Cuộc Cách Mạng của Sợ
Hãi ở Việt Nam
Mẹ Nấm (Danlambao) - Đọc đi đọc lại nhiều lần loạt bài “Cuộc
Cách Mạng của Sợ Hãi”của tác giả Vũ Đông Hà (*), tôi chợt nghĩ đến cuộc
cách mạng của chính bản thân mình, và nghĩ đến cuộc cách mạng ở Việt Nam.
Sự sợ hãi di truyền ở Việt Nam tạo nên lối sống
thờ ơ, vô cảm. Người ta quên mất cách bộc lộ sự phẫn nộ của bản thân với những
vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Lâu dần thành quen, sự phẫn nộ trôi qua tiếng
thở dài, trôi qua những lời oán trách và than vãn.
Lâu dần thành quen, người ta quên mất cách đồng
hành cùng lẽ phải để có phản ứng đúng mực với những điều sai trái.
Lâu dần thành quen, người ta tiếp nhận các khái
niệm “phản động”, “thế lực thù địch”, “chống phá nhà nước”... như những định nghĩa
mặc nhiên cho những con người có ý thức, có hành động bất tuân với chính quyền
mà không cần suy nghĩ, không cần biết đến họ đã làm gì.
Tôi đã từng sống như vậy.
Đến một ngày khi chuẩn bị làm mẹ tôi tự hỏi:
“Tại sao mình lại sống như vậy? Phải chịu đựng dịch vụ y tế kém chất lượng như thế
này khi mình đã trả tiền cho nó nhiều năm mà không dùng đến? Và mình sẽ sống
thể này đến bao giờ?”
Những mất mát, những bất công không đợi tôi phản
ứng, nó tự tìm đến với những người thân trong gia đình, và những người xung
quanh. Và tôi nhận ra rằng, bấy lâu nay, tôi chạy trốn sự sợ hãi trong lòng
mình bằng cách chọn sống thỏa hiệp với nó.
Tôi đã cậy nhờ vào những mối quen biết trong
quan hệ bạn bè, trong công việc để đi nhanh hơn người khác.
Tôi đã tỏ ra mình sống tử tế bằng việc chăm chỉ
kiếm tiền để đi du lịch, để khám phá thế giới xung quanh và chối bỏ việc nhìn
thấy những đau khổ, bất công trước mắt mình.
Tôi đã sống như vậy cho đến khi chứng kiến những
người xung quanh mình phải đương đầu với mất mát, với bất công.
Sau khi tham gia viết blog, in áo và tham gia
sinh hoạt với những người khác, dần dần tôi học được cách chế ngự nỗi sợ hãi
của mình.
Bắt đầu từ những việc bình thường nhất, nhỏ nhất
mà mình nghĩ là đúng đắn, xắn tay vào làm, từ từ tôi thấy nỗi sợ hãi dần dần đã
bị triệt tiêu.
Đọc những chia sẻ của tác giả Vũ Đông Hà, về
phong trào Otpor, về những trò chơi tinh nghịch, về cách lựa chọn mục tiêu và
đặc biệt là về sự quy tụ đám đông... tôi thấy những gì diễn ra ở Việt Nam không
khác gì ở nhiều nơi khác.
Vấn đề chúng ta đã chọn đúng kiểu và làm đúng
cách chưa?
Từ hình ảnh chùm bóng bay mang dòng chữ “Quyền
Con Người của Chúng Ta phải được tôn trọng” bị bắt giữ đến việc câu lưu, đánh
đập các thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam tham gia cuộc dã ngoại nhân
quyền... chúng ta có thể đã làm nhiều người thức tỉnh, nhưng chưa đủ.
Từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc khởi
đầu từ năm 2007 đến nay, rất nhiều người hiểu rõ hơn vì sao người Việt Nam
không được biểu tình. Số lượng người dân thay đổi nhận thức dần dần tăng thêm
nhưng vẫn còn đó sự im lặng, chờ đợi người phất cờ.
