Thursday, September 27, 2012

Ấn Độ: Đinh chốt của trục xoay chiến lược Mỹ hướng về châu Á?


 

 

Ấn Độ: Đinh chốt của trục xoay chiến lược Mỹ hướng về châu Á?

 

Ninan Koshy, Eurasia Review, 23 September 2012

Trần Ngọc Cư dịch


Văn kiện tháng Giêng 2012 của Lầu năm góc về Chỉ đạo Chiến lược (Strategic Guidance), nhan đề “Duy trì vị trí lãnh đạo toàn cầu: Những ưu tiên cho Thế kỷ XXI”, đã khai mạc một cuộc chiến tranh lạnh mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa Mỹ và Trung Quốc. Văn kiện này khẳng định rằng Mỹ nhất thiết sẽ tái quân bình lực lượng, hay “xoay trục chiến lược” hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của tái quân bình là “vị trí lãnh đạo toàn cầu” của Mỹ, một mỹ từ của đế quốc, được duy trì bằng ưu thế quân sự.




Quan hệ Ấn-Mỹ

Văn kiện này dành một vị trí nổi bật cho Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ, một điều gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát thời sự. Trong khi một mình Ấn Độ được rõ ràng nói đến như một đối tác chiến lược, thì các đồng minh lâu đời như Nhật Bản, Australia, và Nam Hàn được gộp chung dưới từ ngữ “những đồng minh hiện hữu”. Trong chuyến thăm viếng Ấn Độ lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta còn cường điệu, gọi sự hợp tác quốc phòng với Ấn Độ là “then chốt trong chiến lược của Mỹ” tại châu Á.

Trong cái tạm gọi là chính sách ngoại giao dựa trên bản đồ (cartographic diplomacy), Mỹ muốn chứng minh rằng có một sự hợp lưu địa chiến lược và thậm chí cả lãnh thổ giữa Mỹ và Ấn Độ ở trong khu vực này. Văn kiện Chỉ đạo Chiến lược tháng Giêng, chẳng hạn, cụ thể nói đến “vòng cung chạy từ Tây Thái Bình Dương và Đông Á xuống Ấn Độ Dương và Nam Á”. Trong một bài báo đăng trên Foreign Policy tháng 11 năm 2011, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton định nghĩa châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chạy dài “từ tiểu lục địa Ấn Độ đến bờ Tây của châu Mỹ và Mỹ La tinh. Khu vực trải rộng trên hai đại dương – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – ngày càng được nối liền bằng hàng hải và chiến lược”. Điều đáng lưu ý ở đây là việc sáp nhập Nam Á trong địa bàn của chiến lược xoay trục qua châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Từ lâu Nam Á thường được coi là một tiểu khu vực chiến lược riêng biệt của châu Á, một vùng Mỹ rõ ràng có ý định đưa vào trong chiến lược của mình đối với một châu lục rộng lớn hơn.

Mỹ đã và đang thúc đẩy Ấn Độ đi từ chính sách “Nhìn về phía Đông” (Look East) sang một chính sách “Hành động ở phía Đông” (Act East). Washington mong muốn Ấn Độ đi xa hơn việc thiết lập các quan hệ song phương với các nước ở trong khu vực và sẽ tham gia vào các vấn đề quan trọng của những nước này. Mỹ tin tưởng đây là điều thiết yếu để đưa khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào dưới chiếc dù của Mỹ.
Tiến tới một liên minh quân sự

Mặc dù Ấn Độ đã trợ giúp Mỹ tại Afghanistan và tiếp tục hợp tác quốc phòng trên các mặt trận khác, nhưng hai nước chỉ mới hoạt động trong một khuôn khổ chính thức kể từ năm 2005. Một hiệp định ký kết vào năm đó tuyên bố rằng hai nước đang tiến vào một kỷ nguyên mới và chuyển đổi mối quan hệ giữa hai quốc gia để phản ánh “những nguyên tắc chung và những lợi ích quốc gia mà hai bên cùng chia sẻ”. Hiệp định này nhấn mạnh rằng quan hệ quốc phòng giữa hai nước là thành tố quan trọng nhất trong một quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn, kéo theo các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp, các trao đổi, các hoạt động [quân sự] đa quốc. Thành tố quan trọng là việc nới rộng “các công tác quốc phòng, mà tự thân chúng không phải là cứu cánh nhưng chỉ là một phương tiện để củng cố an ninh của chúng ta, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta, [và] thể hiện những tương tác to lớn hơn giữa các giới chức quốc phòng của chúng ta”.

