Wednesday, January 30, 2013

Cam Bốt, cơ nghiệp của Trung Quốc đang mở rộng


 

Thứ ba 29 Tháng Giêng 2013

Cam Bốt, cơ nghiệp của Trung Quốc đang mở rộng


Một nhà máy may tại Phnom Penh.

Một nhà máy may tại Phnom Penh.

Gettyimages

Anh Vũ


Trên đây là tựa đề của bài phóng sự của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay để nói về sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc đang được đẩy nhanh tốc độ ở Cam Bốt. Ở cái xứ sở nhỏ bé trong khu vực Đông Nam Á này, các công trình cầu cống, đập thủy điện, hải cảng, nhà xưởng đang mọc lên ngày càng nhiều, nhờ hàng tỷ đô la đầu tư do người Trung Quốc. Liệu đây có thể gọi đó là của Trời cho đất nước này, hay lại là một điềm xấu cho sự phát triển ?

Tại Cam Bốt, đặc phái viên của tờ báo ghi nhận thấy sự hiện diện của người Trung Quốc rõ nét nhất là trong ngành dệt may. Trong đất nước 14 triệu dân này, ngành dệt may đang bảo đảm công ăn việc làm cho 300 nghìn người lao động chỉ tập trung xung quanh thủ đô Phnom Penh. Đây là lĩnh vực góp phần lớn vào tỷ trọng tăng trưởng 7% của Cam Bốt từ nhiều năm nay. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã nhận ra sự hấp dẫn của giá nhân công rẻ và điều kiện pháp lý dễ dàng để đổ tiền vào Cam Bốt và nhanh chóng chiếm lĩnh địa bàn. Theo ông Chea Mony, lãnh đạo một trong số hiếm hoi các công đoàn độc lập ở Cam Bốt, « người Trung Quốc quản lý hơn 80% các nhà máy dệt may » ở đây. Các công nhân làm việc cho chủ Trung Quốc được trả lương tốt, nhưng thường hay bị ngược đãi.

Theo tác giả bài báo, ngành dệt may chỉ là một phần dễ nhận thấy nhất trong vô số các lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc. Ở Cam Bốt ngành công nghiệp chế biến gỗ, mỏ, nông nghiệp, xây dựng, năng lượng, đâu đâu cũng thấy người Trung Quốc có mặt. Sáu con đập thủy điện đang xây dựng ở đất nước này đều đang do các công ty Trung Quốc nắm. Còn các khu mỏ ở phía bắc, hầu hết cũng đều do các tập đoàn đến từ Trung Quốc khai thác. Thậm chí người ta còn thấy cả quân đội Trung Quốc canh giữ lối vào một khu khai thác mỏ. Trong khoảng thời gin từ 1994 đến 2012, các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư vào Cam Bốt khoảng 9,1 tỷ đô la. Các quan chức ở Phnom Penh thừa nhận đầu tư Trung Quốc là chủ chốt trong mọi lĩnh vực kinh tế của xứ Chùa tháp.

Lúc này nhịp độ đầu tư của người Trung Quốc đang tiếp tục được tăng tốc mạnh trong những điều kiện thuận lợi được nước sở tại dành cho. Đầu năm nay, không thông qua đấu thầu, hai tập đoàn Trung Quốc đã ký một thỏa thuận liên doanh với trị giá 9,6 tỷ đô la Mỹ. Nguồn vốn khổng lồ này được dùng để xây dựng một nhà máy luyện thép, dự tính có sản lượng một triệu tấn năm, một tuyến đường sắt dài 400 km và một cảng mới để xuất khẩu thép.

Theo Les Echos, tiền của Trung Quốc đổ vào trước mắt đã mang lại một nguồn lợi cho chính phủ trong khi mà nước này luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Thu nhập 2 tỷ đô la một năm, nhưng ngân sách chi tiêu của Cam Bốt luôn ngấp nghé con số 3 tỷ.