Ngày 11/05/2014, lần đầu tiên giữa Sài Gòn, các
biểu ngữ đầy màu sắc với những khẩu hiệu “Vì một quốc gia cường thịnh phải thay
đổi”, “Tẩy chay 16 vàng 4 tốt”, “Hãy xứng đáng là lãnh đạo quốc gia”, “Tự do
cho người yêu nước”... được bung ra và giương cao đầy kiêu hãnh. Lần đầu tiên
tôi thấy mình không đơn độc giữa đám đông biểu tình để thể hiện thái độ của
mình mà không cần né tránh.
Cũng lần đầu tiên, tại Sài Gòn bao vây quanh
những con người thực sự yêu nước là những đoàn thanh niên mang cờ đỏ và ảnh Hồ
Chí Minh.
Có mặt ở giữa đoàn biểu tình sáng Chủ Nhật hôm
đó, chứng kiến cảnh các biểu tình viên của đoàn Thanh niên HCM dẫn dắt, chia
cắt đám đông hòng kiểm soát các khẩu hiệu biểu ngữ mới thấy, nếu có sự chuẩn
bị, số ít người còn đứng trụ lại trước lãnh sự quán của quân xâm lược TC, chúng
ta vẫn có thể làm nên một cuộc biểu tình đầy màu sắc của chính mình. Nhìn cảnh
các nhân viên an ninh thường phục vội vã thu và giấu đi các biểu ngữ đầy màu
sắc của người yêu nước tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết nguyên tắc “hit and run”
của phong trào Otpor.
Quan trọng là hành động, vượt qua được sự sợ hãi
bằng hành động thiết thực, bạn đã thành công trong việc muốn biểu lộ thái độ
của mình.
Tôi nghĩ vậy.
Cuộc cách mạng của Sợ Hãi ở Việt Nam, sẽ cần
thêm nhiều thời gian, nhiều hành động và nhiều phong trào khác nhau để có thêm
số đông.
Nếu bạn muốn nhìn thấy sự thay đổi, hãy cố gắng
bước ra khỏi nỗi sợ hãi của mình bằng những hành động mà bạn nghĩ là nó phù hợp
với bạn. Từ suy nghĩ đến hành động sẽ khiến nhận thức của bạn thay đổi rất
nhiều.
Tháng 5/2013, khi cầm trên tay bản Tuyên ngôn
Nhân quyền và những bong bong bay màu xanh lá cây cổ vũ cho việc tôn trọng
Quyền Con Người để phân phát ở quảng trường 2 tháng 4, rồi bị bắt giữ, bị câu
lưu ở đồn công an, tôi không nghĩ nhiều về nỗi sợ hãi của mình nữa, tôi nghĩ
đến những người bạn của tôi là anh Phạm Văn Hải (blogger Sea Free), em Nguyễn
Tiến Nam (Binh Nhì).. Họ đã không bỏ đi khi tôi đứng giữa vòng vây của lực
lượng chức năng.
Họ đứng lại, vì chúng tôi tin rằng mình đang làm
điều đúng.
Không thể cấm người ta làm những việc đúng đắn,
cũng như không thể tịch thu hết bóng bay trên tay những đứa trẻ. Khi anh công
an đã cho rằng bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tài liệu phản động, đám
đông không còn sợ hãi. Họ đã cười vang.
Khi bạn làm điều đúng, nhất định bạn sẽ có người
đồng hành.
Tôi tin rằng, trong đám đông, ít nhất rồi sẽ có
người vượt qua được sự sợ hãi của họ với những gì họ tận mắt chứng kiến. Chúng
ta sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ nhất mà mình có thể để mời gọi nhau hết sợ.
Tôi đã tin và đã có thêm nhiều người đồng hành
từ những lần tìm cách thoát khỏi nỗi sợ hãi của mình như vậy.
Cuộc cách mạng của sự Sợ Hãi ở Việt Nam, người
sẽ thêm đông, đường sẽ thêm rộng - tôi tin là như vậy.
____________________________________
(*) Vũ Đông Hà - Cuộc cách mạng của
sợ hãi:
- Phần 1
|
|
|
/div>
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment