Monday, August 13, 2012

Olympic với người Việt và chuyện quan đi tham quan


 
Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 12.8.2012
Olympic với người Việt và chuyện quan đi tham quan
Ở VN hiện nay, đó chính là hai đề tài nóng nhất, được người dân bàn tới nhiều nhất. Trong khi phải vật lộn với cuộc sống chật vật khó khăn, người dân tìm một cái gì đó để có chuyện mà nói cho đỡ buồn cái mồm “ăn kiêng” nhạt thếch toàn rau vì cái túi tiền mới nửa tháng đã lép kẹp. Chuyện nhẹ nhàng và vô thưởng vô phạt đó là những chuyện về thể thao. Vậy xin nói chuyện Olympic với người VN trước.
Thật ra người VN đón Olympic không nồng nhiệt bằng các kỳ bóng đá World Cup nam hay nữ. Bởi người Việt mê bóng đá hơn các môn thể thao khác. Cá độ cũng chỉ sơ sơ, chưa có vụ nào bị bắt. Tiếc rằng trong phạm vi bài này, tôi không có dịp tường thuật mấy trận chung kết bóng đá nam và nữ khá hấp dẫn. Bởi bóng đá cũng chỉ là một môn thể thao trong Olympic như các môn khác.
Hàng ngàn tin tức, hình ảnh về Olympic trên các trang báo, trang web, bạn đọc đã biết quá nhiều nên tôi không nhắc lại làm mất thì giờ của quý bạn. Ở đây tôi chỉ nói đến chuyện người dân VN đối với kỳ Olympic này.
Ông truyền hình “bù lỗ” cho dân
May mắn là các đài truyền hình VN, dường như “thông cảm” được cái tình cảnh dân đang đói, nên đã “bù lỗ” cho khán giả bằng rất nhiều đài, nhiều kênh, nhiều chương trình thể thao đặc biệt về Olympic. Cả đến dân nhà tranh vách ván, chỉ có cái “ăng ten râu” ở tuốt “vùng sâu, vùng xa”, xem truyền hình miễn phí cũng được xem “tơi bời hoa lá”. Từ đài Hanoi đến đài Sài Gòn và đôi đài tỉnh lẻ cũng chiếu tới, chiếu lui về Olympic. Còn những nhà sang hơn một tí, có đài TH cáp, có K+, tùy theo túi tiền, xem đến… phát ốm.
http://files.myopera.com/dangthuytram/blog/bacho90.JPG
Đấy là chưa kể đến đài nước ngoài như ESPN, StarSports cũng cho xem cọp. Ngày nào, giờ nào cũng có tin Olympic, hết bản tin đến muôn màu olympic, cả đến chuyện kể đằng sau, phía trước, bên cạnh các “vận động viên” thay vì "lực sĩ thế vận hội" (xin nói rõ VĐV là chữ nghĩa của các báo ở VN, chỉ các võ sĩ thi đấu bất cứ môn nào. Vậy xim tạm dùng chữ nguyên bản của các báo này cho đúng với những gì cần tường thuật).
Ngay cả các khu chợ, khu công viên, dinh thự cổ kính, khu thương mại cho đến nhà đóng cửa mở cửa cũng được truyền hình đầy đủ cho dân VN ta há mồm ra coi chơi. Chẳng biết các Đài Truyền Hình ở VN đã cử bao nhiêu phóng viên đi Luân Đôn, vác bao nhiêu máy móc, bao nhiêu phương tiện và chi bao nhiêu ngân sách cho những vụ “phóng viên tường thuật từ Luân Đôn” này.
Kể ra thì cũng vui thật, vui đến quên đói, quên uống nước luôn. Nói như nhà văn Mai Thảo là “cũng đủ lãng quên đời” thật sự. Có nên hoan hô ông truyền hình một phát không nhỉ? Nên chứ, còn hơn là như mấy tháng trước kia, chỉ anh nhà giàu mới được coi bóng đá còn anh nhà nghèo coi toàn quần vợt, đua xe dài ngoằng và xem các tay tư bản đánh gôn.
Cờ rong trống mở xuất quân rầm rộ, hứa hẹn tưng bừng
Tối 8/7, Lễ xuất quân đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Lodon 2012 đã được tổ chức tại Hà Nội. Các khoản tiền thưởng được hứa sẽ dành cho các tuyển thủ nếu giành được huy chương cũng rất lớn. Nếu ước tính cả từ tiền thưởng theo quy định của nhà nước lẫn tiền các doanh nghiệp hứa thưởng, tuyển thủ giành Huy Chương Vàng (HCV) có thể nhận tới 1 tỉ đồng, Huy Chương Bạc (HCB) nhận 600 triệu đồng và Huy Chương Đồng (HCĐ) nhận 400 triệu đồng.
