Thứ
ba 30 Tháng Mười 2012
Việt Nam kết án tù
2 nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình với tội danh ''tuyên tuyền chống Nhà
nước''
Hai
nhạc sĩ Việt Khang (phải) và Trần Vũ Anh Bình (trái)
Thanh Phương
Hôm nay,
30/10/2012, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên án 4 năm tù giam và
2 năm quản thúc đối với nhạc sĩ Việt Khang và 6 năm tù giam và 2 năm quản thúc
đối với nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Cả hai đều ra toà với tội danh « tuyên truyền
chống Nhà nước », vì là tác giả những bài hát thể hiện lòng yêu nước, phản đối
những hành động xâm lấn của Trung Quốc.
Hai nhạc sĩ Việt Khang (tức Võ Minh Trí) và Trần Vũ Anh Bình (còn có tên là Hoàng Nhật Thông) đã bị bắt từ cuối năm 2011, trong bối cảnh chính quyền gia tăng đàn áp phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc. Tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » vẫn thường được chính quyền Hà Nội sử dụng để bỏ tù các nhà đối lập, nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam.
Nhạc sĩ Việt Khang được nhiều người biết đến qua một số nhạc phẩm thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa như “Anh là ai ?” và “Việt Nam tôi đâu ?”. Anh đã từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào mùa hè năm 2011.
Còn nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình là thành viên một ca đoàn thuộc Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Theo Truyền thông Chúa Cứu Thế, những tác phẩm của Trần Vũ Anh Bình được nhiều bạn trẻ yêu thích, như "Người Việt Nam", "Rạng Ngời Nước Nam". . .
Trả lời RFI Việt ngữ sau phiên tòa, luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa cho nhạc sĩ Việt Khang, khẳng định rằng không thể xem những sáng tác của anh là hành động chống Nhà nước và cho biết ông sẽ tiếp tục yêu cầu trả tự do cho Việt Khang, để anh được đoàn tụ với vợ con :
|
Theo AFP, trước khi phiên tòa diễn ra hôm nay, nhiều tổ chức nhân quyền đã kêu gọi trả tự do cho hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình. Ông Rupert Abbot, thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố : « Đối xứ như vậy với những người chỉ sáng tác các bài hát thì thật là lố bịch ». Đối với ông Abbot, hai nhạc sĩ nói trên là những « tù nhân lương thức ». Về phần ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách châu Á của Human Rights Watch thì lên án « sự đàn áp ngày càng tăng đối với quyền tự do ngôn luận ». Theo ông Robertson, « đầu tiên là những người chỉ trích chính quyền, tiếp đến là các blogger, rồi đến các nhà thơ, bây giờ là các nhạc sĩ ( cũng bị bỏ tù) ».
Vào cuối tháng 9 vừa qua, ba blogger nổi tiếng ở Việt Nam, Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, Phan Thanh Hải, tức Anhbasaigon và Tạ Phong Tần đã bị kết án tù nặng nề cũng với tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », những bản án đã bị quốc tế phản đối kịch liệt, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu.
Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM, cũng đã bị bắt giữ từ ngày 14/10 và cũng bị cáo buộc tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước », do đã tham gia vào việc rải truyền đơn chống Trung Quốc.
Sao
không xuống đường?
© Nguyễn Thu Trâm
Vậy là ngày mai họ đưa hai người yêu nước Việt Khang và Anh Bình ra tòa.
Lại một phiên tòa của những kẻ bán nước xét xử người yêu nước như nhiều phiên tòa từng diễn ra trên đất nước Việt Nam suốt từ 73 năm ấy. Những phiên tòa của phi lý vô nhân và bất công đã khiến cho hàng chục ngàn gia đình nát tan ly loạn vì người thân của họ vì quá yêu nước mà lụy vòng lao lý tù đày mà không ít người trong số đó, sau phiên toàn rồi không bao giờ trở về nữa.
Và ngày mai này đến lượt các anh phải ra tòa chỉ bởi các anh đã nói thay cho triệu người Việt Nam về nỗi ưu tư trước thảm họa mất nước, trước nguy cơ bị diệt vong hay đồng hóa của giống nòi.
Có đâu trên thế gian này lòng yêu nước cần phải được kín giấu, nếu không muốn bị xỉ vả, bị đấu tố, bị giam cầm tra tấn và bị tù đày?
Có đâu trên thế gian này sự gian trá, lường láo, bịp bợm và phản trắc lại được tôn vinh là quang vinh muôn năm, là đời đời sống mãi… ?
Truyền thuyết một mẹ trăm con của Việt Tộc khiến người Việt gọi nhau bằng hai tiếng “Đồng Bào” nghe gần gũi thân thương và cao cả quá, nhưng sao lại mỉa mai và nghịch lý đến thế này, sao lại vị bất đồng chủng mà quay lại giết hại đồng bào mình?
