Saturday, November 3, 2012

Tổng thống Yudhoyono nói về Biển Đông


 

Tổng thống Yudhoyono nói về Biển Đông


Cập nhật: 15:55 GMT - thứ sáu, 2 tháng 11, 2012



Nữ hoàng Anh đã đón Tổng thống Indonesia tại Điện Buckingham hôm 1/11

Phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Anh ở London hôm 2/11, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh về nhu cầu phải có “tiêu chuẩn và nguyên tắc” cho quá trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Susilo Bambang Yudhoyono đã đọc bài diễn văn về vai trò khu vực và toàn cầu của Indonesia tại buổi lễ do cơ quan nghiên cứu và vận động môi trường Wilton Park tổ chức tại Bộ Ngoại giao Anh, đề cập đến các chủ đề từ Biển Đông, Trung Quốc, Syria đến đối thoại tôn giáo.

Các bài liên quan



Chủ đề liên quan



Trả lời câu hỏi từ cử tọa gồm các nhà ngoại giao, báo chí và giới kinh doanh, ông Yudhoyono nhắc lại ý nêu trong bài diễn văn của ông rằng Biển Đông cần “các tiêu chuẩn và nguyên tắc” (norms and principles) để giữ ổn định.

'Đã từng đồng ý'


Trước câu hỏi Indonesia, trong cương vị nước hàng đầu ở Asean cần làm gì nếu Trung Quốc không chia sẻ quan điểm đó, Tổng thống Indonesia, người ở thăm chính thức Anh Quốc tuần này, nhắc lại nhu cầu đối thoại về “quy tắc ứng xử” giữa Asean và Trung Quốc.

Ông Yudhoyono nói ông tin rằng việc chia sẻ các giá trị và xác nhận có nhu cầu làm giảm căng thẳng trong vùng “Biển Nam Trung Hoa” giữa Trung Quốc và một số quốc gia Asean nêu chủ quyền là rất quan trọng.

Nhưng ông Yudhoyono tỏ ra băn khoăn về chuyện các Bộ trưởng Ngoại giao Asean hồi tháng 7 năm nay đã “không đồng ý được” về tiến trình xây dựng bộ quy tắc đó.

"Cả Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đều đã đồng ý tiếp tục nói chuyện để định hình quy tắc ứng xử"

Tổng thống Indonesia

Tuy không nhắc rõ về Trung Quốc hay Campuchia, ông nhắc lại đối thoại trước đó với lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc về Biển Đông.

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono kể lại rằng tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bali, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và sau đó, tại một cuộc gặp ở Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã “đồng ý tiếp tục nói chuyện để định hình quy tắc ứng xử” nhằm giải quyết các tranh chấp mà lãnh đạo Indonesia nói là “dễ bùng cháy” tại vùng biển này.

Cùng đi sang Anh lần này với Tổng thống Yudhoyono có Ngoại trưởng Marty Natalegawa, người cùng được cử sang Phnom Penh nhằm "hàn gắn" sự bất đồng trong Asean về Biển Đông sau hội nghị hồi tháng 7 và giới quan sát cho là do Trung Quốc gây ra.

Ông Yudhoyono nói kể từ đó, Indonesia đã cố gắng hết sức nhằm đem lại đồng thuận cho Asean và xác tín lại nguyên tắc đồng thuận dựa trên sự chia sẻ giá trị của các nước Đông Nam Á.

Về chủ đề ‘vai trò toàn cầu’ của Indonesia, ông Yudhoyono nói dù G20 không đại diện cho cả thế giới nhưng Indonesia, một nước thành viên của nhóm, luôn đề nghị G20 cần nêu ra tiếng nói của các nước khác, nhất là các quốc gia đang phát triển.

Ông cũng nói về nhu cầu để sự ủy nhiệm mạnh hơn từ Hội đồng Bảo an cho các đặc sứ về Syria nhằm giải quyết cuộc xung đột.


Thủ tướng Anh đón lãnh đạo Indonesia để ủng hộ Jakarta có một vai trò toàn cầu mạnh mẽ hơn

Tổng thống Yudhoyono, hiện cầm quyền nhiệm kỳ thứ nhì ở quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, cũng trả lời câu hỏi về đối thoại giữa Hồi giáo và các quốc gia khác.

Ông nêu ví dụ Indonesia và Anh Quốc đã lập ra cơ chế đối thoại liên tôn giáo để các học giả Hồi giáo Indonesia có thể đối thoại với các giáo sỹ Hồi giáo và tăng lữ các tôn giáo khác ở Anh.

Năm nay, ông Yudhoyono là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên Nữ hoàng Elizabeth II mời thăm Anh Quốc trong năm Kim cương, kỷ niệm sáu thập niên trị vì của bà.

Hôm qua 1/11/2012, ông Yudhoyono đã hội đàm với Thủ tướng Anh, David Cameron tại Phủ Thủ tướng ở Downing Street trước khi dự quốc yến ở Điện Buckingham do Nữ hoàng Elizabeth II chiêu đãi.

Mỗi năm Nữ hoàng Anh chỉ mời hai nguyên thủ quốc gia đến thăm cấp nhà nước.

Cũng hôm thứ Năm, Thủ tướng Anh đã đón lãnh đạo Indonesia để ủng hộ Jakarta có một vai trò toàn cầu mạnh mẽ hơn.

Hiện Indonesia đóng góp hơn 1.000 quân gìn giữ hoà bình cho Liên Hiệp Quốc.

London cũng đang xem xét việc bán thêm vũ khí cho Jakarta dù hiện một số giới phê phán rằng hồ sơ nhân quyền của Indonesia vẫn còn phải cải thiện.

 
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/11/121102_indonesia_southchinasea.shtml

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link