Nông dân thách thức nhà cầm quyền, bước đầu phong trào đối kháng?
Võ Long Triều
Hai cuộc cách mạng trong lịch sử Âu Châu làm thay đổi bộ mặt chính trị của Tây phương, xẩy ra tại Nga và Pháp, do nông dân phẫn nộ khơi mào. Hai chế độ quân chủ khắc nghiệt, âm thầm tàn bạo, nhưng không công khai ác độc, gian manh, kết bè với bọn côn đồ, đàn áp nông dân, đánh đập đàn bà như cộng sản Hà Nội đang hành động tại Văn Giang. Thời kỳ đó Hoàng Ðế chuyên chế thống trị bất kể hạnh phúc con dân. Nga Hoàng Tsar đệ nhứt và bọn quí tộc bóc lột sức lao động nông dân, áp đặt mức địa tô quá cao, nông nô không còn phương tiện sinh sống. Mọi sự chống đối đều bị kết tội nổi loạn, phải chịu tù đày chết chóc. Sự bất công và hà hiếp do quí tộc lộng hành khiến nông dân nổi dậy lật đổ chế độ giết vua và gia đình quí tộc.
Cũng do bất công xã hội, cũng vì tàn bạo với nông dân, bất cần đạo lý. Quốc Vương Pháp Louis XVI, vừa yếu hèn vừa nhút nhát. Các quan cận thần tường trình nguy cơ xẩy ra bạo loạn, nhà vua luôn miệng trả lời: “Tình thế rồi sẽ tốt...” (ca ira, ca ira..) chiếu theo khẩu trình của Cảnh Sát Trưởng Fouchet. Một tên đồ tể chỉ biết bắt bớ giam cầm, ngục Bastille không còn chỗ chứa. Tức nước vỡ bờ, khắp nơi nổi loạn kéo về cung điện Versailles bắt vua, phá ngục Bastille, đưa Vua và Hoàng Hậu lên đoạn đầu đài tại công trường Concorde.
Lịch sử đang tái diễn tại hai nước cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Nông dân không gánh chịu thuế nặng sưu cao mà bị công khai cướp đoạt quyền sinh sống, ruộng vườn đất đai từ bao đời ông cha để lại, ngang nhiên bọn cầm quyền đem cả ngàn quân đội công an và bọn côn đồ, trang bị súng ống, gậy gộc, đánh đuổi dân, cướp đất không cần bồi thường xứng đáng, buộc nông dân một sớm một chiều sống lang thang màn trời chiếu đất.
Tại Trung Quốc, nạn cướp đất trở thành phương tiện của bọn cầm quyền làm giàu phi pháp. Cường quyền cưỡng chế đất đai vì những lý do chính đáng và không chính đáng, xẩy ra khắp nơi trên toàn đất Trung Quốc. Sự đàn áp bất công khiến nông dân làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Ðông nổi dậy phản kháng mãnh liệt từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2011. Bọn cầm quyền không dám thẳng tay đàn áp sợ phản ứng dây chuyền nên đành chấp nhận cho dân làng tự do bầu cử người thay quyền và xử phạt bọn tham nhũng ác ôn.
Cái gương cưỡng chế đất đai của quan thầy Trung cộng, bọn cầm quyền Hà Nội lớn nhỏ thuộc nằm lòng.
Từ bao nhiêu năm qua nông dân khắp ba miền Nam, Trung, Bắc gánh chịu nhiều bất công. Từ ngữ “dân oan khiếu kiện” trở thành phổ biến trên báo chí, truyền thanh, truyền hình trong và ngoài nước. Nông dân bị cướp đất biểu tình phản đối vô hiệu, bị đàn áp dã man, tuyệt vọng, cùng đường, có người liều chết tự thiêu trước cơ quan nhà nước chấp đơn khiếu kiện. Từng đoàn tập trung tố cáo đảng viên lạm quyền, vi luật, trước cơ quan đại diện nhân dân là Quốc Hội. Từng đoàn người “cắm dùi” qua đêm ngày, kêu oan. Bọn cường quyền phản ứng bằng cách đàn áp dã man gây thương tích cho người bất kể già trẻ, đồng chí hay kẻ thù.
Cũng tại Việt Nam, bọn cầm quyền huyện Tiên Lãng cưỡng chế gia đình ông Ðoàn Văn Vươn ép bức đến cùng, buộc ông phản ứng bằng súng đạn và mìn tự chế. Nghĩa là thà chết hay chịu gông cùm, không chấp nhận bất công, hiếp người quá đáng. Sự việc xẩy ra bất ngờ và quan trọng vì chưa khi nào thấy sự phản kháng bằng súng đạn, xẩy ra dưới chế độ độc tài đảng trị có bàn tay sắt của công an cảnh sát và quân đội bảo vệ. Quan trọng đến nỗi báo chí thuộc “lề phải”, tay sai của nhà nước, cũng phải đồng thanh lên tiếng.