Sao lại “Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em” mà lại không anh em với những người cùng mình sinh ra từ một bọc trứng?
Phải chăng vì đất nước này vốn tồn tại nhiều nghịch lý, nên con người ta cảm thấy bình thường trước nghịch lý và phản cảm trước những cái chân thiện mỹ?
Đâu rồi những ngày sinh viên, trí thức, Phật tử miền nam xuống đường chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn làn sóng đỏ của chính thể Quốc Gia đang bảo vệ nền tự do cho đồng bào Nam Việt trước họa xâm lược của cộng quân Bắc Việt?
Đâu rồi phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát”? Đâu rồi phong trào vận động người dân đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến chống cộng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, phản đối sự hiện diện của quân đội đồng minh Hoa Kỳ trên đất nước Việt Nam trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, để cho “Bác cùng chúng cháu hành quân vào Sài Gòn…” đánh đổ giai cấp tư sản xanh để xây dựng nên giai cấp tư sản đỏ? Để rồi hàng hàng lớp lớp người dân Sài Gòn và cả Miền Nam phải đánh đổi hết cả gia sản và cả tính mạng của mình nữa để vượt biển đi tìm tự do, bởi những bài xích tự do của những sinh viên trí thức này.
Đâu rồi sinh viên y khoa Trương Thìn, Đâu rồi các nhà thơ Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Vàng Sao, Trần Phá Nhạc, Đông Trình, Đoàn Khắc Xuyên, Hoàng Nghĩa? Đâu rồi các nhạc sỹ Trần Quang Long, Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên, Vũ Đức Sao Biển, Xuân An, Hải Hà, La Hữu Vang với “Dậy Mà Đi” “Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe”, “Hát Trong Làn Khói Đạn”?
Đâu rồi các “Hội Tết Quang Trung Sài Gòn” năm 1967? Đâu rồi “Đêm nhạc Tôn Thất Lập” ở Đại học Dược khoa Sài Gòn năm 1967? Đâu rồi “Đêm thơ nhạc” ở Đại học Sư phạm Huế vào tháng 12 năm 1967 xuống đường, với các chiến dịch đốt xe tăng Mỹ, để đón xe tăng của Nga Sô Trung Cộng vào nghiền nát hàng ngàn đồng bào đang trên đường lánh nạn, trước khi húc đổ cổng Dinh Độc Lập và treo ngọn cờ máu lên nóc dinh để báo hiệu sự cáo chung của một nền tự do dân chủ của dân tộc.
Tôi không biết từ sau ngày miền Nam bị hoàn toàn nhuộm đỏ nhờ sự đóng góp không nhỏ cuả các sinh viên, trí thức, thi sỹ, nhạc sỹ và của các anh, đã có ai trong số các anh lại phải cũng đồng bào miền Nam băng rừng, vượt biển đi tìm tự do? Có ai trong số các anh phải vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển lạnh, và có ai đã may mắn đến được bến bờ tự do, để các anh có thể thấy được cái giá trị đích thực của tự do cũng như cái giá mà con người phải trả để đạt nước nó. Bởi do cái thói tục ở đời khi người ta đang có cái gì trong tầm tay thì không biết trân trọng giữ gìn, thậm chí còn “xuống đường” chống báng lại nó, để khi nó vuột khỏi tầm tay thì con người ta lại phải quay quắt kiếm tìm mà cuộc tìm kiếm không phải chỉ trả giá bằng bạc vàng mà còn bằng chính cả mạng sống.
Các anh có biết những vụ việc này không?
Các anh suy nghĩ như thế nào?
Sao các anh không tiếp tục “Hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát” nữa đi?
Sao các anh chỉ biết chống lại những người xây dựng và bảo vệ tự do, mà không dám chống lại những người mang đến thảm họa cho đất nước và tai ương cho dân tộc?
Sao các anh chỉ dám chống lại những người biết tôn trọng các anh, tôn trọng cả phẩm giá làm người của đồng bào các anh, mà các anh không biết chống lại những người đang chà đạp mọi quyền tự do căn bản của các anh và của cả dân tộc này?
Sao các anh chỉ chống lại và bức tử một thể chế chính trị đã xây dựng và bảo vệ cho các anh đầy đủ mọi quyền tự do, kể cả quyền được chống lại họ mà các anh không biết chống lại một chế độ độc tài toàn trị đã tước đoạt của các anh và đồng bào các anh hết tất cả mọi quyền tự do, dân chủ cũng như quyền làm ngừơi và họ đang cõng rắn về cắn gà nhà và đang rước cả voi về dày mả Tổ?
Các anh Trương Thìn, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng… và các thi sỹ nhạc sỹ, các sinh viên trí thức của Việt Nam đang ở đâu? SAO KHÔNG XUỐNG ĐƯỜNG?
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment