Friday, September 28, 2012

CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA CHÍNH QUYỀN OBAMA VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ĐƯỜNG LỐI CỦA MỸ TẠI BIỂN ĐÔNG


 

 

CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA CHÍNH QUYỀN OBAMA VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ĐƯỜNG LỐI CỦA MỸ TẠI BIỂN ĐÔNG

 

TS Đinh Xuân Quân


Ngày 6 tháng 11, 2012 là ngày bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ. Sẽ có nhiều tranh luận giữa hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân chủ về chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Gần đây các vụ rối loạn tại Trung Đông, đặc biệt tại Lybia đã làm cho ông Đại sứ Christopher Stevens/ và ba cộng sự viên thiệt mạng tại thành phố Benghazi, chỉ vì một cuốn phim tư nhân từ Hoa Kỳ được cho là chỉ trích Hồi Giáo và phỉ báng Tiên tri Muhammad.




Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin ABC News, ứng cử viên TT Mitt Romney / chỉ trích TT Obama và cho rằng phản ứng về vụ sứ quán Hoa Kỳ bị tấn công là "không thích hợp".

Làn sóng biểu tình đang lan ra ở Trung Đông và Bắc Phi từ Cairo Ai cập nơi mà cảnh sát phải dùng hơi cay để đẩy lùi các người biểu tình tại sứ quán Hoa Kỳ hay tại thủ đô Sanaa của Yemen, tại Liban, Bangladesh, Qatar, Kuwait, Bahrain, Ấn Độ, Pakistan, Iraq, Malaysia. Nigeria, vv. Theo tờ Le Figaro “những bức tường bao bị đám người điên cuồng tấn công, những lá cờ bị đốt cháy, những cuộc biểu tình biến thành bạo động, đó là những hình ảnh hỗn loạn khủng khiếp bám đuổi theo Hoa Kỳ và các cơ quan đại diện ngoại giao của họ trên khắp thế giới suốt những ngày qua”.

Biến cố này càng đẩy lên sự phẫn nộ của người Hồi giáo trên tòan thế giới, những người không thể hấp thụ được dân chủ kiểu Mỹ. Các cuộc biểu tình chống Mỹ vẫn tiếp tục được kêu gọi trong khắp thế giới buộc nước Mỹ phải chống chọi lại trong sự bất lực. Trung Quốc đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ tại Trung Đông trong khi TT Putin thì ngược lại tuyên bố trong vụ này “Mọi người chúng ta là Mỹ” /. Các nước Tây Phương lên án biểu tình giết ĐS Hoa Kỳ.

Cùng lúc đó, Âu Châu gặp khó khăn vì nợ công quá cao ảnh hưởng đến kinh tế trong khi có cạnh tranh ráo riết tại Á Châu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vậy chính sách ngoại giao của chính quyền Obama ra sao trong những năm qua? Nó sẽ ảnh hưởng thế nào khi có vụ “tái cân bằng lực lượng” tại Á châu? Sẽ ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Chính sách Ngoại Giao của chính quyền Obama

Khi là ứng cử viên năm 2008, Obama hứa sẽ nói chuyện với các nước mà chính quyền Bush tránh, gia tăng cố gắng tại Trung Đông và cố gắng tại Afghanistan.

Nói chung thì TT Obama không có những thành công lớn về Ngoại Giao nhưng cũng không gặp khủng hoảng nào sau một chính quyền Bush bị cả thế giới “không ưa” vì quá hung hăng.

Về Trung Đông, chính sách ngoại giao của TT Obama do bà NT Clinton cầm đầu chưa thành công thương thuyết với Iran, hay giải quyết các tranh chấp sau “Mùa xuân Ả Rập.” TT Obama đã thi hành một sách lược đặc biệt - âm thầm đẩy mạnh chính sách truy lùng và giết quân khủng bố tại Pakistan, Yemen, và Afghanistan. Mặt khác TT Obama công khai ca tụng văn minh và Hồi giáo, xin lỗi tất cả những lỗi lầm mà Mỹ đã phạm phải đối với Hồi giáo trong suốt lịch sử. Chính sách Hồi giáo “bàn tay sắt bọc nhung” này tương đối thành công, nhưng bề ngoài Mỹ có vẻ thất bại vì khối Hồi giáo nói chung vẫn chẳng thân thiện với Mỹ hơn.

Mỹ đã thành công thuyết phục LHQ trừng phạt về chương trình hạt nhân của Iran. Mỹ cũng tranh cãi với Israel vì nước này muốn Mỹ làm như tại Iraq nghĩa là nhờ bàn tay Mỹ đánh Iran. Mặc dù Iran nguy hiểm nhưng chính tại Israel không ai tin sẽ có chiến tranh với Iran /, họ chỉ xúi Mỹ đánh Iran thôi. Trong khi đó TT Netanyahu của Israel vẫn không nhượng bộ một điểm nào khi thương thuyết với Palestine. Như vậy làm sao có hòa bình lâu dài tại Trung Đông!?

Tại Iraq thì TT Obama tương đối thành công trong việc rút quân sau khi đã khá tốn kém về tiền (trên $ 1,000 tỷ) và nhân mạng (trên 4,000 quân). Tại Afghanistan TT Obama đã đổ thêm 100,000 quân vào và hứa sẽ rút lui vào 2014. Ông đề nghị việc thương lượng giữa phe Taliban với chính phủ Afghanistan và các nước láng giềng.

Về mùa xuân Arập, Mỹ hứa giúp nhưng trong vụ này rốt cuộc cũng phải bỏ đồng minh lâu năm là ông Hosni Mubarak. Tại Lybia chính sách Mỹ có hai lựa chọn: đánh Kadafi hay để cho ông ta giết dân. Vì chính sách của Kadafi không đe dọa Mỹ cho nên không có lý do đánh Lybia. Khác với TT Bush, TT Obama đã để đồng minh NATO và Mỹ chỉ đứng đàng sau, thúc đẩy Pháp, Anh giúp quân nổi dậy Lybia lật chế độ độc tài với sự yểm trợ của LHQ.

Tại Syria, Ngoại giao của Mỹ cũng không trực tiếp can thiệp mà qua nhiều đồng minh của Mỹ như Arập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước vùng Vịnh khác.

Khối Ả Rập Hồi Giáo có khuynh hướng chống Mỹ và Tây Phương không phải vì Mỹ và Tây Phương chống đạo Hồi hay văn minh Hồi (Malaysia, Indonesia hay Philippines chưa hề chống Mỹ); nguyên nhân sâu xa của sự chống đối là việc Tây Phương quyết định lấy một vùng lãnh thổ Ả Rập để thành lập quốc gia Do Thái sau Thế Chiến 2.

Vì vậy các khó khăn của ngoại giao Mỹ tại Trung Đông chỉ thành công nếu giải quyết được vụ Israel- Palestine.

Tại Á châu bài của / M. Landler cho thấy sự thay đổi chính sách của TT Obama đối với Trung Quốc sau 2010. Chiến lược ngoại giao và quân sự của Mỹ là làm sao “ép-dụ” Trung Quốc tôn trọng các luật lệ và trật tự quốc tế để có hành xử của một cường quốc có trách nhiệm. Sau những thất bại trong vấn đề thuyết phục TQ về vấn đề môi trường, về vũ khí hạt nhân của Iran, về việc TQ làm dữ tại Biển Đông và Hoa Đông trong năm đầu nhiệm kỳ của mình (2009), TT Obama đã quyết định “tái cân bằng,” tăng hợp tác với Nhật, Nam Hàn, mở cửa cho Myanmar, gởi TQLC tới Úc, cũng như có chính sách kinh tế cứng rắn hơn với TQ. Chính sách mới là siết chặt quan hệ với đồng minh (Nhật, Nam Hàn, Taiwan, Philippines, Singapore và Úc) và tăng cường quan hệ đối tác với Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam và New Zealand.

Sau vụ Bắc Triều tiên đánh chìm tàu Cheonan, Hoa Kỳ đã có phản ứng mạnh mẽ tại Á Châu Thái Bình Dương. Việc “trỗi dậy” của Trung Quốc cũng được nhìn với cặp mắt nghi ngờ, e dè của Ấn Độ, Nhật, Úc và các nước ASEAN khác.

Hoa Kỳ công bố chiến lược quân sự vào tháng Giêng 2012 và Hoa Kỳ sẽ bố trí 60% lực lượng hải quân của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta khẳng định nhân Hội nghị an ninh - Đối thoại Shangri-La tại Singapore hồi đầu tháng 6, 2012 nhằm cân bằng lại tương quan quân sự. Quân sự Mỹ sẽ ở thế mạnh để có thể kiềm chế buộc TQ đi vào đường giải quyết hoà bình các tranh chấp, hầu tránh một cuộc phiêu lưu quân sự mà Mỹ có thể bị kéo vào.

Các thách thức của Mỹ tại Thái Bình Dương

Cái gì làm Hoa Kỳ thức tỉnh về Thái Bình Dương? Đó là thái độ của Trung Quốc, đã từ bỏ phương châm của Đặng Tiểu Bình, thay vào là cung cách quyết đoán, hung hăng trong các tranh chấp về chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng. Chẳng hạn như vụ Senkaku/Điếu Ngư tại Hoa Đông hay vụ đối mặt giữa các tàu Trung Quốc và Philippines hồi tháng 4, 2012 tại bãi đá Scarborough, hoặc vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hồi 2011.

Các tranh chấp TQ tại biển Đông và Hoa Đông

Trong cuộc gặp gỡ giữa bà NT Clinton và ông Đặng Bỉnh Quốc vào tháng 5, 2010, Mỹ giựt mình khi nghe TQ coi Biển Đông -- nơi mà họ đang có tranh chấp với Việt nam và Phi -- là của họ. Đường lối ngoại giao cứng rắn của Bắc Kinh đối với các nước Á châu, sẽ bất lợi cho Trung Quốc. Thái độ hung hăng của TQ sẽ đẩy một số các quốc gia, như Việt Nam, Nhật, Miến, v.v. vào vòng tay Hoa Kỳ.

Vì vậy, tại Hà Nội vào tháng 7, 2010, Mỹ đã có chính sách rõ ràng hơn trong việc tranh chấp tại Biển Đông. Mỹ nói thẳng với TQ là mình sẽ tham dự vào vùng này, và muốn TQ tự đặt cho mình một "giới hạn".

Quốc Hội Hoa Kỳ cũng cho thấy nhiều dấu hiệu bực mình và đã ra một nghị quyết được thông qua năm 2011, chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng võ lực tại Biển Đông và kêu gọi giải pháp hòa bình, đa phương cho các tranh chấp ở Đông Nam Á.

Gần đây TQ và Nhật lâm vào cuộc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông. Cuộc đọ sức giữa hai khổng lồ kinh tế có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại hay chiến tranh thực thụ. Tuy vậy, khủng hoảng giữa Bắc Kinh và Tokyo hiện nay đòi hỏi đôi bên cùng phải có thái độ “dè dặt và kiềm chế”.

Theo chuyên gia Pháp Dominique Moisi thì Trung Quốc đang tặng cho Nhật Bản quy chế “đối tác đặc biệt của Mỹ tại châu Á” trong khi 3 năm trước đây, Nhật muốn bỏ Mỹ và đi vào khối Á châu khi Washington dồn chú ý về phía New Delhi. Hơn nữa chuyên gia Pháp cho rằng hành vi bài Nhật của Trung Quốc đặt Tokyo vào thế của kẻ bị tấn công và làm cho mọi người cũng rất sợ ông khổng lồ Trung Quốc. Phải chăng Nhật Bản trở thành nạn nhân của làn sóng dân tộc chủ nghĩa xuất phát từ Trung Quốc?

Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản thì nhiều tàu TQ tiến về đảo tranh chấp. Tình hình căng thẳng thêm vì có nhiều cuộc biểu tình bài Nhật tại Trung Quốc, cửa hàng, xe hơi của Nhật tại Trung Quốc bị đốt phá. Japan Airlines phải giảm các chuyến bay đến một số thành phố của Trung Quốc và một số công ty xuất khẩu của Nhật Bản cho biết là hàng hóa xuất sang Trung Quốc đã bị hải quan nước này kiểm tra gắt gao hơn trước. Đây là những áp lực với Nhật, điều TQ đã làm trước đây với Nhật và với Philippines khi có tranh chấp. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Wall Street Journal ngày 24/09, Thủ tướng Nhật Y. Noda nói rằng TQ cần thận trọng trong việc quản trị mối liên hệ với những nước khác, không nên làm các nhà đầu tư ngoại quốc lo sợ vì cuối cùng sẽ có thể tác hại tới chính nền kinh tế của mình. Mặc dù có căng thẳng, TQ và Nhật Bản vẫn có những nỗ lực tự chế.

Mới đây khi chủ tọa buổi điều trần vào ngày 20/9, 2012 TNS Jim Webb / Chủ tịch tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng Hoa Kỳ cần vai trò lãnh đạo sáng tạo để giải quyết các tranh chấp tại vùng biển này, kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ dùng ảnh hưởng của Mỹ để ngăn chặn việc sử dụng lực lượng quân sự hay bất kỳ hành động bành trướng chủ quyền đơn phương nào ở khu y vực Đông Á. Thượng nghĩ sĩ Webb nói các hành động của Trung Quốc trong năm qua cho thấy Bắc Kinh đang tiến thêm một bước trong nỗ lực mở rộng quyền kiểm soát tại các khu vực ở Biển Đông mà trước đây nằm ngoài phạm vi tài phán của họ được quốc tế công nhận.

Cuộc viếng thăm của NT Clinton tại 5 nước từ Cook đến Brunei cho thấy Mỹ cố thuyết phục TQ qua tiếng nói ngoại giao.

Vào trung tuần tháng 9 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lên đường công du ba nước châu Á-Thái Bình Dương là Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand. Nhiệm vụ chính là giải thích việc Hoa Kỳ chuyển hướng chiến lược sang châu Á không nhằm kiềm chế, ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đó là tiếng nói quân sự.

Tại Nhật Bản, BT. Panetta muốn đưa ra một tín hiệu là Mỹ củng cố sự hiện diện quân sự tại đây, và Washington vẫn luôn đứng bên cạnh đồng minh Tokyo trong bối cảnh đang có căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Hoa Đông. Vào lúc hai bên Nhật-Trung “nắn gân” lẫn nhau thì nên nhớ là đảo Okinawa là một vị trí đặc biệt khi biết rằng quần đảo này có thể “chặn đường Trung Quốc ra Thái Bình Dương”.

 

Okinawa cản đường Trung Quốc ra Thái Bình Dương


Việc ông Panetta công du New Zealand muốn nói lên rằng “Mỹ không muốn nhượng bộ Trung Quốc” tại khu vực nam Thái Bình Dương.

Trong cuộc tranh tài Mỹ-Trung thì Việt Nam có thể làm gì?

Trước đây, vào thời kỳ chiến tranh, các chuyên gia hay nói về chính sách "đi dây" khôn khéo của Việt Nam. Nay tình hình đã thay đổi nhiều, chính sách đi dây ngày càng khó thực hiện, nhất là sau cuộc họp “Thành đô” vào 1991 khi mà lãnh đạo CSVN hồi đó với cái nhìn thiển cận “đầu hàng TQ” vì muốn giữ đảng nhiều hơn là bảo vệ đất nước.

Trong thế cờ mới, đối với Mỹ thì Việt Nam chưa chắc là “con cờ” tốt mà Mỹ muốn dùng trong ván cờ Mỹ-Trung. Mỹ cũng hiểu sự trói buộc tự nguyện của đảng CSVN vào với TQ, và cũng chẳng ngây thơ với thái độ đôi khi tỏ ra muốn xích lại gần Mỹ của VN. Những lời tự tô vẽ mình là "đỉnh cao trí tuệ loài người" (trong cái tài đi dây, hẳn thế) sau chiến thắng 1975 của CSVN bây giờ dĩ nhiên chẳng còn ai tin, kể cả để chính quyền VN ru ngủ chính mình.

Trong một bài trình QH, ông K. Campbell/ nhắc lại chính sách của Hoa kỳ đối với Biển Đông: “the United States has a national interest in the maintenance of peace and stability; respect for international law; unimpeded lawful commerce; and freedom of navigation in the South China Sea. The United States does not take a position on the competing sovereignty claims over land features in the South China Sea, and we continue to encourage all parties to take steps to address these disputes diplomatically and in a collaborative manner. We oppose the use of coercion, intimidation, threats, or force by any claimant to advance its claims. We believe that claimants should explore every diplomatic and other peaceful means for dispute resolution, including the use of arbitration or other international legal mechanisms.”

Đối với Việt Nam thì theo đánh giá của ông Nguyễn Trung / cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan - cố vấn của cố TT Võ Văn Kiệt, khi Trung Quốc vươn lên địa vị siêu cường, thì Việt Nam mặc nhiên trở thành chướng ngại vật đầu tiên của họ. Theo ông thì lý tưởng đối với Trung Quốc là làm sao có các nước vệ tinh theo mối “quan hệ thiên triều – chư hầu kiểu mới.” Trung Quốc sẽ không từ một biện pháp hay thủ đoạn nào để ngăn cản sự xuất hiện một quốc gia sát nách mình ở hướng Nam trở thành một “tiền đồn của dân chủ hay của thế giới phương Tây”.

Tác giả bài này trong “Việt Nam có thể làm gì và cần làm gì tại Biển Đông” / nói là Việt Nam cần thay đổi “Muốn làm được điều đó, bên cạnh một số chiến lược ngoại giao và quân sự Việt Nam cần phải đa dạng các phương cách “giữ bờ cõi.” Việt Nam có thể dùng ngoại giao nhân dân, ngoại giao đa phương, tranh thủ nước lớn và cộng đồng quốc tế và người Việt ở nước ngoài. Việt Nam cần sử dụng truyền thông và tiếng nói của các học giả trong và ngoài nước để nói cho Trung Quốc hiểu rằng Việt Nam sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Việt Nam phải cho thế giới thấy là chúng ta khác Trung Quốc, có các giá trị khác TQ đồng thời cố gắng giải quyết các tranh chấp nội bộ, lấy lòng dân qua việc giảm bất công xã hội, cởi mở với các blogger, với người xuống đường chống TQ, bỏ đàn áp tôn giáo v.v... Tóm lại phải cho thế giới thấy Việt Nam có nhiều giá trị gần gũi với thế giới, khác hẳn Trung Quốc.” Ví dụ tân Tổng Thống Pháp François Hollande khẳng định nước Pháp; thành viên thường trực Hội Đồng bảo An LHQ với quyền phủ quyết, là bộ phận quan yếu của Liên Minh NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo, trụ cột của trật tự thế giới tự do. Ông cũng chủ trương một thế giới đa cực dựa trên công pháp quốc tế và chống sử dụng bạo lực để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia ngoài khuôn khổ LHQ. Pháp thấu triệt hồ sơ Hoàng sa/Trường sa/Biển Đông (do đã từng bảo hộ cho Việt nam từ 1885-1955) cho nên đã và có thể tư vấn về luật biển cho VN và chống lại việc TQ sử dụng vũ lực tại Biển Đông.

Tạm kết

Các phe chỉ trích chính quyền cho là TT Obama đã quên lời hứa của TT Kennedy là làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ tự do ["pay any price, bear any burden" to assure the "survival and the success of liberty."] Phe chỉ trích cho là ông nhút nhát trong khi các phe ủng hộ chính quyền cho là thí dụ chính sách ngoại giao và quân sự tại Libya là một thành công – giúp dân chủ phía sau – không cần dùng võ lực nếu không cần thiết mà vẫn mang lại dân chủ. Họ cho ông có chính sách kiên nhẫn.

Cuộc khảo cứu của Pew Research center/ thì 45 % dân cho là chính sách Obama đối với TQ không đủ mạnh, trong khi đa số chuyên gia cho là đủ. Phải nói là chính quyền Obama khác hẳn với chính quyền Bush, là rất “mềm dẻo”, lúc nào cũng dùng ngoại giao, nhưng cũng không ngần ngại sử dụng sức mạnh khi cần để bảo vệ lợi ích nước Mỹ, như việc thanh toán Osama bin Laden, hay tái cân bằng lực lượng tại Thái Bình Dương – rất cương quyết và dứt khoát.

Tại Lybia hay Syria ở Trung Đông, vì hai nước này không đe dọa Mỹ cho nên không có lý do can thiệp trực tiếp, chính quyền Obama đã làm gián tiếp qua NATO, đứng đàng sau giúp Pháp, Anh trong vụ Lybia, hay giúp Thổ Nhĩ Kỳ hay Arập trong vụ Syria. Việc này cũng không khác gì tại Á châu – không can thiệp trực tiếp khi chưa cần như tại Philippines hay Nhật Bản, mà chỉ khuyến khích các nước trong vùng giúp đỡ nhau trong thế liên hoàn. Đây là chính sách rất khôn ngoan và thực tế (trong lúc ngân sách không còn được dồi dào), thúc đẩy yểm trợ các nước đồng minh tự lo lấy những vấn đề của mình, nhưng an lòng vì luôn có "ông anh lớn" đứng phía sau.

Dù sao đi nữa chính sách ngoại giao và quân sự của chính quyền Obama cho thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của vị Tổng Thống Mỹ đương nhiệm đối với Á châu. Sự quan tâm này không được những phe thân Israel ưa thích, kể cả TT Benjamin Netanyahu của Israel, tất cả đang cố gắng làm thay đổi lập trường này trong thời kỳ tranh cử vào tháng 11 sắp tới.

TS ĐXQ

 


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày26/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link