặc áp dụng chính sách gậy ông đập lưng ông. Đó là, dễ giải trong việc cấp chiếu khán cho họ, để họ bị OFPRA cắt quyền tỵ nạn và trợ cấp xã hội. Sau khi cấp chiếu khán, tòa đại sứ thông báo danh sách cho Bộ Nội vụ Pháp biết tên họ của những người vi phạm luật tỵ nạn. Một khi mất thẻ tỵ nạn, thì mất luôn thẻ thường trú (Carte de Séjour) nên không xin được việc làm. Trường hợp đó, muốn sống ở Pháp trên 3 năm, thì phải
có Passport của chính phủ CSVN, để trở thành công dân Việt Cộng cho đến mãn kiếp.

 

Cái thâm độc của VC là như thế.

 

Việt Cộng nhìn con người ở bản chất. Một bản chất bị cho là “Phản động, phản quốc, cặn bã…” thì khó gột rửa được. Nếu không có tiền gởi về hàng tỷ đô la mỗi năm, thì cái bản chất đó vẫn tồn tại trong đầu óc của VC. Khúc ruột thừa ngàn dậm vẫn luôn luôn là như thế.

 

Có những câu hỏi cho “trí thức Việt Kiều Yêu nước”:

 

- Quý vị về phục vụ quê hương với thân phận nào đây?

 

- Quý vị có được đối xử bình đẳng với người dân trong nước không? Tại sao, người dân được tự do mua nhà, còn quý vị thì không?

 

- Có ai được giữ chức quản lý, như trưởng toán, trưởng phòng, trưởng ban hay giám đốc không? Quý vị chỉ là những người thừa hành dưới quyền sai bảo của cán bộ đảng viên Việt Cộng mà thôi.

 

- Quý vị có được tự do phát biểu ý kiến riêng của mình không? Có được quyền binh vực cho công lý, công bằng, lẻ phải, sự thật hay không? Khi thấy những cảnh bất công, đàn áp đánh đập người yêu nước… quý vị có dám đứng về phía đồng bào của mình không? Nếu không, thì quý vị có thể bị xem như a tòng với tội phạm.

 

- Về nước phục vụ quê hương mà không dám đứng về phía công lý, lẻ phải của đồng bào mình, thì lương tâm quý vị ra sao? Hỏi, tức là trả lời vậy.

 

HQ. 500 đưa người di-tản ra khỏi Sài-Gòn.

7* Kết

 

Ngày 30 tháng 4 mở ra một trang sử đau buồn của dân tộc. Trí thức Việt Kiều nên đồng tâm hiệp lực với trí thức chân chính trong nước, để đòi lại những quyền công dân và quyền con người mà dân tộc 84 triệu người Việt Nam xứng đáng được hưởng ở thế kỷ 21 nầy. Đó là cách phục vụ dân tộc đúng đắn.

 

Trí thức trong nước rất kiên cường, bất khuất, đã can đảm đòi tự do dân chủ cho đồng bào của mình, thì trí thức Việt Kiều không nên “Áo gấm về làng”, phát biểu linh tinh vô tổ chức để được nhận bằng khen hoặc xin được mua nhà…

 

Tấm gương của những trí thức chân chính trong nước như: Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Lê Đăng Doanh, Trần Vũ Hải, Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Tụy, Chu Hảo, Lê Hiếu Đằng trong việc đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam, cần được nên theo.

Làm người, nhất là trí thức, thành phần ưu tú của dân tộc, phải nên có tư cách tối thiểu để có thể ngữa mặt nhìn thiên hạ, ở trong cũng như ở ngoải nước.

Trúc Giang

 

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link