Monday, January 28, 2013

"TAM BÀNH LỤC TẶC" là gì?


From: TheHung
Subject:  Tam Bành Lục Tặc là gì ?

 

 


 

"TAM BÀNH LỤC TẶC" là gì?
UYÊN HẠNH

 
Tam bành là ba vị hung thần Bành Kiêu, Bành Chất và Bành Sự chia nhau ở trong óc, trán và bụng để giục người nóng tánh làm bậy.
 
Nổi tam bành theo Tự Điển Việt Việt của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ là cơn hung dữ phần nhiều thường dùng cho người đàn bà.
 
 Theo nghiên cứu và dẫn giải chúng ta có được suy luận rằng Tam Bành đúng thật là ”con cưng” của Tam Độc. Tam Độc là ”ba độc chất” tiên khởi có tác dụng ngấm ngầm và Tam Bành có tác động nổ tung. Lục Tặc là sáu tên cướp. Gọi là cướp vì có những hành động phá phách gây nguy hại.
 
Lục Tặc có thể cướp đi tính chất ôn nhu của một người đàn bà khiến họ trở thành hung dữ cực độ. Người phụ nữ dịu dàng một thuở biến mất.
 
Khi Lục Tặc hiện nguyên hình, cái nhẹ nhàng trong bước chân đi, cái thơ mộng trong ánh mắt và cái nồng ấm trong nụ cười của người phụ nữ sẽ ”biến dạng” bằng đôi mắt trợn trừng long lên, lời nói chua cay ác nghiệt và hành động dữ tợn không tự chủ.
 
 Lục Tặc phá và cướp đi của con người trạng thái vui vẻ trầm tỉnh khả ái, để biến thành một người thành hung dữ. Khi Tam Bành nổi lên thì Lục Tặc đương nhiên đã xuất hiện. Hoặc có thể nói rằng, do LỤC TẶC châm ngòi mà TAM BÀNH có cơ hội nổ lớn.
 
Theo giảng giải của Nhà Phật thì những họat động thường nhật của chúng ta bị chi phối bởi Tam Độc và Lục Tặc. Tam Độc là ba thứ độc hại là ba món phiền não lớn: Tham, Sân, Si. Tham là tham lam, Sân là sân hận và Si là ngu si. Ba thứ độc hại nầy là ”cha đẻ” của Tam Bành và Lục Tặc.
 
Vì muốn tốt cho mình, đẹp cho mình, và lợi cho mình mà nổi lòng THAM. Với lòng tham có người bất chấp lợi hại để đạt được mục tiêu của họ.
 
 
Không đạt được những mục tiêu đó họ trở nên thù hận và giận dữ là SÂN, cũng gọi là sân hận. Thường thì vì cố chấp (Sân) ta không thấy được cái sai của mình, hoặc nếu có thấy vẫn cố gắng ngụy biện để cho rằng lỗi ở người chứ không phải lỗi ở ta. Không được thỏa mãn những đòi hỏi mình đặt ra, không đạt được điều mình mong muốn, ta nỗi giận và dữ.
 
 
Nếu mục tiêu phải đạt đặt căn bản trên lòng tham, trên sân hận sẽ gây hại hoặc tổn thương cho bản thân mình, cho người thân của mình cũng như cho người khác nên gọi là SI. Si là ngu si, có nghĩa là không thấy được những điều đáng thấy để làm những điều đáng làm.
 
 Chính vì thế, thay vì đem lại lợi ích cho mình và cho người, gần nhất là người thân của mình, người sân si dễ tạo những tác động ngược lại. Gọi ngu si là ở điểm nầy.
 
”Tham, Sân, Si” phá hủy các thiện căn, phá hại đời sống của chúng sanh nên Nhà Phật gọi là Tam Độc. Lục tặc là sáu sự khuấy phá tạo tác động sai trái qua sáu cơ năng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
 
 Từ những cảm quan đưa đến những tư tưởng hành động sai lầm do chi phối của Tam Độc mà gây nguy hại cho chính bản thân của chúng ta, Lục Tặc được ”sinh ra và trưởng thành” từ các phối kết, nghĩa là theo tuần tự của các diễn tiến như sau: Lục Căn – Lục Trần – Lục Thức.
 
LỤC CĂN là sáu cơ quan: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tư tưởng. Sáu cơ quan nầy tiếp nhận những xúc tác từ bên ngòai vào để tạo tác động. Sáu sự kiện gây xúc tác vào sáu cơ quan gọi là sáu cảnh hay sáu trần (Lục Trần).
 
LỤC TRẦN gồm có: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Lục Trần tác động vào 6 cơ quan, là Lục Căn, tạo nên sáu sự hay biết gọi là Lục Thức.    
 
LỤC THỨC là sáu tri thức, tức là sáu sự nhận thức gồm có: Nhãn thức – tri thức của mắt, Nhĩ thức – tri thức của tai, Tỹ thức – tri thức của mũi, Thiệt thức – tri thức của lưỡi, Thân thức – tri thức của thân và Ý thức – tri thức của tư tưởng. Khi Lục Thức được ”đắp bồi vun xới” bởi ”Cái Tôi” vị kỷ ngã mạn (tham lam, mê đắm cố chấp và ngu si) sẽ sinh ra ra LỤC TẶC.


Chúng ta phải hiểu rằng, ”nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ mó, nhận diện” sự kiện và sự vật bằng ”Cái Tôi” vĩ đại, nghĩa là bằng quan niệm Cá nhân Chũ nghĩa: ”Hợp với ta thì sống chống ta thì chết” là chúng ta đã cho sinh ra và nuôi lớn LỤC TẶC, đến khi gặp một trong những chất xúc tác mạnh của Tam Độc, Tam Bành sẽ bật ra và nổ bùng!
 
Ví dụ khi mắt (nhãn căn) của người nam nhìn thấy hình dáng yêu kiều (sắc trần) của người nữ tác động vào cái thấy của anh (nhãn thức) và tạo lòng yêu mến (thức + sở thích: có sự phân biệt, thích hay không thích).
 
 Nếu chỉ nhìn thấy và cảm mến như một sự thưởng thức là chuyện bình thường. Nhưng nếu thấy mà nỗi lòng tham muốn chiếm hữu bất kể luân lý đạo đức là đã có sự hiện diện của Tam Độc: tham, sân, si, sẽ có sự xuất hiện của Lục Tặc.
 
Ở trường hợp nầy tên tặc tử là nhãn tặc. Nhưng bình thường Lục Tặc không thể tách rời nhau. Sáu tên cướp nầy phải dính chùm với nhau.
 
 Như thí dụ đề cập đến ở đây, khi anh nầy thấy cô nọ đẹp anh sẽ thích thú làm quen, thì nhìn hình dáng (sắc) mà ham muốn, nghe tiếng nói (thanh) mà ham muốn, ngửi mùi thơm (hương) từ người cô ta mà ham muốn, và tưởng tượng ra (vị) vị ngọt của ”mùi tình” mà ham muốn, thì tư tưởng như thế sẽ đưa đến cái ham muốn ôm ấp (xúc) và lòng chiếm đọat (ý): Lục Tặc xuất hiện! Trong trường hợp nầy anh ta dùng tiền bạc cung phụng người đẹp, bỏ bê vợ con thì bà vợ sẽ nổi giận nổi dữ: Tam Bành ”xuất quân” vì đã được Lục Tặc… khiêu chiến!
 
Nói tóm lại, qua sáu cơ quan của cơ thể ta tiếp xúc với sáu sự kiện tác động từ bên ngòai vào sẽ sinh tác dụng phân biệt vào tất cả cái thấy, hiểu, ngửi, nếm, nghe và biết (kiến, văn, khứu, vị, giác, tri).
 
Sáu sự hay biết ấy gọi là Lục Thức và khi Tam Độc chi phối Lục Thức sẽ sinh ra Lục Tặc và Tam Bành. Ta có được mệnh đề sau đây: Tam Độc + Lục Thức = Lục Tặc & Tam Bành.
 
Từ một cơ quan đơn giản như lỗ tai của chúng ta (nhĩ căn), ta có khả năng nghe tiếng nói âm thanh từ bên ngòai đi vào (nhĩ trần/âm thanh), và thâu nhận (nhĩ thức), rồi đặt cái Tôi vào đó để có phản ứng: khi nghe lời ca tụng làm ta thích thú, ta sẽ vui mừng.
 
Trái lại nghe lời chê bai khiêu khích ta sẽ đùng đùng nổi giận và lời khiêu khích đôi khi có chất xúc tác quá ”đậm đà”, vì Lục Tặc quấy nhiễu châm ngòi thì Bành Kiêu, Bành Chất và Bành Sự được ”cấp tóc trương triệu tập”: cơn giận nổ bùng!
 
Một ví dụ nhỏ: Một nhóm bạn tham dự trong một bữa tiệc, bỗng một người bạn/quen đi ngang qua ”thả” một câu nói: ”Khiếp thế! Chung Vô Diệm mà tưởng mình là Tây Thi. Vừa mới đi căng da mặt về tưởng đẹp lắm trẻ lắm nên ỏng ẹo thấy ghê!”. – ”Silicon đó bà con ơi, không phải hàng thiệt đâu mà ham!” v.v…
 
Trong nhóm người đang nói chuyện với nhau kể trên, đều cùng nghe câu nói đó, nhưng chỉ có một người phản ứng: Chị A! Vì biết rằng câu nói ”ác độc chua ngoa khiêu khích” đó ám chỉ mình, nên Chị A phản ứng lập tức. Nếu là người hung hăng sẽ có ”chiến tranh ngôn ngữ” là lời qua tiếng lại.
 
Gặp người bản tính hung dữ, nếu đang ở ngoài chợ có thể họ sẽ vày đầu nhau mà đấm mà thoi. Là người bản tính trầm tỉnh, ”nạn nhân” sẽ nhẫn nhục bỏ qua câu nói hôm đó (nhưng vẫn ghi ”sổ đen” trong lòng!). Đó là kết qủa sự xuất hiện của Bành và Tặc sau khi Trần tác động vào Căn cho ra Thức bị động, nghĩa là đã bị chi phối bởi Tam Độc.
 
Tại sao năm người kia nghe cùng câu nói mà không có phản ứng, chỉ Chị A mới có phản ứng? Đó là vì cái Thức có Cái Tôi vị kỹ. Nghe câu nói và hiểu rằng câu nói nhắm thẳng vào mình, tức là đã chạm vào ”Cái Tôi”, thì ”Tôi” sẽ phản ứng, và với tự ái bình thường của con người muốn được khen không ai muốn bị chê, vì bảo vệ Mình, nên Chị A giận dữ.
 
Nhìn vào tình hình thế giới, chúng ta khiếp hãi những tên khủng bố làm hại lòai người, nhưng đôi khi chúng ta không thấy được những tên khủng bố đang có trong ta, vẫn để cho nó tung hòanh và tự do tác yêu tác quái: Nó là Tam Bành và nó chính là Lục Tặc, là ”Osama bin Laden” của thế giới hôm nay! Nó không ở đâu xa xôi tận Trung Đông, mà chính tụi nó đang ở trong tim trong não trong tư tưởng lời nói và hành động của chúng ta (Thân, Khẩu, Ý).
 
Người bị chúng ta cho Tam Bành nổ lớn khi Lục Tặc chiếm hữu, là nạn nhân, họ cũng có cái cảm giác hãi sợ khi nhìn vào chúng ta cũng như khi ta nhìn vào tụi khủng bố. Đặt vào vị thế của những ”nạn nhân” nầy mà nhìn trở lại vào chính ta, ta sẽ thấy ta lúc đó không phải là hình ảnh đẹp.
 
 Ta không nên nuôi lớn Tam Bành và Lục Tặc, ta không nên nuôi dưỡng Tam Độc và Lục Tặc quá kỹ lưỡng chu đáo bằng cái tâm hẹp hòi và lòng thù hận sâu đậm, không biết buông thả chỉ bằng cố chấp, ta sẽ cho Lục Tặc lớn nhanh và Tam Bành có cơ hội xuất hiện đều đều, kết quả sẽ là: chỉ có sự cô đơn cô độc ”sống chung” với ta thôi, không còn ai muốn sống chung với ta nữa cả. Bạn bè người thân không kham nỗi một người với tính khí dữ dội, họ sẽ tìm cách xa lánh. Nhiều người vì sự uất giận hoặc quá cô độc mà mang bệnh vào người.
 
Theo ngày tháng dần dần với sự buồn bả cô đơn ta dễ dàng mang vào người chứng bệnh oan nghiệt nhất: Bệnh Trầm Cảm! Theo nghiên cứu hiện thời sự căng thẳng tinh thần là cũng một trong những nguyên nhân tạo chứng bệnh ung thư.
 

Bệnh trầm cảm biến cuộc sống thành thế giới của những ảo giác lọan động. Sống trong một thế giới mơ hồ không thực, cuộc đời của ta sẽ tẻ nhạt và thê thảm, đời sẽ tuột dốc dữ dội. Đến một giai đọan nào đó có muốn trở lại đọan đường mình đã đi qua (sau khi ”qua sông đốt cầu” bằng Lửa Tham Lửa Sân và Lửa Si), có muốn trở về lại ”lối cũ năm xưa nơi có sự ấm áp và hình ảnh đẹp” cũng khó có đủ khả năng và sức lực để gầy dựng lại.
 
Tình cảm giữa con người với con người, điển hình là tình cảm vợ chồng, một thời thương yêu nhau thắm thiết, một khi ta vụng về đánh mất, sẽ như một cây kiểng không săn sóc nuôi dưỡng, cây sẽ héo dần và chết đi. Bạn không thể bón phân, tưới nước cho nhiều vào và ngồi đợi cây sống lại! Tình cảm giữa hai con người không thể chỉ nuôi dưỡng một chiều, mà phải có sự hòa ái dịu dàng biết tôn trọng và lòng qúy mến trao cho nhau.

 
Những suy diễn giải bày về Tam Độc hay Tam Bành Lục Tặc chỉ với mục đích cho ta thấy ngọn nguồn gốc rễ của những khúc mắc, những dây mơ rễ mái của phức tạp trong đời sống giữa mình và người về lâu về dài, để phòng để tránh. Ngay từ khi chớm thấy có sự phức tạp của một vấn đề giữa ta và người, hãy tỉnh tâm suy xét để thấy lỗi mình trước khi thấy lỗi người.
 
Đừng bao giờ nhìn một chiều, và đặt cá nhân mình lên trên hết, ta sẽ chỉ thấy lỗi người khác mà không thấy lỗi mình. Một vấn đề tự nó không thể xuất hiện nếu giữa hai người không có những bất đồng ý kiến hay những xích mích nào đó. Có nghĩa là tối thiểu phải có hai người mới tạo được một vấn đề. Hay nói rõ hơn, nhiều hay ít, vô tình hay cố ý bạn đã dự phần trong sự kiện tạo ra vấn đề giữa bạn và người khác. Vấn đề không tự chính nó sinh ra được nếu không có sự liên hệ giữa hai hay nhiều người.
 
Cách giải quyết vấn đề hay nhất là mình thấy được lỗi mình, và đừng cố gắng dùng thời giờ để tìm lỗi của người khác. Bởi vì khi thấy được lỗi của mình,chúng ta sẽ tu sửa thay đổi bản thân mình.
 
 Nếu chỉ thấy lỗi người, bạn sẽ đặt điều kiện là người kia phải thấy được lỗi của họ, và phải tự họ sửa đổi lỗi lầm. Đây là một ”tham vọng” quá lớn, bởi vì chính bạn không thể đòi hỏi người khác nghe theo lời mình được, nhất là nghe lời bạn để sửa đổi chính họ, là điều khó ai thực hiện được.
 
Không thể thay đổi người khác ngọai trừ thay đổi chính mình. Khi ta tự thay đổi chính mình, là khi ta ”cho” người thời gian suy nghĩ và cơ hội lắng lòng để dần dần thấy được sai lầm của họ. Thấy được lỗi của mình, họ sẽ tự động sửa đổi. Nếu ta chỉ trích phê phán, ta sẽ gây sự giận dữ ở họ, vì ta không cho ”đối tượng” thời gian suy nghĩ, và chính ta đặt họ vào thế liên thủ, chống đỡ sự công kích tới tấp của ta. Họ phải liên tục bảo vệ chính mình, đầu óc họ chỉ nghe và thấy sự hung dữ của ta mà không có thời giờ thấy được hành động sai lầm nếu có của họ.
 
Sau nhiều năm sống với nhau, bình thường người chồng không còn những cử chỉ tình tứ với người vợ, đối lại nhiều người vợ hết dịu dàng và trở thành… ”máy nói”, chỉ trích trách móc chồng.
 
Thử hỏi, người chồng nếu phải luôn nghe những lời trách móc của vợ, có còn thấy người vợ hiền dịu khả ái như ”ngày nào ta yêu nhau” không? Chồng hay vợ đều là người bằng xương bằng thịt, họ cần được thương yêu âu yếm được nghe nói lời ngọt ngào êm ái.
 
Ngược lại nếu người chồng mãi nghe lời trách móc cằn nhằn, anh sẽ không còn tìm thấy ở người vợ mình những cái đẹp mà anh đã một thời thương mến.
 
