Tuesday, January 29, 2013

3 Giai đoạn 1 Hội nghị Paris


 


Giai đoạn 1 Hội nghị Paris


© Trần Gia Phụng

Hội nghị Paris :Phái đoàn và lập trường

(Bài 1)

anh-toan-canh-hoi-nghi-paris

Sau khi phái đoàn chuyên viên Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Bắc Việt Nam (BVN) quyết định về thủ tục và chi tiết kỹ thuật trong cuộc họp ngày 10-5-1968, hội nghị Paris chính thức bắt đầu ngày 13-5-1968 giữa Hoa Kỳ và BVN.

Từ ngày 25-1-1969, có thêm hai phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tức Nam Việt Nam (NVN) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGP) tham dự.

Hội nghị Paris kết thúc ngày 27-1-1973 khi bốn bên lâm chiến ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam), gọi tắt là Hiệp định Hòa bình Paris (Paris Peace Accords).

Hội nghị diễn ra tại Trung Tâm Hội Thảo Quốc Tế (Centre de Conférences International), trong khách sạn Majestic, số 19 đường Kléber, kéo dài trong bốn năm chín tháng, ban đầu với 28 phiên họp tay đôi giữa Hoa Kỳ và BVN, và sau đó với 174 phiên họp khoáng đại giữa bốn phái đoàn. (Paul Kerasis, Transcripts and Files of the Paris Peace Talks on Vietnam, 1968-1973, Frederick MD: University Publications of America, INC, tt. 1-9.) Ngoài ra, theo một số tài liệu (đưa lên Internet), từ khi mở đầu đến khi kết thúc, tại Paris diễn ra 24 cuộc mật đàm giữa lãnh đạo và cố vấn các phái đoàn Hoa Kỳ và VNDCCH. Hội nghị không họp liên tục, không theo một nghị trình hay thời biểu nhất định, mà chỉ do sự thỏa thuận của các bên tham dự trong từng giai đoạn. Có khi một trong hai bên hay bốn bên hủy bỏ cuộc họp, dầu đã thỏa thuận trước.

1.- CÁC PHÁI ĐOÀN THAM DỰ

Khi hội nghị Paris chính thức bắt đầu ngày 13-5-1968, chỉ có Hoa Kỳ và VNDCCH họp tay đôi. Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Johnson cử đại sứ Averell Harriman dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ, Cyrus Vance làm phó trưởng đoàn. Hai ông nầy là hai chính khách kỳ cựu đảng Dân Chủ. Harriman là người Mỹ gốc Do Thái, từng làm trưởng phái đoàn Hoa Kỳ tại hội nghị Genève về việc trung lập hóa Lào năm 1962 và áp lực tổng thống Ngô Đình Diệm phải chấp nhận bản hiệp ước nầy.

Về phía VNDCCH, cựu ngoại trưởng Xuân Thủy, ủy viên Trung ương đảng Lao Động (LĐ) tức đảng Cộng Sản Việt Nam, làm trưởng đoàn và Hà Văn Lâu làm phó trưởng đoàn. Phái đoàn Xuân Thủy được đặt dưới quyền một cố vấn là Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ chính trị đảng LĐ, đến Paris ngày 3-6-1968. Lê Đức Thọ là người sẽ mật đàm với Kissinger, cố vấn phái đoàn Hoa Kỳ.

Trước khi đến Paris dự phiên họp đầu tiên ngày 13-5-1968, Xuân Thủy ghé Bắc Kinh gặp thủ tư ớng Chu Ân Lai. Chu Ân Lai nói với Xuân Thủy rằng BVN đồng ý điều đình với Hoa Kỳ quá sớm, chưa đúng lúc. Chu Ân Lai khuyên BVN nên trì hoãn hội nghị, kéo dài thời gian vì Hoa Kỳ sẽ không chịu rút lui khi chưa thất bại. (Larry Berman, No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam, Nguyễn Mạnh Hùng dịch, Không hòa bình, chẳng danh dự – Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam, California: Nxb. Việt Tide, 2003, tr. 46.) Bắc Việt Nam sẽ thực hiện kế hoạch nầy. Ngoài ra, khi gặp những vấn đề quan trọng, Lê Đức Thọ từ Paris về Hà Nội tham khảo với Bộ chính trị đảng LĐ, đều ghé lại Moscow và Bắc Kinh để thỉnh thị ý kiến.

Sau hai cuộc họp đầu tiên ngày 13 và 15-5-1968, phó trưởng đoàn Hoa Kỳ Cyrus Vance tuyên bố ngày 16-5-1968 rằng nếu bàn về các vấn đề chính trị, phải có sự tham gia của VNCH. (Đoàn Thêm, 1968, việc từng ngày, California, Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr.173.) Hoa Kỳ còn đề nghị mời thêm MTDTGP (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, Caùc cuoäc thöông löôïng Leâ Ñöùc Thoï – Kissinger taïi Paris, Haø Noäi: Nxb. Coâng An Nhaân Daân, 2002, tt. 30-31.) Phía CSVN đồng ý ngày 26-10-1968 nên hai bên dự tính cuộc họp đầu tiên có cả VNCH và MTDTGP sẽ diễn ra ngày 6-11-1968.

Tuy nhiên, ngày 2-11-1968, ra trước lưỡng viện quốc hội ở Sài Gòn, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố VNCH chỉ chấp nhận thương thuyết với VNDCCH, không nhìn nhận MTDTGP, không đồng ý giải pháp liên hiệp, và không tham dự hội nghị Paris ngày 6-11-1968. Ngày 8-11-1968, tổng thống Thiệu lên đài truyền hình đưa ra công thức mới để hòa đàm: nói chuyện song phương, mỗi bên một phái đoàn; VNCH và Hoa Kỳ một bên, VNDCCH và MTDTGP một bên. (Đoàn Thêm, sđd. tt. 358-365.)

Ngày 27-11-1968, chính phủ VNCH tuyên bố rằng Hoa Kỳ ủng hộ lập trường ngày 2-11 và 8-11 của VNCH, nên VNCH quyết định tham dự hòa đàm Paris. Tổng thống Thiệu cử phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ làm cố vấn, phụ trách theo dõi; Phạm Đăng Lâm làm trưởng phái đoàn VNCH, cùng Nguyễn Xuân Phong, Nguyễn Ngọc Huy, Vương Văn Bắc, Nguyễn Thị Vui, Nguyễn Triệu Đan và 40 chuyên viên sang Paris tham dự hội nghị. Phái đoàn rời Sài Gòn ngày 7-12-1968. (Đoàn Thêm, sđd. tt. 387, 399.)

Trong phiên họp bàn về thủ tục ngày 18-1-1969, Nguyễn Xuân Phong làm trưởng đoàn VNCH. Từ phiên họp khoáng đại chính thức đầu tiên ngày 25-1-1969, mà Hoa Kỳ và VNCH gọi là cuộc họp khoáng đại hai bên, phía CS gọi là cuộc họp bốn bên, Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn VNCH.