Quan trọng đến nỗi thủ tướng phải can thiệp và khẳng định có sai trái, cựu Chủ Tịch nước Lê Ðức Anh, người có đặc danh là “Thái Thượng Hoàng” phải nói: “Quân đội nhân dân, đàn áp nhân dân là sai!”. Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư Lệnh Quân Khu 4, xác định ông từ chối không ra lệnh cho quân đội tiếp tay nhà cầm quyền địa phương cướp đất của nông dân bởi vì “chức năng của quân đội được đảng và nhà nước giao là để bảo vệ tổ quốc và nhân dân, đâu phải đưa bộ đội ra đề làm hại đến lợi ích của nhân dân”. Cho dù phản ứng của những đảng viên cao cấp từng giữ chức vụ quan trọng, bè lũ cộng sản Hà Nội đang cầm quyền vẫn tiếp tục cướp đất của nông dân, bán cho cơ quan thương mại tư bản Ecopark. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lớn tiếng hỏi “nhà nước vì dân hay vì tư bản?”. Ông nói: “Hệ thống thủy lợi Bắc-Hưng-Hải tưới vùng đồng ruộng huyện Văn Giang, liên tiếp được mùa, nông dân có cuộc sống ấm no yên lành. Ecopark đem lợi gì cho quốc kế dân sinh?”.
Kinh nghiệm của huyện Tiên Lãng không cảnh cáo được nhà cầm quyền tỉnh Hưng Yên huyện Văn Giang. Lần nầy cuộc đàn áp xẩy ra còn qui củ hơn, nhà nước huy động khoản ba ngàn quân đội công an, cộng thêm bọn côn đồ mang danh “người dân bất bình can thiệp”, họ có nhiệm vụ cướp 72 mẫu ruộng của khoảng ba trăm gia đình đang sinh sống an lành, bỗng nhiên bị xua đuổi với sự đền bù 170.000 đồng mỗi thước vuông để bán lại cho Ecopark khoản 45 triệu đồng mỗi thước. Một vụ cướp cạn giữa ban ngày có nhà nước thị thực và tiếp tay. Nông dân càng chua xót bất mãn tột cùng khi thấy mồ mả ông cha bị cày ủi thành bình địa, phơi xương cốt giữa trời thảm khốc. Sự ác độc gian manh của các đồng chí cộng sản Hà Nội hơn quan thầy Bắc Kinh là ở chỗ đó!
Sau cơn uất hận trôi qua, nông dân ba xã Sân Quan, Cửu Cao, Phụng Công, cùng nhau ra đồng hai ngày 9 và 10 tháng 5, rào lại 72 mẫu đất để trồng cây cảnh và thu hoạch cùng nhau hưởng lợi. Quyết định liều lĩnh, công khai thách thức nhà cầm quyền Hà Nội, khơi mào cho sự hỗ trợ của bà con khắp nơi, họ sẽ đổ về Văn Giang đưa cây con về trồng tại đó. Cảm tình của quần chúng lan rộng tới Hà Nội. Có người đặt mua hàng trước khi thu hoạch. Rõ ràng một sự thách thức công khai, một phong trào chống đối hình thành, nhà cầm quyền hoặc đương đầu thẳng tay đàn áp đến đổ máu, hay đầu hàng hủy bỏ dự án.
Trong hai điều nói trên, nếu dân kiên trì tiếp tục chống đối bằng mọi cách, khai thác lòng căm phẫn, tinh thần chống đối của nhân dân thì sẽ là bước đầu của cuộc cách mạng “Hoa Lài” theo hình ảnh sự tự thiêu của chàng trai Bouazizi xứ Tunisie. Nhược bằng nhà nước cộng sản đầu hàng thì phong trào dân oan khiếu kiện sẽ tràn lan khắp xứ, đất đai bị cướp từ 20 mươi năm qua, làm thế nào nhà nước có thể đền bù hay hoàn trả được? Bài toán nan giải đó sẽ kéo đến ngày tàn của chế độ. Bởi vì ông bà ta thường nói “con giun xéo mãi cũng oằn” hay “tức nước sẽ vỡ bờ”.
Ba mươi bảy năm qua, cộng sản Hà Nội gây quá nhiều tội ác: Cướp đoạt quyền sống con người, đàn áp tôn giáo, bắt người vô tội, giam cầm vô cớ. Một chế độ hô hào do dân vì dân mà lại công khai phản bội dân trắng trợn, dứt khoát không thể tồn tại lâu dài bởi vì chính dân chúng sẽ đứng lên lật đổ nó giành lại quyền sống của con người. - (VLT)
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment