HOA KỲ - Bài đăng : Thứ năm 24 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 24 Tháng Năm 2012
Chính quyền Obama thúc giục Thượng viện Mỹ phê chuẩn Công ước LHQ về Luật biển
Ngoại trưởng Clinton, bộ truởng Quốc phòng Panetta và tướng Dempsey. Ảnh chụp ngày 23/05/2012
REUTERS/Gary Cameron
Trọng Nghĩa RFI
“Nếu không phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), nước Mỹ sẽ bị yếu thế trong việc bênh vực các đồng minh trong tranh chấp Biển Đông”. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào hôm qua, 23/05/2012. "UNCLOS sẽ cung cấp cho chúng ta cơ hội để nói mạnh về tự do trên biển và các quyền hàng hải", Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ tướng Martin Dempsey phụ họa.
Trong một biểu hiện hiếm hoi về sự hợp tác chặt chẽ giữa giới quân sự và ngoại giao Hoa Kỳ trên một vấn đề quan trọng, ba lãnh đạo hàng đầu của chính quyền Obama vào hôm qua, 23/05/2012, đã nỗ lực thuyết phục Thượng viện Mỹ phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, bà Clinton và Tướng Dempsey đều cho rằng Công ước Liên Hiệp Quốc sẽ hỗ trợ Mỹ trong việc đối phó với đà tăng cường sức mạnh của Hải quân Trung Quốc trong khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông. Là thành viên của UNCLOS, Hoa Kỳ sẽ chính thức trở thành một bên trong các cuộc đàm phán ngoại giao với các bên có liên can, chẳng hạn như Nhật Bản và Philippines, hai nước đã có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ.
Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Clinton nói rõ "Sự kiện chúng ta không có tư cách của một bên thương thuyết đã làm suy yếu vị trí của chúng ta" trong các cuộc đàm phán ngoại giao. Đối với bà Clinton, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên những vùng biển (bao quanh họ) đã vượt quá những gì được Công ước cho phép, và Hoa Kỳ cần hỗ trợ các nước bị các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh "đe dọa".
Riêng tại vùng Biển Đông, Trung Quốc là nước đã đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích của khu vực, tranh chấp với hầu hết các láng giềng, từ Brunei, Malaysia, Đài Loan, cho đến Việt Nam và Philippines, nước đồng minh đã ký hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Vấn đề là Bắc Kinh không ngần ngại dùng võ lực để lấn lướt các nước có tranh chấp với họ
Ngay từ năm 2010, để hỗ trợ các nước nhỏ trong vùng bị Trung Quốc lấn lướt, chính quyền Obama đã khẳng định trở lại rằng : Mặc dù không là một bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Mỹ có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và bảo đảm quyền tự do hàng hải trong vùng biển đó, nơi trung chuyển của một khối lượng lớn của thương mại toàn cầu.
Vấn đề gây khó cho Washington là sự kiện Hoa Kỳ chưa hề phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, cho dù là một trong nước đi đầu trong việc thúc đẩy việc soạn thảo ra văn kiện này. Trong khi đó, Trung Quốc lại là một nước thành viên của công ước.
Trong thời gian qua, mỗi khi Mỹ nói đến yêu cầu là phải dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc để đòi hỏi chủ quyền, hay nhấn mạnh đến nhu cầu đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, phía Trung Quốc đều phản bác lại và nhắc lại là Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước này.
Ngày 23/05/2012 Ngoại trưởng Mỹ đã nêu bật tình thế khó khăn đó khi xác định : "Vì không phải là thành viên của Công ước, chúng ta đã phải để cho Trung Quốc tung hoành về mặt pháp lý. Chúng ta đã tự đặt mình vào thế bị động. Chúng ta đã không phát huy mạnh mẽ được như mong muốn vai trò chỗ dựa cho các bạn bè và các đồng minh của chúng ta trong khu vực. Và theo tôi không một cường quốc hàng hải nào của thế giới lại muốn lâm vào hoàn cảnh đó ».
Còn Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Martin Dempsey, thì xác định rằng Công ước UNCLOS sẽ cho Mỹ quyền nói mạnh hơn và chính danh hơn về tự do hàng hải. Hiện nay, vì Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, khi di chuyển trên các vùng biển, quân đội Mỹ đã bị buộc phải dựa trên thông luật hoặc tập quán quốc tế, vốn thường được diễn giải khác nhau.
Tướng Martin Dempsey cảnh báo : "Nếu chúng ta không phê chuẩn kịp thời, chúng ta sẽ tự đặt mình vào nguy cơ phải đối phó với những nước khác đang giải thích thông luật quốc tế theo lợi ích riêng của họ".
Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng báo động rằng nếu không là một bên tham gia công ước, và không thể xử lý vấn đề trên bàn hội nghị, thì nước Mỹ sẽ phải xử lý vấn đề trên biển, với sức mạnh hải quân của mình. Theo ông, « Một khi điều đó xảy ra, rõ ràng là nguy cơ đối đầu gia tăng."
Theo giới quan sát, sự xuất hiện hiếm hoi đồng thời của cả ba nhân vật Clinton, Panetta và Panetta tại cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ đã phản ánh quyết tâm của chính quyền Obama muốn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được nhanh chóng phê chuẩn.
Có điều là nước Mỹ đang trong giai đoạn tranh cử, trong dư luận, đặc biệt là phía đảng Cộng hòa vẫn có người phản đối Công ước đó, cho nên chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry đã có phản ứng rất thận trọng. Ông đã quyết định không cho bỏ phiếu về văn kiện này trước kỳ bầu cử vào cuối tháng 11 năm nay.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment