Monday, August 13, 2012

Từ Chủ nghĩa Thực dân đến chủ nghĩa Dân tộc sang Chủ nghĩa Cộng sản


12/08/12 |

Từ Chủ nghĩa Thực dân đến chủ nghĩa Dân tộc sang Chủ nghĩa Cộng sản


LTG: Tham vọng xâm chiếm thuộc địa ở Á Châu là theo đuổi một ảo tưởng và đùa giỡn với hiểm nguy. Các ông đã không hiểu đầy đủ về các dân tộc Châu Á cũng không thua gì chúng ta; rằng họ đã thừa hưởng một nền văn minh lâu đời hơn chúng ta; điều đó đã được khắc sâu trong trí nhớ của họ và trong niềm tự hào của họ. Họ đã có được tự do và họ mong muốn vẫn được tự do. Thật không khó khăn gì tiên đoán rằng khi tiếp xúc với nền văn minh của chúng ta, với ngọn gió về tư tưởng giải phóng đã lan truyền trên khắp thế giới, họ sẽ mau chóng cảm thấy nhu cầu dành được độc lập-một mục tiêu và một vinh dự của mọi con người, một sự thức tỉnh và niềm phấn khởi…

Họ sẽ nổi dậy một ngày nào đó, và sự nổi dậy của họ sẽ đưa đến chiến thắng, bởi vì đó là đặc quyền của tự do để chiến thắng ở khắp nơi.”

Jules Delarosse, nghị viên, phát biểu tại viện dân biểu, ngày 22 tháng 12, 1885.
(Indochina An Ambiguous Colonization, 1858-1954. Pierre Brocheux, Daniel Hémery, trang 281)


Nguyễn Văn Lục

——————————————-

Từ Chủ nghĩa Thực dân đến chủ nghĩa Dân tộc sang Chủ nghĩa Cộng sản với chính sách Tự-Thực-dân (Auto-colonization) và chính sách Bên Lề (Marginalization)


Chủ nghĩa CS

Lời trích dẫn trên đây ngay từ năm 1885 của Nghị Viên Jules Delarosse phải chăng là một lời tiên tri? Và lời tiên tri ấy sẽ còn đúng mãi cho mọi thời đại, mọi dân tộc trong đó có sự áp bức, chà đạp lên con người – bất kể nó là do chế độ thực dân – do chế độ độc tài phát xít hay là do chế độ độc tài cộng sản hiện nay ở Việt Nam gây ra.

Tôi tin như thế và lịch sử sẽ diễn ra sau này như đã diễn ra cách đây một thế kỷ!

Chúng ta nhìn lại quá trình tranh đấu dành độc lập tại Việt Nam đã diễn ra như thế nào? Nó đã khoác áo Chủ nghĩa Dân tộc, nêu cao được lòng ái quốc ngay từ đầu do những nhà ái quốc chân chính chủ xướng.

Năm 1930 Khủng hoảng thuộc địa đã cho thấy dấu hiệu rạn nứt. Lợi dụng thời cơ chính trị sau thế chiến thứ hai và cùng lúc phong trào cộng sản lớn mạnh do Liên Xô lãnh đạo. Cộng sản Việt Nam cũng như một số nước Đông Âu đã đã thay đổi cuộc chiến tranh chống thuộc địa, hoặc chống Phát Xít biến thành cuộc chiến tranh Ý thức hệ Cộng sản-Tư Bản.

Chú thích: Sau chiến chiến thứ hai, có 4 nước Đông Âu sau đây bị Hồng quân Liên Xô nhuộm đỏ là: Ba Lan (Poland – DCVOnline), Đông Đức, Romania và Bulgary. Còn có 4 nước rơi vào tình trạng ngoại lệ là Hung Gia Lợi (Hungary), Tiệp Khắc , Nam Tư và Albania. Trong những nước này đặc biệt là có phe cộng sản trong nước nổi lên chiếm chính quyền như ở Việt Nam. (Xem Đông Âu tại Việt Nam, Lý Thái Hùng, trang 58-59, Vietnews, 2006).

Đó là một điều bất hạnh nhất cho mọi người Việt Nam. Bởi vì từ nay, sự hy sinh của người Việt Nam là sự hy sinh cho cộng sản Quốc tế. Xin hãy đi lại từ đầu.

Chủ nghĩa thực dân đế quốc

Sự phát triển kỹ nghệ lên đến tột đỉnh của Tây Phương đã đưa đến một tình trạng “khủng hoảng thừa”, khủng hoảng thặng dư hàng hóa. Khủng hoảng này có thể đưa đến sự suy sụp hệ thống tư bản phương tây. Và từ bối cảnh kinh tế các nước kỹ nghệ phương Tây đã dẫn đưa các nước này đến chỗ đi tìm thị trường tiêu thụ.

Sự cạnh tranh tìm kiếm thị trường đã dẫn đến việc phải dùng sức mạnh quân sự để chinh phục và độc quyền về thị trường. Nước Anh là kẻ dẫn đầu của chủ nghĩa tư bản đế quốc thực dân trong vai trò người đạo diễn số một.

Chế độ thuộc địa tự nó có mặt tối (Dark side) của một chủ trương “bành trướng thuộc địa”. Vì thế mà nước Pháp mới đầu sang Việt Nam chỉ để buôn bán như các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rồi sau đó dần dần ý đồ xâm lược mới thành hình.

Họ đã không phải chỉ xâm chiếm Việt Nam mà thôi mà tất cả những thị trường thế giới nào thuận lợi cho việc buôn bán.

Chủ nghĩa thực dân tóm tắt trong 4 chữ: Xâm chiếm và khai thác. Tất cả những chuyện khác chỉ là phụ.

Vì thế những người viết sử như Cao Huy Thuần trong luận án tiến sĩ sử “Les missionnaires et la politique coloniale Francaise au VietNam (1857-1914) xuất bản năm 1969 của ông đã cho rằng việc xâm lăng nước ta đi đôi với việc truyền đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam. Thiên Chúa giáo “mở cửa” cho người Pháp vào xâm chiếm Việt Nam. Đồng thời cũng muốn chứng minh sự tiếp tay của giám mục Puginier trong việc này. (Giám mục Paul Francois Puginier, 1835-1892, là người có trách nhiệm tán đồng và hỗ trợ chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam). Sự khoanh vùng về sự hợp tác giữa Thiên Chúa giáo Pháp và Thực dân Pháp trong khoảng thời gian 1857-1914 rơi đúng vào thời điểm Puginier đang làm giám mục ở Đàng ngoài. Khoảng thời gian 1857-1914 không tương ứng với chiều dài lịch sử của Thiên Chúa giáo có mặt ở Việt Nam vào năm 1533. Đồng thời cũng không tương ứng với chiều dài lịch sử của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Hơn nữa, một cá nhân Puginier không đủ mang sức nặng trách nhiêm lịch sử để đề ra một chính sách truyền đạo ở Việt Nam hoăc chỉ ra cho chính quyền Pháp phải làm gì.

Và cũng đừng nên quên rằng trên cả nước Pháp, còn có một thẩm quyền cao hơn họ là Vatican để điều động những tăng lữ sang truyền đạo ở Việt Nam, trong đó có những giáo sĩ người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha. Họ có những giáo đoàn riêng và phân vùng truyền đạo riêng của họ.

Họ không bị chi phối hoặc chỉ đạo bất cứ về phương diện gì bởi Hội truyền giáo Ba Lê. Và họ chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp với thẩm quền Vatican mà vị đại diện là khâm sứ tòa thánh.

Hơn nữa, chính sách của Vatican không đi theo đường hướng của nước Pháp mà ngược lại Vatican chủ trương “bản địa hóa” giáo hội bản xứ bằng cách truyền chức cho 4 vị Giám mục Việt Nam tiên khởi. Những vị này có nhiệm vụ thay thế dần các giám mục phương Tây.

Luận án cho thấy không chú trọng cho đủ đến hai đối tác chính trong vấn đề xâm lăng của Pháp ở Việt Nam: Đó là triều đình Huế và chính quyền thực dân Pháp. Cả luận án hầu như không nói gì đến vai trò và trách nhiệm của triều đình Huế cũng như ý đồ xâm lăng của thực dân Pháp trong việc mất nước.

Một nhóm gồm 600.000 giáo dân thời đó phần đông đều thuộc thành phần ít học, nhà quê nhà mùa, sống hẻo lánh ở các vùng ven biển không đủ tư cách để “bán nước”, mà muốn bán cũng không được.

Không ai đặt câu hỏi là giả dụ không có những nguời Thiên Chúa giáo giáo quê mùa, dốt nát này thì liệu Việt Nam có mất vào tay Pháp hay không?

Trên thực tế, các cuộc nhượng địa cho Pháp đều chính thức được ký kết giữa triều đình Huế và đám quan lại bất tài,cố chấp và nhu nhược và đại diện chính quyền Pháp.

Những suy luận gán ghép, một chiều và võ đoán, không nhìn đầy đủ lịch sử thế giới. Nhất là không nhìn cho rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân là gì?

Cùng lắm việc truyền đạo chỉ là cái cớ lợi dụng ắt có và đủ của một vài lãnh đạo tôn giáo mà người Pháp cố tình che dấu cái mục đích bành trướng thị trường thuộc địa của họ.

Người viết có không biết bao nhiêu những lá thư của các linh mục người Pháp gửi về cho gia đình và được bà Đặng Phương Nghi dịch ra tiếng Việt để thấy được tấm lòng của họ, lý tưởng của họ cũng như những khó khăn mà họ phải đương đầu.

Tại sao ông Cao Huy Thuần không muốn nhắc nhở đến một lá thư nào trong đống tài liệu ở thời kỳ ấy?

Nếu có sự cấu kết giữa tôn giáo và chính trị, chúng ta sẽ giải thích thế nào về việc Pháp xâm chiếm Tunisie, Algérie, một phần Trung Hoa, các nước Châu Phi sau đó có Việt Nam, Cam Bốt, Lào? Mục đích truyền đạo nào ở những nước này? Trong khi đạo Thiên Chúa đã được đưa vào Việt Nam từ rất sớm trong khi Thực dân Pháp đến chậm hơn ba thế kỷ?

Nhìn lại cho thấy việc khai thác thuộc địa tính đến cuối thế kỷ 19, nước Pháp đã cộng thêm diện tích đất đai của mình rộng thêm 4 triệu dặm vuông. Và riêng mảnh đất Đông Dương đã đem lại con số tổng cộng 270.000 dặm vuông.

Vào năm 1890 đến 1914, một phúc trình về số đầu tư của tư nhân Pháp vào Việt Nam đạt con số kỷ lục 126.8 triệu đồng gold francs. Trong đó 57% đầu tư vào kỹ nghệ, 10% vào nông nghiệp và 33% vào thương mại. Trong đó 75% được đầu tư ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ.

Tên các công ty nổi tiếng của Pháp ở Đông Dương như: công ty len sợi Bourgoin-Meiffre, Société-cotonnière de l’Indochine, Société cotonnière du TonKin, Société des ciments de Porland, công ty Francaise d’entreprise de dragages et de travaux publics. Compagnie des Tramways de l’Indochinevv. (Trích Indochina, Ibid, trang 161-162).

Hai nước đông dân số nhất Á Châu là Trung Quốc và Ấn Độ như ta thấy hiện nay là những cường quốc đáng nể. Nhưng vào thời bấy giờ lại chỉ là những dân tộc cực kỳ nghèo đói không khác gì các nước Phi Châu hay Châu Mỹ La tinh.

Họ trở thành một thị trường béo bở cho các nước đế quốc thực dân đến khai thác, xâu xé xẻ thịt chẳng khác gì đàn sư tử cấu xé một con nai.

Nhưng chính từ những hoàn cảnh bị bóc lột, bị khai thác thị trường, bị xỉ nhục đã trỗi dạy và thức tỉnh tinh thần và niềm tự hào dân tộc của các nước này trên toàn thế giới như trong lời phát biểu của Jules Delarosse ngay từ năm 1885.

Chủ nghĩa Dân tộc

Chủ nghĩa Dân Tộc thường bắt đầu và thành hình từ một thể chế quốc gia hay từ một chính quyền. Lúc đó được gọi là một quốc gia có chủ quyền (Nation-State) phân biệt với các quốc gia khác.

Khi có một quốc gia có chủ quyền, để bảo vệ quốc gia ấy, chủ Nghĩa Dân Tộc hay Chủ nghĩa yêu nước trở thành tiếng gọi lý tưởng của toàn dân chúng khi đất nước có lâm nguy.

Đối với người Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc tồn tại, bàng bạc trong các chiến dịch quân sự của các vị anh hùng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Tây Sơn nhằm chống lại sự xâm lăng của kẻ thù từ phương Bắc.
Đến thời Thực Dân Pháp thì chủ nghĩa dân tộc đồng nghĩa với với việc chống lại Thực dân Pháp ngay từ 1900 đến 1939.


Sự xâm lăng của người Pháp vào Việt Nam đưa đến hai thái độ tiêu biểu của giới sĩ phu trước khi có cộng sản nhập cuộc:

Thái độ tranh đấu ôn hòa: Tranh đấu ôn hòa nhắm mục tiêu làm thế nào để Việt Nam phát triển đủ mạnh để có thể đương đầu với người Pháp. Đó là các Phong trào Cần Vương (1885-1912), phong trào Văn Thân (1907-1908), phong trào Đông Du ((1905-1939). Phong trào Duy Tân với Phan Bội Châu, tác gỉả cuốn Viet Nam vong Quốc sử. Hoặc những người như Nguyễn Trường Tộ (NTT). NTT đã dâng lên nhà vua những bản văn tham luận như Tế Cấp Luận, Giáo Môn Luận bàn về những việc phải làm ngay để canh tân, tự lực, tự cường phát triển đất nước. Tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ muốn đánh bại tư tưởng chủ bại- theo định mệnh thuyết – của một số quan lại trong triều đình và thức tỉnh niềm tự hào dân tộc. Triều đình đã ngoảnh mặt làm ngơ trước những tấu chương của NTT – một thái độ trái ngược hẳn với tinh thần của Nhật Bản.

(Chú thích: xem thêm Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Trương Bá Cần, 1988).

Ngoài khuynh hướng chủ bại, một số lớn sĩ phu chủ trương chống lại Pháp bằng võ lực. Họ không chấp nhận thái độ chủ bại của triều đình Huế. Chủ trương chống Pháp bằng võ lực xảy ra liên tục, nhưng lẻ tẻ, cá thể từ Nam chí Bắc rất là nhiều, gây khó khăn cho người Pháp như: Trương Công Định 1862, Tri huyện Toại và Thiên Hộ Dương 1865, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân 1868, Đoàn Công Bửu, Nguyễn Xuân Phụng 1874, Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Liệt 1885. Mai Xuân Thưởng rồi Trần Văn Dự, tiếp theo Nguyễn Phạm Tuân, rồi Nguyễn Xuân Ổn đến Phan Đình Phùng. Tiếp theo nữa là Tán Thuật rồi Đốc Quế, Đốc Thây, Tiền Đức, Ba Phúc, Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám và những nhân vật có uy tín như Kỳ Đồng, Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Trần Chánh Chiếu, Lê Hồng Phong…

(Trích tóm lược trong Niên Lịch Công Đàn, ban sưu tầm gồm Nguyễn Ngọc Phách, Phạm Xuân Thái, Nguyễn Văn Hộ, Đặng Trần Lân, Nguyễn Văn Ry, Nguyễn Đình Tuấn, 1960, trang 153-15).

Nhưng gây chấn động và biểu tượng nhất là cuộc nổi dậy của Nguyễn Thái Học, tại Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Tòa án Pháp kết án 80 án tử hình và 594 người bị tù khổ sai chung thân Nguyễn Thái Học, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân đảng cùng với 12 đồng chí bị xử chém ngày 17.6.1930. Trước khi chết, họ còn hô to Viet Nam vạn tuế. (Trích tóm lược Indochina Pierre Brocheux, Daniel Hemery, trang 316).

Cho nên đối với đa số người dân, chủ nghĩa dân tộc trở thành ý nghĩa, lý tưởng đời người. Tình tự dân tộc là tình tự quê hương, đất nước, con người.

Tình tự dân tộc ấy có thể thấy nơi nhiều dân tộc khác trên thế giới như chủ nghĩa dân tộc của dân Ái Nhĩ Lan, dân Ấn Độ, dân Ai Cập, v.v… Và nó thể hiện cụ thể nơi các Liên minh dân tộc như Liên Minh các nước Ả Rập, 1945, Liên minh Phi Châu da đen (Panafrican, chống lại người Anh). Hoặc các đảng phái Quốc Gia như Quốc Dân Đảng, Sinn Fein, Congress, Wafd, Đồng Minh Hội, v.v…

Và mỗi dân tộc có những biểu tượng anh hùng cho từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử.

Những nhân vật lãnh đạo này là những người yêu nước tranh đấu cho quyền lợi dân tộc của đất nước họ. Từ Phi Châu sang Á Châu, từ các nước Ả Rập, từ các nước nói chung được gọi là nhược tiểu.

Nước nào thì có anh hùng nấy.

Họ là tiêu biểu, là những mẫu người của thời đại. Họ là những Nehru, Nasser, Sukarno, Nyerere, Nkrumah.

Chính vì thế chủ nghĩa dân tộc thường được đồng hóa với chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và được coi như chỗ đứng của con người, cội nguồn của mỗi con người.

Đối với Lý Chánh Trung, một trí thức thiên tả, dấn thân và nhập cuộc chỉ có một tư tưởng nồng cốt: Tìm về dân tộc, đặt dân tộc lên trên tất cả.

Dân tộc trên lý thuyết, trên chủ nghĩa, trên Quốc Gia, trên đảng phái, trên quyền lợi cá nhân.