Từ khi bắt đầu giai đọan mới này, rõ ràng là Mỹ muốn có một liên minh quân sự. Đại sứ Robert D.
Blackwill, vào cuối nhiệm kỳ của ông tại New Delhi tháng Năm 2003, đã nói rằng mục tiêu chiến lược sau cùng là có được một quân đội Ấn Độ đủ khả năng hoạt động hữu hiệu bên cạnh quân đội Mỹ trong các cuộc hành quân hỗn hợp tương lai.

Khuôn khổ này đã làm cơ sở cho hợp đồng hạt nhân giữa Ấn Độ và Mỹ, một hiệp định nhìn nhận trên thực tế Ấn Độ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân (a nuclear-armed state), được công bố chỉ vài tuần sau đó. Một loạt các hiệp định liên quan đến quốc phòng đã tiếp diễn vào năm 2007.

Mặc dù ở giai đoạn này Ấn Độ vẫn chưa muốn ký kết những hiệp định quốc phòng đang chờ đợi, những hiệp định có thể bị giải thích là mở cửa cho một liên minh quân sự chính thức với Mỹ, nhưng đã có tiến bộ đáng kể về các thương vụ vũ khí Mỹ-Ấn. Mỹ đã thu tóm được nhiều hợp đồng vũ khí với Ấn Độ nhất – trị giá khoảng 8 tỉ đôla trong 5 năm qua – mặc dù những điều kiện Mỹ đưa ra để theo dõi việc sử dụng sau cùng các loại vũ khí này là nghiêm ngặt và có tính cách xâm lo. Trên cơ bản, Ấn Độ đã tái định hướng việc thu mua các phương tiện quốc phòng, dần dần giảm bớt sự lệ thuộc từ lâu vào Nga. Thật vậy, gần một nửa trị giá tất cả các hợp đồng quốc phòng Ấn trong những năm gần đây là những thương vụ với chỉ một mình Mỹ.

Hợp tác hải quân

Ngoài các thương vụ vũ khí đang phát triển nhanh chóng ra, Ấn Độ và Mỹ còn tiến hành hơn 50 cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp trong 7 năm qua. So với sự kiện này, các cuộc thao diễn của Ấn Độ với các nước khác có vẻ chỉ là chiếu lệ.

Những quan hệ giữa hai quân đội đã đặc biệt làm sâu sắc thêm lãnh vực hợp tác hải quân. Hải quân Mỹ và hải quân Ấn Độ đã hợp tác hoạt động trong bốn cơ hội riêng biệt: trong Eo biển Malacca sau vụ 9/11 [vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ], trong những nỗ lực cứu trợ sau nạn sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004-2005, trong một cuộc hành quân sơ tán phi chiến đấu (non-combative evacuation operation) năm 2006 tại Lebanon, và những cuộc hành quân chống hải tặc trong Vịnh Aden kể từ 2008.

Tháng Chạp năm 2001, hai nước đã đạt được một hiệp định về hợp tác hải quân nhằm đảm bảo những tuyến đường biển giữa Kênh đào Suez và Eo biển Malacca còn được gọi là “những điểm tắc nghẽn”
(chokepoints). Khi Mỹ đổ quân vào Afghanistan, Ấn Độ đã cung cấp tàu hải quân của mình để bảo vệ các tàu phi chiến đấu (non-combatant ships) và các thương thuyền Mỹ đi qua Eo biển Malacca, việc này đã cho phép các tàu hải quân Mỹ được rảnh tay để hoạt động ngoài khơi Pakistan. Hành động này đã được Washington công khai ghi nhận như một đóng góp của Ấn Độ vào “cuộc chiến chống khủng bố”.

Ấn Độ còn là một trong những nước hiếm hoi gia nhập vào “nhóm nòng cốt” được Washington thiết lập tiếp theo sau nạn sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004-2005. “Nhóm nòng cốt” này thực sự là một kế hoạch của Lầu năm góc để thẩm định những ngụ ý địa chiến lược của trận tsunami và để nắm giữ đường tiếp cận của Mỹ vào những vùng mà trước đó Mỹ không được phép bén mảng. Nhóm nòng cốt này đã phải giải tán vì những chỉ trích gay gắt từ Liên Hiệp Quốc và từ các nước châu Âu trong đó có Pháp.

Nhưng Ấn Độ rõ ràng không phải là quốc gia Nam Á duy nhất được Mỹ ve vãn. Tờ Times of India (Thời báo Ấn Độ) vào tháng Sáu đã tường thuật rằng Washington đang ở trong tiến trình mở một căn cứ hải quân tại Chittagon, Bangladesh. “Lo sợ vì sự hiện diện ngày một gia tăng của các căn cứ hải quân Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa [biển Đông Việt Nam]”, tờ báo đưa tin “Mỹ đang tìm kiếm một chiến lược quân bình lực lượng [với Trung Quốc] khi có tham vọng duy trì sự hiện diện của mình khắp châu Á – từ Nhật Bản đến căn cứ Diego Garcia trong Ấn Độ Dương”. Chính phủ Bangladesh bác bỏ bài báo nói trên, nhưng nếu bản tin này là đúng sự thật, nó có thể mang ý nghĩa tiêu cực cho chiến lược an ninh của Ấn Độ và cho sự hợp tác hải quân Mỹ-Ấn. Tuy nhiên, một nỗ lực như thế là phù hợp với việc Washington đang tìm kiếm thêm cơ sở thiết bị hải quân (naval facilities) trong khu vực này.

Những vấn đề trong khu vực

Mặc dù các quan chức chính quyền Obama thường nói rằng cái gọi là “xoay trục chiến lược” không nhắm vào bất cứ một quốc gia đặc biệt nào, nhưng văn kiện Chỉ đạo Chiến lược nhìn nhận rằng ít ra nó có liên quan phần nào đến thanh thế ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Vừa bằng lòng vì đã vận dụng được công nghệ quân sự của Mỹ, nhưng vừa e ngại có thể gây căng thẳng với một nước từng thù nghịch với mình, Ấn Độ tỏ ra thận trọng, không dám liên kết quá gần gũi với Mỹ để chống lại Trung Quốc – và đây cũng là điều dễ hiểu.

Đấy là lý do tại sao, khi trả lời những đề nghị của Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn A.K. Antony đã nhấn mạnh “nhu cầu phải củng cố cấu trúc an ninh đa phương tại châu Á và đi đến một tiến độ mà mọi nước liên hệ đều cảm thấy thoải mái”. Người ta không thể không nhận thấy rằng, đúng vào những ngày Panetta có mặt tại New Delhi, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M. Chrishna cũng có mặt tại Trung Quốc, lên tiếng khẳng định quan hệ song phương Trung-Ấn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và bảy tỏ nguyện vọng là Ấn Độ muốn mở rộng hợp tác chiến lược với Trung Quốc. Tương tự như thế, nhiều tuyên bố đã xuất hiện, trong đó các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cũng rêu rao họ cam kết hợp tác trên vấn đề an ninh tại Nam Á.

Ấn Độ đang có một loạt vấn đề với Trung Quốc tại Nam Á. Những vấn đề này gồm có những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngày càng gay gắt trên những phần đất thuộc lãnh thổ Ấn Độ, sự thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phám về biên giới giữa hai nước, việc Trung Quốc có liên hệ hạt nhân với Pakistan, và việc Trung Quốc ủng hộ lập trường của Pakistan về vấn đề Kashmir. Mỹ đã giữ thái độ im lặng về các vấn đề trên vì thế đã tạo cảm tưởng, dù gián tiếp, rằng Mỹ ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, nhiều người chỉ muốn Ấn Độ duy trì lập trường phi liên kết trong cuộc chiến tranh lạnh mới mẻ này. Nhưng người ta nhận thấy chính quyền Ấn muốn chống lại ý kiến vừa nói. Mặc dù Ấn Độ có thể không muốn bị coi như một “cái chốt” trong trục xoay chiến lược của Mỹ, nhưng giới lãnh đạo hiện nay muốn trấn an Mỹ rằng Ấn Độ hậu thuẫn một cách rộng rãi các chính sách đối ngoại của Mỹ, kể cả trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

N.K.
Ninan Koshy là cộng tác viên trong mục Foreign Policy in Focus

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link