Thursday, September 27, 2012

Giông bão sắp tới của khối Euro


 

 

Giông bão sắp tới của khối Euro
Ðiểm danh một số điểm nóng
Hùng Tâm

Từ nay đến cuối năm, dư luận Hoa Kỳ chỉ chú ý đến bầu cử rồi việc bố trí nhân sự bên trong Quốc Hội khóa 113 và trong Nội các mới của Hành pháp. Cùng lúc ấy, vụ khủng hoảng của khu vực Euro bên Âu Châu lại tái phát làm các thị trường tài chính Hoa Kỳ và thế giới bị động.
 
Một thí dụ là hôm Thứ Tư, 26 Tháng Chín, cổ phiếu Âu Châu mất giá nặng vì tin tức từ Tây Ban Nha, Hy Lạp và vì lời phát biểu đầy hoài nghi của ông Charles Losser, chủ tịch chi nhánh Ngân Hàng Dự Trữ Philadelphia, về kế hoạch kích thích mới nhất của Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ. “Hồ Sơ Người-Việt” tìm hiểu về nguy cơ đó khi thời sự Âu Châu sẽ lại bốc khói.
 
Từ Hồ Sơ kỳ trước về đồng Euro vào đầu tháng 6 (“Từ Liên Âu Ðến Ðồng Euro”), lãnh đạo các nước trong khối Euro đã thảo luận về những đề nghị cứu nguy đồng bạc chung của 17 quốc gia và hậu quả cho cả hệ thống Liên Hiệp Âu Châu gồm 27 quốc gia.
 
 
Giải pháp cứu nguy được bàn cãi gồm có ba phần chính. Phần một là vai trò của Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu, gọi tắt là ECB. Phần hai là Cơ Chế Ổn Ðịnh Tài Chính Âu Châu, gọi tắt là ESM.  
 
Phần ba là kế hoạch thống nhất các ngân hàng. Loại chi tiết quá chuyên môn ấy khó được nói rõ nên khi biến động bùng nổ thì chúng ta không thể biết được về nguyên nhân hay ảnh hưởng và sẽ lướt tin rất nhanh.
 
Trước hết, xin tổng kết về những gì đã vừa xảy ra.
 
Thời sự vừa qua
Trong ba tháng vừa qua, hai quốc gia bị áp lực nặng nhất của thị trường là Ý và Tây Ban Nha (Italy và Spain) đã yêu cầu hai việc.
Thứ nhất là ngân hàng ECB tiếp tục bỏ tiền ra mua lại công khố phiếu để làm hạ phân lời hay lãi suất.
 
Lý do yêu cầu là ngân hàng này đã hoãn mua công khố phiếu trong hơn sáu tháng liền khiến các nước lâm nạn phải chấn chỉnh thì lại bị thị trường tác động rất mạnh. Khi phải áp dụng biện pháp cải cách, xứ nào cũng cần sự ổn định của thị trường và rất sợ tình trạng lãi suất tăng vọt.
 
 Việc thứ hai là cơ chế ổn định tài chính ESM được quyền vay ngân hàng ECB để nâng cao định mức của quỹ bình ổn tài chính. Lý do yêu cầu là phải cho cơ chế ESM phương tiện hành động, cụ thể là tài nguyên để chuộc nợ cho các nước lâm nạn.
 
 
Cả hai yêu cầu đó của hai quốc gia ở miền Nam đều gặp trở ngại, vì vậy mới có nguy cơ tái phát khủng hoảng.
 
 
Trở ngại thứ nhất là cơ chế ESM chỉ mua trái phiếu từ các nước trong khối Euro sau khi quốc gia lâm nạn yêu cầu được cứu giúp và chấp nhận một số điều kiện về chấn chỉnh chi thu. Cho đến nay, các nước chưa hề có thỏa thuận nào về các điều kiện ấy. Diễn giải cho dễ hiểu là các nước lâm vào vòng luẩn quẩn: xin được cấp cứu mà chưa thống nhất ý kiến về các điều kiện.
 
 
Trở ngại thứ hai lại còn rắc rối hơn vì thuộc về pháp chế.
Khối Euro gồm 17 nước nằm trong Liên Âu gồm có 27 nước. Nếu cho cơ chế ESM thẩm quyền vay tiền ngân hàng để lập quỹ bình ổn hầu cấp cứu đồng Euro và từng nước lâm nạn thì người ta đi ngược các hiệp ước của Liên Âu.
 
