Tuesday, September 25, 2012

SẠN TÚI MẬT


 

 

SẠN TÚI MẬT
(Gallstones)
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức




Người ta ước lượng có đến 16-20 triệu người ở Mỹ mang sạn trong túi mật, và mỗi năm lại có thêm 1 triệu người mới gia nhập hàng ngũ này.

Túi mật (gallbladder) là một túi nhỏ, dùng đựng mật (bile), nằm núp dưới lá gan, ngay phía dưới ba sườn mé bên phải bụng trên. Mỗi khi ta ăn, túi mật co thắt, rót mật vào đoạn ruột non (duodenum) đi ngang gần đấy. Mật giúp vào sự tiêu hóa các chất béo (fats) và chất đạm (amino acids) trong thực phẩm ta ăn vào.

Sạn túi mật được thành lập do sự kết tụ của những chất có trong mật. Tùy sự kết tụ, ta có 3 loại sạn khác nhau: sạn cholesterol (cholesterol stones, chứa chất cholesterol là chính), sạn hỗn hợp (mixed stones, chứa nhiều chất khác nhau), và sạn có màu (pigment stones, chứa chất calcium là chính).

Nhiều yếu tố khiến những chất trong nước mật dễ kết tụ và tạo sạn túi mật, trong đó có các yếu tố tuổi tác, phái tính và béo mập. Càng cao tuổi, càng có da có thịt túi mật càng dễ bị sạn, và phụ nữ hay có sạn túi mật hơn đàn ông.

Triệu chứng

Túi mật thắt lại ở phía trên, rồi nối với một ống dẫn gọi là ống dẫn của túi mật (cystic duct). Ống dẫn này sẽ nhập vào ống dẫn mật chung (common bile duct). Ống dẫn mật chung trông to hơn ống dẫn túi mật. Khi ta ăn, cần đến mật để tiêu hóa chất béo (fats) và chất đạm (amino acids) trong thức ăn, túi mật làm nhiệm vụ, co bóp hầu rót mật vào đoạn ruột non đi ngang gần đấy. Lúc ấy, mật từ túi mật, đi qua ống dẫn túi mật, đổ vào ống dẫn mật chung, xong được ống dẫn mật chung dẫn dắt vào ruột.

Túi mật khi có sạn, lắm lúc cục sạn rửng mỡ, cũng muốn đi theo mật chơi. Nhưng nó to xác, đâu có lỏng và trơn như mật, nên kẹt lại ở chỗ ống dẫn túi mật hoặc ống dẫn mật chung. Khi ấy, nó gây viêm (inflammation) hoặc tắc (obstruction) ống dẫn túi mật hay ống dẫn mật chung (tùy nó đã đi được tới đâu), tạo cơn đau.

Thường triệu chứng xảy ra sau khi ta ăn no, một bữa ăn thịnh soạn đầy mỡ màng, hoặc nhiều thịt thà. Trong vòng 1 tiếng sau bữa ăn “dào dãy” như vậy, cơn đau xảy ra. Ôi cha, đau lắm. Có khi lại không đau lắm, nhưng cứ đau ngầm (steady ache) hoặc có cảm giác nặng, như bị đè chặt (pressure) ở vùng bụng trên phía bên phải, chỗ dưới ba sườn, hoặc đau ngay vùng giữa bụng trên. Thỉnh thoảng có trường hợp cái đau oái ăm ở cao tận trên chính giữa ngực, dễ lẫn với một cơn kích tim (heart attack). Đau hay xẹt truyền lên phía giữa hai xương bả vai, chỗ với không tới, hoặc lên chỗ xương bả vai bên phải, đôi khi lên tận vai phải. Cái đau thường khiến ta phải mau mau đi khám bác sĩ, hoặc chạy vào phòng cấp cứu của bệnh viện.

Đau kéo dài độ 1 đến 4 tiếng đồng hồ, hay có buồn nôn và ói mửa đi kèm. Có người sau khi đau dữ như vậy, còn giữ chút dư âm của cơn đau ở vùng bụng trên bên phải mãi đến 24 tiếng sau.

Nhiều người có sạn túi mật cũng hay than ăn không tiêu, đầy đầy vùng bụng trên, ợ hơi, ợ chua. Thực ra, sạn túi mật không gây những triệu chứng này, và mổ cắt túi mật không làm bớt triệu chứng. Cho nên, chúng ta cần phân biệt những triệu chứng mơ hồ như vậy với những cơn đau thực sự tả trên.

Đời luôn vẫn nhiêu khê. Triệu chứng của bệnh sạn túi mật, ngay cả những cơn đau thực sự, dễ lầm với triệu chứng của nhiều bệnh khác. Những bệnh loét bao tử (gastric ulcer), loét tá tràng (duodenal ulcer), viêm tụy tạng (pancreatitis), dội ngược bao tử-thực quản (gastroesophageal reflux), ruột quá nhạy cảm (irritable bowel syndrome), rồi cả đau thành bụng bên ngoài do nằm ngồi nghiêng vẹo (poor posture), cũng có thể cho những triệu chứng tương tự như vậy. Nhất là khi người bệnh không biết cách kể bệnh mạch lạc, rõ ràng, hoặc khi bác sĩ ít bỏ thì giờ lắng nghe cho kỹ.

Định bệnh

Với bệnh nào cũng thế, sự định bệnh dựa vào lời kể bệnh có duyên của bạn, và đôi tai lắng nghe tinh nhạy của bác sĩ là chính. Chẳng hạn:
“Bác sĩ ơi, khoảng 3-4 tháng nay, tôi có những cơn đau bất chợt ở vùng bụng trên phía bên phải. Trong vòng 3-4 tháng qua, dễ tôi bị đau đến 4, 5 cơn rồi đấy. Cứ như giả vờ, ngoài những cơn đau, đâu lại vào đấy, tôi vẫn như thường. Hình như là cứ sau khi ăn những đồ mỡ màng là tôi lại bị đau. Cơn đau xảy ra nhanh lắm, chỉ trong vòng 1 tiếng sau khi ăn, rồi kéo dài cũng phải đến vài tiếng. Đau lắm, đến ói mửa, uống Maalox vào, cái thuốc sữa trăng trắng ấy, mà chả thấy bớt. Lúc đau, nó còn choi chói ở chỗ bả vai bên phải nữa. Có lần định đi phòng cấp cứu, nhưng may quá, lúc ấy cơn đau lại dịu dần. Tôi năm nay 48 tuổi rồi, chả biết đau như vậy là sao nhỉ, bác sĩ? Tôi đến khám bệnh hôm nay chỉ vì thế thôi”.

Bạn kể bệnh hay quá. Chắc bạn bị sạn túi mật rồi. Ta làm siêu âm túi mật đi thôi.

Siêu âm túi mật (gallbladder ultrasound) là phương pháp tốt nhất để xác định ta bị sạn túi mật hay không, đúng đến trên 95%. Tiện, siêu âm túi mật nhìn luôn hộ ta tình trạng túi mật to hay nhỏ, có sao không, rồi ống dẫn túi mật, ống dẫn mật chung. Thêm lá gan, tuyến tụy tạng (pancreas) gần đấy nữa.

Trường hợp còn nghi ngờ, do siêu âm không được rõ [vì trong bụng có nước, ruột nhiều hơi, quá mập, ...), ta làm thêm phim chụp túi mật sau khi uống thuốc cản quang (oral cholecystogram). Phương pháp này xem vậy vẫn không bằng siêu âm, có khi không thấy được những sạn nhỏ.

Còn chụp phim bụng thường thôi (plain abdominal film), tuy rẻ đấy, nhưng kém, chỉ thấy được 10% những trường hợp có sạn. Phim Cat scan bụng cũng không bằng siêu âm.

Biến chứng

Ngoài chuyện gây những cơn đau bất chợt, chịu không nổi, sạn túi mật còn làm khổ ta nhiều cách khác:

- Sạn trong ống dẫn mật chung (common bile duct stone):

Ở khoảng 10% những người có sạn túi mật, hòn sạn thoát ra ngoài túi mật, chui vào ống dẫn mật chung, nằm kẹt ở đó. Khi ấy, nếu sạn làm loạn, ngoài cái đau, bạn còn vàng da, tiểu ra nước tiểu sậm màu, nóng lạnh. Thử máu thấy hai chất “bilirubin” và “alkaline phosphatase” tăng cao trong máu.

Tất nhiên, bạn cần vào nhà thương để chữa bằng trụ sinh, và hòn sạn làm loạn trong ống dẫn mật chung cần được lấy ra.

- Viêm túi mật cấp tính (acute cholecystitis):

Sạn túi mật, khi gây đau, cơn đau chỉ dữ dội độ vài giờ là cùng. Song nếu bạn càng lúc càng thêm đau, chắc bạn bị viêm túi mật cấp tính mất rồi, do các vi trùng nhào vô tấn công túi mật bạn, cái túi mật khốn khổ đã bị tổn thương sẵn bởi sạn. Nhất là bạn lại sốt và thử máu thấy số lượng các tế bào bạch cầu tăng cao trong máu (bạch cầu là những tế bào máu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể ta, xuất hiện nhiều trong máu khi có sự nhiễm trùng).

Viêm túi mật cấp tính cần được chữa bằng trụ sinh trong bệnh viện. Lúc tình hình đã ổn định, các vi trùng đã chịu phép trụ sinh, ta sẽ cho túi mật đi chơi chỗ khác bằng giải phẫu cắt bỏ túi mật.

- Viêm tụy tạng do sạn (gallstone pancreatitis):

Khi hòn sạn ra khỏi túi mật, chui vào ống dẫn mật chung, nó có thể làm tắc ống dẫn của tuyến tụy tạng (pancreas) nằm gần đấy. Hậu quả, các chất tiết từ tuyến tụy tạng không theo ống dẫn xuống ruột được, ứ lại trong tuyến tụy tạng. Tình trạng này đưa đến viêm tuyến tụy tạng cấp tính.

Viêm tuyến tụy tạng cũng gây đau bụng trên và ói mửa dữ lắm. Thử máu thấy chất “amylase” tăng cao trong máu. Bạn chịu khó vào nằm nhà thương, dùng thuốc giảm đau, chờ cho viêm tụy tạng thuyên giảm, rồi ta tìm cách gắp hòn sạn ra, nếu nó còn nằm kẹt ở đó. Xong xuôi đâu đấy, ta cũng sẽ cắt bỏ túi mật vất đi.

Chữa hay không chữa?

Trong y khoa Mỹ, mọi chữa trị đều được nghiên cứu, tính toán, cân phân, so sánh lợi và hại. Những chữa trị không cần thiết (như cảm, cúm do siêu vi mà chữa bằng trụ sinh) không những đưa đến những tốn kém về thời giờ và tiền bạc, còn có thể gây hiểm nguy.

Những trường hợp sạn túi mật gây biến chứng (sạn chui vào ống dẫn mật chung, viêm túi mật cấp tính, viêm tụy tạng do sạn) chắc chắn cần chữa. Sạn từng gây đau cũng cần chữa. Còn những trường hợp sạn tình cờ tìm thấy, không làm phiền ta, ta cứ để chúng đấy, khi nào chúng trở mặt gây đau hẵng hay. Nhiều người có sạn túi mật cả đời nhưng chẳng sao cả.

Chữa trị

Việc chữa trị sạn túi mật đã gây đau hoặc biến chứng có nhiều cách: giải phẫu, dùng thuốc tan sạn, bắn sạn, đục lỗ túi mật lấy sạn ra.

1. Giải phẫu:

Một khi sạn túi mật đã gây đau hoặc gây biến chứng, giải phẫu mổ cắt túi mật trong có hòn sạn là phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Trước, các bác sĩ giải phẫu vẫn cắt bỏ túi mật bằng cách mổ rạch bụng trên bên phải, một đường dài dọc theo ba sườn, rồi vào trong bụng, tìm túi mật, kẹp, cắt, lôi ra. Tiện, dùng tay sờ nắn luôn ống dẫn mật chung (common bile duct), xem có hòn sạn nào đã trốn ra khỏi túi mật, rong chơi chỗ ấy, để giải quyết luôn thể. Không có, tốt, khâu bụng lại. Bạn nằm nhà thương vài bữa, rồi hân hoan ra về, nhưng với một cái thẹo dài không đẹp trên bụng. Hiện nay, có cách mổ khác hay hơn, gọi là “laparoscopic cholecystectomy” (cắt túi mật bằng phương pháp soi bụng). Bác sĩ giải phẫu đục bốn lỗ nhỏ trên bụng bạn (mỗi lỗ chỉ dài độ 1 cm), rồi thò ống soi bụng (laparoscope) vào một lỗ. Dùng ống soi, bác sĩ đưa mắt tìm túi mật trong bụng. Thấy nó rồi, bác sĩ thò dao, kéo vào những lỗ kia, tách nó ra khỏi các cơ quan chung quanh, xong kẹp, cắt, lôi nó ra ngoài. Khâu lại mấy cái lỗ đã đục nữa là xong.

Những cái lợi của phương pháp cắt túi mật bằng soi bụng, ngoài vấn đề thẩm mỹ tránh có thẹo lớn trên bụng, mổ rồi, bạn còn ít đau, về nhà sớm hơn, đi làm lại mau hơn. Song mọi việc đều có cái giá của nó, cắt túi mật bằng phương pháp soi bụng tất nhiên khó thực hiện hơn, nhiều biến chứng hơn một chút. Có khi đang mổ bằng phương pháp này, gặp trở ngại kỹ thuật, hoặc bất ngờ có biến chứng, bác sĩ giải phẫu đành phải quay sang... mổ tiếp bằng phương pháp rạch bụng.
Một số người hay bị tiêu chảy sau khi mổ cắt bỏ túi mật.