Ông Sok Chenda Sophea, tổng thư ký Hội đồng phát triển của Cam Bốt tóm tắt tình hình như sau : « Trung Quốc là nhà tài trợ vốn hàng đầu của chúng tôi. Trong một thời gian dài, Nhật Bản nắm vai trò này với khoản tiền cho vay hàng năm từ 120 đến 130 triệu Mỹ kim. Từ ba bốn năm trở lại đây Bắc Kinh đã vượt xa Tokyo với nguồn vốn cho vay lên từ 300 đến 350 triệu đô la. Vị quan chức này cũng thừa nhận « ở đây có những lý do chính trị ».

Kinh tế và chính trị đan xen ?

Les Echos ghi nhận đúng là cứ mải miết mở cửa đón nhận tiền của Trung Quốc, Cam Bốt bị nhiều nước láng giềng Đông Nam Á chỉ trích là đã bán linh hồn cho Bắc Kinh. Hội nghị thượng đỉnh các nước Asean vừa diễn ra tại Phnom Penh hồi mùa thu năm ngoái là một minh chứng. Ngay trước khi khai mạc hội nghị, thủ tướng Ôn Gia Bản đã rút hầu bao chi cho Cam Bốt. Kết quả là : Những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và một số nước thành viên Asean đã không được nước chủ nhà đưa vào chương trình nghị sự. Điều này đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xử lý riêng lẻ hồ sơ gai góc này với từng nước liên quan. Trong khi đó mục đích của Việt Nam hay Philippines, thì ngược lại, là phải siết chặt đoàn kết để có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn với người láng giềng lớn Trung Quốc đang ngày càng gây nhiều phiền toái.

Tham nhũng ?

Ngoài khía cạnh chính trị trong việc đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào Cam Bốt, Les Echos đặt câu hỏi liệu có tham nhũng ? Theo tờ báo thì giả thuyết này đáng được đặt ra. Lấy thí dụ như một con đập thủy điện đã được giao cho người Trung Quốc làm mà không để cho một công ty của phương Tây có uy tín trong khu vực dù công ty này đã đề nghị trọn gói, bao gồm đào tạo nhân lực người Cam Bốt, các biện pháp bảo vệ môi trường và giải pháp tài chính. Theo tờ báo, việc lựa chọn đó của chính quyền chỉ có thể lý giải rằng đã có hối lộ. Một nhà quan sát nưới ngoài nhận xét về Cam Bốt, « tôi đã thấy tham nhũng ở nhiều nước, nhưng không đâu nhiều như ở đây ». Một nhà công nghiệp châu Âu, sau khi so sánh để chọn đầu tư giữa Cam Bốt và Lào đã chọn Lào dù địa điểm bất lợi hơn, lý do chỉ vì các đối tác Cam Bốt của ông đã gợi ý thô thiển đòi có các khoản tiền lót tay.

Nếu các nhà đầu tư Trung Quốc được chính quyền và các đối tác Cam Bốt ưu ái thì một nhà kinh tế lại nghĩ khác, cho rằng người Trung Quốc không giúp Cam Bốt phát triển. Đất nước nhỏ bé này không sử dụng đòn bẩy đã từng giúp nhiều nước châu Á khác cất cánh, đó là đầu tư vào giáo dục.

Les Echos kết luận, với đồng tiền dễ dàng đổ đến ùn ùn, Phnom Penh vẫn không kích thích được bao nhiêu tiến độ phát triển đất nước. Với Trung Quốc, công việc làm ăn có thể vẫn tiếp tục ».

Trung Quốc phô trương sức mạnh quân đội

Nhật báo Le Figaro trở lại việc Bắc Kinh vừa trang bị cho quân đội Trung Quốc loại máy bay mới Y-20, có khả năng vận tải và chuyển quân tác chiến ở xa qua bài viết « không quân Trung Quốc tăng cường sức mạnh ».

Tờ báo nhận định, sau máy bay tàng hình, tiêm kích đời mới và máy bay không người lái, Bắc Kinh tiếp tục khẳng định thêm tham vọng trên bầu trời bằng việc tuyên truyền ầm ĩ việc khai trương chiếc máy bay vận tải quân sự đời mới Y -20 có tầm họat động 4400 km. Hình ảnh của chiếc Y-20 được loan tải rộng khắp trong ngày khai trương. Báo chí Trung Quốc thì hoan hỉ khẳng định rằng đây là « giai đoạn quyết định » trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Tờ báo Global Times bình luận, với loại máy bay mới này « khả năng điều quân tác chiến ở bên ngoài của quân đội Trung Quốc đã được tăng cao ». Theo một chuyên gia thì chương trình này đã được bắt đầu từ những năm 1990, giờ đây người ta thấy Trung quốc đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vục vận tải quân sự chiến lược và đây là một ưu tiên trong kế hoạch phát triển công nghệ hiện đại hóa quân đội.

Trước mắt, các chuyên gia quân sự nhận định, Trung Quốc muốn trang bị cho quân đội ít nhất một trăm chiếc máy bay loại này để có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ. Điều này đã được báo chí Trung Quốc bộc lộ khi lưu ý rằng loại máy bay vận tải Y-20 có thể bay một mạch tới đảo Guam của Mỹ hay Ai Cập hoặc thậm chí tới Angola nếu được tiếp liệu trên không.

Le Figaro còn cho biết thêm sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc khi hôm 27/1 vừa qua, bộ Quốc phòng nước này khẳng định đã thử thành công loại tên lửa đánh chặn tên lửa. Tờ báo nhận định, không còn nghi ngờ gì nữa giữa lúc trong khu vực đang có nhiều căng thẳng, các nước láng giềng của Trung Quốc có thể nhận ra một thông điệp từ sự phô trương sức mạnh này của Bắc Kinh.

Aung San Suu Kyi, sứ mệnh trung gian giữa người dân và chính quyền

Báo Công giáo La Croix nhìn về Miến Điện với bài viết « ở Monywa người ta đang hy vọng nhiều vào Aung San Suu Kyi». Bài báo đề cập đến việc người dân phản đối khai thác mỏ đồng hợp tác với Trung Quốc ở Monywa bị chính uyền đàm áp mạnh tay hồi cuối tháng 11 năm ngoái.

Hai ngày sau vụ đàn áp bằng vũ lực người biểu tình, nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi đứng ra chủ trì một ủy ban để kết luận về tương lai khu mỏ đồng gây nhiều tranh cãi ở miền Tây bắc Miến Điện. Trước hết tháng này, bà phải nộp báo cáo lên Quốc hội, trong khi đó bà nghị sĩ, từng là nhà ly khai với chế độ, đang bắt đầu phải chịu những chỉ trích vì xu hướng ngày càng xích gần với chính quyền.

Theo La Croix, người dân ở Monywa vẫn rất hy vọng nhiều ở bà, tuy nhà đối lập này không ít lần tỏ dấu hiệu cho thấy chưa chắc đã thỏa mãn được những đòi hỏi của dân chúng, đòi đóng cửa mỏ đồng gây ô nhiễm môi trường sống. Đây là dự án liên doanh giữa nhà đầu tư Trung Quốc với một công ty của quân đội Miến Điện, có số vốn lên tới khoảng một tỷ đô la Mỹ. Quyết định số phận của khu mỏ này là một việc làm nan giải trên khía cạnh kinh tế, đồng thời cũng rất tế nhị trong quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.

Ở Monywa, nhiều người cũng hiểu là việc Aung San Suu Kyi gần gũi hơn với chính quyền sẽ cản trở bà đưa ra những kết luận thỏa mãn hoàn toàn yêu sách của dân chúng. Họ cho biết nếu kết quả của Ủy ban không thuận thì người dân sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng thâm chí nếu phải bỏ mạng.

Với chế độ thì việc bà Aung San Suu Kyi can dự vào vụ này là có lợi vì chỉ có bà mới có thể khiến người dân trong khu vực mỏ đồng khước từ yêu sách. Về phần mình, giải Nobel Hòa bình vẫn thường nói bà không sợ chính quyền biến mình thành công cụ, chừng nào việc làm của bà là phục vụ lợi ích dân tộc. Một thử thách mới đang chờ đợi bà Aung San Suu Kyi trong vụ mỏ đồng Monywa.

Iran đưa thành công khỉ vào vũ trụ

Phần cuối của mục điểm báo là thông tin được le Figaro đăng tải « Iran thông báo đã đưa được một con khỉ vào vũ trụ », đây là thành công đầu tiên trong lịch sử ngành nghiên cứu không gian của Iran trong lĩnh vực này. .

Teheran khẳng định đã đưa thành công một con khỉ vào không gian và sẽ đưa con vật này trở lại trái đất an toàn. Thành công này của ngành vũ trụ Iran mang tính biểu tượng cao vì nước này có chương trình từ nay đến năm 2020 sẽ đưa được người vào không gian. Không chỉ có Iran mà các cường quốc trong lĩnh vực vũ trụ như Liên Xô trước đây hay Hoa Kỳ đều mở đầu cuộc « khẩn hoang » chinh phục không gian bằng biệc đưa một con vật vào vũ trụ. Vụ phóng tàu vũ trụ được tiến hành tuần trước và chỉ sau khi đưua được chú khỉ lên quỹ đạo không gian một cách an tòan thì báo chí Iran mới loan báo. Thí nghiệm này chưa thể chứng minh được nước này đã làm chủ các công nghệ cần tiền cho chương trình đưa người vào vũ trụ đầy tham vọng. Teheran mới đạt được độ cao 120 km cách Trái đất. Theo le Figaro, điều này chứng tỏ các trừng phạt của Liên hiệp quốc nhằm vào chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo của Iran là không có hiệu quả.

Trang nhất các báo Pháp

Chủ đề được các báo Pháp ra hôm nay chú ý nhiều đó là diễn biến chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali. Ngày hôm qua, quân đội Pháp cùng với quân đội Mali tiếp tục tiến về phía bắc giải phóng thành phố Tombouctou. Nhiều tờ báo ghi nhận đây là chiến thắng nhưng Le Figaro cảnh báo đội quân hồi giáo cực đoan vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Một đề tài chiếm trang nhất các báo Pháp là kinh tế. Vẫn nhật báo Le Figaro, tờ báo chạy tựa lớn bằng câu hỏi : Phải chăng nước Pháp đang phá sản ? Câu hỏi đưa ra từ ý phát biểu của bộ trưởng Bộ Lao động Michel Sapin về tình hình kinh tế Pháp hiện nay khi ông nói Pháp sắp phá sản. Đánh giá của ông bộ trưởng đã dấy lên nhiều phản ứng lo ngại trong dư luận. Theo Le Figaro, thì về mặt kỹ thuật thì Pháp chưa đến mức mất khả năng chi trả hay vỡ nợ nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy là kinh tế Pháp đang chuẩn bị rơi vào điểm báo động.

Một chủ đề khác gây không ít tranh cãi và chia rẽ trong xã hội Pháp trong những ngày qua đó là vấn đề hôn nhân đồng tính cũng được các báo dành quan tâm đặc biệt, nhân việc ngày hôm nay (29/1) Quốc hội bắt đầu thảo luận dự luật « Hôn nhân cho mọi người ». Báo Công giáo La Croix, tất nhiên với quan điểm phản đối dự luật, đã đưa ra cảnh báo sự phân hóa đối kháng trong xã hội và phe đối lập sẽ đấu tranh quyết liệt để đưa ra trưng cầu dân ý vấn đề này.

Trong khi đó, Libération đưa lên trang nhất cuộc tranh luận cấm sử dụng thuốc tránh thai, một thời từng được đánh giá như là công cụ tuyệt vời góp phần giải phóng phụ nữ. Lý do là, những tác dụng phụ nguy hiểm lên sức khỏe của một số loại thuốc này, mới được phát hiện trong thời gian qua, gây lo ngại cho người sử dụng.

 

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link