Khỏang cách giữa hai người sẽ dần dần theo ngày tháng lớn rộng ra, cho đến một ngày đẹp trời.. người chồng tìm an ủi ở một người đàn bà khác! Và người vợ ghen tương nỗi Tam Bành Lục Tặc lên để.. giữ ông chồng của mình lại!
 
Có giữ được không, nếu người vợ không nuôi dưỡng sự dịu dàng của mình mà chồng mình cần đến. Có giữ được không, nếu người vợ không có thái độ thương mến nể phục chồng mình, thay vào đó chỉ biết ”dội” vào người của chồng mình những lời hỗn láo chua chát hoặc cằn nhằn than vãn! Hãy đứng vào vị trí của người chồng để thấy ta có thực sự ”đáng yêu” hay không.
 
Ngược lại một người chồng không biết thương yêu vợ đúng nghĩa, coi vợ là ”của mình” rồi còn ”lọt đi đâu” được nữa mà lo, nên bỏ bê không săn sóc không đối xử với vợ như những ngày mới sống bên nhau.
 
Người vợ sẽ chỉ thấy đời mình gói trọn trong 2 chữ: ”việc nhà và bổn phận”. Việc nhà là công việc ”không tên” mà lại bận bịu ”ngập đầu”.
 
Người vợ có còn thấy đời đáng yêu đáng vui như thời gian hai người vừa lấy nhau hay không.
 
Nếu việc làm vất vã quá, lại không được sự chia sẻ săn sóc đúng mực của người chồng, người vợ chắc chắn sẽ đổi tánh, sẽ càu nhàu than phiền suốt ngày đêm, vì thấy đời ”bất công” quá đỗi! Cho đến một ngày… đẹp trời, một ”người hào hoa” xuất hiện vì biết nói lời ngọt ngào và cho người vợ thấy được giá trị người đàn bà của họ, họ sẽ dễ dàng thay lòng!
 
Chúng ta phải biết ”giữ mình”, nghĩa là điều phục Thân, Khẩu, Ý để Tam Độc không thể chi phối ta, để Tam Bành Lục Tặc không xuất hiện được.
 
Khi sự việc đã phát triển lâu dài và đến giai đọan căng thẳng quá sẽ không thể một sớm một chiều thay đổi cục diện của một tình trạng tệ hại cùng cực.
 
Ta phải biết và ghi nhớ sự điều phục trong hành xử hằng ngày khi tình trạng đang còn tốt đẹp. Khi lập gia đình hay từ khi bước vào xã hội ta nên có được trong tư tưởng và ngay trong tay chiếc roi điều phục thân tâm (dẫn dắt và khắc phục) để ba anh chàng Tam Độc không có cơ hội lộng hành! Khi Tham Sân Si không tác động được vào Lục Thức để sinh ra Lục Tặc thì cũng không sinh ra được Tam Bành.
 

TAM BÀNH là sự giận dữ cực độ quy vào ba trọng điểm: tư tưởng (đầu óc/ý), lời nói (miệng/khẩu) và hành động(thân). Khi cơn nóng giận không còn kiểm sóat được nữa, con người sẽ có hành động nóng nảy dữ tợn, lời nói đanh đá hung dữ, và tư tưởng giận dữ kích động. Khi THÂN, KHẨU, Ý ở trạng thái bị động nghĩa là trong trạng thái CỰC GIẬN, lửa giận bốc lên ngùn ngụt, là trạng thái có thể nổ bùng.

Vậy muốn chận đứng TAM BÀNH phải biết điều phục tánh khí và tư tưởng (điều phục sáu cơ quan) của chúng ta để LỤC TẶC không được nuôi dưỡng và lớn mạnh trong ta. Cách điều phục hữu hiệu nhất là gạn lọc tư tưởng, dùng lời nói ôn hòa và có hành động chính chắn.
 
 Tất cả những sự thâu tiếp ngọai cảnh nghĩa là từ bên ngòai vào qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nếu bị chi phối bởi Tam Độc, thì Tham Sân Si sẽ chiếm lĩnh tư tưởng, để từ đó phát ra và diễn đạt bằng hành động dữ tợn cùng lời nói sai lầm. Đó là mối liên hệ giữa Tam Bành và Lục Tặc.

UYÊN HẠNH
      
 
 
 
--- 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-21/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link