Các hiệp ước này quy định rằng ngân hàng không có quyền cho chính phủ vay tiền. Diễn giải cho dễ hiểu là vòng luẩn quẩn của khối Euro lại bị xoắn vào một mâu thuẫn về pháp lý giữa chuyện Euro và cơ chế Liên Âu!
 
 
Câu chuyện còn rắc rối hơn nữa vì mâu thuẫn về quan điểm giữa các nước lâm nạn, đa số ở miền Nam, với các nước vững mạnh hơn, thuộc “cốt lõi Âu Châu,” đa số ở miền Bắc và quy tụ xung quanh Ðức. Thời sự quốc tế trình bày ngắn gọn là mâu thuẫn giữa nhóm PIGS và nhóm GFAN. PIGS là viết tắt từ tên Anh ngữ của Bồ Ðào Nha, Ái Nhĩ Lan (Ireland), Hy Lạp và Tây Ban Nha. GFAN là tên tắt của Ðức, Phần Lan, Áo và Hòa Lan.
 
 
Người dân các nước cốt lõi Âu Châu đã thấm mệt, không muốn chính quyền của họ châm thêm tiền cứu giúp các nước miền Nam. Khủng hoảng Euro gây rạn nứt trong cơ chế Liên Âu là vì lẽ đó. “Hồ Sơ Người Việt” chỉ xin trình bày vắn tắt như vậy chứ không thể đi vào chi tiết như trong một tạp chí chuyên đề.
 
 
Sau khi tóm lược chuyện vừa qua, bây giờ là chuyện sẽ đến. Trong các tuần và tháng tới, thời sự sẽ đề cập tới quan hệ Pháp-Ðức và tình trạng ngặt nghèo của các nước lâm nạn.
 
 
Liên minh và mâu thuẫn Pháp-Ðức
Từ sau Ðại Chiến Thứ Hai, quan hệ giữa Pháp và Ðức là nền móng cho sự hợp tác và thống nhất Âu Châu về kinh tế rồi chính trị. Quan hệ đó giữa hai nền kinh tế đứng đầu Âu Châu lại đang lung lay.
Dân Pháp ưa sướng và sợ khổ đã bất mãn về thành tích của chính quyền nên ông Nicolas Sarkozy chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ.
 
Nhưng cử tri Pháp lại bầu lên một chính quyền không có khả năng giải quyết được bài toán kinh tế xã hội quá trầm trọng của nước Pháp. Sau bốn tháng nhậm chức, Tổng Thống Francois Hollande mất hậu thuẫn của dân chúng với tốc độ chóng mặt. Nhưng vấn đề không chỉ nằm trong nội tình nước Pháp.
 
 
Vấn đề là tổng thống Pháp và Thủ Tướng Ðức Angela Merkel có hai chiến lược trái chiều về cách cứu nguy khối Euro.
 
 
Pháp chủ trương việc ngân hàng ECB phải can thiệp (mua trái phiếu để hạ lãi suất), chính quyền phải tăng chi ngân sách, dân chúng phải tiêu xài mạnh hơn để nâng mức tăng trưởng kinh tế và chính quyền phải can thiệp để hợp nhất hóa hệ thống ngân hàng. Nhân đây, xin nói thêm là khi truyền thông Pháp ngợi ca chủ trương kinh tế của chính quyền Obama, họ phản ảnh quan điểm phổ biến đó của Pháp. Chúng ta nên thận trọng trong sự suy xét vì cũng từ Âu Châu lại có chiến lược khác, của thủ tướng Ðức.
 
 
Bà Merkel có chủ trương bảo thủ và kiệm ước về tiền tệ và ngân sách: nếu không cải cách cơ chế sản xuất mà cứ bơm tiền và gia tăng công chi để kích thích kinh tế thì sẽ không đạt kết quả. Một mục tiêu khác của bà là bảo vệ sức xuất cảng của kinh tế Ðức. Lý do của chiến lược này là Ðức sẽ è cổ gánh vác vụ tăng chi và cấp cứu trong khi dân chúng đã quá mệt mỏi và không còn muốn hỗ trợ chính quyền trong việc cứu nguy khối Euro.
 
 
Quan trọng nhất, Ðức yêu cầu các nước tiến xa hơn đến mục tiêu thống nhất chính sách kinh tế, theo kỷ luật của Ðức, chứ không thể tăng chi quá mạnh như chủ trương của Pháp.
 
 
Trong thời gian tới, Quốc Hội của các nước, quan trọng nhất là Pháp và Ðức, phải phê chuẩn thỏa ước cải cách ngân sách - với mức tối đa của bội chi ngân sách là 3%. Sau đó, thỏa ước sẽ thành luật và là cơ sở cho việc cải cách chi thu trong năm 2013. Yêu cầu đó của Ðức được các nước ký kết từ đầu năm nay, nhưng gây tranh luận rất mạnh trong Quốc Hội của các nước khi tiến vào giai đoạn phê chuẩn.
 
 
Từ nay đến đó, bộ trưởng tài chính của các nước trong khối Euro sẽ có bốn kỳ họp và thượng đỉnh của Liên Âu còn gặp nhau vào tháng 10 và tháng 12. Qua sáu lần họp hành này, ta sẽ thấy rõ khác biệt quan điểm giữa Pháp và Ðức, như đã thấy tuần qua khi hai lãnh tụ hội kiến và làm việc tại Ðức.
 
 
Sau này, khi thời sự kinh tế nói đến nạn suy trầm sản xuất của Pháp và việc Paris không dám giảm chi quá mạnh dù bị áp lực của Ðức, chúng ta nên nghĩ ngay đến mâu thuẫn Pháp-Ðức. Liên minh này mà tan rã thì Liên Âu tiêu vong.
 
 
Các nước lao đao
Trong những tháng tới, khi chúng ta còn tập trung theo dõi tình hình bầu cử tại Hoa Kỳ, màn ảnh truyền hình lại bật lên màu đỏ chói của khủng hoảng qua những tin tức từ nhiều nước có thể là xa lạ với Hoa Kỳ. Ðó là các quốc gia sẽ bị lao đao trong khối Euro: Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Bồ Ðào Nha và cả một đảo quốc nhỏ xíu là Cyprus.
 
 
Tây Ban Nha đang bị khủng hoảng ngân hàng, cần tiền đắp nợ, chừng $76 tỉ trong số tiền được Liên Âu hứa hẹn cấp cứu là khoảng $127 tỉ. Song song, chính quyền Madrid cũng phải đệ nạp một ngân sách khắc khổ với nhiều mục giảm chi để thu hẹp mức thiếu hụt quá lớn. Khi đệ nạp ngân sách thì lại gặp sự chống đối của các nghiệp đoàn. Tuần qua, họ đã xuống đường biểu tình.
 
 
Ý là quốc gia thứ nhì sẽ gặp sóng gió. Y như Thủ Tướng Mariano Rajoy của Tây Ban Nha, Thủ Tướng Ý Mario Monti cũng đòi hỏi ngân hàng ECB phải can thiệp - mua công khố phiếu để giảm lãi suất và ổn định thị trường.
 
 Nhưng ông cho rằng chính quyền chuyên gia của ông đã áp dụng biện pháp cải cách công hiệu hơn, nên tình hình của Ý chưa đến nỗi nào. Ông Monti là chuyên gia kinh tế có uy tín và được Liên Âu cùng các đảng phái chính trị ủy thác việc tạm thời lãnh đạo để tiến hành cải cách. Nhưng thật ra, Ý còn gặp mối nguy khác ở bên trong.
 
 
Bước qua năm tới, Ý lại có tổng tuyển cử để bầu ra Quốc Hội mới và từ đó sẽ có thủ tướng mới.
 
Sau khi thảo luận xong việc cải tổ luật lệ bầu cử, các chính đảng sẽ lập tức bước vào tranh cử. Chính trường Ý hiện có hai phe ngang ngửa. Cánh trung tả thì chủ trương như đảng Xã Hội của ông Hollande bên Pháp hay đảng Dân Chủ bên Mỹ, cũng hứa hẹn tăng trưởng mà không quá mạnh tay giảm chi ngân sách.
 
 
Cánh trung hữu thì chưa tìm ra giải pháp nào khá hơn nên đi vào xu hướng ái quốc và mị dân: tai họa của Ý xuất phát từ Liên Âu và từ đòi hỏi quá đáng của Ðức! Loại chuyên gia thực tế và khắc khổ như ông Monti không thể cầm quyền được lâu khi chỉ nói ra sự thật không mấy tốt đẹp và đề nghị những liều thuốc khó nuốt.
 
 
Sau cơn khủng hoảng, Ý lại quay về chốn cũ. Chúng ta không đánh giá thấp sự nông cạn khá dễ hiểu của cử tri: họ lại bầu lên những người hứa hẹn một tương lai sáng láng mà không bắt họ phải hy sinh hay chịu đựng. Kết quả là Ý sẽ cùng Pháp củng cố hàng ngũ các nước miền Nam, tạo thêm khó khăn cho Ðức và gây rạn nứt trong Liên Âu.
 
 
Cuộc khủng hoảng Euro khởi đi từ Hy Lạp và ba nước lâm nạn (ngoài Hy Lạp thì có Ái Nhĩ Lan và Bồ Ðào Nha) đã được tung tiền chuộc nợ.
Một hệ thống tam đầu chế là Liên Âu, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và ngân hàng ECB đã phối hợp hành động và tiền bạc để cấp cứu và thường rà soát kết quả.
 
 
Ðầu tháng 10 này, chính quyền Hy Lạp có thể được giải ngân thêm khoảng $40 tỉ đã cam kết sau khi Quốc Hội chấp thuận biện pháp khắc khổ là giảm chi gần $15 tỉ. Mỗi khi có tin xấu, như dân chúng biểu tình hay một viên chức ECB nghi ngờ kế hoạch chấn chỉnh nợ nần của Hy Lạp, thị trường lại sụt giá và xứ này càng thêm vất vả. Vì vậy, chúng ta vẫn phải theo dõi tin tức Hy Lạp.
 
 
Bồ Ðào Nha đang bị tai họa kép: kinh tế suy sụp nặng hơn dự báo trong khi các nghiệp đoàn chuẩn bị biểu tình trên toàn quốc vào ngày 13 tháng 10. Nhờ kinh tế suy sụp, Bồ Ðào Nha có thể yêu cầu ba cơ chế cấp cứu (Liên Âu, IMF và ECB) cho tạm hoãn giảm chi.
 
 
Nhưng khi đệ nạp Quốc Hội dự luật ngân sách năm tới, họ sẽ gặp sự cưỡng chống của đối lập và các nghiệp đoàn nên càng khó thương thuyết với Âu Châu và càng bị khủng hoảng nặng. Ðấy sẽ là thời sự tháng 10 của Bồ Ðào Nha.
 
 
Chính quyền Ái Nhĩ Lan sẽ theo dõi chuyện Bồ Ðào Nha xin triển hạn giảm chi vì họ cũng đang đàm phán về điều kiện bơm tiền để chuộc nợ. Là một xứ ở miền Bắc, Ái Nhĩ Lan bị nạn bội chi và bể bóng địa ốc tương tự như Tây Ban Nha nên mới cần khối Euro cấp cứu.
 
Một xứ khác là Cyprus là khách nợ thứ năm đã xin được tam đầu chế cấp cứu với một ngân khoản cỡ $13 tỉ. Nhưng đảo quốc này còn là thân chủ lâu đời của Nga nên nhờ đó có thể tìm sự trợ giúp từ Moscow.
 
 
Kết luận ở đây là gì?
Sau thượng đỉnh Liên Âu vào tháng 6, Quốc Hội các nước đã bãi khóa để nghỉ hè, theo truyền thống thiêng liêng của Âu Châu.
 
Qua ba tháng liền, các thành viên chưa tiến triển gì trong việc giải quyết khủng hoảng. Họ cũng chưa dung hòa nổi quan điểm khác biệt giữa các nước lâm nạn ở vòng ngoài với các nước thuộc loại cốt lõi vững mạnh ở bên trong.
 
 
Song song, từng nước lại có thêm mâu thuẫn giữa các xu hướng chính trị trong nội bộ về cách giải quyết khủng hoảng, cách sống và về tương lai của khối Euro. Nay Quốc Hội sẽ tái nhóm. Các nước có mấy tháng trước mặt để tìm ra sự đồng thuận và giải pháp cho một vụ khủng hoảng đã kéo dài hơn ba năm.

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link