Thursday, July 31, 2014

Đảng chai sạn khiến tôi nhiều hư hỏng

Tâm thư gửi đảng viên Cộng sản Việt Nam yêu nước cấp tiến

Dân Văn Giang, Hưng Yến kể vụ cưỡng chế: Nghe mà rớt nước mắt



Kính thưa Quý Anh Chị

Sau khi đọc thư của quý Anh Chị gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù tôi đã làm đơn xin ra khỏi tổ chức của Đảng từ năm 2004 với lý do ghi rõ: “Vì mất niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng”, nhưng nay sau khi đọc thư của quý Anh Chị, tôi tự thấy phải góp tiếng nói đồng tình và xin được chia sẻ trách nhiệm đối với bức thư mà quý Anh Chị vừa gửi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng toàn thể Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. (Xem như tôi đã xin được cùng ký tên và cùng chịu mọi trách nhiệm).

Kính thưa Quý Anh Chị

Tôi hoàn toàn tán thành nội dung bức thư của quý Anh Chị, nên không bàn luận thêm. Nhưng qua bức thư này tôi có chút suy tư, xin được bày tỏ cùng quý Anh Chị – những người cộng sản yêu nước cấp tiến.

Suy tư về Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập với tôn chỉ mục đích: “Vì lợi ích Quốc gia, Dân tộc, Đoàn kết toàn dân chống xâm lược…”. Chính vì vậy, Đảng đã quy tụ được toàn dân một lòng đi theo Đảng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi giành độc lập.

Nhưng thật đáng tiếc, sau khi giành được độc lập đến nay, Đảng và Nhà nước đã trượt dài xuống hố sâu quan liêu, tham nhũng, áp bức Nhân Dân với đầy rẫy tội lỗi, mà nguyên nhân sâu xa chính là do Đảng thực hành chế độ độc tài chính trị, độc quyền kinh tế, làm cho Đảng ngày càng thoái hóa biến chất, dẫn đến Đảng và Dân trở nên đối lập nhau về lợi ích mà Đảng vẫn cứ cố áp đặt độc quyền cai trị, dẫn đến chia rẽ, đối kháng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân Dân và nội bộ lãnh đạo của Đảng, cũng do vậy phân hóa thành hai phe nhóm:

- Phe nhóm “cộng sản 4 kiên định” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đang công khai lãnh đạo việc giữ quan hệ hữu nghị với “bạn láng giềng 4 tốt 16 chữ vàng” – mà kỳ thực ai cũng biết đó là nhẫn nhịn, cầu hòa để quyền thống trị độc tôn của Đảng được bảo hộ.

- “Phe nhóm” còn lại trong Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất gồm những người “Cộng sản yêu nước cấp tiến” chủ trương từng bước “đổi mới thể chế”, xây dựng Nhà Nước pháp quyền dân chủ, phát triển xã hội dân sự, đoàn kết toàn dân, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Nhân Dân và Chính phủ các nước dân chủ, văn minh, tiến bộ trên thế giới, tạo thế và lực mới chống xâm lược Bành trướng Bắc Kinh.

Suy tư về những người cộng sản yêu nước cấp tiến

Mặc dù từ lâu tôi không còn là Đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng suy xét lại mình và nhìn lại lịch sử Đảng, tôi luôn giữ tình cảm và niềm tin: Bất kỳ ai đi theo Đảng làm cách mạng đều là những người yêu nước. Và vì vậy, dù ngày nay Đảng có thoái hóa, biến chất, hư hỏng như thế nào… tôi vẫn hy vọng và gửi gắm niềm tin đối với tất cả Đảng viên cộng sản yêu nước cấp tiến đang là lãnh đạo các cấp trong các cơ quan Đảng, Chính phủ, Bộ, Ngành, Đoàn thể, Quân đội, Công an… Vì vốn là cộng sản yêu nước thì đảng viên nào cũng có điều kiện tự diễn biến, tự chuyển hóa bản thân mình, cơ quan mình… từ đó góp phần tạo diễn biến, chuyễn hóa đường lối, cương lĩnh, chủ trương chính sách lạc hậu lỗi thời của Đảng, Chính phủ… tiến bộ dần dần theo xu thế dân chủ, văn minh cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tự lột xác, khoác chiếc áo mới cùng với sự ra đời của Nhà Nước Việt Nam dân chủ.

 Đó là một nhà nước đoàn kết được toàn dân, đoàn kết được với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và được các nước dân chủ, văn minh tiến bộ hậu thuẫn. Khi đó hiểm họa xâm lược ngông cuồng của Bành trướng Bắc Kinh sẽ bị ngăn chặn, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ, hòa bình thật sự cho đất nước. Khi đó tất cả những người cộng sản yêu nước cấp tiến sẽ cùng nhau hân hoan mừng hoàn thành sứ mạng lịch sử!
Tôi tin ngày đó sẽ đến gần!
Kha Lương Ngãi


Đảng chai sạn khiến tôi nhiều hư hỏng

PV Quốc Doanh

Không ít người cho rằng, nhờ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có cuộc sống của họ (và dân tộc) hôm nay. 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn trong bài “Đảng là lẽ sống của tôi” có câu “Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin”; hoặc như ông Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh ở Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng nói dịp thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tháng 12-2012, Đảng đã cho ông (và nhiều người) cái sổ hưu.

PV Quốc Doanh tôi là đảng viên lâu năm của Đảng, có được hưởng lợi lộc từ Đảng, từ chế độ do Đảng tạo ra, nhưng không thể nói nhờ có Đảng mới có cuộc sống của tôi. Còn nói nhờ có Đảng, gia đình (cha mẹ) tôi mới có cuộc sống ấm no thì không đúng sự thật.

Dường như có bao nhiêu người nói “ơn Đảng” thì cũng có bấy nhiêu người nói ngược lại, có bao nhiêu lời “ngợi ca Đảng” thì cũng có bấy nhiêu phản bác. Song chẳng hề gì, có ai giúp nhau được mọi mặt đâu, huống chi xã hội. Hôm nay, tôi muốn trình bày vấn đề khác, vì đảng viên lâu năm, được Đảng giáo dục từ nhỏ, Đảng đã làm cho tôi nhiều chai sạn. Cuộc sống dưới bầu trời và giữa cây cỏ tươi xanh, chai sạn cũng có nghĩa hư hỏng.

Lúc còn nhỏ, ông bí thư chi bộ cạnh nhà tôi phản bác việc thờ cúng, cho rằng mê tín dị đoan thì tôi bớt linh thiêng cả việc thờ cúng ông bà, tổ tiên. Năm 1975, tôi ở trong đoàn quân giải phóng, “tiếp quản” một đô thị, được Đảng dạy rất kỹ về địch-ta, vùng tạm chiếm và vùng giải phóng, cách mạng và phản cách mạng, đấu tranh giai cấp, hai phe, ba dòng thác cách mạng, v.v. 

Một lần, tôi ngồi quán uống trái dừa rồi nạo cùi ăn, cùi mỏng nên lòng thòng như bún, mấy thanh niên nam nữ ngồi gần lén nhìn bấm nhau cười. Tôi ngoảnh sang thấy vậy thì mắc cỡ nhưng cũng trợn mắt để đe doạ, họ vội vàng đứng dậy bỏ đi. Tôi thuộc lực lượng cách mạng, lực lượng giải phóng luôn nghĩ ở vị trí cao hơn những người ở “vùng tạm chiếm”. Vào vườn mận chín đỏ đẹp mắt, rất thèm, bà chủ vườn xởi lởi mời ăn trái mận thì tôi thẳng thừng từ chối, lại mời tôi lúc rảnh rỗi quay trở lại thì tôi ừ hự mà trong bụng nhủ thầm: không được để không bị “mua chuộc”.

Thực tâm tôi không muốn vậy nhưng Đảng đã dạy tôi nghĩ vậy. Hồi đó, chẳng phải những người thuộc “hàng ngũ nguỵ quân, nguỵ quyền” phải đi học tập cải tạo? 

Những người ở đô thị phải đi vùng kinh tế mới để tự cải tạo? 

Các vị chính uỷ, chính trị viên trong quân đội luôn răn dạy (và đe doạ) chúng tôi, chiến sĩ cách mạng phải luôn cảnh giác với “viên đạn bọc đường”! Cứ chủ nhật hay lễ tết, tôi rất muốn vào nhà dân chơi mà không dám, thi thoảng vào nhà dân là phải tìm hiểu “địch-ta”, “nguỵ quân nguỵ quyền hay cách mạng” rồi nghe đủ thứ giải thích để chứng minh đó là phe ta (từng giúp cách mạng, có người theo cách mạng hoặc người tập kết, v.v) thì rất mệt mỏi.

Sau này, hễ nhớ lại là tôi mắc cỡ với chính mình: kệch cỡm, lố lăng. Trong lúc, vẫn tự nhận là “quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” và thực sự trở thành quân đội anh hùng là nhờ vậy nhưng khi có được chính quyền, thì chia nhân dân ra nhiều loại và quân đội (cả công an) chỉ coi trọng nhân dân loại một và lo bảo vệ Đảng, thực chất là bảo vệ những người đang ngồi ở ghế lãnh đạo Đảng.
Tôi đã được khuyến khích phát triển cái tâm lý thấp hèn, bội bạc, chia rẽ dân tộc, đặc quyền đặc lợi. Lúc đó, tôi chưa nhận ra đấy là xấu, chưa nhận ra sự bất bình thường mà tưởng là bình thường, như lẽ hiển nhiên, còn lấy làm hãnh diện, vênh vang.

 Mỗi lần đi đây đó, ra bến xe bến tàu với giấy công lệnh của quân đội, được đứng vào hàng ưu tiên để mua vé, tự hào lắm. Cho đến khi, một vị chính trị viên tiểu đoàn độc lập, trên đường về phép, bị phát hiện bán giấy công lệnh khống (ông có quyền ký và đóng dấu; giấy công lệnh của quân đội được ưu tiên đi lại trên cả nước) thì tôi bắt đầu suy nghĩ khác.

Trước đó, tôi rất tin lời các vị chính uỷ, chính trị viên, những đại diện trực tiếp của Đảng trong đơn vị quân đội. Nghị quyết Đại hội 4 của Đảng cho rằng, kinh tế nước ta phải xây dựng công nghiệp nặng làm nền tảng để phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. 

Tôi có đọc một số tài liệu về phe xã hội chủ nghĩa đang tiến tới “phân công quốc tế” để phát huy thế mạnh từng nước, liền phát biểu, nếu xây dựng một nền kinh tế quốc gia “khép kín từ A đến Z” sẽ không đủ khả năng và cũng không phù hợp xu thế thời đại. Một cán bộ chính trị cắt ngang ý kiến của tôi, bảo rằng Nghị quyết Đảng đã chỉ ra thì không được suy nghĩ khác. Tôi im ngay, không dám cãi. Khi nghe câu chuyện truyền miệng về một vị chính uỷ, trong chiến tranh mỗi lần hành quân được lính cáng võng và ông bảo là “cáng chủ nghĩa Mác-Lênin”, tôi nhận xét, nếu vậy xếp ba lô những cuốn sách về chủ nghĩa Mác-Lênin mà đeo sẽ khoẻ hơn, liền bị kiểm điểm và tôi không dám nghĩ tiếp nữa.

Tư tưởng cho rằng Đảng được độc quyền tư duy, Đảng là cách mạng, công cụ của Đảng cũng ở trên nhân dân hình thành trong tôi gần như không cần bàn cãi. Một lần, có vị sĩ quan khoe đã mua được mấy công đất vùng ven đô để làm nhà, chuẩn bị đưa vợ con ở quê lên, tôi băn khoăn: Tại sao phải mua đất? Vì tôi nghĩ, sĩ quan nhiều năm trong quân đội, đánh nhiều trận, chịu đựng hy sinh gian khổ để “giải phóng miền Nam” thì phải được cấp đất. 

Suy nghĩ của tôi còn có cơ sở thực tế, rất nhiều “cán bộ cách mạng” đã được chia biệt thự, nhà cửa, đất đai ở miền Nam; nhất là sau khi công hữu hoá đất đai, một trưởng ấp cũng có quyền cấp đất; rồi làn sóng vượt biên để lại nhà cửa, đất đai khắp nơi cho “cán bộ cách mạng” kiểm kê chia nhau. Chiếm đoạt (cướp đoạt) của người khác nhưng có tổ chức, do Đảng cầm đầu, tôi thấy là lẽ hiển nhiên của cách mạng.

Cho mình là công dân hạng nhất, ở trên nhiều “loại công dân khác”, theo tôi là loại tư duy quái gở nhất, làm hư hỏng con người nặng nề nhất. Gần đây, tôi đã bất ngờ khi đọc tài liệu về nước mắm Phú Quốc, biết hồi xưa thực dân Pháp đưa người An Nam vào lính viễn dương, biết lính An Nam thèm nước mắm, một vị tướng Pháp đã yêu cầu chuyển nước mắm Phú Quốc cho lính An Nam. Trong quân đội Việt Nam, hầu như chưa bao giờ được quan tâm tìm hiểu và đáp ứng những nhu của người lính tương tự như thế; đừng nói với nhân dân, nhất là “nhân dân hạng dưới”.

Chuyển sang viết báo quốc doanh, chai sạn do Đảng rèn luyện trong tôi càng nghiêm trọng. Một thời kỳ dài, mọi việc Đảng làm được ca ngợi tuyệt đối đúng, những cơ quan của Đảng như Tổ chức, Kiểm tra, Nội chính, Tuyên huấn và cả công cụ của Đảng như Công an, Quân đội, Thanh tra được coi không bao giờ sai, nếu có sai chỉ là “hiện tượng cá biệt không phải bản chất” hoặc “trong khâu thực hiện” và ở “địa phương”. 

Lúc đó, lấy được kết luận thanh tra, điều tra hay cáo trạng của viện kiểm sát, bản án của toà án là thả sức phóng bút viết theo, thêm mắm muối a dua hết mức, lên án nặng nề những người là đối tượng của các cơ quan ấy, đòi “trừng trị”, “xử lý nghiêm”. 

Sau này, liên hệ đến oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn và nhiều vụ oan sai khác nữa, thấy báo chí đã tiếp tay oan sai ghê gớm như thế nào. Tình trạng báo chí chai sạn, vô cảm đến hôm nay chưa phải đã hết, cứ đọc những tờ báo của công an, viện kiểm sát, toà án và cả tờ Quân Đội Nhân Dân hay Nhân Dân sẽ thấy, nhà báo cũng tự cho mình cái quyền suy luận quy chụp, kết tội con người (hoặc trào lưu, xu hướng) rất tuỳ tiện, ngạo mạn.

 Lắm lúc, tôi không khỏi rùng mình: Báo chí quốc doanh đã tiếp tay gây oan sai cho bao nhiêu người? Luật nhân quả nếu có, tội lỗi gây ra mấy đời trả được?

Nghĩ đến luật nhân quả, tôi lại càng rùng mình về những chai sạn Đảng đang gieo cho người khác. Cái ông sĩ quan an ninh của công an đạp vào mặt người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Hà Nội hôm 17-7-2011, ảnh vẫn lưu giữ rõ ràng trên mạng.

 Rồi mấy ông mấy bà trong buổi sáng đầu năm nay, cũng ở Hà Nội, ôm nhau nhảy “xòn xòn đô xòn” trước Tượng đài Lý Thái Tổ, để ngăn cản những người muốn làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược năm 1979. Sự chai sạn đã nghiêm trọng tới mức, chai sạn trước sự tồn vong đất nước. Trời ơi, những hình ảnh ấy lưu giữ gần như vĩnh viễn trên mạng, giữa thế giới, ngàn đời bền hơn tượng đồng bia đá, làm sao gột rửa trong lòng con cháu?
 
Sĩ quan an ninh của công an đạp vào mặt người biểu tình chống Trung Quốc ngày 17-7-2011 ở Hà Nội.
 
Vị sĩ quan an ninh của công an đạp vào mặt người biểu tình chống Trung Quốc là người mặc áo sọc ngang.
 
Ôm nhau nhảy múa trước Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, đầu năm nay, để ngăn lễ tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.

Sự chai sạn trong tình cảm, tư tưởng không dễ nhìn thấy, mà nhìn thấy cũng không dễ sửa được. Xem phim nước ngoài, thấy chàng trai trẻ không dám làm thịt con cá vì sợ thấy máu cá, tôi cũng buồn cho mình vì không bao giờ còn có được tình cảm với muôn loài một cách hồn nhiên như thế. 

Tôi được Đảng giáo dục từ tuổi thơ tư tưởng đấu tranh giai cấp, bạo lực cách mạng nên nhìn thế giới quen con mắt tìm kiếm kẻ thù, tìm để tiêu diệt hoặc lên án, hết kẻ thù giai cấp đến kẻ thù phá hoại nhiều mặt, khi không còn kẻ thù của phe xã hội chủ nghĩa (vì phe xã hội chủ nghĩa không còn) thì tìm kiếm kẻ thù diễn biến hoà bình, hết diễn biến từ bên ngoài đến tự diễn biến bên trong, v.v. Một cuộc sống luôn tìm kiếm kẻ thù là con người và gồng mình lên để tiêu diệt kẻ thù là con người, chai sạn có khi còn hơn loài thú vật.

Hồi nào, các báo cáo của công an và một số ngành thường khoe phá được bao nhiêu vụ “tư thương lũng đoạn thị trường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa”, nay có vị tướng công an khoe đã đánh sập được mấy trăm trang mạng lớn nhỏ. 

Tự do làm ăn, tự do suy nghĩ của con người cũng trở thành kẻ thù của Đảng, đây là sự chai sạn gây hậu quả nặng nề, có hại dai dẳng cho sự phát triển. “Không có gì quý hơn độc lập và tự do”, câu nói của Hồ Chí Minh, người mà Đảng hô hào học tập mấy năm nay nhưng chỉ hô hào học tập đạo đức, còn tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng không chịu học.

Không được tự do suy nghĩ và làm ăn, nhiều doanh nhân nói với tôi, không muốn phát triển sản xuất kinh doanh, chỉ làm vừa đủ giàu là nghỉ. Nhiều nhà báo, nhà văn, nhà lý luận trở thành bồi bút, viết nịnh hót cho êm tai lãnh đạo Đảng, chứ không vì cuộc sống, vì chân lý. 

Bản thân tôi, không muốn làm bồi bút thì cũng phải ở trong vòng bồi bút, nhiễm tư tưởng bồi bút và biết đâu, có những bài bây giờ tưởng không là bồi bút nhưng sau này sẽ rõ ra bồi bút? Đảng viên thường không có khả năng nhìn xa trông rộng, nhờ cậy vào lãnh đạo thì lại bị Đảng chai sạn làm cho hư hỏng thêm.

Ai đọc lịch sử nước Mỹ đều biết, sau cuộc nội chiến Nam – Bắc, phía Bắc thắng trận, đã cho xây dựng nghĩa địa chôn cất tất cả những người thiệt mạng trong trận đánh cuối cùng, bất kể họ ở phía nào, Nam hay Bắc, tức là không phân biệt “địch hay ta”. Cái câu “chính quyền của dân, do dân, và vì dân” được Tổng thống Mỹ Lincoln đọc lên trong bài diễn văn chỉ có 272 từ, ở buổi khánh thành nghĩa trang này. 

Còn lịch sử nước ta, đời Trần đánh quân Nguyên, triều đình phải rời Thăng Long lúc ban đầu thế yếu, sau thắng trận trở về, có vị quan dâng lên một cái tráp đựng bản danh sách những kẻ theo địch mà ông thống kê được. Vua khen thưởng cho người biết đề cao lợi ích dân tộc lúc nước mất nhà tan nhưng liền đó, sai người đốt cái tráp với bản danh sách ấy trước mặt bá quan văn võ. Ý nhà vua rất rõ, đất nước hoà bình rồi, bỏ hết mọi lỗi lầm lúc loạn lạc, muôn dân quên hận thù để đoàn kết xây dựng đất nước. Lãnh đạo có tầm cao nhìn xa hơn quan lại thấp bé, để đất nước yên lành cường thịnh, chứ không khuyến khích sự hẹp hòi, ngu muội thú tính trong mỗi con người nhỏ bé.

Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 vào vùng biển nước ta, tôi hỏi một vị cán bộ cao cấp của Đảng, tại sao không liên minh với Mỹ để chống sự xâm lược của Trung Quốc? Vị này đáp, muốn lắm nhưng đối xử làm sao với hệ thống tượng đài, bia chiến thắng và cả bia căm thù Pháp, Mỹ đã dựng lên khặp nước? Tôi đảng viên thường thêm buồn vô cùng sau câu trả lời, chính chủ trương của Đảng suốt mấy chục năm qua dựng lên vô vàn tượng đài và bia mộ để khoét sâu hận thù Việt-Pháp và Việt-Mỹ để dẫn tới bế tắc chiến lược hôm nay.

 Cần khẳng định, một số tượng đài và bia mộ là cần thiết nhưng không phải tất cả. Xin hãy tưởng tượng, trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, nếu thời nào sau chiến thắng ngoại xâm cũng dựng nhiều tượng đài và bia mộ như mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì liệu đất nước này có còn đất mà sản xuất, sinh sống hay không? Nếu tiền của để dựng đa số tượng đài và bia mộ ấy, được dành phát triển kinh tế, văn hoá, lo cuộc sống cho các gia đình chính sách thì kết quả tốt đẹp hơn nhiều lần. Gia đình chính sách no ấm, lòng cũng khuây khoả nỗi đau quá khứ, sống ân tình hơn với xung quanh.
Không tạo ra được thắng lợi trong xây dựng đất nước, Đảng cứ “ăn mày dĩ vãng” mà đưa dân tộc đi luẩn quẩn. Từ ngày hoà bình, chưa thấy Đảng có quyết sách gì thể hiện tầm nhìn xa của người lãnh đạo, chỉ thấy thỉnh thoảng Đảng đưa đất nước đến tình thế không thể không thay đổi, không thể không thoát ra và thoát ra được là kể lể “thắng lợi lớn”, “bước ngoặt quan trọng”. Giải quyết tình thế cũng chủ yếu bằng kích thích tinh thần tự ái hẹp hòi của một bộ phận dân tộc chứ không phải bằng sự đoàn kết toàn dân tộc, bằng dân chủ và hoà hợp dân tộc, bây giờ “hết bài” là bế tắc. Bây giờ, cái bộ phận được kích thích tinh thần tự ái ấy đã mệt mỏi, chán nản, như bản thân tôi cảm thấy ngột ngạt, không thể kéo dài tình trạng chai sạn hư hỏng thêm nữa. Chai sạn để “đấu tranh giai cấp”, “tiêu diệt kẻ thù” dù phải “hy sinh bản thân mình” chỉ có thể tồn tại trong những trường hợp đặc biệt của cuộc sống, không thể tồn tại lâu dài trong cuộc sống bình thường. Cuộc sống bình thường là phải hồn nhiên và lương thiện từ học hành, làm ăn đến vui chơi, từ trong nhà ra ngoài ngõ, sang hàng xóm và với cả làng nước, thế giới để “tất cả cùng thắng lợi”. Cuộc sống bình thường không chấp nhận vẻ mặt sắt máu, du côn nhìn thiện hạ là muốn “đấu tranh giành thắng lợi tuyệt đối” cho bản thân mình.

Lại cần phải nói rõ điều này, hồi nào hấp dẫn tôi cái chủ nghĩa xã hội để tôi tự nguyện vào Đảng không phải vì Chủ nghĩa Mác-Lênin với “đấu tranh giai cấp” mà chính xác là với “bốn phương vô sản đều là anh em”. Cả thế giới là anh em, hỗ trợ nhau đi lên no ấm, hạnh phúc thì còn gì bằng, phấn đấu cho điều đó là sẵn sàng. Bây giờ thấy rõ đó là mong ước quá xa vời, đã sụp đổ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đi tới mục tiêu lý tưởng ấy bằng “đấu tranh giai cấp” và “bạo lực cách mạng” là cực kỳ sai lầm.

Có thể nào đi tới nhân loại đại đồng ấm no hạnh phúc khi giai cấp vô sản toàn thế giới cố kết nhau lại trừ khử hết các giai cấp khác, tiêu diệt sạch những người không cùng phương pháp sắt máu? Chao ôi, đã có nhiều “phong trào cách mạng” chỉ đưa đến kết quả tang thương. Ở nước ta, đó là cải cách ruộng đất, hợp tác hoá, tập đoàn hoá, công hữu hoá, các đợt bài phong, các đợt đánh tư sản và cả đánh văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, v.v. Xã hội náo loạn, bất ổn vì những “phong trào cách mạng” như thế, khiến con người ngày càng bị nhào nặn chai sạn, vô cảm, thậm chí mất lý trí đến mức cha con đấu tố nhau, vợ chồng ruồng rẫy nhau, anh em từ mặt nhau.

Đến hôm nay, cái lý tưởng “thế giới đại đồng” vô cùng tốt đẹp ấy vẫn tồn tại, nó là lý tưởng của loài người nhưng không còn là đặc trưng hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội nữa mà dường như đã thuộc về chủ nghĩa tư bản với Liên minh Châu Âu và nhiều liên minh khác, điển hình như liên minh Nhật-Mỹ vượt lên hận thù ghê gớm gây ra bởi hai quả bom nguyên tử.

 Thế giới chuyển biến theo lẽ tự nhiên đi tới tốt đẹp nhanh chóng đến không ngờ như cây xanh tươi ra hoa kết trái, còn Đảng loay hoay với “đấu tranh giai cấp”, với “ba dòng thác cách mạng” đã để vuột mất ngọn cờ “bốn phương vô sản đều là anh em” cũng không ngờ. Không còn lý tưởng hấp dẫn, Đảng tỏ ra hậm hực như có báu vật bị cướp mất, lại loay hoay đi tìm kẻ thù để xả nỗi bực tức, hết kẻ thù rõ mặt đến kẻ thù giấu mặt. 

Loanh quanh tìm kẻ thù để tiêu diệt trên đất nước, trong nhân dân và trong cả nội bộ, Đảng ngày càng mất phương hướng, làm cho những người kiên trì theo Đảng trở thành ngớ ngẩn, hồ đồ và thêm chai sạn.

Nên giờ này, giữa Trung Quốc và Mỹ (cùng những nước dân chủ văn minh), giữa “đấu tranh giai cấp” với “hợp tác toàn cầu”, Đảng lúng túng không biết đâu là bạn đâu là thù, phải đem hệ thống tượng đài và bia mộ xây dựng mấy chục năm qua ra làm công sự ẩn nấp. Một cuộc ẩn nấp để trốn tránh trách nhiệm, như mọi cuộc ẩn nấp khác lại ra sức lo củng cố hầm hào, thành luỹ, Đảng không ngừng xây dựng thêm nhiều tượng đài, bia mộ, nghĩa trang mà những dịp như ngày 27/7 này, khắp nơi đang chứng kiến. 

Cái hố chia rẽ dân tộc lẽ ra phải khoả lấp hằng ngày, hằng năm thì Đảng khoét sâu thêm, rộng ra, muốn thoát khỏi cái vòng tròn do mình vạch ra mấy chục năm qua nhưng lại không thoát ra được quán tính hành động mất phương hướng và chai sạn cả tình cảm lẫn lý trí. Không còn tư chất lãnh đạo, một chút cũng không còn, chỉ còn tư chất bám víu, tầm gửi. Vì thế mà giả dối đã trở thành đặc trưng của lãnh đạo thời nay. 

Giả dối khủng khiếp. Có vị long trọng hô hào chống “ngoại lai” không biết ngượng mồm khi vẫn hô hào “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin”. Cái chủ nghĩa ấy không phải ngoại lai chắc? Giả dối trong lời nói, hành vi và nghị quyết, giả dối tệ hại nhơn nhơn, tỉnh bơ làm chai sạn, vô cảm, u lì cả cả xã hội. Nhiều đảng viên băn khoăn, hình như lãnh đạo Đảng không được lãnh đạo nước khác tin cậy? 

Tôi hỏi lại, đảng viên và người dân nước ta có tin cậy không? Bật ti vi lên, thấy mặt đa số lãnh đạo Đảng là tôi chuyển kênh.

Khi tình cảm và tư tưởng con người chai sạn thì xã hội bị chai sạn trên mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách. Kinh khủng nhất là tình trạng dân oan kéo từng đoàn dài từ Bắc đến Nam, lê la ở thủ đô Hà Nội quanh năm, đã trở thành bình thường như một phần không thể thiếu của “xã hội xã hội chủ nghĩa”. 

Đủ mọi tầng lớp đã có mặt trong đoàn dân oan đi khiếu kiện ấy, đa số do bị cướp đoạt đất đai, cướp đoạt mất cái tư liệu sản xuất chủ yếu để sinh sống của người nông dân. Nhưng bao phận người đau khổ tột cùng ấy lại rất ít còn được truyền thông phản ánh. Vì quá nhiều, vì phản ánh dường như không có kết quả, thậm chí không có người đọc (trừ những người liên quan). 

Cả xã hội chai sạn ghê gớm như thế! Nguyên nhân gốc rễ ở đâu? Ai cũng có thể chỉ tận mặt: Cái quan điểm “đất đai sở hữu toàn dân” quái gở. 

Có bà mẹ liệt sĩ gào lên: Đất đai của tổ tiên tôi để lại, tôi không nợ nần gì nhà nước này cả (nếu có nợ nần là nhà nước nợ bà), tại sao ra quyết định thu hồi đất của tôi? Mọi người có thể trả lời bà, trừ Đảng. 

Chai sạn mất rồi vì thứ lý thuyết học mót không đến nơi đến chốn, Đảng không còn nghe được tiếng nói của đảng viên, nguyện vọng của nhân dân, đã ù lì như vô tri vô giác. Đã không biết lắng nghe tiếng nói của cuộc sống, Đảng lại theo thói quen “tìm kẻ thù”, chăm chăm tính tỷ lệ bao nhiêu phần trăm khiếu kiện đúng và bao nhiêu (cho là) sai hoặc có đúng có sai, và dẫu tỷ lệ đúng luôn áp đảo thì Đảng vẫn không chịu sửa mình mà tiếp tục hô hào “tuyên truyền giáo dục nhân dân”.