2. Thuốc tan sạn:

Các vị có những vấn đề sức khỏe khiến mổ thì nguy hiểm, hoặc sợ mổ quá, nhất định không cho dao kéo chạm vào người, có thể dùng thuốc làm tan sạn. Với điều kiện triệu chứng không nặng, sạn phải nhỏ hơn 1 cm, loại không chứa chất calcium, đồng thời túi mật vẫn còn làm việc bình thường. Sạn to quá, hoặc chụp trên phim thường cũng thấy, hỏng, không dùng thuốc tan sạn được.

Hiện ở Mỹ có hai loại thuốc tan sạn, có tác dụng ngang nhau: “chenodiol” (chenodeoxycholic acid) và “ursodiol” (ursodeoxycholic acid). Dùng thuốc đều trong vòng 12 tháng, sẽ làm tan được khoảng 1/3 các hòn sạn hội đủ tiêu chuẩn nhỏ và không thấy trên phim chụp thường này. Thuốc ursodiol ít gây phản ứng hơn thuốc chenodiol, nên được chuộng hơn.

Chữa bằng thuốc tan sạn đòi hỏi một số điều kiện, tác dụng chậm, phải chữa về lâu về dài, thường từ 1 đến 3 năm, sạn lại dễ tái phát sau khi ngưng thuốc (một nửa số người có sạn, dùng thuốc, sạn tiêu đi, nhưng sẽ bị sạn lại sau 5 năm), do thế, không phải là cách chữa lý tưởng. Giải quyết một lần cho xong bằng giải phẫu tốt hơn nhiều, cắt bỏ luôn túi mật, là nơi tạo ra sạn.

3. Bắn sạn (extracorporal shock wave lithotripsy):

Kiểu như bắn sạn thận. Hữu hiệu với những hòn sạn nhỏ, lẻ loi một mình trong túi mật. Sạn bị bắn vỡ thành những mảnh nhỏ. Và rồi phải uống thêm thuốc tan sạn để những mảnh sạn nhỏ tiêu dần theo thời gian với thuốc uống.
Song, túi mật còn đấy, sau thường sẽ đẻ sạn khác.

4. Đục lỗ túi mật lấy sạn qua da (percutaneous cholecystostomy)

Phương pháp chữa này dành cho những vị sức khỏe quá kém, không chịu được những cách chữa trên. Túi mật nằm ở vùng bụng trên bên phải ngay dưới da, bác sĩ giải phẫu mổ nhỏ qua da, đục lỗ vào túi mật gắp hòn sạn ra.

Nói chung, với những trường hợp sạn túi mật cần chữa (gây đau hoặc biến chứng), giải phẫu cắt bỏ túi mật qua ống soi bụng hiện là phương pháp chữa được dùng nhiều nhất, vì đây là cách giải quyết tận gốc vấn đề, và nhiều bác sĩ giải phẫu nay đã quen tay với cách mổ này. Từ ngày phương pháp giải phẫu này ra đời, những cách chữa khác dần dần ít được dùng đến hơn trước.

Ngừa sạn túi mật

Có sạn trong túi mật nhiều khi cũng đâm phiền, vậy chúng ta thử những phương cách sau như trong sách họ khuyên, may ra tránh được sạn túi mật:

- Nên ăn đều ngày 3 bữa với các thực phẩm cân bằng, mỗi bữa cũng nên có chút mỡ giúp túi mật làm việc, trút hết những thứ chứa trong lòng nó, khiến mật không ứ lại trong lòng túi mật, rồi lắng đọng tạo thành sạn.
- Nên ăn thực phẩm chứa nhiều chất bã (fiber) và calcium, ít chất mỡ bão hòa (saturated fats, tức mỡ đặc với nhiệt độ trung bình trong nhà, như butter, shortening, mỡ heo, mỡ trong thịt).
- Nên giữ cơ thể khỏe mạnh với một sức nặng vừa phải so với chiều cao của mình, bằng cách ăn uống điều độ (ăn để sống khỏe, không phải sống để ăn cho thích miệng), tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
Sạn túi mật xảy ra không ít, nhiều trường hợp tình cờ tìm thấy trên phim không cần chữa, những trường hợp gây triệu chứng cần được chữa, thường bằng giải phẫu. Giữ sức nặng cơ thể trong khoảng bình thường so với chiều cao bằng cách ăn uống điều độ ngày 3 bữa, tập thể dục thường xuyên có thể giúp chúng ta ngừa sạn túi mật.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link