Và chỉ qua dân tộc, người thanh niên mới tìm được chỗ đứng cho mình. Ông viết:
Và qua dân tộc, người thanh niên trí thức đã tìm được chỗ đứng. Lòng chúng tôi cũng rợp bóng gươm đao như lòng dân quê đất Việt. Và ít nữa là trong lúc ấy, chúng tôi đã tìm được một chỗ đứng, trên mảnh đất Quê hương. (..) Vì tôi không thể chọn lựa dân tộc, cũng như không chọn lựa gia đình tôi, nhưng đã là người thì chỉ có thể thành người giữa một gia đình, một dân tộc”.(Trích Tìm về Dân tộc, Lý Chánh Trung, trang 86-88, nxb Trình Bày).


Thật không có gì đúng hơn. Nhưng Lý Chánh Trung đã gián tiếp cài đặt “cũng rợp bóng gươm đao” một cách chỉ thị gián tiếp kháng chiến Việt Minh cộng sản.

Đó là chỗ sai lầm, ảo tưởng. Cũng chính vì quan điểm cài đặt chủ nghĩa dân tộc vào phong trào kháng chiến do Việt Minh chủ động đã dẫn đưa cả một thế hệ thanh niên Việt Nam lao vào chiến tranh tiêu phí hàng triệu sinh mạng con người một cách oan uổng.

Tại sao lại có một nhận định tiêu cực như thế về dân tộc?

Sự lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cho những chiêu bài chính trị.

Vấn đề rõ rệt là không phải chỉ có một chủ nghĩa dân tộc mà có nhiều chủ nghĩa dân tộc. !Chủ nghĩa dân tộc có thể trở thành chiêu bài, bị lợi dụng, bị che đậy với nhiều ẩn ý và âm mưu khác.

Sự lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cho những chiêu bài chính trị cũng đã từng xảy ra trong lịch sử của nhiều nước .. Đến nỗi người ta có thể nói rằng có bao nhiêu quốc gia thì bấy nhiêu chủ nghĩa dân tộc!

Tại Âu Châu, thế kỷ 19, những tư tuởng bành trướng thế lực của các đế quốc Âu Châu cũng khoác áo dân tộc để có cơ hội xâm chiếm các nước thuộc Phi Châu và Á Châu. Chủ nghĩa dân tộc được che đậy khéo léo dưới chiêu bài khai hóa văn minh mà thực chất chỉ là tham vọng bành trướng thuộc địa.

Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái cũng nhân danh chủng tộc hay sự ưu thế của dân tộc Đức của mình, khích động tinh thần tự hào chủng tộc trong việc diệt trừ các chủng tộc bị coi là hạ đẳng, không xứng đáng.

Ở Việt Nam, sau thế chiến thứ hai, khi mà chiến tranh lạnh bắt đầu xảy ra giữa Chủ nghĩa Tự Do và Chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa Dân Tộc được cất dấu trong túi áo đã được lôi ra dùng dưới những chiêu bài nửa thực, nửa hư như “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, “yêu chủ nghĩa xã hội, chống đế quốc Mỹ và tay sai bán nước”.
Tôi đã nhìn thấy một bức hình rất ý nghĩa, hình ảnh 5 nghĩa quân mặc đồng phục màu đen, người đứng phía tay mặt có thể chỉ đeo bên mình một thanh gươm, người thứ hai có thể đeo súng và người chót cầm lá cờ đỏ sao vàng, đằng sau họ treo một biểu ngữ: Hy sinh vì tổ quốc!


(Trích: Viet Nam, 1945, The Quest For Power, David G. Marr, trang 233)

Tổ Quốc nào đây?

Hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh và bỏ mình vì bốn chữ: Hy sinh vì tổ quốc, vì độc lập dân tộc để chống thực dân trong thế kỷ 20 mà thực ra là để cổ súy và áp đặt chủ nghĩa xã hội, sau khi đã thu hồi được độc lập!

Ông Bùi Tín trong Mặt Thật đã đặt câu hỏi, “Một vấn đề rất lớn về ông Hồ Chí Minh: Ông là người yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc hay là một người cộng sản?”

Câu trả lời của ông Bùi Tín là:

Về sau dần dà, ông trở nên cán bộ của quốc tế cộng sản Ba, ông bị ảnh hưởng lớn của Stalin và Mao Trạch Đông, đích của ông là giải phóng, giành lại độc lập cho đất nước và đích cao hơn nữa là cách mạng vô sản ở Đông Dương, ở Châu Á và toàn thế giới”.
(Trích Mặt Thật, Hồi ký chính trị của Bùi Tín, Thành Tín, Turpin Press, 1994, trang 97).


(Còn nữa)

© Nguyễn Văn Lục

© Đàn Chim Việt






 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-16/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link