Wednesday, January 30, 2013

THẢM SÁT TẠI SÂN VẬN ĐỘNG QUI NHƠN.


 

[Attachment(s) from Chau Vu included below]

 THẢM SÁT TẠI SÂN VẬN ĐỘNG QUI NHƠN.

Bài của GS Vũ Linh Châu.

 

1- DIỄN TIẾN ĐÊM LỬA TRẠI.

 

Trong suốt 15 năn dậy học tại thành phố ven biển này, một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, một cảnh tượng đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Đó là vụ Việt Cộng ném lựu đạn giết chết một nữ giáo sư, hơn 10 học sinh và làm bị thương khoảng 100 em học sinh và nhiều người khác tại sân vận động Qui Nhơn đêm 9 tháng Giêng 1972.

Theo lệnh của Đại Tá tỉnh trưởng Nguyễn Văn Chức, một đêm lửa trại đã được tổ chức tai sân vận động thị xã, qui tụ các đoàn thể thanh niên như Hướng Đạo, Gia đình Phật tử, Thanh niên Hồng thập tự và học sinh của tất cả các trường trung học trong thị xã. Sân vận động đã được chiếu sáng bằng nhiều ngọn đèn pha cực mạnh. Một đống lửa lớn được đốt giữa sân, các chương trình văn nghệ sẽ được trình diễn tại đây. Học sinh và các đoàn thể thanh niên xếp hàng chung quanh đống lửa này. Đại Tá tỉnh trưởng ngồi trên khán đài của sân vận động. Nữ tu hiệu trưởng của trường chúng tôi và một nữ tu phụ tá cũng ngồi trên khán đài này cùng với các vị hiệu trưởng và các quan khách khác. Riêng tôi, như thường lệ, có nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn và ở bên cạnh các em nữ sinh của trường.

Các nữ sinh của trường Nữ trung học công lập Ngô chi Lan và các nữ sinh của trường Nữ trung học tư thục Trinh Vương chúng tôi được điều động làm hàng rào danh dự từ cổng sân vận động vào đến khán đài để nghênh đón Đại Tá Tỉnh Trưởng. Chập choạng tối, còi hụ rền vang, đoàn xe của Đại Tá Tỉnh Trưởng tới, ông và tất cả các chiến sĩ cận vệ đều được trang bị như là đang đi hành quân ngoài mặt trận, tất cả đều mặc áo giáp, đội nón sắt, súng M 16 lăm lăm trên tay, nòng súng chĩa thẳng lên trời.

Chung quanh đống lửa, nữ sinh trường chúng tôi được sắp xếp cạnh trường nữ trung học công lập. Về sườn phía đó thì yên tĩnh, nhưng sườn phía bên kia, cạnh một đơn vị con trai, thì xem ra có đôi điều không ổn, hơn nữa chúng tôi lại ở cuối gió, càng khuya, gió càng lớn, sợ tro than từ đống lửa làm cháy áo dài của các em. Nhất là vì chương trình văn nghệ cũng đã khá lâu, trời đã về khuya, hơn 9 giờ đêm rồi, chưa thấy con em về, sợ phụ huynh lo lắng, nên tôi quyết định dẫn tất cả các em ra xa chỗ trình diễn văn nghệ, bên cạnh một chùm đèn sáng sủa, xa khoảng 100 mét. Cho các em sắp hàng ngay ngắn và điểm danh xong, tôi liên lạc với trường để cho xe đến đón các em về. Vì phía sau các chùm đèn, ánh sáng không được đầy đủ, nên tôi đã sai hai em nữ sinh lên khán đài mời Bà Hiệu trưởng và nữ tu phụ tá xuống để cùng với tôi trông coi các em và chuẩn bị lên xe về trường luôn thể.

 

2- GIÂY PHÚT ĐỊNH MỆNH.

 

Trời về khuya đã bắt đầu trở lạnh, tôi ngồi trên chiếc Honda phì phèo hút thuốc. Loa phóng thanh loan báo đến mục Đại Tá Tỉnh Trưởng xuống sinh hoạt với học sinh cạnh đống lửa. Xướng ngôn viên cũng mời tất cả quan khách trên khán đài cùng tháp tùng Đại Tá. Rất may là hầu hết quan khách vẫn ngồi yên tại chỗ vì biết đó chỉ là lời mời lơi cho có lệ.

Tôi hút chưa tàn điếu thuốc thì em Nguyễn ngọc Tôn, đoàn trưởng đoàn Thanh niên Hồng Thập Tự từ trong vòng lửa vội vã chạy ra nói với tôi rằng Giáo sư Tạ quang Khanh, cố vấn của đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự, mời tôi vào để chụp một tấm hình kỉ niệm với ĐT/Tỉnh Trưởng. Tôi nhất định từ chối, vì tôi không thể bỏ các em nữ sinh để đi được, dù chỉ là vài phút. Không hiểu tại sao, lý lẽ đã rành rành như vậy mà em Tôn vẫn không chịu nghe, cứ chần chừ năn nỉ mãi – và chính những giây phút lấn lá này đã cứu mạng em. Đại Tá Tỉnh Trưởng đã bắt đầu hát, em mới chịu chạy mau về phía đống lửa.

Tôi còn nhớ rất rõ, đêm hôm ấy, Đại Tá một mình vừa đệm guitar vừa ca bản Làng Tôi.

Đại Tá đang say sưa hát: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lửng lượn quanh, êm xuôi về nam. Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau, khóm tre...” thì một tiếng nổ chát chúa vang lên giữa đống lửa trại. Tiếng ca, tiếng đàn và vạn vật đều đột nhiên im vắng hoàn toàn. Theo phản xạ tự nhiên của một người lính, tôi lăn ngay xuống đất, rồi hét lớn như đang ra lệnh cho các Sinh Viên Sĩ Quan ngày trước, lúc tôi còn làm Sĩ quan cán bộ tại trường Bộ Binh Thủ Đức:

        Tất cả nằm xuống.

Các em nữ sinh thì vẫn đứng im, hàng ngũ vẫn chỉnh tề, có lẽ vì quá ngạc nhiên và cũng là lần đầu tiên trong đời nên các em chẳng biết phải phản ứng ra sao. Mấy phút sau mới hoàn hồn, ôm chặt lấy nhau mà run rẩy. Tôi thì nhớ lại, những lần trước đây tại Sài Gòn, Việt Cộng thường chờ cho các toán cấp cứu tới, rồi khai hỏa trái mìn thứ hai, nên lại hét lớn:

        Chắc là lựu đạn hay mìn định hướng. Coi chừng còn một trái nữa.

Nhưng chắc các em vẫn chẳng hiểu tôi đang nói gì, nên chỉ biết ôm nhau mà khóc. Bà Hiệu trưởng và mọi người cũng vừa hốt hoảng chạy tới. Tôi dẫn tất cả ra đường lớn bằng lối cổng sau để chạy bộ về trường vì cũng chỉ cách xa khoảng chừng mươi phút.

 

3- VIỆC TẢI THƯƠNG

 

Tôi trở lại, nổ máy xe Honda, phóng về phía đống lửa. Một cảnh tượng hãi hùng mà suốt đời, tôi không bao giờ quên, không bao giờ phai nhạt khỏi trí nhớ. Người chết và bị thương đã xếp thành một vòng tròn chung quanh đống lửa, tròn trịa giống hệt như là bất cứ buổi lửa trại thông thường nào khác còn đang trong lúc sinh hoạt. Đại đa số thương vong là các em nhỏ thuộc các đoàn Ấu Sinh và Sói con của Gia đình Phật tử và Hướng đạo. Lý do là vì các em đã được ưu tiên xếp hàng ở vòng trong, chung quanh đống lửa để coi văn nghệ cho rõ. Hơn nữa, đây là trái lựu đạn M 26, loại lựu đạn có tới 3,600 mảnh nhỏ, mỗi mảnh chỉ lớn hơn đầu que tăm, được chế tạo với chủ đích sát thương nhân mạng tối đa. Với vòng người dầy đặc chung quanh đống lửa như vậy, coi như tất cả mọi miểng của trái lựu đạn này đều đã ghim trúng thân xác con người. Số thương vong là các em nhỏ còn cao hơn nữa là vì đúng vào lúc đó, TV tạm ngưng chương trình cải lương để đọc tin tức và bình luận, nên một số các em nhỏ cư ngụ chung quanh sân vận động, nhất là tại khu thương phế binh cạnh đường Võ Tánh, nghe loa phóng thanh loan báo Đại Tá Tỉnh Trưởng sắp xuống đàn hát giúp vui, các em đã chạy ùa vào sân rồi len lỏi sát tới vòng lửa để coi cho rõ. Hầu hết các cháu bé này cũng đều đã chết hoặc bị thương nặng vì ở quá gần trái lựu đạn.

Khi tôi tới nơi, ngoài số người chết và tiếng rên la kêu cứu của các người bị thương đang nằm la liệt chung quanh đống lửa, sân vận động hoàn toàn trống vắng. Vì quá sức kinh hoàng, nên tất cả những ai còn khỏe mạnh đều đã thoát chạy đi hết. Tuy nhiên cả sân vẫn được chiếu sáng đầy đủ như trước, các chùm đèn pha vẫn hoạt động bình thường vì mỗi chùm đều có một máy phát điện riêng. Thấy xe tôi trờ tới, mọi người nhao nhao kêu xin tôi cứu chữa. Một số các em trai còn khỏe mạnh đã nhào lên, bám chặt phía sau xe Honda của tôi. Tôi chẳng biết phải xử trí ra sao, lại sợ mọi người khác sẻ ùa lên bám kín lấy chiếc xe, nên tôi đã rồ máy, tính chở các em thẳng tới bệnh viện. Ra tới ngã tư đường phố, tôi chợt nghĩ rằng chở như thế này, các em yếu sức sẽ rớt xuống đường mà chết, nên tôi ngừng lại, đậu xe giữa đường, một chiếc xe jeep nhà binh trờ tới, tôi chặn lại và nói vắn tắt:

        Nổ trong sân vận động, chết nhiều lắm, chở dùm các em này đến bệnh viện.

Mấy người lính trên xe chưa kịp trả lời thì các em bị thương đã nhào lên xe và người tài xế rồ ga phóng đi.

Thấy có kết quả, tôi vẫn đứng im chỗ cũ, chặn mọi chiếc xe qua lại, hầu hết là xe nhà binh. Tôi nói vắn tắt như trước và yêu cầu họ vào trong sân vận động cứu người. Hầu như tất cả đều hưởng ứng. Nhiều em Hướng Đạo và Phật tử, Hồng Thập Tự vừa chạy thoát từ sân vận động ra còn đang lảng vảng gần đó, thấy vậy cũng xuống đường phụ với tôi. Em Tôn cũng xuất hiện. Tôi nghĩ tới Giáo Sư Tạ quang Khanh nên bảo Tôn vào ngay sân vận động tìm thầy Khanh và các đoàn viên Hồng Thập Tự bị thương rồi chở tất cả tới thẳng Nhà thương Thánh Gia, vì tôi biết anh Khanh rất thân với các dì phước người Mỹ tại đây.

Ngoài Nhà thương Thánh gia, thị xã lúc đó còn có ba bệnh viện lớn khác là Dân Y viện, Quân Y viện và bệnh viện dã chiến của quân đội Mỹ. Đặc biệt, quân y viện của Mỹ này đã đóng góp một phần rất quan trong trong việc làm giảm bớt số người tử vong. Vì vào thời gian đó, Bộ binh của Mỹ không còn trực tiếp tham chiến nữa, nên số thương binh ở bệnh viện gần như không có, trong khi các Bác sĩ và phương tiên cấp cứu vẫn còn đầy đủ. Do vậy, tuy số người bị thương là trên 100, nhưng chỉ có trên 10 người chết, gồm một giáo chức và khoảng 10 em học sinh.

Chừng 15 phút sau, tiếng còi xe cứu thương gầm rú từ mọi phía bắt đầu ùa tới sân vận động. Hầu hết các xe đã vào cứu người do chúng tôi hướng dẫn lúc trước, đều cũng đã trở đi trở lại nhiều lần. Quân cảnh, cảnh sát, nhân dân tự vệ, cùng các lực lượng an ninh bắt đầu xuất hiện mỗi lúc một đông.

Tôi nổ máy xe, chạy vọt về nhà, chỉ cách đó vài block đường, ngừng xe ngoài cửa rồi hét lớn vào nhà:

        Nổ tại sân vận động, chết nhiều lắm, anh không sao, trường mình cũng không sao. Anh phải đi cứu người đây. Khuya lắm mới về.

Tôi lại quay vội ra sân vận động. Nhưng nhân viên công lực đã chặn mọi ngả đường, không cho ai qua lại. Dòng xe cứu thương, kể cả của quân đội Mỹ, đã từ khắp nơi ùa tới, hụ còi và chiếu đèn sáng rực suốt con đường Võ Tánh là đường chính dẫn tới các bệnh viện. Dân chúng hiếu kì và phụ huynh học sinh vây kín chung quanh ngã tư trước sân vận động và dọc theo đường Võ Tánh. Tôi biết rằng dù có vào trong lúc này cũng chẳng giúp được việc gì, nên cũng chỉ biết bồn chồn đứng nhìn như mọi người.

Sau này chúng tôi mới biết, vì sau khi bị thương, trung bình các em đã phải chờ đợi khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ mới được cứu chữa, nên hầu hết các em đã chết vì mất máu. Đường bộ từ sân vận động đến các bệnh viên xa khoảng từ 15 tới 20 phút lái xe. Hơn nữa, lúc đó mọi người đều hốt hoảng và hoang mang cực độ, vào thời gian này, phương tiện liên lạc còn rất thiếu thốn hạn chế, việc chuyên chở nạn nhân tới các bệnh viện hầu hết lại là tự phát, không thể điều hợp chỉ huy thống nhất được. Do đó, phần lớn nạn nhân đều đã được chở tới Dân Y Viện, nằm sắp lớp dọc theo hành lang. Các xe chở người vì thấy ngoài sân vận động, số nạn nhân còn quá đông, nên cho các người bị thương xuống hành lang xong là lại vội vã vọt trở ra ngay. Vì vậy, phòng cấp cứu của Dân Y Viện đã trở tay không kịp. Một số khá đông các em khác đã may mắn thoát chết vì được chở thẳng tới Nhà thương Thánh gia, Quân Y viện, nhất là Bệnh viện dã chiến của Mỹ. Khi được Dân Y viện kêu cứu, ba bệnh viện kia đã tới tiếp tay, chở bớt nạn nhân về cứu chữa, nên số tử vong đã giảm đi rất nhiều. Tôi biết gia đình anh chị Liên, nhờ có chiếc xe Jeep riêng, nhà lại ở gần ngay sân vận động, nên hai vợ chồng đã phóng tới Dân y viện, tìm kiếm trong đống xác người dọc theo hành lang, một số đông vẫn còn đang hấp hối, cả nửa giờ sau mới gặp được cháu bé và đã lanh trí chở ngay cháu sang Quân Y viện nên đã cứu kịp.

Rất nhiều người khác không được may mắn như vậy, vì vào thời gian đó, điện thoại tư gia cũng gần như chưa có, đại đa số phụ huynh, nếu nhà không ở gần sân vận động, đều không thể hay biết để đến Dân y viện tiếp tay cứu chữa con em kịp lúc như anh chị Liên.

Trong số những người không may đó có cô Yến, giám học trường Nữ Trung Học công lập, cô cũng là phu nhân của thầy Tạ quang Khanh. Khi Đại Tá Tỉnh Trưởng xuống sinh hoạt bên đống lửa, cô Yến ngồi phía trước, vì trời rất lạnh, nên cô Tùng, một nữ Giáo sư cùng trường, ngồi phía sau, cô Tùng đã ôm chặt cô Yến để hai người cùng ấm. Khi lựu đạn nổ, cô Yến đã che chắn cho cô Tùng hoàn toàn, cô Yến tử thương, cô Tùng chỉ bị thương nhẹ ở miệng. Trong lúc hoang mang cực độ, tôi đã không nghĩ tới cô Yến, chỉ nhắc các em chở Thầy Khanh xuống Bệnh viện Thánh Gia, nên người ta đã chở cô Yến tới Dân Y viện và cô cũng đã chết vì mất máu.

Riêng thầy Khanh, theo lời em Tôn kể lại, thầy bị rất nhiều mảnh ghim vào bụng, khi các bác sĩ hút nước tiểu ra và thấy không có máu, họ đã cùng reo lên, vì nếu có máu, tức là đã bị lủng bọng đái thì sẽ vô phương cứu chữa. GS Khanh đã bình phục sau khoảng vài tuần lễ, nhưng vấn đề gai góc nhất cho mọi người là làm cách nào để ông đón nhận tin cái chết của chị Yến một cách không quá ngỡ ngàng đau khổ, nhất là ba đứa con của họ đều còn rất nhỏ dại và chị Yến lại đang mang bầu đứa con thứ tư...

Đại Tá Tỉnh Trưởng đã lên truyền hình vào tối ngày hôm sau để trấn an đồng bào, ông cho biết chỉ bị vài vết thương nhẹ. Mọi người đều biết là Đại Tá và các người trong đoàn tùy tùng đã thoát chết là nhờ mặc áo giáp và đội nón sắt, nhưng rất có thể chính ông thì lại nghĩ khác. Tối ngày hôm trước, khi ra nghênh đón Đại Tá tại cổng sân vận động, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một vị sĩ quan cận vệ của Đại Tá trịnh trọng mang theo một thanh trường đao lớn bằng gỗ, có cán dài, thanh đại đao đã được sơn son thiếp vàng láng bóng, loại mà chúng ta thường thấy trưng bày trước cửa chính của các đền miếu. Vị sĩ quan cận vệ này đã rất nghiêm chỉnh giơ cao thanh đại đao để dẫn đầu phái đoàn vào sân vận động. Tôi nghĩ bụng, chắc là Đại Tá sẽ dùng thanh đại đao này để làm phần thưởng cho trường nào trình diễn văn nghệ xuất sắc nhất. Nhưng sau khi Đại Tá thoát chết thì danh tiếng của thanh trường đao linh thiêng này mới được loan truyền và mọi người mới biết đó là bùa hộ mạng mà Đức Thánh Trần đã ban cho Đại Tá!

 

4 - PHE TA GIẾT PHE TA?

 

Vụ tàn sát các em học sinh tại sân vận động Qui Nhơn này cũng là một tội ác rất ghê tởm dã man của Việt Cộng, dã man và tàn bạo hơn hẳn vụ chúng pháo kích vào sân trường tiểu học sát hại các em học sinh tại Cai Lậy, man rợ và tàn ác không thua gì trong tết Mậu Thân tại Huế. Tại vì trong vụ tàn sát tại Qui Nhơn này, tuy số nạn nhân ít hơn ở Huế rất nhiều, nhưng vì Việt Cộng đã cố tình giết hại các em học sinh ngây thơ và hoàn toàn vô tội, đa số là các cháu còn rất bé nhỏ. Những em chết đi đã đành, nhưng còn rất nhiều em sống sót đã phải mang thương tật suốt đời. Đáng thương nhất là các em nữ sinh, vì miểng lựu đạn, vì than củi và đất đá văng trúng, nhiều em đã bị mù cả hai con mắt suốt đời.

Nhưng, một chuyện khác cũng rất đáng đau buồn, đó là hành động tội ác dã man này của VC đã rất ít được đồng bào Miền Nam biết tới, báo chí tại Sài Gòn và ngay cả các cơ quan truyền thông của chính phủ, của quân đội và cả Bộ Quốc Gia Giáo Dục cũng rất ít đề cập tới biến cố đau thương đứt ruột này. Lý do là vì, không biết xuất phát từ đâu, chính thức hay tin đồn, vô tình hay cố ý, mà dân chúng trong thị xã và trong tỉnh, cũng như báo chí và các cơ quan truyền thông ở trung ương đều nhận được và hầu hết đều tin rằng vụ việc này là do tham nhũng gây ra, nghĩa là do nội bộ của người quốc gia chúng ta thanh toán lẫn nhau.

 

5 - BẮT ĐƯỢC THỦ PHẠM.

 

Cho tới một buổi chiều, khoảng chừng hơn kém một tháng sau, trong khi các anh em Địa Phương Quân đang làm nhiệm vụ tại một cánh đồng trống vắng thuộc một vùng đất hoàn toàn mất an ninh gần chân núi tại quận Phù Cát. Trời đã về chiều, nhưng toán quân này lại thấy một cậu học sinh trung học, với áo sơ mi trắng có bảng tên một ngôi trường tại thị xã Qui Nhơn, đang vội vã đi nhanh về hướng chân núi. Dĩ nhiên cậu học sinh này đã bị chặn lại ngay, cậu ta đã tỏ ra rất lúng túng run sợ, khiến các anh em Địa Phương Quân càng thêm nghi ngờ và đã giải giao cậu ta về cho cơ quan an ninh ngay. Và thật là bất ngờ, trước nỗi sửng sốt của mọi người, cậu ta đã thú nhận chính mình là người đã ném trái lựu đạn ghê tởm trong đêm hôm đó tại sân vận động Qui Nhơn, sợ lộ tông tích nên Việt Cộng đã sắp xếp cho cậu chạy trốn lên núi. Người trực tiếp chỉ đạo cậu là cô gái giúp việc tại quán cà phê Kinh Bắc cạnh rạp hát Kim Khánh (Hình trong Attachment: các nữ sinh Trinh Vương đang diễn hành ngang qua trước tiệm Cà phê nói trên). Cô gái này đã hứa hẹn, nếu hoàn thành tốt công tác, đêm hôm đó anh ta sẽ được cá nhân cô này tưởng thưởng và thỏa mãn mọi điều anh ta yêu cầu ...

Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền đã thiết lập một phiên tòa công khai để xét xử thủ phạm, dân chúng đã tới dự khán rất đông. Trước các lời khai thành thật và thái độ ăn năn đau khổ của thủ phạm, ít có ai còn thắc mắc nghi ngờ điều gì. Nhưng lúc đó, có lẽ vì niềm đau thương đã được vơi bớt, lòng căm thù oán hận cũng đã nguôi ngoai đi nhiều. Và có lẽ chính các cơ quan truyền thông cũng không muốn nói đi nói lại, không muốn tiền hậu bất nhất. Cho nên tội ác ghê tởm này của Việt Cộng đã từ từ rồi hoàn toàn chìm vào quên lãng. Hơn nữa, chi tiết về việc bắt được thủ phạm cũng có vẻ hơi bất bình thường, nên một số người vẫn còn bán tín bán nghi, vẫn cho rằng có chuyện sắp xếp dàn dựng. Riêng tôi, ngoài những điều mắt thấy tai nghe tại hiện trường, trực giác và lương tâm còn cho tôi biết, chỉ có những con người không tim không óc, những con người tôn thờ chủ thuyết “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, “Giết lầm còn hơn tha lầm” ... mới có đủ can đảm, mới đủ gan dạ để tung một trái lựu đạn M 26 vào giữa một đám trẻ con như vậy.

Thủ phạm nhất định phải là một tên Cộng Sản.

Hiện nay, rất nhiều nạn nhân hay những người trực tiếp liên hệ và hiểu biết tường tận về biến cố trên, ngay cả những người đã từng lỡ dại ở cùng phe với thủ phạm nữa, rất nhiều người hiện đang sinh sống ở ngoại quốc. Xin đừng để tội ác ghê tởm, man rợ này hoàn toàn rơi vào quên lãng, hãy lên tiếng, hãy bổ sung thêm các chi tiết còn thiếu sót, để tội ác này cũng được ghi vào sử sách, như vụ thảm sát tết Mậu Thân tại Huế.

Xin hãy tiếp tay, giúp cho bài tường thuật này được phổ biến sâu rộng khắp nơi.

 

6 - TÔI CÓ SỐ HÊN.

 

Bài này được trích trong cuốn bút ký Trường Sơn Trường Hận, nói về chuyến đi thập tử nhất sinh của vợ chồng tôi dọc theo Xa Lộ Hồ chí Minh. Nếu đã đọc qua cuốn sách, hẳn quí vị đã thấy rằng kẻ viết bài này, đã luôn luôn gặp được rất nhiều may mắn, trong suốt cuộc đời, tôi đã nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, kể cả có lần bị kẻ gian ác thuê người sát hại. Nhưng trong cái đêm định mệnh tại sân vận động Qui Nhơn đó, Thần Hộ Mạng không những đã cứu sống tôi, mà còn che chở cả cho những người chung quanh tôi nữa. Chúng tôi là ngôi trường duy nhất trong thị xã đã được hoàn toàn bình yên vô sự, không những tất cả các em nữ sinh của trường đều đã không hề hấn gì, đều đã thoát chết, mà ngay cả nữ tu hiệu trưởng và dì phước phụ tá, nếu còn ngồi lại trên khán đài, rất có thể chính họ hay Giáo sư Khanh đã mời họ xuống cạnh đống lửa, rất khó lòng thoát được thương vong. Riêng em Tôn, hiện đang ở Garland, Texas, nếu không ra mời tôi, chắc em cũng ở đâu đó bên cạnh Thầy Khanh và cũng đã lãnh đủ. Mời tôi không được, em vừa chạy về tới vòng ngoài, phía sau lưng khán giả thì lựu đạn nổ, chỉ sớm hơn một vài tích tắc nữa, hầu như chắc chắn là em cũng đã bị trọng thương hay đã chết, vì thế nào em cũng vào gặp GS Khanh ngay để nói lại việc tôi từ chối vào chụp hình. Nghe nói một người em trai của Tôn trong đoàn Ấu Sinh HTT cũng đã bị nhiều mảnh lựu đạn ghim vào hạ bộ, tuy thoát chết nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy lập gia đình.

 

7 - VIỆT CỘNG TỰ THÚ.

 

Hàng năm, tại miền nam California, Hội Ái hữu cựu học sinh các trường Trung học Qui Nhơn đều có một ngày họp mặt và đều xuất bản một tờ Đặc San, có tên là Đặc San Liên Trường, năm nay, để góp mặt, tôi đã gửi tới bài tường thuật trên đây.

 Đã bảo rằng số tôi luôn luôn gặp nhiều may mắn mà. Tôi vừa gửi bài tới Ban biên tập thì liền nhận được một bài báo của Việt Cộng do anh Tạ Chí Thân gửi tới. Khi gọi phone để báo tin này, Tạ Chí Thân đã nói như sau:

“... khi về lại Qui Nhơn, đọc được bài báo này của VC, máu em đã sôi lên, vì em cũng có mặt trong cái đêm rùng rợn đó... chúng em cũng đang sửa soạn viết về chuyện này...”