Chai sạn nguy hiểm khi không còn nghe được ý kiến của người khác, không còn nghe được tiếng kêu than của dân chúng. Biết lắng nghe thì mới phân biệt được phải trái và muốn lắng nghe thì trước hết phải biết tôn trọng con người, đây lại đụng đến điểm yếu chí mạng của Đảng. Lâu rồi, Đảng không biết tôn trọng con người, không biết tôn trọng nguyện vọng, tình cảm, tôn giáo, tín ngưỡng của con người. 

Đảng tự cho mình đã nắm được học thuyết tiến bộ của nhân loại, có tư tưởng tuyệt đối đúng đắn, có quyền đứng trên nhân dân để “tuyên truyền giáo dục nhân dân”. Mỗi lúc, nhân dân làm được việc gì đó thành công, Đảng cho rằng do Đảng lãnh đạo tài tình sáng suốt, các cơ quan của Đảng giỏi “tuyên truyền giáo dục nhân dân”. 

Những khi xã hội nảy sinh vấn đề do quá trình phát triển hay do Đảng gây ra, các cơ quan của Đảng đã thành thói quen, nêu giải pháp hàng đầu là “đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nhân dân”.

Bản thân tôi phải rèn luyện nhiều mà vẫn không gột bỏ được hoàn toàn vết chai sạn do Đảng gây nên trong người, mỗi khi nghe ý kiến trái với mình, dẫu đã thấy đúng thì vẫn lợn gợn khó chịu, có chấp nhận cũng gượng gạo, không tự nhiên. Sao mà tôi thèm muốn đến thế cái tâm thế cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, vui vẻ chấp nhận những ý kiến khác với suy nghĩ của mình. 

Sao tôi a dua với Đảng cả những điều sai lại dễ dàng, mà lắng nghe tiếng nói đúng lại khó khăn đến thế! Vì chai sạn, hư hỏng mất rồi. Bao nhiêu năm vênh vang ngỡ mình trong đoàn người tiên phong đưa dân tộc đi đến hạnh phúc, biết đâu đó là quá trình hư hỏng bản thân, đến lúc nhận ra thì mục nát không còn sửa được.

Bây giờ tôi vẫn chưa bỏ được Đảng. Bao nhiêu năm “dưới sự lãnh đạo của Đảng”, tôi đã đánh mất tinh thần độc lập tự do, không quen chịu trách nhiệm, sợ thay đổi. Tôi tâm sự điều này với một ông ngoài 70 tuổi, có năm chục tuổi đảng, thì ông bảo “em chưa nghỉ hưu không bỏ Đảng được”. Tôi hỏi, vậy anh nghỉ hưu đã lâu sao còn sinh hoạt Đảng? Ông lo lắng, sợ ảnh hưởng đến con cháu. 

Tôi đề nghị, anh hỏi con cháu xem chúng có muốn anh tiếp tục sinh hoạt Đảng hay không?

 Ông thẫn thờ một lúc, hạ giọng, chắc con cháu không muốn ông tiếp tục sinh hoạt Đảng bởi chẳng được lợi lộc gì, còn thiệt hại nhiều thứ. Nhưng ông vẫn không bỏ được sinh hoạt Đảng, cũng như tôi đã chai sạn vô tích sự mất rồi, phải đợi người lãnh đạo mới, chẳng biết dân tộc đã sinh ra hay chưa?

Tháng 7/2014
PV Q. D.

Đã khi nào thực sự dân biết,dân làm, dân bàn, dân kiểm tra việc nước?

Vĩnh Nguyên,

Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế

Cái đề trên, nguyên văn có trong các văn kiện, nghị quyết của nhà nước, chính phủ cùng các ban, ngành để phổ biến đến người dân là: “Nhà nước là của dân, do dân, vì dân; dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”.Nội dung thể hiện một nhà nước dân chủ, minh bạch, nhưng thực hiện được nó là khó lắm. Để khỏi dài dòng, người viết bài này chỉ lấy khúc sau. Cái tít bài là ở vế sau.

- Xin trả lời là chưa. Điều “Dân làm” là thâm căn muôn thuở. Đã là dân thì chỉ biết làm thôi. Còn việc “Dân biết”, nếu người dân biết được đôi điều về thế sự của đất nước thì, đâu dễ được bàn và dễ kiểm tra ai?
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An sau khi rời vũ đài chính trị có khởi trên công luận: Việt Nam lỗi tạiHệ thống. Bây giờ thì dùng cụm từ Ý thức hệ. Âu cũng từ Hệ thống mà ra.
Cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu nói: ”Lãnh đạo Việt Nam bị ý thức hệ kìm hãm”. Bị ý thức hệ kìm hãm như thế nào? 

Thì “Vừng ơi hãy mở cửa ra!” Nó đã mở ra và sáng tỏ từ Hiệp định đình chiến Genève Thụy sĩ (1954). Đã lâu rồi, nhiều người nhớ, người khác quên, thì vừa rồi, ngày 18.7.2014 Việt Nam kỷ niệm trọng thể 60 năm Hiệp định ấy (21.7.1954 – 18.7.2014), người dân Việt Nam có dịp ôn lại.
Nội dung Hiệp định là gì? Là Bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận quyền độc lập của ba quốc gia Việt, Miên, Lào. Một Hiệp định lịch sử.

 Các nước trịnh trọng ký bản tuyên bố chung khẳng định các bên tham gia Hội nghị cam kết và thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Căm pu chia. Các bên tham gia ký Hiệp định là Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Căm pu chia. Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn. Trưởng đoàn Trung Quốc là Thủ tướng Chu Ân Lai. 

Dù trong văn bản đã nói đến độc lập - thống nhất - chủ quyền - toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trước khi ký, các nước lớn đã khôn khéo “sắp xếp” trong đó có Pháp và Trung Quốc. Triều Tiên đã bị chia cắt hai miền Nam – Bắc Triều nên Chu Ân Lai lấy “mẫu mực Triều Tiên” áp đặt vào Việt Nam, cho rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa đủ sức để theo đuổi chiến thắng hoàn toàn.
Trung Quốc một bên đã ký Hiệp định, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng lật lọng.
Ngày 4.9.1958 Trung Quốc đưa ra một bản tuyên bố: Hải phận Trung Quốc rộng 12 hải lý. Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của Trung Quốc thì không được xâm phạm vào không và hải phận của Trung Quốc.
Ngày 10.9.1958 trong thư phúc đáp gửi Chu Ân Lai (nay còn gọi công hàm Phạm Văn Đồng), Phạm Văn Đồng đã làm một việc vi hiến là ký tán thành bản tuyên bố 4.9.1958 ấy. Thư phúc đáp từ chữ “Thưa đồng chí Tổng lý…” đến chữ ký Phạm Văn Đồng là 127 chữ. 

Nguyên văn như sau: “Thưa đồng chí Tổng lý. Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng. Phạm Văn Đồng”.
Vin vào cớ ấy, năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Mao Trạch Đông là người quyết định đánh (theo tài liệu của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy).
Năm 1978 Trung Quốc đã đi con đường Tư bản chủ nghĩa qua tuyên bố của Đặng Tiểu Bình“Mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Với tuyên bố ấy, để, “Dạy cho Việt Nam một bài học”, bước sang năm 1979, chính Đặng Tiểu Bình thúc 60 vạn quân tinh nhuệ đánh năm tỉnh biên giới Bắc Việt Nam.
Năm 1988 Trung Quốc tiếp dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma và 6 đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 (11.2012), khánh tiết trên lễ đài là 10 lá cờ Trung Quốc (mỗi bên 5 lá châu lại), không có ảnh Mác – Lênin – Mao Trạch Đông. Rõ ràng Trung Quốc đã đi con đường Tư bản chủ nghĩa; “Trung Quốc xây dựng CNXH theo màu sắc của Trung Quốc” là tuyên ngôn ẩm ờ, ngụy trang để lừa mỵ nhân dân Việt Nam và cả thế giới.

Công hàm Phạm Văn Đồng (1958) là cái cớ thứ nhất, sơ đồ nghiên cứu Biển Đông của Quốc dân đảng, thời Tưởng Giới Thạch (1947) là cái cớ thứ hai để Trung Quốc giờ tự vẽ lại Đường lưỡi bò 9 đoạn rồi 10 đoạn đến công bố bản đồ khổ dọc để độc chiếm trọn cả Biển Đông theo Luật rừng của Trung Quốc, không cần tuân theo luật pháp Quốc tế và trắng trợn, liều lĩnh hạ đặt giàn khoan HD 981 vào thềm nhà của Việt Nam 75 ngày (2.5 đến 16.7.2014), Trung Quốc dùng tàu lớn đã đâm hỏng 19 tàu kiểm ngư của Việt Nam, húc chìm tàu đánh cá ngư dân Đà Nẵng, bắt 13 ngư dân Quảng Bình và Đà Nẵng về Trung Quốc (đến ngày 17.7 mới thả cho về). 

Trung Quốc đã bộc lộ là kẻ xâm lược, tàn bạo! Tập đoàn bành trướng Đại Hán Trung Quốc đâu còn là “Bốn phương vô sản” nữa, họ đang trên đường chủ nghĩa Tư bản tài chính để thành chủ nghĩa Đế quốc, chủ nghĩa phát xít là mộng cai trị thế giới mà chính họ đã tự đề cao “Giấc mộng Trung Hoa” thì sao ta còn theo họ để xây dựng chủ nghĩa… cái gì? Có phải đây là lỗi Ý thức hệ?

Hiệp định Paris 1954 đến nay nhân dân Việt Nam đã rõ. Công hàm Phạm Văn Đồng 127 chữ nay dân đã biết. Thế còn Hội nghị Thành Đô (1990) nói về những gì giữa Việt Nam và Trung Quốc? Hiệp ước Việt-Trung về vịnh Bắc Bộ (30.12.năm 2000) nói về những vấn đề gì mà sau đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng đã thú nhận rằng: so với Hiệp ước Pháp-Hoa (1897), phía Việt Nam mất hơn 10.000 km2.

Tại Bắc Kinh, ngày 21.6.2013 Việt Nam và Trung Quốc đã tuyên bố chung những điều khoản gì người dân đâu được biết mà chỉ nghe tuyên truyền 4 tốt và 16 chữ vàng, đến nỗi, người dân vì quá ngứa tai mà đặt đồng dao rất thông minh để nhại lại “thập lục kim tự” kia: Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, cướp biển lâu dài, thôn tính tương lai!
Ngày 21.6.2013 hai bên tuyên bố chung những gì ở Bắc Kinh mà ngày 21.6. 2014 Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì sang Việt Nam khi về nước đã đọc thông điệp cứng rắn “Bốn không được” áp đặt cho Việt Nam, đến nỗi vị tướng 95 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh phải viết thư tay (ngày 15.7 bốn trang) gửi đến Bộ Chính trị. Ông phân tích nội dung về “4 không được” và tức giận bởi lời lẽ ngạo mạn của vị khách họ Dương này. Thư của vị Tướng già chắc nịch như đinh đóng cột ở cuối rằng: “Trong cuộc đấu tranh, chúng ta chỉ còn có một thứ vũ khí khả dĩ chặn hành động xâm lược của Trung Quốc là Kiện.”
Bởi kiện là giải pháp văn minh, tiến bộ nhất của thời đại. Ta chủ trương hòa bình, thì bởi vì hòa bình mà buộc ta phải kiện là giải pháp tốt nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ dân tộc!
Hết Trung ương đến địa phương, người dân chẳng biết nhà nước, chính phủ ký kết những gì với Trung Quốc mà ông Hồ Xuân Hoa, Bí thư tỉnh Quảng Đông sang Hà Nội (4.2014) khi về Quảng Đông đã gửi (chỉ thị) cho Bộ Ngoại giao Việt Nam “16 việc phải làm”. Ai cũng hiểu “đây là việc làm vượt thẩm quyền của một tỉnh”, thì tại sao Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn lại chấp hành ông tỉnh Quảng Đông ký công văn gửi đến các ban, ngành thực hiện 16 điều không mấy tốt đẹp lại rất tai hại cho phía Việt Nam!? (Công văn số 1832/BNG-ĐBA ngày 3.6.2014).

Đã đến lúc người dân Việt Nam khẩn cầu nhà nước, chính phủ công bố nội dung Hội nghị Thành Đô (1990), Hiệp ước về Vịnh Bắc Bộ (2000), Tuyên bố chung ở Bắc Kinh (2013) cho nhân dân cả nước được biết nội dung của nó. Một dân tộc kiên cường, trước họa ngoại xâm thì nhân dân phải biết “địch-ta”. 

Trước hết là phải biết từng chữ, từng lời, từng mưu mô xảo quyệt của đối phương. Từng phút từng giây, mọi lúc mọi nơi không ngừng nâng cao cảnh giác với chúng. Nhưng phải cho dân biết thì dân mới bàn (dẫu trong phạm vi nào đó của họ) những kế sách hay để giúp nước. Và nhà nước phải biết nghe dân. Chính dân mới làm nên lịch sử. Nhưng trước hết phải tháo bỏ Ý thức hệ. Bởi sai lầm là từ nó. Nhân dân thế giới sẽ giúp Việt Nam bởi ta chính nghĩa. Nhưng khi ta chưa xóa bỏ Ý thức hệ thì cớ gì người ta giúp mình? Bàn cờ đã đi ngửa rồi kia mà!

Dân ta giờ đã hiểu nhiều và thông minh lắm. Nhiều người chưa có vi tính, chưa cài intenet thì đã có con, cháu của họ cập nhật hàng ngày. Cứ mở Google rồi đánh: Danh sách cán bộ nhà nước tham nhũng… thì sẽ có danh sách ấy. Chẳng biết các vị có chức có quyền bằng cách nào mà có được hàng chục, hàng trăm triệu đôla?

Nước ta có trên 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau. Nhiều nhất là Phật giáo. Kinh điển pháp độ chúng sinh rất hay: Tất thảy hãy vì chúng sinh. Các vị Bồ Tát phải biết quên mình đi mà rốt ráo không hề biết mệt nhọc độ giúp chúng sinh khi gặp cơn hoạn nạn… Chúng ta đang làm cuộc cách mạng “Dân giàu Nước mạnh” cũng vậy. Đã một thời gian dài Trung ương hô hào chung chung “cho đảng viên làm giàu” là sai rồi! Đảng viên là số ít. Đảng viên có chức có quyền lại càng ít hơn. Mà số làm giàu bất chính thường là những đảng viên có chức quyền. Lý ra là nên hô: Cho nhân dân làm giàu! Bởi trong dân đã có đảng rồi. Ai sinh ra đều phải làm dân trước. Vào đảng (cộng sản chẳng hạn) là phải có thời gian? Hô hào cho đảng viên làm giàu là cố ý giành lợi quyền cho cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Trải qua hai cuộc chiến để được thống nhất nước nhà là phải xương chất thành núi, máu đổ thành sông của biết bao đồng bào, chiến sĩ. Các vị lên nắm quyền cứ tưởng tài nguyên thiên nhiên, đất đai, biển đảo… như là một chiến lợi phẩm khổng lồ rồi hô hào chung chung để ai được chức to thì hưởng lợi nhiều hơn. Các vị sai rồi! Chính vì cái lợi riêng ấy đẫn đến đất nước lụn bại. Dân không còn tin các vị đủ tư cách và trình độ để lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nữa. Và, người dân đã nói thẳng thừng: bởi chiếc ghế, bởi quá tham ăn, các vị đã mắc mưu Trung Quốc.

Tài năng và đức độ như Đức Phật mà còn phải biết học chúng sinh, mới hình thành nhiều ngôi chùa Phật Học. Hơn 700 năm trước, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từng di chúc cho dân tộc Việt Nam: “… Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường, làm một nẻo… Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn… Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau”.

Mới 40 năm mà ta đã mất Hoàng Sa, Gạc Ma, mất 2/3 thác Bản Giốc, mất Ải Nam Quan, mất bãi Tục Lãm, mất các cao điểm chiến lược Hà Giang, Lão Sơn… Các vị ký tá những gì với họ mà đến giờ vẫn còn ém nhẹm chưa cho dân được rõ? Nếu chiếu theo di chúc của Nhà Vua Trần Nhân Tông thì tội để mất đất vào tay kẻ khác lớn biết chừng nào. Giá như trước đây các vị nghe công dân Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ba bức thư góp ý là dừng ngay dự án bauxite cao nguyên, nghe Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên góp ý không nên nhượng bán (có thời hạn) rừng đầu nguồn thì đỡ đi biết mấy. Nay vị Tướng già rất có trình độ và mưu lược trong chiến tranh vệ quốc viết thư tay đến Bộ Chính trị với vũ khí Kiện là hợp thời đại, thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam, và nhân dân Việt Nam sẽ theo chiều hướng đổi mới, khoa học, văn minh của nhân dân thế giới. “Ai sống ở đâu 50 năm thì nơi ấy thuộc sở hữu chủ quyền của họ”. Đó làluật pháp Quốc tế. Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của ta đã hơn 40 năm. Cái giàn khoan HD 981 là cái cớ tuyệt vời! GS Tương Lai “Cám ơn cái giàn khoan” là bởi chính Trung Quốc đã phơi bày dã tâm tàn ác của kẻ xâm lược! 

Thì ta đi kiện là ta vừa có thế lại vừa đúng lúc thế giới đang ủng hộ chúng ta. Nếu ta không kiện mà tiếp tục nhân nhượng và càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với thực dân Pháp trước đây. Một ví dụ khẩn thiết: ông Phan Công Chánh, giảng dạy ở San Jose State University, Hoa Kỳ góp ý cho Việt Nam 8 chữ vàng là: “Tây Tiến – Đông Kết – Bắc Hẹn – Nam Hòa” (bbc ngày 29.7.2014) là rất có lý. 

Các vị lãnh đạo nên tham khảo sự góp ý này. Còn người dân chúng tôi sẽ nghiêng về vị Tướng già Nguyễn Trọng Vĩnh hơn là sự bảo thủ, trì trệ, lừng khừng mất cơ hội tạo đà cho lũ xâm lăng lấn át, giày xéo đất nước này! Đảng, nhà nước cần dứt khoát và mau chóng lựa chọn!

Huế, 30.7.2014
V. N.













__._,_.___

Posted by: hung vu 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link