Công cụ của đảng LĐ tại miền Nam là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGP), thành lập tại Hà Nội ngày 12-12-1960 và ra mắt ngày 20-12-1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, thuộc vùng chiến khu cũ của Việt Minh thời kháng Pháp là chiến khu Dương Minh Châu. Trong ngày ra mắt, MTDTGP công bố “Tuyên ngôn” và “Chương trình 10 điểm” làm căn bản hoạt động của Mặt trận. (Một nhóm tác giả, Chung một bóng cờ, Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, 1993, tt. 957-962.) Ngoài quân du kích ở miền Nam, Hà Nội dần dần đưa vào Nam lực lượng chính quy do sĩ quan và tướng lãnh BVN chỉ huy.

Khi tham gia hội nghị Paris, MTDTGP chưa lập chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Ngày 12-12-1968 MTDTGP đề cử Trần Bửu Kiếm, làm trưởng phái đoàn MTDTGP. Trần Bửu Kiếm là Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương kiêm trưởng ban Đối ngoại MTDTGP. Trần Bửu Kiếm tham dự hội nghị Paris từ 25-1-1969 đến 5-6-1969 (20 cuộc họp).

Để phái đoàn MTDTGP tương xứng với các phái đoàn khác, từ ngày 6 đến 8-6-1969, MTDTGP họp cùng với Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Việt Nam, tại mật khu gần biên giới Cao Miên trên quốc lộ 22, và bầu ra chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), trong đó Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch (thủ tướng), Trần Bửu Kiếm làm bộ trưởng Phủ chủ tịch, Nguyễn Thị Bình làm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Từ phiên họp thứ 21 ngày 10-6-1969, phái đoàn CPLTCHMNVN do Nguyễn Thị Bình dẫn đầu thay thế phái đoàn MTDTGP tại Paris. (Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả, Mặt trận Dân tộc Giải phóng – Chính phủ Cách mạng lâm thời tại hội nghị Paris về Việt Nam (Hồi ức), Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2001, tt. 53-54.)

2.- LẬP TRƯỜNG CĂN BẢN

Bốn phái đoàn tham dự hội nghị Paris dựa trên các lập trường căn bản như sau:

Dưới thời tổng thống Johnson, Hoa Kỳ đòi trở lại khu phi quân sự, BVN phải xuống thang chiến tranh, tương xứng với việc ngưng oanh kích BVN, để miền Nam cho người miền Nam tự giải quyết chuyện nội bộ. Khi ứng cử tổng thống, Richard Nixon chủ trương không giảm quân. (Đoàm Thêm, sđd. tr. 317.) Tuy nhiên, sau khi đắc cử tổng thống, Richard Nixon đưa ra kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh và chủ thuyết Nixon vào giữa năm 1969, thay đổi chiến lược quân sự, và thay đổi luôn chiến lược ngoại giao toàn cầu, bắt đầu thân thiện với Trung Quốc.

(Việt Nam hóa (Vietnamization) chiến tranh là chuyển gánh nặng quân sự cho quân lực VNCH, để quân đội Hoa Kỳ dần dần không tham chiến nữa, rút lui về nước. Chủ thuyết Nixon chủ trương rằng từ nay Hoa Kỳ sẽ viện trợ quân sự và kinh tế cho những nước nào chiến đấu bằng nhân lực của chính mình để tự bảo vệ mình, và Hoa Kỳ sẽ không gởi quân chiến đấu đến nước đó.)

Việt Nam Cộng Hòa chỉ chấp nhận nói chuyện với VNDCCH, không công nhận MTDTGP. Lập trường của chính phủ VNCH khá cứng rắn, đòi hỏi VNDCCH phải rút quân về Bắc, ngưng xâm nhập và đừng xen vào công việc nội bộ miền NVN. Tuy nhiên, do áp lực của Hoa Kỳ, VNCH đành phải tham dự hội nghị Paris, có cả sự hiện diện của MTDTGP. Năm 1971, khi vận động tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 nền Đệ nhị Cộng hòa, tổng thống Thiệu đưa ra lập trường “bốn không”: không liên hiệp, không cắt đất, không hòa giải, không chấp nhận cộng sản. (Chính Đạo, 55 ngày đêm cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, Houston, Nxb. Văn Hóa, 1999, tr. 404.)

Về phía CS, đại diện VNDCCH tại Paris đòi thực thi chương trình bốn điểm mà Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN, đã đưa ra trước quốc hội BVN ngày 8-4-1965, và nhấn mạnh hai việc chính: 1) Thứ nhất Hoa Kỳ phải dứt khoát vĩnh viễn ngưng oanh tạc BVN. 2) Thứ hai, Hoa Kỳ ngưng tất cả những hành động chiến tranh, rút quân về nước, ngưng yểm trợ cho NVN. Cộng sản không đề cập gì đến quân BVN vào NVN.

Mặt trận DTGP đương nhiên cùng lập trường với VNDCCH. Ngày 3-11-1968, MTDTGP đưa ra “Giải pháp 5 điểm” làm chính sách căn bản, đại để là: 1) MTDTGP phấn đấu thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất, 2) Mỹ phải chấm dứt xâm lược, rút quân khỏi miền NVN. 3) Công việc nội bộ miền NVN do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh của MTDTGP. 4) Việc thống nhất đất nước sẽ do nhân dân hai miền giải quyết bằng hòa bình. 5) Miền Nam thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập. (Nguyễn Thị Bình, sđd. tr. 38.)

Đó là lập trường căn bản của bốn bên tham dự khi hội nghị Paris bắt đầu. Lập trường cũng như chiến thuật và ngôn ngữ ngoại giao mỗi bên thay đổi tùy giai đoạn và hoàn cảnh chính trị.

Hội nghị dậm chân tại chỗ trong nhiều năm. Đến năm 1971, khi Hoa Kỳ làm thân với Trung Quốc, Henry Kissinger (cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống Richard Nixon) qua Trung Quốc, cho các lãnh tụ Trung Quốc biết Hoa Kỳ quyết định sẽ đơn phương rút quân khỏi Việt Nam. Quyết định nầy được tổng thống Nixon lập lại với các lãnh tụ Trung Quốc lần nữa trong chuyến viếng thăm nước nầy vào tháng 2-1972. Trình bày kế hoạch rút quân của Hoa Kỳ với các lãnh tụ Trung Quốc, chẳng khác gì Hoa Kỳ nhờ các lãnh tụ Trung Quốc nói lại và làm chứng với nhà cầm quyền BVN.

Sau khi Nixon về nước vào cuối tháng 2-1972, Chu Ân Lai đến Hà Nội ngày 4-3-1972, thuật lại cho giới lãnh đạo đảng Lao Động (LĐ) nội dung cuộc gặp gỡ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Trung Quốc đối với BVN. (Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 200.)

Biết được Hoa Kỳ dứt khoát bỏ rơi VNCH, đơn phương rút quân, BVN phản ứng bằng hai cách: 1) Mở cuộc tấn công “mùa hè đỏ lửa” từ cuối tháng 3-1972 để thử thách. 2) Tại Paris, dưới áp lực của Liên Xô, BVN bãi bỏ điều kiện tiên quyết của CSVN trong hội nghị là giải thể chế độ VNCH, để Hoa Kỳ chấp nhận và khai thông hội nghị Paris từ giữa năm 1972, đi đến ký kết hiệp định, trao trả tù binh cho Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ nhanh chóng rút lui. Khi đó, CSVN mới tiếp tục cuộc chiến tay đôi với VNCH.

Vì vậy, hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là các cuộc họp tay đôi giữa Hoa Kỳ và VNDCCH. Giai đoạn thứ hai là các cuộc họp bốn bên bị CS trì hoãn (1968-1972) và giai đoạn thứ ba là giai đoạn kết thúc (1972-1973). (Còn tiếp) (Trích Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất bản.)

(Toronto, 12-01-2013)

© Trần Gia Phụng

__._,_.___

Giai đoạn 2 Hội nghị Paris


© Trần Gia Phụng

Hội nghị Paris (Bài 2)

Hội nghị Paris (1968-1973) có thể chia thành ba giai đoạn. Bài nầy xin trình bày hai giai đoạn đầu của hội nghị Paris.

Bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris năm 1973

Bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris năm 1973

1.- GIAI ĐOẠN THỨ NHẤT (1968)

Giai đoạn nầy kéo dài từ ngày 13-5-1968 đến ngày 30-10-1968, gồm 28 cuộc họp công khai tay đôi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), (Paul Kerasis, sđd. tr. 2) và 8 lần mật đàm riêng giữa lãnh đạo hai phái đoàn. Đây là khúc dạo đầu giữa hai bên, thăm dò, tìm hiểu, tuyên truyền và tố cáo lẫn nhau. Hoa Kỳ đòi hỏi tái lập vùng phi quân sự, Bắc Việt Nam (BVN) ngưng xâm nhập, rút quân về Bắc, xuống thang chiến tranh, để cho dân chúng miền Nam tự quyết, tôn trọng nền trung lập Lào. Bắc Việt Nam yêu sách Hoa Kỳ phải chấm dứt oanh tạc BVN vô điều kiện, chấm dứt các hành động chiến tranh, thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của người Việt Nam.

Ngay từ đầu, Hoa Kỳ đòi hỏi các cuộc họp phải có sự tham dự của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Sau đó, Hoa Kỳ đề nghị thêm Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng (MTDTGP) (Đã viết trong bài 1). Trong giờ giải lao tại phiên họp công khai thứ 26 ngày 16-10-1968, Harriman trao cho Xuân Thủy một thư trong đó có viết rằng khi nào BVN chịu họp với VNCH và MTDTGP thì Hoa Kỳ sẽ ngưng ném bom BVN. Trong cuộc mật đàm ngày 26-10-1968, Xuân Thủy trả lời rằng BVN đồng ý với đề nghị của Hoa Kỳ. (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, sđd. tt. 15-44. )

Giữ đúng lời hứa, ngày 31-10-1968 tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố chấm dứt chiến dịch Rolling Thunder, ngưng ném bom BVN, và cuộc họp dự tính ngày 6-11-1968 sẽ có mặt thêm đại diện hai phái đoàn VNCH và MTDTGP. Tuy nhiên, phía VNCH chưa chấp nhận tham dự hội nghị. (Đoàn Thêm, 1968, sđd. tt. 355, 358), vì vậy cuộc họp ngày 6-11-1968 phải đình hoãn.

Có tài liệu giải thích rằng sở dĩ phái đoàn VNCH chưa tham dự hội nghị Paris vì chính phủ Nguyễn Văn Thiệu muốn gây trở ngại cho nỗ lực vận động tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ vào ngày 5-11-1968 của ứng cử viên đảng Dân Chủ là Hubert Humphrey, và ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng Hòa Richard Nixon. Người ta cho rằng theo tổng thống Thiệu, ứng cử viên Richard Nixon tỏ ra cứng rắn đối với cộng sản hơn Humphrey. (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter , Hồ sơ mật dinh Độc Lập, Los Angeles: C & K Promotions, Inc., tt. 39-50.)

Ngang đây, các bên lại tranh cãi về hình thức cái bàn ngồi họp trong gần ba tháng. Cuối cùng, các bên đồng ý chọn bàn tròn bằng phẳng, không có cờ, phía sau mỗi bên, cách 0,45 m có một bàn hình chữ nhật cho thư ký mỗi bên làm việc.

2.- GIAI ĐOẠN THỨ HAI (1969-1972)

Ngày 25-1-1969 bắt đầu các phiên họp hai/bốn bên, tùy theo cách gọi của mỗi bên, đến ngày 4-5-1972, kéo dài, gần ba năm rưỡi, qua 149 phiên họp.

Sau khi đắc cử ngày 5-11-1968, tân tổng thống Richard Nixon cử Henry Cabot Lodge, một chính khách đảng Cộng Hòa, làm trưởng đoàn Hoa Kỳ. Lodge cầm đầu phái đoàn cho đến cuối năm 1969. Đầu năm 1970, David K. E. Bruce thay. Qua năm 1971, William James Porter làm trưởng đoàn Hoa Kỳ cho đến khi hội nghị chấm dứt. Thật ra, từ tháng 7-1969, cố vấn An ninh Quốc gia của Nixon là Henry Kissinger đến Paris mật đàm với Xuân Thủy và Lê Đức Thọ, và hầu như giữ vai trò chính trong phái đoàn Hoa Kỳ.

Trong giai đoạn nầy, các bên tiếp tục tranh cãi những vấn đề chung quanh chuyện đình chiến và tái lập hòa bình. Phía CS cố tình kéo dài thời gian (theo kế hoạch Chu Ân Lai đã viết trong bài 1), vừa đàm trên bàn họp, vừa đánh trên chiến trường, chờ đợi người Mỹ rút quân dần dần theo chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh của tổng thống Nixon. Trong thời gian nầy, tại hòa hội Paris, các bên đưa thêm những kế hoạch mới, bổ túc cho chính sách của mình.

Tại VNCH, ngày 7-4-1969, trong thông điệp đọc trước quốc hội, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trình bày chương trình 6 điểm, còn được gọi là “Chính sách quốc gia hòa giải”: 1) CS phải chấm dứt xâm lăng. 2) CS phải triệt thoái quân đội ra khỏi miền NVN. 3) CS không được xâm lăng các nước láng giềng nhằm xâm nhập VNCH. 4) VNCH sẽ áp dụng chính sách hòa giải và đại đoàn kết. 5) Thống nhất đất nước do toàn dân quyết định. 6) Cần có hệ thống kiểm soát quốc tế hữu hiệu chống CS xâm lăng. (Đoàn Thêm, 1969 (việc từng ngày), California, Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 119.)

Phía MTGPMN, sau “giải pháp 5 điểm” đưa ra ngày 3-11-1968 (đã viết trong bài 1), trong phiên họp hai/bốn bên thứ 16 ngày 8-5-1969, MTDTGP đưa thêm “Giải pháp toàn bộ 10 điểm”. (Nguyễn Thị Bình, sđd. tr. 51.) Điểm chính yếu là đòi hỏi Hoa Kỳ rút quân về nước, chuyện miền NVN để cho dân Việt Nam tự giải quyết.

Đáp lại, ngày 14-5-1969, tổng thống Nixon công bố kế hoạch 8 điểm: 1) Hoa Kỳ, đồng minh và BVN rút quân ngay sau khi có thỏa hiệp. 2) Mười hai tháng sau, nếu chưa rút hết, sẽ tới đóng ở những địa điểm được chỉ định và không tác chiến. 3) Sẽ rút song phương tất cả cùng một lúc ra khỏi cả Miên và Lào. 4) Sẽ có cơ quan kiểm soát quốc tế. 5) Cơ quan nầy sẽ hoạt động theo chương trình được hai bên thỏa hiệp. 6) Bắt đầu tổ chức tổng tuyển cử với sự kiểm soát quốc tế. 7) Trao đổi tù binh. 8) Hai bên cam kết tôn trọng các hiệp định Genève về Việt, Miên và Lào. (Đoàn Thêm, 1969, sđd. tt. 161-162.) Tức thì, ngày 22-5-1969, phát ngôn viên MTGPMN tuyên bố đề nghị của Nixon khác với giải pháp 10 điểm của MTDTGP như ngày và đêm. (John S. Bowman, sdd. tr. 143.)

Trong khi các phái đoàn VNCH và VNDCCH không có gì thay đổi, thì phái đoàn MTDTGP thay đổi danh xưng và trưởng đoàn. Nguyên từ 1960 đến 1968, MTDTGP chưa thành lập chính phủ. Để phái đoàn MTDTGP tương xứng với các phái đoàn khác, từ ngày 6 đến 8-6-1969, MTDTGP họp cùng với Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Việt Nam, tại mật khu gần biên giới Cao Miên trên quốc lộ 22, và bầu ra chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), trong đó Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch, Trần Bửu Kiếm làm bộ trưởng Phủ chủ tịch, Nguyễn Thị Bình làm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Phái đoàn CPLTCHMNVN do Nguyễn Thị Bình dẫn đầu thay thế phái đoàn MTDTGP tại Paris từ phiên họp thứ 21 ngày 10-6-1969. (Nguyễn Thị Bình sđd. tt. 53-54.) (Liên Minh CLLDTDC là một hình thức mặt trận cũng do CS hậu thuẫn, kết hợp thêm những thành phần thiên tả còn đứng ngoài MTDTGP.)

Tại cuộc họp ngày 10-6-1969, Nguyễn Thị Bình đưa ra “Chương trình hành động 12 điểm” của chính phủ lâm thời CHMNVN. Chương trình nầy không khác giải pháp 10 điểm của MTDTGP. Theo chương trình mới, MTDTGP là người tổ chức và lãnh đạo cuộc chống Mỹ “xâm lược”. (John S. Bowman, sđd. tr. 145.)

Ngày 15-7-1969, Richard Nixon gởi thư cho Hồ Chí Minh, nhờ Jean Sainteny, một người Pháp, chuyển cho Xuân Thủy tại Paris. Trong thư, Nixon tỏ ý muốn tìm một nền hòa bình công chính và hai bên nên hướng về hòa giải hơn là đối đầu và chiến tranh. Hồ Chí Minh trả lời thư cho Nixon ngày 25-8-1969, nói rằng nếu Nixon thật sự muốn mưu tìm hòa bình công chính, thì Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân đội ra khỏi NVN, tôn trọng quyền của người miền Nam và của dân tộc Việt Nam tự quyết định mà không có ảnh hưởng nước ngoài. (Richard Nixon, The Memoirs of Richard Nixon, New York: Grosset & Dunlap, 1978, tt. 393, 397.) Thư nầy ký tên Hồ Chí Minh ngày 25-8-1969. Lúc đó, Hồ Chí Minh đang bệnh và sau đó chết ngày 2-9-1969.

Trong thời gian đàm phán tại Paris, chính phủ Nixon bị áp lực nặng nề của giới phản chiến ở trong nước Mỹ. Trong niên khóa 1969-1970, xảy ra 1,800 cuộc biểu tình, 7,500 bị bắt giữ, 247 vụ đốt phá, 462 người bị thương mà hai phần ba (2/3) là cảnh sát và 8 người chết. Nạn bạo động trở thành một bệnh dịch trên toàn quốc Hoa Kỳ. Từ tháng 1-1969 đến tháng 2-1970 có 40,000 vụ ném bom, hay âm mưu ném bom, hay đe dọa ném bom liên hệ đến chiến tranh, gây thiệt hại 21 triệu Mỹ kim, hàng trăm người bị thương và 43 người chết. (Richard Nixon, No more Vietnams, London: W. H. Allen, 1986, tr. 126.)

Nhân phong trào phản chiến lên cao tại Hoa Kỳ năm 1969, Phạm Văn Đồng, thủ tướng BVN viết thư gởi dân chúng Hoa Kỳ, hy vọng các cuộc phản đối sẽ buộc chính phủ Hoa Kỳ rút lui hoàn toàn và vô điều kiện quân đội Hoa Kỳ về nước. (http://www.historyplace.com/unitedstates/vietnam/index-1969.
html.) Quốc hội Hoa Kỳ liền đưa ra nghị quyết 275 ngày 15-10-1969 phản đối BVN đã can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng lên tiếng phê phán việc nầy. (U. S. Congressional Documents – 1969, HeinOnline, p. 1651.)


Tháng 4-1970, liên quân Việt Mỹ tiến qua Cao Miên, truy đuổi CSVN. Phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ bùng lên mạnh mẽ. Ngày 2-5-1970, sinh viên các đại học Hoa Kỳ phát động biểu tình rầm rộ, phản đối cuộc hành quân nầy. Tại đại học Kent, tiểu bang Ohio, ngày 4-5-1970, Vệ binh Quốc gia bắn chết bốn sinh viên biểu tình và làm bị thương chín người khác. Sự kiện nầy khiến làn sóng phản đối chiến tranh dâng cao trên toàn nước Mỹ.

Sau biến cố trên, thượng viện Hoa Kỳ trong phiên họp ngày 24-6-1970, ra quyết định bãi bỏ “Nghị quyết vịnh Bắc Việt”, (John S. Bowman, sđd. tr. 166), giới hạn quyền hành của tổng thống trong việc điều khiển chiến tranh ở nước ngoài.

Sự kiện nầy càng khuyến khích CSVN kéo dài hội nghị Paris, vừa đàm vừa đánh, vừa đánh vừa đàm, chờ đợi những đòi hỏi và áp lực càng ngày càng gia tăng của giới phản chiến đối với chính phủ Nixon và chờ đợi Nixon rút quân Hoa Kỳ khỏi Việt Nam theo chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh. Quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam cuối năm 1968 là 536,100 người. Tháng 12-1969 số quân nầy giảm xuống còn 475,200; cuối năm 1970, còn lại 334,600 quân và tháng 12-1971, còn 156,800 quân.

Từ cuối tháng 1 đầu tháng 2-1971, VNCH mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Lào, với sự giúp sức của Không quân Hoa Kỳ. Sinh viên và cựu chiến binh Hoa Kỳ trước đây tham chiến ở Việt Nam lại tổ chức biểu tình rầm rộ vào tháng 4 và tháng 5-1971 tại Washington DC và nhiều nơi ở Mỹ.

Tại Paris, trong phiên họp thứ 84 ngày 17-9-1970, Nguyễn Thị Bình đưa ra “8 điểm nói rõ thêm”, chủ yếu là đòi Mỹ rút hết quân trước ngày 30-6-1971, sẵn sàng nói chuyện với một chính quyền Sài Gòn không có Thiệu – Kỳ – Khiêm. Phía Hoa Kỳ đưa ra “Kế hoạch hòa bình 5 điểm” ngày 7-10-1970, rồi ngày 31-5-1971, trong cuộc mật đàm, Kissinger điều chỉnh thành “đề nghị 7 điểm”. Đáp lại, ngày 26-6-1971, cũng mật đàm, Lê Đức Thọ trình bày “Sáng kiến hòa bình 9 điểm của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”. Ngày 1-7-1971, trong phiên họp hai/bốn bên thứ 119 ngày 1-7-1971, Nguyễn Thị Bình công bố “Sáng kiến mới gồm 7 điểm nhằm giải quyết hòa bình miền Nam Việt Nam”. Ngày 11-10-197, Hoa Kỳ lại chuyển đến phía CVSN “Đề nghị 8 điểm” khác. (Nguyễn Thị Bình, sđd. tt. 61-79.)

Cứ thế, trong hai năm 1970, 1971, trong các cuộc họp, các bên đưa ra những chương trình hay kế hoạch mới, rồi tranh cãi, tố cáo và đòi hỏi liên tục, không đi vào mục đích cụ thể của cuộc hòa đàm nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh. Chỉ có một thay đổi nhỏ về chính trị năm 1970 là MTDTGP từ nay chấp nhận sự hiện diện của chính quyền Sài Gòn không có Thiệu Kỳ Khiêm, và một thay đổi khác từ năm 1971 là hội nghị Paris bắt đầu đề cập đến vấn đề tù binh mà Hoa Kỳ đang rất muốn giải quyết. Cũng trong cuộc họp ngày 29-7-1971, Nguyễn Thị Bình đề nghị lập danh sách tù binh khi nào Hoa Kỳ ấn định cụ thể thời biểu rút lui toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ. (John S. Bowman, sđd. tr. 182.)

Khi bị dư luận Mỹ chỉ trích là chính quyền không cố gắng hết sức để chấm dứt chiến tranh, ngày 25-1-1972, Nixon tiết lộ rằng từ 4-8-1969 đến 16-8-1971, cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger đã mật đàm 12 lần với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy. Ngoài ra, ngày 11-10-1971, Kissinger đã đưa riêng cho phái đoàn BVN đề nghị 8 điểm, đại để như sau: Rút hết quân đội Hoa Kỳ, quân đội Đồng minh và quân đội cộng sản ra khỏi NVN, Lào và Cao Miên trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký hiệp định; cùng một lúc thả tù quân và dân sự tất cả các bên; một Ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến việc thực thi hiệp định; các thành phần liên hệ kể cả MTDTGP phối hợp tổ chức và kiểm soát cuộc bầu cử tổng thống; tổng thống Thiệu và phó tổng thống Hương từ chức một tháng trước ngày bầu cử. Tuy nhiên những cố gắng nầy không thành công. (John S. Bowman, sđd. tr. 188.)

Hôm sau, 26-1-1972, Kissinger còn tiết lộ thêm rằng trong kế hoạch 9 điểm do CSVN mới đưa ra, có hai điểm không thể chấp nhận được. Đó là CSVN đòi Hoa Kỳ ngưng ủng hộ chính phủ VNCH và đòi Hoa Kỳ rút quân thì phải rút luôn võ khí, quân nhu, quân dụng mà Hoa Kỳ cung cấp cho quân đội VNCH sử dụng. Làm như thế, chế độ VNCH sẽ sụp đổ. (John S. Bowman, sđd. tr. 188.)

Bắc Việt Nam liền tố cáo ngày 31-1-1972 rằng phía Hoa Kỳ đơn phương tiết lộ các cuộc mật đàm. Bắc Việt Nam công bố “Sáng kiến hòa bình 9 điểm” của Lê Đức Thọ, “Sáng kiến 7 điểm” của Nguyễn Thị Bình và “Đề nghị 7 điểm” của Kissinger đã được đưa ra tại Paris. (Đã ghi ở trên.) Ngoài ra Hà Nội cũng công bố bản văn dự tính giao cho Kissinger trong cuộc họp mật ngày 20-11-1971, nhưng cuộc họp nầy bị hủy bỏ. Theo bản văn nầy, có hai điểm khác biệt chính giữa chủ trương của BVN và Hoa Kỳ: Hoa Kỳ muốn rút tất cả lực lượng ngoại nhập khỏi Nam Việt Nam với sự thỏa thuận về nguyên tắc cho một giải pháp cuối cùng. Trong khi BVN chỉ muốn Hoa Kỳ và Đồng minh rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Đông Dương không điều kiện. Hà Nội còn muốn chính phủ Thiệu từ chức và cuộc bầu cử sẽ do một chính quyền ba thành phần là BVN, NVN và MTDTGP đứng ra tổ chức. (John S. Bowman, sđd. tr. 189)

Trong cuộc thăm viếng Trung Quốc vào tháng 2-1972, tổng thống Nixon chính thức công nhận chỉ có một nước Trung Quốc, đồng thời Nixon cho các nhà lãnh đạo CS Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ sẽ đơn phương rút quân khỏi Việt Nam. Được Chu Ân Lai báo lại cho biết tin nầy, các lãnh tụ CSVN mở cuộc tấn công lớn trên toàn lãnh thổ VNCH từ cuối tháng 3-1972.

Dầu chiến đấu đơn độc sau khi quân đội Hoa Kỳ rút về nước, quân đội VNCH đã đẩy lui quân CS trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 trên tất cả các mặt trận. Hoa Kỳ phản ứng đối với cuộc tấn công của CS bằng hai cách: 1) Tại Paris, ngày 23-3-1972, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ William Porter tuyên bố theo lệnh của tổng thống Nixon, ngưng hội đàm vô thời hạn, đòi hỏi CS phải chấm dứt tấn công VNCH trước khi tiếp tục thương thuyết. 2) Ngày 10-4-1972, phi cơ B-52 của Hoa Kỳ tái oanh kích BVN. Ngày 16-4-1972, B-52 thả bom ở cả hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, lần đầu tiên kể từ 01-11-1968. Từ các hàng không mẫu hạm, hàng trăm phi cơ oanh kích các cơ sở quân sự quanh hải cảng Hải Phòng và khoảng 60 phi cơ oanh kích các kho chứa nhiên liệu ở Hà Nội. Người Mỹ còn báo cho biết sẽ bắn phá tất cả các cơ sở quân sự bất cứ nơi đâu ở BVN. Tức thì, sinh viên tại khắp các tiểu bang lớn ở Hoa Kỳ biểu tình phản đối chuyện ném bom.

Trước áp lực của Hoa Kỳ, dầu vẫn bị ném bom liên tục, BVN và MTDTGP trở lại bàn hội nghị ngày 27-4-1972. Tuy nhiên, hội nghị vẫn không có gì tiến bộ nên trong cuộc họp hai/bốn bên thứ 149 tại Paris ngày 4-5-1972, hai phái đoàn Hoa Kỳ và VNCH cùng đồng ý tạm ngưng họp vô thời hạn. Nhiều cuộc mật đàm diễn ra để tìm cách giải tỏa bế tắc, nhưng cũng chẳng đi đến đâu, vì bên nào cũng khư khư bảo thủ ý kiến của mình.

Tạm ngưng họp ở Paris, ngày 8-5-1972, tổng thống Nixon ra lệnh mở chiến dịch Linebacker, phong tỏa và đặt mìn các hải cảng BVN, oanh tạc các cầu, đường vận chuyển võ khí từ Trung Quốc sang BVN. Làn sóng phản đối chiến tranh lan rộng trong các trường Đại học, mạnh nhất ở Boston, San Jose, Florida. Ngày 9-5-1972, các thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ thông qua một quyết nghị bác bỏ cuộc leo thang chiến tranh tại Việt Nam.

Lúc đó, BVN không thể chiến thắng quân đội VNCH trong “mùa hè đỏ lửa”, dầu lực lượng Hoa Kỳ giảm xuống chỉ còn dưới 70,000 vào tháng 5-1972. Bắc Việt Nam còn bị thấm đòn oanh tạc nặng nề của Không quân Hoa Kỳ, nên BVN thay đổi sách lược, trở lại bàn hội nghị, kiếm cách thỏa hiệp với Hoa Kỳ để Hoa Kỳ ngưng oanh tạc, nhanh chóng rời khỏi NVN, như tổng thống Nixon đã báo trước cho các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc. Hội nghị Paris bước qua giai đoạn thứ ba. (Còn tiếp) (Trích: Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất bản.)

(Toronto, 14-01-2013)

© Trần Gia Phụng

Giai đoạn 3 Hội nghị Paris


© Trần Gia Phụng

Hội nghị Paris (Bài 3)

khoanh-khac-ha-noi-bi-rai-bom-nam-1972-9e1c1f

Hội nghị Paris (1968-1972) có thể chia làm ba giai đoạn. Hai giai đoạn đầu đã được trình bày trong bài 2. Nay xin trình bày giai đoạn thứ ba của Hội nghị Paris.

Sau hơn hai tháng gián đoạn, cuộc họp lần thứ 150 diễn ra ngày 13-7-1972, mở đầu giai đoạn thứ ba của hội nghị Paris. Giai đoạn nầy kéo dài cho đến khi kết thúc bằng cuộc họp thứ 174 (cuối cùng) ngày 18-1-1973, tức hơn sáu tháng. Từ đây, các cuộc họp diễn ra đều đặn hàng tuần vào ngày Thứ Bảy.

Trong cuộc họp ngày 13-7-1972, hai bên vẫn giữ lập trường cũ, chưa có gì mới. Trọng tâm cuộc họp là vai trò tương lai của chính phủ Sài Gòn. Ngày 19-7-1972, Henry Kissinger họp mật lần thứ 14 với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy. Theo sự thỏa thuận giữa hai bên, hai bên sẽ giữ bí mật nội dung cuộc họp nầy. (John S. Bowman, sđd. tr. 200.)

Theo tài liệu sau nầy về phía CS, thì lúc đó, Kissinger cho biết Hoa Kỳ đã thân thiện trở lại với những kẻ thù cũ [tức Trung Quốc và Liên Xô], rằng Hoa Kỳ có thể chung sống với Bắc Kinh và Moscow, thì Hoa Kỳ có thể chung sống với Hà Nội. (Điều nầy, Kissinger đã nói với Chu Ân Lai tại Bắc Kinh). Lần đầu tiên Kissinger đề nghị ngừng bắn tại chỗ, Hoa Kỳ hợp tác gỡ mìn ở miền Bắc, rút quân Hoa Kỳ và Đồng minh, không đòi hỏi BVN rút quân, và BVN trao trả tù binh và thường dân. (Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ, sđd. tt. 225-233) Như thế là Hoa Kỳ bãi bỏ điều kiện tiên quyết của Hoa Kỳ là BVN rút quân ra khỏi miền NVN cùng lần với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không thông báo cho phía VNCH biết điều nầy.

Sau hai cuộc mật đàm ngày 1-8-1972 (thứ 15) và ngày 14-8-1972 (thứ 16), Lê Đức Thọ về Hà Nội, (Lưu Văn Lợi-Nguyễn Anh Vũ, sđd. tr. 259.) để báo cáo, trong khi Henry Kissinger qua Sài Gòn ngày 17-8-1972, thông báo tin tức, thảo luận và áp lực tổng thống Thiệu (Nguyễn Tiến Hưng, sđd. tr.113.)

Tổng thống Thiệu đòi hỏi phải có sự rút quân song phương cả Mỹ lẫn BVN, phản đối chuyện liên hiệp với MTDTGP và phản đối sự thành lập Ủy ban Hòa giải Hòa hợp. “Kissinger với Thiệu giống như hai người ông nói gà bà nói vịt.” (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sđd. tr. 114.) Cuộc gặp gỡ không đưa đến kết quả. Vào giữa tháng 8-1972, lực lượng Hoa Kỳ còn lại ở Việt Nam khoảng 44,600 quân. (John S. Bowman, sđd. tr. 201.)

Trong khi đang tiến hành chiến dịch Linebacker, tổng thống Nixon cùng cố vấn An ninh là Kissinger đi thăm Liên Xô từ 22 đến 30-5-1972, và ký thỏa ước SALT (Strategic Arms Limitation Treaty) ngày 26-5-1972 với Leonid Brezhnev. Trong cuộc thương thuyết Mỹ-Liên Xô, phía Mỹ hứa hẹn sẽ cho Liên Xô được hưởng quy chế tối huệ quốc (most favored nation), mở đường giao thương với Hoa Kỳ và Tây Âu. Để đáp lại thiện chí của Hoa Kỳ, Liên Xô áp lực với CSVN ngưng đòi hỏi điều kiện tiên quyết là loại bỏ tổng thống Thiệu để khai thông hội nghị. (Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng Hòa 10 ngày cuối cùng, California: Nxb. Nam Việt, 2006, tt. 17-18.)

Vì vậy, khi trở lại Paris, trong cuộc họp mật lần thứ 17 ngày 15-9-1972, lần đầu tiên Lê Đức Thọ cho biết CSVN chấp nhận sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn (chữ của CSVN) song song với chính phủ lâm thời CHMNVN (chữ của CSVN), (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, sđd tt. 262-263), nghĩa là CSVN bãi bỏ điều kiện tiên quyết là phải giải thể chế độ VNCH. Như thế có nghĩa là mỗi bên, Hoa Kỳ và VNDCCH bãi bỏ một điều kiện tiên quyết, nên hai bên bắt đầu đi vào bàn luận những vấn đề chuyên môn cụ thể cho cuộc đình chiến.

Trong cuộc họp mật lần thứ 18 (26 và 27-9-1972), hai bên đưa thêm những đề nghị mới, những chi tiết mới, thảo luận, cọ sát, so sánh ý kiến hai bên để tìm kiếm những điểm chung hai bên có thể chấp nhận được, nhằm đi đến hiệp định đình chiến. Phía CSVN, Lê Đức Thọ điện về Hà Nội xin ý kiến, trong khi phía Mỹ, Kissinger về Mỹ và đề cử người phụ tá là tướng Alexander Haig qua Sài Gòn để thảo luận với tổng thống Thiệu.

Tổng thống Thiệu tiếp Haig hai lần. Lần thứ nhất ngày 2-10 và lần thứ hai ngày 4-10-1972. Cuộc gặp ngày 4-10 có cả các nhân vật trong Hội đồng An ninh Quốc gia. (Phó tổng thống Hương, thủ tướng Khiêm, bộ trưởng Ngoại giao Lắm, phụ tá Ngoại giao Đức, phụ tá đặc biệt Nhã). Tổng thống Thiệu phản đối lập trường cũng như đề nghị của Hoa Kỳ, và trao cho Haig một bản tóm tắt lập trường của VNCH để Kissinger tham khảo trước cuộc mật đàm sắp đến với Lê Đức Thọ.

Sau khi Haig về lại Washington DC, tổng thống Nixon gởi tổng thống Thiệu văn thư đề ngày 6-10-1972, vừa thân thiện, vừa an ủi, vừa bảo đảm và vừa đe dọa. Gần cuối thư, có đoạn viết: “…Tôi xin Ngài cố áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau nầy một không khí có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968...” (Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, sđd. tr. 128.) Như thế, Nixon ngầm đe dọa tổng thống Thiệu có thể gặp trường hợp bị sát hại như tổng thống Ngô Đình Diệm.

Trong lần mật đàm thứ 19 tái diễn từ 8 đến 12-10-1972, phái đoàn Hoa Kỳ có thêm tướng Alexander Haig. Cả hai bên đều đưa ra dự thảo hiệp định đình chiến của mình. Ngày 17-10-1972, mật đàm tiếp tục. Hai bên giải quyết những bất đồng chót, thỏa thuận dự thảo hiệp định và dự tính sẽ ký kết hiệp định đình chiến vào cuối tháng 10-1972. Cuộc họp nầy cũng dự tính Kissinger sẽ đi Hà Nội ngày 23-10 sau khi Kissinger đến Sài Gòn để thông báo nhằm đạt sự thỏa thuận về phía VNCH. Ngày 23-10-1972 cũng là ngày chấm dứt chiến dịch Linebacker oanh kích BVN.

Sau cuộc mật đàm nầy, Kissinger từ Paris qua Sài Gòn ngày 18-10 để thảo luận với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trước khi Kissinger đến Việt Nam, ngày 17-10, tổng thống Thiệu nhận được một tài liệu CS bắt được ở Quảng Tín, nhan đề là “Chỉ dẫn tổng quát về việc ngừng bắn”. Tổng thống Thiệu rất tức giận cho rằng cán bộ CS ở một tỉnh nhỏ còn biết nhiều chi tiết về hội nghị Paris hơn ông. (Nguyễn Mạnh Hùng dịch, Không hòa bình, chẳng danh dự, Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam, California: Nxb. Viet Tide, 2003, tt. 221. Nguyên bản của Larry Berman, No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam, New York: Simon & Schuster, 2001.)

Trong cuộc hội kiến tại Dinh Độc Lập ngày 19-10, Kissinger trình lên tổng thống Thiệu bản dự thảo hiệp ước bằng Anh ngữ. Phía chính phủ Sài Gòn đòi xem bản dự thảo bằng Việt ngữ, nhưng Kissinger trả lời không mang theo. Sau hai giờ thảo luận (từ 11 giờ đến 1 giờ), cuộc họp chấm dứt. Hôm sau, 20-10, Kissinger gặp nhóm phụ tá của tổng thống Thiệu tại tư thất của ngoại trưởng Trần Văn Lắm. Cuộc họp khá căng thẳng. Hoàng Đức Nhã yêu cầu Kissinger giải thích 64 điểm trong dự thảo hiệp ước, nhưng Kissinger cho rằng chỉ có 8 điểm là quan trọng. Cuộc họp rất gây cấn vì VNCH không chịu nhượng bộ. Sau cuộc họp, Hoàng Đức Nhã gặp tổng thống Thiệu báo cáo tình hình và đề nghị tổng thống hủy bỏ phiên họp với Kissinger dự tính vào chiều hôm đó. (Larry Berman, sđd., Nguyễn Mạnh Hùng dịch, tr. 226.)

Kissinger đành qua Pnom Penh gặp Lon Nol, rồi ngày 21-10 quay trở về Sài Gòn. Trong cuộc họp với Kissinger ngày hôm sau 22-10-1972, tổng thống Thiệu tố cáo Hoa Kỳ thông đồng cùng Liên Xô và Trung Quốc nhằm lật đổ chế độ VNCH và tổng thống Thiệu đã bác khước hầu như từng điểm một bản dự thảo hiệp định do Kissinger đưa ra. Hôm sau, 23-10, Kissinger đến Dinh Độc Lập thuyết phục tổng thống Thiệu lần chót nhưng không được. Kissinger lên máy bay về nước cùng ngày. (Larry Berman, sđd., Nguyễn Mạnh Hùng dịch, tt. 219-243.)

Ngày 24-10-1972, trong khi chính phủ Hoa Kỳ tạm ngưng các cuộc oanh kích phía trên vĩ tuyến 20 ở BVN nhằm đáp lại những thỏa thuận trong các cuộc mật đàm tại Paris, thì tổng thống Thiệu tuyên bố tại Sài Gòn rằng tất cả những đề nghị hòa bình thảo luận giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris là không thể chấp nhận và kêu gọi quân đội VNCH cương quyết quét sạch quân đội CS ra khỏi lãnh thổ miền NVN.

Trước phản ứng mạnh mẽ của tổng thống Thiệu, cả phía Hoa Kỳ lẫn phía CSVN đều tức giận. Hoa Kỳ đổ lỗi cho VNCH gây trở ngại cho việc ký kết hiệp định. Lúc đó, người Hoa Kỳ dọa đưa tổng thống Thiệu lên máy bay ra nước ngoài ngày 26-10-1972. (Chính Đạo, sđd. tt. 98-99.) Hà Nội tố cáo là Hoa Kỳ phá hoại hiệp định bằng cách đổ lỗi cho những khó khăn từ phía Sài Gòn.

Theo dự tính, Kissinger sẽ có mặt ở Hà Nội ngày 23-10-1972 để ký tắt hiệp định, nhưng vì không thuyết phục được tổng thống Thiệu, nên Kissinger quay về Hoa Kỳ. Ngày 26-10-1972, tại Hà Nội, đài phát thanh CS công bố tóm lược 9 điểm thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và BVN về dự thảo hiệp định ngưng bắn. Tại Paris, Xuân Thủy họp báo cho biết rằng Hoa Kỳ và BVN đã đạt được thỏa hiệp ngày 17-10-1972, trừ hai điểm: việc trao trả tù binh và chuyển giao võ khí sau ngưng bắn. Xuân Thủy trách rằng dầu BVN đã chấp nhận tất cả những đề nghị của Hoa Kỳ về các điểm nầy, nhưng Hoa Kỳ từ chối ký kết hiệp định vào ngày 31-10-1972 và đòi hỏi phải thương lượng thêm nữa.

Tại Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo tại tòa Bạch ốc ngày 26-10-1972, Kissinger tuyên bố rằng “Chúng tôi tin tưởng hòa bình đang ở trong tầm tay.” (Nguyên văn: “We believe that peace is at hand.” (Richard Nixon, sđd. tr. 705.) Tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa chấp nhận ký kết hiệp định ngày 31-10-1972. Tại Sài Gòn, tổng thống Thiệu tuyên bố ngày 1-11-1972 rằng sơ thảo hiệp định là “sự đầu hàng cộng sản” và “bán đứng” VNCH. (John S. Bowman, sđd. tt. 204-205.)

Dầu chưa ký hiệp định về Việt Nam, ngày 7-11-1972, Richard Nixon tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, có thể nhờ đã rút khá nhiều quân Hoa Kỳ về nước và những thành công ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc. Ngày 14-11-1972, Nixon gởi thư cho tổng thống Thiệu hứa sẽ bảo vệ miền NVN, bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng mạnh nếu Hà Nội vi phạm cuộc ngưng bắn và ra lệnh cho Kissinger đưa cho Lê Đức Thọ những điểm sửa đổi hiệp định do tổng thống Thiệu đưa ra. (John S. Bowman, sđd. tr. 205.)

Dầu tố cáo lẫn nhau, Kissinger và Lê Đức Thọ mật đàm trở lại lần thứ 21 ngày 20-11-1972. Hai điểm khác biệt chính được nêu ra là vấn đề chính phủ Thiệu và chủ quyền miền Nam, và vấn đề lực lượng kiểm soát ngưng bắn tại Việt Nam, mà Hoa Kỳ đề nghị nhiều ngàn người còn BVN đề nghị chỉ 250 người. Sau cuộc họp mật từ ngày 23 đến 25-11-1972, hội nghị gặp bế tắc. Dư luận cho rằng hai vấn đề làm thất bại cuộc họp là sự thành lập và hoạt động của ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến và đòi hỏi của tổng thống Thiệu là toàn thể quân đội BVN phải rút ra khỏi NVN.

Ngày 4, 6 và 7-12 lại mật đàm lần thứ 22, nhưng vẫn khó khăn ở điểm VNCH đòi BVN phải rút quân, trong khi BVN đòi Hoa Kỳ trở lại với thỏa thuận ngày 17-10-1972. Ngày 10-12-1972, chuyên viên hai bên bắt đầu hiệu đính hiệp định theo ngôn ngữ của mình (Anh và Việt). Ngày 13-12, sau khi gặp lần nữa với Lê Đức Thọ, Kissinger về Hoa Kỳ trình với tổng thống Nixon.

Vấn đề khó khăn nhất là tổng thống Thiệu đòi hỏi BVN phải rút quân, hay ít nhất là phải thừa nhận chủ quyền của chính phủ VNCH ở NVN, vì điều đó cho thấy sự hiện diện của quân CS BVN là bất hợp pháp. Kissinger đề nghị Nixon mở cuộc oanh kích BVN ngay từ lúc đó hay sẽ oanh kích mạnh mẽ BVN nếu cuộc mật đàm lần tới thất bại.

Ngày 14-12-1972, tổng thống Nixon kêu gọi Hà Nội thương thuyết nghiêm chỉnh để tránh bị dội bom. Hai hôm sau, trong một cuộc họp báo, Kissinger cho biết cuộc hòa đàm thất bại vì Hà Nội không chấp nhận một nền hòa bình công chính và hợp lý do tổng thống Nixon đề nghị. Hà Nội và MTGPMN vẫn nhắc lại luận điệu cũ, tố cáo Hoa Kỳ phá hỏng hòa đàm.

Ngày 18-12-1972, chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh thực hiện chiến dịch Linebacker II, thường được gọi là cuộc “oanh kích Giáng Sinh”, tấn công dữ dội cả hai vùng Hà Nội và Hải Phòng. Trong khi đó, tuy không mật đàm, nhưng cuộc họp công khai hai/bốn bên vẫn tiếp tục. Trong phiên họp lần thứ 171 ngày 21-12-1972, phái đoàn VNDCCH và MTDTGP bỏ phòng họp, phản đối việc Hoa Kỳ dội bom BVN.

Ngày 26-12-1972, BVN đồng ý tái mật đàm trong vòng năm ngày sau khi ngưng dội bom. Ngày 30-12-1972, Nixon ra lệnh ngưng oanh tạc những mục tiêu BVN ở phía bắc vĩ tuyến 20. Phía nam vĩ tuyến nầy vẫn tiếp tục bị tấn công.

Phiên họp công khai hai/bốn bên thứ 172 tái tục ngày 4-1-1973, trong khi Kissinger và Lê Đức Thọ mật đàm trở lại bắt đầu từ ngày 8-1-1973. Đây là cuộc mật đàm lần thứ 23 giữa hai bên. Trong ngày 11-1-1973, Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo nghị định thư về sự đóng góp của Mỹ sau chiến tranh nhằm tái thiết BVN và đòi hỏi số tiền lên đến 5 tỷ Mỹ kim. Kissinger trả lời là vấn đề đó sẽ được giải quyết sau khi hiệp định đã được ký kết và tổng thống Hoa Kỳ sẽ gởi công hàm về vấn đề nầy. (Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ sđd. tr. 397.)

Cũng trong ngày hôm đó, Kissinger điện cho Nixon là đã hoàn tất hiệp định kể cả dự tính ngày ký kết. Cuộc mật đàm lần nầy kết thúc ngày 13-1-1973. Theo Nixon, vì hòa đàm đã tiến bộ nên ngày 15-1-1973, Nixon ra lệnh chấm dứt chiến dịch Linebacker II, chấm dứt oanh tạc và chấm dứt phong tỏa BVN. (Còn tiếp) (Trích Việt sử đại cương tập 7, sẽ xuất bản.)

(Toronto, 16-01-2013)

© Trần Gia Phụng

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link