Xin trích nguyên văn từ tờ báo Cộng Sản đó, tờ “Quốc học Qui Nhơn”, trang 193, 194 và 196 để quí vị, nhất là những người đã có mặt trong cái đêm hãi hùng đó, thấy được những kẻ thù của Dân tộc, của Nhân loại và của chúng ta, vẫn luôn luôn đáng khinh bỉ, đáng phỉ nhổ đến như thế nào:

“ ... Huỳnh thị Ngọc — một nữ thanh niên cơ sở cách mạng Nội Thị Qui Nhơn, kiên cường, dũng cảm và mưu trí — được tổ chức phân công đặc trách bám sát cuộc nổi dậy từ đầu để lãnh đạo... Ngồi chưa kịp nóng ghế, tỉnh trưởng Chức đã bày ra cái trò tổ chức một “đêm không ngủ” tại sân vận động Qui Nhơn cho toàn thể giáo chức và học sinh hòng ru ngủ họ. Nhận được tin này, Huỳnh thị Ngọc thấy lóe lên một tia sáng, “cơ hội đến rồi, phải chớp ngay lấy để đánh một trận phủ đầu cho chúng nó biết dân Bình Định là thế nào”. Cuộc hội ý chớp nhoáng giữa Ngọc, với bốn anh em trường trung học Cường Để: Lợi, Danh, Xuân, Sinh đã diễn ra ngay sáng hôm đó. Tất cả nhất trí phải đánh! Cách đánh và võ khí được bàn bạc cặn kẽ, được sắp xếp và phân công cụ thể, chu đáo. Hẹn nhau 3 giờ chiều hội ý lại để rà soát lại lần cuối cùng.

Gần 7 giờ tối, tất cả đều đủ mặt ở điểm hẹn. Theo tinh thần tự nguyện xung phong lúc sáng, bí thư Lợi sẽ mang lựu đạn vào sân vận động vì chân Lợi bị tật, địch ít nghi ngờ. Nhưng trước khi Lợi vào phải bố trí một người mang kiềm sắt bỏ trong túi quần vào trước thử xem địch có lục soát kiểm tra không. Kết quả vẫn trót lọt được. Đúng 7 giờ tối, xe quân sự địch đã bắt đầu dàn sẵn đầy chung quanh sân vận động. Chị Lê thị Nhỏ gánh hàng rong ngang qua chỗ hẹn, mật giao võ khí cho Nguyễn thị Duy Ân để chuyển lại cho Lợi và Danh. Trên chiếc xe Honda ở một góc bên ngoài đường, Xuân và Sinh sẵn sàng đón Lợi và Danh khi chạy ra tẩu thoát. Huỳnh thị Ngọc điểm trang thanh lịch, mặc áo dài như một cô giáo, quàng tay một cô giáo trẻ khác vượt qua cửa lớn sân vận động, vừa đi vừa nói chuyện. Ngọc rảo bước, đổ dồn đôi mắt, tìm thấy được chỗ xếp hàng của mấy chi đoàn, đủ cả, trong đó có chi đoàn Trần văn Ơn. Tất cả bọn họ đã nhìn thấy nhau và tỏ ra hớn hở phấn chấn. Cái khó là cả lũ chỉ huy chóp bu ngụy đều ngồi trên cao, giáo viên và học sinh ngồi dưới thấp, nếu ném lựu đạn, dễ cho địch phát hiện và không chắc đã ném đúng đối tượng là tên tỉnh trưởng Chức. Ngọc đến sát bên Lợi, nói vào tai: “Nó đã tổ chức một đêm không ngủ thì mình cũng thức trắng một đêm đợi thời cơ đến”.

Hơn 7 giờ rưỡi tối, đại tá tỉnh trưởng Chức xuất hiện trên bậc cao. Lũ quan quân hộ vệ vây quanh. Bên dưới sân vận động hàng mấy ngàn học sinh, giáo chức im lặng lắng nghe. Khoảng hơn 9 giờ đêm, cảm thấy có phần yên tĩnh, tỉnh trưởng Chức khệ nệ xuống đài, đi thẳng ra giữa sân vận động, kéo theo cả đoàn vệ sĩ nối đuôi nhau. Học sinh phấn khởi reo mừng, tung hoa giấy đón chào. Vô tình Chức tiến bước đến trước mặt tổ Trần văn Ơn thì hoa giấy càng tung lên gấp bội đến choáng cả mắt. Lợi rút nhanh chốt lựu đạn rồi ném thẳng vào đích. Lựu đạn vừa lóe xì khói, tên vệ sĩ – thiếu úy Linh – áp mạnh xô Chức ngã xuống rồi nằm chồm lên phủ gọn cả người tỉnh trưởng vào lòng. Một tiếng nổ “oàng” chát chúa! Cảnh ong vỡ tổ ầm ầm, mạnh ai nấy chạy ra đường lớn thoát thân.

Kết quả 7 địch chết tại chỗ trong đó có một tỉnh phó và thiếu úy vệ sĩ Linh, 4 tên trọng thương trong đó có tỉnh trưởng Chức...

Theo lời kể của đồng chí Huỳnh thị Ngọc. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. M.Đ”. -(Hết trích)-(Xin coi phóng ảnh bài báo nói trên trong Attachment)

 

8 - VIỆT CỘNG NÓI LÁO.

 

Xin có vài nhận xét về bài báo nói trên:

“7 địch chết tại chỗ, trong đó có một tỉnh phó và thiếu úy vệ sĩ Linh”. Ai ở Qui Nhơn vào thời gian đó thì cũng đều biết là bài báo nói láo về hai người chết là tỉnh phó và thiếu úy Linh. Như đã nói, Đại Tá tỉnh trưởng và đoàn tùy tùng đều mặc áo giáp và đội nón sắt nên miểng lựu đạn M 26 không thể xuyên vào đầu và các cơ phận trọng yếu để gây tử thương. Hơn nữa, tất cả những người đã học quân sự, khi thấy lựu đạn xẹt lửa sắp nổ, đều sẽ phản xạ nằm xuống, chỉ có các em học sinh, các cháu nhỏ mới nhỏm dậy để chạy, hay là cứ “nai vàng ngơ ngác”, cứ trố mắt ra nhìn như các em nữ sinh trường chúng tôi và như cô Yến, cô Tùng... nên mới lãnh trọn. (Tối 19/2/2006, Tạ chí Thân đã gặp Thiếu Tướng Nguyễn văn Chức để kiểm chứng các chi tiết trong bài tường thuật trên, nhân dịp này cựu Đại Tá Tỉnh Trưởng Bình Định cũng cho biết các lời lẽ trong bài báo nói trên của Việt Cộng là hoàn toàn bịa đặt. ).

Ngoài GS Khanh, ông chủ nhà sách Việt Long, không biết loay hoay làm sao, hay là cũng bỏ chạy, mà lại đưa nguyên cả hai cái mông về phía trái lựu đạn, nên đã bị rất nhiều mảnh ghim vào hai mông, tuy vậy, vì không có miểng nào trúng vào chỗ hiểm, nên ông cũng được cứu sống. Trong buổi họp mặt ngày 16/4/2006 vừa qua của các cựu nữ sinh trường Nữ trung học công lập Qui Nhơn, ngôi trường mà bà xã tôi theo học, vợ chồng tôi đã được bà Hiệu trưởng Vương Thúy Nga cho biết là ông Phó thị trưởng Bùi xuân Thích đã xuống cạnh đống lửa cùng với Đại Tá Tỉnh Trưởng và đã bị thương nhẹ. Còn Ông phó tỉnh trưởng Nguyễn Hữu Độ, hiện đang ở San Jose, trong một cuộc điện đàm mới đây, tác gỉa đã được cho biết ông đã không có mặt trong đêm lửa trại đó. Lý do là vì đêm văn nghệ này được tổ chức dành cho học sinh các trường trong thị xã nên là phần việc của ông Phó Thị trưởng Bùi Xuân Thích, chứ không liên quan tới ông, vì ông là Phó Tỉnh trưởng. Nhưng nghe nói, chính việc này đã gây cho Ông phó tỉnh Nguyễn Hữu Độ rất nhiều phiền phức và đã khiến cho giả thuyết tham nhũng là thủ phạm càng được nhiều người bán tín bán nghi hơn.

Tuy vậy, lựu đạn M26 với 3,600 miểng, nổ giữa mấy ngàn học sinh và giáo chức, như bài báo đã tả, mà lại chỉ làm chết và bị thương toàn ... địch thôi. Việt cộng tài thật!

Tôi cũng dẫn cả trường ra về trước, nhưng không hề bị nghi ngờ, vì Qui Nhơn là một Thị xã nhỏ, mọi người đã biết rất rõ lập trường chính trị của nhau. Hơn nữa chúng tôi là một tư thục nên không dính dáng gì tới công qũy. Theo Cô Vương Thúy Nga cho biết, cô cũng có mặt tại sân vận động trong đêm hôm đó, nhưng vì trường đã có cô Yến, với chức vụ Giám học đại diện, nên cô Nga chỉ đứng dự khán bên ngoài. Nhưng sau đó cô đã trực tiếp tham gia vào việc tiếp cứu các em bị thương vong. Cô khoác bên ngoài một chiếc áo măng tô bằng vải dầy, chiếc áo đã ướt đẫm máu tươi của các học sinh bị nạn. Biến cố này bất ngờ trở thành một đề tài nóng bỏng trong cuộc họp mặt, mọi người đều ngậm ngùi thương nhớ bạn bè và thầy cô xấu số.

Huỳnh thị Ngọc, người trực tiếp chỉ huy vụ tàn sát này, theo bài báo cũng là người đã lãnh đạo các cuộc xuống đường biểu tình của học sinh Qui Nhơn mấy năm trước đó, trong cái đêm ghê tởm này, Huỳnh thị Ngọc đã giả dạng là một cô giáo trẻ, lọt hẳn vào sân vận động và đã ở sát một bên để trực tiếp chỉ huy Võ tấn Lợi. Trái lựu đạn cũng được di chuyển rất công phu, từ bà gánh hàng rong Lê thị Nhỏ, qua tay Nguyễn thị Duy Ân, rồi mới tới tay Võ tấn Lợi là người đã rút chốt rồi ném vào Đại Tá Tỉnh trưởng đang đứng giữa mấy ngàn giáo chức và học sinh. Sức công phá và khả năng sát thương của trái lựu đạn M 26 cũng đã được Việt Cộng hiểu biết rất rõ vì “Cách đánh và võ khí đã được bàn bạc cặn kẽ” như trong bài báo của VC đã ghi. Như vậy, cuộc tàn sát này là do Thị Ủy Việt Cộng tại Qui Nhơn chủ mưu và trực tiếp chỉ huy, chứ không phải chỉ là do một học sinh mới lớn, nhẹ dạ, mê gái như đã được loan truyền ngày trước.

Vì chiến công này mà Huỳnh thị Ngọc được phong là Anh Hùng Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân. Bảo sao nhà văn Dương Thu Hương đã chả gọi cuộc chiến tranh của cái Lực lượng võ trang nhân dân đó là một cuộc chiến tranh ngu dốt và nhơ bẩn nhất trong lịch sử dân tộc. Máu của Tạ Chí Thân đã sôi lên, không phải chỉ vì ghê tởm, mà còn vì khinh bỉ nữa. Mọi người đã có mặt tại Sân vận động Qui Nhơn trong cái đêm hôm đó, khi đọc bài báo trên đây, cũng sẽ đều khinh bỉ và ghê tởm như vậy.

Cùng lúc với bài báo trên, tôi cũng nhận được nhiều lời thăm hỏi rằng sao sắp sửa lên đồi Rose Hills nằm đắp cỏ rồi, sắp sửa “six feet under” rồi mà vẫn còn hăng hái giống như là “ngũ thập niên tiền” vậy? Xin thưa thế này, sau cái ngày 30/4 oan nghiệt đó, chả thấy có chi là vững bền dài lâu cả. Càng gần đất xa trời, càng thấy rằng trên thế gian này cũng chả có chi là đời đời bền vững, chả có chi tồn tại muôn năm cả, hùng mạnh ghê gớm như Hitler, tàn bạo như Stalin và “đỉnh cao trí tuệ loài người” như Lénine rồi cũng tan thành mây khói... Cho nên mới ngộ ra rằng, thôi thì cứ chung thuỷ với những cái mà mình đã tôn thờ từ trước cho nó chắc ăn, chính trường, chiến trường và cả ... tình trường cũng vậy.

Với lại, đúng như lời Tạ Chí Thân và bạn bè anh đã nói, cũng sợ nó...hèn người đi nữa.

Nhìn gần, khi viết lại, khi phổ biến hay là cho đăng tải câu truyện này là chúng ta đang chống Cộng, nhưng đối với các thế hệ con cháu, thì chúng ta đang làm công tác viết Sử, Sử của Qui Nhơn, Sử của Bình Định, Sử của Việt Nam. Sử thì phải trung thực vô tư, không được vị nể và nhất là không được sợ làm mất lòng những người đương thời. Trong tương lai rất gần, chắc chắn một xã hội thực sự Tự Do Dân Chủ sẽ hiện diện trên quê hương chúng ta, khi đó lịch sử dân tộc từ năm 1945 trở về sau, sẽ được viết lại hoàn toàn. Cung cấp những dữ kiện trung thực khách quan và chính xác, do mắt thấy tai nghe, là bổn phận của tất cả chúng ta, của thế hệ chúng ta, đối với con cháu đời sau.

Khi nói chuyện với đồng nghiệp Nguyễn Hữu Thời về vấn đề này, chúng tôi có nhắc tới việc Nữ tướng Bùi thị Xuân và con gái bị voi giầy tại Gò Bồi. Thái độ can trường quả cảm của Bà và tình cảnh đáng thương của người con gái bé nhỏ ngây thơ tại pháp trường đã được giáo sĩ De La Bissachère ghi lại. Nhờ vậy mà thái độ hiên ngang và kiên cường bất khuất của vị nữ anh hùng này, nhất là bụng dạ hẹp hòi tiểu nhân của Gia Long mới được lưu truyền cho hậu thế muôn đời.

Do vậy, ghi chép lại một cách trung thực những điều mắt thấy tai nghe là trách nhiệm của chúng ta với lịch sử, với con cháu đời sau.

 Riêng về tội ác của chúng tại sân vận động Qui Nhơn đêm mồng 9 tháng Giêng, 1972, chúng ta đã may mắn nắm được chính những lời thú tội của chúng. Xin hãy tiếp tay phổ biến và lưu giữ những dữ kiên này vào trong các kho sử liệu để cho con cháu đời sau được biết. 

Cũng xin được nói thêm về con số thương vong của biến cố nói trên. Mặc dầu đã cố gắng tiếp súc với các giới chức cao cấp trong chính quyền, các giáo chức đồng nghiệp, các cựu học sinh... nhưng không có ai còn nhớ hay biết được con số chính xác, kể cả ngay chính tác giả bài viết này nữa. Lý do là vì trước một biến cố tang thương khủng khiếp như vậy, mọi người không ai để tâm tìm biết con số chính xác làm gì, chỉ biết chết và bị thương hàng trăm là đủ. Hơn nữa, lúc đó, Qui Nhơn có 4 bệnh viện, các em được chở tới và chết tại đó sẽ được thân nhân lẳng lặng mang về quê quán chôn cất, đâu có ai nghĩ đến chuyện khai báo với chính quyền làm gì. Những người bị thương cũng thế. Ngay cả về phía chính quyền, thì lúc đó cũng không có cơ quan nào đặc trách về việc tổng kết con số nạn nhân ... và nhất là tin đồn tham nhũng là thủ phạm, lại càng khiến cho Ty thông tin, Đài truyền thanh, truyền hình, ngại ngùng trong việc ghi nhận con số chính xác...

Chính vì các lý do đó mà con số thương vong nêu lên đã không được đồng nhất, riêng bà Tạ Hạnh Đức là chị ruột của Giáo Sư Tạ Quang Khanh thì cho biết con số các em học sinh bị chết là 14. Một điều chắc chắn, mà tất cả mọi người đã cư ngụ trong Thị Xã Qui Nhơn vào thời gian đó đều biết rất rõ ràng, là trong số những người tử vong, không có một viên chức chính quyền hay quân đội nào cả, ngoài cô giáo Đặng thị Bạch Yến, tất cả các người bị chết đều là học sinh.

 

G.S. Vũ Linh Châu.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-21/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link