Đoàn thể thao VN lên đường dự Olympic cũng được người dân tiễn đưa và hy vọng nhưng rất tiếc…
Ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012 cũng đã long trọng hứa với đồng bào “sẽ phấn đấu mang lại vinh quang cho đất nước”. Nhưng ông đã lãnh đạo đoàn VN mang lại những gì, ta sẽ biết sau.
Trong danh sách đoàn thể thao Việt Nam dự Thế vận hội 2012 London, khai mạc từ ngày 27-7, có 56 người nhưng chỉ có 18 người thực sự tham gia tranh tài!
Các vị “ăn theo” đội Việt Nam đi Olympic gây tranh cãi
Theo Tin tức Online của VN: “Việc cử một lực lượng khá đông các thành viên đi theo hỗ trợ cho các tuyển thủ đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic London bao gồm 56 thành viên. Trong số này chỉ có 18 VĐV của 11 đội tuyển, nhưng có tới 38 người “ăn theo”. Ngay từ khi bản danh sách đoàn được công bố, việc số người “ăn theo” gấp hơn 3 lần số VĐV trực tiếp thi đấu đã gây ra nhiều ý kiến thắc mắc từ dư luận và báo chí.
Trong số đội quân “ăn theo”, môn teakwondo có số thành viên đông nhất, lên tới 6 người. Các đội khác cũng trung bình khoảng 3 người, trong đó tính cả các chuyên gia, bác sỹ...”.
Tôi chỉ nêu một ý kiến của người dân lên tiếng trên các báo:
Bạn Lãng Du viết: “Mấy khi có dịp đi châu Âu miễn phí như vầy, phải tranh thủ cơ hội chứ, ai không “có vé” thì đừng ganh tị.
Các bác thông cảm, bốn năm mới có một lần chứ chẳng dễ gì. Nhân chuyện “quan nhiều hơn lính” này tôi nhớ cách đây cũng khá lâu rồi, Ủy Ban TDTT (Thể dục thể thao) lập đoàn cán bộ sang Trung Quôc mua tấm biển điện tử (thường dùng trên sân bóng đá). Mua cái ấy mà cũng lập cả một đoàn sang Trung Quốc thì quả là khôi hài”.
Danh sách tuyển thủ VN và các môn thi
Nhưng chuyện quan lợi dụng cơ hội đi tham quan, chúng ta bàn đến ở đoạn sau. Xin trình bày tiếp danh sách các đấu thủ và các môn thi để bạn đọc tiện theo dõi:
Danh sách 18 VĐV chính thức đến Olympic London 2012 bao gồm:
- Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng, Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục dụng cụ)
- Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng)
- Văn Ngọc Tú (judo)
- Nguyễn Thị Lụa (vật)
- Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh (teakwondo)
- Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh (điền kinh)
- Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)
- Phạm Thị Hài, Phạm Thị Thảo (rowing)
- Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm)
- Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thị Thúy (cử tạ) và
- Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội)
Trong số này có một số không ít được các quan chức thể thao cho rằng có nhiều hy vọng đoạt huy chương, không kể vàng, bạc hay đồng như bắn súng, vật, đi bộ, taekwondo, judo.
0084
Chờ huy chương như… hòn vọng phu
Nhưng coi bộ các anh phóng viên tại Luân Đôn ít có chuyện gì để nói đến 18 tuyển thủ VN đi thi đấu ở Olympic và 38 vị gồm HLV, săn sóc viên, giới chức “có trách nhiệm” của VN đi theo với mục đích làm rạng danh thể thao nước ta trên đấu trường quốc tế. Mỗi khi có giải thường dù là huy chương vàng, bạc hay đồng đều được treo cờ cho cả thế giới “biết mặt anh hùng”. Nhưng tiếc rằng từ hôm đi “thi đấu” đến nay, gần hết Olympic mà chưa thấy mấy anh phóng viên “đài nhà” tường thuật một lần treo cờ nào dù là treo bên trái hay bên phải bục huy chương, chứ nói gì tới chuyện treo cờ ở giữa bục danh dự. Dân Việt cứ dài cổ ra chờ giây phút đó mà chưa thấy đâu. Nay lại hy vọng ngày mai, mai lại hy vọng vào ngày mốt, cứ như hòn vọng phu vậy. Đến khi tôi viết bài này, đoàn VN chưa có tí huy chương nào, ngày cuối cùng chỉ còn 2 môn nữa chưa thi. Cầu trời cho một tấm huy chương cho đỡ “chổng mông mà gào”.
Văn Ngọc Tú là võ sĩ đầu tiên của đoàn Tuyển Thủ VN tranh tài tại Olympic London
và cũng là hy vọng judo của VN
Nhiều buổi tối, ngồi ở các quán cà phê, người ta vẫn nói với nhau “mình chưa được cái huy chương nào bác nhỉ?”. Phải thành thật nói rằng dù thế nào thì người VN cũng mong mỏi hết lòng cho chiếc huy chương của các võ sĩ VN với lòng thương yêu thật tình. Tuy nhiên, việc chưa được cái huy chương nào không phải là điều bất ngờ đối với khán giả VN, bởi ngay từ đầu, công chúng VN đều biết rằng đây là cuộc thi tài rất khó khăn. Các võ sĩ VN, cả nam và nữ đều thua xa các tuyển thủ quốc tế.
Huỳnh Châu đã thua nhanh trước đối thủ Đài Loan ở ngay trận đấu
Đi học hay đi thi đấu?
Những tuyển thủ VN với đời sống khó khăn, chỉ nhận được sự giúp đỡ nửa vời hoặc không nhận được gì cả, song họ đã hết lòng hết sức cho sự nghiệp thể thao của mình. Họ rất xứng đáng nhận được lòng thương yêu của công chúng. Nhưng… sức người có hạn, không được đầu tư, không được rèn luyện đến nơi đến chốn, làm sao trèo lên cao được. Ngay cả khi chấn thương chưa lành cũng không được chữa trị như trường hợp của Nguyễn Thị Lụa, môn vật, để thua ngôi sao gốc Việt Carol Huỳnh (Canada) ngay trận mở đầu 0-5.
Cái khẩu hiệu hay lời tuyên bố “đi để học hỏi” chỉ là sự an ủi, hoàn toàn không có tính thuyết phục. Sân chơi Olympic là để thi đấu chứ không phải đi học. Muốn học thì đi chỗ khác. Hay là các ông ấy muốn nói đi học bị đá, bị đấm cho quen? Nếu nói thế thì kẻ hèn này đành “chịu thầy”, đúng là “thầy chạy!” Vào sân Olympic cũng như vào sân bóng tranh giải vô địch, vào là để thắng, chứ không phải để học hay để thua.
Cần nói rõ là công chúng VN không trách móc gì các tuyển thủ trẻ của VN. Vấn đề chính không ở trong tay “vận động viên” mà là ở những người có trách nhiệm với tương lai thể thao VN. Không trồng cây hay không biết cách nuôi dưỡng cây thì làm sao hái quả?
Chúng ta cũng không quá nặng về thành tích như bắt trẻ em 5-6 tuổi phải vào trại tập trung, ngày đêm học đủ môn thể thao nặng như lao động khổ sai, cướp mất đời sống tươi đẹp nhất của các em, chỉ để làm thế nào cho quốc gia mình đoạt nhiều huy chương nhất. Thứ huy chương như thế chỉ là thứ bánh vẽ, công việc của kẻ nhào nặn những cục đất sét thành huy chương, chứ chẳng vinh dự gì.
Đừng “đổ tội” cho người khác
Không được huy chương vì không bằng người, thua là thua. Nhưng có một vài ông “quan thể thao” lại mượn cớ này cớ khác để “chạy tội”, để “đính chính” một sự thật quá rõ ràng. Xin chứng minh một kiểu “tại, bởi, vì” được một quan chức thể thao lôi ra như một lý do “chính đáng” giải thích cho việc võ sĩ VN thua.
Quốc Toàn sau khi không được huy chương.
Xin lấy ngay một nhận định trên ngay trang báo trong nước VN Express ngày 07-8-2012 và được hầu hết các báo ở VN đăng lại:
"Quốc Toàn mất huy chương vì bị ... cổ vũ to".
“Tiếng cổ vũ quá to của hai du học sinh Việt Nam tại Anh trong đêm thi đấu cử tạ nội dung 56kg, khiến Quốc Toàn mất tập trung. Đó là tiết lộ mới đây từ Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, khiến tất cả phải “sốc”. Ông Giang là người cũng có mặt trong đêm Quốc Toàn thi đấu. Việc lực sĩ này đánh rơi huy chương, theo ông Giang, là rất thua oan uổng.
Theo ông Giang, lúc Toàn đang tập trung thực hiện ở nội dung cử giật (?), cả nhà thi đấu im lặng nhưng bất ngờ ở một góc, có hai du học sinh Việt Nam đã hô rất to: “Việt Nam vô địch, Việt Nam vô địch”. Chính sự “phá bĩnh” vô tình này đã khiến lực sĩ người Việt Nam không giữ được tập trung, thậm chí bị tâm lý.
Đây thực sự là câu chuyện hy hữu với đoàn thể thao Việt Nam trong những lần tham dự sân chơi Olympic”.
Lời giải thích chỉ là buồn cười và thiển cận:
Ngay sau đó, một học sinh đang du học tại Luân Đôn, là người đã hô to cổ động cho Quốc Toàn đã có lời giải thích:
“Sở dĩ chúng tôi hô cổ vũ trong sự im lặng (trước khi Toàn cử tạ) là vì chúng tôi muốn cho Toàn biết rằng có cổ động viên Việt Nam ở đây đang cổ vũ cho em".
Tôi chính là một trong số 2 cổ động viên hôm Quốc Toàn thi đấu nhưng xin đính chính là không có ai nói câu “Việt Nam vô địch” mà chỉ có “Việt Nam come on - Việt Nam cố lên” thôi. Bản thân tôi cũng có một hai lần hô: “Toàn ơi cố lên em”. Thật ra sau tiếng hô cổ vũ, Quốc Toàn vẫn còn 1 phút để chuẩn bị”.
Như thế đã quá rõ ràng, không phải vì tiếng hô cổ vũ đã làm cho võ sĩ VN thua. Bởi Quốc Toàn còn tới 1 phút để chuẩn bị và hơn thế, một võ sĩ được huấn luyện hẳn hoi phải có tâm lý thi đấu vũng vàng chứ không vì một tiếng cổ vũ mà mất tinh thần. Một độc giả VN cho rằng lời kết tội hai du học sinh là chuyện buồn cười:
Ban Vũ Trung Giang viết: “Thắng thua là chuyện bình thường. Miễn là vận động viên đã cố gắng hết mình. Không ai trách Toàn cả. Thế nên không cần đưa ra lý do rất buồn cười “cổ vũ to” mà để giải thích cho thành tích của mình. Đã là thi đấu đỉnh cao thì phải có sự rèn luyện và chuẩn bị tâm lý tốt cho các tình huống”.
Bạn Hoàng X Vịnh cho đó là “sự thiển cận trong việc đổ lỗi, của những người bình thường - nhà vô địch, người thành công không có tật này”.
Đừng quanh co nữa
Đây chỉ là một chuyện khôi hài khiến người bình dân cũng không thể chấp nhận được. Ngay cả chuyện đổ tội cho võ sĩ bốc thăm “kém may mắn” nên mới thua cũng không thể có trong thi đấu đỉnh cao. Nếu giả dụ như võ sĩ may mắn lần này không gặp đối thủ “nặng ký” hơn, thì vòng sau cũng phải gặp đối thủ đó mới vô địch được.
Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đừng quanh co nữa. Võ sĩ của ta thua vì đâu, kém như thế nào, cần phải cải tiến ra sao thì may ra trong những lần tranh tài sau mới mong có được một kết quả làm người dân hài lòng, chứ không buồn như bây giờ. Và khi buồn tủi, người dân lại nghĩ đến cái thân phận nghèo kiết xác của mình, trong khi các tổ chức khác cứ xài tiền đóng thuế mồ hôi nước mắt của dân đi “tham quan” một cách vô tội vạ.
Nếu dành tiền đó đầu tư vào thể thao nhiều hơn chắc đã không có cảnh trắng tay rồi đổ tội loanh quanh này. Còn hơn là để tiền cho các quan lấy tiếng đi học tập nhưng thực chất là lấy tiền công quỹ đi “cưỡi ngựa xem hoa”.
Ngay trong những ngày sôi nổi vì Olympic trắng tay, lại có nguồn tin như… đấm vào mặt các nhà thể thao không có ngân sách đào tạo thế hệ trẻ. Xin tóm tắt:
“400 sếp điện lực đi nước ngoài “học hỏi”
Tập đoàn mẹ vừa tăng giá điện 5% hồi đầu tháng 7 với lý do lỗ, thì Tổng Công ty Điện lực miền Nam có kế hoạch đưa 400 giám đốc, phó giám đốc đi tham quan học tập nước ngoài. (Xin ghi chú “tham quan” ở đây có nghĩa là đi du lịch, đi “xem cho biết” chứ không phải là quan tham tức quan tham nhũng).

Một danh sách dài các giám đốc, phó giám đốc đơn vị điện lực và chi nhánh điện cao thế của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) được cử đi “học hỏi” ở 3 nơi là Hong Kong - Thẩm Quyến, Hàn Quốc, Đài Loan.
Danh sách này chia làm 18 đoàn, mỗi đoàn 20-30 người. Thời gian mỗi chuyến tham quan trong vòng 5-7 ngày. Với kế hoạch đi Hong Kong - Thẩm Quyến, từ đầu năm, SPC đã tổ chức 3 đoàn, 3 đoàn còn lại dự kiến sẽ khởi hành từ ngày 12/8 đến 31/8. Có 6 đoàn đi Hàn Quốc rải đều từ cuối tháng 7 đến 22/9. Kế hoạch cho 6 đoàn đi Đài Loan dự định được thực hiện vào cuối tháng 10 năm nay…
Trong đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của SPC từ năm 2011 đến 2015, dự tính các năm sau số cán bộ được đưa đi đào tạo nước ngoài cũng hơn 300 người. Tổng cộng trong 4 năm từ 2012 đến 2015, khoảng 1.500 cán bộ điện lực ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó tổng giám đốc SPC (Tổng Công ty Điện lực miền Nam) cho rằng cần nhìn nhận nhiều vấn đề nếu đặt ra câu hỏi về sự “lãng phí khi cho hàng trăm cán bộ đi nước ngoài trong bối cảnh ngành điện đang lỗ”.
Quyết định cử 400 cán bộ đi tham quan, học tập nước ngoài của Tổng công ty Điện lực Miền Nam được đưa ra trong bối cảnh ngành điện lỗ hàng nghìn tỷ đồng với lý do giá bán quá thấp không đủ bù chi phí…”
Mặc dù Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã có lời phân trần và hủy 12 đoàn đi “tham quan học tập” nước ngoài. Hai đoàn còn lại vẫn lên đường do thời gian gần kề vì đã cam kết với nước đến, nhưng như thế càng lộ rõ sự sai trái từ trước tới khi bị phát hiện.
Tình sơ sơ ra cái khoản này cũng mất đến hàng trăm tỉ đồng của điện lực, lấy từ túi tiền của nhân dân từ anh nghèo mạt rệp đến anh giàu nứt đố đổ vách. Chưa kể tiền túi các vị quan chức đó cùng gia đình đi tháp tùng, mang ra nước ngoài chi phí hết bao nhiêu. Chẳng lẽ xách túi đi không về không?
Chuyện đi Tây “tham quan” métro, nhà ga của ông Giao thông Vận tải
Bạn Cường, một bạn đọc hiện ở Pháp cho biết:
“Tôi đang sống và học ở Pháp, tôi có quen với một anh bạn làm ở ngành GTVT (Giao thông vận tải), trong vòng 2 năm mà đoàn của anh ta gần 20 người sang Pháp tới 5 lần, hỏi sang làm gì anh ta nói sang học tập bằng cách tham quan.
Vâng đó là học kiểu gì thưa các bạn?
Đó là đoàn anh ta thuê một du học sinh bên này thông thạo tiếng pháp dẫn đi coi các bến métro, nhà gare... để cho các cán bộ " nhìn và học " híc. Thử hỏi như thế họ học được gì ? Trong khi họ không biết tiếng phải thuê phiên dịch là sinh viên, tiền ăn ở khách sạn đều được tài trợ, tôi thấy thật tốn kém mà không mang lại lợi ích gì cả. Thật lãng phí!”
Còn lâu
Nếu dành một phần ngân sách của những công ty độc quyền của nhà nước và dành một phần ngân sách của các cơ quan thích đưa “cán bộ” ra nước ngoài vì những lý do vớ vẩn cho ngân sách thể thao thì may biết mấy. Đoàn thể thao VN đã không phải trắng tay về như hôm nay.
Dân cũng buồn, tuyển thủ cũng mắc cỡ với dân. Chỉ có mấy ông ngoan cố là cứ nhơn nhơn đổ tội cho người khác, đổ tội cho Trời vì… lá số tử vi “kém may mắn”. Thế thì thể thao VN bao giờ mới bước ra sân chơi thế giới được! Người dân chỉ còn biết thốt lên hai tiếng: “còn lâu”!
Văn Quang

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-17/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link