Monday, January 28, 2013

Quan chức Trung Quốc tìm đủ cách triệt hạ nhau


 

Chủ nhật 27 Tháng Giêng 2013

Quan chức Trung Quốc tìm đủ cách triệt hạ nhau



REUTERS/Jason Lee

Lê Phước


Trong số ra tuần này, nhìn về Châu Á, tuần san Courrier International dành bài chạy tựa : « Gián điệp đầy tường », trích dẫn lại bài viết của tờ Nam Phương Nhân vật Tuần báo tại Quảng Châu. Bài viết phản ánh một thực tế đang rất phổ biến tại Trung Quốc :Các quan chức theo dõi nhau bằng cách đặt máy ghi âm hoặc ghi hình lén.

Bài viết dựa vào câu chuyện ghi nhận từ cuộc nói chuyện với một một người chuyên rà tìm các thiết bị thu âm hay ghi hình lén. Người ngày tên là Tề Hồng, và cuộc gặp gỡ diễn ra tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Tề Hồng bắt đầu câu chuyện bằng một thông tin đầy ấn tượng. Chỉ trong năm 2011, anh đã rà tìm được đến 300 dụng cụ ghi âm hoặc ghi hình trong các xe phục vụ đi lại của các quan chức, văn phòng làm việc hay thậm chí là phòng ngủ của họ.

Tề Hồng cho biết, nguyên nhân mà các quan chức tìm đến anh tựu chung lại là như sau : để đề phòng đồng nghiệp hay đối thủ cạnh tranh, đề phòng cấp trên cho đặt máy theo dõi, theo dõi để tìm điểm yếu của cấp trên, hay thậm chí là để đối phó lại chiến thuật ghen tuông của vợ nhà. Tề Hồng cho biết, có tuần, anh thực hiện đến 40 cuộc dò tìm cho khách hàng.

Bài viết còn cho biết, theo lời của một quan chức tỉnh Sơn Tây miền Bắc Trung Quốc, thì ở địa phương này, việc nghe lén là khá phổ biến, và người thực hiện là các cán bộ nhà nước, họ theo dõi nhau để dò tìm sai phạm của nhau nhằm thanh trừng nhau.

Việc nghe lén đôi khi là do người trong cuộc cố tình gài bẫy nhau. Chẳng hạn như, một quan chức muốn lật một quan chức khác, nên lập kế cho người tin cậy giả vờ tìm đến quan chức nọ để xin xỏ công việc và để đút lót tiền. Nếu quan chức bị nhắm đến mà nhận tiền thì tức là đã sập bẫy đổi phương. Bài viết dẫn ra trường hợp một cán bộ nhà nước chỉ nhận tiền hối lộ có một lần nhưng do bị đối phương gài nên đã phải ngồi tù.

Bài viết cho biết thêm, việc theo dõi không chỉ được thực hiện bởi người đối địch, mà bởi những người thân hay người cùng băng nhóm. Bởi người thân thì chẳng hạn như vợ của các quan chức cho đặt máy theo dõi chồng mình để đề phòng quí ông bí mật lập « phòng nhì ».

Nói về phản ứng của các quí ông, Tề Hồng kể lại, khi bị phát hiện thì có người còn không kìm chế được nên đã lớn tiếng chửi rủa đối thủ chính trị bị nghi là thủ phạm cho đặt máy hoặc chửi thủ hạ bị nghi là đã « đâm dao từ sau lưng » họ, có khi là phản ứng bằng cách lo sợ ra mặt. Thế nhưng, khi dò tìm không có máy, thì các quan chức cũng lại phập phồng lo sợ và luôn sống trong nghi ngờ.

Bàn việc lớn trong hồ bơi!
Hiện tượng theo dõi nhau bằng máy ghi âm ghi hình lén đã trở nên phổ biến đến mức, mà ngay cả người làm nghề dò tìm như Tề Hồng cũng từng phát hiện rằng chính anh ta đã bị đặt máy ghi âm theo dõi. Hậu quả của hiện tượng này đó là con người luôn sống trong đề phòng, lo sợ, lúc nào cũng cảm thấy bị theo dõi.


Sự nghi kị lẫn nhau lên đến mức mà, theo lời một quan chức được bài viết trích dẫn, các cuộc thương thảo quan trọng có khuynh hướng đi vào nhà tắm: tức họ, để đề phòng, người trong cuộc hẹn nhau đến những địa điểm tắm công cộng. Chưa hết, theo quan chức này, khi người ta gặp nhau, chào nhau bằng cách ôm thân mật, đó không hẳn là để biểu hiện sự thân ái, mà còn để nhân cơ hội đó tìm xem trên người đối phương có máy móc gì không.

Thái Lan: khó khăn đang chờ đón chính phủ bà Yingluck

Courrier International nhìn về Thái Lan với bài viết dẫn lại của tờ The Nation tại Băngkok. Bài viết chạy tít cảnh báo: “Những quả bom nổ chậm trên chính trường”. Tờ báo nhận định, năm 2013 sẽ là năm căng thẳng đối với chính phủ bà Yingluck Sinawatra với hàng loạt các hồ sơ hóc búa. Trước tiên đó là việc sắp sửa đổi hiến pháp Thái Lan. Tình hình chính trị không ngừng căng thẳng giữa một bên là phe “thành thị” áo vàng và một bên là phe “nông thôn” áo đỏ. Trong bối cảnh đó, theo The Nation, dự luật hòa giải dân tộc dường như đã trở thành một chủ đề cấm kị.

Cũng trong bối cảnh đó, theo tờ báo, thủ tướng Yingluck phải làm sao chứng tỏ được sự độc lập với người anh trai là cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin, chứng tỏ được bà là thủ tướng của toàn dân chứ không phải đại diện cho một bên nào. Tức là, nhiệm vụ của bà sẽ là huy động mọi giai tầng để phát triển đất nước. Và dĩ nhiên, nhiệm vụ này ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn không dể dàng.

Trong lĩnh vực kinh tế, The Nation cho biết, mức lương tối thiểu tại Thái Lan đã được nâng lên vào đầu tháng Giêng này, ở mức 300 baht mỗi ngày. Ở thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, đó sẽ là một gánh nặng không nhỏ bổ sung vào những gánh nặng trước đó đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. The Nation cảnh báo, các phản ứng tiêu cực sẽ tăng lên. Thêm vào đó, cuộc sống ngày càng đắt đỏ, hiện tượng mất việc làm trong một số lĩnh vực ngày càng tăng.

Chưa hết, chính sách thu mua tạm trữ với giá cao hơn 50% giá thị trường đối với lúa gạo của nông dân cũng là một vấn đề đau đầu của chính phủ Yingluck. Chính sách này đã khiến Thái Lan mất vị trí số một trong danh sách các nước xuất khẩu lúa gạo, và không ngừng bị phe đối lập chỉ trích là mị dân.

Trên phương diện ngoại giao, tranh chấp đền Preah Vihear với Cam Bốt cũng là một hồ sơ gai góc. Hồ sơ đã được đưa ra tòa án công lý quốc tế, và các phiên phân xử sẽ diễn ra vào giửa tháng Tư tới đây. Trong bối cảnh hồi hợp chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án này, thì ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovijakchaikul mới đây lại có lời phát ngôn ám chỉ việc Thái Lan có thể thất bại. Phe đối lập dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội để lên tiếng chỉ trích và có thể sẽ ra sức làm dấy lên chủ nghĩa dân tộc trong xã hội. Và thế là, xung đột ngoại giao và bất ổn nội chính khiến cho vấn đề càng thêm rối rắm.

Vì sao Mỹ không hăng hái trong cuộc chiến Mali?

Tiếp tục bàn luận về cuộc chiến Mali, tuần san L’Express có bài thời luận chạy tựa: “Tại sao Mỹ không có mặt ở Mali?”. Có nhiều nguyên nhân giải thích việc Mỹ không hăng hái tham gia cuộc chiến tại Mali, thậm chí còn không giữ vai trò chỉ huy hậu đài như hồi cuộc chiến Libya. Thứ nhất, sau vụ tấn công khủng bố vào lãnh sự quán Mỹ tại Bengazi của Libya hồi tháng 9/2012 làm thiệt mạng đại sứ Hoa Kỳ, chính quyền Obama không muốn lún chân thêm một lần để gây thù chuốt oán ở Châu Phi. Và như hiện tại, theo tác giả bài viết, các lực lượng khủng bố nhắm đến Pháp nhiều hơn đến Mỹ.

Tiếp đó, là chính phủ Obama ngại lún chân thêm một lần nữa sau bao lần tham chiến không thu được kết quả như mong muốn như cuộc viễn chinh gay go ở Somali, hay sự sa lầy ở Irak, hoặc cuộc chiến gây mất lòng dân ở Afghanistan, hoặc các rắc rối xảy đến sau mùa xuân Ả Rập.

Thế nhưng, theo tác giả, nguyên nhân sâu xa nhất, đó chính là việc bất đồng quan điểm về Mali giữa Mỹ và Pháp, bởi thế Mỹ để cho Pháp lần này phải trong cảnh đơn thương độc mã. Năm rồi, Pháp đã đệ trình Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết cho phép điều một lực lượng Châu Phi đến Mali, và khi ấy Mỹ đã phản đối dự thảo này.
Theo tác giả, Mỹ cho rằng Pháp lẫn lộn giữa tiến trình chính trị hòa hợp dân tộc tại Mali với việc tiến hành một chiến dịch quân sự chống quân khủng bố ở miền bắc của nước này. Quan điểm của Mỹ là muốn phân biệt rạch ròi hai nhiệm vụ này và Mỹ ưu tiên cho chính sách xoa dịu chính trị và đào tạo các lực lượng quân đội của chính phủ Mali, tức là Mỹ chọn giải pháp: bầu cử thay vì can thiệp.


Tác giả nhận định, quan điểm này của Mỹ đã cho thấy sai lầm khi mà quân đội Hồi Giáo cực đoan tiến mạnh về phía nam Mali dẫn đến việc quân Pháp tham chiến. Mỹ đã đầu tư rất nhiều cho việc đào tạo và huấn luyện quân đội Mali, thế nhưng khi chiến sự xảy ra, cũng như chính Mỹ đã thừa nhận, nhiều quan chức và nhiều đơn vị thuộc hàng tinh nhuệ tại Mali mà Mỹ dày công đào tạo đã đào ngũ theo phe nổi dậy.

Tác giả kết luận mỉa mai: Obama I đã từng yêu cầu đồng mình Pháp cử thêm lực lượng đến chiến trường Afghanistan, thế mà giờ đây, Obama II lại từ chối hỗ trợ cho quân Pháp tại Mali.

Quân đội Pháp thiếu phương tiện chiến đấu!?

Nhìn riêng về nước Pháp, tuần san L’Express có bài phân tích thực lực quân đội Pháp. Bài viết chạy hàng tựa là một câu hỏi lớn: “Pháp có đủ phương tiện hay không?”, và câu trả lời là: không.
Tờ báo nhắc lại, sự thiếu hụt của quân đội Pháp đã được thể hiện ở cuộc chiến Libya hồi năm 2011, khi ấy Mỹ phải gánh đến 80% các vụ oanh tạc. Lần này, Mỹ dường như không muốn can dự sâu vào, các nước đồng minh khác thì cũng chỉ hổ trợ hậu cần đôi chút. Như vậy, việc tác chiến trên thực địa là do một mình quân Pháp gánh chịu.


Trong bối cảnh đó, thực lực quân Pháp như đã nói là không hùng mạnh như trước kia. Tờ báo dẫn ra một số minh chứng, trong đó đáng chú ý đó là sự cũ kỉ của các máy bay không người lái của Pháp. Trên chiến trường Mali lần này, Pháp đã cho triển khai 2 chiếc Harfang. Loại máy bay này được Israel thiết kế hồi những năm 1990, được Pháp đưa vào sử dụng vào năm 2008. Pháp có tổng cộng 4 chiếc loại này.

Trên chiến trường Mali hiện tại, Harfang có vai trò quan trọng. Loại máy bay không người láy này có thể theo dõi hoạt động của quân nổi dậy, nhất là trong điều kiện mưa gió các vệ tinh không thể cung cấp thông tin hiệu quả.
Thế nhưng Harfang của Pháp đã cũ kỹ, tính năng hoạt động giảm đi nhiều. Đến mức mà một cựu tham mưu trưởng quân đội Pháp phải thốt lên rằng, hệ thống thông tin của những chiếc máy bay không người lái này có công suất “chỉ tương đương với một chiếc I-phone”.


Một khó khăn đáng chú ý khác của quân đội Pháp mà tờ báo nêu ra đó là việc cần kiếp triển khai quân trên bộ với số lượng lớn tại Mali. Thế nhưng, cần thì cần vậy thôi, chứ các nước chưa có ai tình nguyện hỗ trợ Pháp trong việc này. Thêm vào đó, kinh tế Pháp đang lắm khó khăn, ngân sách thu hẹp, chính quyền và người dân trong nước phải chi tiêu dè xẻn. Chi tiêu quốc phòng Pháp chỉ chiếm có 1,8% GDP của nước này. Vậy mà, theo một dân biểu Pháp, con số thực tế có lẽ chỉ là 1,5%.

Nói tóm lại, như các báo cáo đã được trình tại quốc hội Pháp, thực trạng quân đội Pháp hiện đáng lo ngại, thiếu khả năng và phương tiện cũ kĩ, các chương trình bị trì hoãn, đầu tư sụt giảm… Và như vị cựu tham mưu trưởng Pháp nói trên nhận định: Sự thiếu hụt trầm trọng này thật không tương xứng với tham vọng cường quốc thế giới của Pháp.

Quân khủng bố phải chăng là ô hợp
Bàn về quân đội phe nổi dậy tại Mali, Le Nouvel Observateur có bài chạy tựa: “Bài học Diabali”, cho biết quân khủng bố không thật sự là ô hợp. Tờ báo trở lại khu vực thành phố Diabali từng bị quân Hồi Giáo cực đoan Miền bắc tràn xuống chiếm đóng, và sau đó được quân Pháp giải phóng. Tờ báo cho biết, nếu bàn về chiến thuật, thì quân Hồi Giáo cực đoan Mali tác chiến rất có bài bản. Việc điều binh trên bộ, sử dụng xe tăng, tấn công vào các ngôi làng… tất cả điều được diễn ra khéo léo và hiệu quả. Thậm chí, quân đội này còn biết sử dụng nội gián khi tấn công.


Nói về vũ khí, tờ báo cho hay, quân khủng bố Mali sở hữu nhiều loại vũ khí, ngoài xe tăng bọc thép, còn có nhiều loại vũ khí hạng nặng, các loại tên lửa hiện đại. Một thông tin khác cũng đáng chú ý mà Le Nouvel Observateur đưa ra, đó là: Libya là nơi quân khủng bố Mali tậu khí tài và chuẩn bị các cuộc tấn công. Cuộc tấn công bắt con tin vào khu tổ hợp khí đốt In Amenas vừa rồi tại Algeri được chuẩn bị từ lãnh thổ Libya.

Theo tờ báo, nguyên nhân một phần là do sau khi ông Kadhafi bị lật đổ, các kho vũ khí của chế độ ông rơi vào tay quân quân nổi dậy Libya, và tình trạng thiếu kiểm soát khiến vũ khí bị thất thoát, tức bị bán lại một cách vô tội vạ cho bọn khủng bố đã diễn ra.

 

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link